VÌ MỘT GIÁO HỘI TRONG ĐÓ GIÁO DÂN VÀ MỤC TỬ SỐNG MỘT « TÌNH HUYNH ĐỆ ĐÍCH THỰC »

Written by xbvn on Tháng Hai 19th, 2023. Posted in Giáo dân, Linh mục, Nhân bản, Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới, Tu sĩ, Tý Linh

Vào ngày 18/2/2023, Đức Thánh Cha đưa ra một suy tư về Giáo hội và vai trò của giáo dân trong Giáo hội, bằng cách nhấn mạnh sự cùng thuộc về  Chúa Kitô của tất cả những người được rửa tội. Ngài nói với các tham dự viên của Hội nghị dành cho các vị chủ tịch và đại diện của các ủy ban giám mục về giáo dân, được Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức ở Vatican.

Các giám mục, linh mục, giáo dân, chừng 200 tham dự viên đến từ 72 Hội đồng Giám mục : Đức Thánh Cha Phanxicô tận dụng cơ hội này để chia sẻ « cái nhìn đẹp đẽ về Giáo hội ».

Sứ mạng và đào tạo

Đối với Đức Thánh Cha, trước tiên Giáo hội « hướng đến sứ mạng truyền giáo », và chúng ta « cùng nhau tiến bước để loan báo Tin Mừng ». « Một đoàn dân hiệp nhất trong sứ mạng », như Hiến chế Lumen Gentium 8, 12 mô tả, là một « khía cạnh quyết định ».

Sứ mạng mang lại « ý thức về tính cách giáo hội này ». Điều cần thiết, như trong Tin Mừng hay sách Công vụ Tông đồ, là cùng nhau loan báo Tin Mừng. Đức Thánh Cha nhấn mạnh : « Quả thế, việc chia sẻ sứ mạng đưa các mục tử và giáo dân lại gần nhau, tạo nên một sự hiệp thông ý hướng, biểu lộ tính bổ túc của các đặc sủng đa dạng và như thế khơi dậy nơi mọi người ước muốn bước đi cùng nhau ».

Để hoàn thành nhiệm sứ mạng này trong « sự đồng trách nhiệm », điều cần thiết là phải được đào tạo. « Việc đào tạo phải được hướng đến sứ mạng », chứ không  chỉ giới hạn vào các lý thuyết, vì, như Đức Thánh Cha cảnh báo, « điều đó sẽ kết thúc bằng ý thức hệ », và ý thức hệ thì thật là « kinh khủng, đó là một bệnh dịch ».

« Tôi là Kitô hữu »

Tiếp đến, Đức Thánh Cha giải thích : « những  gì nối kết chúng ta » trong Giáo hội là « sự kiện rằng chúng ta là những Kitô hữu đã được rửa tội, chúng ta thuộc về Chúa Giêsu ».

Để khai triển tư tưởng của mình, Đức Thánh Cha dựa vào nguồn Lịch sử Giáo hội. « Nó hệ tại phục hồi một « Giáo hội học toàn diện », như trường hợp của các thế kỷ đầu tiên, trong đó mọi sự được hiệp nhất trong việc thuộc về Chúa Kitô và trong sự hiệp thông siêu nhiên với Ngài và với anh chị em, vượt qua một cái nhìn xã hội học », dựa trên các phạm trù xã hội.

Đức Thánh Cha tuyên bố : « Phải nhấn mạnh đến sự hiệp nhất chứ không phải sự chia rẽ, không phải sự phân cách ». Đối với dân Thiên Chúa, « yếu tố nền tảng là sự thuộc về Chúa Kitô », Đức Thánh Cha nhấn mạnh và đồng thời trích dẫn các Kitô hữu tuẫn đạo đầu tiên, những người trước tiên và chỉ đơn giản nói « tôi là Kitô hữu », chứ không phải « tôi thuộc về phong trào nay hay cộng đồng kia », hay « tôi nắm giữ cấp bậc này hay địa vị kia ». Đức Thánh Cha nhận xét, trong Cựu Ước, người ta không bao giờ nói về « giáo dân », nhưng về « các tín hữu », « các môn đệ », « anh em », « các thánh », những thuật ngữ có thể áp dụng cho tất cả những người được rửa tội.

Cả ngày nay nữa, trong một thế giới càng ngày càng tục hóa, « những gì thực sự phân biệt  chúng ta với tư cách là Dân Thiên Chúa là niềm tin vào Chúa Kitô, chứ không phải bậc sống tự nó ». Nói cách khác, « chúng ta đã được rửa tội, là Kitô hữu, là môn đệ của Chúa Giêsu. Mọi thứ khác là thứ yếu ».

« Việc cùng thuộc về Chúa Kitô này làm cho tất cả chúng ta trở thành anh em », cách riêng giữa các linh mục và giáo dân.

Vượt qua sự chia rẽ

Đức Thánh Cha tiếp tục bằng cách nói về Giáo hội trong đó « chúng ta sống một tình huynh đệ đích thực giữa mục tử và giáo dân, bằng cách làm việc cạnh nhau mỗi ngày, trong mọi lãnh vực mục vụ ».

 Đức Phanxicô đặc biệt chống lại « cám dỗ nghiêm trọng nhất vào thời điểm này », cám dỗ « hành động cách tự trị hay trên những đường ray song song không bao giờ gặp nhau » – « giáo sĩ tách rời khỏi giáo dân », tu sĩ tách rời khỏi giáo dân và linh mục, « đức tin trí thức » khỏi một « đức tin bình dân », Giáo triều Rôma khỏi các Giáo hội địa phương, các phong trào canh tân đặc sủng khỏi các giáo xứ…

Ngài tuyên bố : « Vẫn còn rất nhiều con đường phải theo để Giáo hội sống như một thân thể, như một Dân thực sự, được hiệp nhất bởi một đức tin duy nhất vào Chúa Kitô Cứu Độ, được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần thánh hóa và hướng đến chính sứ mạng loan báo tình yêu thương xót của Thiên Chúa là Cha ».

Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng các thừa tác vụ chức thánh « không phải là những ông chủ », nhưng là « những tôi tớ », « những mục tử ». Một lần nữa, ngài phê phán óc giáo sĩ trị, dựa trên lời cảnh giác của Đức Hồng y Henri de Lubac về vấn đề này ( trong « Médiations sur l’Eglise »). Nhưng « tệ hơn cả việc linh mục, giám mục rơi vào óc giáo sĩ trị, đó là giáo dân được giáo sĩ hóa », ngài lấy làm tiếc và gọi đó là « bệnh dịch trong Giáo hội ».

Đức Thánh Cha cũng nêu rõ rằng « nhu cầu đánh giá cao giáo dân không tùy thuộc vào sự mới mẻ thần học nào đó, cũng không vào những đòi hỏi chức năng gắn liền với việc giảm số lượng linh mục ; nó cũng không xuất phát từ những đòi hỏi của lớp người nhắm « phục thù » cho những ai đã bị gạt bỏ trong quá khứ ». Đúng hơn, nó được xây dựng trên cái nhìn này về Giáo hội « với tư cách là dân Thiên Chúa, trong đó giáo dân là phần đầy đủ cùng với các thừa tác viên chức thánh ».

Giáo dân với những vai trò khác nhau

Như thế, đâu là sứ mạng được trao  cho giáo dân ? « Sứ vụ tông đồ của giáo dân trước tiên là chứng tá », chứng tá về đời sống của mình, về cầu nguyện, phục vụ, đón tiếp, gần gũi, vốn cũng tạo nên « việc đào tạo trên thực địa ».

Đức Thánh Cha nói tiếp : « Đúng là người giáo dân trước tiên được mời gọi sống sứ mạng của mình trong các thực tại giữa đời trong đó họ dìm mình vào hằng ngày, nhưng điều đó không loại bỏ sự kiện rằng họ cũng có những khả năng, những đặc sủng và những kỹ năng để đóng góp cho đời sống của Giáo hội : dù là trong hoạt động phụng vụ, dạy giáo lý và đào tạo, các cơ cấu quản trị tài sản, việc lập kế hoạch và thực hiện các chương trình mục vụ… ». « Đó là lý do tại sao các mục tử phải được đào tạo, từ khi họ ở chủng viện, về sự cộng tác hằng ngày và thông thường với giáo dân, để sự hiệp thông sống động, đối với họ, trở thành một cách thức hành động tự nhiên, chứ không phải là một sự kiện bất thường và ngẫu nhiên », Đức Thánh Cha nói thêm và đồng thời cho rằng « tính đồng trách nhiệm này được sống giữa giáo dân và mục tử sẽ cho phép vượt qua sự chẻ đôi, sợ hãi và thiếu tin tưởng lẫn nhau ».

Các mẫu gương về sự cộng tác với các linh mục

« Giáo dân không phải là « khách mời » trong Giáo hội, họ đang ở nhà của mình, vì thế họ được mời gọi chăm sóc ngôi nhà chung của họ », Đức Thánh Cha nói thêm, trước khi cho thấy một loạt sứ mạng được gán cho giáo dân. « Người giáo dân, và cách riêng phụ nữ, phải được đánh giá cao hơn về kỹ năng và năng khiếu của họ (…). Họ có thể mang lại sự loan báo Tin Mừng trong ngôn ngữ « hằng ngày » của họ, bằng cách dấn thân trong các hình thức rao giảng khác nhau. Họ có thể cộng tác với các linh mục để đào tạo trẻ em, giúp các cặp đính hôn trong việc chuẩn bị hôn nhân và đồng hành với họ trong đời sống hôn nhân và gia đình. Họ phải luôn được tham khảo khi chuẩn bị những sáng kiến mục vụ mới (…). Họ phải có tiếng nói trong các hội đồng mục vụ của các Giáo hội địa phương. Họ phải hiện diện trong các văn phòng của các giáo phận. Họ có thể giúp trong việc đồng hành thiêng liêng với các giáo dân khác và đóng góp vào việc đào tạo các chủng sinh và tu sĩ », ngài lưu ý và đồng thời nhấn mạnh « đặc sủng giáo dân » này chứ không phải linh mục, của việc đồng hành thiêng liêng.

« Chúng ta có thể nói : giáo dân và mục tử cùng nhau trong Giáo hội, giáo dân và mục tử  cùng nhau trong thế giới », Đức Thánh Cha kết luận và đồng thời mời gọi họ « cùng nhau theo đuổi việc canh tân Giáo hội và sự hoán cải sứ mạng của Giáo hội ».

Tý Linh

(theo Adélaïde Patrignani, Vatican News)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30