BÀI GIÁO LÝ VỀ TẬT XẤU VÀ NHÂN ĐỨC – BÀI 13. NHÂN ĐỨC KIÊN NHẪN

Written by xbvn on Tháng Ba 27th, 2024. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :

Tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về các nhân đức, giờ đây chúng ta chuyển sang nhân đức kiên nhẫn, một đức tính có mẫu mực cao cả nhất là gương Chúa Giêsu trong cuộc Thương Khó của Người. Sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu không hệ tại ở việc kháng cự chịu đựng đau khổ, nhưng là hoa trái của tình yêu của Người. Thánh Phaolô cũng liên kết sự kiên nhẫn với tình yêu của Thiên Chúa, Đấng “chậm giận” và mau đáp trả sự dữ bằng sự thiện. Thật vậy, sự kiên nhẫn và nhẫn nhục của người Kitô hữu là chứng từ thuyết phục nhất về tình yêu của Chúa Kitô. Tuần Thánh này, chúng ta hãy cầu xin ân sủng của Chúa Thánh Thần để noi gương Chúa Kitô trong sự kiên nhẫn và tình yêu trắc ẩn của Người, Đấng tha thứ mọi lỗi lầm và tỏ lòng thương xót ngay cả với kẻ thù của Người.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 27/3/2024

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Chúa Nhật vừa qua chúng ta đã nghe trình thuật về cuộc Thương Khó của Chúa. Chúa Giêsu đáp lại những đau khổ Người phải chịu bằng một nhân đức rất quan trọng, mặc dù nó không nằm trong những nhân đức truyền thống: đức kiên nhẫn. Nó liên quan đến sự nhẫn nhục trước những gì người ta đau khổ: không phải ngẫu nhiên mà từ kiên nhẫn có cùng nguồn gốc với từ thương khó. Và chính trong cuộc Thương Khó mà sự kiên nhẫn của Chúa Kitô xuất hiện, cũng như với sự hiền lành và dịu dàng, Người chấp nhận bị bắt, bị đánh đập và bị kết án cách bất công; Người không tố cáo lại trước Philatô; Người chịu đựng bị sỉ nhục, bị nhổ nước bọt và đánh đập bởi những người lính; Người vác sức nặng của thập giá; Người tha thứ cho những kẻ đóng đinh Người vào gỗ giá; và trên thập giá, Người không đáp lại những khiêu khích, nhưng đúng hơn mang lại lòng thương xót. Tất cả những điều này cho chúng ta biết rằng sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu không hệ tại sự kháng cự chịu đựng đau khổ, nhưng là hoa trái của một tình yêu lớn lao hơn.

Thánh Phaolô Tông đồ, trong “bài thánh thi về đức ái” (x. 1Cr 13, 4-7), đã liên kết chặt chẽ tình yêu và sự kiên nhẫn. Thật vậy, khi mô tả phẩm chất đầu tiên của đức ái, ngài dùng một từ được dịch là “cao thượng” hay “kiên nhẫn”. Nó diễn tả một khái niệm đáng ngạc nhiên, thường xuất hiện trong Thánh Kinh: Thiên Chúa, trước sự bất trung của chúng ta, tỏ ra là Đấng “chậm giận” (x. Xh 34, 6; x. Ds 14, 18): thay vì bộc lộ sự chán ghét của Ngài trước sự dữ và tội lỗi của con người, Ngài tỏ ra cao cả hơn, luôn sẵn sàng bắt đầu lại từ đầu với lòng kiên nhẫn vô hạn. Đối với thánh Phaolô, đây là đặc điểm đầu tiên của tình yêu Thiên Chúa, vốn đề nghị sự tha thứ khi đối mặt với tội lỗi. Nhưng không chỉ vậy: đó là nét đầu tiên của mọi tình yêu cao cả, biết cách lấy thiện đáp lại sự dữ, không rút lui trong giận dữ và chán nản, nhưng kiên trì và cố gắng lần nữa. Vì vậy, gốc rễ của sự kiên nhẫn là tình yêu, như thánh Augustinô đã nói: “Mỗi người công chính càng chịu đựng mọi sự dữ một cách dũng cảm hơn, trong mức độ tình yêu của Thiên Chúa mạnh mẽ hơn nơi họ” (De Patientia, XVII ).

Vì thế, người ta có thể nói rằng không có chứng tá nào tốt hơn cho tình yêu của Chúa Kitô bằng việc gặp gỡ một Kitô hữu kiên nhẫn. Nhưng hãy nghĩ đến bao nhiêu người mẹ và người cha, bao nhiêu công nhân, bác sĩ và y tá, người bệnh, những người mỗi ngày, trong bóng tối, làm cho thế giới duyên dáng thêm bằng sự kiên nhẫn thánh thiện! Như Thánh Kinh khẳng định: “Người chậm giận thì hơn trang hào kiệt” (Cn 16, 32). Tuy nhiên, chúng ta phải thành thật rằng: chúng ta thường thiếu kiên nhẫn. Chúng ta cần nó như một “vitamin thiết yếu” để sống, nhưng theo bản năng, chúng ta trở nên thiếu kiên nhẫn và đáp trả sự dữ bằng sự dữ; thật khó để giữ bình tĩnh, kiểm soát bản năng, kiềm chế những phản ứng xấu, xoa dịu những cãi vã và xung đột trong gia đình, nơi làm việc, trong cộng đồng Kitô hữu.

Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng kiên nhẫn không chỉ là một nhu cầu mà còn là một lời kêu gọi: nếu Chúa Kitô kiên nhẫn, thì người Kitô hữu cũng được mời gọi kiên nhẫn. Và điều này đòi hỏi chúng ta phải đi ngược lại với xu hướng não trạng phổ biến ngày nay, bị chi phối bởi sự vội vàng và mong muốn “mọi thứ ngay lập tức”; trong đó, thay vì chờ đợi các hoàn cảnh chín muồi, người ta lại bị thúc ép, với kỳ vọng rằng chúng sẽ thay đổi ngay lập tức. Chúng ta đừng quên rằng sự vội vàng và thiếu kiên nhẫn là kẻ thù của đời sống thiêng liêng: Thiên Chúa là tình yêu, và ai yêu thương thì không mệt mỏi, họ không nóng nảy, không đưa ra tối hậu thư, nhưng biết cách chờ đợi. Hãy nghĩ đến trình thuật về Người Cha nhân hậu, người đang chờ đợi đứa con trai đã bỏ nhà ra đi: Người kiên nhẫn chịu đựng, chỉ nóng lòng ôm lấy nó ngay khi thấy nó trở về (x. Lc 15, 21); hay dụ ngôn về lúa mì và cỏ lùng, với Chúa là Đấng không vội vàng nhổ tận gốc sự dữ trước thời điểm của nó, để không bị mất mát gì (x. Mt 13, 29-30).

Nhưng làm sao có thể lớn lên trong sự kiên nhẫn? Vì, như Thánh Phaolô dạy chúng ta, nó là hoa trái của Chúa Thánh Thần (x. Gl 5, 22), nên người ta phải cầu xin nó từ Thánh Thần của Chúa Kitô. Ngài ban cho chúng ta sức mạnh hiền lành của sự kiên nhẫn, bởi vì “nhân đức Kitô giáo không chỉ là vấn đề làm điều tốt, mà còn chịu đựng cả sự dữ nữa” (Augustinô, Sermons, 46,13). Đặc biệt trong những ngày này, thật tốt cho chúng ta khi chiêm ngưỡng Đấng Chịu Đóng Đinh để thấm nhuần sự kiên nhẫn của Người. Một tập luyện tốt khác là dâng cho Ngài những người gây phiền toái nhất, xin ơn thực hành đối với họ việc làm của lòng thương xót rất nổi tiếng, nhưng lại bị coi thường: kiên nhẫn chịu đựng những người gây phiền toái. Nó bắt đầu bằng việc xin biết nhìn họ với lòng trắc ẩn, bằng cái nhìn của Thiên Chúa, biết cách phân biệt khuôn mặt của họ với lỗi lầm của họ.

Cuối cùng, để trau dồi tính kiên nhẫn, một nhân đức mang lại hơi thở cho cuộc sống, thật tốt để mở rộng tầm nhìn của mình. Chẳng hạn, bằng cách không giới hạn phạm vi của thế giới vào những rắc rối của riêng chúng ta, như sách Gương Chúa Kitô mời gọi chúng ta làm: “Chớ gì bạn nhớ đến những nỗi thống khổ rất đau đớn của người khác, để bạn có thể mang lấy những thống khổ bé nhỏ của mình cách dễ dàng hơn”, nhắc nhớ rằng “vì đối với Thiên Chúa, không có gì chịu đau khổ vì Ngài, dù nhỏ đến đâu, có thể trôi qua mà không được khen thưởng” (III, 19). Và một lần nữa, khi chúng ta cảm thấy mình đang ở trong nghịch cảnh, như ông Gióp dạy chúng ta, thật tốt để mở lòng mình với niềm hy vọng cho sự mới mẻ của Thiên Chúa, với niềm tin tưởng vững chắc rằng Ngài không để những mong đợi của chúng ta bị thất vọng.

——————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30