BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 18. LỜI NGUYỆN CẦU XIN

Written by xbvn on Tháng Tư 26th, 2024. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện bằng cách đặt mình trong mối quan hệ tín thác con thảo với Thiên Chúa, để dâng lên Ngài mọi lời cầu xin của chúng ta. Đôi khi chúng ta có thể nghĩ rằng mình không cần gì cả, mình có thể sống tự cung tự cấp. Nhưng sớm hay muộn, ảo tưởng này cũng tan biến. Vào lúc này hay lúc khác trong cuộc sống, chúng ta trải qua những hoàn cảnh dường như không lối thoát, nơi chỉ có một lối ra duy nhất: tiếng kêu, lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin giúp con! “. Lời cầu nguyện mở ra những khoảng sáng trong bóng tối dày đặc nhất. Và chúng ta không phải là những người duy nhất cầu nguyện trong vũ trụ bao la. Toàn thể công trình tạo dựng đều ghi khắc nơi mình lòng khao khát Thiên Chúa. Bên trong chúng ta vang vọng tiếng rên rỉ đa dạng của các thụ tạo. Do đó, chúng ta không nên xấu hổ nếu cảm thấy cần phải cầu nguyện, nhất là khi chúng ta đang gặp khó khăn. Và trong những lúc hạnh phúc, chúng ta phải cảm ơn Chúa vì tất cả những gì Ngài đã ban cho chúng ta và không giữ lầy điều gì như là nợ phải trả. Tất cả đều là hồng ân. Lời nguyện cầu xin đi đôi với việc chấp nhận những giới hạn của chúng ta và sự kiện rằng chúng ta là những thụ tạo. Thánh Kinh không bao giờ ngừng lặp lại với chúng ta rằng Thiên Chúa lắng nghe tiếng kêu cầu của những người kêu cầu Ngài, ngay cả những lời cầu xin lắp bắp của họ, ngay cả những lời cầu xin sâu kín trong lòng họ. Chúa Cha muốn ban Thánh Thần của Người cho chúng ta.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 9/12/2020 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục suy tư về việc cầu nguyện. Lời cầu nguyện của Kitô giáo hoàn toàn mang tính nhân bản – chúng ta cầu nguyện với tư cách là những con người, như chúng ta là – nó bao gồm lời khen ngợi và cầu xin. Thật vậy, khi Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện, Người đã dạy bằng Kinh Lạy Cha, để chúng ta đặt mình trước mặt Thiên Chúa trong mối quan hệ tín thác con thảo và dâng lên Ngài mọi lời cầu xin của chúng ta. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban những hồng ân lớn lao nhất: danh Ngài được cả sáng giữa loài người, vương quốc của Ngài trị đến, việc thực hiện ý muốn tốt lành của Ngài trên thế giới. Sách Giáo Lý nhắc lại: “Có một trật tự trong lời cầu xin: trước tiên là Nước Chúa, rồi đến những gì cần thiết cho chúng ta để đón nhận và cộng tác cho Nước Chúa trị đến” (số 2632). Nhưng trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cũng cầu xin những ân huệ đơn giản hơn, những ân huệ hằng ngày, như “lương thực hằng ngày” – cũng có nghĩa là sức khỏe, một ngôi nhà, một công việc, những vật dụng hằng ngày; và điều đó cũng muốn nói về Bí tích Thánh Thể, cần thiết cho cuộc sống trong Chúa Kitô –; cũng như chúng ta cầu nguyện để xin ơn tha thứ tội lỗi – vốn là việc thường ngày; chúng ta luôn cần sự tha thứ – tiếp đến là sự bình an trong các mối quan hệ của chúng ta; và cuối cùng, để Ngài giúp chúng ta trong những cơn cám dỗ và giải thoát chúng ta khỏi sự dữ.

Cầu xin, nài xin. Điều này rất là người. Chúng ta tiếp tục lắng nghe Sách Giáo Lý: “Qua lời nguyện cầu xin, chúng ta bộc lộ ý thức về mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa: là những thụ tạo, chúng ta không phải tự mình mà có, không làm chủ được những nghịch cảnh, cũng chẳng phải là cùng đích của đời mình. Hơn nữa, vì là Kitô hữu, chúng ta biết mình là những tội nhân đã quay lưng lại với Cha chúng ta. Cầu xin, một cách nào đó, đã là trở về với Ngài” (số 2629).

Nếu ai đó cảm thấy tồi tệ vì đã làm những điều xấu – đó là một tội nhân – thì khi cầu nguyện Kinh Lạy Cha, người đó đã đến gần Chúa hơn. Đôi khi chúng ta có thể tin rằng chúng ta không cần gì cả, chúng ta tự đủ cho chính mình và chúng ta sống hoàn toàn tự mãn. Đôi khi điều này xảy ra! Nhưng sớm hay muộn, ảo tưởng này cũng tan biến. Con người là một lời cầu khẩn, đôi khi trở thành tiếng kêu, thường bị kiềm chế. Linh hồn giống như một trái đất khô cằn, khát nước, như Thánh vịnh nói (x. Tv 63, 2). Tất cả chúng ta, vào lúc này hay lúc khác trong cuộc đời, đều trải nghiệm những lúc u sầu hoặc cô đơn. Thánh Kinh không xấu hổ khi cho thấy thân phận con người bị đánh dấu bởi bệnh tật, sự bất công, sự phản bội của bạn bè hoặc sự đe dọa của kẻ thù. Đôi khi dường như mọi thứ đang sụp đổ, cuộc sống cho đến nay thật vô ích. Và trong những hoàn cảnh dường như không lối thoát này, chỉ có một lối ra: tiếng kêu, lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin giúp con!” Lời cầu nguyện mở ra những tia sáng trong cảnh tối tăm tối nhất. “Lạy Chúa, xin giúp con!” Điều này mở ra con đường, mở ra lối đi.

Con người chúng ta chia sẻ lời cầu xin giúp đỡ này với toàn thể công trình tạo dựng. Chúng ta không phải là những người duy nhất “cầu nguyện” trong vũ trụ vô tận này: mỗi mảnh của công trình tạo dựng đều ghi khắc ước muốn của Thiên Chúa. Và thánh Phaolô đã diễn đạt điều đó theo cách này. Ngài nói như sau: “Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu” (Rm 8, 22-24). Trong chúng ta vang lên tiếng rên rỉ đa dạng của các thụ tạo: cây cối, đá, động vật… Mỗi thứ đều khao khát sự hoàn thành. Tertullien đã viết: “Mỗi thụ tạo đều cầu nguyện, động vật và thú rừng đều cầu nguyện và quỳ gối; khi ra khỏi chuồng hay hang, chúng ngẩng đầu lên trời và không ngậm miệng, chúng kêu vang theo thói quen. Và các loài chim cũng vậy, ngay khi cất cánh, chúng sẽ bay lên trời và dang rộng đôi cánh như thể đó là những bàn tay dang ra theo hình thánh giá, kêu lên một điều gì đó giống như một lời cầu nguyện” (De oratione, XXIX ). Đây là một cách diễn đạt đầy thi vị để bình luận về điều thánh Phaolô nói, “muôn loài thọ tạo cùng rên siết, cầu nguyện”. Nhưng chúng ta là những người duy nhất cầu nguyện một cách có ý thức, biết rằng chúng ta đang hướng về Chúa Cha và bước vào cuộc đối thoại với Chúa Cha.

Do đó, chúng ta không nên xấu hổ nếu chúng ta cảm thấy nhu cầu cầu nguyện và cũng không nên hổ thẹn. Và nhất là, khi chúng ta thiếu thốn, thì hãy cầu xin. Khi nói về một người bất lương phải tính toán sổ sách với chủ mình, Chúa Giêsu đã nói thế này: “Ăn xin, thì hổ ngươi”. Và nhiều người trong chúng ta trải qua cảm giác này: chúng ta xấu hổ khi cầu xin; cầu xin sự giúp đỡ, cầu xin ai đó giúp chúng ta làm điều gì đó, để đạt được mục đích này, và cũng xấu hổ khi cầu xin Thiên Chúa. Không được xấu hổ khi cầu nguyện và nói: “Lạy Chúa, con cần cái này”, “Lạy Chúa, con đang gặp khó khăn”, “Xin Chúa giúp con!”. Đó là tiếng kêu của trái tim hướng về Thiên Chúa là Cha. Và chúng ta cũng phải học biết làm điều đó trong những lúc hạnh phúc; tạ ơn Thiên Chúa vì mỗi điều đã được ban cho chúng ta, và không coi điều gì là hiển nhiên hay nợ phải trả: tất cả đều là hồng ân. Chúa luôn ban cho chúng ta, luôn luôn, và tất cả đều là hồng ân, tất cả. Ân sủng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta đừng dập tắt lời cầu xin tự phát nảy sinh trong chúng ta. Lời nguyện cầu xin đi đôi với việc chấp nhận giới hạn và thân phận thụ tạo của chúng ta. Chúng ta cũng có thể không tin vào Thiên Chúa, nhưng thật khó để không tin vào lời cầu nguyện: đơn giản là nó tồn tại; nó hiện diện với chúng ta như một tiếng kêu; và tất cả chúng ta đều phải đối mặt với tiếng nói bên trong mà có lẽ đã im lặng rất lâu, nhưng một ngày nào đó thức dậy và kêu lên.

Thưa anh chị em, chúng ta biết rằng Thiên Chúa sẽ đáp lời. Trong Sách Thánh vịnh, không có người cầu nguyện nào cất tiếng than khóc mà không được lắng nghe. Thiên Chúa luôn trả lời: hôm nay, ngày mai, nhưng Ngài luôn trả lời, bằng cách này hay cách khác. Ngài luôn trả lời. Thánh Kinh lặp lại điều đó vô số lần: Thiên Chúa lắng nghe tiếng kêu của người kêu cầu Ngài. Ngay cả những lời cầu xin lắp bắp của chúng ta, những lời vẫn còn sâu thẳm trong trái tim chúng ta, mà chúng ta xấu hổ bày tỏ, Chúa Cha vẫn lắng nghe chúng và Ngài muốn ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần của Ngài, Đấng linh hoạt mỗi lời cầu nguyện và biến đổi mọi thứ. Đó luôn luôn là vấn đề kiên nhẫn, chịu đựng sự chờ đợi. Hiện nay, chúng ta đang ở trong Mùa Vọng, thời gian điển hình để chờ đợi lễ Giáng Sinh. Chúng ta đang mong chờ. Chúng ta có thể thấy nó rõ ràng. Nhưng toàn bộ cuộc sống của chúng tôi cũng đang mong chờ. Và lời cầu nguyện luôn luôn mong chờ, bởi vì chúng ta biết Chúa sẽ đáp lời. Ngay cả tử thần cũng run sợ khi người Kitô hữu cầu nguyện, vì nó biết rằng mỗi người cầu nguyện đều có một đồng minh mạnh mẽ hơn chính nó: Chúa Phục Sinh. Tử thần đã bị đánh bại trong Chúa Kitô, và sẽ đến ngày mà mọi sự sẽ kết thúc, và nó sẽ không còn chế nhạo cuộc sống và hạnh phúc của chúng ta nữa.

Chúng ta hãy học biết sống trong sự mong chờ Chúa. Chúa đến thăm chúng ta, không chỉ trong những ngày lễ lớn này – Giáng Sinh, Phục Sinh – Chúa đến thăm chúng ta mỗi ngày trong sự riêng tư của tâm hồn nếu chúng ta mong chờ. Và rất thường khi, chúng ta không nhận ra rằng Chúa đang ở gần, Người đang gõ cửa chúng ta và chúng ta để mặc Người đi qua. Thánh Augustinô nói : “Tôi sợ Chúa khi Ngài đi qua; tôi sợ Người đi qua mà không nhận ra”. Và Chúa đi qua, Chúa đến, Chúa gõ cửa. Nhưng nếu tai bạn đầy những tiếng động khác, bạn sẽ không nghe được tiếng gọi của Chúa.

Thưa anh chị em, sống mong chờ: đó là lời cầu nguyện!

—————————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31