BÀI GIÁO LÝ VỀ THƯ GỞI TÍN HỮU GALÁT – BÀI 4. LỀ LUẬT MÔISÊ

Written by xbvn on Tháng Tám 11th, 2021. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Tân Ước, Thế Giới, Tý Linh

« Gặp gỡ Chúa Giêsu thì quan trọng hơn tất cả các giới răn ». Đức Phanxicô đã nhắc nhở như thế, hôm thứ Tư 11/8/2021, trong bài giáo lý thứ tư về Thư gởi tín hữu Galát, bàn về Luật Môisê. Ngài cho thấy nguy cơ bám vào các giới răn mà bỏ qua một bên việc gặp gỡ trong tình yêu với Chúa Kitô, Đấng mang lại « sự mới mẻ tận căn của đời sống Kitô hữu ».

Đối với Đức Thánh Cha, « Lề luật là « nhà giáo dục » dẫn đến Chúa Kitô, nhà giáo dục dẫn đến niềm tin vào Chúa Kitô, tức là người thầy dắt tay bạn đến cuộc gặp gỡ. Ai tìm kiếm sự sống cần phải hướng về lời hứa và sự hoàn thành nó trong Chúa Kitô. »

Quả thật, Đức Thánh Cha khẳng định : « Tất cả những ai có niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô đều được mời gọi sống trong Chúa Thánh Thần, Đấng giải thoát khỏi Lề luật và, đồng thời, đưa nó đến sự hoàn thành, theo giới răn yêu thương ». Các giới răn vẫn có giá trị, nhưng chúng « không đủ khả năng hoàn thành lời hứa », lời hứa vốn là nền tảng của Giao ước của Thiên Chúa : « Dân Thiên Chúa, là Kitô hữu chúng ta, chúng ta bước đi trong đời sống bằng cách nhìn vào lời hứa ; lời hứa chính là những gì lôi cuốn chúng ta, lôi cuốn chúng ta đi tới, gặp gỡ Chúa ». Lề luật, « nhà giáo dục », phải dẫn chúng ta đến gặp gỡ Chúa Kitô, Đấng ban Thánh Thần của Ngài giải thoát chúng ta khỏi Lề luật.

Dưới đây là bài giáo lý thứ tư của Đức Thánh Cha về Thư gởi tín hữu Galát :

 Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

« Vậy Lề luật để làm gì ? » (Gl 3, 19). Đó là cầu hỏi mà, khi tìm hiểu thánh Phaolô, chúng ta muốn đào sâu hôm nay, để nhận ra sự mới mẻ của đời sống Kitô hữu được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Nhưng nếu có Chúa Thánh Thần, nếu có Chúa Giêsu cứu chuộc chúng ta, thì Lề luật để làm gì ? Hôm nay, chúng ta phải suy nghĩ về điều này. Thánh Tông đồ viết : « Nhưng nếu Thánh Thần hướng dẫn anh em, thì anh em không còn sống dưới Lề luật » (Gl 5, 18). Trái lại, những kẻ gièm pha thánh Phaolô chủ trương rằng các tín hữu Galát phải sống theo Lề luật để được cứu độ. Họ đã quay trở lại đằng sau. Họ hoài niệm về thời gian khác, thời gian trước Chúa Giêsu Kitô. Thánh Tông đồ hoàn toàn không đồng ý. Không phải bằng những lời lẽ này mà ngài đã nhất trí với các Tông đồ khác ở Giêrusalem. Ngài nhớ rõ những lời của thánh Phêrô khi ngài khẳng định : « Vậy bây giờ, sao anh em lại thử thách Thiên Chúa, mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi ?» (Cv 15, 10). Những quy định được đưa ra sau « công đồng đầu tiên » này – công đồng đại kết đầu tiên là công đồng Giêrusalem và những quy định được công đồng này đưa ra là rất rõ ràng, và nói : « Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này : là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết,  ăn thịt loài động vật không cắt tiết, và tránh gian dâm » (Cv 15, 28-29). Đó là những điều liên quan đến việc thờ phượng Thiên Chúa, đến ngẫu tượng và cũng liên quan đến cách hiểu cuộc sống của thời này.

Khi thánh Phaolô nói về Lề luật, thông thường ngài quy chiếu đến Luật Môisê, đến Mười Giới Răn. Lề luật này liên quan đến Giao ước mà Thiên Chúa đã thiết lập với dân Ngài, một con đường để chuẩn bị Giao ước này. Theo các bản văn khác nhau của Cựu Ước,  Torah – là tữ ngữ Do thái chỉ Lề luật – là tập hợp của tất cả các quy định và chuẩn mực mà dân Israel phải tuân giữ, theo Giao ước với Thiên Chúa. Chúng ta có thể tìm thấy một tổng hợp hữu hiệu về luật Torah là gì trong bản văn Đệ Nhị Luật này : « Thật vậy, Đức Chúa sẽ lấy làm vui vì hạnh phúc của anh em, cũng như Ngài đã lấy làm vui vì hạnh phúc của cha ông anh em, miễn là anh em nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Ngài, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ » (30, 9-10). Việc tuân giữ Lề luật đã bảo đảm  cho dân những ân huệ của Giao ước và bảo đảm mối liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa. Dân tộc này, những người này, những nhân vị này, gắn liền với Thiên Chúa và cho thấy sự kết hiệp này với Thiên Chúa trong việc thực thi, tuân giữ Lề luật. Khi thiết lập Giao ước với dân Israel, Thiên Chúa đã ban luật Torah, Lề luật, cho dân, để dân có thể hiểu thánh ý Ngài và sống công chính. Chúng ta hãy nghĩ đến thời kỳ này, có nhu cầu về một Lề luật như thế, điều đó đã là một ân huệ lớn lao mà  Thiên Chúa đã ban cho dân Ngài, tại sao ? Bởi vì vào thời kỳ này, việc tôn thờ phiếm thần ở khắp nơi, việc tôn thờ ngẫu thần ở khắp nơi, cũng như những lối hành xử của con người phát xuất từ việc tôn thờ ngẫu tượng này và đó là lý do tại sao ân huệ lớn lao của Thiên Chúa cho dân Ngài là Lề luật để tiến tới. Nhiều lần, cách riêng trong các sách ngôn sứ, chúng ta nhận thấy rằng việc thiếu tuân giữ các giới luật đã gây nên một sự phản bội thực sự với Giao ước, gây nên sự phản ứng giận dữ của Thiên Chúa. Mối liên hệ giữa Giao ước và Lề luật chặt chẽ đến nỗi hai thực tại này không thể tách rời. Lề luật là sự diễn tả rằng một người, một dân tộc  có một giao ước được thiết lập với Thiên Chúa.

Dưới ánh sáng của tất cả những điều đó, thật dễ hiểu khi các nhà truyền giáo thâm nhập vào dân Galát đã thuận lợi trong việc chủ trương rằng  việc gắn liền với Giao ước cũng bao gồm việc tuân giữ Luật Môisê, như vào thời đó. Tuy nhiên, chính về điểm này mà chúng ta có thể khám phá ra sự thông minh thuộc linh của thánh Phaolô và các trực giác lớn lao mà ngài đã diễn tả, được nâng đỡ bởi ân sủng mà ngài đã lãnh nhận cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của mình.

Thánh Tông đồ giải thích cho các tín hữu Galát rằng trên thực tế, Giao ước với Thiên Chúa và Luật Môisê không gắn liền cách bất khả phân ly. Yếu tố đầu tiên mà ngài dựa vào đó là Giao ước được Thiên Chúa thiết lập với Abraham đã dựa trên niềm tin vào việc thực hiện lời hứa chứ không phải trên việc tuân giữ Lề luật, vốn chưa tồn tại. Abraham đã bắt đầu bước đi trước Lề luật hàng thế kỷ. Thánh Tông đồ viết : « Tôi muốn nói là : một chúc thư xưa kia đã được Thiên Chúa lập đúng thể thức, thì Lề luật, mãi bốn trăm ba mươi năm sau mới có, không phế bỏ chúc thư đó được, và như vậy làm cho lời hứa ra vô hiệu. Thật thế, nếu nhờ Lề luật mà người ta được hưởng gia tài, thì không còn phải là nhờ lời hứa nữa. Thế nhưng, Thiên Chúa đã dùng một lời hứa mà ban ân huệ cho ông Abraham » (Gl 3, 17-18). Lời hứa có trước Lề luật và lời hứa cho Abraham, rồi Lệ luật mới đến, 430 năm sau. Từ ngữ « lời hứa » là rất quan trọng : dân Thiên Chúa, là Kitô hữu chúng ta, chúng ta bước đi trong đời sống bằng cách nhìn vào lời hứa ; lời hứa chính là những gì lôi cuốn chúng ta, lôi cuốn chúng ta đi tới, gặp gỡ Chúa.

Bằng lập luận này, thánh Phaolô đã đạt được mục tiêu đầu tiên : Lề luật không phải là nền tảng của Giao ước vì nó đến sau, nó cần thiết và đúng đắn, nhưng trước đó đã có lời hứa, đã có Giao ước.

Một lập luận như thế này sẽ loại ra khỏi cuộc chơi những ai chủ trương rằng Luật Môisê là một phần cấu thành của Giao ước. Không phải, Giao ước có trước, đó là tiếng gọi của Abraham. Quả thế, luật Torah, Lề luật, không nằm trong lời hứa với Abraham. Tuy nhiên, nói thế, không được nghĩ rằng thánh Phaolô đối lập với Luật Môisê. Không, ngài đã giữ nó. Nhiều lần, trong các thư của ngài, ngài bảo vệ nguồn gốc thần linh của nó và chủ trương rằng Lề luật này có một vai trò rất rõ rệt trong lịch sử cứu độ. Nhưng Lề luật không mang lại sự sống, nó không mang lại sự hoàn thành lời hứa, vì nó không đủ khả năng thực hiện lời hứa. Lề luật là con đường làm cho bạn tiến tới cuộc gặp gỡ. Thánh Phaolô dùng một từ ngữ rất quan trọng, Lề luật là « nhà giáo dục » dẫn đến Chúa Kitô, nhà giáo dục dẫn đến niềm tin vào Chúa Kitô, tức là người thầy dắt tay bạn đến cuộc gặp gỡ. Ai tìm kiếm sự sống cần phải hướng về lời hứa và sự hoàn thành nó trong Chúa Kitô.

Các bạn rất thân mến, lời giải thích đầu tiên này của thánh Phaolô Tông đồ cho  tín hữu Galát cho thấy sự mới mẻ tận căn của đời sống Kitô hữu : tất cả những ai có niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô đều được mời gọi sống trong Chúa Thánh Thần, Đấng giải thoát khỏi Lề luật và, đồng thời, đưa nó đến sự hoàn thành, theo giới răn yêu thương. Điều đó là rất quan trọng, Lề luật dẫn chúng ta  đến với Chúa Giêsu. Nhưng một số người trong anh chị em có thể nói với tôi : « Nhưng, thưa Cha,  hãy nói với con một điều : điều đó muốn nói rằng nếu con đọc Kinh Tin Kính, thì con không cần phải tuân giữ các Giới răn ? Không phải, các giới răn có tính thời sự theo nghĩa đó là « những nhà giáo dục » dẫn bạn đến gặp gỡ Chúa Giêsu. Nhưng nếu bạn bỏ sang một bên cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu và bạn muốn lại bắt đầu dành chỗ quan trọng hơn cho các giới răn, thì điều đó không ổn. Đó chính là vấn đề của các nhà truyền giáo thủ cựu quá khích, những người đã trà trộn vào các tín hữu Galát để làm cho họ mất phương hướng. Xin Chúa giúp chúng ta bước đi trên con đường của các giới răn, nhưng đồng thời nhìn vào tình yêu đối với Chúa Kitô, hướng đến cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, biết rằng cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu thì quan trọng hơn tất cả các giới răn.

Tý Linh chuyển ngữ

(theo vatican.va ; phần trích dẫn Thánh Kinh : nhóm PVCGK)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30