VỀ TẤM BIA CHỮ HÁN TRÊN MỘ ĐỨC CHA FRANÇOIS PALLU
Di ảnh Đức cha François Pallu
Trong cuốn Tiểu sử Đức cha François Pallu & Đức cha Lambert de la Motte do Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) ấn hành vào năm 2020, tấm hình ngôi mộ và tấm bia mộ[1], với những dòng chữ Hán, thu hút sự quan tâm đặc biệt của chúng tôi. Tuy nhiên, trong tấm hình, chỉ có dòng chữ ở chính giữa còn đủ rõ để đọc được, những dòng chữ còn lại quá nhỏ và quá mờ. Rất may, cũng từ dòng chữ đủ rõ ở chính giữa, chúng tôi tìm được một bài viết của linh mục Trần Khai Hoa về Đức cha François Pallu, với thông tin khá đầy đủ về những dòng chữ Hán trên bia mộ[2].
Những dòng chữ trên bia mộ được ghi lại trong bài viết của Trần Khai Hoa
Sau đó, chúng tôi tìm được một tấm hình khác của tấm bia, được in trong Tập san Hội Thừa sai Paris[3], với những hàng chữ còn tương đối rõ nét.
Hình ảnh tấm bia trong Tập san Hội Thừa sai Paris
Dựa vào tấm hình bia mộ và bài viết của linh mục P. G. Guéneau, cùng với những thông tin từ bài viết của Trần Khai Hoa và một số tài liệu khác, chúng tôi sẽ xem xét tấm bia mộ theo bốn điểm sau đây:
- Những khía cạnh văn bản
- Xem xét ý nghĩa
- Niên đại tấm bia
- Một vài thông tin
- Những khía cạnh văn bản
Tấm bia gồm năm hàng chữ dọc, từ phải sang trái lần lượt như sau:
Hàng 1 gồm 20 chữ Hán;
Hàng 2 gồm 17 chữ Hán;
Hàng 3 gồm 9 chữ Hán;
Hàng 4 gồm 11 chữ Hán;
Hàng 5 gồm 18 chữ Hán.
Các hàng chữ có độ lớn không đều nhau. Chữ ở hàng thứ ba lớn nhất, ở hàng thứ tư nhỏ hơn, ở những hàng còn lại, chữ còn nhỏ hơn nữa.
Đối chiếu bản văn mà Trần Khai Hoa đưa ra, như trong tấm hình phía trên, với những chữ trên tấm hình bia mộ, chúng tôi nhận thấy rằng Trần Khai Hoa đã chuyển một số chữ Hán qua lối giản thể. Chúng tôi dựa vào bản văn chữ Hán của Trần Khai Hoa và tấm hình bia mộ để phục hồi dạng phồn thể bản văn bia mộ như dưới đây :
Hàng 1: 諱濟各泛蘭濟亞国渡倫府人年六十一歲癸亥年
Hàng 2: 入華于甲子年九月廿一日卒在穆水聖堂
Hàng 3: 泰西司教方公先生墓
Hàng 4: 光緒二年四月傳教事邱修
Hàng 5: 康熙二十三年十二月初六日門人顏璫等志
Ngoài ra, chúng tôi ghi nhận thêm rằng khi đối chiếu hình ảnh tấm bia, cùng với bản văn chữ Hán mà Guéneau ghi lại[4], chúng tôi nhận thấy Trần Khai Hoa đã đọc nhầm chữ thứ 16 ở hàng thứ năm, vốn là chữ 璫, bị đọc thành 粴.
- Xem xét ý nghĩa
Phiên âm:
Hàng 1: HUÝ TẾ CÁC PHIẾM LAN TẾ Á QUỐC ĐỘ LUÂN PHỦ NHÂN NIÊN LỤC THẬP NHẤT TUẾ QUÍ HỢI NIÊN
Hàng 2: NHẬP HOA VU GIÁP TÍ NIÊN CỬU NGUYỆT CHẤP NHẤT NHẬT TUẤT TẠI MỤC THUỶ THÁNH ĐƯỜNG
Hàng 3: THÁI TÂY TƯ GIÁO PHƯƠNG CÔNG TIÊN SINH MỘ
Hàng 4: QUANG TỰ NHỊ NIÊN TỨ NGUYỆT TRUYỀN GIÁO SỰ KHÂU TU
Hàng 5: KHANH HI NHỊ THẬP TAM NIÊN THẬP NHỊ NGUYỆT SƠ LỤC NHẬT MÔN NHÂN NHAN ĐANG ĐẲNG CHÍ.
Trong những hàng chữ trên đây, hàng chữ thứ ba lớn nhất, rõ ràng nhất, cũng là hàng chữ quan trọng nhất. Chữ đầu tiên, chữ thái, có lẽ không mang nghĩa tôn kính (en honneur de) như Guéneau đã dịch[5]. Hai chữ thái tây dường như là cách chỉ Phương Tây, người Phương Tây, hay Châu Âu. Về hai chữ tư giáo, Trần Khai Hoa cho biết đây là cách gọi các vị Giám mục vào đầu thời Nhà Thanh[6]. Như vậy, hàng chữ này có thể được dịch như sau: Mộ phần Thầy Phương, Giám mục người Châu Âu.
Về hàng chữ thứ nhất, ba chữ đầu có thể được dịch: Tên huý Tế Các. Thực ra, theo cách gọi tên của người Hoa áp dụng vào bia mộ này, cách gọi người nằm dưới mộ được chia thành danh, tức tên hay ở đây là tên huý (Tế Các), và tính, tức họ (Phương). Do vậy, tên đầy đủ ở đây là Phương Tế Các. Những chữ này chính là cách người Hoa vào đời Thanh phiên âm tên riêng François. Phương Tế Các đọc theo âm Bắc Kinh hiện nay là fang-ji-gè, Guéneau có lẽ ghi theo phiên âm Quảng Đông fang-tsi-co. Cả hai cách đọc đều khá gần với âm Phanxicô trong tiếng Việt. Các chữ Phiếm Lan Tế Á là một cách phiên âm ra tiếng Hoa tên gọi của nước Pháp. Phiên âm Bắc Kinh hiện nay của những chữ này là fàn-lán-ji-yà, Guéneau phiên âm thành fa-lan-tsi-ia và cho biết đó là phiên âm của France. Thực ra những chữ đó có lẽ được phiên âm từ tên gọi Francia, tiếng Latinh. Hai chữ độ luân, phiên âm Bắc Kinh hiện nay là dù-lún, Guéneau phiên âm thành tou-len và dịch ba chữ độ luân phủ thành Touraine préfecture, tức phủ Touraine, thủ phủ của Tours, quê hương Đức cha Pallu. Chúng tôi cũng ghi nhận thêm rằng ở hàng thứ nhất này, không hiểu sao Guéneau lại đọc chữ đầu tiên, 諱, thành Fang[7]. Chúng tôi cho rằng hàng thứ nhất phải ngắt sau chữ tuế, và có thể được dịch như sau: Tên huý Tế Các, người phủ Touraine, nước Pháp, 61 tuổi.
Ba chữ cuối cùng của hàng thứ nhất gắn với các chữ của hàng thứ hai, ngắt sau chữ Hoa, được dịch như sau: Vào Trung Hoa năm Quí Hợi. Phần sau của hàng này có thể được dịch như sau: Qua đời tại thánh đường Mục Thuỷ ngày 21 tháng 9 năm Giáp Tí. Như vậy, hàng thứ nhất và hàng thứ hai tạo thành một câu liên tục và có thể được dịch như sau: Tên huý [Phan]xicô, người phủ Touraine, nước Pháp, 61 tuổi, vào Trung Hoa năm Quí Hợi, qua đời tại thánh đường Mục Thuỷ ngày 21 tháng 9 năm Giáp Tí.
Hàng chữ thứ tư ý nghĩa tương đối rõ ràng: Thừa sai Khâu[8] tu sửa vào tháng 4 năm thứ hai thời Quang Tự.
Tương tự như hàng chữ thứ tư, ý nghĩa hàng chữ thứ năm cũng khá rõ ràng: Nhan Đang[9] cùng những môn đệ ghi nhớ vào ngày mùng 6 tháng 12 năm thứ 23 thời Khang Hi.
3. Niên đại tấm bia
Tấm bia cung cấp cho chúng ta một số mốc thời gian và những mốc này cũng cần được xem xét.
Trước hết, tấm bia cho biết Đức cha Pallu đến Trung Hoa vào năm Quí Hợi, qua đời vào năm Giáp Tí. Theo tài liệu của Hội Thừa sai Paris, Đức cha Pallu đến Tchang-tcheou (tức Tuyền Châu) ngày 27-1-1684[10], thời điểm đó vẫn còn là cuối năm Quí Hợi theo lịch Trung Hoa, vì năm Giáp Tí bắt đầu khoảng ngày 15-2-1684[11]. Cũng theo tấm bia, Đức cha Pallu qua đời ngày 21 tháng 9 năm Giáp Tí. Chi tiết này tương hợp với thông tin của Hội Thừa sai Paris rằng Đức cha qua đời ngày 29-10-1684[12].
Về niên đại của tấm bia, Trần Khai Hoa cho rằng khi trùng tu ngôi mộ Đức cha Pallu, vị thừa sai họ Khâu (tức linh mục Sautel dòng Đaminh) đã ghi thêm vào tấm bia nguyên thuỷ dòng chữ đánh dấu thời điểm sửa sang mộ phần, tháng 4 năm thứ hai thời Quang Tự[13], tức tháng 5-1874. Điều này hàm ý rằng tấm bia như chúng ta thấy trong bức hình chính là tấm bia mà Charles Maigrot cùng các môn đệ đã cho khắc vào ngày mùng 6 tháng 12 năm thứ 23 thời Khang Hi, tức ngày 10-1-1685[14].
Tuy nhiên, Guéneau lại đặt nghi vấn về tính chất nguyên thuỷ của tấm bia vì những lí do sau đây: (1) tấm bia nguyên thuỷ không thể có dòng chữ ghi thời điểm trùng tu, nếu thế, các hàng chữ trên tấm bia không đối xứng với nhau như thói quen tại Trung Hoa; (2) trong Văn khố Hội Thừa sai Paris có bản sao tấm bia bằng chữ cái Latinh, được ghi lại trước cuộc trùng tu, với ba hàng chữ, dường như tương xứng với ba hàng chữ Hán trên tấm bia: hàng thứ nhất bên phải bắt đầu bằng chữ 諱, kết thúc bằng chữ 堂; hàng thứ nhất bên trái bắt đầu bằng chữ 康, kết thúc bằng chữ 志; hàng chính giữa bắt đầu bằng chữ 泰, kết thúc bằng chữ 墓. Guéneau suy đoán rằng người ta đã cắt làm đôi hàng chữ thứ nhất bên phải và ghi thêm thời điểm trùng tu để tạo nên sự đối xứng cho tấm bia[15]. Từ những chi tiết này, Guéneau nhận định rằng tấm bia đã được làm lại vào thời điểm trùng tu[16].
Chúng tôi không đồng ý với quan điểm của Guéneau. Lí do thứ nhất Guéneau nêu ra khó đứng vững, vì trên các bia mộ chữ Hán, hàng chữ chính giữa là quan trọng nhất, còn các hàng chữ hai bên có thể được sắp xếp sao cho tiện. Tấm hình dưới đây là một ví dụ. Vả lại, ngay cả với hàng chữ thứ tư được thêm vào như trong hình phía trên, các hàng chữ trên tấm bia vẫn không thật sự đối xứng với nhau. Hơn nữa, theo giả định của Guéneau, những chữ ở hàng thứ nhất bên phải trong tấm bia nguyên thuỷ gồm tất cả các chữ ở cả hai hàng đầu tiên bên phải hiện nay. Xếp những chữ này thành một hàng có lẽ quá nhiều.
Lí do thứ hai dựa trên ghi chép còn lưu giữ trong Văn khố Hội Thừa sai Paris, với chỉ một dòng tương đương với hàng phía bên phải. Như chúng tôi đã nhận xét ở trên, hai hàng phía bên phải làm thành một câu văn duy nhất. Có lẽ người sao chép đã hiểu điều này, nên đã ghi thành một dòng. Trong khi đó, Guéneau đã ngắt sai, tức là đã ngắt ở sau chữ 年 ở hàng thứ nhất bên phải và do đó đã dịch sai năm qua đời của Đức cha Pallu là năm Quí Hợi[17]. Hơn nữa, xét về hình thức các chữ viết, hai hàng chữ nhỏ bên phải (hàng 1 và hàng 2) và hàng chữ bên trái (hàng 5) có độ lớn và tự dạng đồng nhất với nhau. Trong khi đó hàng 4 ghi thời điểm trùng tu có độ lớn và tự dạng tương đối khác.
Những phân tích trên đây khiến chúng tôi cho rằng tấm bia mộ như trong hình chụp chính là tấm bia được Charles Maigrot cho dựng khi xây mộ, vào năm 1685. Hàng chữ thứ tư được khắc thêm vào khi Sautel cho trùng tu ngôi mộ, vào năm 1874.
4. Một vài thông tin
Ở phần này, chúng tôi xin cung cấp một vài thông tin bổ sung.
Trước hết, tấm bia cho biết Đức cha Pallu qua đời tại thánh đường Mục Thuỷ. Trần Khai Hoa nhận xét rằng thánh đường Mục Thuỷ trước đây có lẽ ở vùng phụ cận của thánh đường công giáo tại thị trấn Mục Dương, thành phố Phúc An hiện nay. Tên gọi thánh đường có thể có nguồn gốc từ dòng sông Mục Thuỷ chảy qua nơi này[18].
Về vị trí của nơi lập mộ Đức cha Pallu, Guéneau cho biết từ Mục Dương, phải đi về phía tây, băng qua một dòng nước và một cánh đồng trong khoảng nửa giờ. Giữa dòng nước và ngôi mộ, có ngôi làng Kong-shu. Từ ngôi làng Kong-shu, phải đi qua một cánh đồng nữa để đến một quả đồi chỉ cao hơn cánh đồng vài mét. Phía sau quả đồi là những dãy núi nhỏ, tạo thành phong cảnh rất hữu tình. Ngôi mộ Đức cha Pallu nằm ở sườn đồi, cùng với nhiều ngôi mộ khác[19].
Thiết tưởng những thông tin trên đây ít nhiều hữu ích cho những ai muốn thăm lại nơi mà vị Đại Diện Tông Toà đầu tiên của Đàng Ngoài đã trải qua những giây phút cuối đời, cũng là nơi ngài đã an nghỉ trong lòng đất một thời gian khá dài, 228 năm.
Đức cha François Pallu qua đời ngày 29-10-1684. Mãi đến năm 1912, di cốt của ngài mới được chuyển đến Hồng Kông. Rồi năm 1954, di cốt được đưa về Pháp, đặt tại tầng hầm nhà nguyện Hội Thừa sai Paris. Khi còn sống, nhiều lần ngài đã cố gắng đến Đàng Ngoài, vì điều này, ngài từng phải đối diện với biết bao nguy hiểm, có những khi là cái chết tưởng chừng như cận kề. Nhưng rốt cuộc ngài đã không thể nào thực hiện được ước muốn cháy bỏng đó. Bài viết này như một nén hương tưởng nhớ một vị mục tử, không chỉ là người sáng lập Hội Thừa sai Paris, mà còn là người đã đặt những viên đá vững chắc cho sự phát triển lâu dài của toàn thể Hội Thánh tại Việt Nam. Nguyện xin Thiên Chúa ân thưởng cho người tôi tớ trung tín và nhiệt thành!
Vinhsơn Trần Minh Thực, PSS
——————————–
[1] X. HĐGMVN, Tiểu sử Đức cha François Pallu & Đức cha Lambert de la Motte, (Hà Nội 2020), trang 54.
[2] Bài viết của Trần Khai Hoa có nhan đề “巴黎外方传教会创始人陆方济”, in trong tập san Catholic Church in China, số 3 năm 2013, trang 55-56.
[3] Tấm hình này cùng với hình ảnh nghĩa trang và ngôi mộ được in ở những trang đầu tiên trong Annales de la Société des Missions-Étrangères et de l’œuvre des partants, số 91 (Paris 1913), liền trước bài của P. G. Guéneau, « Les restes mortels de Mgr Pallu revenus à la Société des Missions-Étrangères », trang 3-17.
[4] X. P. G. Guéneau, đd, trang 13.
[5] X. P. G. Guéneau, đd, trang 12-13.
[6] X. Trần Khai Hoa, đd, trang 55.
[7] X. P. G. Guéneau, đd, trang 12-13.
[8] P. G. Guéneau, đd, trang 13 cho biết Khâu (邱) là tên gọi trong tiếng Hoa của linh mục Sautel; còn L. Baudiment, François Pallu, principal fondateur des Missions Étrangères de Paris (1626-1684), (Paris 2006), trang 570 cho biết thêm Sautel thuộc dòng Đaminh.
[9] L. Baudiment, sđd, trang 521 cho biết Nhan Đang chính là Maigrot. Vào thời điểm Đức cha Pallu qua đời, cha Charles Maigrot là cha chính rồi được đặt làm Tổng Giám quản các vùng truyền giáo tại Trung Quốc. Năm 1687, cha được đặt làm Đại Diện Tông Toà Phúc Kiến.
[10] X. A. Launay, Mémorial de la Société des Missions-Étrangères 1658-1913, (Paris 1916), trang 489.
[11] X. L. Baudiment, sđd, trang 570.
[12] X. A. Launay, sđd, trang 489.
[13] X. Trần Khai Hoa, đd, trang 56.
[14] X. L. Baudiment, sđd, trang 570.
[15] X. P. G. Guéneau, đd, trang 12.
[16] X. P. G. Guéneau, đd, trang 5.
[17] X. P. G. Guéneau, đd, trang 13.
[18] X. Trần Khai Hoa, đd, trang 56.
[19] X. P. G. Guéneau, đd, trang 4-5.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- BAN BÁC ÁI HỘI DÒNG KHIẾT TÂM ĐỨC MẸ TRAO HỌC BỔNG CHO 57 HỌC SINH – SINH VIÊN CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- CHA ROBERTO PASOLINI, TÂN GIẢNG THUYẾT CỦA PHỦ GIÁO HOÀNG
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TRỰC TUYẾN ĐÒI HỎI MỘT QUY ĐỊNH MỚI
- ĐHY PAROLIN GỬI LỜI CHÚC TỐT ĐẸP NHẤT TỚI TRUMP VỀ CHIẾN THẮNG BẦU CỬ
- NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TRÚT BỎ NHỮNG GÌ THỪA THÃI VÀ TIẾN BƯỚC HƯỚNG TỚI NIỀM HY VỌNG