SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO CÁC ƠN GỌI 2024

Written by xbvn on Tháng Tư 19th, 2024. Posted in Giáo dân, Linh mục, Lm Võ Xuân Tiến, Ơn gọi, Sứ điệp, Tâm linh, Thế Giới, Truyền giáo, Tu sĩ, Tý Linh

Nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho các Ơn gọi lần thứ 61 vào ngày 21/4/2024, Đức Phanxicô mời gọi mọi người hãy gieo rắc niềm hy vọng và xây dựng hòa bình. Trong một thế giới được đánh dấu bởi “những thách thức lịch sử”, ngài giải thích rằng tất cả chúng ta đều được kêu gọi “ “hiến dâng thân xác và tâm hồn” cho niềm hy vọng của Tin Mừng”, “trở thành dấu chỉ và công cụ của tình yêu, của sự chào đón, vẻ đẹp và hòa bình, trong bối cảnh chúng ta đang sống”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhớ “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho các Ơn gọi mang dấu ấn của tính hiệp hành: có nhiều đặc sủng và chúng ta được mời gọi lắng nghe nhau và cùng nhau bước đi để khám phá chúng và để phân định điều gì Chúa Thánh Thần kêu gọi chúng ta vì lợi ích của tất cả mọi người”. Sứ điệp năm nay một lần nữa cho thấy rằng Ngày này không phải là của riêng ơn gọi linh mục và tu sĩ, nhưng là của tất cả các ơn gọi, các bậc sống trong Giáo hội, bao gồm cả ơn gọi hôn nhân gia đình.

Dưới đây là toàn văn Sứ điệp của Đức Thánh Cha, được công bố ngày 19/3/2024 :

Được kêu gọi gieo rắc niềm hy vọng và xây dựng hòa bình

Anh chị em thân mến !

Mỗi năm, Ngày Thế giới Cầu nguyện cho các Ơn gọi mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ về món quà quý giá là lời kêu gọi mà Chúa ngỏ với mỗi người chúng ta, dân tộc trung tín đang lữ hành của Người, để chúng ta có thể tham gia vào kế hoạch yêu thương của Người và thể hiện vẻ đẹp của Tin Mừng trong những bậc sống khác nhau. Lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa, đó không phải là một nghĩa vụ được áp đặt từ bên ngoài, có lẽ nhân danh một lý tưởng tôn giáo; ngược lại, đó là cách chắc chắn nhất mà chúng ta có để nuôi dưỡng niềm khao khát hạnh phúc mà chúng ta mang trong mình: cuộc sống của chúng ta được hiện thực hóa và hoàn thành khi chúng ta khám phá ra mình là ai, đâu là những phẩm chất của mình, chúng ta có thể phát huy chúng ở lĩnh vực nào, con đường nào chúng ta có thể đi để trở thành dấu chỉ và công cụ của tình yêu, của sự chào đón, vẻ đẹp và hòa bình, trong bối cảnh chúng ta đang sống.

Vì thế, Ngày này luôn là một cơ hội tuyệt vời để biết ơn nhắc lại trước mặt Chúa sự dấn thân trung thành, hằng ngày và thường ẩn giấu của những người đã chọn theo một ơn gọi dấn thân cả cuộc đời họ. Tôi nghĩ đến những người cha, người mẹ đã không nghĩ đến bản thân mình trước hết và không chạy theo trào lưu của một phong cách hời hợt, nhưng đào luyện cuộc sống của mình trong việc chăm sóc các mối quan hệ, với tình yêu và sự nhưng không, bằng cách mở ra cho hồng ân sự sống và phục vụ con cái cũng như sự tăng trưởng của chúng. Tôi nghĩ đến những người thực hiện công việc của mình với sự tận tâm và tinh thần cộng tác; đến những người dấn thân, trong các lĩnh vực khác nhau và bằng nhiều cách khác nhau, để xây dựng một thế giới công bằng hơn, một nền kinh tế liên đới hơn, một nền chính trị công bình hơn, một xã hội nhân đạo hơn: đến tất cả những người nam nữ thành tâm thiện chí cống hiến hết mình cho công ích . Tôi nghĩ đến những người thánh hiến, dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa trong sự thinh lặng cầu nguyện cũng như trong hoạt động tông đồ, đôi khi ở những vùng biên giới và không tiếc sức lực, bằng cách thăng tiến đặc sủng của mình một cách sáng tạo và sẵn sàng phục vụ những người họ gặp gỡ. Và tôi nghĩ đến những người đã chấp nhận ơn gọi linh mục, tận hiến cho việc loan báo Tin Mừng và bẻ tấm bánh cuộc đời mình, cùng với Bánh Thánh Thể, cho anh em mình, gieo rắc niềm hy vọng và cho mọi người thấy vẻ đẹp của Nước Thiên Chúa.

Với những người trẻ, đặc biệt những người cảm thấy xa cách hoặc nuôi dưỡng lòng nghi ngờ Giáo hội, cha muốn nói: các con hãy để cho Chúa Giêsu lôi cuốn, hãy hỏi Người những câu hỏi quan trọng của các con, qua các trang Tin Mừng, hãy để cho bản thân các con được bồn chồn chất vấn bởi sự hiện diện của Người, một sự hiện diện luôn hữu ích đặt chúng ta vào cơn khủng hoảng. Người tôn trọng sự tự do của chúng ta hơn bất kỳ ai khác, Người không áp đặt nhưng đề nghị: hãy dành cho Người không gian và các con sẽ tìm thấy hạnh phúc của mình khi đi theo Người và, nếu Người mời gọi các con, hãy hoàn toàn dâng hiến bản thân cho Người.

Một dân đang tiến bước

Tính đa âm của các đặc sủng và các ơn gọi, mà cộng đoàn Kitô hữu nhìn nhận và đồng hành, giúp chúng ta hiểu cách trọn vẹn căn tính Kitô hữu của chúng ta: với tư cách dân Thiên Chúa đang tiến bước trên các nẻo đường thế giới, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và được gắn vào Thân Mình của Chúa Kitô như những viên đá sống động, mỗi người chúng ta khám phá ra mình là thành viên của một gia đình rộng lớn, là con của Chúa Cha và là anh chị em của người đồng loại. Chúng ta không phải là những hòn đảo khép kín, nhưng là những bộ phận của tổng thể. Đây là lý do tại sao Ngày Thế giới Cầu nguyện cho các Ơn gọi mang dấu ấn của tính hiệp hành: có nhiều đặc sủng và chúng ta được mời gọi lắng nghe nhau và cùng nhau bước đi để khám phá chúng và để phân định điều gì Chúa Thánh Thần kêu gọi chúng ta vì lợi ích của tất cả mọi người.

Trong thời điểm lịch sử hiện tại, con đường chung dẫn chúng ta đến Năm Thánh 2025. Chúng ta hãy tiến bước như những người hành hương hy vọng hướng đến Năm Thánh, để khi tái khám phá ơn gọi của chúng ta và khi liên kết các hồng ân khác nhau của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể trở thành những người mang và làm chứng cho ước mơ của Chúa Giêsu trên thế giới: hình thành một gia đình duy nhất, hiệp nhất trong tình yêu Thiên Chúa và thân thiết trong mối dây bác ái, chia sẻ và tình huynh đệ.

Đặc biệt, Ngày này được dành cho việc cầu nguyện để cầu xin Chúa Cha ban những ơn gọi thánh thiện để xây dựng Vương quốc của Ngài: “Vậy anh em hãy xin Chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10, 2). Và cầu nguyện – chúng ta biết – thiên về lắng nghe hơn là nói với Thiên Chúa. Chúa nói với tâm hồn chúng ta và muốn thấy nó rộng mở, chân thành và quảng đại. Ngôi Lời của Ngài đã làm người trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng mặc khải và thông truyền cho chúng ta tất cả ý muốn của Chúa Cha. Trong năm 2024 này, được dành riêng cho việc cầu nguyện để chuẩn bị cho Năm Thánh, chúng ta được mời gọi tái khám phá món quà vô giá là có thể đối thoại với Chúa, từ trái tim đến trái tim, nhờ đó trở thành những người hành hương hy vọng, bởi vì “cầu nguyện là sức mạnh đầu tiên của niềm hy vọng. Bạn cầu nguyện và niềm hy vọng lớn lên, bạn tiến về phía trước. Tôi có thể nói rằng lời cầu nguyện mở ra cánh cửa hy vọng. Niềm hy vọng có đó, nhưng với lời cầu nguyện của mình, tôi mở ra cánh cửa” (Bài Giáo lý, ngày 20 tháng 5 năm 2020).

Những người hành hương hy vọng và những người xây dựng hòa bình

Nhưng trở thành người hành hương có nghĩa là gì? Người thực hiện một cuộc hành hương trước tiên tìm cách biết rõ đâu là mục đích, và luôn mang nó trong tâm hồn và trong tâm trí mình. Nhưng đồng thời, để đạt được mục tiêu này, cần phải tập trung vào bước hiện tại. Để thực hiện được điều này, cần phải nhẹ nhàng, trút bỏ những gánh nặng vô ích, mang theo mình cái thiết yếu và chiến đấu mỗi ngày để sự mệt mỏi, sợ hãi, bất an và bóng tối không cản trở con đường đang theo đuổi. Vì thế, trở thành người hành hương có nghĩa là khởi sự lại mỗi ngày, luôn bắt đầu lại, tìm lại lòng nhiệt thành và sức mạnh để vượt qua những giai đoạn khác nhau của cuộc hành trình mà, bất chấp những đau khổ và khó khăn, luôn mở ra trước mắt chúng ta những chân trời mới và những bức tranh toàn cảnh chưa được biết đến.

Ý nghĩa của cuộc hành hương Kitô giáo chính là thế này: chúng ta lên đường khám phá tình yêu của Thiên Chúa và, đồng thời, khám phá chính mình, thông qua một cuộc hành trình nội tâm nhưng luôn được kích thích bởi các mối quan hệ đa dạng. Do đó, những người hành hương vì được kêu gọi: được kêu gọi yêu mến Thiên Chúa và yêu thương nhau. Như thế, bước đi của chúng ta trên trái đất này không bao giờ biến thành mệt mỏi không mục đích hoặc lang thang vô tận. Trái lại, mỗi ngày, bằng cách đáp lại tiếng gọi của mình, chúng ta cố gắng thực hiện những bước có thể hướng tới một thế giới mới, nơi chúng ta sống trong hòa bình, công lý và yêu thương. Chúng ta là những người hành hương hy vọng vì chúng ta hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn và chúng ta dấn thân xây dựng nó trên đường đi.

Cuối cùng, đây là mục tiêu của mọi ơn gọi: trở thành những người nam và người nữ hy vọng. Với tư cách cá nhân và cộng đồng, trong sự đa dạng của các đặc sủng và thừa tác vụ khác nhau, tất cả chúng ta đều được kêu gọi “hiến dâng thân xác và tâm hồn” cho niềm hy vọng của Tin Mừng trong một thế giới được ghi dấu bởi những thách thức lịch sử: đe dọa hướng tới một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba phân mảnh; các đám đông người di cư chạy trốn quê hương để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn; số lượng người nghèo ngày càng gia tăng; nguy cơ gây tổn hại không thể phục hồi đối với sức khỏe của hành tinh chúng ta. Và cộng thêm những điều này là những khó khăn mà chúng ta gặp phải hằng ngày và đôi khi có nguy cơ đẩy chúng ta vào tình trạng cam chịu hay não trạng chủ bại.

Trong thời đại chúng ta, điều quyết định là các Kitô hữu chúng ta phải vun trồng một cái nhìn tràn đầy hy vọng, để có thể làm việc hiệu quả, đáp lại ơn gọi được giao phó cho chúng ta, trong việc phục vụ Vương quốc Thiên Chúa, Vương quốc tình yêu, công lý và hòa bình. Niềm hy vọng này – thánh Phaolô bảo đảm với chúng ta – “sẽ không làm chúng ta thất vọng” (Rm 5, 5), bởi vì đó là lời hứa mà Chúa Giêsu đã hứa với chúng ta để luôn ở với chúng ta và lôi kéo chúng ta vào công trình cứu độ mà Người muốn thực hiện trong trái tim mỗi người và trong “trái tim” của công trình tạo dựng. Niềm hy vọng này tìm thấy động lực trung tâm của nó nơi sự Phục Sinh của Chúa Kitô, Đấng “có một sức sống đã thấm nhập vào thế giới. Nơi nào mọi thứ dường như đã chết, ở khắp mọi nơi, thì hạt giống của sự phục sinh lại xuất hiện. Đó là một sức mạnh vô song. Quả là Thiên Chúa dường như thường không tồn tại: chúng ta ghi nhận rằng sự bất công, sự gian ác, sự thờ ơ và sự tàn ác không hề giảm bớt. Tuy nhiên, điều chắc chắn là trong bóng tối, một điều gì đó mới mẻ luôn bắt đầu nảy mầm, sớm hay muộn sẽ sinh hoa trái” (Tông huấn Evangelii gaudium, số 276). Thánh Phaolô Tông đồ khẳng định thêm rằng “chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong” (Rm 8, 24). Sự cứu độ đạt được trong Lễ Phục Sinh mang lại niềm hy vọng, một niềm hy vọng chắc chắn, đáng tin cậy, nhờ đó chúng ta có thể đối mặt với những thách thức của hiện tại.

Vì thế, trở thành những người hành hương hy vọng và những người xây dựng hòa bình có nghĩa là đặt cuộc sống của chúng ta trên tảng đá phục sinh của Chúa Kitô, biết rằng mỗi dấn thân của chúng ta, trong ơn gọi mà chúng ta đã ôm ấp và đang tiến bước, không rơi vào trống rỗng. Bất chấp những thất bại và những trở ngại, điều tốt lành mà chúng ta gieo trồng vẫn âm thầm phát triển và không gì có thể tách chúng ta ra khỏi mục tiêu tối hậu: cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô và niềm vui được sống trong tình huynh đệ giữa chúng ta mãi mãi. Chúng ta phải thấy trước lời kêu gọi cuối cùng này mỗi ngày: mối tương quan yêu thương với Thiên Chúa và với anh chị em của chúng ta bắt đầu ngay từ bây giờ hiện thực hóa ước mơ của Thiên Chúa, ước mơ về sự hiệp nhất, hòa bình và tình huynh đệ. Ước gì không ai cảm thấy bị loại trừ khỏi lời kêu gọi này! Mỗi người chúng ta, trong sự nhỏ bé của mình, trong bậc sống của mình, với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, có thể trở thành người gieo rắc hy vọng và hòa bình.

Can đảm dấn thân

Về tất cả những điều này, tôi lặp lại một lần nữa, như trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Lisbonne: “Rise up ! – Hãy chỗi dậy !”. Chúng ta hãy thức dậy khỏi giấc ngủ, ra khỏi sự thờ ơ, mở những cánh cửa nhà tù mà đôi khi chúng ta tự nhốt mình lại, để mỗi người chúng ta có thể khám phá ra ơn gọi của mình trong Giáo hội và trong thế giới và trở thành người hành hương hy vọng và người kiến tạo hòa bình ! Chúng ta hãy say mê sự sống và dấn thân vào việc chăm sóc yêu thương những người xung quanh chúng ta và môi trường chúng ta đang sống. Tôi lặp lại với anh chị em: hãy can đảm dấn thân! Cha Oreste Benzi, một tông đồ bác ái không biết mệt mỏi, luôn đứng về phía những người khốn cùng và những người không có khả năng tự vệ, đã lặp đi lặp lại rằng không ai nghèo đến độ không có gì để cho, và không ai giàu đến độ không cần sự giúp đỡ.

Do đó, chúng ta hãy chỗi dậy và bắt đầu cuộc hành trình của mình như những người hành hương hy vọng, bởi vì, như Đức Maria đã làm với thánh Êlisabeth, chúng ta cũng có thể trở thành những sứ giả của niềm vui, tạo nên một đời sống mới và trở thành những người kiến tạo tình huynh đệ và hòa bình.

Rôma, Đền thờ thánh Gioan Latêranô, ngày 21 tháng 4 năm 2024, Chúa Nhật IV Phục Sinh

PHANXICÔ

—————————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30