BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 33 . CUỘC CHIẾN ĐẤU TRONG LỜI CẦU NGUYỆN

Written by xbvn on Tháng Năm 13th, 2021. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Tý Linh

« Lời cầu nguyện làm được điều kỳ diệu, vì lời cầu nguyện đi thẳng vào trái tim nhân từ của Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta như một người Cha », Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố như thế trong bài giáo lý hôm thứ Tư 12/5/2021, về việc chiến đấu trong đời sống cầu nguyện.

Đối với ngài, cầu nguyện không phải là « một cuộc dạo chơi », nhưng là « cuộc chiến đấu nội tâm » kiên cường trong đức tin, ngay cả trong những lúc « đêm tối ». Ngài nói : « Ai muốn cầu nguyện phải nhớ rằng đức tin không phải dễ dàng, và đôi khi nó tiến tới trong đêm tối hầu như hoàn toàn, không có điểm quy chiếu. Có những lúc, trong đời sống, đức tin tối tăm và đó là lý do tại sao một số vị thánh gọi chúng là « đêm tối », bởi vì ta không nghe thấy gì. Nhưng tôi, tôi tiếp tục cầu nguyện. »

Ngài cũng cảnh giác chúng ta về những kẻ thù đích thực của đời sống cầu nguyện : « Những kẻ thù tồi tệ nhất của việc cầu nguyện nằm trong chúng ta. Sách Giáo Lý gọi chúng như thế này : « Nản chí trước sự khô khan của mình, buồn bã vì không dâng cho Chúa tất cả, vì chúng ta có « nhiều của cải » (x. Mc 10, 22), thất vọng vì không được nhận lời theo ý mình, tính kiêu ngạo của chúng ta bị thương tổn vì thấy mình tội lỗi bất xứng, dị ứng đối với tính nhưng không của việc cầu nguyện » ».

Tuy nhiên, Đức Phanxicô vẫn khích lệ chúng ta kiên trì cầu nguyện, với xác tín Chúa luôn ở bên chúng ta và vẫn ban ơn cho chúng ta cách này hay cách khác: « Và tôi đã thấy điều đó : lời cầu nguyện làm được điều kỳ diệu, vì lời cầu nguyện đi thẳng vào trái tim nhân từ của Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta như một người Cha. Và khi Ngài không ban ơn cho chúng ta, thì Ngài sẽ ban một ơn khác cho chúng ta, mà chúng ta sẽ nghiệm thấy sau này theo thời gian. Nhưng luôn phải chiến đấu trong lời cầu nguyện để cầu xin ơn Chúa. » Để rồi, một ngày nào đó, chúng ta sẽ cũng thốt lên như tổ phụ Giacóp : « Quả thật, Đức Chúa đang hiện diện nơi đây mà tôi đã không nhận biết Ngài ! » (Stk 28, 16).

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Phanxicô :

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em !

Tôi rất hài lòng khi lấy lại cuộc gặp gỡ diện đối diện này, vì tôi thú thật với anh chị em một điều : thật không dễ chịu khi nói chuyện trước một màn hình, khi không có ai. Thật không dễ chịu. Và bây giờ, sau nhiều tháng, nhờ sự can đảm của Đức cha Sapienza – ngài đã nói : « Không, chúng tôi gặp ở đó » – chúng tôi quy tụ ở đây. Ngài thật cừ, Đức cha Sapienza ! Và gặp lại dân chúng, gặp lại anh chị em, mỗi người với lịch sử của mình, dân chúng đến từ khắp nơi, từ Ý, Hoa Kỳ, Côlômbia, rồi đội bóng nhỏ gồm bốn anh em trẻ tuổi người Thụy Sĩ – tôi nghĩ vậy – họ ở đó…bốn người. Thiếu một em gái, chúng ta hy vọng em sẽ đến…Và gặp mỗi người trong anh chị em làm cho tôi vui mừng, vì chúng ta hết thảy đều là anh chị em trong Chúa và đối diện nhau giúp chúng ta cầu nguyện cho nhau. Dù dân chúng ở xa, nhưng luôn trở nên gần gũi. Không thể thiếu Sơ Geneviève đến từ Lunapark, những người lao động : họ đông đảo và tất cả họ đều ở đây. Cám ơn vì sự hiện diện và sự viếng thăm của anh chị em . Hãy mang sứ điệp của Giáo hoàng cho mọi người. Sứ điệp của Giáo hoàng là tôi cầu nguyện cho mọi người, và tôi xin cầu nguyện cho tôi, hiệp nhất trong lời cầu nguyện.

Khi nói về cầu nguyện, cầu nguyện Kitô giáo, cũng như tất cả đời sống Kitô hữu, không phải là một « cuộc dạo chơi ». Không có bất kỳ bậc thầy cầu nguyện nào mà chúng ta gặp thấy trong Thánh Kinh và trong lịch sử của Giáo hội đã có một đời sống cầu nguyện « thoải mái ». Vâng, vâng ta có thể cầu nguyện như những con vẹt – bal, bla, bla, bla, bla – nhưng đó không phải là cầu nguyện. Việc cầu nguyện chắc chắn mang lại sự bình an lớn lao, nhưng xuyên qua một cuộc chiến đấu nội tâm, đôi khi khó khăn, mà có thể đi kèm với những thời kỳ đôi khi kéo dài của cuộc sống. Cầu nguyện không phải là điều dễ dàng và đó là lý do tại sao chúng ta chạy trốn cầu nguyện. Mỗi lần chúng ta muốn cầu nguyện, thì nhiều hoạt động khác lập tức đến trong tâm trí chúng ta, mà vào lúc đó tỏ ra quan trọng và cấp bách hơn.  Điều đó cũng xảy ra với tôi : tôi đi cầu nguyện tí …Và không, tôi phải làm điều này điều kia…Chúng ta chạy trốn cầu nguyện, tôi không biết tại sao, nhưng nó là thế. Hầu như luôn luôn, sau khi đã trì hoãn việc cầu nguyện về sau, chúng ta nhận thấy rằng những điều này không quan trọng tí nào, và có lẽ chúng ta đã mất thời gian. Kẻ thù đang đánh lừa chúng ta như thế.

Tất cả người nam và người nữ của Thiên Chúa đều kể lại không chỉ niềm vui cầu nguyện, nhưng còn sự khó khăn và mệt mỏi mà việc cầu nguyện có thể gây ra : vào một số thời điểm nào đó, việc giữ vững thời gian và phương thức cầu nguyện là một cuộc đấu tranh khó khăn. Một số vị thánh đã theo đuổi điều đó trong suốt nhiều năm mà không cảm thấy sự thích thú nào, không nhận thấy sự hữu ích. Thinh lặng, cầu nguyện, tập trung là những thực hành khó khăn, và đôi khi bản tính con người nổi loạn. Chúng ta thích ở bất kỳ nơi đâu khác trên thế giới hơn, nhưng không ở đó, trên băng ghế nhà thờ này để cầu nguyện. Ai muốn cầu nguyện phải nhớ rằng đức tin không phải dễ dàng, và đôi khi nó tiến tới trong đêm tối hầu như hoàn toàn, không có điểm quy chiếu. Có những lúc, trong đời sống, đức tin tối tăm và đó là lý do tại sao một số vị thánh gọi chúng là « đêm tối », bởi vì ta không nghe thấy gì. Nhưng tôi, tôi tiếp tục cầu nguyện.

Sách Giáo Lý liệt kê một danh sách dài những kẻ thù của cầu nguyện, những kẻ thù làm cho việc cầu nguyện khó khăn (x. số 2726-2728). Một số người nghi ngờ việc cầu nguyện có thể thực sự đạt tới Đấng Toàn Năng : nhưng tại sao Thiên Chúa im lặng ? Nếu Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, thì ngài có thể nói vài lời và chấm dứt chuyện lôi thôi đó. Trước bản tính bất khả nắm bắt của Thiên Chúa, những người khác nghi ngờ rằng cầu nguyện chỉ là một hoạt động tâm lý đơn thuần; một điều có lẽ hữu ích, nhưng không thật lẫn không cần thiết : và thậm chí ta có thể là người thực hành mà không phải là người tin. Và cứ như thế, với nhiều lối giải thích.

Thế nhưng, những kẻ thù tồi tệ nhất của việc cầu nguyện nằm trong chúng ta. Sách Giáo Lý gọi chúng như thế này : « Nản chí trước sự khô khan của mình, buồn bã vì không dâng cho Chúa tất cả, vì chúng ta có « nhiều của cải » (x. Mc 10, 22), thất vọng vì không được nhận lời theo ý mình, tính kiêu ngạo của chúng ta bị thương tổn vì thấy mình tội lỗi bất xứng, dị ứng đối với tính nhưng không của việc cầu nguyện » (số 2728). Rõ ràng đó là một danh sách tóm tắt, mà có thể kéo dài.

Làm gì vào lúc bị cám dỗ, khi mọi sự xem ra chao đảo ? Nếu chúng ta tìm hiểu lịch sử linh đạo, thì chúng ta nhận thấy ngay rằng các bậc thầy của linh hồn rõ ràng đã biết đến hoàn cảnh mà chúng ta mô tả. Để vượt qua nó, mỗi người trong số họ đã mang lại một đóng góp : một lời khôn ngoan, hay một gợi ý giúp đương đầu với thời gian khó khăn. Đó không phải là những lý thuyết được soạn thảo ở bàn giấy, không, nhưng là những lời khuyên từ kinh nghiệm sống, cho thấy tầm quan trọng của việc kháng cự và kiên trì trong cầu nguyện.

Thật thú vị khi xem lại ít ra một số lời khuyên này, vì mỗi lời khuyên đều đáng được đào sâu. Chẳng hạn, các bài « Linh thao » của thánh Inhaxiô Loyôla là một tập sách rất khôn ngoan, dạy cách sắp xếp cuộc sống của mình có trật tự. Ngài giúp hiểu rằng ơn gọi Kitô hữu là sự chọn lựa chiến đấu, là quyết định đặt mình dưới ngọn cờ của Chúa Giêsu Kitô chứ không dưới ngọn cờ của ma quỷ, bằng cách làm điều thiện ngay cả khi điều đó trở nên khó khăn.

Trong thời gian thử thách, cần nhớ rằng chúng ta không đơn độc, có ai đó đang theo dõi bên cạnh chúng ta và bảo vệ chúng ta. Thánh Antôn viện phụ, người sáng lập đời sống ẩn tu Kitô giáo, ở Ai Cập, cũng đã đương đầu với những thời điểm khủng khiếp, trong đó việc cầu nguyện đã biến thành đấu tranh khó khăn. Người viết tiểu sử của ngài, thánh Athanasiô, Giám mục Alexandria, kể rằng một trong những giai đoạn tồi tệ nhất đã xảy ra cho vị thánh ẩn tu vào lúc ngài khoảng 35 tuổi, độ tuổi trung niên gây ra khủng hoảng đối với nhiều người. Antôn bị xáo trộn bởi thử thách này, nhưng ngài đã kháng cự. Cuối cùng khi ngài tìm lại được sự yên bình, ngài đã nói với Chúa với một cung giọng như khiển trách : « Chúa đã ở đâu ? Tại sao Chúa không đến ngay để chấm dứt đau khổ của con ? ». Và Chúa Giêsu đáp : « Antôn, Ta đã ở đó. Nhưng Ta đã chờ đợi để xem con chiến đấu » (Đời sống thánh Antôn, số 10). Chiến đấu trong cầu nguyện. Và rất thường cầu nguyện là một cuộc chiến đấu. Tôi chợt nhớ đến một điều mà tôi từng trải qua, khi tôi ở trong giáo phận khác. Có một đôi vợ chồng có đứa con gái 9 tuổi, bị mắc một căn bệnh mà các bác sĩ không biết. Và cuối cùng, ở bệnh viện, bác sĩ đã nói với người mẹ : « Này bà, hãy gọi cho  chồng bà ». Và chồng của bà đang đi làm ; họ đều là công nhân, họ làm việc hằng ngày. Và bác sĩ nói với người cha : « Con gái của ông sẽ không qua khỏi đêm nay. Đây là một bệnh nhiễm trùng, chúng tôi không thể làm gì được ». Có lẽ người đàn ông này đã không đi lễ hằng ngày, nhưng ông có một đức tin mạnh mẽ. Ông vừa khóc vừa đi ra ngoài, để lại vợ và con gái ở bệnh viện, bắt xe lửa và đi 70km cho đến Vương cung thánh đường Đức Trinh Nữ Luján, Bổn mạng của Argentina. Và này – Vương cung thánh đường đã đóng cửa, lúc đó gần 10 giờ đêm – ông bám vào cổng Vương cung thánh đường và suốt đêm cầu xin Đức Trinh Nữ, chiến đấu vì sức khỏe của con gái mình. Đây không phải là một câu chuyện bịa đặt ; tôi đã thấy điều đó ! Tôi đã trải nghiệm điều đó. Người đàn ông này đang chiến đấu. Cuối cùng, lúc 6g sáng, khi mở cửa nhà thờ, ông đã vào nhà thờ chào Đức Trinh Nữ : suốt đêm « chiến đấu » và rồi ông trở về nhà. Khi đến nơi, ông tìm vợ, nhưng không tìm thấy và nghĩ : « Bà đã đi rồi. Không, Đức Trinh Nữ không thể xử với tôi như thế ». Rồi ông thấy bà mỉm cười, bà nói : « Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra ; các bác sĩ nói với tôi rằng mọi thứ đã thay đổi và con gái của chúng ta hiện đã được chữa lành ». Khi chiến đấu với kinh nguyện, người đàn ông này đã nhận được ơn của Đức Trinh Nữ. Đức Trinh Nữ đã lắng nghe ông. Và tôi đã thấy điều đó : lời cầu nguyện làm được điều kỳ diệu, vì lời cầu nguyện đi thẳng vào trái tim nhân từ của Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta như một người Cha. Và khi Ngài không ban ơn cho chúng ta, thì Ngài sẽ ban một ơn khác cho chúng ta, mà chúng ta sẽ nghiệm thấy sau này theo thời gian. Nhưng luôn phải chiến đấu trong lời cầu nguyện để cầu xin ơn Chúa. Vâng, đôi khi chúng ta xin một ơn mà chúng ta cần, nhưng chúng ta xin ơn đó như thế, mà không khát khao, không chiến đấu, nhưng đó không phải là cách mà chúng ta cầu xin những điều nghiêm túc. Cầu nguyện là một cuộc chiến đấu và Chúa luôn ở với chúng ta.

Nếu trong một lúc mù tối chúng ta không thành công nhận ra sự hiện diện của Ngài, thì trong tương lai chúng ta sẽ đạt tới đó. Chúng ta cũng sẽ lặp đi lặp lại chính câu nói mà tổ phụ Giacóp đã thốt lên một ngày nọ : « Quả thật, Đức Chúa đang hiện diện nơi đây mà tôi đã không nhận biết Ngài ! » (Stk 28, 16). Cuối đời chúng ta, khi nhìn lại, chúng ta cũng sẽ có thể nói : « Tôi từng nghĩ rằng tôi cô độc, nhưng không phải, tôi không cô độc : Chúa Giêsu đã ở với tôi ». Tất cả chúng ta sẽ có thể nói điều đó.

Tý Linh chuyển ngữ

(Nguồn : vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31