XUNG ĐỘT Ở UCRAINA : Ở VATICAN, NHỮNG TRANH LUẬN XUNG QUANH KHÁI NIỆM “CHIẾN TRANH CHÍNH ĐÁNG”

Written by xbvn on Tháng Tư 22nd, 2022. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Thế Giới, Tý Linh

Cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina đang đặt ra vấn đề về sự khước từ tuyệt đối của Đức Phanxicô, kể từ khi bắt đầu triều đại Giáo hoàng của ngài, không muốn gợi lên ý tưởng về một “cuộc chiến tranh chính đáng” , thậm chí để tự vệ chống lại kẻ xâm lược.

Không có cuộc chiến tranh nào là chính đáng (chính nghĩa, công bình). Đó là sứ điệp mà Đức Phanxicô đưa ra từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh ở Ucraina. Chưa bao giờ Đức Thánh Cha nói về “cuộc chiến tranh chính đáng”, bao gồm cả việc gọi cuộc chiến chống lại kẻ xâm lược Nga.

Vì, đối với Đức Phanxicô, nếu cuộc chiến tranh này là “man rợ”, “phạm thánh”, “phi nhân” hay “tàn ác”…, thì nó không bao giờ được biện minh. “Mỗi cuộc chiến tranh đều luôn nảy sinh từ một sự bất công. Bởi vì có một lôgíc chiến tranh. Không có lôgíc hòa bình”, ngài phát biểu như thế trên chuyến bay từ Malta về Rôma. Khi ủng hộ lập trường này, trên thực tế, Đức Phanxicô đang áp dụng một học thuyết mà ngài cổ võ từ khi ngài được bầu lên ngôi giáo hoàng.

Quả thế, từ đầu triều đại giáo hoàng của mình, ngài đã không ngừng kêu gọi giải trừ quân bị. Rất nhiều lần ngài đã kêu gọi chuyển các khoản đầu tư của các Nhà nước, thay vì vào vũ khí, là vào giáo dục hay chống nạn đói. Điểm đánh dấu cho lập trường này: lên án bất kỳ “cuộc chiến tranh chính đáng” nào trong thông điệp Fratelli tutti của ngài: “Ngày nay, thật rất khó để bảo vệ các tiêu chí hợp lý, được chín muồi trong các thời đại khác, để nói về một “cuộc chiến tranh chính đáng” có thể xảy ra”. Một lập trường còn mạnh bạo hơn nữa  trong chú thích 242 của Thông điệp, khi ngài gợi lên “khái niệm “chiến tranh chính đáng” mà ngày nay chúng ta không còn ủng hộ nữa”.

Nhưng ở Rôma, lời khẳng định này gây ra nơi một số người một sự bối rối nào đó. Một quan chức cấp cao ở Vatican nêu ý kiến: “Rõ ràng là chúng ta ở đây đang đối mặt với hai cuộc chiến tranh, một cuộc  chiến tranh chính đáng và một cuộc chiến tranh không chính đáng. Một cuộc chiến tranh phòng vệ, do Ucraina thực hiện, và một cuộc chiến tranh tấn công, do Nga phát động. Vấn đề không phải là đặt cả hai trên cùng một bình diện”. Một sự khác biệt đường lối? “Chúng tôi gởi đi những thông điệp  ở nhiều cấp độ”, cùng nguồn tin cho biết. Nhưng nhất là, khi duy trì sự bác bỏ tuyệt đối này về bất kỳ cuộc chiến tranh chính đáng nào, Đức Phanxicô từ chối đặt mình ngang hàng với Thượng phụ Kirill và đưa ra một biện minh thần học cho một phe nào đó. Một người ở Vatican giải thích: “Vấn đề không phải là tạo cảm tưởng về việc chúc lành cho một sứ mạng do phương Tây thực hiện”.

Ucraina có quyền tự vệ  chống lại một cuộc xâm lược bất công, huống hồ là vì những hậu quả thật là thảm khốc”,  Đức cha Marc Stenger, đồng chủ tịch của phong trào quốc tế “Pax Christi”, bình luận. Nhưng ngài chất vấn về những hậu quả của việc phân phối vũ khí của phương Tây, cho rằng, trong trung hạn, một bộ phận người dân Ucraina có thể chịu những hậu quả  của nó. Ngài nêu rõ: “Như Đức Giáo hoàng nói, chiến tranh, dù nó được coi là chính đáng hay không, luôn là một thất bại của nhân loại”.

Một nhà ngoại giao ở Rôma cho rằng: “Học thuyết về sự lên án tuyệt đối mọi cuộc chiến tranh chính đáng có thể rất quyến rũ, nhưng nó không vượt qua được thử thách của các sự kiện”. “Nếu không có chiến tranh chính đáng, thì làm thế nào để tự vệ? Theo nghĩa này, phát biểu của Đức Giáo hoàng khá mâu thuẫn, và dẫn đến ngõ cụt. Cũng thế, cuộc chiến tranh này cho thấy rõ tất cả lợi ích của sự răn đe”. Do đó, một số người ở Rôma cho rằng lập trường của Đức Giáo hoàng giốngvới “chủ nghĩa hòa bình phi thực tế”. “Nếu người ta đặt mình trong lôgíc của ngài, thì không còn vũ khí nữa. Nhưng cuộc xung đột cho thấy rõ những giới hạn của lập luận này”, cùng nguồn tin cho hay.

Do đó, một số người hy vọng rằng “sự thách thức của các sự kiện” này sẽ thúc đẩy Đức Phanxicô xem lại phát biểu của mình về tính chính đáng của việc sở hữu vũ khí. Ở Vatican, một người đáp lại: “Sự hiện diện ồ ạt của vũ khí, kể cả vũ khí hạt nhân, ngược lại làm cho thế giới này ít an toàn hơn nhiều và làm cho cuộc chiến này nguy hiểm hơn nhiều”. Cuộc  chiến tranh ở Ucraina càng củng cố quyết tâm của Vatican trong việc ủng hộ việc giải trừ quân bị, đặc biệt qua sứ mạng của Vatican ở Liên hiệp quốc… Ở Malta, Đức Phanxicô đã kêu gọi tổ chức “các cuộc hội thảo quốc tế vì hòa bình, trong đó vấn đề giải trừ quân bị nằm ở trung tâm”.

Tý Linh

(theo nhật báo La Croix)

Tags: , , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30