KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM A: MÙA VỌNG LÀ THỜI ĐIỂM ÂN SỦNG ĐỂ BẮT ĐẦU MỘT CUỘC SỐNG MỚI
“Mùa Vọng là thời điểm ân sủng để cất bỏ những chiếc mặt nạ của chúng ta … và xếp hàng với những người khiêm tốn, … để đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa, để xin sự tha thứ từ những người chúng ta đã xúc phạm. Đây là cách bắt đầu một cuộc sống mới”. Đức Phanxicô nhắc nhở như thế trong buổi đọc Kinh Truyền Tin Chúa Nhật II Mùa Vọng, hôm 4/12/2022, và đồng thời mời gọi “chúng ta hãy lắng nghe lời kêu gọi của thánh Gioan Tẩy Giả để trở về với Thiên Chúa. Và chúng ta đừng để Mùa Vọng này trôi qua như những ngày trên lịch bởi vì đây là một thời điểm ân sủng, một ân sủng cũng cho chúng ta, ở đây và bây giờ !”.
Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em, chúc anh chị em ngày Chúa Nhật vui vẻ!
Hôm nay, Chúa Nhật II Mùa Vọng, bài Tin Mừng của Phụng vụ trình bày hình ảnh của thánh Gioan Tẩy Giả. Bản văn nói rằng Gioan “mặc áo lông lạc đà”, “lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn” (Mt 3, 4), và ngài kêu gọi mọi người sám hối. Rồi ngài nói thế này: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần!” (c. 2). Và ngài rao giảng sự gần đến của Nước Trời. Nói tóm lại, ngài là một người khắc khổ và triệt để, thoạt nhìn có vẻ khắt khe và có thể gieo rắc một sự sợ hãi nào đó. Nhưng một lần nữa, chúng ta có thể tự hỏi tại sao mỗi năm Giáo hội đề nghị ngài là người bạn đồng hành chính trong suốt Mùa Vọng này. Điều gì ẩn giấu bên dưới sự nghiêm khắc của ngài, đằng sau sự khắt khe bề ngoài của ngài? Đâu là bí mật của Gioan? Đâu là sứ điệp mà Giáo hội trao cho chúng ta hôm nay với Gioan?
Trên thực tế, còn hơn là một người khắt khe, Gioan Tẩy Giả là một người dị ứng với sự hai mặt. Hãy nghe kỹ điều này: dị ứng với sự hai mặt. Chẳng hạn, khi những người Pharisêu và Sađốc, nổi tiếng về sự giả hình của họ, đến với ngài, “phản ứng dị ứng” của ngài là khá mạnh mẽ! Trên thực tế, một số người trong số họ có lẽ đã đến với ngài vì sự tò mò hay để đạt được điều gì đó bởi vì Gioan đã trở nên khá nổi tiếng. Những người Pharisêu và Sađốc này nghĩ rằng họ không cần gì và, đối diện với lời kêu gọi thẳng thừng của Gioan Tẩy Giả, họ đã biện minh rằng: “Chúng tôi đã có tổ phụ Abraham” (c. 9). Như thế, do sự hai mặt và tính tự phụ, họ đã không đón nhận thời điểm ân sủng, cơ hội để bắt đầu một cuộc sống mới. Họ đã khép kín với sự tự phụ là đúng. Vì thế, Gioan bảo họ, “Các anh hãy sinh hoa trái để chứng tỏ lòng sám hối!” (c. 8). Đây là tiếng kêu của tình yêu, như tiếng kêu của một người cha khi thấy con của mình đang hủy hoại bản thân và nói với nó, “Đừng vứt bỏ mạng sống của con!” Anh chị em thân mến, về bản chất, sự giả hình là mối nguy hiểm lớn nhất bởi vì nó thậm chí có thể hủy hoại những thực tại thánh thiêng nhất. Sự giả hình là một mối nguy hiểm nghiêm trọng. Đây là lý do tại sao Gioan Tẩy Giả – như Chúa Giêsu sau này – khắt khe với những kẻ giả hình. Chẳng hạn, chúng ta có thể đọc chương 23 của Matthêu trong đó Chúa Giêsu lên tiếng mạnh mẽ với những kẻ giả hình thời đó. Và tại sao Gioan Tẩy Giả cũng như Chúa Giêsu làm điều này? Để thức tỉnh họ. Thay vào đó, những người cảm thấy mình tội lỗi đã đến với ngài [Gioan], và khi xưng thú tội lỗi của mình, họ đã được ngài làm phép rửa” (c.5). Vì thế, sự biểu diễn thì không quan trọng để đón nhận Thiên Chúa, sự khiêm nhường mới là điều quan trọng. Đây là con đường để đón nhận Thiên Chúa. Không phải sự biểu diễn – “Chúng ta mạnh mẽ, chúng ta là một dân tộc vĩ đại!” Không, không. Lòng khiêm tốn. Tôi là một tội nhân. Nhưng không phải trong lý thuyết, không – “bởi vì điều này, điều này và điều này”. Mỗi người chúng ta cần xưng thú tội lỗi của mình, khuyết điểm của mình, sự giả hình của mình. Nó đòi hỏi phải rời khỏi sự sùng bái và dìm mình vào nước sám hối.
Anh chị em thân mến, Gioan và “những phản ứng dị ứng” của ngài khiến chúng ta suy nghĩ. Chẳng phải đôi khi chúng ta cũng giống như những người Pharisêu đó sao? Có lẽ chúng ta nhìn người khác từ trên cao, nghĩ rằng chúng ta tốt hơn họ, chúng ta kiểm soát được cuộc sống của mình, chúng ta không cần Thiên Chúa, Giáo hội, hay anh chị em chúng ta hằng ngày. Chúng ta quên rằng trong một trường hợp duy nhất việc nhìn xuống người khác là chính đáng: khi cần phải giúp họ đứng lên. Đây là trường hợp duy nhất; những trường hợp khác là không chính đáng. Mùa Vọng là thời điểm ân sủng để cất bỏ những chiếc mặt nạ của chúng ta – mỗi một chúng ta đều có chúng – và xếp hàng với những người khiêm tốn, để được giải thoát khỏi tính tự phụ tin mình là tự đủ, để đi xưng tội, những tội ẩn giấu, và để đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa, để xin sự tha thứ từ những người chúng ta đã xúc phạm. Đây là cách bắt đầu một cuộc sống mới. Chỉ có một con đường duy nhất, con đường khiêm tốn – để được thanh tẩy khỏi óc bề trên, khỏi lối sống hình thức và giả hình, để nhìn thấy bản thân mình, cùng với anh chị em chúng ta, là những người tội lỗi, và để nhìn thấy Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ đã đến vì chúng ta, không phải vì người khác, vì chúng ta, như chúng ta là, với sự nghèo nàn, khốn khổ và khuyết điểm của chúng ta, trên hết với nhu cầu của chúng ta được nâng dậy, được tha thứ và cứu độ.
Và chúng ta hãy nhớ một điều: với Chúa Giêsu, luôn có khả năng bắt đầu lại. Không bao giờ quá muộn. Luôn có khả năng bắt đầu lại. Hãy can đảm. Ngài gần gũi chúng ta và đây là thời gian hoán cải. Mọi người có thể nghĩ: “Tôi có hoàn cảnh này bên trong, tôi xấu hổ về vấn đề này”. Nhưng Chúa Giêsu gần bên bạn. Hãy bắt đầu lại. Luôn có khả năng tiến tới một bước. Ngài đang chờ đợi chúng ta và không bao giờ chán nản chúng ta. Ngài không bao giờ mệt mỏi! Còn chúng ta thì khó chịu, nhưng Ngài không bao giờ mỏi mệt! Chúng ta hãy lắng nghe lời kêu gọi của thánh Gioan Tẩy Giả để trở về với Thiên Chúa. Và chúng ta đừng để Mùa Vọng này trôi qua như những ngày trên lịch bởi vì đây là một thời điểm ân sủng, một ân sủng cũng cho chúng ta, ở đây và bây giờ! Xin Đức Maria, người nữ tỳ khiêm tốn của Chúa, giúp chúng ta gặp được Ngài, Chúa Giêsu, và anh chị em chúng ta trên con đường khiêm tốn, vốn là con đường duy nhất sẽ giúp chúng ta tiến tới.
——————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Giáng-sinh, Mùa Vọng, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS – Bản dịch Việt ngữ
- NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ VÀ LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- BÉN RỄ SÂU VÀ LỮ HÀNH ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
- “LUCE”, VATICAN GIỚI THIỆU LINH VẬT CHO NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 11. «NGÀI ĐÃ XỨC DẦU CHO CHÚNG TA VÀ ĐÃ ĐÓNG ẤN TÍN TRÊN CHÚNG TA». BÍ TÍCH THÊM SỨC, BÍ TÍCH CỦA CHÚA THÁNH THẦN
- BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN ĐẦU TIÊN CỦA ỦY BAN GIÁO HOÀNG VỀ BẢO VỆ TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- DILEXIT NOS: “LINH ĐẠO LIÊN QUAN SÂU XA ĐẾN TÂM HỒN CON NGƯỜI”
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC PHANXICÔ ĐỊNH HÌNH GIÁO HỘI NGÀY MAI
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM B : CHÚA GIÊSU ĐẾN GẦN CHÚNG TA NƠI NHỮNG NGƯỜI NGHÈO
- CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM B – BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ BẾ MẠC THƯỢNG HỘI ĐỒNG VỀ TÍNH HIỆP HÀNH : ĐỪNG NGỒI YÊN MÀ LOAN BÁO TIN MỪNG
- NGAI TÒA CỦA THÁNH PHÊRÔ ĐƯỢC TRƯNG BÀY TẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG Ở VATICAN
- VIDEO TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ BẾ MẠC THƯỢNG HỘI ĐỒNG
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC PHANXICÔ ĐƯA GIÁO HỘI VÀO THIÊN NIÊN KỶ THỨ BA
- “VĂN HÓA LẮNG NGHE TRONG THƯỢNG HỘI ĐỒNG NÀY LÀ MỘT ÂN HUỆ TUYỆT VỜI”
- ĐỨC PHANXICÔ THÔNG BÁO : MỘT THƯỢNG HỘI ĐỒNG KHÔNG CÓ TÔNG HUẤN
- TÍNH HIỆP HÀNH, MỘT SỰ HOÁN CẢI ĐỂ TRỞ NÊN TRUYỀN GIÁO HƠN
- “DILEXIT NOS”: CÁC TRƯỜNG PHÁI TU ĐỨC PHÁP ĐƯỢC VINH DANH TRONG THÔNG ĐIỆP MỚI
- LAURENT LANDETE: THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS LÀ “MỘT LIỆU PHÁP CHỐNG LẠI MỌI ĐAU KHỔ, MỌI THIẾU SÓT TRONG TÌNH YÊU”
- “DILEXIT NOS”: MỘT CUNG GIỌNG MỚI
- “DILEXIT NOS”: TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ QUAN TÂM ĐẾN THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU