VỀ CÁCH DÙNG THUẬT NGỮ « ƠN GỌI » (*)

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 12th, 2012. Posted in Linh mục, Lm Võ Xuân Tiến, Ơn gọi, Tu sĩ

Dẫn nhập

Có phần nào nhà ngữ pháp nơi thần học gia, Y. Congar, trong số những người khác, đã nói như thế, vì tầm quan trọng mà Kitô giáo nhìn nhận đối với lời (logos) diễn tả đức tin Kitô giáo : « Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã loan báo cho anh em, mà anh em đã lãnh nhận và đứng vững, cũng nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu độ, nếu anh em giữ đúng lời (logos) mà tôi đã loan báo nó cho anh em » (1Cor 15, 1-2). Đó là manh nha « chính-lời » (« ortho-logie »), chính truyền (orthodoxie), sự điều chỉnh cách dùng từ ngữ, với nguy cơ của sự chính xác quá tỉ mỉ và định nghĩa, về mặt giáo thuyết cũng như xã hội, đến nỗi nó có thể ảo tưởng về các khả năng và giới hạn của công thức tín điều trong sự chuyển động của đức tin và một cách giả tạo giúp cho việc buộc tội lẫn nhau là lạc giáo và ly giáo.

Thế mà, ơn gọi là một trong những thuật ngữ  mà cách sử dụng Kitô giáo đã làm nổi bật, lại được tìm thấy nơi những cách dùng tục hóa của nó. Vấn đề của nó không phải cùng trật tự như vấn đề của các thuật ngữ như « ngôi vị » hay « bản tính », nhưng nó khá quan trọng để thuật ngữ là đối tượng của những cuộc tranh luận thần học và của những lối giải thích đích thực của huấn quyền. Chẳng hạn, lối giải thích của Sách giáo lý Rôma năm 1566 minh xác rằng : « Được xem là được Thiên Chúa kêu gọi (vào thừa tác vụ linh mục) những ai được các thừa tác viên hợp pháp của Giáo hội kêu gọi » (phần thứ hai, chương 7, câu hỏi 3) hay gần đây hơn, vào năm 1912, cách giải thích của Ủy ban hồng y, được thánh Giáo hoàng Piô X phê chuẩn, về cuốn sách của J. Lahitton, Ơn gọi linh mục. Vấn đề rõ ràng là mối tương quan giữa ơn gọi (vocation, ơn thiên triệu) của một chủ thể bởi Thiên Chúa và lời kêu gọi (appel) của Giáo hội trong trường hợp các thừa tác vụ của Giáo hội. Cuộc tranh luận thần học và mục vụ đặc biệt liên quan đến lời kêu gọi về thừa tác vụ linh mục, đặc biệt ở đâu người ta cho rằng con số linh mục trở nên thiếu hụt trầm trọng đối với những nhu cầu của đời sống và sứ mệnh của Giáo hội. Dù người ta nhấn mạnh đến ơn gọi được thể hiện thành sự ứng cử cần thử thách hay đến lời kêu gọi được phân định của Giáo hội, thì mối lưu tâm vẫn là như nhau. Nó được mở rộng ra nơi mối lưu tâm các ơn gọi tu trì, và qua đó, nơi mối lưu tâm các ơn gọi kitô hữu. Vì ở đây là vấn đề từ ngữ, nên thật thú vị để quan sát thấy những thay đổi tựa đề của tạp chí Các Bạn Trẻ và các Ơn Gọi (Jeunes et Vocations) : trước tiên vào năm 1901, nó được gọi là Tuyển chọn (ơn gọi) linh mục (Recrutement sacerdotal), rồi vào năm 1954, được gọi là « Các Ơn gọi linh mục và tu sĩ » (Vocations sacerdotales et religieuses), cuối cùng vào năm 1964 được gọi là Ơn thiên triệu (Vocation) (**).

Một gợi hứng Thánh Kinh nổi bật

Sự nổi bật của ơn thiên triệu trong văn hóa Kitô giáo đến từ lối sử dụng Thánh Kinh của động từ « kêu gọi » (« appeler »), khi nó có Thiên Chúa là chủ thể và con người tự do, cá nhân hay cộng đoàn, như là đối tượng nhắm đến, có trách nhiệm về lời đáp trả của mình, về sự vâng phục của mình, về lời hứa của mình, về sự dấn thân của mình. Có thể nói, các trình thuật về ơn gọi sắp xếp trình bày  đặc tính quyết định của ơn thiên triệu trong một biến cố xảy đến bật chợt vào một thời điểm nào đó, nhưng chúng cho hiểu rằng Thiên Chúa, Đấng kêu gọi, không để mình bị hạn chế phạm vi. Người ta đọc thấy điều đó nơi thánh Phaolô cũng như nơi thánh Augustin.

Bởi thế xuất hiện ngay một ý nghĩa mà không được quên nếu người ta muốn suy nghĩ về mặt thần học và được tóm tắt đúng đắn bởi K.L. Schmidt trong bài viết « Kalein » của TWNT (***) : « Thiên Chúa kêu gọi bằng ân sủng của Người và vì ân sủng của Người. »

Ơn thiên triệu cho thừa tác vụ ngôn sứ hay tông đồ được ghi khắc trong sự chuyển động này qua đó Thiên Chúa « không ngừng tập hợp dân của Người ». Chính trong viễn ảnh đức tin và đực cậy đối thần này mà thánh Phaolô dám  nói về việc Thiên Chúa tiền định chúng ta từ nguyên thủy của ơn gọi của chúng ta : « Những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi họ » (Rm 8, 30). Từ thánh Augustin đến Luther, Calvin và đến những người theo thuyết khắc khổ (jansénistes), người ta đã sử dụng và lạm dụng câu này, thậm chí đối với ơn gọi cho một thừa tác vụ Giáo hội hay cho một tình trạng sống nào đó, ngay cả đối với Luther, cho một nghề nghiệp (un Beruf).

Ơn thiên triệu, tiếng gọi vì Nước Thiên Chúa

Ơn thiên triệu của Thiên Chúa triệu tập và tập hợp Giáo hội là một tiếng gọi của Thiên Chúa, rõ ràng mời gọi cho Vương quốc của Người.

Các nhà cải cách của thế kỷ XVI, đặc biệt chống lại thuyết ưu tuyển của ơn gọi đan tu, đã nhắc lại sự ưu tiên của ơn gọi chung cho Nước Thiên Chúa so với mọi ơn gọi đặc thù và, cùng một phong trào, đã mở rộng khái niệm ơn gọi cho tất cả mọi nghề nghiệp và thân phận con người, mà Luther gọi cùng một từ « Beruf », mà ông đã đặt ra để dịch từ « klêsis » (« ơn gọi »).

Công đồng Vatican II đã làm nổi bật ơn gọi của tất cả dân Thiên Chúa cho Nước Thiên Chúa và « ơn gọi phổ quát nên thánh », mà cụ thể gợi lên một lời đáp trả muôn vẻ, trong « sự đa dạng lối sống và trách vụ » (LG 41). Đối với thánh Phaolô, người được kêu gọi tuyệt vời, mà ơn gọi riêng của ngài hội nhập, biểu lộ cách nào đó ơn gọi của tất cả những người được kêu gọi, Do Thái hay Hy Lạp, do đó, (biểu lộ) sự triệu tập của Giáo hội trong mỗi nơi chốn mà ngài loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu-Kitô, thế nhưng, (ngài) không biến Giáo hội thành cùng đích của tiếng gọi. Đúng hơn, nó là « sự hiệp thông của Chúa Giêsu-Kitô » (1Cor 1, 9), Nước Thiên Chúa, vinh quang của Người, sự thánh thiện của Người (1Th 2, 12 và 4, 7), sự tự do (Gal 5, 13). Chính ngài, dù hoàn toàn là tông đồ và mang « mối lưu tâm của tất cả các Giáo hội » (2 Cor 11, 28), sẵn sàng để người khác loan báo Chúa Kitô, và sẵn sàng « ra đi để ở với Chúa Kitô », vì đối với ngài, điều đó là « tốt hơn bội phần » (Phil 1, 23).

Để nhắc lại tính hợp pháp truyền thống của việc mục vụ  ơn gọi, của sự chất vấn của Giáo hội về một trong những thành viên của mình, vào thời các Giáo Phụ, người ta trích dẫn cách thực hành những cuộc phong chức bó buộc đối với Giám mục. Nhưng cũng cần phải nhớ rằng trong nhiều trường hợp, người ta cưỡng buộc những người vốn đã đáp lại lời kêu gọi cho một đời sống Kitô hữu (và) triệt để hơn, đời sống Tin mừng  rồi. Thánh Paulin de Nole, nhà quý tộc giàu có vùng Bordeaux, đã hoán cải bước theo Chúa Kitô rồi, thì ngài bị cưỡng buộc thụ phong linh mục. Vả lại, ngài chỉ chấp nhận điều đó với điều kiện là « chỉ phục vụ cho Chúa », mà không bị ràng buộc với một Giáo hội, cho dầu cuối cùng ngài trở thành Giám mục Nole. Trường hợp của thánh Augustin là tiêu biểu. Ngài đã nói về bản thân rằng ngài sợ được đặt làm Giám mục vì danh tiếng mà ngài hưởng như là một diễn giả hùng biện sáng giá và là một người hoán cải đích thực : không chỉ « Kitô hữu công giáo » nhưng còn là « tôi tớ của Thiên Chúa », đã từ bỏ « thế gian » để sống, chắc chắn theo cách của ngài, một hình thức sống khổ hạnh. Nếu ngài chấp nhận được « làm linh mục » rồi Giám mục, do đó từ bỏ sự tùy ý thánh thiện của « tình yêu chân lý » (« caritas veritatis ») để chia sẻ với Chúa Kitô « sự cấp thiết của đức ái » bằng cách mang trách vụ mục tử của một Giáo hội, thì ngài không hoàn toàn từ bỏ « sự ngọt ngào của sự chiêm ngắm » và nhất là không quên « rằng Giám mục là danh xưng của một trách vụ, đang khi mà là Kitô hữu là danh xưng của một ân sủng » (bài giảng 340). Trong bài viết nổi tiếng của mình năm 1959 về « Các ơn gọi », H.-M. Feret phân biệt ba loại ơn gọi : ơn gọi cho sự hoàn hảo của đức ái, cho sự thực hành các lời khuyên Phúc Âm và cho những  thừa tác vụ khác nhau của Giáo hội. Nhưng ông nhấn mạnh rằng, nếu một số đông Kitô hữu đã đẩy việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm « cho đến những khả năng cuối cùng của nó, dù vẫn ở trong thế gian hay gia nhập một dòng tu », thì cũng thế, có một « số đông đáng kể hơn nữa các Kitô hữu nam nữ sẵn sàng ứng trực…cho việc chỉ định đến các thừa tác vụ [1]. »

Ở đây xuất hiện cho chúng ta sự chuyên môn hóa Kitô giáo  đầu tiên và bền vững của thuật ngữ « ơn gọi» nơi ơn gọi đan tu và tu sĩ, so sánh với sự chuyên môn hóa thuật ngữ « huynh đệ », « tình huynh đệ » từ thế kỷ thứ III, cho các đan sĩ và các Giám mục.

Người ta nói về ơn gọi tu sĩ rằng Giáo hội không kêu gọi người nào vào đó nhưng « đón nhận » họ và bảo vệ đặc sủng của họ. Quả thế, không phải Giáo hội đã kêu gọi thánh Antôn, tổ phụ của các đan sĩ, nhưng Đấng, vào lúc ngài nghe đọc Mt 19, 21 trong một nhà thờ, đã nói với ngài, « như thể, thánh Augustin nói, được nói với ngài những gì được đọc ». Bởi thế, các đan sĩ đã bỏ các thành phố và nhà thờ của họ để vào sa mạc hay vì một hành trình thần bí, rồi tông đồ, qua đó làm nảy sinh những cộng đoàn Kitô hữu mới. Vì thế, không kinh ngạc gì khi J.M.R. Tillard đã có thể viết : « Việc hội nhập đời sống tu trì vào trong Giáo Hội thường có hương vị mãnh liệt  [2] ». Nhưng ơn gọi tu sĩ chỉ là một sự hiện tại hóa mãnh liệt ơn gọi phép rửa mà, qua và trong Giáo hội, là một lời kêu gọi của Thiên Chúa. Đức tin đáp lại lời kêu gọi này « không dựa vào thẩm quyền của Giáo hội, Karl Rahner nhận xét, nhưng là một quyết định mà mỗi người thực hiện trong sự tĩnh lặng của lương tâm mình [3] ». Người Kitô hữu có thể sống điều đó vào những giây phút mấu chốt khác của cuộc sống của mình. Như anh nông dân người Áo, Franz Jägerstätter, mà lương tâm Kitô hữu của anh cấm anh tham gia vào cuộc chiến của Hitler chống lại Nga, thậm chí viện cớ là chiến đấu chống chủ nghĩa bônsêvic. Trong sự quyết định này, người Kitô hữu Công giáo này đặt mình trước nhan Thiên Chúa và Tin Mừng. Cha sở và Giám mục của anh chỉ có thể đặt anh đối diện với những trách nhiệm gia đình và cuối cùng để anh với sự tĩnh lặng của quyết định của mình, « chỉ nếu anh cảm thấy được Thiên Chúa kêu gọi vào đó », chứ không phải được thúc đẩy bởi lòng kiêu ngạo của mình. Thật ra, không bao giờ anh bài xích tất cả những ai đã hành động khác với ông [4].

Cung cấp cho nhu cầu của Giáo hội.

Phận vụ của Giáo hội là cung cấp cho mình những thừa tác viên mà Giáo hội cần và lãnh nhận từ Thiên Chúa.

Khi thánh Phaolô viết thư cho tín hữu Galát mà ngài là Tông đồ « không phải bởi loài người cũng chẳng phải bởi một ai, nhưng bởi Chúa Giêsu-Kitô và Thiên Chúa, Đấng làm cho Ngài chỗi dậy từ kẻ chết » (Gal 1, 1), thì ngài ở vị thế của một vị sáng lập Giáo hội. Ngài không chỉ là một « nhà mô phạm » nhưng là một người « cha » đã « sinh ra trong Chúa Kitô Giêsu » những Kitô hữu mới (1 Cor 4, 15). Đó không thể là vấn đề đối với ngài, cũng không phải đối với các ngôn sứ mà ngài so sánh ơn gọi của họ với ơn gọi của mình, về một lời kêu gọi của Giáo hội nhưng chỉ là về một ơn gọi bởi Thiên Chúa trong Chúa Giêsu-Kitô, để phục vụ Tin Mừng và Giáo Hội. Tuy nhiên, chính ý nghĩa của ơn gọi tông đồ này cho phép và đòi hỏi một cách chứng thực bởi các Giáo Hội (x. Gal 1, 8 và 1Cor 9, 1-2).

Nhưng, từ giây phút mà các Giáo hội hiện diện ở đó, họ trở nên có trách nhiệm về sự tồn tại riêng của họ và về tính xác thực Kitô giáo của mình giả thiết sự trung thành của mình với các Tông đồ « đã để lại họ đằng sau mình », như R. Brown nói. Chính nơi những Giáo hội này, sau khi các Tông đồ từ trần, mà ý thức và sự tổ chức về tính tông truyền và của những phương tiện đảm bảo nó đã được phát triển. Thánh Irênê đã tổng hợp điều này : Thánh Kinh, trong quy điển chính thức của các Giáo hội, các Công thức đức tin, lời rao giảng sống động của các Giám mục kế thừa nhau trong các Giáo hội kể từ các Tông đồ. Cũng chính trong các Giáo hội này mà, từ những thừa tác vụ lưu động và địa phương, đã phát triển việc tổ chức các thừa tác vụ, mà đưa đến, trong thế kỷ thứ II nơi mỗi một Giáo hội, ba thừa tác vụ Giám mục, linh mục và phó tế, mà theo Truyền thống Tông đồ,  được phong chức qua việc đặt tay của Giám mục và khẩn cầu Chúa Thánh Thần. Các Giáo hội có trách nhiệm cung cấp các thừa tác vụ này dù hoàn toàn đón nhận các thừa  tác vụ của mình từ Thiên Chúa, Cha, Con và Thánh Thần. Việc chính nơi các vị lãnh đạo của các Giáo hội hơn là nơi các thừa tác viên lưu động mà những người kế vị các Tông đồ được nhìn nhận là một dấu chỉ về tầm quan trọng mà chính các Giáo hội nắm giữ để phuc vụ Tin Mừng và trung thành với các Tông đồ, với nguy cơ quên đi chính sự năng động của Tin Mừng (x.2 Th 3, 1).

Sách Didachè là một ví dụ thích hợp của đoạn văn. Người ta đọc thấy ở chương XV : « Hãy chỉ định cho anh em những giám sự và những phó tế xứng đáng của Chúa : những người hiền lành, vô vị lợi, chân thành và đã qua thử thách. Họ cũng thực hiện cho anh em sứ vụ của các ngôn sứ và các tiến sĩ. Bởi thế đừng coi thường họ, vì giữa anh em họ là những người được tôn trọng cũng như là các ngôn sứ và tiến sĩ vậy ».

Nhờ đó đặt ra nguyên tắc, mà  từ lâu đã là quy luật của việc bầu chọn Giám mục bởi Giáo hội địa phương. Đức Giáo hoàng Lêô viết : « Người nào phải lãnh đạo mọi người thì phải được mọi người chọn » (Thứ 10). Điều đó không nên được hiểu bằng một sự bầu chọn dân chủ mà mọi Kitô hữu sẽ có cùng phẩm chất đầu phiếu, vì Giáo hội là có cơ cấu. Chẳng hạn, người ta có thể thấy rõ ràng nơi thánh Cyprianô những vai trò riêng biệt của dân chúng, của hàng giáo sĩ địa phương, và của các giám mục lân cận. Từ thế kỷ thứ IV, những người quý tộc, về sau các vị vua, đã đóng một vai trò đôi khi đáng kể đến độ cần phải tìm ra những phương cách để hạn chế nó. Cũng đôi khi, như trường hợp của thánh Anbrôsiô, việc bầu chọn là sự kiện của một sự nhất trí đại chúng tự phát. Như thế người ta nhìn nhận trong tiếng nói của dân chúng (vox populi) này là tiếng nói của Thiên Chúa (vox Dei). Thế nhưng, hoàn toàn gần đây, Đức Gioan Phaolô II đã loại bỏ cách thức truyền thống có thể xảy ra của việc bầu chọn Giáo hoàng « bằng tiếng hoan hô hay sự cảm hứng chợt đến », để « quan tâm đến những đòi hỏi hiện tại của Giáo hội và của nền văn hóa hiện đại [5] ».

Cũng qua đó con đường được mở ra cho các ứng viên : « Đây là lời đáng tin cậy : nếu ai mong muốn làm giám quản, người ấy ước muốn một điều tốt đẹp » (1Tm 3,1). Tuy nhiên những lời này thậm chí đã làm cho những người sao chép bối rối vì một số thủ bản viết : « Đó là một lời nhân loại, rất nhân loại ». Thánh Tôma Aquinô không kém bối rối hơn, vì một địa vị xã hội và những lợi ích vật chất được phụ thêm vào thiện ích là sự phục vụ hữu ích cho Giáo hội này. Bởi thế, ngài giải thích câu đó như thánh Grêgôriô, cho rằng vào thời mà Giám mục là người trước tiên có nguy cơ tử vì đạo, thì thật đáng ca ngợi việc ước muốn trở nên Giám mục và thật cần thiết để khích lệ các ứng viên (Tổng luận thần học, 2a 2ae, q.185, a.1).

Thánh Tôma đã nhìn đúng đắn. Trên thực tế, ngay cả trước Constantin, chức Giám mục là đối tượng của sự thèm muốn. Origène không kém nghiêm khắc về vấn đề này vào thế kỷ thứ III hơn là sách Giáo lý Rôma vào năm 1566 (phần thứ hai, chương 7, câu hỏi 4). Origène bi quan về cách thức mà các Giám mục trở thành, nhờ sự ủng hộ xin xỏ của dân chúng hay nhờ gia tài, đến nỗi ngài đã đi đến mong muốn rằng chính Thiên Chúa chỉ định vị được chọn của Người như Người đã chỉ định Josuê cho Môise (Bài giảng XXII về sách Dân số). Vì như không thể đơn giản dựa vào một mạc khải như thế, nên các công đồng và các hoàng đế chăm lo những ứng viên tốt. Một giải pháp, thường được thực hành vào thời Cổ đại, và vẫn luôn còn trong các giáo hội Đông phương, là chọn lựa các giám mục trong số các đan sĩ. Sự khuyên bảo của Cassien đến từ lối thực hành này : « Các đan sĩ phải tuyệt đối trốn tránh các phụ nữ và các Giám mục [6] ». Càng hơn thế nữa đối với các đan sĩ mà, dường như vậy,  người ta có thể cưỡng buộc vì những nhu cầu của Giáo hội. Thế nhưng, từ cuối thế kỷ thứ V « sự ưng thuận của tiến chức có khuynh hướng mặc lấy tầm quan trọng mà đã bị từ chối cho ngài cho đến lúc đó [7] ».

Một giải pháp khác là chuẩn bị các Giám mục tương lai bằng cách làm cho họ trước tiên thực thi những chức năng thấp hơn của hàng giáo phẩm, của cursus honorum (hành trình danh dự). Người ta cảm hứng từ lời khuyên nhủ của thư 1Tm 5, 22 : « Đừng vội vả đặt tay cho ai ». Ít ra có ba cấp : cấp đọc sách, cấp phó tế, cấp Giám mục. Người đọc sách, được thu nhận vào trường đọc sách (schola lectorum), có thể còn là một thiếu niên. Như thế, người ta đảm bảo một sự tuyển chọn đủ các thừa tác viên – vì, A. Faivre nói, thiếu giáo sĩ « là một đề tài tuần hoàn liên lỉ của lịch sử hàng giáo sĩ Kitô giáo [8] » – và các ứng viên xứng đáng. Nhưng qua đó « việc chuyển từ bầu chọn sang lối tuyển lựa bổ sung (cooptation) bắt đầu được diễn tả [9] ». Đó là ý tưởng của những gì sẽ là chủng viện thời tridentinô, nó tiếp nhận các trẻ em từ 12 tuổi. Công đồng Tolède thứ 4 năm 633 trước đó đã mở ra con đường. Trong mọi phương diện, đáng chú ý rằng những người Tin Lành đã đi trước công đồng Trentô trong kế hoạch các chủng viện để đào tạo các mục sư [10].

Nhưng người ta không nói về ơn gọi linh mục. Cách này hay cách khác, nó hệ tại việc cung cấp cho Giáo hội một số gọi là đủ – nhưng sự lượng giá này là phức tạp và có thể thay đổi tùy theo các quan điểm được chấp nhận – các thừa tác viên có năng lực và mẫu mực hết sức có thể. Sự cấp thiết này khiến thánh Tôma Aquinô nói rằng nếu Đức giáo hoàng không thể áp đặt cho ai chấp nhận chức Giám mục, thì « phẩm trật giáo sĩ sẽ suy vong…vì có lúc những người có khả năng lại từ chối, trừ phi là bị bó buộc » (Supplément, q. 47, a.6, ad 4). Cùng một sự cấp thiết đã gợi ý cho  thánh Bonaventura một suy tư thực tế, nhưng muốn là siêu nhiên, về các giáo sĩ thời Trung Cổ : Nếu Giáo hội đòi hỏi họ rằng họ bước theo Chúa Kitô khiêm tốn và nghèo khó, thì nó sẽ không tìm ra cho đủ ! (IV Sent ; Dist.24, Pars 1, a.1, q.3). Nhưng có những giới hạn đối với óc thực tế này, như các cải cách hàng giáo sĩ và việc nại đến lý thuyết về ơn gọi linh mục cho thấy.

« Lý thuyết về ơn gọi »

Đó là đầu đề của một bài viết được xuất bản trong tạp chí Le Recrutement sacerdotal, số 38, vào tháng Sáu năm 1910. Tác giả, kinh sĩ A. Degert, giáo sư ở Học viện Công giáo Toulouse và là sử gia danh tiếng, người mà chúng ta mang ơn cuốn Lịch sử các chủng viện Pháp cho đến Cuộc cách mạng (1912), cho thấy rằng lý thuyết về ơn gọi, dường như là điều giả định trước của các chủng viện, mà một trong các mục đích của chúng là phân định nó, lại vắng mặt trong sắc lệnh Cum adolescentium aetas năm 1563 của công đồng Trentô, và trước đó nó không được biết đến. Người ta chỉ nói về các khả năng thủ đắc và về ý hướng ngay thẳng.

 Lý thuyết về « ơn gọi bậc sống giáo sĩ » xuất hiện ở Pháp vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ XVII, điều mà không phải ngẫu nhiên vì, theo A. Degert, « trước tiên, nó đã là một phản ứng chống lại những tục lệ của Pháp » (tr. 171). « Trái với những ứng viên thanh niên hay trưởng thành do bởi động cơ tham vọng cá nhân hay những quyền lợi gia đình hay những lý do trần tục khác, do đó, như Bourdaloue nói, bởi một « ơn gọi nhân loại », thì cần phải làm nổi bật sự cấp thiết của « ơn gọi thần linh ». Từ đó, sự cấp thiết hệ thống hóa, dưới tựa đề ơn gọi giáo sĩ, toàn bộ những điều kiện khác nhau mà chính bản chất của các chức năng giáo sĩ hay những nhu cầu của môi trường mà chúng được thực thi đòi hỏi cho các chức thánh » (tr. 169).

Ơn gọi này có thể nhận biết qua những « dấu hiệu », những « dấu chỉ », mà người ta nhận ra đời sống thánh thiện, những khả năng thực hiện các chức năng của thừa tác vụ, ý hướng trong sáng. Nhưng đó chính là những « dấu hiệu », những « dấu chỉ » của ơn gọi qua đó « các linh mục được Thiên Chúa kêu gọi và được Giáo hội của Người chọn lựa cho việc phục vụ này» (J.-J. Olier). Điều đó nói lên điều gì đó hơn là những khả năng và ý hướng ngay thẳng, điều gì đó mà là một « thiên hướng » (« inclination »), « sự cuốn hút » nổi tiếng mà về sau sẽ nằm ở trung tâm cuộc tranh luận giữa linh mục Xuân Bích Branchereau và kinh sĩ Lahitton và những hiệu chỉnh của Tòa Thánh. Đối với cha Olier, nó không hệ tại một sự chuyển động tình cảm, nhưng là « sự nghiêng mình (inclination) và chuyển động của Thiên Chúa hướng đến bậc sống giáo sĩ. Sự chuyển động này là mạnh mẽ, hữu hiệu, khó nhận thấy ( !) (nghĩa là không bị lay chuyển chút nào bởi bất kỳ đam mê nào của linh hồn), uy quyền, mà mang linh hồn và hướng chiều nó bằng sức mạnh…bằng trạng thái và sự kiên cố bất biến nơi sâu thẳm của nó [11] ».

Từ đó sự khác biệt và mối tương quan giữa ơn gọi « nội tại » (bởi Thiên Chúa) và ơn gọi « ngoại tại » (sự chọn lựa và lời kêu gọi của Giáo hội) là cần thiết. Nó rất rõ ràng nơi Calvin, người đòi hỏi cả hai đối với ơn gọi mục vụ, ơn gọi duy nhất mà ông khai triển những tiêu chuẩn phân định. Người ta lại tìm thấy nó nơi các bài viết thần học về ơn gọi và trong các văn kiện giáo hoàng của thế kỷ XX. Trong Tông Hiến Sedes Sapientiae ngày 31/05/1956, Đức Piô XII, khi cùng nói về ơn gọi tu sĩ và linh mục, một trường hợp cao siêu, « cao cả » của « ơn gọi thần linh đối với bất kỳ bậc sống nào », phân biệt « một yếu tố kép » : yếu tố thần linh và yếu tố giáo sĩ » bằng cách quy chiếu, như Lahitton, về câu của sách Giáo lý Rôma mà chúng ta đã trích dẫn. Cách tương tự, Đức Phaolô VI, trong diễn văn ngày 5/5/1965, mà sắc lệnh Presbyterorum Ordinis số 11 trích dẫn, phân biệt hai cách thế diễn tả tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng kêu gọi : « cách thế nội tại, là cách thế của ân sủng, của Thánh Thần, của sự lôi kéo nội tại khó tả nên lời mà tiếng nói thinh lặng và quyền năng của Chúa thực thi trong sự sâu thẩm khôn dò nhất của linh hồn con người ; cách thế ngoại tại, nhân loại, cảm xúc, xã hội, luật pháp, cụ thể, là cách thế của thừa tác viên xứng đáng của Lời Thiên Chúa, cách thế của hàng phẩm trật. »

Nếu chúng ta trở về với bối cảnh lịch sử và văn hóa của « lý thuyết về ơn gọi » này vào thế kỷ XVI và XVII, thì chúng ta có thể xác định nhiều nhân tố đã ủng hộ nó, bên cạnh những lý do mà Degert đưa ra. Trước tiên, ý thức mới mẻ của cá nhân, của những dự phóng và chọn lựa của nó, bao gồm cả đối với việc nó thuộc về thành phần nào. Rồi mối quan hệ giữa cá nhân này, ngay cả Kitô hữu, và Giáo hội, càng hơn thế nữa vì Giáo hội không còn chỉ được sống như là nơi chốn chắc chắn của ơn cứu độ và vì những phân rẽ của nó bó buộc cá nhân chọn lựa Giáo hội mà nó muốn. Nơi thánh Inhaxiô, người linh thao có thể khám phá rằng tình trạng trong đó người ấy nhận thấy không thể thay đổi (chức linh mục, hôn nhân) không tương ứng với một « ơn gọi thần linh » bởi vì người ấy đã chọn lựa nó bằng một sự « chọn lựa hỗn độn và không ngay thẳng ». Người ấy không còn gì hơn là « hối cải và nỗ lực sống một đời sống tốt lành ở nội tâm của sự chọn lựa của mình » (Exercices, số 172 ****). Cuối cùng, sự lo âu của cá nhân này trước cái chết (Ph. Ariès nói : « cái chết của nó ») và ơn cứu rỗi của mình, nuôi dưỡng những cuộc tranh luận thời đó về sự tiền định, ân sủng và tự do. Đúng là ơn gọi thần linh là do bởi sự tiền định mà ra. Quả đúng đối với Lahitton cũng như đối với Branchereau, với sự khác nhau dĩ nhiên quan trọng này, rằng đối với Branchereau chính ứng viên phân định ơn gọi của mình với sự trợ giúp của vị linh hướng, « người giải thích ý muốn của Thiên Chúa về hướng đi của cuộc sống của ứng viên », đang khi mà đối với Lahitton, chính lời kêu gọi của Giám mục « biểu lộ và truyền đạt tiếng gọi đời đời của Thiên Chúa ».

Trong một viễn ảnh như thế, nói về ơn gọi linh mục chỉ là « áp dụng vào một trường hợp cụ thể một nguyên tắc hoàn toàn tổng quát, nguyên tắc về sự cần thiết của ơn gọi nội tại [12]. » Chúng ta chỉ có thể được cứu độ nếu Thiên Chúa tiền định chúng ta cho ơn cứu độ và Ngài thực hiện điều đó bằng cách phân cho mỗi người chỗ đứng và vai trò của mình trong lịch sử. Trong một tầm nhìn bi quan về các hậu quả của tội nguyên tổ, có thể thêm vào đó sự cần thiết của ơn hiện sủng của Thiên Chúa  đối với mọi hành vi tốt lành, mọi quyết định tốt lành. Vả lại, nơi người Công giáo, ơn gọi linh mục có sự tuyệt hảo của tình trạng và của thừa tác vụ của các linh mục, theo như các Giáo Phụ nghĩ, vì sự cao cả của Thánh Thể cũng như sự bó buộc nên một mẫu gương của đời sống Kitô hữu cho các tín hữu khác. Bởi thế cần phải chăm lo lưu tâm đến việc phân định một ơn gọi như thế.

Bằng một sự nghịch lý quen thuộc với thần học Kitô giáo, « sự chọn lựa tốt lành và ơn gọi thần linh chỉ làm nên một », như G. Fessard nhân xét đối với thánh Inhaxiô Lôyôla. Khi trích dẫn điều đó, M. Bellet bình luận : « Vì sự bầu chọn hệ tại việc chuyển từ một sự gắn bó thuần túy và vững chắc vào Thiên Chúa đến sự chọn lựa một bậc sống, dù là bậc sống nào [13]. » Bởi thế chẳng kinh ngạc lắm việc lời thề hứa được yêu cầu vào năm 1930 đối với các ứng viên các chức thánh quan trọng, liên kết tự do của ứng viên và sự phân định ơn gọi của Thiên Chúa (Điều 1036 của bộ giáo luật 1983 là tối nghĩa hơn). Mối lưu tâm đến sự tự do của tiến chức này, mà chúng ta đã ghi nhận từ cuối thế kỷ V, đã trở nên đòi hỏi hơn nữa trong thời hiện đại. Nó cảm hứng cho việc pháp chế hóa giáo luật hiện hành (điều 1026). Tuy thế, sự pháp chế hóa giáo luật này không hoàn toàn quên rằng vấn đề không hệ tại một sự ứng cử có thể sánh với ước muốn đời sống tu trì, nhưng là một lời kêu gọi tương ứng với « tính hữu ích » của thừa tác vụ cho Giáo hội (điều 1025, §2). Điều 969, §1 của Bộ giáo luật 1917 còn thẳng thừng hơn : « Không có bất kỳ giáo sĩ triều nào có thể được phong chức nếu, theo phán đoán của Giám mục của vị ấy, nó không cần thiết hay hữu ích cho các Giáo hội của giáo phận ». Các từ ngữ phần nào được lấy lại từ Công đồng Trentô dựa trên điều 6 nổi tiếng của Công đồng Chalcédoine [14], kết án những cuộc phong chức được gọi là « tuyệt đối », chứ không liên quan với một thừa tác vụ hữu dụng. Bản văn về các « thừa tác vụ » được Giáo hội cải cách ở Pháp xuất bản gần đây, Giáo hội cải cách này, cũng đương đầu với « việc thiếu các mục sư và các ứng viên », tuyên bố,  theo một sự quân bình phần nào có thể so sánh : « Chúng ta biết, không ai có thể áp đặt một thừa tác vụ cho một Giáo hội hay (áp đặt) một Giáo hội cho một thừa tác vụ » (tr. 82) và thừa nhận rằng « sự khiếu nại của các chứ vụ thừa tác tạo nên một tiến trình tế nhị » (tr. 80) : « Vấn đề hầu như là « haute couture » (thời trang cao cấp), chính vì những tham số của cá nhân và Giáo hội là nhiều và đôi khi mâu thuẫn » (tr.85) !

Ơn gọi truyền giáo.

Giáo hội Công giáo và, cũng chung chung, các thần học gia của mình thừa nhận tính độc đáo của ơn gọi truyền giáo, như là một « ơn gọi đặc biệt » (Ad Gentes 23). Nhưng, vả lại, dù hoàn toàn làm nổi bật Giáo hội địa phương và linh mục đoàn của nó xung quanh Giám mục, Công đồng cũng nhấn mạnh rằng « hồng ân thiêng liêng mà các linh mục đã lãnh nhận lúc chịu chức chuẩn bị cho họ, không phải vào một sứ mệnh hạn chế hay giới hạn, nhưng vào một sứ mệnh cứu độ có tầm mức phổ quát, cho đến tận cùng trái đất (Cv 1, 8) » (Presbyterorum Ordinis 10, x. Ad Gentes 38 và 39). Nếu chúng ta không muốn để trách nhiệm của việc tân Phúc Âm hóa cho các thành viên của các tu hội đời sống thánh hiến, của những cộng đoàn mới và của những phong trào mới, và cho các thừa tác viên chức thánh của họ [15], nếu trái lại, chúng ta muốn thừa nhận rằng thừa tác vụ linh mục chung nhất cũng là một thừa tác vụ Phúc Âm hóa cần được canh tân luôn, mà ngày nay thường biến nó thành một cuộc mạo hiểm rất lý thú nhưng khó khăn và nặng nề, thì như thế chúng ta sẽ không do dự quá phân biệt ơn gọi truyền giáo và ơn gọi linh mục.

Kết luận.

Những thăng trầm của thần học về ơn gọi, của việc nại đến ơn gọi thần linh, của mối tương quan giữa ơn gọi cá nhân và lời kêu gọi của Giáo hội là những biến chuyển của tính phức tạp của chính Giáo hội mà công đồng Vatican II gợi lên bằng những từ ngữ này : « Đoàn thể hữu hình và cộng đoàn thiêng liêng, Giáo hội trần thế và Giáo hội sở hữu những của cải thiên quốc, không nên được xem như là hai thực thể, nhưng chúng hình thành nên một thực tại phức tạp duy nhất, được cấu thành bởi một yếu tố nhân loại và bởi một yếu tố thần linh, được liên kết mật thiết với nhau » (Lumen Gentium 8).

Maurice Vidal, PSS.

———————

[1] H.-M. Feret, ” Vocations ” trong  La Vie spirituelle 100, 1959, tr.66

[2] J.-M. Tillard, Devant Dieu pour le monde. Le projet des religieux, Paris, 1974, tr. 281

[3] K. Rahner, Traité fondamental de la foi, trad. fr. Paris, 1983, tr.386.

[4] G. Zahn, Un témoin solitaire. Vie et mort de Franz Jägerstätter, trad. fr. Paris, 1967.

 [5] Constitution “Universi Domini Gregis“, trong Documentation Catholique số 2134, tr. 253.

[6] Cassien, Institutions, 11, 18.

[7] J. Gaudemet, L’Eglise dans l’empire romain, Paris, 1958, tr.152.

[8] A. Faivre, Ordonner la fraternité, Paris, 1992, tr. 164.

[9] J. Gaudemet, ibid., tr. 108.

[10] X. A. Laurent, “L’influence du protestantisme sur l’origine des séminaires”, dans Pensée catholique 14, 1950.

[11] J.-J. Olier, Traité des Saints Ordres (1676) comparé aux écrits authentiques de J.-J.Olier, Paris 1984, tr.106.

[12] J. Orcibal, La spiritualité de Saint-Cyran, Paris, 1962, tr.50.

[13] M. Bellet, Vocation et liberté, Paris, 1963, tr. 32.

[14] Concile de Trente, Session XXIII, De reformatione, chương.16.

[15] X. la conférence du Cardinal Ratzinger aux mouvements ecclésiaux du 27 mai 1998, dans Documentation Catholique n° 2196, p. 81-92.

—————————-

(*) Maurice VIDAL, « De l’usage du terme « vocation » », trong  Théologie de la vocation, Colloque de l’Institut Catholique de Paris (février 2001), Revue « Jeunes et Vocations », 3e trimestre, số 102, tr 43-50.

(**) Từ năm 1973, có một tạp chí song song với tạp chí « Vocation », đó là Tạp chí « Jeunes et Vocations ». Đến năm 1983 tạp chí « Vocation » bị ngưng lại và từ đó người ta tập trung đầu tư cho Tạp chí « Jeunes et Vocations ». Đến tháng Hai năm 2008, nó chuyển sang tên « Eglise et Vocations » (chú thích của người dịch).

(***) TWNT : viết tắt của Theologisches Worterbuch zum Neuen Testament (Tự điển thần học Tân Ước) (chú thích của người dịch).

(****) Linh thao số 172 ( bản dịch của Lm. Nguyễn Công Đoan và Lm. Mai Sơn) : « Với việc lựa chọn không thể đổi, một khi đã làm không được chọn lại nữa vì không thể cởi bỏ được, chẳng hạn như phép hôn phối, chức linh mục v.v.; chỉ còn một điều, nếu mình đã lựa chọn không phải phép và không đúng trật tự nhưng theo những quyến luyến lệch lạc, thì ăn năn hối hận và cố gắng sống một đời tốt lành trong điều mình đã lựa chọn. Một việc lựa chọn như vậy không cho thấy đó là ơn thiên triệu, vì đó là một cuộc lựa chọn lệch lạc và sai trái, như có nhiều người lầm lẫn trong việc ấy, lấy sự lựa chọn sai trái hay xấu xa làm ơn thiên trịêu, vì mọi ơn thiên triệu bao giờ cũng trong sáng và rõ ràng, không pha ý xác thịt hay một quyến luyến lệch lạc nào khác” (chú thích của người dịch) .

——————-

 Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30