BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2021 : THÁCH ĐỐ CỦA LỄ GIÁNG SINH : XIN ƠN BÉ NHỎ VÌ THIÊN CHÚA ĐÃ GIÁNG SINH TRONG SỰ BÉ NHỎ
« Đây là sứ điệp : Thiên Chúa không cưỡi mây trời trong sự vĩ đại, nhưng giáng trần trong sự bé nhỏ. Sự bé nhỏ là con đường mà Ngài đã chọn để đến với chúng ta, để chạm đến tâm hồn ta, để cứu độ ta và đưa chúng ta trở lại với những gì là quan trọng. » Đức Thánh Cha nhấn mạnh như thế trong bài giảng Thánh lễ Đêm Giáng Sinh, 24/12/2021, và đồng thời nhấn mạnh « sự vĩ đại của Ngài được ban tặng trong sự bé nhỏ ».
Và đó cũng là điều mà Đức Phanxicô mời gọi chúng ta cầu xin cho lễ Giáng Sinh : xin « ơn bé nhỏ », sự bé nhỏ được thể hiện qua những điều bé nhỏ trong cuộc sống của chúng ta, trong sự bé nhỏ của chính bản thân chúng ta và nơi những người bé nhỏ mà Chúa Giêsu đã tự đồng hóa với họ.
Từ đó, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta « hãy trở lại Bêlem, trở lại cội nguồn : trở lại với điều cốt yếu của đức tin, với tình yêu đầu tiên, với sự tôn thờ và đức ái », để « xin Thiên Chúa ban cho chúng ta trở thành một Giáo hội tôn thờ, nghèo khó và huynh đệ. »
Như thế, cùng với bài giáo lý về sự ra đời của Chúa Giêsu hôm thứ Tư 22/12/2021 và bài phát biểu trước các thành viên của Giáo triều Rôma hôm 23/12/2021, qua bài giảng này, Đức Thánh Cha tiếp tục kêu gọi con cái của Giáo hội sống khiêm tốn và trở nên bé nhỏ để có thể gặp gỡ và làm chứng cho Chúa trong cuộc sống của mình. Đối với Đức Thánh Cha, « đó là thách đố của lễ Giáng Sinh : Thiên Chúa mạc khải chính mình, nhưng con người không hiểu Ngài. Ngài trở nên bé nhỏ trước mắt thế gian, còn chúng ta tiếp tục tìm kiếm sự vĩ đại theo kiểu thế gian, có lẽ thậm chí đôi khi nhân danh Ngài. Thiên Chúa hạ mình, còn chúng ta muốn leo lên bệ thờ. Đấng Tối Cao cho thấy sự khiêm tốn, còn chúng ta muốn ra vẻ ta đây. Thiên Chúa đi tìm kiếm các mục đồng, những người không được ai quan tâm đến, còn chúng ta tìm kiếm cái nhìn của người đời. Chúa Giêsu sinh ra để phục vụ, còn chúng ta dành thời gian để theo đuổi thành công. Thiên Chúa không tìm kiếm sức mạnh và quyền lực, Ngài yêu cầu sự dịu dàng và bé nhỏ nội tâm. »
Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :
Trong đên tối bừng lên một ánh sáng. Một thiên thần xuất hiện, vinh quang của Chúa bao phủ các mục đồng và, cuối cùng là lời loan báo được chờ đợi từ bao thế kỷ : « Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa » (Lc 2, 11). Tuy nhiên, những gì thiên thần thêm vào thật đáng ngạc nhiên. Thiên thần đã chỉ cho các mục đồng làm thế nào tìm thấy Thiên Chúa giáng trần : « Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ » (c. 12). Đây là dấu chỉ : một đứa trẻ. Tất cả là ở đó : một đứa trẻ trong sự nghèo khó thô sơ của một máng cỏ. Không còn ánh sáng, không còn sự lộng lẫy, không còn dàn hợp xướng thiên thần. Chỉ một đứa trẻ. Không gì khác, như ngôn sứ Isaia đã tiên báo : « Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta » (Is 9, 5).
Tin Mừng nhấn mạnh đến sự tương phản này. Tin Mừng kể về sự ra đời của Chúa Giêsu bằng các bắt đầu bởi hoàng đế Xêdarê Augustô muốn kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ : Tin Mừng cho thấy vị hoàng đế đầu tiên trong sự vĩ đại của ông. Nhưng, ngày sau đó, Tin Mừng dẫn chúng ta đến Bêlem, nơi không có gì vĩ đại : chỉ một trẻ sơ sinh bọc tã nghèo nàn, được các mục đồng bao quanh. Chính đó là Thiên Chúa, trong sự bé nhỏ. Đây là sứ điệp : Thiên Chúa không cưỡi mây trời trong sự vĩ đại, nhưng giáng trần trong sự bé nhỏ. Sự bé nhỏ là con đường mà Ngài đã chọn để đến với chúng ta, để chạm đến tâm hồn ta, để cứu độ ta và đưa chúng ta trở lại với những gì là quan trọng.
Thưa anh chị em, khi chúng ta đứng trước hang đá, chúng ta hãy nhìn vào trung tâm của nó : chúng ta hãy vượt lên trên những ánh sáng và đồ trang trí – vốn rất đẹp ! – và chiêm ngắm Hài Nhi. Trong sự nhỏ bé của Người, có toàn thể Thiên Chúa . Chúng ta hãy nhận ra Người : « Hài Nhi, Người là Thiên Chúa, Thiên Chúa-Hài Nhi ». Chúng ta hãy để cho sự ngạc nhiên quá thể này xuyên thấu chúng ta. Đấng ôm lấy toàn vũ trụ cần được ôm lấy trong đôi bàn tay. Đấng tạo dựng mặt trời cần được sưởi ấm. Đấng là sự dịu dàng lại cần được cưng chiều. Tình yêu vô bờ bến lại có một trái tim bé nhỏ, với những nhịp đập yếu ớt. Lời vĩnh cửu là « hài nhi », nghĩa là chưa thể nói. Bánh Sự Sống cần được dưỡng nuôi. Đấng Tạo Thành thế giới lại không có nơi ở. Hôm nay, mọi thứ bị đảo ngược : Thiên Chúa đến bé nhỏ trong thế giới. Sự vĩ đại của Ngài được ban tặng trong sự bé nhỏ.
Và chúng ta – hãy tự hỏi – chúng ta có biết đón nhận con đường này của Thiên Chúa không ? Đó là thách đố của lễ Giáng Sinh : Thiên Chúa mạc khải chính mình, nhưng con người không hiểu Ngài. Ngài trở nên bé nhỏ trước mắt thế gian, còn chúng ta tiếp tục tìm kiếm sự vĩ đại theo kiểu thế gian, có lẽ thậm chí đôi khi nhân danh Ngài. Thiên Chúa hạ mình, còn chúng ta muốn leo lên bệ thờ. Đấng Tối Cao cho thấy sự khiêm tốn, còn chúng ta muốn ra vẻ ta đây. Thiên Chúa đi tìm kiếm các mục đồng, những người không được ai quan tâm đến, còn chúng ta tìm kiếm cái nhìn của người đời. Chúa Giêsu sinh ra để phục vụ, còn chúng ta dành thời gian để theo đuổi thành công. Thiên Chúa không tìm kiếm sức mạnh và quyền lực, Ngài yêu cầu sự dịu dàng và bé nhỏ nội tâm.
Đó là những gì chúng ta có thể xin Chúa Giêsu cho lễ Giáng Sinh : ơn bé nhỏ. « Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con biết yếu mến sự bé nhỏ. Xin giúp chúng con hiểu rằng đó là con đường của sự vĩ đại đích thực ». Nhưng cụ thể, điều đó có nghĩa là gì, việc đón nhận sự bé nhỏ ? Trước tiên, tin rằng Thiên Chúa muôn đến trong những điều bé nhỏ của cuộc sống của chúng ta, Ngài muốn cư ngụ trong những thực tại thường ngày, những cử chỉ đơn sơ mà chúng ta thực hiện ở nhà, trong gia đình, ở trường học, nơi làm việc. Chính trong đời thường của chúng ta mà Ngài muốn thực hiện những điều phi thường. Và đó là một sứ điệp có niềm hy vọng to lớn : Chúa Giêsu mời gọi chúng ta quý trọng và tái khám phá những điều bé nhỏ của cuộc sống. Nếu Ngài ở đó với chúng ta, thì chúng ta còn thiếu điều gì ? Vì thế, chúng ta hãy bỏ lại đằng sau chúng ta những tiếc nuối về sự vĩ đại mà chúng a không có được này. Hãy từ bỏ những lời phàn nàn và những khuôn mặt buồn bã, hãy từ bỏ lòng tham khiến chúng ta không thỏa mãn ! Sự bé nhỏ, sự ngạc nhiên về hài nhi bé nhỏ này : đó là sứ điệp.
Nhưng còn hơn nữa. Chúa Giêsu không chỉ muốn đến trong những điều bé nhỏ của cuộc đời chúng ta, nhưng còn trong sự bé nhỏ của chúng ta : trong những gì khiến chúng ta cảm thấy yếu đuối, mong manh, bất xứng, có lẽ thậm chí thất bại. Thưa anh chị em, nếu, như ở Bêlem, bóng đêm vây quanh anh chị em, nếu anh chị em cảm thấy một sự dửng dưng lạnh lùng xung quanh mình, nếu những vết thương nơi anh chị em kêu gào : « Ngươi không quan trọng, không không có giá trị gì, ngươi sẽ không bao giờ được yêu thương như ngươi muốn », thì tối nay Thiên Chúa đáp lời. Tối nay, Ngài nói với anh chị em : « Ta yêu thương con như con là. Sự bé nhỏ của con không làm cho Ta sợ hãi, những mong manh của con không làm Ta lo lắng. Ta đã trở nên bé nhỏ vì con. Để trở thành Thiên Chúa của con, Ta đã trở thành người anh em của con. Anh chị em quý mến, đừng sợ Ta, nhưng tìm thấy sự cao cả của anh chị em nơi Ta. Ta gần gũi anh chị em và Ta chỉ xin anh chị em điều nay : hãi tin tưởng Ta và hãy mở tâm hồn anh chị em cho Ta ».
Đón nhận sự bé nhỏ có nghĩa một điều khác nữa : ôm lấy Chúa Giêsu nơi những người bé nhỏ hôm nay. Đó là yêu mến Ngài nơi những người rốt hết, phục vụ Ngài nơi những người nghèo. Chính họ là những người giống với Chúa Giêsu nhất, Đấng được sinh ra nghèo khó. Và chính nơi họ mà Ngài muôn được tôn kính. Trong đêm yêu thương này, ước gì một nỗi sợ hãi duy nhất chiếm lấy chúng ta : đó là làm tổn thương tình yêu của Thiên Chúa, làm tổn thương Ngài khi khinh miệt người nghèo bằng sự dửng dưng của chúng ta. Họ là những người được yêu thích của Chúa Giêsu, và một ngày nào đó họ sẽ đón tiếp chúng ta trên Thiên Đàng. Một nữ thi sĩ đã viết : « Ai chưa tìm thấy Thiên Đàng ở dưới đất sẽ không đạt được nó ở trên trên trời » (E. Dickinson, Poems, P96-17). Chúng ta đừng sao lãng Thiên Đàng, hãy quan tâm đến Chúa Giêsu ngay bây giờ, bằng cách nâng niu Ngài nơi những người nghèo khổ, bởi vì Ngài đã tự đồng hóa với họ.
Chúng ta hãy nhìn vào máng cỏ một lần nữa và nhận thấy rằng Chúa Giêsu, khi sinh ra, đã được bao quanh bởi những người bé nhỏ, những người nghèo. Đó là các mục đồng. Họ là những người đơn sơ nhất, và họ là những người gần Chúa nhất. Họ đã tìm thấy Ngài bởi vì họ « sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật » (Lc 2, 8). Họ ở đó để làm việc vì họ nghèo ; cuộc sống của họ không có bảng giờ giấc nhưng tùy thuộc vào đàn chiên. Họ không thể sống như và ở nơi họ muốn, nhưng họ thích nghi với nhu cầu của đàn chiên mà họ chăn giữ. Và Chúa Giêsu sinh ra ở đó, gần gũi họ, gần gũi những người bị quên lãng của các vùng ngoại vi. Ngài đến ở nơi đâu phẩm giá con người bị thử thách. Ngài đến nâng cao phẩm giá cho những người bị loại trừ và trước tiên tỏ mình ra cho họ : không phải cho những nhân vật có học thức và quan trọng, nhưng cho những người lao động nghèo khổ. Tối nay, Thiên Chúa đến đổ đầy phẩm giá cho sự khó nhọc của lao động. Ngài nhắc nhở cho chúng ta thật quan trọng biết bao khi mang lại phẩm giá cho con người qua lao động, nhưng còn mang lại phẩm giá cho lao động của con người, vì con người là chúa chứ không phải nô lệ của lao động. Vào ngày của Sự Sống này, chúng ta hãy lặp lại : không còn những cái chết ở nơi lao động nữa ! Và chúng ta hãy dấn thân cho điều đó.
Chúng ta hãy nhìn vào máng cỏ một lần cuối bằng cách mở rộng cái nhìn của chúng ta cho đến những giới hạn của nó, nơi chúng ta nhận thấy các Đạo sĩ, đang lữ hành để thờ lạy Chúa. Chúng ta hãy nhìn và hiểu rằng tất cả những gì bao quanh Chúa Giêsu đều được sắp xếp lại trong sự thống nhất : không chỉ có những người rốt hết, những mục đồng, nhưng còn cả những nhà hiền triết và giàu có là các Đạo sĩ. Ở Bêlem, người nghèo và người giàu ở cùng nhau, những người thờ lạy như các Đạo sĩ và những người lao động như các mục đồng. Tất cả được sắp xếp lại khi Chúa Giêsu ở trung tâm : không phải những ý tưởng của chúng ta về Chúa Giêsu, nhưng chính Ngài, Đấng Hằng Sống. Như thế, anh chị em thân mến, chúng ta hãy trở lại Bêlem, trở lại cội nguồn : trở lại với điều cốt yếu của đức tin, với tình yêu đầu tiên, với sự tôn thờ và đức ái. Chúng ta hãy nhìn vào các Đạo sĩ đang lữ hành và, với tư cách là Giáo hội hiệp hành, đang lữ hành, chúng ta hãy đi đến Bêlem, nơi Thiên Chúa ở trong con người và con người ở trong Thiên Chúa ; nơi Thiên Chúa ở chỗ nhất và được tôn thờ ; nơi những người rốt hết có một chỗ gần Ngài nhất ; nơi các mục đồng và Đạo sĩ sát cánh cùng nhau trong tình huynh đệ mạnh mẽ hơn bất kỳ phạm trù nào. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta trở thành một Giáo hội tôn thờ, nghèo khó và huynh đệ. Đó là điều cốt yếu. Chúng ta hãy trở lại Bêlem.
Thật tốt cho chúng ta để đi đến đó, ngoan ngoãn theo Tin Mừng của lễ Giáng Sinh trình bày Thánh Gia, các mục đồng, các Đạo sĩ : cả một dân tộc đang lữ hành. Thưa anh chị em, chúng ta hãy lên đường, vì cuộc sống là một cuộc hành hương. Hãy chỗi dậy, hãy thức dậy vì đêm nay một ánh sáng đã bừng lên. Đó là một ánh sáng êm dịu nhắc cho chúng ta rằng, trong sự bé nhỏ của chúng ta, chúng ta là những người con yêu dấu, những người con của ánh sáng (x. 1Tx 5, 5). Chúng ta hãy cùng nhau vui mừng vì không bao giờ có ai sẽ dập tắt được ánh sáng này, ánh sáng của Chúa Giêsu bừng sáng từ đêm đó trên toàn thế giới.
————————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va )
Tags: Giáng-sinh, Phanxicô-I, synode
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG