SỰ TỰ DO TRONG ĐƯỜNG LỐI SƯ PHẠM CỦA HỘI LINH MỤC XUÂN BÍCH

Written by xbvn on Tháng Tám 27th, 2022. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Sư phạm Xuân Bích - Pédagogie, Tý Linh, Xuân Bích Thế Giới, Xuân Bích Việt Nam, Đại Chủng Viện Huế

Hội Linh mục Xuân Bích, Tỉnh Pháp, đã phổ biến tập tài liệu liên quan đến đường lối sư phạm của mình trong việc đào tạo các linh mục tương lai. Tập tài liệu dài 54 trang, khổ B5, với tựa đề: “Une Pédagogie de la Liberté” và một phụ đề “Notes pédagogiques sur la formation des prêtres aujourd’hui ». Tập tài liệu này, một lần nữa, như là một nỗ lực thích ứng truyền thống đào tạo linh mục của Hội Xuân Bích trong hoàn cảnh hiện nay, hay nói như Cha Vidal, nó không phải là “sửa đổi mục tiêu sư phạm, tức là luôn chuẩn bị các mục tử mà Giáo hội và sứ mạng của Giáo hội cần đến và Giáo hội lãnh nhận từ Chúa, nhưng là những phương tiện của của đường lối đào tạo này” (tr. 4).

Chủng Viện Xuân Bích ở Issy-les-Moulineaux hành hương Lisieux

Ngoài phần Dẫn nhập do vị đặc trách của Ban Học Hỏi và Nghiên Cứu, cha Maurice Vidal, biên soạn, tài liệu tập trung làm sáng tỏ những nét đặc thù của đường lối sư phạm của Hội Linh mục Xuân Bích, được ghi rõ trong Hiến Pháp của mình, đặc biệt ở số 14. Cách cụ thể, tài liệu xác định bốn điểm căn bản sau :

+ Một Hội đồng đào tạo liên đới trách nhiệm (« Un Conseil solidairement responsable ») mà truyền thống Xuân Bích thường gọi là « đồng trách nhiệm » (co-responsabilité), « tập thể tính » (collégialité) hay « trách nhiệm tập thể » (responsabilité collégiale). Những từ ngữ “tập thể tính” hay “trách nhiệm tập thể” là những từ ngữ được dùng thường xuyên kể từ Công đồng Vatican II (x.tr. 10).

+ Một cộng đồng giáo dục (« La communauté éducatrice ») mà theo định nghĩa của Hiến Pháp Xuân Bích là « một đời sống cộng đồng thực sự giữa những người đào tạo và các ứng viên (linh mục) để tạo nên một « cồng đồng giáo dục » chuẩn bị cho sự đồng trách nhiệm và cho phép có những đương đầu cần thiết và một sự phân định các ơn gọi tốt hơn » (14,2). Và nền tảng của cộng đồng giáo dục này được xây dựng trên « chính thực hành của Chúa Giêsu, Đấng đã kêu gọi, tập hợp, đào tạo và sai phái các Tông đồ của Ngài ».

+ Việc linh hướng (« La direction spirituelle ») từ lâu đời đã là một trong những yếu tố chủ chốt của đường lối sư phạm Xuân Bích và ngày nay đã có tầm phổ quát (x. Giáo Luật 1983, số 239§2 và 246§4). Nó có mục đích giúp đào tạo « con người nội tâm » của ứng viên linh mục, sự thống nhất nhân vị,  để họ có thể trưởng thành trong tự do và có khả năng « nhận ra những tiếng gọi của Thánh Thần trong Chúa Kitô và đáp trả cách tương xứng » và cũng như có khả năng « bước vào trong thiên chức linh mục bằng cánh cửa ơn gọi ».

+ Sự thống nhất trong việc đào tạo thừa tác vụ linh mục (« l’unité de la formation au ministère presbytéral »). Nét nhấn này nhằm liên kết các chiều kích và nhiệm vụ khác nhau trong việc đào tạo các linh mục tương lai (nhân bản, trí thức, thiêng liêng và mục vụ), tất cả để nhằm tránh sự chẻ đôi nơi đời sống của ứng viên giữa đời sống nội tâm và đức ái mục vụ, giữa sự kết hiệp với Chúa Kitô và lòng trung tín với Giáo Hội và ngay cả sự giằng co nội tâm nơi con người của ứng viên. Sự thống nhất đời sống này cần được quy chiếu về Chúa Kitô – Ngôn sứ, Tư tế và Mục tử. Chính nơi sự kết hiệp với Chúa Kitô mà các linh mục tìm thấy được sự thống nhất và nỗ lực thống nhất các chiều kích khác nhau của đời sống.

 Những nét lưu ý

Tựa đề có thể gây lúng túng : « Une pédagogie de la liberté ». Tự do nào ? Từ liberté (tự do) là một từ ngữ hàm hồ và bị lạm dụng nhiều hôm nay. Thế nhưng, truyền thống đào tạo Xuân Bích cực kỳ nhấn mạnh đến sự tự do trong việc đào tạo các linh mục tương lai, và tính từ thường đi kèm theo với danh từ tự do này là « spirituelle » (thuộc linh) hay tự do trong Thánh Thần (spirituel có nguồn gốc từ tiếng Latinh là Spiritus). Vì thế, tài liệu mới của Hội Xuân Bích đã cho thấy « sự tự do thuộc linh này trước những chọn lựa phải làm…giả thiết một đời sống thuộc linh thực sự cá nhân trong sự ngoan ngoãn luôn đối với Chúa Thánh Thần » (tr.6).  Đặc biệt, tài liêu không chỉ nhấn mạnh đến sự tự do thuộc linh này của các ứng viên linh mục, nhưng còn cả sự tự do thuộc linh nơi « những tác nhân và cộng tác trong tiến trình đạt tới thiên chức linh mục… » (tr.6).  Tự do là nét làm nên phẩm giá của một nhân vị. Nền giáo dục cần lưu tâm đến sự tự do thiêng liêng của các ứng viên trong việc họ sẵn sàng đáp trả lại tiếng gọi của Chúa (tự do tích cực) và thoát khỏi mọi áp lực xã hội, gia đình hay giáo xứ (tự do tiêu cực)… Trong phần giới thiệu của mình, cha Vidal cũng đã cảm thấy cần phải làm rõ ý nghĩa của từ « spirituelle » này. Từ ngữ này xuất hiện 5 lần trong số 14 của Hiến Pháp Xuân Bích và ở số 18, việc đào tạo thiêng liêng được coi là ưu tiên nền tảng trong truyền thống sư phạm của Xuân Bích. Nguồn mạch đầu tiên cho việc đào tạo thiêng liêng hay linh hướng hay đời sống thiêng liêng này là chính Chúa Thánh Thần. Và đối với cha Olier, chính Thánh Thần Hiện Xuống, « Tinh thần tông đồ », truyền giáo cần phải được khơi lên hằng ngày cho các chủng sinh. Mặt khác, đời sống thuộc linh này đối với Hội Xuân Bích qua việc đào tạo các linh mục tương lai là nhắm « sống hết mình cho Thiên Chúa trong Chúa Kitô » trong sự « buông mình cho Chúa Thánh Thần ».

Đối với cha Robert Scholtus, sự yếu kém của đường lối đào tạo của Xuân Bích, một sự yếu kém nhưng cũng hoàn toàn đáng trân trọng, đó là lối sư phạm Xuân Bích dựa nhiều vào sự tin tưởng (confiance) : sự tin tưởng của các chủng sinh vào các nhà đào tạo cũng như của các nhà đào tạo đối với các ứng viên, khả năng tự đào tạo chính mình. Theo cách giải thích của cha Maurice Vidal, những ngụ ý đằng sau khẳng định này của cha Scholtus đó là sự kiện rằng nguy cơ các chủng sinh có thể đánh lừa những vị đào tạo của họ. Nhưng theo cha Vidal, cần phải tôn trọng sự tự do của các ứng viên, “chăm sóc họ ít nhất có thể”. Xuân Bích đặt tin tưởng không phải nơi chính họ, nhưng là nơi ý hướng ngay thẳng của họ, sự tin tưởng nơi thể chế của chủng viên được sự chấp thuận của Giáo Hội qua trung gian Giám mục.

Một sự thay đổi quan trọng trong đường lối sư phạm Xuân Bích đó là liên quan đến khái niệm « cộng đồng giáo dục ». Trong phần tham luận của mình, cha Robert Scholtus đã nhìn thấy điểm này khi ngài nói đến khuôn khổ cộng đoàn của việc đào tạo và khẳng định sư phạm Xuân Bích giả thiết những cộng đoàn lớn hơn. Tài liệu mới, theo định hướng của Hiến Pháp Xuân Bích năm 2003, đã cho thấy « cộng đồng giáo dục » này không còn khép kín nơi chủng viện chỉ trong mối tương quan giữa những người hướng dẫn và những người được hướng dẫn, nhưng còn được mở rộng ra nơi các giáo xứ, địa phận, các cộng đoàn và cả Giáo hội nói chung, nơi mà các chủng sinh được hội nhập mục vụ. Cha Vidal nhận định : « cộng đồng giáo dục », được mở rộng đến giáo xứ hội nhập và đời sống của địa phận, cho phép, qua sự đa dạng của nó, « những đương đầu cần thiết và một sự phân định các ơn gọi tốt hơn », bao gồm cả ở giữa Hội Đồng, nhờ vào đặc tính tập thể của nó. Đồng thời cộng đồng này tạo điều kiện dễ dàng…cho một sự chia sẻ cuộc sống và những suy tư với các chủng sinh khác và với các linh mục mà không còn bị giới hạn nữa vào các nhà đào tạo của chủng viện. Như thế, nó đào tạo các các linh mục tương lai, mà hầu như không có vẻ như thế, không có nhiều luật lệ và điều khiển. Nó mạo hiểm tin tưởng vào trách nhiệm bất khả tước bỏ của họ trong việc họ là « các diễn viên chính » của việc « tự đào tạo » của mình (tr.6, xem Pastores Dabo Vobis số 69).

Liên quan đến việc thống nhất trong việc đào tạo, tài liệu cho thấy rằng vấn đề của Giáo Hội ngày nay không còn là vấn đề mà cha Olier đương đầu ngày xưa nữa. Nếu Cha Olier chống lại một sự phân ly giữa một đời sống nội tâm và đời sống tông đồ mục vụ, thì Giáo Hội ngày nay đang đối đầu ngày cả với một « sự giằng co nội tâm » nơi các linh mục, « trước những khó khăn dung hòa các nhiệm vụ khác nhau của thừa tác vụ » đến độ có nguy cơ làm cho các ngài mất đi « ý nghĩa và sự thống nhất sâu xa của sứ mệnh ban đầu của mình » (tr.43). Tài liệu cho thấy, đối với Công đồng Vatican II cũng như đối với cha Olier, thì một đời sống kết hiệp với Chúa Kitô sâu xa là cần thiết để vượt qua sự chẻ đôi này trong đời sống linh mục, để tìm thấy sự hài hòa trong một cuộc sống « dâng hiến » và « sai đi ». Sự thống nhất này, như tài liệu cho thấy, đã là một đóng góp độc đáo của đường lối sư phạm Xuân Bích trong việc tìm kiếm sự hiệp nhất trong đời sống của linh mục, nhưng nó còn tính cách thời sự hơn nữa, vì đó cũng chính là những yếu tố giáo hội học của Vatican II góp phần mở rộng thần học về thừa tác vụ linh mục mà Vatican I đã khởi đầu (tr.42). Tài liệu cho thấy ba viễn ảnh giáo hội học mà Vatican II đã canh tân, và vì thế có ảnh hưởng đến việc đào tạo các ứng viên linh mục:

+ Trước tiên, liên quan đến mục tiêu thống nhất đời sống linh mục xuyên qua các thừa tác vụ đa dạng, đó là xây dựng Thân Thể duy nhất của Chúa Kitô và qua đó, nối kết các chức năng khác nhau của thừa tác vụ linh mục với ba tước hiệu của Chúa Kitô: “Ngôn sứ, Tư tế và Mục tử”.

+ Tiếp đến, tài liệu cho thấy Công đồng đã đề cập cách minh nhiên vấn đề sự hiệp nhất và hài hòa của đời sống các linh mục bằng cách vận dụng đồng thời nguyên tắc Kitô học – sự hiệp nhất liên lỉ với Chúa Kitô trong sự tìm kiếm không ngừng thánh ý Chúa Cha – , và nguyên tắc giáo hội học – sự hiệp thông giáo hội như là nơi phân định và là phương thế chứng thực lòng trung tín với Chúa Kitô.

+ Cuối cùng Công đồng đưa ra một cái nhìn mới mẻ về “vinh quang của Thiên Chúa”, gợi hứng từ thánh Irenê. Cái nhìn này loại bỏ việc chẻ đôi giữa cứu cánh quy về Thiên Chúa (finalité théocentrique) của thừa tác vụ và sự tận tụy phục vụ con người của các linh mục.

Lm. Võ Xuân Tiến, PSS.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31