“VIỆC BẦU ĐỨC LÊÔ XIV ĐÁNH DẤU BƯỚC NGOẶT TRONG TƯ TƯỞNG XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI”

Written by xbvn on Tháng Năm 13th, 2025. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

ĐHY Robert Prevost được chỉ định là người kế nhiệm Đức Phanxicô và do đó trở thành Giáo hoàng thứ 267 vào ngày 8 tháng 5 năm 2025, với tông hiệu là Lêô XIV. Với tư cách là chủ tịch danh dự của Tuần lễ Xã hội Pháp, Jérôme Vignon chia sẻ lòng biết ơn của mình đối với sự gắn bó mà Đức Lêô XIV dành cho tư tưởng xã hội của Giáo hội.

Bằng cách trở thành Giáo hoàng Lêô XIV, Đức tân Giáo hoàng đã tô điểm toàn bộ triều đại của mình bằng ánh sáng xã hội. Điều này chỉ có thể làm vui mừng cho các Tuần lễ Xã hội của Pháp, vốn đã cam kết mang lại sự phong nhiêu cho tư tưởng xã hội của Giáo hội kể từ khi thành lập từ hơn một trăm năm qua. Sự lựa chọn này cũng làm sáng tỏ những lời đầu tiên của Đức Giáo hoàng người Mỹ: tập trung vào việc tìm kiếm hòa bình thế giới với đòi hỏi công lý xã hội thông qua tình yêu của Chúa Kitô “Đấng đi trước chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi mọi nỗi sợ hãi”. Một chương trình truyền giáo toàn cầu.

Để hiểu được phạm vi của sự lựa chọn này, chúng ta phải nhớ lại thông điệp xã hội đầu tiên của Đức Lêô XIII vào năm 1891, Rerum novarum: một phản ứng mạch lạc, có cấu trúc đối với những sai lầm của chủ nghĩa tự do kinh tế vốn đang thắng thế rồi, nhưng đã mất đi mọi chuẩn mực của con người. Rerum Novarum là thông điệp xã hội đầu tiên trong một danh sách dài các thông điệp xã hội. Về cơ bản, chúng khẳng định rằng phẩm giá con người được áp đặt như một thước đo xã hội, như một la bàn mà theo đó, việc tổ chức lao động và chính lao động có thể được sắp xếp theo.

Danh sách dài này bao gồm tông thư đáng chú ý của Đức Giáo hoàng Phaolô VI gửi cho Đức Hồng y Maurice Roy (1). Vị Hồng y người Canada này đã bày tỏ với Đức Giáo hoàng về mối quan ngại của mình về sự tàn phá của chủ nghĩa tư bản phóng túng Bắc Mỹ và sự chỉ trích của chủ nghĩa này đối với Công giáo. Phản ứng của Đức Phaolô VI là một phản ứng mang tính bước ngoặt, dựa trên tầm quan trọng của phẩm giá con người như là nền tảng của mọi mối quan hệ kinh tế và xã hội. Chúng tôi cho rằng Đức Lêô XIV sẽ có thể nhớ được điều này khi đối mặt với cảnh tượng một ngôi làng ở Mỹ hiện đang bị giày vò bởi chủ nghĩa bảo thủ vốn coi đức tin Kitô giáo là công cụ kiểm soát xã hội ; bởi chủ nghĩa tự do vô chính phủ coi thường mọi hình thức kết nối xã hội ; bởi chủ nghĩa dân tộc đã trở thành sự sùng bái ngẫu tượng.

Đưa tư duy đi xa hơn

Sự tương đồng này với tính thời sự tại Hoa Kỳ mở ra cho chúng ta những gì ngày nay có thể là hoạt động truyền giáo của một công việc và một cam kết đổi mới về tư tưởng xã hội của Giáo hội mà Đức Lêô XIV đã loan báo sự gắn bó của mình. Trong bối cảnh của một xã hội toàn cầu hóa, tương tùy nhưng không liên đới, tư duy xã hội phải chấp nhận sự đổi mới kép, về nội dung và phương pháp.

Về nội dung, phải thừa nhận rằng các văn bản quan trọng do hai vị tiền nhiệm của Đức Giáo hoàng Lêô XIV ban hành đã bỏ hoang một khoảng không gian lớn để quan niệm một nền kinh tế thị trường xã hội và môi trường dựa trên tinh thần huynh đệ. Để ứng phó với cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn (subprimes), năm 2009, Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã tuyên bố cần phải tưới mát thế giới bằng động lực của sự nhưng không và những mối liên kết của lòng bác ái (2). Nhưng lời kêu gọi này quá mơ hồ khi xét đến những mâu thuẫn lớn đang diễn ra trong chủ nghĩa tư bản tài chính. Về phần mình, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tố giác mạnh mẽ chủ nghĩa tư bản tài chính này: bằng cách kiểm soát khoa học và công nghiệp, ngài đã coi chúng là đồng lõa trong một thảm họa về con người và sinh thái, “nền văn hóa lãng phí” (3).

Những hạn chế gặp phải hiện nay do các chính sách môi trường mang tính quy định nhưng không tính đến thế giới lao động và đặc thù của doanh nghiệp đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ xa hơn. Làm thế nào để nền kinh tế ở các quy mô khác nhau có thể vừa đủ phân cấp cho địa phương vừa đủ tuân theo các quy tắc chung? Theo hình thức quy hoạch mới nào?

Mục đích chung của của cải“, sự tham gia của chính người nghèo vào việc thiết kế các chính sách, những nguyên tắc quan trọng của tư tưởng xã hội của Giáo hội, sẽ là nguồn lực ban đầu ở đây, nhưng với điều kiện là phải có công việc khám phá thực tế vốn vẫn phải được hoàn thành. Những gì được gọi là “hậu chủ nghĩa tự do” theo nhiều cách tiếp cận khác nhau và trái ngược nhau không được bỏ mặc cho những người hoài cổ về chủ nghĩa dân tộc, hay cho những ảo ảnh của những người theo chủ nghĩa hậu nhân bản. Nó phải được hồi sinh bằng hơi thở của chủ thuyết nhân vị Kitô giáo.

Phương pháp lắng nghe mới

Có vẻ như Đức Giáo hoàng Lêô XIV cũng hội tụ những phẩm chất cần thiết để đổi mới phương pháp qua đó giáo huấn xã hội của Giáo hội được xây dựng và truyền bá. Chắc chắn giáo huấn này đã bị xé nhỏ, trở thành lãnh địa của các nhóm Công giáo phân tán theo sự lôi cuốn lĩnh vực hoặc tâm linh. Nó đã phần nào bị mai một khi bị giảm thiểu thành những nguyên tắc cung cấp lý lẽ biện minh sau này cho hành vi truyền thống. Ngược lại, nó phải là lời mời gọi liên tục đặt vấn đề, liên tục đổi mới trước những thực tại luôn mới.

Cha Christoph Theobald, trong một đánh giá gần đây về tầm ảnh hưởng của Thượng Hội đồng về tính hiệp hành (4), coi Thượng hội đồng này như là một sự hoàn thành của Công đồng Vatican II, từ nay được giao phó cho hành trình chung của toàn thể những người đã chịu phép rửa tội. Cha Theobald cho biết, việc đọc các dấu chỉ của thời đại, qua đó Giáo hội có khả năng loan báo Tin Mừng, sẽ không còn là đặc điểm của phương pháp “xem, xét, làm” vốn từ lâu đã định hình tư tưởng xã hội của Giáo hội.

Thay vì phương pháp này, một cách khác để lắng nghe những kỳ vọng của thời đại chúng ta, được Đức Giáo hoàng Phanxicô hiểu là “tiếng kêu của trái đất và người nghèo”, hiện đang được ưa thích hơn. Phương pháp lắng nghe mới mà dân Thiên Chúa được mời gọi bắt nguồn từ một “cuộc trò chuyện thuộc linh” đã nuôi dưỡng toàn bộ quá trình chuẩn bị cho giai đoạn cuối cùng của Thượng Hội đồng này cho đến khi kết thúc. Đức Giáo hoàng Lêô XIV cũng nhắc lại điều này tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Nhưng nếu chúng ta muốn cuộc đối thoại này không khép kín Giáo hội nơi chính mình, nếu chúng ta mong muốn, như Đức tân Giáo hoàng loan báo, rằng nó “xây dựng những cây cầu mà nhân loại cần để được Thiên Chúa và tình yêu của Người chạm đến“, thì chúng ta cần tìm ra những con đường mới để làm phong nhiêu lẫn nhau cho cuộc đối thoại thuộc linh, lắng nghe Chúa Thánh Thần ở đây và bây giờ và sự khôn ngoan xã hội của Giáo hội, chuyên gia về nhân loại, vốn nuôi dưỡng tư tưởng xã hội của mình. Vào năm 2026, Tuần lễ Xã hội của Pháp sẽ kỷ niệm 100 năm các cuộc gặp gỡ toàn quốc, một cơ hội tuyệt vời để đóng góp, cùng với Đức Giáo hoàng Lêô XIV, vào sự đổi mới kép này, về nội dung và phương pháp, của tư tưởng xã hội của Giáo hội.

———————————————————-

(1) Tông thư Octogesimo adveniens, năm 1971, viết nhân kỷ niệm 80 năm Rerum novarum. Đức Hồng y Roy khi đó là chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình.

(2) Thông điệp Caritas in Veritate, tháng 7 năm 2009.

(3) Đặc biệt trong thông điệp nổi tiếng Laudato si’, tháng 5 năm 2015.

(4) Hội nghị được tổ chức tại Khoa Loyola Paris về việc tiếp nối Thượng hội đồng về tính hiệp hành, tháng 11 năm 2024.

——————————————————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : nhật báo La Croix)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2025
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30 31