HUẤN QUYỀN CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VỀ VẤN ĐỀ AN TỬ
Trong suốt 2000 năm lịch sử của mình, Giáo hội đã luôn bảo vệ sự sống con người, từ khi thụ thai cho đến cái chết tự nhiên, với sự quan tâm đặc biệt dành cho những giai đoạn mong manh nhất của cuộc sống. Nói « không » với an tử (euthanasie) và việc bám riết điều trị là một tiếng « vâng » với phẩm giá và các quyền của nhân vị : không thể chữa khỏi được không có nghĩa là không thể chăm sóc được.
Trong từ nguyên tiếng Hy Lạp, từ « euthanasie » gắn liền với khái niệm « chết lành » (εὐθάνατος). Vào thời cổ đại, thuật ngữ này liên kết với một cái chết không đau khổ. Mục tiêu của bác sĩ là làm sao, trong chừng mực có thể, những giây phút cuối cùng của cuộc đời được không đau đớn. Hình thức an tử này không mâu thuẫn với lời thề Hippocrate : « Tôi sẽ không cho bất kỳ ai, ngay cả khi người ta yêu cầu tôi, một thứ thuốc chết người, cũng sẽ không gợi ý một lời khuyên như thế ; cũng thế, tôi sẽ không cho bất kỳ người phụ nữ nào một thứ thuốc phá thai ». Thế nhưng, ngày nay, thuật ngữ « euthanasie » không còn quy chiếu đến ý nghĩa ban đầu này. Đúng hơn, đó là một hành động nhắm gây ra cái chết trước của một bênh nhân để giảm bớt sự đau khổ của người ấy.
Nói không với an tử và việc bám riết điều trị
Giáo hội Công giáo đã luôn khẳng định rằng sự sống con người phải được bảo vệ từ lúc thụ thai cho đến cái chết tự nhiên. Chẳng hạn, theo sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, « Việc an tử cố ý, bất kể hình thức và động cơ của nó là gì, đều là một tội giết người. Nó nghịch lại cách nghiêm trọng với phẩm giá của nhân vị và lòng kính trọng Thiên Chúa hằng sống, Đấng Tạo Thành nó » (2324).
Sự tiến bộ công nghệ đã làm nảy sinh những vấn đề đạo đức mới. Sự phát triển của y khoa đã cho phép cải tiến sức khỏe và kéo dài sự sống theo một cách thức chưa từng thấy hay thậm chí là tưởng tượng. Về vấn đề này, cách đây 65 năm, ngày 24/11/1957, Đức Piô XII đã có một bài diễn văn trước một nhóm các bác sĩ gây mê và hồi sức mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi là « đáng nhớ ».
Tái khẳng định rằng an tử là không hợp pháp, tuy nhiên, Đức Piô XII đã khẳng định rằng không có nghĩa vụ phải luôn sử dụng tất cả các phương thế điều trị có thể có và, trong những trường hợp được xác định rõ ràng, thật hợp pháp để tránh chúng : đó là ám chỉ đầu tiên đến nguyên tắc được gọi là « bám riết điều trị ». Nó được xác định như là không thể chấp nhận được về mặt luân lý để tránh hay đình chỉ việc sử dụng các biện pháp điều trị khi việc sử dụng chúng không đáp ứng tiêu chí « tính tương xứng của việc điều trị ».
Đức Gioan XXIII, Đức Phaolô VI và Công đồng Vatican II
Trong thông điệp Mater et Magistra, Đức Gioan XXIII đã nhấn mạnh rằng « sự sống con người là thánh thiêng : từ nguồn gốc của nó, nó đòi hỏi hành động sáng tạo của Thiên Chúa ». Trong thông điệp Pacem in Terris, cũng chính Đức Gioan XXIII đã chỉ ra trong số các quyền “được tồn tại của mọi hữu thể nhân linh », một quyền « được gắn liền với bổn phận bảo vệ sự sống ».
Hiến chế Gaudium et Spes của Công đồng đặt an tử trong danh sách những vi phạm đối với việc tôn trọng nhân vị : « Như giết người dưới bất cứ hình thức nào, diệt chủng, phá thai, an tử và ngay cả tự tử cố ý; tất cả những gì xâm phạm sự toàn vẹn của nhân vị, như cắt bỏ một phần thân xác, hành hạ thân xác hoặc tâm trí, những cưỡng ép tâm lý; tất cả những gì xúc phạm đến nhân phẩm, như những điều kiện sống thấp kém dưới mức độ phải có của con người, giam cầm tùy tiện, lưu đày, nô lệ, mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ con; kể cả những tình trạng làm việc xuống cấp khiến cho công nhân hoàn toàn trở thành dụng cụ cho lợi lộc, mà không quan tâm đến nhân cách tự do và có trách nhiệm của họ.» (GS 27).
Vào năm 1974, Đức Phaolô VI thiết lập mối liên hệ giữa giai đoạn cuối đời và những vấn đề chủng tộc, khi nói với Ủy ban đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Apartheid, nhấn mạnh sự bình đẳng của tất cả mọi người và sự cần thiết phải bảo vệ quyền của người thiểu số cũng như « quyền của các bệnh nhân nan y và của tất cả những ai đang sống bên lề xã hội và không có tiếng nói ».
Đức Gioan-Phaolô II : an tử và nền văn hóa sự chết
Trong thông điệp Evangelium Vitae năm 1995, Đức Gioan-Phaolô II nhấn mạnh rằng an tử, dù nó « trá hình và lan tràn hay được thực hành công khai và thậm chí được hợp pháp hóa », đang ngày càng lan rộng. « Bằng lòng trắc ẩn được cho là đối với nỗi đau đớn của bệnh nhân, đôi khi nó được biện minh bằng một lý do vị lợi, nhắm tránh những chi phí không sinh lợi quá nặng nề cho xã hội ». Do đó, người ta đề nghị « giết những đứa bé dị tật, những người tàn tật nặng, các thương phế binh, người già, đặc biệt nếu họ không tự quản được, và các bệnh nhân giai đoạn cuối ». Đức Gioan-Phaolô II đã nhấn mạnh rằng « cám dỗ an tử, tức là chiếm hữu cái chết, gây ra cái chết trước và do đó chấm dứt cuộc sống của mình hay của người khác « cách nhẹ nhàng », ngày càng trở nên mãnh liệt hơn ». Trên thực tế, « những gì có vẻ hợp lý và nhân văn, được xem xét cách sâu xa, lại là phi lý và phi nhân. Ở đây chúng ta đang đối mặt với một trong những triệu chứng báo động nhất của nền văn hóa sự chết ».
Đức Bênêđíctô XVI : sự săn sóc yêu thương và đồng hành
Sự tồn tại của một con người trong một điều kiện rất bấp bênh, bởi vì họ già yếu và bệnh tật, có còn một ý nghĩa không ? Tại sao, khi thách thức của bệnh tật trở nên bi kịch, chúng ta phải tiếp tục bảo vệ sự sống, chứ không chấp nhận sự an tử như sự giải thoát ? « Những người được mời gọi đồng hành với người già bệnh tật phải tự lượng giá (đối với những câu hỏi này) nhất là khi họ dường như không có bất kỳ cơ hội chữa lành nào », Đức Bênêđíctô XVI khẳng định vào năm 2007.
Ngài nói thêm, não trạng hiệu quả hiện nay thường có khuynh hướng gạt bỏ anh chị em đang đau khổ của chúng ta ra bên lề xã hội, như thể họ chỉ là một « gánh nặng » và là một « vấn đề » đối với xã hội.
« Những ai có ý thức về nhân phẩm đều biết rằng họ phải được tôn trọng và nâng đỡ khi đối diện với những khó khăn nghiêm trọng gắn liền với tình trạng của họ. Quả thật, thật công bằng khi dùng đến sự chăm sóc xoa dịu trong giai đoạn cuối đời khi cần thiết, mà nếu chúng không thể chữa lành được, thì vẫn có thể giảm bớt nỗi đau đớn do bệnh tật gây ra ». Thế nhưng, bên cạnh việc chăm sóc lâm sàng không thể thiếu, Đức Bênêđíctô XVI nói, luôn cần thiết phải chứng tỏ một khả năng yêu thương cụ thể, vì bệnh nhân cần sự hiểu biết, an ủi, sự động viên và đồng hành liên lỉ.
Đức Phanxicô : nói không với nền văn hóa vứt bỏ
Tư tưởng vượt trội nhất, được đánh dấu bởi « nền văn hóa vứt bỏ » đôi khi đề nghị một « lòng trắc ẩn sai lệch ». Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh khi nói với các tham dự viên của hội nghị năm 2014 được xúc tiến bởi Hiệp hội y khoa Công giáo Ý : « Lòng trắc ẩn được coi như là sự giúp đỡ cho các phụ nữ khi khuyến khích việc phá thai, được coi như một hành vi phẩm giá khi gây ra sự an tử, được coi như là một cuộc chinh phục khoa học khi « sản xuất ra » một đứa trẻ được xem như là một quyền thay vì đón nhận nó như là một quà tặng ; hay khi sử dụng mạng người như những con chuột trong phòng thí nghiệm để mạo xưng là cứu những mạng sống khác ».
Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định, trong một sứ điệp năm 2017 về chủ đề giai đoạn cuối của cuộc đời, rằng « không thúc đẩy các phương tiện bất tương xứng, hay đình chỉ việc sử dụng chúng, tương đương với việc tránh việc bám riết điều trị, tức là thực hiện một hành động vốn có một ý nghĩa đạo đức hoàn toàn khác với an tử ». Và ngài nhắc lại những gì được diễn tả trong sách Giáo lý Giáo hội Công giáo : « Việc ngưng các hành vi y tế tốn kém, nguy hiểm, bất thường hay không tương xứng so với kết quả mong đợi có thể là hợp pháp. Trong trường hợp này, có sự từ bỏ việc bám riết điều trị ».Ý hướng không phải là gây ra cái chết, nhưng chấp nhận rằng nó không thể được tránh khỏi.
Không thể chữa trị được không phải là không thể chăm sóc được
Trong Thư Samaritanus bonus về việc trợ giúp những người trong giai đoạn nguy kịch và cuối đời, được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn và được công bố ngày 22/9/2020, Bộ Giáo lý Đức tin khẳng định rằng « không thể chữa trị được không bao giờ đồng nghĩa với không thể chăm sóc được » : những người bị bệnh ở giai đoạn cuối cũng như những người được sinh ra với một niềm hy vọng sống sót có hạn đều có quyền được đón nhận, chăm sóc, bao bọc bằng tình cảm. Đức Phanxicô lặp lại tư tưởng này trong Sứ điệp Ngày thế giới bệnh nhân 2022 : « Ngay cả khi không thể chữa lành, thì vẫn luôn có thể chăm sóc, luôn có thể an ủi, luôn có thể giúp cho cảm nhận được sự gần gũi vốn biểu lộ sự quan tâm đối với con người hơn là bệnh lý của họ ». Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung ngày 9/2/2022, một lần nữa Đức Thánh Cha nhấn mạnh : « Chúng ta phải đồng hành với mọi người cho đến khi chết, nhưng không được gây ra cái chết hay thúc đẩy bất cứ hình thức tự sát nào. Tôi nhắc lại rằng quyền được chăm sóc và điều trị cho mọi người phải luôn ưu tiên, để những người yếu nhất, đặc biệt là người già và bệnh tật không bao giờ bị gạt bỏ. » Giáo hội phản đối việc bám riết điều trị, nhưng tái khẳng định như là « giáo huấn dứt khoát » rằng « an tử là một tội ác chống lại sự sống con người ».
(theo Amedeo Lomonaco, Vatican News, và cập nhật thêm )
Tags: Bênêđíctô XVI, Nhân-phẩm, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- CHA ROBERTO PASOLINI, TÂN GIẢNG THUYẾT CỦA PHỦ GIÁO HOÀNG
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TRỰC TUYẾN ĐÒI HỎI MỘT QUY ĐỊNH MỚI
- ĐỨA TRẺ BÊN TRONG
- ĐHY PAROLIN GỬI LỜI CHÚC TỐT ĐẸP NHẤT TỚI TRUMP VỀ CHIẾN THẮNG BẦU CỬ