BÀI GIÁO LÝ VỀ SỰ PHÂN ĐỊNH – BÀI 5. NHỮNG YẾU TỐ PHÂN ĐỊNH. ƯỚC MUỐN

Written by xbvn on Tháng Mười 13th, 2022. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến,

Một trong những “thành phần” không thể thiếu của sự phân định là ước muốn. Phân định là một hình thức tìm kiếm vốn luôn nảy sinh từ điều gì đó mà chúng ta đang thiếu. Ước muốn là một hoài niệm về sự viên mãn, một dấu hiệu về sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta. Nó gợi lên một nỗi đau khổ, một sự thiếu thốn, nhưng đồng thời là sự căng thẳng để đạt tới điều thiện hảo đang thiếu. Vì thế, ước muốn là la bàn để hiểu chúng ta đang ở đâu và đang đi về đâu. Một ước muốn đích thực biết chạm sâu vào các hợp âm của con người chúng ta. Trái với lòng thèm muốn hay cảm xúc nhất thời, ước muốn kéo dài trong thời gian và có xu hướng cụ thể hóa. Trong Tin Mừng, trước khi làm một phép lạ, Chúa Giêsu hỏi người đó về ước muốn của họ. Khi đối thoại với Chúa, chúng ta học cách hiểu những gì chúng ta thực sự muốn trong cuộc sống của chúng ta. Thời đại chúng ta đang sống dường như thúc đẩy sự tự do chọn lựa lớn lao nhất, nhưng đồng thời nó làm suy yếu ước muốn, thường bị giảm thiểu nhất thành sự thèm muốn nhất thời. Nhiều người đau khổ vì họ không biết những gì họ muốn làm trong cuộc sống của mình và không tiếp xúc với ước muốn sâu xa của họ. Câu trả lời của chúng ta hôm nay sẽ như thế nào nếu Chúa đặt cho chúng ta câu hỏi được đặt cho người mù thành Giêricô? Chắc chắn cho phép Ngài, như trong Tin Mừng, làm các phép lạ cho chúng ta.

—————————————————

Bài giáo lý :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Trong các bài giáo lý về sự phân định này, chúng ta đang xem xét các yếu tố của sự phân định. Sau việc cầu nguyện, một yếu tố, và sự biết mình, một yếu tố khác, nghĩa là, cầu nguyện và biết mình, hôm nay tôi muốn nói về một yếu tố không thể thiếu khác, có thể nói là « thành phần » : hôm nay tôi muốn nói về ước muốn. Trên thực tế, phân định là một hình thức tìm kiếm, và việc tìm kiếm luôn bắt nguồn từ một thứ mà chúng ta đang thiếu nhưng chúng ta lại biết cách nào đó, thứ mà chúng ta trực giác được.

Đây là loại hiểu biết gì ? Các bậc thầy tâm linh gọi nó bằng thuật ngữ « lòng muốn », về gốc rễ, là nỗi hoài niệm về sự viên mãn vốn không bao giờ tìm thấy được sự lấp đầy trọn vẹn, và là dấu hiệu về sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta. Ước muốn không phải là lòng khao khát nhất thời, không phải. Từ tiếng ý, desiderio, xuất phát từ một thuật ngữ tiếng Latinh rất đẹp, thật kỳ lạ : de-sidus, nghĩa đen là « thiếu ngôi sao », ước muốn là một sự thiếu ngôi sao, thiếu điểm quy chiếu định hướng hành trình cuộc sống ; nó gợi lên một sự đau khổ, một sự thiếu thốn, và đồng thời là một sự căng thẳng để đạt tới điều thiện hảo chúng ta đang thiếu. Lúc đó, ước muốn là chiếc la bàn cho phép hiểu tôi đang ở đâu và tôi đi về đâu, hay đúng hơn đó là chiếc la bàn cho phép tôi biết liệu tôi đang dừng lại hay tôi đang tiến bước, một người không bao giờ ước muốn, đó là một người bất động, có lẽ bệnh tật, gần như chết. Đó là la bàn cho phép tôi biết liệu tôi đang tiến tới hay tôi đang đứng yên. Và làm thế nào có thể nhận ra nó ?

Hãy nghĩ xem. Một ước muốn đích thực biết cách chạm sâu vào các hợp âm của con người chúng ta, đó là lý do tại sao nó không bớt đi khi đối mặt với những khó khăn hay thất bại. Nó giống như khi chúng ta khát : nếu chúng ta không tìm thấy gì để uống, thì chúng ta không từ bỏ, trái lại, việc tìm kiếm ngày càng chiếm trọn tư tưởng và hành động của chúng ta, cho đến khi chúng ta sẵn sàng hy sinh bất cứ điều gì để dập tắt nó, gần như bị ám ảnh. Những trở ngại và những thất bại không bóp nghẹt được ước muốn, không, trái lại, chúng làm cho nó ngày càng mãnh liệt hơn trong chúng ta.

Khác với sự thèm muốn hay cảm xúc nhất thời, ước muốn kéo dài theo thời gian, thậm chí lâu dài, và có xu hướng thành hiện thực. Chẳng hạn, nếu một bạn trẻ muốn trở thành bác sĩ, thì anh ta sẽ phải dấn thân vào một quá trình học tập và làm việc vốn sẽ chiếm một vài năm trong cuộc sống của mình và, do đó, anh ta sẽ phải xác định các giới hạn, nói « không », nói những tiếng « không », trước hết đối với các quá trình học tập khác, những còn với những thú vui chơi và giải trí có thể có, nhất là trong những thời điểm học tập căng thẳng nhất. Tuy nhiên, ước muốn mang lại định hướng cho cuộc sống của anh ấy và đạt tới mục tiêu này – chẳng hạn trở thành bác sĩ – cho phép anh ấy vượt qua những khó khăn. Ước muốn làm cho bạn nên mạnh mẽ, nó làm cho bạn can đảm, nó luôn làm cho bạn tiến tới bởi vì bạn muốn đạt được điều đó : « Tôi ước muốn điều đó ».

Quả thế, một giá trị trở nên đẹp đẽ và dễ dàng thực hiện được khi nó hấp dẫn. Như ai đó đã nói, « quan trọng hơn việc trở nên tốt là có ước muốn trở nên tốt ». Trở nên tốt là một điều hấp dẫn, tất cả chúng ta đều muốn trở nên tốt, nhưng chúng ta có ý muốn trở nên tốt không ?

Thật ấn tượng khi ghi nhận rằng Chúa Giêsu, trước khi thực hiện một phép lạ, thường hỏi người đó về ước muốn của người ấy : « Anh có muốn được chữa lành không ? » Và đôi khi câu hỏi này có vẻ lạc lõng, nhưng rõ ràng người đó đang bệnh ! Không…Chẳng hạn, khi Ngài gặp người bại liệt ở hồ Bethsaida, người đã ở đó từ nhiều năm và không bao giờ có thể nắm bắt được đúng thời điểm để xuống nước. Chúa Giêsu hỏi anh ta : « Anh có muốn được chữa lành không ? » (Ga 5, 6). Nhưng. Làm thế nào ? Trên thực tế, câu trả lời của người bại liệt cho thấy một loạt các kháng cự kỳ lạ đối với việc chữa bệnh, mà không chỉ liên quan đến anh ta. Câu hỏi của Chúa Giêsu là một lời mời gọi làm sáng tỏ trong tâm hồn, để đón nhận một bước nhảy vọt chất lượng có thể xảy ra : không còn nghĩ đến bản thân và cuộc sống của mình « như một người bại liệt », được khiêng bởi người khác nữa. Nhưng người đàn ông trên cáng có vẻ không xác tín lắm. Khi đối thoại với Chúa, chúng ta học cách hiểu những gì chúng ta thực sự muốn trong cuộc sống của chúng ta. Người bại liệt này là ví dụ điển hình của những người nói : « Vâng, vâng, tôi muốn, tôi muốn » nhưng tôi không muốn, tôi không muốn, tôi không làm gì cả. Việc muốn làm trở thành một ảo tưởng và chúng ta không thực hiện bước để hiện thực nó. Những người muốn và không muốn này. Điều đó tật tồi tệ và người bệnh 38 năm này ở đó, nhưng luôn với những lời than thở : « Không, lạy Chúa, Chúa biết đó, nhưng Chúa biết khi nào nước chuyển động – đó là khoảnh khắc của phép lạ – Chúa biết đó, ai đó mạnh hơn con đến và xuống nước, còn con đến trễ », và anh ta than thở và than thở. Nhưng hãy coi chừng, than thở là liều thuốc độc, thuốc độc cho tâm hồn, thuốc độc cho cuộc sống vì than thở không làm gia tăng ước muốn tiếp tục. Hãy đề phòng những lời than thở. Khi chúng ta than thở trong gia đình, vợ chồng than thở, họ than thở lẫn nhau, con cái than thở về cha mình hay linh mục than thở về giám mục và giám mục than thở về rất nhiều thứ khác…Không, nếu anh chị em thấy mình đang than thở, hãy cẩn thận, đó gần như là một tội, bởi vì điều đó không để cho ước muốn tăng lên.

Thông thường, chính ước muốn tạo nên sự khác biệt giữa một kế hoạch thành công, mạch lạc và bền vững, và hằng ngàn ý định thoáng qua và tốt đẹp mà, như người ta nói, « hỏa ngục được lát bằng » : « Vâng, tôi muốn, tôi muốn, tôi muốn… » nhưng bạn không làm gì cả. Thời đại chúng ta đang sống dường như thúc đẩy sự tự do chọn lựa tối đa, nhưng đồng thời nó cũng làm suy giảm ước muốn, bạn muốn liên lỉ thỏa mãn bản thân, thường bị giảm thiểu nhất thành thèm muốn trong chốc lát. Và chúng ta phải cẩn thận để không làm suy giảm ước muốn. Chúng ta bị dồn dập với hàng nghìn đề nghị, kế hoạch, khả năng, vốn có nguy cơ làm cho chúng ta phân tâm và không cho phép chúng ta đánh giá những gì chúng ta thực sự muốn. Rất nhiều lần, rất nhiều lần, chúng ta gặp thấy những người, hãy nghĩ đến các bạn trẻ chẳng hạn, với điện thoại di động của họ trong tay và họ tìm kiếm, họ nhìn… « Nhưng bạn có dừng lại để suy nghĩ không ? ». – Không. « Luôn hướng ngoại, hướng đến người khác. Ước muốn không thể tăng trưởng như thế, bạn sống cái chốc lát nhất thời, được no thỏa nhất thời và ước muốn không tăng trưởng.

Nhiều người đau khổ bởi vì họ không biết mình muốn gì từ cuộc sống của mình, nhiều người ! Họ có thể không bao giờ tiếp xúc với ước muốn sâu xa nhất của mình, họ không bao giờ biết : « Bạn muốn gì từ cuộc sống của bạn ? » – « Tôi không biết. ». Từ đó rủi ro trải qua cuộc sống của mình giữa những mưu toan và những mưu mẹo đủ loại, mà không bao giờ đạt được điều gì, và lãng phí những cơ hội quý giá. Như thế, một số thay đổi , dù được mong muốn trên lý thuyết, cũng không bao giờ được thực hiện khi có cơ hội, họ thiếu ước muốn mạnh mẽ để thực hiện một điều gì đó.

Chẳng hạn, nếu hôm nay Chúa nói với chúng ta, với một người trong chúng ta, câu hỏi mà Ngài đã đặt ra cho người mù ở Giêricô : « Anh muốn tôi làm gì cho anh ? » (Mc 10, 51), – hãy nghĩ xem, Chúa hỏi mỗi người chúng ta hôm nay : « Con muốn Ta làm gì cho con ? » – , chúng ta sẽ trả lời gì ? Có lẽ cuối cùng chúng ta có thể xin Ngài giúp chúng ta biết ước muốn sâu xa nhất của chúng ta, mà chính Thiên Chúa đã đặt trong tâm hồn chúng ta : « Lạy Chúa, xin cho con biết được những ước muốn của con, xin cho con là một người nữ, một người nam với những ước muốn lớn lao » ; có lẽ Chúa sẽ ban cho chúng ta sức mạnh thực hiện nó. Đó là một ân sủng rất lớn, là cơ sở của tất cả những ân sủng khác : như trong Tin Mừng, cho phép Chúa làm những phép lạ cho chúng ta : « Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ước muốn và làm cho nó được lớn lên ».

Vì Ngài cũng có một ước muốn lớn lao dành cho chúng ta : làm cho chúng ta trở thành những người tham dự vào cuộc sống viên mãn của Ngài. Cảm ơn anh chị em.

———————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30