BÀI GIÁO LÝ VỀ TUỔI GIÀ – BÀI 18. NỖI ĐAU ĐỚN SINH HẠ CỦA CÔNG TRÌNH TẠO DỰNG. CÂU CHUYỆN VỀ THỤ TẠO NHƯ MỘT MẦU NHIỆM CỦA VIỆC THAI NGHÉN

Written by xbvn on Tháng Tám 25th, 2022. Posted in Gia đình, Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh, Đức Maria

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến,

Loạt bài giáo lý về tuổi già dưới ánh sáng của Lời Chúa giờ đây kết thúc bằng một suy tư về lễ Đức Trinh Nữ Maria Lên Trời, được cử hành vào những ngày của tháng Tám này. Sự lên trời cả hồn lẫn xác của Đức Mẹ được liên kết mật thiết với sự phục sinh của Chúa Giêsu Con của Mẹ và với lời hứa về sự phục sinh thân xác của chính chúng ta vào thời sau hết. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra cho các môn đệ và cho họ thấy những dấu hiệu về cuộc thương khó và cái chết của Ngài. Ngài đã cho thấy rằng, trong cuộc sống mai sau, “xác thịt” của căn tính cá nhân của chúng ta, của ký ức, kinh nghiệm và lịch sử cá nhân của chúng ta, sẽ trường tồn và được biến đổi dưới sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống. Chúa mô tả cuộc sống của sự phục sinh bằng những hình ảnh của niềm vui và sự viên mãn, vì chúng ta, và thế giới của chúng ta, sẽ được “tái sinh”, và những hạt giống chúng ta gieo trên trái đất sẽ trổ sinh hoa trái vĩnh cửu. Vì thế, mùa cuộc sống mà chúng ta gọi là “tuổi già” là một thời gian đặc biệt để lớn lên trong sự khôn ngoan được sinh ra bởi đức tin, để nhìn cuộc sống của chúng ta trong viễn cảnh của chúng, qua ánh mắt của Thiên Chúa, và vui mừng mong chờ sự hoàn thành của niềm hy vọng của chúng ta trong vinh quang Nước Trời, trong sự hiệp thông với Đức Mẹ và toàn thể các thánh.

————————————————————–

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, chúc một ngày tốt lành !

Gần đây chúng ta đã cử hành Lễ Mẹ Chúa Giêsu Lên Trời. Mầu nhiệm này làm sáng tỏ sự hoàn thành của ân sủng vốn đã định hình vận mệnh của Đức Maria, và nó cũng làm sáng tỏ đích đến của chúng ta, phải không ? Đích đến là thiên đàng. Với hình ảnh Đức Trinh Nữ được đưa về trời, tôi muốn kết thúc chu kỳ các bài giáo lý về tuổi già. Ở phương Tây, chúng ta chiêm ngắm Mẹ được đưa lên trời, được bao phủ bởi ánh sáng vinh quang ; ở phương Đông, Mẹ được mô tả nằm nghiêng, đang ngủ, được các Tông đồ vây quanh cầu nguyện, trong khi Chúa Phục Sinh ôm Mẹ trong tay của Ngài như một đứa trẻ.

Thần học đã luôn suy tư về mối tương quan của « sự lên trời » độc đáo này với cái chết, mà  tín điều không xác định. Tôi nghĩ sẽ còn quan trọng hơn để làm rõ mối tương quan của mầu nhiệm này với sự phục sinh của Chúa Con, vốn mở ra con đường đem lại sự sống cho tất cả chúng ta. Trong hành động của Thiên Chúa kết hiệp Đức Maria với Chúa Kitô Phục Sinh, sự hư hoại thể xác bình thương của cái chết con người, và không chỉ điều này, không chỉ được vượt qua, nhưng còn báo trước việc lên trời của thân xác trong sự sống của Thiên Chúa. Trên thực tế, số phận phục sinh liên quan đến chúng ta đã được báo trước : bởi vì, theo đức tin Kitô giáo, Đấng Phục Sinh là trưởng tử của nhiều anh chị em. Chúa Phục Sinh là Đấng đã đi trước, trước tiên, là Đấng đã phục sinh đầu tiên, ở chỗ đầu tiên ; rồi chúng ta sẽ đi, nhưng đây là số phận của chúng ta : sống lại.

Theo lời Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô, chúng ta có thể nói rằng nó giống như lần sinh ra thứ hai (x. Ga 3, 3-8). Nếu lần sinh hạ đầu tiên là trên trần gian, thì lần sinh hạ thứ hai là ở trên thiêng đàng. Không phải ngẫu nhiên mà thánh Phaolô Tông đồ , trong bản văn được đọc lúc đâu, đã nói về nỗi đau đớn sinh hạ (x. Rm 8, 22). Cũng như, trong khoảnh khắc chúng ta ra khỏi lòng mẹ, chúng ta vẫn là chính chúng ta, cũng là con người như trong lòng mẹ ; thì cũng thế, sau cái chết, chúng ta được sinh ra trên thiêng đàng, trong không gian cảu Thiên Chúa, và chúng ta vẫn là chính chúng ta, những người đã từng bước đi trên trần gian này. Nó tương tự với những gì đã xảy ra cho Chúa Giêsu : Đấng Phục Sinh vẫn là Chúa Giêsu : Ngài không mất đi nhân tính của mình, kinh nghiệm của mình, hay thậm chí thể  xác của mình, không, bởi vì nếu không có nó, Ngài sẽ không còn là chính mình nữa, Ngài sẽ không còn là Chúa Giêsu nữa : nghĩa là, với nhân tính của mình, với kinh nghiệm sống của mình.

Kinh nghiệm của các môn đệ, những người mà Ngài đã hiện ra trong 40 ngày sau phục sinh, cho chúng ta biết điều này. Chúa cho họ thấy những thương tích đã ghi dấu hy tế của Ngài ; nhưng chúng không còn là sự xấu xa của nỗi ô nhục đau đớn, giờ đây chúng là bằng chứng không thể phai mờ về tình yêu trung tín cho đến cùng của Ngài. Chúa Giêsu phục sinh với thân xác của mình sống trong sự thân mật của Ba Ngôi Thiên Chúa ! Và trong đó Ngài không mất ký ức của mình, Ngài không từ bỏ lịch sử của mình, Ngài không phá hủy các mối tương quan Ngài đã sống trên trần gian. Ngài đã hứa với các bạn hữu của mình : « Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em – Ngài đã đi đọn chỗ cho chúng ta, cho tất cả chúng ta – nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó » (Ga 14, 3). Và Ngài sẽ đến, không chỉ cuối cùng Ngài đến vì mọi người, Ngài sẽ đến mỗi lần vì mỗi người chúng ta. Ngài sẽ đến tìm chúng ta để đưa chúng ta đến với Ngài. Theo nghĩa này, cái chết là một bước hướng đến cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, Đấng đang chờ đợi tôi để đưa tôi đến với Ngài.

Đấng Phục Sinh đang sống trong thế giới của Thiên Chúa, nơi có chỗ cho mọi người, nơi một trái đất mới đang được hình thành, và là nơi thành đô thiên quốc, nơi ở cuối cùng của con người, đang được xây dựng. Chúng ta không thể hình dung được sự biến đổi của thân xác phải chết này của chúng ta, nhưng chúng ta chắc chắn rằng nó sẽ giữ cho khuôn mặt của chúng ta dễ được nhận biết và cho phép chúng ta vẫn là người trên Thiên Đàng. Nó sẽ cho phép chúng ta tham dự, với cảm xúc tuyệt vời, vào hạnh phúc tràn đầy và vô tận của hành động của Thiên Chúa, nơi mà chúng ta sẽ cảm nghiệm tận mắt những cuộc phiêu lưu bất tận.

Khi Chúa Giêsu nói về Nước Thiên Chúa, Ngài mô tả nó như một tiệc cưới ; như một bữa tiệc, nghĩa là, giống như một bữa tiệc, một bữa tiệc với bạn bè đang chờ chúng ta ; như công việc làm cho ngôi nhà trở nên hoàn hảo, và sự ngạc nhiên làm cho mùa màng bội thu hơn việc gieo hạt. Tuân giữ nghiêm túc các lời Tin Mừng về Nước Trời làm cho chúng ta có thể nhạy cảm tận hưởng tình yêu làm việc và sáng tạo của Thiên Chúa, và đưa chúng ta hòa nhịp với đích đến chưa từng biết đến của một cuộc sống mà chúng ta gieo.

Ở tuổi già của chúng ta, những người đương thời thân mến của tôi – và tôi với người cụ ông và cụ bà – vào tuổi già của chúng ta, tầm quan trọng của nhiều « chi tiết » mà cuộc sống được tạo nên – một sự vuốt ve, một nụ cười, một cử chỉ, một nổ lực được cảm kích, một sự ngạc nhiên bất ngờ, một sự vui vẻ hiếu khách, một mối dây chung thủy – trở nên sâu sắc hơn. Những điều cần thiết của cuộc sống, những điều chúng ta yêu quý nhất khi chúng ta sắp từ biệt, trở nên thực sự rõ ràng đối với chúng ta. Hãy xem : sự khôn ngoan này của tuổi già là nơi thai nghén của chúng ta, soi sáng cuộc sống của trẻ em, người trẻ, người lớn, toàn thể cộng đồng. Chúng ta, người cao tuổi nên là điều này cho người khác : ánh sáng cho người khác. Cả cuộc đời chúng ta giống như một hạt giống sẽ phải chôn vùi để sinh hoa kết trái. Nó sẽ được sinh ra, cùng với mọi thứ khác trên thế giới. Không phải không có nỗi đau đớn sinh hạ,  không phải không có đau đớn, nhưng nó sẽ được sinh ra (x. Ga 16, 21-23). Và cuộc sống của thân xác phục sinh sẽ sống động gấp trăm ngàn lần sự sống mà chúng ta đã nếm trả trên trái đất này (x. Mt 10, 28-31).

Anh chị em thân mến, Chúa Phục Sinh, không phải ngẫu nhiên, đang nướng cá trong khi chờ đợi các Tông đồ bên bờ hồ (x. Ga 21, 9) và trao nó cho họ. Cử chỉ yêu thương quan tâm này cho chúng ta một cái nhìn  thoáng qua về những gì đang chờ đợi chúng  ta khi chúng ta sang bờ bên kia. Vâng, anh chị em thân mến, đặc biệt anh chị em cao tuổi, điều tốt đẹp nhất của cuộc sống vẫn chưa đến. « Nhưng chúng tôi đã già rồi, còn điều gì chưa đến nữa?” Điều tốt đẹp nhất, bởi vì điều tốt đẹp nhất của cuộc sống vẫn chưa đến. Chúng ta hãy hy vọng, chúng ta hãy hy vọng vào cuộc sống viên mãn này đang chờ đợi chúng ta, khi Chúa gọi chúng ta. Xin Mẹ của Chúa và là Mẹ của chúng ta, Đấng đã đi trước chúng ta về  trời, ban lại cho chúng ta sự háo hức mong đợi, bởi vì đó không phải là một sự mong đợi bị tê liệt, đó không phải là sự mong đợi buồn chán, không, đó là sự háo hức mong đợi, đó là sự mong đợi : « Khi nào Chúa của tôi sẽ đến ? Khi nào tôi sẽ có thể đến đó ? »

Một chút sợ hãi, bởi vì tôi không biết sự vượt qua này có nghĩa là gì, và đi ngang qua cánh cửa đó gây ra một chút sợ hãi – nhưng luôn có bàn tay của Chúa đưa chúng ta về phía trước, và có bữa tiệc ở bên kia cánh cửa.

Người cao tuổi đương thời thân mến, chúng ta hãy chú tâm, chúng ta hãy chú tâm. Ngài đang chờ đợi chúng ta. Chỉ một lần vượt qua, và sau đó là bữa tiệc.

Cảm ơn anh chị em

—————————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican news)

 

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31