BÀI GIÁO LÝ VỀ TẬT XẤU VÀ NHÂN ĐỨC – BÀI 16. ĐỜI SỐNG ÂN SỦNG TRONG CHÚA THÁNH THẦN

Written by xbvn on Tháng Tư 24th, 2024. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh, Văn kiện Giáo Hội

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, tiếp tục các bài giáo lý về các nhân đức, giờ đây chúng ta chuyển từ các nhân đức bản lề sang các nhân đức đối thần. Như chúng ta đã thấy, những nhân đức bản lề là những yếu tố thiết yếu cho một cuộc sống tốt đẹp. Tuy nhiên, sự sống tròn đầy trong Chúa Kitô mà chúng ta được kêu gọi – mục đích cuối cùng của chúng ta – chỉ có thể thực hiện được nhờ các nhân đức tin, cậy và mến được Thiên Chúa ban cho chúng ta. Được gọi là đối thần vì chúng đặt chúng ta vào mối quan hệ năng động với Thiên Chúa Ba Ngôi, những nhân đức này sinh động và định hình việc chúng ta thực thi tất cả các nhân đức khác và do đó là nền tảng của đời sống luân lý Kitô giáo, giúp chúng ta xứng đáng được hưởng hồng ân sự sống vĩnh cửu (GLGHCG 1813). Ước mong mỗi ngày chúng ta lại mở lòng đón nhận quyền năng của Chúa Thánh Thần, và cầu xin Ngài làm sống lại đức tin của chúng ta, đánh thức niềm hy vọng của chúng ta và làm dịu tâm hồn chúng ta bằng tình yêu của Ngài.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 24/4/2024 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Trong những tuần gần đây, chúng ta đã suy tư về các nhân đức bản lề: khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ. Đó là bốn nhân đức bản lề. Như chúng ta đã nhấn mạnh nhiều lần, bốn nhân đức này thuộc về sự khôn ngoan rất cổ xưa có trước cả Kitô giáo. Ngay cả trước Chúa Kitô, lòng trung thực đã được rao giảng như một nghĩa vụ công dân, sự khôn ngoan là quy tắc hành động, lòng can đảm là thành phần cơ bản cho một cuộc sống hướng tới điều tốt đẹp và sự tiết độ là biện pháp cần thiết để không bị lấn át bởi những thái quá. Gia sản rất cổ xưa này, gia sản của nhân loại đã không bị Kitô giáo thay thế, nhưng được tập trung vào, nâng cao, thanh lọc và hội nhập vào đức tin.

Vì thế, trong trái tim mỗi người nam nữ đều có khả năng tìm kiếm điều thiện. Chúa Thánh Thần được ban để những ai nhận lãnh Ngài đều có thể phân biệt rõ ràng điều thiện và điều ác, có sức mạnh để gắn bó với điều thiện bằng cách tránh xa điều ác, và khi làm như vậy, họ đạt được sự thể hiện bản thân trọn vẹn.

Nhưng trong cuộc hành trình mà tất cả chúng ta đang thực hiện hướng tới sự sống viên mãn, vốn thuộc về vận mệnh của mỗi người – vận mệnh của mỗi người là sự viên mãn, là sự sống tràn đầy – người Kitô hữu được hưởng sự trợ giúp đặc biệt từ Chúa Thánh Thần, Thánh Thần của Chúa Giêsu. Nó được thực hiện thông qua hồng ân ba nhân đức Kitô giáo riêng biệt khác, thường được đề cập cùng nhau trong các tác phẩm Tân Ước. Những thuộc tính cơ bản này, đặc trưng cho đời sống của người Kitô hữu, là ba nhân đức mà chúng ta thường nói đến: đức tin, đức cậyđức mến.

Các tác giả Kitô giáo đã sớm gọi chúng là những nhân đức “đối thần”, trong chừng mực chúng được đón nhận và được sống trong mối quan hệ với Thiên Chúa, để phân biệt chúng với bốn nhân đức khác, được gọi là “bản lề” trong chừng mực chúng tạo thành “bản lề” của một cuộc sống tốt đẹp. Ba nhân đức này được lãnh nhận trong Bí tích Rửa tội và đến từ Chúa Thánh Thần. Các nhân đức này và những nhân đức kia, cả đối thần lẫn bản lề, tập hợp lại với nhau trong rất nhiều suy tư có hệ thống, do đó đã tạo nên một bộ bảy tuyệt vời, thường tương phản với danh sách bảy tội chết người (bảy tội đầu mối, ctcnd). Đây là cách Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo định nghĩa hoạt động của các nhân đức đối thần: “Các nhân đức đối thần tạo nền móng, làm sinh động, và là nét đặc thù của các hành vi luân lý của Kitô hữu. Chúng định hình và mang lại sự sống cho tất cả các nhân đức luân lý. Các nhân đức này được Thiên Chúa phú bẩm trong linh hồn của các tín hữu, giúp họ có khả năng hành động như con cái của Ngài và đáng hưởng sự sống vĩnh cửu. Các nhân đức đối thần là bảo chứng cho sự hiện diện và hành động của Chúa Thánh Thần trong các năng lực của con người” (số 1813).

Trong khi nguy cơ của các nhân đức bản lề là tạo ra những con người anh hùng trong việc làm điều tốt, nhưng hoàn toàn đơn độc, cô lập, thì hồng ân lớn lao của các nhân đức đối thần là cuộc sống được sống trong Chúa Thánh Thần. Người Kitô hữu không bao giờ cô độc. Họ làm điều tốt không phải vì nỗ lực to lớn của sự cam kết cá nhân, nhưng bởi vì, với tư cách là một môn đệ khiêm tốn, họ đi theo bước chân của Chúa Giêsu là Thầy. Họ tiến về phía trước trên con đường. Người Kitô hữu có những nhân đức đối thần, vốn là liều thuốc giải độc tuyệt vời cho sự tự mãn. Biết bao nhiêu người không thể chê trách được về mặt luân lý đang có nguy cơ trở nên tự phụ và kiêu ngạo trong mắt những người quen biết họ! Đó là một mối nguy hiểm mà Tin Mừng cảnh báo chúng ta một cách đúng đắn, khi Chúa Giêsu khuyên các môn đệ: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: “chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”” (Lc 17, 10). Kiêu ngạo là một chất độc, một chất độc cực mạnh: một giọt của nó cũng đủ làm hỏng cả cuộc đời được đánh dấu bằng sự tốt lành. Một người có thể đã làm cả núi việc tốt, có thể nhận được nhiều lời tán thưởng và khen ngợi, nhưng nếu họ làm tất cả những điều đó chỉ vì bản thân, để tán dương bản thân, thì liệu họ có thể vẫn được gọi là người đức hạnh không? Không!

Điều tốt không chỉ là một mục đích, mà còn là một phương tiện. Sự tốt lành cần rất nhiều sự thận trọng, rất nhiều lòng tốt. Trên hết, sự tốt lành cần phải được loại bỏ khỏi sự hiện diện đôi khi quá cồng kềnh đó là cái tôi của chúng ta. Khi cái “tôi” của chúng ta là trung tâm của mọi thứ, thì mọi thứ đều bị hủy hoại. Nếu chúng ta thực hiện mọi hành động trong cuộc sống chỉ vì bản thân mình, thì động lực này có thực sự quan trọng đến thế không? Cái “tôi” tội nghiệp nắm giữ mọi thứ và từ đó sinh ra sự kiêu ngạo.

Để sửa chữa tất cả những hoàn cảnh này, vốn đôi khi trở nên đau đớn, các nhân đức đối thần sẽ giúp ích rất nhiều. Chúng đặc biệt như thế vào những lúc sa ngã, bởi vì ngay cả những người có ý hướng luân lý tốt đôi khi cũng sa ngã. Tất cả chúng ta đều sa ngã trong cuộc sống, bởi vì tất cả chúng ta đều là tội nhân. Cũng như những người hằng ngày thực hành nhân đức đôi khi cũng mắc sai lầm; tất cả chúng ta đều mắc sai lầm trong cuộc sống: trí tuệ không luôn luôn sáng suốt, ý chí không luôn luôn vững vàng, các đam mê không phải luôn luôn bị khống chế, lòng can đảm không phải luôn luôn vượt qua được nỗi sợ hãi. Nhưng nếu chúng ta mở rộng tâm hồn cho Chúa Thánh Thần – Thầy của đời sống nội tâm – Ngài khơi lại các nhân đức đối thần trong chúng ta: lúc đó, nếu chúng ta mất niềm tin tưởng, Thiên Chúa sẽ lại mở ra cho chúng ta đức tin; với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, nếu chúng ta mất niềm tin tưởng, Thiên Chúa sẽ lại mở ra cho chúng ta đức tin; nếu chúng ta nản lòng, Thiên Chúa đánh thức niềm hy vọng trong chúng ta; và nếu trái tim chúng ta cứng cỏi, Chúa sẽ làm nó mềm mại bằng tình yêu của Ngài. Cảm ơn anh chị em.

————————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31