BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 14. CẦU NGUYỆN KIÊN TRÌ

Written by xbvn on Tháng Năm 11th, 2024. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Thưa anh chị em, Chúa Giêsu đã nêu gương về việc cầu nguyện liên lỉ, được thực hành với lòng kiên trì. Đối thoại liên lỉ với Chúa Cha, trong thinh lặng và suy niệm, là trọng tâm của toàn bộ sứ mạng của Người. Lời cầu nguyện trước tiên phải dai dẳng. Thiên Chúa kiên nhẫn hơn chúng ta và ai gõ cửa lòng Người với lòng tin và kiên trì sẽ không phải thất vọng. Sự nài nỉ thúc đẩy lòng mong muốn và chờ đợi trong chúng ta. Dụ ngôn bà góa và quan tòa bất công làm cho chúng ta hiểu rằng đức tin là một thái độ can đảm kêu cầu Thiên Chúa, ‘tranh luận’ với Ngài, không nản lòng trước sự dữ và bất công. Trong dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế, chúng ta thấy rằng không có lời cầu nguyện đích thực nào nếu không có tinh thần khiêm nhường. Theo giáo huấn của Tin Mừng, thực hành cầu nguyện có nghĩa là chấp nhận trải nghiệm đêm tối đức tin cũng như sự im lặng của Thiên Chúa, và tiếp tục kiên trì. Trong những đêm tối đức tin này, người cầu nguyện không bao giờ cô đơn. Chúa Giêsu đón nhận chúng ta trong lời cầu nguyện của Người, để chúng ta có thể cầu nguyện trong Người và qua Người. Và đây là công việc của Chúa Thánh Thần. Đây là lý do tại sao Tin Mừng mời gọi chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha nhân danh Chúa Giêsu. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu ban cho đôi cánh mà lời cầu nguyện của con người luôn khao khát sở hữu. Không có Chúa Kitô, những lời cầu nguyện của chúng ta sẽ có nguy cơ bị giảm thiểu thành những nỗ lực của con người, hầu hết thời gian đều dẫn đến thất bại. Chúa Kitô là tất cả đối với chúng ta, ngay cả trong đời sống cầu nguyện của chúng ta. Đây là lý do tại sao người Kitô hữu cầu nguyện thì không sợ gì cả.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha, ngày 11/11/2020 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về cầu nguyện. Có người đã nói với tôi: “Đức Thánh Cha nói quá nhiều về việc cầu nguyện. Nó không cần thiết”. Có chứ, nó cần thiết. Bởi vì nếu không cầu nguyện, chúng ta sẽ không có sức mạnh để tiến bước trong cuộc sống. Lời cầu nguyện giống như dưỡng khí của cuộc sống. Cầu nguyện, đó là lôi kéo đến với chúng ta sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn làm cho chúng ta tiến về phía trước. Đây là lý do tại sao tôi nói rất nhiều về việc cầu nguyện.

Chúa Giêsu đã nêu gương về việc cầu nguyện liên lỉ, được thực hành với lòng kiên trì. Đối thoại liên lỉ với Chúa Cha, trong thinh lặng và hồi tâm, là trung tâm của toàn bộ sứ mạng của Người. Các Tin Mừng cũng cho chúng ta biết những lời khuyên nhủ các môn đệ của Người hãy kiên trì cầu nguyện mà không mệt mỏi. Sách Giáo lý nhắc lại ba dụ ngôn trong Tin Mừng theo thánh Luca nhấn mạnh đặc điểm này của lời cầu nguyện (x. GLHTCG, số 2613) của Chúa Giêsu.

Trước hết, việc cầu nguyện phải dai dẳng: giống như nhân vật trong dụ ngôn, khi phải đón tiếp một vị khách bất ngờ, đã đến gõ cửa nhà một người bạn vào lúc nửa đêm và xin bánh. Người bạn trả lời “không!”, vì anh ta đã đi ngủ rồi, nhưng anh ta cứ nài nỉ mãi cho đến khi buộc người bạn phải đứng dậy và đưa bánh cho anh ta (x. Lc 11, 5-8). Một yêu cầu dai dẳng. Nhưng Thiên Chúa kiên nhẫn hơn chúng ta, và ai gõ cửa lòng Người với lòng tin và kiên trì sẽ không phải thất vọng. Thiên Chúa luôn trả lời. Luôn luôn. Cha chúng ta biết rõ chúng ta cần gì; sự nài nỉ không nhằm mục đích thông báo hay thuyết phục Người, mà nó nhằm mục đích nuôi dưỡng sự mong muốn và chờ đợi trong chúng ta.

Dụ ngôn thứ hai là dụ ngôn về người góa phụ thưa với quan tòa để ông giúp đỡ bà trong việc đòi lại công lý. Vị quan tòa này tham nhũng, là một người vô đạo đức, nhưng cuối cùng, tức giận trước sự nài nỉ của bà góa, ông quyết định làm hài lòng bà (x. Lc 18, 1-8). Và ông ta nghĩ : “Sẽ tốt hơn nếu tôi giải quyết vấn đề của bà và tôi tống khứ bà ấy, và bà ấy sẽ không còn đến với tôi nữa.” Dụ ngôn này làm cho chúng ta hiểu rằng đức tin không phải là sự nhiệt tình nhất thời, nhưng là một thái độ can đảm kêu cầu Thiên Chúa, cũng là để “tranh luận” với Ngài, không cam chịu trước sự dữ và bất công.

Dụ ngôn thứ ba kể về một người Pharisêu và một người thu thuế lên Đền Thờ cầu nguyện. Người Pharisêu thưa với Thiên Chúa bằng cách khoe khoang về công trạng của mình; người thu thuế cảm thấy không xứng đáng dù là để bước vào đền thánh. Tuy nhiên, Thiên Chúa không lắng nghe lời cầu nguyện của người đầu tiên, nghĩa là những kẻ kiêu ngạo, trong khi Người nhận lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường (x. Lc 18, 9-14). Không có lời cầu nguyện đích thực nào nếu không có tinh thần khiêm tốn. Chính sự khiêm nhường đã khiến chúng ta cầu xin trong lời cầu nguyện.

Giáo huấn của Tin Mừng rất rõ ràng: chúng ta phải luôn cầu nguyện, ngay cả khi mọi thứ dường như vô ích, khi Thiên Chúa dường như câm điếc và đối với chúng ta dường như đang lãng phí thời gian của mình. Ngay cả khi bầu trời trở nên tối tăm, người Kitô hữu vẫn không ngừng cầu nguyện. Lời cầu nguyện của họ đi đôi với đức tin. Và đức tin, trong nhiều ngày của cuộc đời chúng ta, có thể dường như là một ảo ảnh, một sự mệt mỏi vô ích. Có những thời điểm đen tối trong cuộc sống của chúng ta và trong những thời điểm đó, niềm tin dường như chỉ là ảo ảnh. Nhưng thực hành cầu nguyện cũng có nghĩa là chấp nhận sự mệt mỏi này. “Thưa Cha, con đi cầu nguyện và con chẳng cảm thấy gì cả…Con cảm thấy mình như thế, với một trái tim khô khan, một trái tim cằn cỗi.” Nhưng chúng ta phải tiến về phía trước, với sự mệt mỏi của những thời điểm khó khăn, những lúc chúng ta chẳng cảm thấy gì. Nhiều vị thánh đã trải qua đêm tối đức tin và sự im lặng của Thiên Chúa – khi chúng ta gõ cửa và Thiên Chúa không trả lời – và các vị thánh này đã kiên trì.

Trong đêm tối đức tin này, người cầu nguyện không bao giờ cô đơn. Thật vậy, Chúa Giêsu không chỉ là chứng nhân và thầy dạy cầu nguyện, Người còn hơn thế nữa. Người đón nhận chúng ta trong lời cầu nguyện của Người, để chúng ta có thể cầu nguyện trong Người và qua Người. Và đây là công việc của Chúa Thánh Thần. Chính vì lý do này mà Tin Mừng giúp chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha nhân danh Chúa Giêsu. Thánh Gioan kể lại những lời này của Chúa: “Bất cứ điều gì các con xin nhân danh Thầy, Thầy sẽ thực hiện, để Chúa Cha được tôn vinh nơi Người Con” (14,13). Và Sách Giáo lý giải thích rằng “sự xác tín về việc được nhậm lời trong những lời cầu xin của chúng ta dựa trên lời cầu nguyện của Chúa Giêsu” (số 2614). Điều này mang lại đôi cánh mà lời cầu nguyện của con người luôn mong muốn sở hữu.

Làm sao chúng ta không nhắc lại ở đây những lời của Thánh vịnh 91, giàu niềm tin tưởng, xuất phát từ một trái tim hy vọng mọi sự từ Thiên Chúa: “Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân: lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ. Bạn không sợ cảnh hãi hùng đêm vắng hay mũi tên bay giữa ban ngày, cả dịch khí hoành hành trong đêm tối, cả ôn thần sát hại lúc ban trưa” (c. 4-6). Chính trong Chúa Kitô mà lời cầu nguyện tuyệt vời này được thực hiện, chính trong Ngài mà lời cầu nguyện này tìm được sự thật trọn vẹn. Không có Chúa Giêsu, những lời cầu nguyện của chúng ta sẽ có nguy cơ bị giảm thiểu thành những nỗ lực của con người, thường dẫn đến thất bại. Nhưng Người đã gánh lấy mọi tiếng kêu, mọi tiếng rên xiết, mọi niềm vui, mọi lời cầu xin… mọi lời cầu nguyện của con người. Và chúng ta đừng quên Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta; Ngài là Đấng dẫn chúng ta cầu nguyện, là Đấng dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu. Ngài là món quà mà Chúa Cha và Chúa Con đã ban cho chúng ta để được gặp gỡ Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần, khi chúng ta cầu nguyện, chính Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong lòng chúng ta.

Chúa Kitô là tất cả đối với chúng ta, ngay cả trong đời sống cầu nguyện của chúng ta. Đây là điều mà thánh Augustinô đã nói với một cách diễn tả mang tính soi sáng mà chúng ta tìm thấy trong Sách Giáo lý: Chúa Giêsu “cầu nguyện cho chúng ta, vì Người là vị Tư Tế của chúng ta; Người cầu nguyện trong chúng ta vì Người là Đầu của chúng ta; Người được chúng ta cầu nguyện, vì Người là Thiên Chúa của chúng ta. Vậy chúng ta phải nhận biết tiếng nói của chúng ta trong Người, lẫn tiếng nói của Người trong chúng ta” (số 2616). Và đây là lý do tại sao người Kitô hữu cầu nguyện không sợ hãi bất cứ điều gì, họ phó thác mình cho Chúa Thánh Thần, Đấng được ban cho chúng ta như một món quà và là Đấng cầu nguyện trong chúng ta, khơi dậy lời cầu nguyện. Xin Chúa Thánh Thần, Thầy dạy cầu nguyện, dạy chúng ta con đường cầu nguyện.

————————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

——————————–

Xem các bài giáo lý về cầu nguyện khác của Đức Phanxicô :

Bài 1: Mầu nhiệm của lời cầu nguyện

Bài 2: Lời cầu nguyện của người Kitô hữu

Bài 3: Mầu nhiệm công trình tạo dựng

Bài 4: Lời cầu nguyện của người công chính

Bài 5: Lời cầu nguyện của Abraham

Bài 6: Lời cầu nguyện của Giacóp

Bài 7: Lời cầu nguyện của Môisê

Bài 8: Lời cầu nguyện của Vua Đavít

Bài 9: Lời cầu nguyện của Êlia

Bài 10: Lời cầu nguyện của các Thánh vịnh (1)

Bài 11: Lời cầu nguyện của các Thánh vịnh (2)

Bài 12: Chúa Giêsu, con người cầu nguyện

Bài 13: Chúa Giêsu, Thầy dạy cầu nguyện

Bài 14: Cầu nguyện kiên trì

Bài 15 : Đức Trinh Nữ Maria, người nữ cầu nguyện

Bài 16 : Lời cầu nguyện của Giáo hội sơ khai

Bài 17 : Lời cầu nguyện chúc lành

Bài 18 : Lời cầu nguyện cầu xin

Bài 19 : Lời cầu nguyện chuyển cầu

Bài 20 : Lời cầu nguyện tạ ơn

Bài 21 : Lời cầu nguyện ngợi khen

Bài 22 : Cầu nguyện với Thánh Kinh

Bài 23 : Cầu nguyện trong Phụng vụ

Bài 24 : Cầu nguyện trong cuộc sống thường ngày

Bài 25 : Cầu nguyện và Chúa Ba Ngôi (phần 1)

Bài 26 : Cầu nguyện và Chúa Ba Ngôi (phần 2)

Bài 27 : Cầu nguyện hiệp thông với  Đức Maria

Bài 28 : Cầu nguyện hiệp thông với các Thánh

Bài 29 : Giáo hội, Thầy dạy cầu nguyện

Bài 30 : Khẩu nguyện

Bài 31 : Suy niệm

Bài 32 : Cầu nguyện chiêm niệm

Bài 33 : Chiến đấu khi cầu nguyện

Bài 34 : Sự phân tâm, khô khan, nguội lạnh

Bài 35 : Niềm xác tín được lắng nghe

Bài 36 : Chúa Giêsu, mẫu gương và linh hồn của mỗi lời cầu nguyện

Bài 37 : Kiên trì trong tình yêu

Bài 38 : Lời nguyện tư tế của Chúa Giêsu

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30