Ý THỨC THUỘC VỀ GIÁO HỘI: BA TRỤ CỘT ĐỂ CỦNG CỐ SỰ THUỘC VỀ NÀY
Thật tốt khi thuộc về Giáo hội, Đức Phanxicô giải thích trong bài giảng ngày 30/1/2014, trong thánh lễ buổi sáng tại nhà nguyện Chúa Thánh Thần của nhà thánh Mátta, vì, như ngài nói, “chúng ta không thể hiểu Kitô hữu mà không có Giáo hội”. Và ngài chỉ ra ba trụ cột để củng cố sự thuộc về này: khiêm tốn, trung thành và cầu nguyện.
Quả thật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích bài đọc thứ nhất bằng cách nhấn mạnh đến “cảm giác mạnh mẽ” của vua Đavít trong việc thuộc về “dân Thiên Chúa”.
Chúng ta có ý thức gì về việc chúng ta thuộc về Giáo hội? Chúng ta cảm thấy như thế nào cùng với Giáo hội và trong Giáo hội? Đức Phanxicô hỏi và đồng thời trả lời: “Kitô hữu không phải là một người được rửa tội, lãnh nhận bí tích Rửa tội rồi đi theo con đường riêng của mình. Hoa trái đầu tiên của bí tích Rửa tội là trở thành thuộc về Giáo hội, thuộc về dân Thiên Chúa. Không thể hiểu Kitô hữu mà không có Giáo hội. Chính vì thế mà Đức Giáo hoàng Phaolô VI vĩ đại đã nói rằng đây là một sự chẻ đôi phi lý khi yêu mến Chúa Kitô mà không yêu mến Giáo hội, lắng nghe Chúa Kitô mà không lắng nghe Giáo hội, sống với Chúa Kitô ở bên lề Giáo hội. Điều đó là không thể được. Đó là một sự chẻ đôi phi lý. Sứ điệp Tin Mừng, chúng ta lãnh nhận trong Giáo hội và sự thánh thiện của chúng ta, chúng ta thực hiện trong Giáo hội, hành trình của chúng ta, trong Giáo hội. Phần còn lại, đó là do trí tưởng tượng, hay như Đức Phaolô VI đã nói, một sự chẻ đôi phi lý”.
“Sensus Ecclesiae” (ý thức về Giáo hội) đó là “cảm thấy, suy nghĩ, mong muốn, ở trong Giáo hội”. Và Đức Thánh Cha cho thấy làm thế nào xác thực sự thuộc về này: có “ba trụ cột của sự thuộc về này, của cách thức cảm thông cùng với Giáo hội này”:
“Trước tiên là khiêm tốn”, khiến chúng ta ý thức rằng chúng ta “được lồng vào trong một cộng đồng, như một hồng ân”. Nói cách khác, “một người không khiêm tốn thì không thể ‘cảm thông cùng Giáo hội’, người đó sẽ cảm thấy những gì mình thích. Chính sự khiêm tốn này mà chúng ta nhận thấy nơi vua Đavít: ‘Con là ai, lạy Đức Chúa, và nhà con là gì?’ Bằng cách ý thức rằng lịch sử cứu độ đã không bắt đầu với tôi và sẽ không kết thúc với cái chết của tôi. Không, đó là cả một lịch sử cứu độ: Chúa nắm lấy bạn, giúp bạn tiến bước và rồi Ngài gọi bạn và lịch sử tiếp tục. Lịch sử của Giáo hội đã bắt đầu trước chúng ta và sẽ tiếp tục sau chúng ta. Khiêm tốn: chúng ta là thành phần nhỏ bé trong một dân tộc vĩ đại, đang bước đi trên con đường của Chúa”.
Trụ cột thứ hai, “đó là lòng trung thành”, “vốn phải gắn liền với lòng vâng phục”. Và Đức Thánh Cha giải thích: “Trung thành với Giáo hội, trung thành với giáo huấn của Giáo hội, trung thành với Kinh Tin Kính, trung thành với học thuyết, giữ gìn học thuyết này. Khiêm tốn và trung thành. Đức Phaolô VI cũng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta lãnh nhận sứ điệp Tin Mừng như một món quà và chúng ta phải thông truyền nó như một món quà, không phải như điều gì đó thuộc về chúng ta: đó là một quà tặng mà chúng ta đã nhận được và chúng ta trao ban. Và trong cuộc thông truyền này, hãy trung thành. Bởi vì chúng ta đã nhận được và chúng ta phải trao ban một Tin Mừng không thuộc về chúng ta, một Tin Mừng đến từ Chúa Giêsu, và chúng ta không được trở thành “chủ nhân” của Tin Mừng, chủ nhân của học thuyết mà chúng ta đã lãnh nhận, để sử dụng Tin Mừng theo thú vui của chúng ta”.
Trụ cột thứ ba, “đó là một sự phục vụ đặc biệt, việc “cầu nguyện cho Giáo hội”. Trong hình thức kiểm điểm lương tâm, Đức Thánh Cha đã chất vấn: “Lời cầu nguyện của chúng ta cho Giáo hội là như thế nào? Chúng ta có cầu nguyện cho Giáo hội không? Mọi ngày, trong thánh lễ, nhưng không ở nhà? Khi nào chúng ta cầu nguyện?”. Và ngài mời gọi chúng ta “cầu nguyện cho toàn thể Giáo hội, ở khắp nơi trên thế giới”, trước khi kết luận: “Xin Chúa giúp chúng ta tiến bước trên con đường này để đào sâu sự thuộc về Giáo hội của chúng ta và cách chúng ta cảm thông cùng với Giáo hội”.
Tý Linh
(theo ZENIT)
Tags: Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- VỊ GIÁO HOÀNG CỦA DÂN CHÚNG: ĐỨC PHANXICÔ, VỊ MỤC TỬ MANG MÙI CHIÊN
- ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ MỚI QUA ĐỜI VÀO THỨ HAI PHỤC SINH Ở TUỔI 88
- LỄ PHỤC SINH 2025: SỨ ĐIỆP URBI ET ORBI CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
- BÀI GIẢNG THÁNH LỄ PHỤC SINH 2025: LUÔN TÌM KIẾM CHÚA KITÔ PHỤC SINH TRONG CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TA
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾP KIẾN PHÓ TỔNG THỐNG HOA KỲ VANCE
- BÀI GIẢNG THÁNH LỄ VỌNG PHỤC SINH 2025 : « CHÚA KITÔ PHỤC SINH LÀ BƯỚC NGOẶT QUYẾT ĐỊNH TRONG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI »
- PHÓ TỔNG THỐNG VANCE ĐƯỢC TIẾP ĐÓN TẠI VATICAN, CHIẾN TRANH VÀ NGƯỜI TỴ NẠN ĐƯỢC GỢI LÊN
- TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU: THÁNH GIÁ TRẢ LẠI CHO CHÚNG TA SỰ TỰ DO LỰA CHỌN ĐÍCH THỰC
- ĐÀNG THÁNH GIÁ TẠI COLISÉE: CHÚA GIÊSU MANG NHỮNG VẾT THƯƠNG CỦA LỊCH SỬ CHÚNG TA
- TẠI SAO GIÁM MỤC KHÔNG ĐEO NHẪN GIÁM MỤC VÀO THỨ SÁU TUẦN THÁNH?
- THÁNH LỄ THỨ NĂM TUẦN THÁNH: “TÌNH YÊU LÀ CHỨC TƯ TẾ DUY NHẤT”
- THỨ NĂM TUẦN THÁNH CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỚI CÁC TÙ NHÂN Ở RÔMA
- BÀI GIẢNG LỄ DẦU 2025 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ: SỨ VỤ LINH MỤC LÀ CÔNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA
- BÀI GIÁO LÝ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. II. CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU. NHỮNG CUỘC ĐỐI THOẠI. BÀI 5. NGƯỜI CHA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT. EM CON ĐÃ MẤT MÀ NAY LẠI TÌM THẤY (Lc 15, 32)
- VATICAN CHÍNH THỨC GIẢI THỂ HỘI ĐỜI SỐNG TÔNG ĐỒ SODALICIO
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾP KIẾN PHÁI ĐOÀN CÁC NHÂN VIÊN Y TẾ CỦA BỆNH VIỆN GEMELLI
- MỘT BỨC TƯỢNG “ĐỨC MẸ HOA HƯỜNG MẦU NHIỆM” ĐƯỢC LÀM PHÉP TRONG KHU VƯỜN VATICAN
- TÒA THÁNH CẢI TIẾN VIỆC ĐÀO TẠO BỘ MÁY NGOẠI GIAO CỦA MÌNH
- TUẦN THÁNH 2025: ĐỨC PHANXICÔ ĐÃ CHUẨN BỊ CÁC BÀI SUY NIỆM ĐÀNG THÁNH GIÁ
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT LỄ LÁ 2025: ĐỐI DIỆN VỚI NHỮNG ĐAU KHỔ, HÃY LUÔN CẢM NHẬN VÒNG TAY YÊU THƯƠNG QUAN PHÒNG CỦA THIÊN CHÚA