BÀI GIÁO LÝ VỀ SỰ PHÂN ĐỊNH – BÀI 4. CÁC YẾU TỐ CỦA SỰ PHÂN ĐỊNH. BIẾT MÌNH

Written by xbvn on Tháng Mười 5th, 2022. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến,

Tiếp tục bài giáo lý của chúng ta về sự phân định thiêng liêng, chúng ta đã xem xét tầm quan trọng thiết yếu của sự lớn lên trong việc cầu nguyện. Hôm nay, như sự bổ sung cần thiết cho việc cầu nguyện, chúng ta xem xét nhu cầu lớn lên của chúng ta trong sự biết mình. Để hiểu biết bản thân không phải dễ dàng; nó đòi hỏi sự trung thực và kiên nhẫn đi vào sâu thẳm tâm hồn chúng ta. Biết mình tự nó là một hoa trái của ân sủng của Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta được dẫn đến chỗ từ bỏ những ảo tưởng của mình, để hiểu chúng ta thực sự là ai, và để chọn những điều có thể mang lại cho chúng ta hạnh phúc thực sự. Trên thực tế, chúng ta học biết những “mật khẩu” mở ra cánh cửa dẫn đến con người sâu thẳm nhất của chúng ta và những con đường có thể dẫn chúng ta đến niềm vui và sự viên mãn thiêng liêng lâu dài, khi tuân theo ý muốn nhân từ của Thiên Chúa. Một sự trợ giúp to lớn cho việc cầu nguyện xem xét bản thân chúng ta như thế, và do đó cho sự phân định đích thực, là thực hành truyền thống về việc kiểm điểm lương tâm hàng đêm. Qua việc cầu nguyện hằng ngày và biết mình, ước mong chúng ta phân định cách dễ dàng hơn kế hoạch của Chúa cho cuộc sống chúng ta, và hiểu biết cách trọn vẹn hơn phẩm giá và sự tự do của chúng ta như là những người con yêu dấu của Cha chúng ta ở trên trời.

——————————————

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Chúng ta hãy tiếp tục khám phá chủ đề phân định. Lần trước, chúng ta đã xem xét việc cầu nguyện, được hiểu là sự thân mật và tin tưởng nơi Thiên Chúa, như là yếu tố không thể thiếu của nó. Cầu nguyện, không giống như con vẹt. Không : cầu nguyện như sự thân mật và tin tưởng nơi Thiên Chúa ; lời cầu nguyện của những người con của người Cha ; cầu nguyện với tấm lòng rộng mở. Chúng ta đã thấy điều này trong bài giáo lý vừa qua. Hôm nay, theo cách gần như bổ sung, tôi muốn nhấn mạnh rằng sự phân định tốt cũng đòi hỏi sự biết mình. Sự biết mình. Và điều này không phải dễ dàng ! Quả thật, nó liên quan đến các khả năng của con người chúng ta: trí nhớ, trí tuệ, ý chí, tình cảm. Thông thường, chúng ta không biết cách phân định bởi vì chúng ta không biết rõ bản thân mình, và vì thế, chúng ta không biết mình thực sự muốn gì. Anh chị em đã nghe nhiều lần: “Nhưng người đó, tại sao anh ta không sắp xếp cuộc sống của mình? Anh ta chưa bao giờ biết mình muốn gì…”. Có những người…Và rồi, vâng, cuộc sống của anh ta cứ trôi như vậy, bởi vì ngay cả anh ta cũng không biết mình muốn gì. Không đi đến cực điểm đó, cũng xảy ra với chúng ta rằng chúng ta không biết rõ mình muốn gì, chúng ta không biết rõ bản thân mình.

Bên dưới những nghi ngờ thiêng liêng và những cuộc khủng hoảng ơn gọi, thường xuyên không có một cuộc đối thoại đầy đủ giữa đời sống tôn giáo và chiều kích nhân bản, nhận thức và tình cảm của chúng ta. Một nhà văn về tâm linh đã lưu ý rằng bao nhiêu khó khăn về chủ đề phân định là biểu hiện của những vấn đề thuộc loại khác, cần phải được nhìn nhận và khám phá. Tác giả này viết: “Tôi tin chắc rằng trở ngại lớn nhất đối với sự phân định thực sự (và đối với sự trưởng thành thực sự trong cầu nguyện) không phải là bản chất vô hình của Thiên Chúa, nhưng sự kiện rằng chúng ta không biết mình cách đầy đủ, và thậm chí không muốn biết mình như chúng ta thực sự là. Hầu như tất cả chúng ta đều che giấu đằng sau một chiếc mặt nạ, không chỉ trước mặt người khác, mà còn khi chúng ta soi gương” (TH. GREEN, Weeds Among the Wheat, 1992). Tất cả chúng ta đều có cám dỗ mang một chiếc mặt nạ, ngay cả trước chính bản thân chúng ta.

Việc quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta đi đôi với sự thiếu hiểu biết về bản thân chúng ta – không biết Thiên Chúa và không biết bản thân chúng ta – không biết những nét nhân cách của chúng ta và những ước muốn sâu xa nhất của chúng ta.

Biết mình không khó, nhưng cần phải chịu khó: nó ngụ ý việc xem xét nội tâm cách kiên nhẫn. Nó đòi hỏi khả năng dừng lại, “tắt chế độ lái tự động”, đòi hỏi ý thức về cách hành động của chúng ta, về cảm xúc trong chúng ta, về những tư tưởng lặp đi lặp lại đang điều kiện hóa chúng ta, và thường là vô thức. Nó cũng đòi hỏi chúng ta phải phân biệt giữa cảm xúc và những khả năng tinh thần. “Tôi cảm thấy” không giống như “tôi xác tín”; “Tôi cảm thấy như” không giống như “tôi muốn”. Do đó, chúng ta nhận thấy rằng cái nhìn chúng ta có về mình và thực tại đôi khi hơi bị méo mó. Ý thức điều đó là một ân sủng! Quả thật, rất thường, có thể xảy ra rằng những xác tín sai lầm về thực tại, dựa trên những kinh nghiệm của quá khứ, ảnh hưởng mạnh mẽ đến chúng ta, hạn chế tự do của chúng ta để phấn đấu cho những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.

Sống trong thời đại công nghệ thông tin, chúng ta biết tầm quan trọng của việc biết mật khẩu để đăng nhập vào các chương trình  nơi lưu trữ thông tin cá nhân và có giá trị nhất. Nhưng đời sống tinh thần cũng có những “mật khẩu” của nó: có những từ chạm đến trái tim bởi vì chúng liên quan đến những gì chúng ta nhạy cảm nhất. Kẻ cám dỗ, tức là ma quỷ, biết rõ những mật khẩu này, và điều quan trọng là chúng ta cũng biết chúng, để không tìm thấy chính mình ở nơi chúng ta không muốn. Cám dỗ không nhất thiết gợi ra những điều xấu xa, nhưng thường là những điều hỗn độn, được trình bày với tầm quan trọng thái quá. Bằng cách này, nó thôi miên chúng ta với sự hấp dẫn mà những thứ này khuấy động trong chúng ta, những thứ đẹp đẽ nhưng viển vông, không thể thực hiện những gì chúng hứa, và do đó cuối cùng để lại cho chúng ta cảm giác trống rỗng và buồn bã. Cảm giác trống rỗng và buồn bã đó là một dấu hiệu cho thấy chúng ta đã đi vào một con đường không đúng, khiến chúng ta mất phương hướng. Chẳng hạn, chúng  có thể là bằng cấp, sự nghiệp, các mối tương quan, tất cả những thứ mà tự chúng là đáng khen ngợi, nhưng đối với chúng, nếu chúng ta không tự do, thì chúng ta có nguy cơ nuôi dưỡng những kỳ vọng không thực tế, chẳng hạn như để xác nhận giá trị của chúng ta. Chẳng hạn, khi anh chị em nghĩ về một nghiên cứu anh chị em đang thực hiện, anh chị em chỉ nghĩ về việc thăng tiến bản thân, vì lợi ích riêng của anh chị em, hay còn để phục vụ cộng đồng? Ở đó, người ta có thể thấy ý hướng của mỗi người chúng ta. Từ sự hiểu lầm này thường dẫn đến nỗi đau khổ lớn nhất, vì không có thứ nào trong số đó có thể là sự đảm bảo cho phẩm giá của chúng ta.

Anh chị em thân mến, đây là lý do tại sao thật quan trọng để biết mình, biết mật khẩu của tâm hồn chúng ta, những gì chúng ta nhạy cảm nhất, để bảo vệ chúng ta khỏi những kẻ đến với những lời lẽ thuyết phục nhằm thao túng chúng ta, nhưng còn nhận ra những gì thực sự quan trọng đối với chúng ta, phân biệt nó với những mốt nhất thời hiện nay hay những khẩu hiệu hào nhoáng, hời hợt. Nhiều lần, những gì được nói trên một chương trình truyền hình, nơi quảng cáo nào đó được thực hiện, chạm vào tâm hồn chúng ta và khiến chúng ta đi theo con đường đó mà không có tự do. Hãy cẩn thận về điều đó: tôi có tự do không, hay tôi để mình bị lung lay bởi những cảm xúc trong chốc lát, hay những kích thích trong chốc lát?

Một sự trợ giúp cho điều này là kiểm điểm lương tâm, nhưng tôi không nói về kiểm điểm lương tâm mà tất cả  chúng ta đều làm khi đi xưng tội, không. Tức là: “Nhưng con đã phạm tội này, nọ…”. Không. Một cuộc kiểm điểm lương tâm chung trong ngày: điều gì đã xảy ra trong tâm hồn tôi trong ngày hôm nay? “Rất nhiều thứ đã xảy ra…”. Điều gì? Tại sao? Chúng để lại dấu vết nào trong tâm hồn tôi? Thực hiện một cuộc kiểm điểm lương tâm, tức là, thói quen tốt trong việc thanh thản đọc lại những gì xảy ra trong ngày sống của chúng ta, học biết ghi nhận trong các đánh giá và lựa chọn của chúng ta những gì chúng ta cho là quan trọng nhất, những gì chúng ta đang tìm kiếm và tại sao, và những gì rốt cục chúng ta tìm thấy. Trên tất cả, học biết nhận ra những gì làm thỏa mãn tâm hồn. Điều gì làm thỏa mãn tâm hồn tôi? Vì chỉ có Chúa mới có thể ban cho chúng ta sự xác nhận về giá trị của chúng ta. Ngài nói với chúng ta điều này mỗi ngày từ thập giá: Ngài đã chết vì chúng ta, để cho chúng ta thấy chúng ta quý giá như thế nào trong mắt Ngài. Không có trở ngại hay thất bại nào có thể ngăn cản vòng tay âu yếm của Ngài. Việc kiểm điểm lương tâm giúp ích rất nhiều, bởi vì bằng cách này chúng ta thấy rằng tâm hồn của chúng ta không phải là một con đường mà mọi thứ đều đi qua mà chúng ta không biết về nó. Không. Để xem: điều gì đã trôi qua hôm nay? Điều gì đã xảy ra? Điều gì đã  làm cho tôi phản ứng? Điều gì đã làm cho tôi buồn? Điều gì đã làm cho tôi vui? Điều gì là xấu, và tôi có làm hại người khác không?  Nhìn xem con đường mà cảm xúc của chúng ta đã đi, những cuốn hút trong tâm hồn tôi suốt ngày sống. Anh chị em đừng quên! Hôm trước chúng ta đã nói về cầu nguyện; hôm nay chúng ta đang nói về việc biết mình.

Cầu nguyện và biết mình làm cho chúng ta có thể lớn lên trong tự do. Vấn đề là lớn lên trong sự tự do! Chúng là những yếu tố cơ bản của đời sống Kitô hữu, những yếu tố quý giá để tìm thấy chỗ đứng của mình trong cuộc sống. Cảm ơn anh chị em.

———————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: Vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30