BÀI GIÁO LÝ VỀ SỰ PHÂN ĐỊNH – BÀI 11. XÁC NHẬN QUYẾT ĐỊNH ĐÚNG ĐẮN

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 8th, 2022. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến,

Trong quá trình phân định, điều quan trọng là chú ý đến giai đoạn ngay sau quyết định được đưa ra, để nắm bắt các dấu hiệu xác nhận hay bác bỏ nó. Một trong những dấu hiệu này là biết liệu quyết định được đưa ra có đáp lại tình yêu và lòng quảng đại của Chúa đối với chúng ta hay không. Ý thức ở lại vị trí của mình trong cuộc sống là một yếu tố quan trọng khác. Cũng thế, một dấu hiệu để xác nhận là việc giữ được tự do đối với những gì đã được quyết định, thậm chí có thể từ bỏ nó. Chỉ một mình Thiên Chúa mới biết điều gì thực sự tốt cho chúng ta và  chúng ta có lợi khi dâng cho Ngài những gì chúng ta yêu quý nhất, vì cuộc sống của chúng ta nằm trong đôi bàn tay nhân từ của Ngài. Đó là những gì Thánh Kinh gọi là lòng kính sợ hay tôn kính Thiên Chúa. Với Ngài, không có gì có thể làm cho chúng ta lo lắng. Nhận ra điều đó đảm bảo cho chúng ta về những gì chúng ta không thể kiểm soát hay dự kiến, và là nền tảng để đưa ra một quyết định đúng đắn. Điều quan trọng, đó là niềm tin tưởng của chúng ta phải được đặt nơi Chúa của vũ trụ, Đấng yêu thương chúng ta và biết rằng, cùng với Ngài, chúng ta  có thể xây dựng điều gì đó tuyệt vời và vĩnh cửu.

—————————————————–

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Trong quá trình phân định, điều cũng quan trọng là phải luôn chú ý đến giai đoạn ngay sau quyết định được đưa ra, – tôi phải đưa ra một quyết định, tôi phân định, ủng hộ hay chống lại, những tình cảm, tôi cầu nguyện…rồi quá trình này kết thúc và tôi đưa ra quyết định và tiếp đến là giai đoạn mà chúng ta phải chú ý : để xem, các dấu hiệu xác nhận nó hay các dấu hiệu bác bỏ nó. Bởi vì trong cuộc sống, có những quyết định không tốt và có những dấu hiệu bác bỏ chúng ; trái lại, có những dấu hiệu xác nhận  chúng.

Quả thế, chúng ta đã thấy rằng thời gian là tiêu chí cơ bản để nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa  giữa bao nhiêu tiếng nói khác. Chỉ mình Ngài là Chúa của thời gian : đó là một dấu hiệu của tính độc đáo của Ngài, vốn phân biệt Ngài với những sự bắt chước mưu toan nói nhân danh Ngài mà không thành công. Một trong những đặc điểm của thần lành là thần lành thông truyền một sự bình an kéo dài theo thời gian : nếu bạn đưa ra một quyết định, một quá trình, rồi bạn quyết định, nếu điều đó cho bạn sự bình an kéo dài theo thời gian, thì đó là một dấu hiệu tốt, quá trình đó là  tốt. Một sự bình an mang lại sự hài hòa, hiệp nhất, sốt sắng, nhiệt thành. Bạn bước ra khỏi quá trình tốt hơn khi bạn bước vào đó.

Chẳng hạn, nếu tôi quyết định dành thêm nửa giờ để cầu nguyện, và rồi tôi nhận thấy rằng tôi sống tốt hơn những thời điểm khác trong ngày, tôi thanh thản hơn, ít lo lắng hơn, tôi làm việc với sự quan tâm và hăng say hơn, ngay cả các mối tương quan với một số người khó khăn cũng trở nên dễ chịu hơn… : tất cả đó đều là những dấu hiệu quan trọng ủng hộ sự đúng đắn của quyết định được đưa ra. Đời sống thiêng liêng là một vòng tuần hoàn : lợi ích của một chọn lựa mang lại lợi ích cho mọi lãnh vực trong cuộc sống của chúng ta. Bởi vì đó là một sự tham dự vào sự sáng tạo của Thiên Chúa.

Chúng ta có thể nhận ra một số khía cạnh quan trọng giúp chúng ta phân định thời gian theo sau quyết định như là một sự xác nhận có thể về sự đúng đắn của nó. Thời gian kế tiếp xác nhận sự đúng đắn của quyết định. Chẳng hạn, cách nào đó, chúng ta đã gặp chúng trong các bài giáo lý này, nhưng bây giờ chúng tìm thấy áp dụng tiếp theo của chúng.

Khía cạnh đầu tiên là biết liệu chúng ta có thể coi quyết định này như là một câu trả lời có thể có đối với tình yêu và lòng quảng đại của Thiên Chúa đối với tôi hay không. Nó không nảy sinh từ sự sợ hãi, nó không nảy sinh từ sự đe dọa tình cảm hay từ sự ép buộc, nhưng nó nảy sinh từ lòng biết ơn đối với điều tốt đẹp đã nhận được, vốn thúc đẩy tâm hồn sống quảng đại mối tương quan với Chúa.

Một yếu tố quan trọng khác là ý thức về vị trí của mình trong cuộc sống – sự bình tâm này : « Tôi ở vị trí của tôi » – và cảm giác là một phần của một tổng thể rộng lớn hơn, mà chúng ta mong muốn đóng góp vào. Ở quảng trường thánh Phêrô, có hai điểm chính xác – các tiêu điểm của hình elip – từ đó chúng ta có thể nhìn thấy các cột của Bernin thẳng hàng một cách hoàn hảo. Cũng thế, con người có thể nhận thấy rằng họ đã tìm thấy những gì họ đang tìm kiếm khi ngày sống của họ trở nên có trật tự hơn, khi họ nhận thấy sự tích hợp ngày càng gia tăng giữa nhiều trung tâm lợi ích của mình, khi họ thiết lập một phẩm trật quan trọng đúng đắn và thành công để sống điều đó cách dễ dàng, bằng cách đối diện với những khó khăn phát sinh với một nghị lực và một sự dũng cảm mới mẻ của tâm hồn. Đó là những dấu hiệu cho thấy bạn đã đưa ra một quyết định đúng đắn.

Chẳng hạn, một dấu hiệu khác để xác nhận là việc vẫn được tự do đối với những gì đã được quyết định, sẵn sàng đặt lại vấn đề về nó, thậm chí từ bỏ nó khi đối mặt với những lời từ chối có thể xảy ra, bằng cách cố gắng tìm thấy nơi chúng một bài học khả dĩ từ Chúa. Không phải vì Ngài muốn tước đoạt những gì thân yêu của chúng ta, nhưng để sống nó một cách tự do, không quyến luyến. Chỉ mình Thiên Chúa mới biết điều gì thực sự tốt cho chúng ta. Tính chiếm hữu là kẻ thù của điều thiện và nó giết chết tình cảm, hãy lưu ý điều đó, tính chiếm hữu là kẻ thù của điều thiện, nó giết chết tình cảm : nhiều trường hợp bạo lực trong phạm vi gia đình, mà chúng ta không may có những bài phóng sự thường xuyên, hầu như luôn nảy sinh từ tham vọng chiếm hữu tình cảm của người khác, từ việc tìm kiếm một sự an toàn tuyệt đối vốn giết chết sự tự do và bóp nghẹt cuộc sống, biến nó thành một địa ngục.

Chúng ta chỉ có thể yêu thương trong tự do, đó là lý do tại sao Chúa đã tạo dựng chúng ta tự do, tự do ngay cả khi nói không với Ngài. Dâng cho Ngài những gì thân yêu nhất đối với chúng ta là vì lợi ích của chúng ta, điều đó cho phép chúng ta sống nó theo cách tốt nhất có thể trong tự do, như một món quà mà Ngài đã ban cho chúng ta, như một dấu chỉ của lòng nhân từ nhưng không của Ngài, biết rằng cuộc sống của chúng ta, cũng như toàn bộ lịch sử, đều năm trong đôi bàn tay nhân từ của Ngài. Đó là những gì Thánh Kinh gọi là lòng kính sợ Thiên Chúa, tức là lòng tôn kính Thiên Chúa, chứ không phải Thiên Chúa làm cho tôi sợ, không : một sự tôn kính, một điều kiện cần thiết để đón nhận món quà của Đấng Khôn Ngoan (x. Hc 1, 1-18). Chính lòng kính sợ xua đuổi mọi nỗi sợ hãi khác, vì nó hướng về Đấng là Chúa của vạn vật. Trước nhan Ngài, không gì có thể làm rối loạn chúng ta. Đó là kinh nghiệm tuyệt vời của thánh Phaolô, ngài nói thế này : « Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết » (Pl 4, 12-13). Đó là con người tự do, chúc tụng Chúa cả khi điều tốt đẹp và điều ít tốt đẹp xảy đến : hãy chúc tụng Ngài và chúng ta tiến về phía trước.

Nhận ra được điều đó là nền tảng cho một quyết định đúng đắn, và đảm bảo cho chúng ta về những gì chúng ta không thể kiểm soát hay dự kiến : sức khỏe, tương lai, người thân yêu, kế hoạch của chúng ta. Điều quan trọng, đó là niềm tin tưởng của chúng ta được đặt nơi Chúa của vũ trụ, Đấng yêu thương chúng ta vô cùng và biết rằng chúng ta có thể xây dựng cùng với Ngài điều gì đó  tuyệt vời, điều gì đó vĩnh cửu. Đời sống của các thánh cho chúng ta thấy điều đó một cách đẹp đẽ nhất. Chúng ta hãy tiến về phía trước bằng cách luôn tìm cách đưa ra những quyết định theo cách này, bằng cách cầu nguyện và cảm nhận được những gì đang diễn ra trong tâm hồn chúng ta và hãy từ từ tiến tới. Chúng ta hãy can đảm bước đi !

——————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30