BÀI GIÁO LÝ VỀ SỰ PHÂN ĐỊNH – BÀI 12. TỈNH THỨC
Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến,
Chúng ta đang đến cuối cuộc hành trình của mình, theo bước thánh Inhaxiô Loyola, về sự phân định. Sau khi xem xét các yếu tố thiết yếu của sự phân định là cầu nguyện và biết mình, “cuốn sách của cuộc đời”, những an ủi và phiền muộn dẫn chúng ta đến việc chọn lựa, giờ đây chúng ta phải sống trong thái độ tỉnh thức, để đảm bảo sự trung thành theo đuổi các chọn lựa đã được phân định của chúng ta. Trong lời rao giảng của mình, Chúa Giêsu thường nhấn mạnh đến sự kiện là chúng ta phải luôn tỉnh thức, phải là những tôi tớ đang chờ đợi Chủ mình trở về.
Kitô hữu chúng ta chờ đợi Chúa đến lần cuối. Nhưng còn hơn nữa, chúng ta canh chừng trong các lựa chọn của cuộc sống thường ngày của mình, để kiên trì cách nhất quán. Chúng ta đừng tin tưởng vào những thành công bề ngoài thường khiến chúng ta không còn giữ được tâm hồn mình nữa và có thể ru ngủ chúng ta trong một trạng thái hôn mê lừa dối và ảo tưởng về một trật tự hoàn hảo vốn sẽ không còn chịu được điều bất ngờ, người nghèo, người ngoại kiều. Nhưng chúng ta hãy chú ý đến sự xuất hiện của Chàng Rể. Khi chúng ta quá tin tưởng vào bản thân và không còn tín thác vào ân sủng của Thiên Chúa nữa, thì đó là lúc Ma Quỷ tìm thấy cửa nhà rộng mở của chúng ta. Tỉnh thức là một dấu hiệu của sự khôn ngoan và khiêm tốn vốn là con đường triệt để của các Kitô hữu.
———————————–
Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Giờ đây chúng ta bước vào giai đoạn cuối cùng của hành trình giáo lý về sự phân định này. Trước tiên, chúng ta đã dựa vào gương của thánh Inhaxiô Loyola ; tiếp đến, chúng ta đã xem xét các yếu tố phân định – đó là cầu nguyện, biết mình, ước muốn và « cuốn sách của cuộc đời » – ; sau đó, chúng ta đã bàn đến sự phiền muộn và sự an ủi, vốn tạo nên « chất liệu » của sự phân định ; rồi chúng ta đã đi đến việc xác nhận sự lựa chọn được thực hiện.
Tôi cho rằng điều cần thiết vào lúc này là nhắc lại một thái độ thiết yếu để không mất đi tất cả những công việc đã thực hiện để phân định điều tốt nhất và đưa ra quyết định đúng đắn, và thái độ này sẽ là thái độ tỉnh thức. Chúng ta đã phân định, sự an ủi và sự phiền muộn ; chúng ta đã lựa chọn…Tất cả đều ổn, nhưng giờ đây cần phải tỉnh thức : thái độ tỉnh thức. Bởi vì nguy cơ là ở đó, như chúng ta đã nghe trong đoạn Tin Mừng được đọc. Nguy cơ là ở đó, và chính « kẻ phá đám », tức là Ma quỷ, có thể phá hỏng mọi thứ, khiến chúng ta trở lại điểm xuất phát, thậm chí trong một tình trạng còn tồi tệ hơn. Và điều đó xảy ra, vì thế cần phải thận trọng và tỉnh thức. Đó là lý do tại sao cần phải tỉnh thức. Đó là lý do tại sao hôm nay có vẻ thích hợp để tôi nhấn mạnh thái độ này, mà tất cả chúng ta đều cần đến để tiến trình phân định kết thúc tốt đẹp và duy trì như thế.
Quả thế, trong lời rao giảng của mình, Chúa Giêsu nhấn mạnh nhiều đến sự kiện là người môn đệ tốt là người tỉnh thức, không ngủ mê, không để mình bị lôi cuốn bởi sự tự phụ khi mọi việc diễn ra tốt đẹp, nhưng luôn cảnh giác và sẵn sàng thực hiện bổn phận của mình.
Chẳng hạn, trong Tin Mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu nói : « Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ.» (12, 35-37).
Tỉnh thức để giữ gìn tâm hồn chúng ta và hiểu những gì đang diễn ra bên trong. Đó là tình trạng tâm hồn của người Kitô hữu đang chờ đợi Chúa đến lần cuối ; nhưng chúng ta cũng có thể hiểu điều đó như thái độ thông thường cần được chấp nhận trong cách cư xử của cuộc sống, để những chọn lựa tốt của chúng ta, đôi khi được tiến hành sau một cuộc phận định đầy đòi hỏi, được thực hiện cách kiên trì và nhất quán, và sinh hoa kết trái.
Nếu thiếu sự tỉnh thức, thì sẽ có một nguy cơ rất lớn, như chúng ta đã nói, rằng tất cả sẽ bị mất đi. Đó không phải là một mối nguy hiểm về tâm lý, nhưng về tâm linh, một cái bẫy thực sự của thần dữ. Quả thế, thần dữ chờ đợi chính thời điểm khi chúng ta quá chắc chắn về bản thân, đó là mối nguy hiểm : « Tôi chắc chắn về bản thân mình, tôi đã chiến thắng, bây giờ tôi ổn rồi… », đó là thời điểm mà thần dữ chờ đợi, khi mọi sự diễn ra tốt đẹp, khi mọi sự diễn tiến « tuyệt vời » và khi, như người ta nói, chúng ta như « thuyền gặp gió ». Quả thế, trong ngụ ngôn nhỏ trong Tin Mừng mà chúng ta đã nghe, có kể rằng thần ô uế, khi nó trở về ngôi nhà mà nó đã đi ra, « nó thấy nhà để trống, lại được quét dọn và ngăn nắp » (Mt 12, 44). Mọi thứ đều ở đúng vị trí, mọi thứ đều theo trật tự, nhưng chủ nhân của ngôi nhà ở đâu ? Ông không ở đó. Không có ai để coi sóc và giữ gìn nó. Đó là vấn đề. Chủ nhà không có ở đó, ông ta đã đi ra ngoài, ông ta bị phân tâm ; hoặc nếu ông ta ở trong nhà, nhưng mê ngủ, và do đó, như thể ông không có ở đó. Ông không tỉnh thức, ông không thận trọng, vì ông quá chắc chắn về bản thân và đã mất đi sự khiêm tốn để canh chừng tâm hồn của mình. Chúng ta phải luôn canh chừng ngôi nhà của mình, tâm hồn của mình và đừng để bản thân bị phân tâm mà đi…vì vấn đề nằm ở đó, như dụ ngôn đã nói.
Vì thế, thần dữ có thể lợi dụng và trở lại ngôi nhà này. Tuy nhiên, Tin Mừng nói rằng nó không quay trở lại một mình, nhưng cùng với « bảy thần khác tồi tệ hơn cả nó » (c. 45). Một nhóm bất lương, một băng tội phạm. Nhưng – chúng ta tự hỏi – làm thế nào mà chúng có thể vào mà không bị quấy rối ? Làm thế nào mà ông chủ không nhận ra ? Chẳng phải ông rất giỏi phân định và xua đuổi chúng sao ? Chẳng phải ông cũng nhận được lời khen ngợi từ bạn bè và hàng xóm về ngôi nhà rất đẹp và thanh lịch này, rất ngăn nắp và sạch sẽ này sao ? Phải, nhưng có lẽ chính vì thế mà ông đã quá say mê với ngôi nhà, nghĩa là với chính mình, và ông đã ngừng chờ đợi Chúa, chờ đợi Chàng Rể đến ; có lẽ, do sợ phá hỏng trật tự này, nên ông không còn đón tiếp ai, ông không còn mời người nghèo, người vô gia cư, những người quấy rầy…Có một điều chắc chắn : đây là vấn đề về tính kiêu ngạo xấu xa, về sự tự phụ mình có lý, làm tốt, sống có quy tắc. Biết bao lần chúng ta nghe : « Vâng, trước đây tôi xấu, tôi đã hoán cải, và bây giờ, ngôi nhà có trật tự nhờ ơn Chúa, và bạn yên bình về điều đó… » Khi chúng ta quá tin vào bản thân mà không tin vào ân sủng của Thiên Chúa, thì lúc đó Ma Quỷ tìm thấy cánh cửa mở rộng. Rồi nó tổ chức cuộc thám hiểm và chiếm hữu ngôi nhà này. Và Chúa Giêsu kết luận : « Tình trạng của người này cuối cùng còn tệ hơn lúc đầu » (c. 45).
Nhưng chủ nhà không nhận ra à ? Không, bởi vì chúng là những con quỷ lịch sự : chúng đi vào mà bạn không nhận biết, chúng gõ cửa, chúng lịch sự. « Không, không sao đâu, ok, thôi, vào đi… » và rồi chúng cuối cùng điều khiển linh hồn bạn. Hãy cẩn thận với những con quỷ con này, những con quỷ này : ma quỷ lịch sự khi giả làm một vị chúa cao cả. Vì nó đi vào chúng ta như một người trong số chúng ta để rồi sau đó lộ diện như nó đang ở nhà nó. Cần phải bảo vệ ngôi nhà khỏi sự gian trá của những con quỷ được giáo dục tốt này. Và tính trần tục thiêng liêng luôn đi theo hướng này.
Anh chị em thân mến, điều đó xem ra không thể nhưng nó lại là như thế. Biết bao lần chúng ta thua cuộc, chúng ta bị đánh bại trong các trận chiến, vì sự thiếu tỉnh thức này. Biết bao lần, có lẽ, Chúa đã ban biết bao ân sủng và cuối cùng chúng ta không thể kiên trì được trong ân sủng này và chúng ta đánh mất tất cả, bởi vì chúng ta thiếu tỉnh thức : chúng ta đã không bảo vệ cánh cửa. Và sau đó chúng ta bị lừa bởi một kẻ đến, có giáo dục, và đi vào và xin chào…ma quỷ có những mánh khóe này. Mỗi người cũng có thể xác thực điều đó khi nghĩ lại lịch sử cá nhân của mình. Thực hiện một sự phân định tốt và một chọn lựa tốt mà thôi thì không đủ. Không, nó không đủ : cần phải tỉnh thức, gìn giữ ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, nhưng hãy tỉnh thức, bởi vì bạn không thể nói : « Nhưng khi tôi nhìn thấy một sự hỗn độn nào đó, thì tôi hiểu ngay rằng đó là ma quỷ, đó là một cám dỗ… » Vâng, nhưng lần này nó ngụy trang thành thiên thần : ma quỷ biết ngụy trang thành thiên thần, nó đi vào bằng những lời lịch thiệp, và chính phục bạn và cuối cùng hoàn cảnh còn tệ hơn lúc đầu…Cần phải luôn tỉnh thức, canh chừng tâm hồn mình. Nếu hôm nay tôi hỏi mỗi người trong chúng ta và cả chính tôi nữa : « Điều gì đang diễn ra trong tâm hồn bạn ? ». Chúng ta có lẽ không thể nói tất cả : chúng ta sẽ nói một hay hai điều, nhưng không phải tất cả. Hãy canh chừng tâm hồn mình, vì tỉnh thức là dấu hiệu của sự khôn ngoan, nó đặc biệt là dấu hiệu của sự khiêm tốn, bởi vì chúng ta sợ sa ngã, và sự khiêm tốn là con đường triệt để của đời sống Kitô hữu.
————————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Audience, Mùa Vọng, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO