SƯ PHẠM XUÂN BÍCH VÀ NHỮNG TIỀN DỮ KIỆN THẦN HỌC

Written by xbvn on Tháng Tám 27th, 2022. Posted in Hội Linh Mục Xuân Bích - St Sulpice, J.J.Olier, Lm Võ Xuân Tiến, Sư phạm Xuân Bích - Pédagogie, Thế Giới, Tý Linh, Xuân Bích Thế Giới, Xuân Bích Việt Nam

Thảo luận bàn tròn : Sư phạm Xuân Bích về việc đào tạo linh mục và những tiền dữ kiện thần học

Thảo luận, vào ngày 19/11/2008, giữa các cha Laurent Villemin, giáo sư học viện Công giáo Paris, cha Robert Scholtus, giáo sư tại học viện Công giáo Paris và cũng là bề trên của chủng viện Des Carmes, và cha Maurice Vidal, linh mục Xuân Bích, dưới sự chủ tọa của Đức Cha Joseph Dorée, thuộc Hội Xuân Bích và nguyên là Giám mục của Strasbourg.

Nghe audio: ở đây

 Cha Scholtus, Đức Cha Dorée, cha Villemin và cha Vidal

—————-

Phần trình bày của cha Laurent Villemin :

Sau phần giới thiệu của Đức Cha Dorée, cha Villemin cho thấy sự hài hòa mật thiết giữa văn kiện của công đồng liên quan đến việc đào tạo linh mục Optatam Totius (OT) và đường lối sư phạm của Hội Xuân Bích.

Theo cha, trong cái nhìn của Vatican II,  công đồng không còn dừng lại ở hình ảnh của một linh mục “thừa tác viên bàn thờ” nữa nhưng đã gợi lên hình ảnh của một vị linh mục có tính cách tông đồ hơn. Mối tương quan với Giám mục cũng thay đổi, vì với Vatican II, Giám mục đã chiếm một chỗ quan trọng và trọng tâm hơn. Đây cũng chính là cái nhìn của cha Olier. Đối với ngài, Giám mục có sự tròn đầy của Thánh Thần và của ân sủng được trải rộng ra nơi các linh mục của mình. Giám mục là bề trên cao nhất của chủng viện. Vào thời của cha Olier, phát biểu này đã có tính cách mạng rất cao.

Cha Villemin cho thấy 4 nét quan trọng của Optatam Totius đã nằm ngay ở trung tâm của đường lối đào tạo của Hội Xuân Bích, và theo ngài, dường như có sự ảnh hưởng của các linh mục Xuân Bích góp phần vào soạn thảo văn kiện công đồng này :

a) Việc vun trồng ơn gọi. Vị trí của việc đào tạo nhân bản, rèn luyện những phẩm chất nhân bản và đặc biệt là sự tự do nhân linh của của ứng viên linh mục cũng như vai trò và ảnh hưởng  của một linh mục trong sự nảy sinh ơn gọi nơi người khác (OT số 2).

Ở đây cha Villemin cho thấy tầm mức của cuộc tranh luận giữa Kinh sĩ Lahitton và cha Branchereau, linh mục Xuân Bích, liên quan đến lý thuyết về ơn gọi, mà theo cha Villemin, lập trường của cha Branchereau không hoàn toàn đại diện đường lối đào tạo của Xuân Bích. Bài phát biểu của Cha Pitaud cho thấy một tầm quan trọng khác mà cha Branchereau (chỉ lưu ý đến một “germe magique” nơi ứng sinh) không quan tâm đến, đó là những phẩm chất nhân bản nơi ứng sinh linh mục, nhất là sự tự do, và vai trò của linh mục đối với người khác.

b) Vị trí dành cho các vị hướng dẫn, cho mối tương quan giữa các vị hướng dẫn và các chủng sinh trong cộng đồng giáo dục. OT số 5 : Các vị trong ban giảng huấn phải xác tín rằng kết quả việc đào tạo chủng sinh lệ thuộc phần lớn ở tư cách tư tưởng và hành động của chính mình, dưới quyền hướng dẫn của vị Giám Ðốc, các ngài phải cộng tác thật chặt chẽ trong tinh thần và hành động, và giữa các ngài với nhau, cũng như giữa các ngài và các chủng sinh chỉ còn là một gia đình phù hợp với lời nguyện của Chúa “Xin cho chúng nên một” (Gio 17,11) và để nuôi dưỡng nơi chủng sinh niềm vui ơn thiên triệu của họ. Ðức Giám Mục phải kiên tâm và ưu ái nung đúc tinh thần những người làm việc trong Chủng Viện và phải cư xử với các chủng sinh như một người Cha đích thực trong Chúa Kitô. Sau hết tất cả các Linh Mục phải coi chủng viện như con tim của giáo phận và phải sẵn lòng góp công giúp đỡ (Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X).

c) Mối liên hệ giữa việc đào tạo thiêng liêng, giáo thuyết và mục vụ được nhấn mạnh trong Optatam Totius và nơi những nguyên tắc đào tạo của Hội Xuân Bích (Điều này hình thành phần dàn bài của Optatam (x. OT 5 : các giám đốc và giáo sư Chủng Viện phải được chọn lựa trong số những vị ưu tú nhất. Các vị đó phải được chuẩn bị chu đáo trước với một nền học thuyết vững chắc, một kinh nghiệm mục vụ thích đáng và được huấn luyện đặc biệt về tu đức và sư phạm).

d) Cái nhìn đặc thù về việc đào tạo thiêng liêng: vị trí của cha linh hướng, việc nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô chịu đóng đinh (tự hủy, kenose), và theo cha Villemin, một linh mục Xuân Bích hẳn đã viết đoạn này : OT 8 : Việc huấn luyện tu đức phải liên kết chặt chẽ với việc trau dồi học vấn và huấn luyện mục vụ, nhất là phải được thực hiện nhờ sự trợ giúp của cha Linh Hướng,  sao cho các chủng sinh tập biết luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô Con Người và trong Chúa Thánh Thần. Do phép Truyền Chức Thánh họ phải là hiện thân của Chúa Kitô Linh Mục, lại nữa bởi cùng chia sẻ một cuộc sống của Người, nên họ phải quen sống kết hợp với Người như bạn hữu. Họ phải sống Mầu Nhiệm Phục Sinh của Người thế nào để biết khai sáng Mầu nhiệm ấy cho đoàn chiên sẽ được giao phó. Phải dạy họ biết tìm gặp Chúa Kitô trong việc trung thành suy gẫm Lời Chúa, trong việc thông hiệp tích cực các Mầu Nhiệm chí thánh của Giáo Hội, nhất là Bí Tích Thánh Thể và kinh nguyện thần vụ. Cũng phải dạy cho họ biết tìm gặp Chúa Kitô trong Ðức Giám Mục, Ðấng sai họ đi và trong những người mà họ được sai đến, nhất là trong các kẻ nghèo khó, hèn mọn, đau yếu, tội lỗi và cả những kẻ vô tín ngưỡng. Họ phải lấy lòng tin cậy như con thảo mà tôn kính và yêu mến Ðức Trinh Nữ Maria Rất Thánh, Ðấng mà Chúa Kitô khi hấp hối trên Thánh Giá đã trối ban làm mẹ người môn đệ (Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X).

Cha Villemin còn cho thấy những yếu tố vẫn còn tính thời sự nơi lối đào tạo của Hội Xuân Bích trong bối cảnh hôm này, đó là việc phân biệt tòa trong và tòa ngoài, việc thường huấn gắn liền mật thiết với quan niệm phân đinh ơn gọi nơi cha Olier và chiếm một chỗ quan trọng trong Optatam Totius.

Phần trình bày của cha Robert Scholtus :

Về phần cha Robert Scholtus, tự nhận mình như là một linh mục Xuân Bích vô danh vì ảnh hưởng của lối đào tạo Xuân Bích đối với ngài, Cha Scholtus cũng nhấn mạnh một vài yếu tố của đường lối sư phạm Xuân Bích mà đối với ngài vẫn còn là những con bài chủ chốt (ajouts) đối với việc đào tạo linh mục hôm nay :

+ Việc thực hành linh hướng như góp phần cấu thành đường lối đào tạo của Xuân Bích. Điều đó cho thấy rằng chủgn viện không đơn giản chỉ là một trường thần học, một trung tâm học nghề chuyên nghiệp, nhưng nó muốn đào tạo nơi mỗi chủng sinh con người nội tâm có khả năng phân định và đáp tiếng gọi của Thánh Thần trong tự do. Nó hệ tại việc giúp đỡ các chủng sinh « bước vào trong đời sống dâng hiến bằng cánh cửa ơn gọi » theo như câu nói nổi tiếng của cha Olier.

+ Điểm thứ hai mà cha Scholtus đề cập đến, đó là khuôn khổ cộng đoàn của việc đào tạo. Ở đây cha nhấn mạnh đến những cộng đoàn lớn. Sư phạm Xuân Bích giả thiết những cộng đoàn lớn hơn để tránh việc khép kín nơi chính mình do việc sụt giảm ứng sinh như các giáo phái…Tầm quan trọng của việc mở ra cho các địa phận, hội nhập mục vụ, sự hiệp thông Giáo hội, chia sẻ và đồng trách nhiệm. Chủng viện là nơi bảo đảm tự do của các ứng viên, việc vận hành của tòa trong và tòa ngoài, nhưng còn các phương tiện cho một sự trưởng thành nhân cách và phân định ơn gọi, nhất là qua việc trường kỳ trao đổi, những đối diện giữa các ứng viên về mọi phương diện tâm lý, thiêng liêng, văn hóa….

+ Nguyên tắc thống nhất nội tại nối kết việc đào tạo nhân bản, thiêng liêng, trí thức và mục vụ. Điều đó làm rõ đặc điểm của của khuôn mẫu Xuân Bích : một mặt cho thấy sự độc lập nhưng đồng thời sự thống nhất luôn giữa chúng, không phải sắp xếp phẩm trật cơ cấu cho chúng, nhưng đặt chúng cùng lúc (mener de front). Tất cả các chiều kích đó là nơi hình thành con người linh mục tương lai.

+ Điểm tích cực sau cùng theo cha Scholtus , đó là sự rõ ràng của mục đích của thể chế (La clarté de la finalité de l’institution). Một chủng viện là một cộng đoàn đặc thù, nhằm việc đào tạo thừa tác vụ linh mục và địa phận. Người ta thường trách cứ chủng viện là làm cho các chủng sinh xa rời với thực tại mục vụ…, nhưng đối với cha Scholtus, thời gian đào tạo là thời gian cần thiết có một khoảng cách với thực tế và các phương thế đào tạo linh mục nơi các chủng viện Xuân Bích cho phép có sự hài hòa giữa những gì mà Presbyterium Ordinis gọi là « thánh hiến » (consécration) và sứ vụ (mission), sự tương hợp giữa đời sống thiêng liêng và đời sống mục vụ và tông đồ. Cha Scholtus cho biết, ở chủng viện des Carmes, có một chiều kích ngoại lãnh thổ tính (extraterritorialité) giúp bảo vệ sự tự do của các chủng sinh đối với những áp lực của các giáo phận, và thậm chí của Giám mục (theo cha Maurice Vidal, nếu trước đây áp lực gia đình gây ảnh hưởng đến sự tự do của các ơn gọi, thì ngày nay, áp lực này thường đến từ các giáo xứ và địa phận).

Sau cùng, đối với cha bề trên của chủng viện des Carmes, sự yếu kém của đường lối đào tạo của Xuân Bích, một sự yếu kém nhưng cũng hoàn toàn đáng trân trọng, đó là lối sư phạm Xuân Bích dựa nhiều vào sự tin tưởng (confiance) : sự tin tưởng của các chủng sinh vào các nhà đào tạo cũng như của các nhà đào tạo đối với các ứng viên, khả năng tự đào tạo chính mình. Theo cách giải thích của cha Maurice Vidal, những ngụ ý đằng sau khẳng định này của cha Scholtus đó là sự kiện rằng nguy cơ các chủng sinh có thể đánh lừa những vị đào tạo của họ. Nhưng theo cha Vidal, cần phải tôn trọng sự tự do của các ứng viên, “chăm sóc họ ít nhất có thể”. Xuân Bích đặt tin tưởng không phải nơi chính họ, nhưng là nơi ý hướng ngay thẳng của họ, sự tin tưởng nơi thể chế của chủng viên được sự chấp thuận của Giáo Hội qua trung gian Giám mục.

Phần tham luận của cha Maurice Vidal, PSS : Những tiền dữ kiện thần học (Présupposés théologiques).

Theo Ngài, cần phân biệt các tiền dự kiện thần học với một diễn từ thần học. Không có các tiền dữ kiện thần học thống nhất và rõ ràng, như là tria munera (tức là nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và mục tử) đối với trách vụ của linh mục. Thậm chí công đồng Trentô không cho thấy một viễn ảnh thống nhất về linh mục. Ít ra là có ba cái nhìn về linh mục: thần học về thiên chức linh mục, thần học về chức giám mục nơi mà thiên chức linh mục được biểu lộ viên mãn và thần học về (gần với thần học của Tin Lành Cải Cách) về linh mục như là giảng thuyết không biết mệt mỏi về Lời Chúa.

Các tiền dữ kiện  thần học ở số 14 của Hiến Pháp Xuân Bích hay thần học nào về linh mục được chứa đựng trong đó? Người ta không tìm thấy ở đó thần học về thừa tác vụ linh mục hay bí tích Truyền Chức Thánh, nhưng là ơn gọi.

+ Đó là thần học về ơn gọi với một khía cạnh kép mà đã từng được cha Olier trình bày:  Được Thiên Chúa kêu gọi và được Giáo Hội chọn. Sách Giáo Lý Công giáo cũng trình bày như thế.

+ Còn có thần học về sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đối với các kitô hữu (une théologie de la conduite des chrétiens par l’Esprit Saint). Điều đó tương ứng với thần học của thánh Phaolô.

Theo cha Vidal, không thể có Giáo Hội mà không có các thừa tác viên tông đồ, mà không có những gì làm nên tính năng động của các tông đồ : thừa tác vụ mục tử tông đồ (pastorat apostolique) mà Vatican II nói đến. Điều đó cần được đưa vào trong thừa tác vụ của bí tích Truyền chức thánh.

—————————————————————-

 Lm. Võ Xuân Tiến ghi chép và trình bày. Phần thảo luận, có tham chiếu « notes » của cha Henri de la Hougue, PSS.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31