BÀI GIÁO LÝ VỀ THƯ GỞI TÍN HỮU GALÁT- BÀI 7 : NHỮNG NGƯỜI GALÁT KHỜ DẠI
«Chúng ta sống đức tin như thế nào ? Tình yêu của Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh vẫn ở trung tâm của đời sống thường ngày của chúng ta như là nguồn mạch ơn cứu độ, hay chúng ta bằng lòng với một hình thức tôn giáo để có lương tâm thanh thản ? », Đức Thánh Cha nhắc nhở các Kitô hữu như thế trong bài giáo lý thứ bảy về Thư gởi tín hữu Galát, hôm 1/9/2021.
Quả thế, Đức Thánh Cha cho thấy thánh Phaolô đã mạnh mẽ khiển trách « sự khờ dại » của các tín hữu Galát trước nguy cơ trở lại với lối sống xưa kia, « có nguy cơ mất niềm tin vào Chúa Kitô », « không nhận thức rằng mối nguy là đánh mất kho tàng quý giá, vẻ đẹp của sự mới mẻ của Chúa Kitô ». Và điều đó, đối với Đức Thánh Cha, « trong lịch sử, ngay cả hôm nay, luôn xảy ra những điều giống như những gì đã xảy đến cho các tín hữu Galát. » Từ đó, ngài mời gọi các Kitô hữu « xin ơn khôn ngoan luôn nhận ra thực tại này và gạt bỏ những kẻ bảo thủ quá khích đang đề nghị cho chúng ta một đời sống khổ chế giả tạo, xa rời với sự phục sinh của Chúa Kitô ».
Và trong bài giáo lý này, dường như để xóa tan những quan ngại của một số giới chức Do Thái khi cho rằng bài giáo lý hôm 11/8/2021 có nguy cơ « là một phần của ‘việc giảng dạy về sự khinh thường’ đối với người Do Thái và Do Thái giáo », Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ rằng : « Việc giải thích này không phải là một điều mới mẻ, điều gì đó đến từ tôi : những gì chúng ta nghiên cứu là những gì thánh Phaolô nói, trong một cuộc xung đột rất nghiêm trọng, với các tín hữu Galát. Và đó cũng là Lời Chúa, bởi vì nó đã đi vào Thánh Kinh. Đó không phải là những điều mà một ai đó sáng chế ra, không phải. Đó là điều đã xảy ra vào thời đó và có thể được lặp đi lặp lại. Và, trên thực tế, chúng ta đã thấy rằng trong lịch sử, điều đó đã được lặp đi lặp lại. Đó chỉ là một bài giáo lý về Lời Chúa được diễn tả trong Thư của thánh Phaolô gởi tín hữu Galát : đó không phải là điều gì khác. Phải luôn ghi nhớ điều đó. »
Dưới đây là toàn văn bài giáo lý thứ bảy của Đức Thánh Cha về Thư gởi tín hữu Galát :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Chúng ta tiếp tục giải thích Thư của thánh Phaolô gởi tín hữu Galát. Việc giải thích này không phải là một điều mới mẻ, điều gì đó đến từ tôi : những gì chúng ta nghiên cứu là những gì thánh Phaolô nói, trong một cuộc xung đột rất nghiêm trọng, với các tín hữu Galát. Và đó cũng là Lời Chúa, bởi vì nó đã đi vào Thánh Kinh. Đó không phải là những điều mà một ai đó sáng chế ra, không phải. Đó là điều đã xảy ra vào thời đó và có thể được lặp đi lặp lại. Và, trên thực tế, chúng ta đã thấy rằng trong lịch sử, điều đó đã được lặp đi lặp lại. Đó chỉ là một bài giáo lý về Lời Chúa được diễn tả trong Thư của thánh Phaolô gởi tín hữu Galát : đó không phải là điều gì khác. Phải luôn ghi nhớ điều đó. Trong các bài giáo lý trước, chúng ta đã thấy rằng thánh Phaolô Tông đồ cho các Kitô hữu đầu tiên thấy thật nguy hiểm thế nào khi rời bỏ con đường mà họ đã bắt đầu trải qua khi đón nhận Tin Mừng. Quả thế, mối nguy là rơi vào chủ nghĩa hình thức, vốn là một trong những cám dỗ dẫn chúng ta đến thói giả hình, mà chúng ta đã nói đến lần trước. Rơi vào chủ nghĩa hình thức và chối bỏ phẩm giá mới mà họ đã nhận được : phẩm giá của người được Chúa Kitô cứu chuộc. Đoạn mà chúng ta vừa nghe dẫn vào phần thứ hai của Thư. Cho đến lúc đó, thánh Phaolô đã nói về đời sống và ơn gọi của mình : theo cách thức mà ân sủng của Thiên Chúa đã biến đổi cuộc sống của mình, bằng cách hoàn toàn dùng nó để phục vụ công cuộc loan báo Tin Mừng. Giờ đây, ngài chất vấn trực tiếp các tín hữu Galát : ngài đặt họ trước những chọn lựa mà họ đã thực hiện và trước hoàn cảnh hiện nay của họ, vốn có thể làm cho kinh nghiệm về ân sủng được sống trở nên vô ích.
Và những từ ngữ mà thánh Tông đồ nói với các tín hữu Galát chắc chắn không được lịch sự : chúng ta đã nghe thấy. Trong các Thư khác, dễ tìm thấy kiểu nói « anh em » hay « rất thân mến », ở đây không có. Bởi vì ngài đang tức giận. Ngài nói chung chung là « những người Galát » và, ít ra là hai lần, ngài gọi họ là « khờ dại », một từ ngữ không lịch sự. Khờ dại, điên rồ, và ngài có thể nói nhiều điều khác… Ngài làm điều đó không phải bởi vì họ khờ dại, nhưng bởi vì, hầu như không nhận ra điều đó, họ có nguy cơ mất niềm tin vào Chúa Kitô, Đấng mà họ đã đón nhận với bao là nhiệt huyết. Họ khờ dại bởi vì họ không nhận thức rằng mối nguy là đánh mất kho tàng quý giá, vẻ đẹp của sự mới mẻ của Chúa Kitô. Sự ngạc nhiên và sự buồn bã của thánh Tông đồ là hiển nhiên. Không phải không cay đắng, ngài khuyến khích các Kitô hữu này nhớ lại lời rao giảng đầu tiên mà ngài đã thực hiện, qua đó ngài đã mang lại cho họ khả năng đạt được một sự tự do quá sức mong đợi cho đến lúc đó.
Thánh Tông đồ đặt ra những câu hỏi cho các tín hữu Galát, với ý định lay động lương tâm của họ : vì điều đó ngài đã rất mạnh mẽ. Đó là những câu hỏi tu từ, bởi vì các tín hữu Galát biết rất rõ rằng niềm tin của họ vào Chúa Kitô được nảy sinh là hoa trái của ân sủng được nhận lãnh từ việc rao giảng Tin Mừng. Ngài đưa họ đến lúc khởi đầu của ơn gọi Kitô hữu. Lời mà họ đã từng nghe từ thánh Phaolô tập trung vào tình yêu của Thiên Chúa, được biểu lộ hoàn toàn trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô không thể tìm thấy cách diễn tả nào thuyết phục hơn là cách mà có lẽ ngài đã lặp đi lặp lại nhiều lần khi ngài rao giảng cho họ : « Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi » (Gl 2, 20). Thánh Phaolô đã không muốn biết gì hơn là Chúa Kitô chịu đóng đinh (x. 1Cr 2, 2). Các tín hữu Galát phải nhìn biến cố này mà không bị phân tâm bởi những lời rao giảng khác. Tóm lại, ý định của thánh Phaolô là dồn các Kitô hữu vào chân tường, để họ nhận thức được vấn đề và không để mình bị mê hoặc bởi những quyến rũ muốn dẫn đưa họ đến một lòng đạo đức chỉ dựa trên việc tuân giữ tỉ mỉ các giới luật. Bởi vì những người rao giảng mới đến Galát này đã thuyết phục họ rằng họ phải quay lại và cũng chấp nhận những giới luật mà những người này đã tuân giữ và đã đưa đến sự hoàn thiện trước khi Chúa Kitô đến, Đấng vốn là ơn cứu độ nhưng không.
Mặt khác, các tín hữu Galát đã hiểu rất rõ thánh Tông đồ quy chiếu đến điều gì. Chắc chắn họ đã từng cảm nghiệm về hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi các cộng đoàn : như nơi các Giáo hội khác, cũng như trong số họ, đức ái và những đặc sủng đa dạng khác đã được biểu lộ. Bị dồn vào tường, họ buộc phải trả lời rằng những gì họ đã trải qua là hoa trái của sự mới mẻ của Thánh Thần. Do đó, ở nguồn gốc hình thành đức tin của họ, đã có sáng kiến của Thiên Chúa, chứ không phải của con người. Chúa Thánh Thần đã là tác nhân chính trong kinh nghiệm của họ ; bây giờ đặt Ngài vào hàng thứ yếu để trao quyền ưu tiên cho công trình riêng của họ – tức là việc thực thi các giới răn của Lề luật – sẽ là điều ngu xuẩn. Sự thánh thiện đền từ Chúa Thánh Thần và là sự nhưng không của ơn cứu độ của Chúa Giêsu : điều đó công chính hóa chúng ta.
Bằng cách này, thánh Phaolô cũng mời gọi chúng ta suy nghĩ : chúng ta sống đức tin như thế nào ? Tình yêu của Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh vẫn ở trung tâm của đời sống thường ngày của chúng ta như là nguồn mạch ơn cứu độ, hay chúng ta bằng lòng với một hình thức tôn giáo để có lương tâm thanh thản ? Chúng ta, Chúng ta sống đức tin như thế nào ? Chúng ta gắn bó với kho tàng quý báu, với vẻ đẹp của sự mới mẻ của Chúa Kitô, hay chúng ta ưa thích điều gì khác hơn Ngài, thu hút chúng ta vào lúc đó, nhưng tiếp đến để lại cho chúng ta một sự trống rỗng nội tâm ? Những cái phù du thường gõ cửa những ngày sống của chúng ta, nhưng đó là một ảo tưởng đáng buồn, khiến chúng ta rơi vào sự hời hợt và ngăn cản chúng ta phân định những gì thực sự đáng sống. Anh chị em thân mến, dù sao chúng ta hãy xác tín vững vàng rằng, ngay cả khi chúng ta bị cám dỗ lìa xa, thì Thiên Chúa vẫn tiếp tục ban tặng những ân huệ của Ngài. Trong lịch sử, ngay cả hôm nay, luôn xảy ra những điều giống như những gì đã xảy đến cho các tín hữu Galát. Ngay cả hôm nay, một số người đến làm chúng ta phát cáu lên khi nói với chúng ta : « Không, sự thánh thiện hệ tại nơi các giới luật, nơi những điều này, bạn phải làm điều này điều kia » và họ đề nghị cho chúng ta một lòng đạo cứng nhắc, sự cứng nhắc tước đi khỏi chúng ta sự tự do trong Chúa Thánh Thần mà ơn cứu độ của Chúa Kitô ban cho chúng ta. Hãy lưu ý đến những cứng nhắc mà người ta đề nghị cho anh chị em : hãy lưu ý. Bởi vì đằng sau mỗi sự cứng nhắc đều có điều gì đó xấu xa, không có Thánh Thần của Thiên Chúa. Và chính vì điều đó mà bức Thư này sẽ giúp chúng ta không nghe theo những đề nghị hơi bảo thủ quá khích này, vốn làm cho chúng ta thụt lùi trong đời sống thiêng liêng, và nó sẽ giúp chúng ta tiến tới trong ơn gọi phục sinh của Chúa Giêsu. Đó là những gì thánh Tông đồ lặp đi lặp lại với các tín hữu Galát bằng cách nhắc nhớ rằng Chúa Cha « rộng ban Thánh Thần cho anh em và thực hiện những phép lạ giữa anh em » (3, 5). Ngài nói ở thì hiện tại, ngài không nói « Chúa Cha đã ban Thánh Thần », chương 3, câu 5, không : ngài nói « rộng ban », ngài không nói « đã thực hiện », không phải, nhưng nói « thực hiện ». Bởi vì, bất chấp mọi khó khăn mà chúng ta có thể tạo ra cho hoạt động của Ngài, và thậm chí bất chấp tội lỗi chúng ta, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta nhưng vẫn ở với chúng ta qua tình yêu thương xót của Ngài. Thiên Chúa luôn luôn gần gũi chúng ta với lòng nhân từ. Giống như người cha mỗi ngày lên sân thượng để xem con mình có quay về không : Chúa Cha không bao giờ mệt mỏi yêu thương chúng ta. Chúng ta hãy xin ơn khôn ngoan luôn nhận ra thực tại này và gạt bỏ những kẻ bảo thủ quá khích đang đề nghị cho chúng ta một đời sống khổ chế giả tạo, xa rời với sự phục sinh của Chúa Kitô. Sự khổ chế là cần thiết, nhưng là sự khổ chế khôn ngoan, chứ không phải giả tạo.
Tý Linh chuyển ngữ
(theo Vatican.va)
Tags: Audience, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?