VATICAN TỔ CHỨC MỘT HỘI THẢO CHƯA TỪNG CÓ VỀ QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC
Vào ngày 21 tháng 5, Tòa Thánh sẽ tổ chức một hội thảo quốc tế với sự tham dự của Giám mục Thượng Hải, người đã đến với sự chấp thuận của Bắc Kinh, đồng thời là chủ tịch của một học viện Trung Quốc rất tích cực trong phong trào Hán hóa các tôn giáo. Lần đầu tiên trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Vatican.
Đại học Giáo hoàng Urbanô
Thông thường ở Vatican, người ta không nói về chuyện đó. Mối quan hệ với Bắc Kinh là một trong những chủ đề kín đáo. Tuy nhiên, Phủ Quốc vụ khanh đã quyết định tổ chức vào thứ Ba ngày 21 tháng Năm một hội thảo cấp cao về quan hệ giữa Rôma và Bắc Kinh. Chương trình này đã được đưa lên mạng một cách kín đáo, hôm thứ Sáu ngày 10 tháng Năm, nhưng hiện tại Vatican vẫn chưa công khai bất kỳ điều gì về nó.
Ngoài chủ đề cơ bản – “100 năm sau Công đồng về Trung Quốc: giữa lịch sử và hiện tại” – hội thảo này nghe có vẻ giống như một tín hiệu chính trị lớn, vì một số quan chức cấp cao của Trung Quốc sẽ tới tham dự. Về phía Giáo hội, đây trước tiên sẽ là trường hợp của Giám mục Thượng Hải, Đức cha Giuse Thẩm Bân. Một sự đi lại không thể được thực hiện nếu không có sự chấp thuận của Bắc Kinh.
Đức cha Thẩm Bân đã trở thành đối tượng căng thẳng đặc biệt giữa Vatican và Trung Quốc, vì chính quyền Trung Quốc đã đơn phương quyết định, vào tháng 4 năm 2023, về việc bổ nhiệm ngài. Tin tức này được một số người giải thích là vi phạm thỏa thuận đạt được với Tòa Thánh vào năm 2018, theo đó hai bên phải đồng ý trước khi bổ nhiệm bất kỳ Giám mục nào ở Trung Quốc. Tuy nhiên, như một dấu hiệu xoa dịu, Đức cha Thẩm Bân hiện cũng được Rôma coi là giám mục Thượng Hải.
Đại diện chế độ Trung Quốc
Về phía chính phủ, chương trình của hội thảo này, sẽ diễn ra tại Đại học Giáo hoàng Urbanô, sẽ có sự hiện diện của một nhân vật chủ chốt của chế độ Trung Quốc trong việc tổ chức các tôn giáo trong nước. Thực chất đây là nhà nghiên cứu Zheng Xiaojun, bà được giới thiệu là giám đốc Viện Tôn giáo Thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Nhưng người phụ nữ năm mươi tuổi này cũng là chủ tịch của Hội Tôn giáo Trung Quốc.
Hai tổ chức này đóng vai trò hàng đầu trong phong trào “Hán hóa” các tôn giáo, hệ tại việc mang lại màu sắc dân tộc cho tất cả các tôn giáo hiện diện trong nước. Phong trào này được phát động vào những năm 1950 bởi chế độ Mao, chế độ này đã thành lập các hiệp hội tôn giáo chính thức, cắt đứt mọi liên kết với Vatican trong dịp này. Một động thái thân thiết đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, người tiếp tục củng cố nó.
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, trong đó Zheng Xiaojun, có mặt tại Rôma, thực hiện những trách nhiệm cao cả, được thành lập vào năm 1964 để giám sát các nghiên cứu học thuật về tôn giáo ở Trung Quốc. Viện thể hiện mình như một nền tảng nhằm nghiên cứu về “quan điểm tôn giáo theo chủ nghĩa Mác”. Đặc biệt, nó bao gồm một “phòng thí nghiệm nghiên cứu về quan điểm tôn giáo theo Mác”. Ngoài phát biểu bà Zheng Xiaojun, còn có phát biểu của giáo sư Liu Guopeng, cũng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Về phía Công giáo, một chuyên gia giỏi về vấn đề Trung Quốc, nhận xét: “Việc tham gia, ở Rôma, của một nhân vật Trung Quốc ở cấp độ này vào một sự kiện công cộng do Vatican tổ chức là chưa từng có”. Tín hiệu càng mạnh mẽ hơn vì hội thảo này sẽ diễn ra trong một trường đại học của Tòa Thánh, nghĩa là trên lãnh thổ Vatican. “Đó không hề là một chi tiết”.
Chính sách xoa dịu
Trong hội thảo này, Tòa Thánh dự kiến phát đi một thông điệp video từ chính Đức Thánh Cha. Đức Phanxicô hiếm khi nói về Trung Quốc, ngay cả khi vấn đề này đặc biệt khiến ngài quan tâm. Lần cuối cùng ngài nói về chủ đề này là vào tháng 9 năm 2023, trong chuyến đi tới Oulan-Bator, thủ đô của Mông Cổ. Lúc đó, ngài kêu gọi người Công giáo Trung Quốc hãy trở thành “những công dân tốt”. Một số người giải thích những lời này là mong muốn cho Bắc Kinh thấy rằng Rôma không tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Các phát biểu cấp cao khác sẽ diễn ra vào thứ Ba, ngày 21 tháng Năm. Chẳng hạn, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, sẽ kết thúc buổi sáng làm việc, trong khi Đức Hồng y Luis Antonio Tagle sẽ phát biểu vào cuối ngày. Hai người này chính thức chịu trách nhiệm về hồ sơ gai góc của Trung Quốc, mà về mặt lý thuyết được quản lý bởi Phủ Quốc vụ khanh và Bộ Loan báo Tin Mừng (mà Đức Hồng y Tagle là quyền Tổng trưởng). Chính Bộ này, thừa kế Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, giám sát toàn bộ việc tổ chức của Giáo hội Công giáo ở phía nam rộng lớn của thế giới, bao gồm cả Trung Quốc.
Theo thông tin của La Croix, hội thảo này, trong những ngày tiếp theo, cũng có thể đưa ra một “thông báo quan trọng” trong lĩnh vực quan hệ giữa Trung Quốc và Vatican. Ở Rôma, một số người đang nói về khả năng thành lập một văn phòng liên lạc giữa Bắc Kinh và Tòa Thánh. Tin tức này, nếu được xác nhận, sẽ tạo nên một sự kiện rất quan trọng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nhà lãnh đạo cấp cao của Giáo hội Công giáo.
Tý Linh
(theo Loup Besmond de Senneville, nhật báo La Croix , và Vatican News)
Tags: Á-Châu, Giáo-Hội-&-Nhà-Nước, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- TẠI SAO GIÁM MỤC KHÔNG ĐEO NHẪN GIÁM MỤC VÀO THỨ SÁU TUẦN THÁNH?
- THÁNH LỄ THỨ NĂM TUẦN THÁNH: “TÌNH YÊU LÀ CHỨC TƯ TẾ DUY NHẤT”
- THỨ NĂM TUẦN THÁNH CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỚI CÁC TÙ NHÂN Ở RÔMA
- BÀI GIẢNG LỄ DẦU 2025 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ: SỨ VỤ LINH MỤC LÀ CÔNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA
- BÀI GIÁO LÝ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. II. CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU. NHỮNG CUỘC ĐỐI THOẠI. BÀI 5. NGƯỜI CHA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT. EM CON ĐÃ MẤT MÀ NAY LẠI TÌM THẤY (Lc 15, 32)
- VATICAN CHÍNH THỨC GIẢI THỂ HỘI ĐỜI SỐNG TÔNG ĐỒ SODALICIO
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾP KIẾN PHÁI ĐOÀN CÁC NHÂN VIÊN Y TẾ CỦA BỆNH VIỆN GEMELLI
- MỘT BỨC TƯỢNG “ĐỨC MẸ HOA HƯỜNG MẦU NHIỆM” ĐƯỢC LÀM PHÉP TRONG KHU VƯỜN VATICAN
- TÒA THÁNH CẢI TIẾN VIỆC ĐÀO TẠO BỘ MÁY NGOẠI GIAO CỦA MÌNH
- TUẦN THÁNH 2025: ĐỨC PHANXICÔ ĐÃ CHUẨN BỊ CÁC BÀI SUY NIỆM ĐÀNG THÁNH GIÁ
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT LỄ LÁ 2025: ĐỐI DIỆN VỚI NHỮNG ĐAU KHỔ, HÃY LUÔN CẢM NHẬN VÒNG TAY YÊU THƯƠNG QUAN PHÒNG CỦA THIÊN CHÚA
- BÀI GIẢNG LỄ LÁ 2025: “VÁC THÁNH GIÁ CỦA CHÚA KITÔ LÀ CÁCH CỤ THỂ NHẤT ĐỂ CHIA SẺ TÌNH YÊU CỨU ĐỘ CỦA NGƯỜI”
- THÁNH LỄ VÀ Ý LỄ, MỘT SẮC LỆNH MỚI NHẰM BẢO ĐẢM SỰ MINH BẠCH VÀ ĐÚNG ĐẮN HƠN
- ĐỨC PHANXICÔ : “CHÚC MỪNG CHÚA NHẬT LỄ LÁ VUI VẺ VÀ TUẦN THÁNH SỐT SẮNG!”
- GIỮA TIẾP BIẾN VĂN HÓA VÀ HỘI NHẬP VĂN HÓA, BÀI HỌC CỦA BA NGHỆ SĨ CÔNG GIÁO VIỆT NAM
- CHA ROBERTO PASOLINI: QUA VIỆC LÊN TRỜI, CHÚA GIÊSU MỜI GỌI CHÚNG TA TRỞ THÀNH CHỨNG NHÂN CỦA NGƯỜI
- ĐỨC PHANXICÔ GẶP GỠ CÁC VỊ ĐỨNG ĐẦU CÁC BỘ
- PHÁP : KỶ LỤC MỚI VỀ SỐ LƯỢNG NGƯỜI DỰ TÒNG VÀO NĂM 2025!
- LÀN SÓNG DỰ TÒNG: GIÁO HỘI PHÁP TÁI KHÁM PHÁ SỨC MẠNH CỦA SỰ HOÁN CẢI
- CHUYẾN VIẾNG THĂM BẤT NGỜ CỦA ĐỨC PHANXICÔ ĐẾN ĐỀN THỜ THÁNH PHÊRÔ ĐỂ CẦU NGUYỆN TẠI MỘ CỦA ĐỨC PIÔ X