BÀI GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN – BÀI 30. KHẨU NGUYỆN

Written by xbvn on Tháng Tư 4th, 2024. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, cầu nguyện là đối thoại với Thiên Chúa. Theo một nghĩa nào đó, mỗi thụ tạo đều đối thoại với Thiên Chúa nhưng nơi con người, lời cầu nguyện trở thành lời nói, lời kêu cầu, bài ca, bài thơ. Lời nói được sinh ra từ kinh nghiệm của chúng ta và định hình cuộc sống của chúng ta. Đây là lý do tại sao Thánh Kinh cũng dạy chúng ta cầu nguyện đôi khi bằng những lời lẽ táo bạo. Không ai sinh ra đã thánh thiện và khi những tình cảm xấu xa gõ cửa trái tim chúng ta, chúng ta phải có khả năng vô hiệu hóa chúng bằng lời cầu nguyện và bằng Lời Chúa. Lời cầu nguyện đầu tiên của con người luôn là đọc thành tiếng. Cho dầu cầu nguyện không có nghĩa là lặp đi lặp lại lời nói, nhưng khẩu nguyện là chắc chắn nhất và luôn có thể thực hành được. Lời cầu nguyện bằng môi miệng, thì thầm hoặc đọc đồng thanh, luôn luôn khả thi. Tất cả chúng ta đều nên có sự khiêm nhường của một số người cao tuổi, khi ở nhà thờ, họ đọc thầm những kinh nguyện được học từ thời thơ ấu. Những người thực hành lời cầu nguyện khiêm tốn này thường là những người chuyển cầu tuyệt vời của các giáo xứ. Chúng ta luôn có thể trung thành với khẩu nguyện. Chúng ta không được khinh thường nó vì nó dâng lên Thiên Chúa những lời cầu xin mà Ngài muốn lắng nghe. Chúa Giêsu đã không bỏ rơi chúng ta trong sương mù. Người đã dạy cho chúng ta Kinh Lạy Cha.

Dưới đây là bài giáo lý Đức Thánh Cha, ngày 21/4/2021 :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Cầu nguyện là một cuộc đối thoại với Thiên Chúa; và mỗi thụ tạo, theo một nghĩa nào đó, đều “đối thoại” với Thiên Chúa. Nơi con người, lời cầu nguyện trở thành lời nói, lời kêu cầu, bài ca, bài thơ… Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành xác thịt, và trong xác thịt của mỗi người, lời nói trở về với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện.

Lời nói là thụ tạo của chúng ta, nhưng chúng cũng là mẹ của chúng ta và, trong chừng mực nào đó, chúng định hình nên chúng ta. Những lời cầu nguyện đưa chúng ta an toàn qua thung lũng tối tăm, chúng hướng chúng ta tới những đồng cỏ xanh tươi giàu nước, biến chúng ta thành một bữa tiệc trước mắt kẻ thù, như Thánh vịnh dạy chúng ta đọc (x. Tv 23). Lời nói được sinh ra từ cảm xúc, nhưng cũng có con đường ngược lại: theo đó lời nói hình thành nên cảm xúc. Thánh Kinh giáo dục con người làm sao để mọi sự đều diễn ra dưới ánh sáng của lời nói, để không có gì thuộc về con người bị loại trừ, bị kiểm duyệt. Đặc biệt, nỗi đau sẽ nguy hiểm nếu nó cứ ẩn giấu, khóa chặt bên trong chúng ta… Nỗi đau nhốt kín bên trong chúng ta, không thể diễn tả hay biểu lộ, có thể đầu độc tâm hồn; nó gây chết người.

Chính vì lý do này mà Thánh Kinh cũng dạy chúng ta cầu nguyện đôi khi bằng những lời lẽ táo bạo. Các tác giả thánh không muốn lừa dối chúng ta về con người: họ biết rằng trái tim con người cũng chứa đựng những tình cảm ít có tính xây dựng, và thậm chí cả hận thù. Không ai trong chúng ta sinh ra đã là thánh, và khi những tình cảm xấu xa này gõ cửa trái tim chúng ta, chúng ta phải có khả năng vô hiệu hóa chúng bằng lời cầu nguyện và Lời Chúa. Trong các Thánh vịnh, chúng ta cũng tìm thấy những cách diễn đạt rất gay gắt chống lại kẻ thù – những cách diễn đạt mà các bậc thầy tâm linh dạy chúng ta đem lại cho ma quỷ và tội lỗi của chúng ta; tuy nhiên chúng là những lời thuộc về thực tại của con người và nằm trong khuôn khổ của Thánh Kinh. Chúng ở đó để chứng minh rằng nếu lời nói không tồn tại khi đối mặt với bạo lực, để biến những tình cảm xấu xa thành vô hại, để chuyển hóa chúng theo cách không còn gây hại, thì thế giới sẽ hoàn toàn bị nhấn chìm bởi chúng.

Lời cầu nguyện đầu tiên của con người luôn là đọc thành tiếng. Chính đôi môi luôn chuyển động đầu tiên. Mặc dù tất cả chúng ta đều biết rằng cầu nguyện không có nghĩa là lặp đi lặp lại các ngôn từ, nhưng khẩu nguyện là chắc chắn nhất và luôn có thể thực hành được. Trái lại, những cảm xúc dù cao quý nhưng luôn không chắc chắn: chúng đến và đi, chúng bỏ rơi chúng ta và quay trở lại. Không chỉ vậy, những ân sủng của việc cầu nguyện cũng không thể dự kiến được: trong một số thời điểm, có rất nhiều niềm an ủi, nhưng trong những ngày đen tối nhất, chúng dường như bốc hơi hoàn toàn. Lời cầu nguyện của trái tim thì huyền bí và đôi khi nó biến mất. Trái lại, lời cầu nguyện bằng môi miệng, những lời thì thầm hoặc được đọc đồng thanh, luôn sẵn có, và cần thiết như lao động chân tay. Sách Giáo Lý khẳng định: “Khẩu nguyện là yếu tố cần thiết cho đời sống Kitô hữu. Các môn đệ bị lôi cuốn bởi việc cầu nguyện thầm lặng của Thầy mình, đã được Người dạy cho một kinh khẩu nguyện: Kinh Lạy Cha (số 2701). Các môn đệ xin Chúa Giêsu : “Xin dạy cho chúng con cầu nguyện”, và Chúa Giêsu dạy một kinh khẩu nguyện: Kinh Lạy Cha. Và trong lời cầu nguyện này, có tất cả.

Tất cả chúng ta nên có sự khiêm nhường của một số người cao tuổi, khi ở nhà thờ, có lẽ vì thính giác của họ không còn nhạy bén nữa, nên đã đọc thầm những kinh nguyện mà họ đã học được khi còn nhỏ, lấp đầy nhà thờ bằng những lời  thì thầm. Lời cầu nguyện này không làm xáo trộn sự im lặng, nhưng chứng tỏ sự trung thành với bổn phận cầu nguyện, được thực hành suốt cuộc đời, không bao giờ bỏ bê. Những người cầu nguyện khiêm nhường này thường là những người chuyển cầu tuyệt vời của các giáo xứ: họ là những cây sồi, từ năm này sang năm khác, xòe tán lá ra, để mang lại bóng mát cho càng nhiều người càng tốt. Chỉ có Chúa mới biết bao nhiêu và khi nào tâm hồn họ kết hiệp với những lời khẩu nguyện này: những người này chắc chắn cũng đã phải đối mặt với những đêm tối và những khoảnh khắc trống rỗng. Nhưng chúng ta luôn có thể trung thành với lời khẩu nguyện. Nó giống như một cái neo: cần phải bám chặt vào sợi dây để ở lại đó, trung thành, dù bất cứ điều gì xảy ra.

Tất cả chúng ta đều có điều gì đó để học từ lòng kiên định của người hành hương Nga này, người mà một tác phẩm linh đạo nổi tiếng đã nói đến, người đã học nghệ thuật cầu nguyện bằng cách lặp đi lặp lại cùng một lời cầu nguyện vô số lần: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!” (xem GLGHCG, số 2616; số 2667). Ông chỉ lặp lại điều đó. Nếu ân sủng đến trong cuộc đời ông, nếu lời cầu nguyện một ngày nào đó trở nên nhiệt thành đến mức nhận ra sự hiện diện của Vương quốc ở dưới trần này giữa chúng ta, nếu cái nhìn của ông biến đổi đến mức giống như cái nhìn của một đứa trẻ, thì đó là vì ông đã kiên trì trong việc đọc thuộc lòng một lời nguyện ngắn đơn giản của Kitô giáo. Cuối cùng, nó trở thành một phần hơi thở của ông. Câu chuyện về người hành hương Nga thật đẹp: đó là một cuốn sách vừa tầm mọi người. Tôi khuyên anh chị em nên đọc nó: nó sẽ giúp anh chị em hiểu khẩu nguyện là gì.

Vì thế chúng ta không được coi thường khẩu nguyện. Một số người nói: “Nhưng đây là chuyện dành cho trẻ con, dành cho những người thiếu hiểu biết; tôi, tôi tìm kiếm tâm nguyện, suy niệm, sự trống rỗng bên trong để Chúa đến.” Xin đừng rơi vào thói kiêu ngạo coi thường khẩu nguyện. Đó là lời cầu nguyện của người đơn sơ, lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: Lạy Cha chúng con ở trên Trời… Những lời mà chúng ta thốt ra nắm lấy tay chúng ta; vào một số thời điểm, chúng phục hồi hương vị, chúng đánh thức ngay cả những trái tim đang ngủ quên nhất, chúng đánh thức những cảm xúc mà chúng ta đã quên, và nắm tay dẫn chúng ta đến trải nghiệm về Thiên Chúa. Và trên hết, chúng là những lời duy nhất mà, một cách nào đó, thưa với Thiên Chúa những vấn đề mà Ngài muốn lắng nghe. Chúa Giêsu đã không bỏ rơi chúng ta trong sương mù. Người nói với chúng ta: “Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này!”. Và Người đã dạy Kinh Lạy Cha (x. Mt 6, 9).

———————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30