YOUCAT: GIÁO LÝ CHO NGƯỜI TRẺ, SÁCH GIÁO LÝ HIỆN ĐẠI NHẤT CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Written by xbvn on Tháng Tư 3rd, 2013. Posted in Cựu sinh viên XB, Giáo lý, Lm. Nguyễn Mạnh Đồng, Thế Giới

 GIÁO LÝ CHO NGƯỜI TRẺ

                YOUCAT

   (YOUTH CATECHISM)

 

 

Sách Giáo Lý hiện đại nhất của

       Hội Thánh Công Giáo

  * * *

 

Dẫn nhập 

Chúng ta đã bước vào Năm Đức Tin để kỷ niệm hai sự kiện lớn mang dấu ấn gương mặt của Hội Thánh ngày nay: kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Chung Vatican II (1962), và kỷ niệm 20 năm ban hành Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (1992). Hai sự kiện này có liên quan chặt chẽ với nhau, vì Sách Giáo Lý là tổng hợp có hệ thống và hữu cơ các giáo huấn của Công Đồng. Cho đến nay Hội Thánh đã ban hành bốn sách giáo lý:

1. Sách Giáo Lý Rôma của Công Đồng Chung Trentô (1566).

2. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo của Công Đồng Chung Vatican II (1992).

3.  Sách Toát Yếu Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (2005).

4.  Sách Giáo Lý Cho Người Trẻ (Youcat), (2011).

Hai cuốn 1 và 2 là hai tài liệu giáo lý căn bản: cuốn 1 được lưu hành và sử dụng trong Hội Thánh suốt 436 năm, từ năm 1566 đến năm 1992; cuốn 2 từ năm 1992 đến nay được 20 năm rồi. Còn hai cuốn 3 và 4 được rút ra từ cuốn 2: cuốn 3 là toát yếu của cuốn 2, và cuốn 4 được rút từ cuốn 2 soạn riêng cho người trẻ. Như vậy, cho tới hôm nay, Tòa Thánh đã soạn ra 4 cuốn giáo lý. Tại sao chỉ có một Tin Mừng Chúa Giêsu đã rao giảng mà có tới bốn cuốn giáo lý? Tại sao gọi cuốn “Giáo Lý Cho Người Trẻ” (Youcat) là hiện đại nhất?

Tôi may mắn có cơ hội và thời giờ để tìm hiểu bốn cuốn giáo lý trên, nên mong muốn chia sẻ những gì đã lượm lặt được để giúp độc giả có thể đánh giá đúng hơn mỗi Sách Giáo Lý, nhờ đó sẽ yêu mến Hội Thánh hơn, yêu mến Sách Giáo Lý hơn và nhất là yêu mến Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta hơn.

Vì thế trong bài này tôi sẽ tìm cách trả lời ngắn gọn câu hỏi thứ nhất: tại sao đã có bốn Sách Giáo Lý kể trên, và bốn sách đó đã giúp ích gì cho việc sống và giảng Tin Mừng của Hội Thánh; câu hỏi thứ hai: tại sao sách “Giáo Lý Cho Người Trẻ” là sách Giáo Lý hiện đại nhất của Hội Thánh Công Giáo. Còn trong phần kết xin hỏi độc giả là có cần phải có một Giáo Lý Công Giáo cho Hội Thánh Việt Nam không và có chưa?

I. TẠI SAO CÓ SÁCH GIÁO LÝ RÔMA (1566) CỦA CÔNG ĐỒNG TRENTÔ

Từ Chúa Giêsu đến năm 1566 Hội Thánh mới có Sách Giáo Lý đầu tiên nghĩa là suốt thời gian 1566 năm không có Sách Giáo Lý, tại sao thế?

1.1 Thời Chúa Giêsu

 Năm 30 Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng khắp đất Do Thái, Người giảng dạy bằng miệng, dùng tiếng Do Thái, và bằng tất cả đời sống, nghĩa là toàn thể cuộc đời Người là một bài giảng liên tục: thái độ thinh lặng, các dấu lạ, cử chỉ, việc cầu nguyện, tình yêu của Người đối với dân chúng, tình cảm đặc biệt đối với các trẻ thơ và người nghèo, việc Người chấp nhận hy sinh chịu chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại, và sự sống lại của Người…tất cả đều là thực hiện lời Người đã giảng dạy. Người không dùng cuốn sách nào và cũng không để lại cuốn sách nào. Giảng dạy đi đôi với đời sống đã hấp dẫn và chinh phục nhiều tông đồ và môn đệ, nam cũng như nữ, dấn thân theo Người [1].

1.2 Thời các Tộng Đồ.

Các Tông đồ và môn đệ theo Chúa Giêsu đã nghe giảng Tin Mừng, chứng kiến cuộc sống và cái chết của Chúa, đã tiếp tục truyền lại “Giáo huấn và cả cuộc đời Chúa Giêsu” trong các cuộc hội họp của cộng đoàn đầu tiên vào ngày Chúa Nhật[2]. Nhờ thế, số người tin theo Chúa càng ngày càng đông. Giáo quyền Do Thái và chính quyền Rôma lo ngại và cấm đoán, nên các Ngài phân tán đi các miền chung quanh Giêrusalem và xa hơn. Việc liên lạc giữa các Tông đồ với các giáo đoàn trở nên cần thiết, do đó mà có các Thư của các Tông đồ. Thư trước hết là của Thánh Phaolô, rồi đến thánh Phêrô, Giacôbê … Và khi các Tông đồ dần dần già yếu, cần phải bảo tồn những chứng từ của các Ngài, thì có các sưu tập viết thành văn, về sau gom lại thành Sách Tin Mừng, như Tin Mừng Thánh Matthêu, Thánh Marcô, Thánh Luca và Thánh Gioan. Tông huấn về Huấn giáo cho biết là những bài giảng của các Ngài, các Thư gởi giáo đoàn và sau cùng các sách Tin Mừng đã mang dáng dấp cơ cấu của bài dạy giáo lý: “Trình thuật của Thánh Matthêu đã chẳng được gọi là Tin Mừng của giáo lý viên, và trình thuật của thánh Marcô đã chẳng được gọi là Tin Mừng cho người đang học giáo lý sao?[3]. Song song với các Thư và sách Tin Mừng trên, có nhiều Thư và Tin Mừng khác lấy tên của các Tông đồ, nhưng Hội Thánh đã kiểm tra cẩn thận và loại bỏ những tài liệu có những điều sai lạc với truyền thống Tông đồ, các tài liệu đó được gọi là Ngụy Thư [4]

Như thế, thời các Tông đồ chỉ để lại 4 Tin Mừng và 13 Thư của các Tông đồ gom thành tập Tân Ước, được viết bằng tiếng Hy Lạp phổ thông và viết trên giấy da hay giấy cói được cuộn lại.

1.3 Thời các Giáo Phụ

Số người theo Chúa Giêsu ngày càng đông và lan rộng khắp Đế quốc Rôma, nhu cầu giảng dạy Giáo lý Tin Mừng càng tăng. Các đấng kế vị các Tông đồ và môn đệ của các Ngài, đặc biệt trong thế kỷ III và IV, coi việc giảng dạy giáo lý là phần quan trọng, nên tổ chức dạy giáo lý cho người dự tòng và viết bài giáo lý, chú giải Kinh Thánh, bài giảng trong các lễ phụng vụ. Các Ngài được gọi là Giáo phụ, có vị dùng tiếng Hy Lạp như thánh Inhaxiô Antiôkia, thánh Gioan Kim Khẩu,… có vị dùng tiếng Latinh như thánh Ambrôsiô, thánh Augustinô… đặc biệt Giáo phụ Hiêrônimô biết cả 2 thứ tiếng nên đã dịch Kinh thánh từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latinh (bản Vulgata) để những Kitô hữu trong Đế quốc Rôma có thể sử dụng. Hội Thánh lưu giữ và sử dụng tài liệu các Ngài để lại, nhưng không phải là sách giáo lý. Như vậy thời các Giáo phụ để lại cho Hội Thánh các sách Kinh Thánh, các bài chú giải Kinh Thánh, các bài giảng giáo lý bằng tiếng Latinh, thường chỉ các giáo sĩ có khả năng đọc, và đủ điều kiện để có mà đọc, còn giáo dân đa số kém học thức và khó có điều kiện để đọc.

1.4 Thời Trung Cổ

Khi Hội Thánh được tự do giảng đạo trong Đế quốc Rôma vào thế kỷ IV, số người trong và ngoài đế quốc ồ ạt xin theo Kitô giáo, đa số là nông dân thất học, việc tổ chức dạy giáo lý thiếu sót, vì giáo sĩ không đủ. Giáo sĩ thì được nhà nước phong kiến cấp cho đất đai để xây cất nhà thờ, nhà xứ, tu viện, không có giờ học hỏi giáo lý Kinh Thánh, chỉ hướng dẫn cho giáo dân sống đạo bằng một số việc như: đọc kinh Truyền Tin sáng/ trưa/ chiều; kinh Hôm, kinh Mai; dự Thánh Lễ; ăn chay kiêng thịt; đi Đàng Thánh Giá; đọc kinh Thương Người có 14 mối; đi hành hương các nơi thánh. Đặc biệt việc lần chuỗi Mân Côi do thánh Bênađô khởi xướng và thánh Đôminicô phổ biến cho mọi người, đã giúp Kitô hữu suy gẫm và sống theo Tin Mừng.

Thời kỳ này vì hoàn cảnh nhiều dân tộc Âu Châu là những nông dân không có chữ nghĩa, không thể đọc Kinh Thánh hoặc các bài giáo lý của các Giáo phụ, và Hội Thánh cũng không đủ giáo sĩ để giảng dạy, vì bận tâm lo xây cất nhà thờ, nhà xứ… Đang khi đó, ngoài xã hội mới nổi lên phong trào phục hưng và tục hóa, ham tự do phóng túng, giàu sang… cả giáo sĩ lẫn giáo dân đều chịu ảnh hưởng xấu làm cho đời sống đức tin sa sút, vì từ lâu không được thấm nhuần giáo lý Tin Mừng, chỉ lo sống bề ngoài, dễ theo mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh…

1.5  Sách Giáo Lý của Luther (1529)

Trước tình trạng sa sút của giáo sĩ và tu sĩ suốt từ mấy thế kỷ XIII đến XV, Tòa Thánh chưa làm được gì để đổi mới, thì linh mục Luther, tu sĩ dòng thánh Augustinô bên Đức, cho rằng nguyên nhân tình trạng đó là do không được học biết Kinh Thánh và Giáo Lý. Rồi nhân dịp Tòa Thánh dùng ân xá để kiếm tiền xây dựng đền thờ thánh Phêrô, Luther đã chống lại, và Tòa Thánh ra vạ tuyệt thông (1520). Vì thế Luther đã đưa ra 3 điểm cốt yếu để ly khai với Hội Thánh Công Giáo và lập Hội Thánh Tin Lành:

(1)  Chỉ tin vào Kinh Thánh vì do Chúa Kitô, không tin vào Thánh Truyền vì do Hội Thánh (sola scriptura), vì thế không phục quyền Giáo Hoàng, không chấp nhận ân xá, chỉ nhận 2 Bí tích Rửa Tội và Thánh Thể…

(2)  Chỉ đức tin mới cứu rỗi được, việc lành hay công trạng không thể cứu rỗi con người (sola fide).

(3)  Chỉ nhận chức tư tế chung của mọi Kitô hữu đã được rửa tội…

Năm 1524 linh mục Luther cởi bỏ áo dòng, dịch Kinh Thánh sang tiếng Đức để giới bình dân có thể đọc. Năm 1529 soạn Sách Giáo Lý đầu tiên cho người lớn, rồi Sách Giáo Lý hỏi-thưa cho trẻ em bằng tiếng Đức. Sách Giáo Lý được xếp đặt có hệ thống, gồm 5 phần: 10 Điều Răn, Kinh Tin Kính, Kinh Lạy Cha, Bí tích Rửa Tội, Bí tích Thánh Thể. Luther đưa các điểm ông muốn ly khai với Hội Thánh vào 2 cuốn giáo lý. Gặp dịp mới phát minh máy in, hai sách giáo lý đó được in và phổ biến khắp nơi. Tóm lại thời kỳ này có Kinh Thánh được dịch từ Latinh ra tiếng Đức, và có Sách Giáo Lý đầu tiên cho người lớn và trẻ em bằng tiếng Đức, nhưng do người đã ly khai với Hội Thánh soạn, là Luther. Cuộc ly khai của Hội Thánh Tin Lành khiến phân nửa Kitô hữu Âu châu rời bỏ Hội Thánh Công Giáo (khoảng 60 triệu người).

1.6 Sách Giáo Lý Rôma (1566) của Công Đồng Trentô.

Cuộc Cải Cách của Luther đáp ứng được một phần nguyện vọng của mọi Kitô hữu ấp ủ từ thời thánh Phanxicô Atxidi và thánh Đôminicô (thế kỷ XII và XIII), là phải đổi mới đời sống thiêng liêng và đổi mới tổ chức nội bộ trong Hội Thánh. Nhưng vì giáo quyền Rôma chưa có ai đứng ra đảm nhận. Trước tình trạng đó, các dòng tu của thánh Phanxicô và Đôminicô, với dòng Tên mới được thánh Inhaxiô Loyola thành lập (năm 1540), cùng với các Kitô hữu đạo đức, đã thúc đẩy phải cải cách; đến năm 1545 Đức Giáo Hoàng Phaolô III mới triệu tập Công Đồng ở Trentô. Công Đồng họp trong 25 khóa, suốt 18 năm, kết thúc năm 1563, các Nghị phụ muốn soạn một cuốn Giáo Lý thay thế Giáo Lý của Luther nhưng không làm được. Đến thời Đức Giáo Hoàng Piô V, ngay khi lên ngôi giáo hoàng, Ngài đã quan tâm soạn cho xong sách giáo lý và cho ra quyển giáo lý của Công Đồng Trentô gọi là Sách Giáo Lý Rôma (1566).

1.7 Những đặc điểm của Sách Giáo Lý Rôma:

a) Ai soạn, soạn cho ai? Đức Thánh Giáo Hoàng Piô V thuộc dòng Đôminicô, cùng với các Hồng y và giáo chức trong giáo triều Rôma đã theo tinh thần Công Đồng Trentô, soạn sách bằng tiếng Latinh, soạn cho các linh mục coi xứ chứ không cho giáo dân. Về sau các Giám mục ở địa phương soạn lại bằng tiếng địa phương để phổ biến cho giáo dân tại địa phương mình, thuộc các lứa tuổi già trẻ…

b) Nội dung: Theo tinh thần của Công Đồng Trentô nhằm mục tiêu là giúp hiểu biết, yêu mến, và bước theo Chúa Giêsu. Nhưng thực ra chú ý hơn để đối phó với bên Tin Lành, đó là bảo vệ Thánh Truyền và những gì liên quan đến Hội Thánh như Bảy Bí tích, đời sống các giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, ít dùng Kinh Thánh, ít nói về Chúa Kitô và sứ vụ truyền giáo (xem 25 khóa họp).

c) Cách bố cục: Giống như một sách giáo khoa thần học kinh viện gồm 4 phần: Kinh Tin Kính, Bảy Bí Tích, Mười Điều Răn, Kinh Lạy Cha, thích hợp với người trí thức hơn. Đầu tiên soạn cho các cha xứ thì giống như bài giáo khoa thần học. Về sau soạn cho giáo dân thì theo hình thức hỏi- thưa.

d) Chọn các vấn đề (hay câu hỏi-thưa): Liên quan đến đời sống của Kitô hữu trong hoàn cảnh ở Âu châu thời đó, giúp họ giữ vững đạo, hơn là đối thoại hoặc truyền giáo cho người khác.

đ)  Ngôn ngữ chính thức là Latinh: Chỉ người có học mới hiểu được, về sau mới được dịch ra ngôn ngữ địa phương.

e) Chưa nghĩ gì đến các tôn giáo khác, đến việc đối thoại với người khác hay người không tôn giáo, đến việc hội nhập văn hóa.

Vào thế kỷ XVII, Sách Giáo Lý Rôma được Bộ Truyền Giáo dịch ra nhiều thứ tiếng để dùng trong các xứ truyền giáo (trong đó có Việt Nam, gọi là Thánh Giáo Yếu Lý). Như vậy Sách Giáo Lý Rôma đã có mặt suốt 436 năm trong Hội Thánh cho tới khi có Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (1992).

Thực ra Công Đồng chỉ xác định nhiều Giáo huấn về Hội Thánh và sửa sai những lệch lạc để đối phó, hơn là soạn Sách Giáo Lý trình bày toàn bộ Giáo Lý của Tin Mừng, nên Sách Giáo Lý Rôma cũng được soạn theo tinh thần đó.

II. TẠI SAO CÓ SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (1992) CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II

2.1 Hội Thánh và thế giới bước sang hoàn cảnh mới. Công Đồng Trentô và Sách Giáo Lý Rôma đã giúp Hội Thánh cải cách về nội bộ và giáo lý. Khi nhiều nước Công Giáo khám phá ra Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi… nhiều Kitô hữu đi sang các lục địa mới sinh sống làm ăn và truyền đạo. Hội Thánh vừa lo đối phó với bên Tin Lành, vừa lo truyền giáo cho các dân mới. Đang khi đó xã hội cũng đổi thay, phong trào phục hưng từ thế kỷ XIV vẫn đang phát triển, nhiều người ham tự do không muốn lệ thuộc Hội Thánh (tục hóa). Rồi đến thế kỷ XVIII (thế kỷ ánh sáng), các ngành triết học, khoa học, kỹ nghệ, thương mại….tiến bước rất nhanh làm thay đổi hẳn đời sống xã hội. Hội Thánh bận lo đối phó với cuộc ly khai của Tin Lành; còn giáo lý thì rút gọn lại ba phần: phần nhất gồm những điều phải Tin, phần hai gồm những điều răn phải Giữ, phần ba gồm những bí tích phải Chịu; theo đạo là giữ “ba phải”, mọi người lớn bé già trẻ phải học thuộc lòng. Hội Thánh đã không kịp nghiên cứu học hỏi thêm về Kinh Thánh, về thần học, về khoa học để đối phó, dẫn đến những mâu thuẫn giữa đức tin và khoa học (như vụ ông Galilê 1633), mâu thuẫn giữa đạo và đời (chiến tranh tôn giáo). Còn xã hội thì chia rẽ tranh chấp giữa các giai cấp (tư bản, công nhân, nông dân, vô sản) dẫn đến các cuộc cách mạng đầu tiên trên thế giới (ở Pháp 1789, ở Nga 1917), rồi tới hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai. Tất cả đã gây xáo trộn trong cả Hội Thánh cũng như thế giới, mọi người lo âu vì chiến tranh lạnh và chiến tranh hạt nhân.

2.2 Công Đồng Vatican II (1962- 1965) Trước hoàn cảnh hoang mang đó, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII mới lên nhận chức được ba tháng đã quyết định triệu tập Công Đồng Chung Vatican II giúp Hội Thánh cập nhật hóa với đà tiến của thế giới. Công Đồng trở về nguồn là Chúa Kitô để tìm ra bộ mặt thật của mình, Công Đồng loại bỏ hình ảnh Hội Thánh như kim tự tháp và chọn hình ảnh Hội Thánh như các vòng tròn có một tâm điểm là Chúa Kitô. Hội Thánh phải xuất phát từ Chúa Kitô và qui hướng về Chúa Kitô, nghĩa là mọi thành phần trong Hội Thánh phải hiệp thông với Chúa Kitô và hiệp thông với nhau, làm nên Thân Thể Chúa Kitô, để cùng với Chúa Kitô thi hành sứ vụ mà Chúa Kitô lãnh nhận từ Chúa Cha, và Chúa Kitô đã trao cho Hội Thánh, đó là “phục vụ loài người“. Phục vụ loài người là đem cả nhân loại về hiệp thông với Chúa Kitô và với nhau, họp thành Dân Thiên Chúa và tiến về Nước Thiên Chúa. Có thể nói Công Đồng đã định nghĩa Hội Thánh là mầu nhiệm, là hiệp thông, là sứ vụ, một định nghĩa vừa sâu sắc tuyệt vời, vừa là tư tưởng chỉ đạo cho tất cả 16 văn kiện của Công Đồng, để giúp Hội Thánh cập nhật hóa với thế giới. Các Nghi phụ Công Đồng cũng muốn có một Sách Giáo Lý để phổ biến giáo huấn của Công Đồng, nhưng Đức Phaolô VI cho rằng 16 văn kiện là bộ Sách Giáo Lý vĩ đại của Công Đồng rồi nên không cần soạn.

2.3. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (1992) Hai mươi năm sau Công Đồng Vatican II, Đức Gioan Phaolô II đã triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt để kiểm điểm việc Hội Thánh áp dụng giáo huấn của Công Đồng. Các Nghị phụ nhận thấy giáo huấn cốt yếu của Công Đồng (hiệp thông) chưa thấm nhập vào Dân Thiên Chúa, nên quyết định phải soạn Sách Giáo Lý để giải nghĩa và phổ biến. Năm 1986, Đức Gioan Phaolô II trao trách nhiệm cho Đức Hồng y Ratzinger đảm nhiệm. Sau 7 năm “Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo” được phát hành (1992). Xin nêu lên các đặc điểm và so sánh với Sách Giáo Lý Rôma:

a) Ai soạn và soạn cho ai? Đức Hồng y Ratzinger đứng đầu cùng với 12 vị Hồng y, Giám mục, Linh mục cộng tác, soạn bản thảo gởi đến các Hội Đồng Giám Mục khắp thế giới, xin góp ý kiến. Năm 1992 phát hành bằng tiếng Pháp, dầy 650 trang, gồm 2865 đoạn. Sách được soạn như giáo lý làm chuẩn mực cho các mục tử, các tín hữu cách chung và cả nhưng ai thắc mắc muốn biết Hội Thánh là gì. Năm 1997 được dịch ra tiếng Latinh để dựa vào mà soạn Sách Giáo Lý địa phương và được dịch ra hơn 50 tiếng khác. Còn Sách Giáo Lý Rôma do Đức Thánh Giáo Hoàng Piô V đứng đầu cùng với các Hồng y, Giám mục trong giáo triều Rôma soạn thì không có góp ý của các Giám mục thế giới và soạn cho các cha coi xứ để từ đó soạn lại dạy cho bổn đạo mà thôi.

b) Nội dung. Sách đặt Chúa Giêsu là tâm điểm, để mọi sự đều xuất phát từ Người rồi qui tụ về Người, và trình bày một cách tổng hợp và hữu cơ về đức tin lãnh nhận từ các tông đồ. Tổng hợp là gồm Tín lý, Luân lý, Kinh Thánh, Phụng vụ, Thánh Truyền, các Thánh, các nhà văn Kitô giáo; hữu cơ là làm cho các vấn đề luôn có quan hệ ăn khớp với nhau: tin những gì, sống theo đức tin làm sao, truyền giảng đức tin thế nào cho phù hợp với thế giới ngày nay. Sách không đặt nặng vấn đề kết án các sai lạc, nhưng cố gắng trình bày “một cách thanh thản sức mạnh và vẻ đẹp của đạo lý đức tin”.[5]

Sách Giáo Lý Rôma lo đối phó với những sai lạc của bên Tin Lành để đề cao Hội Thánh, ít dùng Kinh Thánh, ít nói về Chúa Kitô và về sứ vụ truyền giáo, không nói đến các tôn giáo khác và không đối thoại với thế giới.

c) Cách bố cục dựa theo truyền thống cổ điển của Sách Giáo Lý Luther và Sách Giáo Lý Rôma, gồm bốn phần: Tuyên xưng Đức tin (Kinh Tin Kính); các Bí tích của Đức tin; Đời sống theo Đức tin (10 Điều Răn); Kinh nguyện của những người tin (Kinh Lạy Cha). Mỗi phần chia làm nhiều chương, đoạn; cuối cùng có đoạn Tóm lược. Không soạn theo hình thức hỏi-thưa như sách Giáo Lý Rôma, và sách gồm 2865 số.

d) Chọn các vấn đề liên quan đến đời sống Kitô hữu ở khắp nơi trên thế giới giúp họ cùng nhau sống đạo và cùng nhau truyền đạo để Phúc Âm hóa xã hội. Các vấn đề có tính hiện đại như: vấn đề xã hội, chiến tranh, hòa bình, công lý, kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, tục hóa, vô thần, khoa học, thuyết tương đối hóa, truyền thông xã hội, tin học …

Sách Giáo Lý Rôma chỉ giới hạn trong các vấn đề sống đạo trong nội bộ Hội Thánh, chưa lo đến các vấn đề xã hội, khoa học, chiến tranh, toàn cầu hóa, vô thần …

đ) Về ngôn ngữ. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo phát hành lần đầu tiên năm 1992 bằng tiếng Pháp. Đến năm 1997 được dịch ra tiếng Latinh để làm chuẩn mực cho các Hội Thánh địa phương dựa vào mà soạn sách giáo lý bằng tiếng địa phương phù hợp với mọi lứa tuổi.

e) Những thích nghi cần thiết. Các vị soạn sách ý thức rằng: những người dùng sách trên toàn cầu có những “khác biệt về văn hóa, tuổi tác, mức trưởng thành tinh thần, tập quán xã hội và Giáo Hội”, nên Sách Giáo Lý này không có ý định thay thế các sách giáo lý địa phương, nhưng khích lệ và giúp soạn thảo những sách giáo lý mới, thích nghi với từng địa phương.

Tóm lại, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo là kết quả của toàn thể hàng Giám Mục trên thế giới, là một phương tiện có giá trị và có thẩm quyền để giúp Hội Thánh được hiệp thông, là mẫu mực chắc chắn cho việc giảng dạy đức tin, là bản văn tham khảo để canh tân Huấn giáo và soạn thảo Sách Giáo Lý địa phương, là tài liệu phong phú giúp Kitô hữu dùng ánh sáng đức tin soi sáng những hoàn cảnh mới và những vấn đề mới chưa được đặt ra trước đây, như vấn đề học thuyết xã hội của Hội Thánh, vấn đề hôn nhân và sự sống con người, vấn đề giá trị của luân lý …Tuy nhiên Đức Gioan Phaolô II vẫn nhắc nhớ rằng phải có những thích nghi cần thiết của các giáo lý địa phương và nhất là của những vị giảng dạy các Kitô hữu.[6]

III. TẠI SAO CÓ SÁCH TOÁT YẾU GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (2005)

3.1 Một yêu cầu phổ biến trong Hội Thánh. Năm 2002 các thành viên của Hội nghị Quốc tế về Giáo Lý đã trình lên Đức Gioan Phaolô II một yêu cầu phổ biến trong Hội Thánh là: ước muốn có được bản Toát Yếu Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Đức Gioan Phaolô II đã đón nhận ước muốn đó, và năm 2003 ngài trao cho một Ủy Ban Hồng Y soạn thảo, đứng dầu là Đức Hồng y Ratzinger với sự cộng tác của nhiều chuyên viên.

3.2 Sách Toát Yếu Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (2005). Ủy Ban làm việc trong hai năm, hoàn thành một bản dự thảo, chuyển đến các Hồng y và các Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục thế giới xem xét và cho ý kiến. Sách được phát hành vào năm 2005. Sau đây là những đặc điểm của Sách Toát Yếu, và so sánh với hai Sách Giáo Lý Rôma và Vatican II:

a) Ai soạn và soạn cho ai ? Cũng giống như hai Sách Giáo Lý trước đây, sách này do các chức sắc cao và chuyên viên trong Tòa Thánh soạn, có tham khảo ý kiến các Hồng y và các Hội Đồng Giám Mục thế giới. Soạn cho mọi người thuộc mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh; không dành cho trẻ em, dùng hình thức đối thoại hỏi – thưa; và cho cả những người không phải là Kitô hữu nhưng muốn tìm chân lý và công lý.

b) Nội dung theo sát Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nhưng được thu ngắn lại, nghĩa là chứa đựng cách ngắn gọn, sáng sủa và đầy đủ những gì là cốt yếu và căn bản, để mọi người, dù tin hay không tin, có một cái nhìn toàn diện về Kitô giáo.

Nhưng chỉ mình Sách Toát Yếu đã có một thiếu sót hay sơ sót về Bí tích Thánh Thể. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1358 dạy: “phải khảo sát Bí tích Thánh Thể với tính cách là:

– Việc tạ ơn và ca ngợi Chúa Cha.

– Việc tưởng niệm hy tế của Chúa Kitô.

– Sự hiện diện của Đức Kitô”.[7]

Thế mà Sách Toát Yếu Giáo Lý bản tiếng Latinh, tiếng Pháp (du Cerf) tiếng Việt đều thiếu “tạ ơn và ca ngợi[8]. Năm 2007 chính tôi đã khám phá sai sót này và đã nhờ Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa viết thư báo cho Bộ Giáo Lý Đức Tin ở Rôma. Chỉ một tuần sau Bộ đã gởi thư cám ơn và hứa sẽ quan tâm. Tôi cũng đã có tờ tường trình kèm theo các thư đó để gởi cho một cuộc họp của Ủy Ban Giáo Lý của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2008. Rồi năm 2011, tôi có đăng trong web của giáo phân Cần Thơ để trả lời một số người muốn biết rõ sự việc [9]. Tuy nhiên, cho tới hôm nay, tôi vẫn thấy Sách Toát Yếu Giáo Lý, xuất bản năm 2012 vẫn y như cũ, vẫn thiếu “tạ ơn và ca ngợi

c) Cách bố cục cũng chia làm 4 phần như 2 Sách Giáo Lý Rôma và Sách Giáo Lý Công Giáo, nhưng khác ở chỗ là được trình bày theo lối đối thoại, hỏi-thưa, dễ gây chú ý cho người đọc và giúp thu ngắn bản văn cách đáng kể: Sách Giáo Lý lớn có 2865 số, thì Sách Toát Yếu có 598 câu. Sách Toát Yếu còn có đặc điểm nữa là có 17 hình mầu nghệ thuật, rút từ gia sản phong phú 2000 năm của Kitô giáo. Các hình ảnh nghệ thuật giúp Kitô hữu chiêm ngắm và cảm phục trước những sự kiện nổi bật của Mầu nhiệm Cứu Độ; nhất là thời hiện đại, hình ảnh có màu sắc và có nghệ thuật đẹp, có thể diễn tả cách phong phú, hấp dẫn và còn có tác động mạnh hơn là lời nói rất nhiều…

d) Chọn các vấn đề liên quan đến tất cả đời sống Kitô hữu và có tính hiện đại như Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo: vấn đề sự sống, sinh sản, tình dục, học thuyết xã hội, truyền thông xã hội…

đ) Về ngôn ngữ. Bản đầu tiên cũng bằng Latinh và Pháp văn như Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, rồi các địa phương dịch ra tiếng địa phương.

e) Những thích nghi cần thiết. Các vị soạn thảo Sách Toát Yếu là các Hồng y, Giám mục, chuyên viên ở Tòa Thánh, theo văn hóa hay văn minh Âu Châu, như đã soạn Sách  Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, nên chú ý đến những gì phổ quát chung cho toàn thế giới, và chỉ quan tâm đến rút ngắn lại mà thôi, còn chuyện thích nghi thì dành cho Giáo  Hội địa phương.

Tóm lại, Sách Toát Yếu Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo được soạn rút ngắn lại theo lối đối thoại, có câu hỏi-thưa để nắm bắt được những gì là cốt lõi nhất trong Kitô giáo để dễ trao đổi, học hỏi, dễ nhớ và dễ học thuộc lòng.

Đặc biệt hơn hai Sách Giáo Lý Rôma và Vatican II là có thêm 17 hình ảnh mầu nghệ thuật, trình bày những sự kiện trong Kinh Thánh, nhưng muốn thưởng thức, chiêm ngắm và cảm phục được thì phải học hỏi nghệ thuật đôi chút, mặc dầu sách có chú giải về mỗi hình ảnh. Tuy nhiên, rút ngắn lại thì chỉ còn những giáo huấn cốt yếu căn bản, và phải bỏ đi những tư tưởng và chứng từ của các Giáo phụ, các Công Đồng, các Thánh, các Kitô hữu… làm cho Sách Toát Yếu giống như cái sườn nhà hay một bộ xương không thịt, không còn những tư tưởng và chứng từ thúc đẩy đời sống.

IV. TẠI SAO SÁCH GIÁO LÝ CHO NGƯỜI TRẺ “YOUCAT” ĐƯỢC COI LÀ SÁCH GIÁO  LÝ HIỆN ĐẠI NHẤT?

4.1 Tại sao có Sách Giáo Lý Cho Người Trẻ? Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI có nói rằng thời gian vừa qua Hội Thánh bị thương tích vì sự dữ tấn công. Ngài bị “sốc” vì tầm vóc to lớn của việc Giáo sĩ lạm dụng tình dục, Ngài đã phải giải quyết 3000 vụ rắc rối khi làm việc ở Bộ Giáo Lý Đức Tin. Ngài khuyên các bạn trẻ đừng vì các gương xấu đó mà trốn chạy khỏi Thiên Chúa. Qua các Đại Hội Giới Trẻ, Ngài đã gặp gỡ một giới trẻ thế giới đang muốn tin, muốn tìm đến Thiên Chúa, muốn yêu mến Chúa Kitô, nên Ngài ước muốn các Giám mục trên thế giới soạn cuốn Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo bằng ngôn ngữ của người trẻ để truyền bá sứ điệp Tin Mừng cho giới trẻ ngày nay. Năm 2006 Ngài nhờ Đức Hồng Y Christoph ۬Schönborn người Áo, đã từng làm việc với Ngài để soạn sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo và Sách Toát Yếu Giáo Lý Công Giáo, tiếp tục đứng đầu soạn Sách Giáo Lý cho người trẻ. Sau 5 năm làm việc với các cộng sự viên, sách được phát hành năm 2011 lấy tên viết tắt là “YouCat” (Youth Catechism).

4.2 Tại sao Sách Giáo Lý cho người trẻ được coi là hiện đại nhất? Trước hết trong lịch sử Hội Thánh, đã có tất cả 4 Sách Giáo Lý mà Youcat là sách xuất bản gần đây nhất (2011), thuộc thời gian hiện đại. Đây chỉ là hiện đại xét theo thời gian, nhưng hiện đại có tính quan trọng và đáng kể hơn là về những đặc điểm của nội dung, bố cục của Youcat.

a) Ai soạn và soạn thảo cho ai ? Cả 4 sách đều do Tòa Thánh đứng ra soạn thảo. Đức Bênêđíctô XVI đã nhờ Đức Hồng Y Sch۠o۠۠nborn cùng một số nhà thần học, nhà giáo dục, linh mục để làm việc,  nhưng đặc biệt đối với Youcat thì Tòa Thánh còn mời hơn 60 bạn trẻ cộng tác trong 5 năm. Soạn cho người trẻ là ai? Chắc chắn không phải là trẻ em mà là tất cả mọi thiếu niên từ 15 tuổi trở lên đến 40, 45 tuổi, và cả những ai có tinh thần trẻ trung dù đã quá 40, hoặc đã tới 70, 80. Tôi đã 79 mà đọc Youcat vẫn  thích thú. Soạn cho tất cả người trẻ dù họ là Kitô hữu hay không, miễn là muốn tìm hiểu Kitô giáo.

b) Nội dung của Youcat theo sát nội dung của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, trình bày đầy đủ và toàn bộ giáo huấn của Tin Mừng, trình bày cách tổng hợp và hữu cơ[10], lấy Chúa Kitô làm tâm điểm để xuất phát từ Người và quy hướng về Người. Điều này ta có thể thấy rõ nét trong các câu đối thoại, đa số đều nhắc đến Chúa Kitô (217/527 câu ).

c) Cách bố cục theo đúng cả ba Sách Giáo Lý trước, gồm 4 phần. Mỗi phần chia làm nhiều mục, chương, nhưng được trình bày theo lối đối thoại hỏi-thưa như sách Toát Yếu; và  rút ngắn hơn: Sách Toát Yếu có 598 câu thì Youcat còn 527 câu. Điểm đặc biệt hơn cả ba Sách Giáo Lý kia là khi mở ra trước mặt hai trang, thì Youcat đặt câu hỏi thưa vào phần giữa, còn hai bên lề trang phải hay trái thì dành để trình bày các trích dẫn Kinh Thánh, Giáo phụ, Công Đồng, các Thánh, các Kitô hữu, và cả các danh nhân thế giới như Aristote, Gandhi, Lã Bất Vi (Tàu)[11]. Ngoài ra còn dùng rất nhiều hình ảnh mầu đủ loại [12], hình các bức họa nghệ thuật về sự kiện trong Kinh Thánh, hình mầu chụp người cũng như cảnh vừa đẹp vừa có ý nghĩa để minh họa cho giáo thuyết. Và sau hết còn một cách minh họa độc đáo và sống động là ở cuối góc mỗi trang bên phải, có vẽ phác hình một người mà khi lật nhanh các trang sẽ thấy hình ảnh ở cuối góc trang phải chuyển động. Youcat tận dụng các hình ảnh để minh họa vì ở thời @ hiện đại, hình ảnh màu sắc đẹp có thể diễn tả và tác động mạnh mẽ hơn là lời nói. Ở cuối sách, còn có bản Mục lục các từ để tra cứu các đề tài hoặc định nghĩa.

d) Chọn các vấn đề, các câu hỏi liên quan đến đời sống Kitô hữu khắp thế giới giúp họ cùng nhau sống đạo và truyền đạo để có thể Tân Phúc Âm Hóa xã hội. Các vấn đề có tính hiện đại như tục hóa, chủ nghĩa tương đối hóa, học thuyết xã hội, sự sống con người …

đ Về ngôn ngữ . Youcat bản gốc được soạn bằng tiếng Đức, sau đó được dịch qua tiếng địa phương, khoảng chừng hơn 30 thứ tiếng, trong đó có cả Tàu và Ả Rập. Vấn đề dịch từ tiếng Đức ra tiếng địa phương gặp khó khăn vì lúc đầu đã có 2 bản dịch ra tiếng Ý và tiếng Pháp có chỗ sai phải sửa lại. Youcat đã cố gắng dùng các từ dễ hiểu cho cả năm Châu, loại bỏ những từ thần học kinh viện thường có ở các sách giáo lý trước, như: biến thể, bản thể, yếu tính, bản chất, sự vâng phục của đức tin … nhưng cũng sẵn sàng dùng những từ hiện đại của vi tính như: “option exit” (câu 407), hoặc “người mẹ mang thai mướn” (câu 423)…

e)  Những thích nghi cần thiết. Khi soạn Youcat các tác giả đã lưu ý đến tất cả các Châu lục, có những nền văn hóa khác nhau, các xã hội và các cá nhân khác nhau … để soạn một sách thích nghi với các địa phương, tất cả có thể dùng chung được, nhất là phải chọn ngôn ngữ phù hợp với người trẻ thì mới thấm nhập vào thế giới của họ được. Chẳng hạn Youcat có câu 219:

Hỏi:” Kitô hữu phải siêng năng dự lễ thế nào?

Thưa: “Hội thánh buộc Kitô hữu Công giáo phải dự lễ Chúa Nhật và lễ trọng, vì nếu yêu Chúa Giêsu thật thì phải đáp lại lời mời dự tiệc của Chúa”; và kết luận thêm rằng: “nói Hội Thánh buộc phải đi lễ Chúa Nhật thì cũng thích đáng như nói hai tình nhân buộc phải ôm hôn nhau…

Khi hoàn thành sách Youcat, Đức Bênêdictô XVI đã thú nhận rằng: “dự án này cuối cùng đã thành công, nó như một phép lạ đối với tôi.[13]

Tóm lại, hy vọng những đặc điểm và độc đáo vừa kể trên cũng đủ để độc giả chấp nhận Youcat như Sách Giáo Lý hiện đại nhất của Hội Thánh. Google cho biết Youcat là sách:

– Bán chạy nhất, khoảng 1,7 triệu cuốn.

– Nâng đỡ cho việc suy niệm và cầu nguyện.

– Cung cấp những từ có thể dùng để hiểu và trả lời các vấn đề.

– Mọi người có thể dùng có ích lợi cho mình.

– Trình bày tổng hợp và hữu cơ đức tin do các Tông Đồ truyền lại.

– Mời gọi ta thường xuyên đi vào mầu nhiệm đức tin để hiểu biết đức tin và truyền đạt đức tin.

Một nữ sinh viên công giáo đang dọn tiến sĩ ngữ học có chia sẻ: Tôi gặp hai bạn hỏi rằng “có đức tin nghĩa là thế nào?” Tôi đi tìm hiểu, suy nghĩ và cảm thấy bất lực không biết trả lời làm sao. Tôi mở Youcat xem mục lục các từ ở cuối, tìm chữ Tin. Mục lục chỉ dẫn là xem câu 22. Câu 22 hỏi “Tin nghĩa là thế nào?” Tôi thấy một câu trả lời trong mấy câu khác: “Tin là mình cảm thấy rung động, xúc động vì động chạm đến một Mầu nhiệm“. Tôi rất vui sướng vì tìm ra những từ để trả lời.

 

ĐỂ KẾT

Phần dẫn nhập đã hỏi ý kiến độc giả: có cần cuốn Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nữa không? Có người nghĩ rằng Tòa Thánh có đủ nhân sự và điều kiện để soạn Sách Giáo Lý hoàn hảo tuyệt vời, chỉ cần lo dịch cho “chuẩn” mà xài, khỏi mất công soạn; đàng khác muốn soạn cũng khó kiếm người có khả năng, có thời giờ …Nhưng xét cho cùng, lời khuyến khích của sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo vẫn đáng quan tâm để tìm cách thực hiện. Do đó ở Việt Nam không phải chỉ cần dịch cho tốt để xài cũng đủ và tiện rồi, mà phải nghĩ đến việc làm sao để Tin Mừng hội nhập vào văn hóa Việt Nam, để người Công Giáo Việt Nam sống Tin Mừng như sống văn hóa của mình vậy, có thế mới mong Tin Mừng thấm nhập được vào cuộc sống, để còn Tân Phúc Âm hóa và Tái Phúc Âm hóa nữa.

Tôi biết bên cạnh chúng ta, Hội Thánh Phi Luật Tân đã soạn được cuốn “Giáo Lý cho người Phi Luật Tân” vào năm 1997. Sau khi Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo xuất bản năm 1992, Hội Thánh Phi Luật Tân đã soạn bản thảo Sách Giáo Lý cho người Phi Luật Tân từ năm 1993. Đến năm 1997 sách chính thức được Tòa Thánh chấp thuận và xuất bản. Nội dung dựa theo đúng Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, đặt Chúa Ba Ngôi trên hết, Chúa Kitô làm tâm điểm xuất phát và qui hướng. Bố cục dựa trên bốn cột trụ cổ điển, nhưng chia làm năm phần : Phần Nhập đề; Phần I: Chúa Kitô là Sự Thật (tín lý); Phần II: Chúa Kitô là Con Đường (luân lý); Phần III: Chúa Kitô là Sự Sống (phụng vụ); Phần Kết: Kinh Lạy Cha. Sách gồm 30 chương, mỗi chương có 5 mục : dẫn nhập vào chủ đề, bối cảnh ở Phi Luật Tân, trình bày nội dung, hội nhập các chi tiết với nhau, các câu hỏi-thưa. Còn ở Việt Nam tôi chưa thấy có.

Riêng tôi, năm 1992 có Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo tiếng Pháp, và cũng biết có nhiều sách Giáo Lý của các Hội Đồng Giám Mục như Phi Luật Tân (Giáo lý cho người Phi Luật Tân), Pháp (Giao Ước), Đức (Thành Phố Trên Đồi), Bỉ (Tin Cậy Mến). Tôi cũng nghĩ đến Sách Giáo Lý của Hội Thánh Việt Nam, và nhận thấy nhiều cách bố cục cổ điển có vẻ gượng ép, tôi suy nghĩ tìm xem cách bố cục nào vừa đặt Chúa Ba Ngôi trên hết và Chúa Kitô là tâm điểm xuất phát cũng như qui hướng mọi sự, vừa hội nhập Tin Mừng vào văn hóa Việt Nam và văn hóa Việt Nam vào Tin Mừng, để sống Tin Mừng như sống văn hóa vậy. Tôi chọn đầu đề cho sách Giáo Lý tôi soạn là “Đức Giêsu Kitô Đường Hạnh Phúc“, đặt Chúa Kitô làm trung tâm, và chọn Tin Mừng Chúa Kitô như la bàn chỉ dẫn cho con người và thế giới biến đổi để đạt tới hạnh phúc. Hạnh phúc như sợi chỉ đỏ liên kết toàn bộ giáo lý. Vì theo truyền thống Á Đông, hạnh phúc là khát vọng sâu sắc nhất của mọi người (Phúc Lộc Thọ ở đời này), và Chúa Kitô còn dạy Tám Mối Phúc Thật để được hạnh phúc cả đời này đời sau. Hạnh phúc của Tin Mừng cốt tại sống hiệp thông, hiệp thông với Chúa Kitô, với nhau và với mọi vật. Cho nên bố cục gồm bốn phần:

I. Con người kiếm tìm hạnh phúc.

II. Đức Giêsu con đường hạnh phúc.

III. Lối sống xây dựng hạnh phúc.

IV. Hướng đến hạnh phúc vĩnh hằng.

Trong phần diễn giảng cố gắng sử dụng những truyền thống tốt đẹp trong văn hóa Á Đông như: hiếu, trung, nhân, nghĩa, lễ, cần, kiệm, liêm, chính, dũng … Sau mỗi bài có các bài đọc trình bày những tư tưởng, chứng từ trích dẫn từ Kinh Thánh, Công Đồng, các Giáo Phụ, các Thánh, các Kitô hữu, các danh nhân đạo đời. Cũng có hai bài về lịch sử Hội Thánh toàn cầu và Hội Thánh tại Việt Nam, tất cả để minh họa cho giáo thuyết và giúp người đọc thấy rõ giáo lý của Chúa đã được nhiều người sống theo. Các bài đọc làm thành một kho tài liệu để giảng thuyết và dạy giáo lý, gần giống như sách Youcat. Sách được lưu hành nội bộ từ năm 1994 cho đến năm 2005, đã được sửa chữa và sắp xếp theo góp ý của bạn bè. Và năm 2005 được chính thức xuất bản. Đây là lần đầu tiên tôi công khai giới thiệu Sách “Đức Giêsu Kitô Đường Hạnh Phúc”, có Nihil obstat, Imprimatur, và phép của Nhà xuất bản Tôn Giáo.

Dịp Tĩnh Tâm Linh Mục Đoàn 2013

                                    Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

                                    Nhà Hưu dưỡng Linh mục Cần Thơ

 


[1] xem Tông huấn Dạy Giáo Lý số 8, 9

[2] xem Cv 2, 42

[3]  Xem Tông Huấn về Huấn giáo số 11

[4] Dùng từ “ngụy” ở đây làm ta nghĩ đến ngụy quân, ngụy quyền có nghĩa xấu; đáng lẽ nên dùng từ khác, như bên Tin Lành gọi là Thứ Kinh hay Phụ Kinh, đối lại với Chính Kinh. Quãng thế kỷ IV, Hội Thánh phân định rõ ràng, các tài liệu chính kinh thì có danh mục trong Quy Điển, các phụ kinh đều ở ngoài Quy Điển.

[5] xem Tông huấn mở đầu.

[6] xem Lời mở đầu.

[7]  xem SGLHTCG tiếng Việt 2012

[8]  xem Sách Toát Yếu tiếng Việt năm 2012 trang 134

[9]  Bạn đọc muốn biết chỉ cần mở Google và gõ vào “ Lưu ý về một sự thật liên quan đến Bí tích Thánh Thể trong Sách Toát Yếu Giáo Lý Công Giáo”.

[10] xem b/ của SGLHTCG. Cuối mỗi câu có ghi tham chiếu SGLHTCG, và Sách Toát Yếu: các số in đậm trong ngoặc là số câu của SGLHTCG, số in nhỏ và không có ngoặc là số câu của Youcat.

[11] Về 3 trích dẫn trong Youcat 2011: Aristote, xem câu 326 và 327; Gandhi, xem câu 332; Lã Bất Vi, xem câu 370 (trong ghi chú cho là của  Lã Bất Vi (300-236 trước công nguyên) nhưng thực ra là của Khổng Tử (581-479 trước công nguyên). Câu đó là: tề gia trị quốc bình thiên hạ. Trích dẫn Kinh Thánh có dấu cuốn sách, định nghĩa có dấu ? , các tác giả khác có dấu ngoặc kép

[12] Sách Toát Yếu chỉ có 17 hình

[13] xem lời giới thiệu.

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30