CÁC BÀI GIẢNG TĨNH TÂM NĂM LINH MỤC ĐOÀN GIÁO PHẬN VINH: BÀI KHAI MẠC

Written by xbvn on Tháng Một 12th, 2014. Posted in Linh mục, Lm. Trần Minh Huy, Việt Nam, Vinh

Dưới đây là bài giảng tĩnh tâm năm của cha Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss, cho linh mục đoàn giáo phận Vinh, diễn ra từ 30/12/2013 đến 4/1/2014.

BÀI KHAI MẠC

 Trọng kính Quý Đức Cha và Quý Cha,

 Trong hành trình học hành tu tập từ sau cuộc di cư năm 54, con có nhiều bậc thầy, đàn anh và bạn bè là người Vinh, nên con có nhiều ấn tượng rất tốt đẹp là người Vinh luôn luôn hết mình. Sau này khi khôn lớn ra lăn lộn giữa đời, qua những gì con được nghe, được thấy, được biết phần lớn hàng giáo sĩ Vinh vẫn ở lại nhiệm sở giữa đàn chiên Chúa trong buổi gian nan khốn khó, con rất ngưỡng mộ; con cảm phục hàng Giáo phẩm và giáo sĩ Vinh luôn kiên cường trong đức tin, thánh thiện, hăng say việc tông đồ và tình liên đới quả cảm qua từng biến cố thăng trầm thời đại, không những của Vinh, mà còn của Giáo Hội và Đất Nước Việt Nam thân yêu của chúng ta. Con nghĩ có lẽ Chúa Quan Phòng cũng dùng thiên nhiên, thời tiết khắc nghiệt và thời thế khó khăn để hun đúc nên tính tình, con người và tinh thần của con cái Chúa ở địa phương này theo kế hoạch yêu thương nhiệm mầu của Ngài, vì lợi ích của giáo phận Vinh và của đại gia đình Giáo Hội Việt Nam.

 Con rất vui và biết ơn là sau khi giúp 18 Thầy Phó Tế tĩnh tâm dọn mình chịu chức linh mục, con được Đức Cha chính dạy đến chia sẻ dịp các cha tĩnh tâm năm. Con nhìn thấy đây là cơ hội tốt Chúa ban để con được đến học hỏi tận nơi với Quý Đức Cha và Quý Cha nên đã mau mắn vâng lời. Nhưng về sau nghĩ lại, con thấy mình đã dại lỡ và rất lo sợ, nhưng biết làm sao, dù thế nào cũng là người lớn, không lẽ 74 tuổi đầu rồi mà lại thay đổi thoái thác như một đứa trẻ con. Thôi đành vậy, và giờ đây, đứng trước mặt Quý Đức Cha và Quý Cha đông như thế này, con đang run đây. Kính xin Quý Đức Cha và Quý Cha tỏ lòng nhân từ, thông cảm bỏ qua những vụng dại và kém cỏi của con, cùng nâng đỡ con cho đến ngày kết thúc, lần sau con không dám dại nữa.

 Con xin hết lòng cám ơn Quý Đức Cha và Quý Cha, nhất là vì thương con đang bị bệnh mà phải dồn các đợt tĩnh tâm chung làm một tại nơi đào luyện Chủng sinh, thiếu thốn nhiều tiện nghi cần thiết cho quý cha như ở Tòa Giám Mục hay nhà của quý cha, và cuộc tĩnh tâm lại nằm liền ngay sau những vất vả mục vụ đại lễ Giáng Sinh. Hy vọng quý cha sẽ dâng những hy sinh ấy để cầu nguyện cho kỳ tĩnh tâm của chúng ta được nhiều ơn Chúa hơn, và cùng với Lễ Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 47 với chủ đề “tình huynh đệ là nền tảng và là con đường của hòa bình”, chúng ta khởi sự Năm Mới 2014 tốt đẹp như ý Chúa muốn và mong ước của chúng ta.

 Kính thưa Quý Đức Cha và Quý Cha,

Trong mấy ngày ngắn ngủi này, con xin chia sẻ chủ đề SỐNG TỐT SỨ VỤ LINH MỤC TRONG ĐỊNH HƯỚNG TÂN PHÚC ÂM HOÁ. Không phải mới về nội dung, vì Tin Mừng vẫn là một, Chúa Kitô vẫn là một, nhưng mới trong nhiệt huyết, mới trong phương pháp, mới trong cách diễn tả, nhờ đặt Thiên Chúa ở trung tâm đời sống của chúng ta. ĐTC Phanxicô tóm tắt lại trong ba điểm: tính tối thượng của việc làm chứng; tính khẩn trương của việc đi ra ngoài để gặp gỡ, và dự án mục vụ đặt trọng tâm vào điều cốt yếu là chính Chúa Giêsu Kitô[1].

Thêm vào đó, trong nỗ lực đẩy mạnh kế hoạch mục vụ của HĐGMVN “Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”, Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGMVN, nhấn mạnh “cần phải có một sự chuyển mình thật mạnh dạn, thật can đảm, chuyển từ một loại “mục vụ bảo trì” gìn giữ và bảo vệ cơ chế, cơ sở sang một “mục vụ truyền giáo” đích thực… và cần phải Phúc-Âm-hóa mọi lãnh vực, mọi “ngóc ngách của hữu thể”, mọi bình diện của cuộc sống[2].

 Thời gian thực thi sứ vụ của chúng ta cũng vừa đón chào Tông huấn đầu tiên của ĐTC Phanxicô, ban hành ngày 24/11/2013, Evangelii Gaudium (Niềm Vui Phúc Âm), mà Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Tân Phúc Âm Hoá nhận định rằng đây là một Tông Huấn về niềm vui Kitô giáo để Giáo Hội có thể tái khám phá cội nguồn của việc loan báo Tin Mừng trong thế giới đương đại, là một bản đồ và hướng dẫn cho việc mục vụ truyền giáo của Giáo Hội trong tương lai gần, và là lời mời gọi phục hồi một tầm nhìn tiên tri và tích cực về thực tại mà không bỏ qua các thách thức hiện nay, can đảm nhìn về phía trước, bất chấp cuộc khủng hoảng, để thập giá và sự phục sinh của Chúa Kitô một lần nữa là ‘ngọn cờ chiến thắng’[3].

 Nhưng như nhiên liệu cần thiết cho máy móc xe cộ vận hành, trước khi làm việc đó và để làm được việc đó cách hữu hiệu, chúng ta cần đi vào cốt lõi của việc tĩnh tâm là để đích thân gặp gỡ Chúa, sống với Chúa, xây dựng và củng cố đời sống nội tâm thiêng liêng cá nhân, lo việc rỗi linh hồn mình, vì không ai khác có thể làm thay chúng ta được, kẻo như thánh Phaolô lo sợ “sau khi rao giảng cho người khác được cứu độ mà chính mình lại phải hư mất[4]. Đây có thể là lúc chúng ta đặt lên bàn cân sự so sánh của chính Chúa Giêsu “được lời lãi cả và thế gian mà thiệt mất linh hồn thì lấy gì mà bù lại cho được?” Chắc chắn quí cha đã biết hết rồi, và con sẽ không mang lại kỹ năng mục vụ gì mới mẻ hay suy tư thần học cao siêu nào hết. Xin quí cha đừng chờ đợi những thứ đó, để khỏi phải thất vọng. Con chỉ xin được cùng quí cha đọc lại, ôn lại, nhớ lại với nhau những gì Lời Chúa và huấn quyền Giáo Hội dạy, trong bầu khí và ơn ban tĩnh tâm, vì cái quan trọng là chúng ta cùng ngồi lại bên nhau, cùng nhau cầu nguyện với Chúa, lắng nghe Chúa và để Thánh Thần Chúa hoạt động trong chúng ta.

 Kính xin quí cha vui lòng tích cực hợp tác cùng nhau trong mấy ngày này, cố gắng tạo cho mình và cho anh em không những cuộc sống thinh lặng, mà còn sự thinh lặng của cuộc sống nữa, là cái thiết yếu cho một cuộc tĩnh tâm hiệu quả. Có những người có cuộc sống thinh lặng nhưng không có được sự thinh lặng của cuộc sống, vì tâm hồn chồng chất trăm mối. Trái lại, có những người tuy sống giữa bao xáo động của nhân thế nhưng lòng vẫn an định, một mình mình với một mình Chúa. Chúng ta đều ao ước vào tĩnh tâm với tất cả con người mình, ở lại một mình với Chúa, và ra tĩnh tâm với một con người khác trước (Intrate toti, manete soli, Exite alii). Tòa Giám Mục đã lưu ý chúng ta: “xin quý Cha sắp xếp thời gian và công việc để về tham dự tuần tĩnh tâm đầy đủ; bầu khí tĩnh tâm quyết định chất lượng tĩnh tâm. Vì thế, trong Tuần Tĩnh Tâm, xin các Cha giữ bầu khí thinh lặng cách triệt để; xin các Cha không sử dụng máy vi tính, ipad, điện thoại từ lúc Khai mạc Tuần Tĩnh Tâm cho đến sau Thánh lễ sáng Thứ Sáu”. Vậy kính xin quí cha vui lòng gác lại mọi công việc ở nhà, hạn chế cả những trao đổi, dù là trao đổi mục vụ và kế sách bảo vệ đàn chiên, chúng ta có cả ngày thứ sáu, tín thác rằng nếu chúng ta theo sát Chúa thì chính Chúa theo sát đàn chiên của chúng ta ở nhà và dẫn dắt bảo vệ họ, như thánh Phanxicô đệ Salêsiô nói “ai làm việc Chúa thì Chúa sẽ làm việc của người ấy.” Còn thánh Carôlô Bôrômêô thì chất vấn: “Bạn coi sóc các linh hồn ư? Đừng vì thế mà bỏ bê chính mình, cũng đừng phung phí tất cả cho người khác đến độ không giữ gì cho bạn cả, vì phải nhớ rằng coi sóc các linh hồn, nhưng không được quên bản thân mình[5].

 Nơi chúng ta tĩnh tâm là Đại Chủng Viện và chắc chắn có các em chủng sinh giúp đỡ chúng ta, chúng ta sẽ cố gắng làm gương tốt cho đàn em của chúng ta về sự thinh lặng tĩnh tâm. Khi xem đoạn video đêm canh thức chầu Thánh Thể cầu nguyện cho Hòa Bình Syria và Trung Đông ngày 6/9/2013, ai cũng cảm động và có ấn tượng sâu sắc: cả trăm ngàn người cùng với ĐTC Phanxicô tại Quảng trường thánh Phêrô trong sự thinh lặng tuyệt đối, tôn thờ, khẩn nài và lắng nghe. Trong mấy ngày này, chúng ta sẽ dành nhiều thời giờ hơn để ngắm nhìn ơn Chúa hoạt động, uốn nắn và đổi mới cuộc đời chúng ta; để chiêm ngưỡng lòng nhân hậu của Chúa hằng nâng chúng ta dậy; để lắng nghe Chúa thổ lộ tình yêu và lặp lại lời mời gọi chúng ta theo Ngài; để kiểm điểm và thẩm định cách chúng ta đã đáp trả khi Chúa ngỏ lời với chúng ta, kêu gọi chúng ta, muốn chúng ta sống mật thiết hơn với Ngài; để trái tim chúng ta hoà nhịp với Thánh Tâm Chúa, hầu đưa những mối tương quan và tình cảm của chúng ta vào trong quỹ đạo tình yêu của Chúa; để nhận diện và duyệt xét lại cuộc đời linh mục của chúng ta với những lần Chúa can thiệp vào những hy vọng, những thất vọng, những niềm vui những nỗi buồn, những kế hoạch thành công hoặc thất bại của chúng ta; để nhờ đó chúng ta được quay trở về, bắt đầu lại, canh tân, tiếp tục hành trình, và tiến bước quyết liệt hơn từ đây.

ĐTC Phanxicô chia sẻ đời sống cầu nguyện của ngài: buổi sáng cầu nguyện giờ kinh Phụng Vụ, dâng thánh lễ, rồi lần chuỗi Mân côi; và điều ngài thích nhất là chầu Chúa một giờ mỗi buổi tối, từ 7 đến 8 giờ, cho dù có lúc bị chia trí và nghĩ đến những điều khác, thậm chí buồn ngủ khi nguyện cầu. Một biến cố đặc biệt trong Năm Đức Tin là Giờ Chầu Thánh Thể đồng loạt trên khắp thế giới do ĐTC chủ sự tại đền thờ thánh Phêrô lúc 5 giờ chiều ngày 2/6/2013 nói lên tinh thần chia sẻ hiệp thông của toàn thể Giáo Hội hoàn vũ. Chớ gì trong tuần tĩnh tâm năm này, như chương trình Tòa Giám Mục đã hoạch định, ngày nào trước khi nghỉ đêm chúng ta cũng dành một giờ thánh, thinh lặng bên nhau cầu nguyện riêng trước Chúa Giêsu Thánh Thể được đặt ra ngoài trong hào quang, trả lời câu hỏi của Ngài với ba môn đệ thân tín trong Vườn Giếtsêmani: “Các con không thể thức được với Thầy một giờ sao?[6] vì “việc thờ lạy Thánh Thể là lý do hy vọng làm cho Giáo Hội lớn lên và đâm rễ”[7]. Mỗi người sẽ dùng tư thế cầu nguyện mà cơ thể cảm thấy thuận tiện nhất cho mình và không gây phiền cho anh em, kể cả với hy sinh khổ chế như Môsê giang tay cầu nguyện trên núi khi dân Israel đánh với quân Amalếc.

 Người ta thuật lại rằng cha Gioan Maria Vianney quan sát thấy một nông dân ngày nào ra đồng làm việc cũng để cày trước cổng, đi vào nhà thờ một lát rồi ra đi làm việc ngay. Lúc chiều từ ngoài đồng về nhà ông cũng làm như vậy. Ngày kia cha đón gặp và hỏi ông vào nhà thờ đọc kinh chi mà nhanh thế? Ông trả lời: “Con có đọc kinh gì đâu! Con chăm nhìn Chúa Giêsu trong Nhà Tạm và Chúa chăm nhìn con, có thế thôi!” ĐTC Phanxicô khuyên các giáo lý viên: “Hãy nhìn vào Nhà Tạm, và hãy để mình được Chúa nhìn… Điều này hơi nhàm chán, muốn ngủ gật… Cứ ngủ đi! Người vẫn sẽ nhìn ngắm chúng ta. Chắc chắn Người nhìn ngắm chúng ta! Và điều này quan trọng hơn nhiều…vì nó sưởi ấm tâm hồn chúng ta, giữ cho ngọn lửa tình bằng hữu với Chúa được cháy mãi, làm cho chúng ta cảm thấy Người thực sự nhìn ngắm chúng ta, gần gũi và yêu thương chúng ta. Hãy để cho Người nhìn ngắm chúng ta! Đừng làm gì hơn. Điều đó có khi không đơn giản đối với người có gia đình con cái, họ quá bận bịu, rất khó tìm ra thời gian lâu dài để yên tĩnh. Nhưng cảm tạ Chúa, không nhất thiết là tất cả mọi người đều phải làm cùng một cách. Điều quan trọng là phải tìm một cách thích hợp để ở lại với Chúa; và điều này có thể được trong tất cả các bậc sống. Lúc này mỗi người có thể tự hỏi: Tôi làm thế nào để sống việc “ở lại” với Chúa Giêsu? Tôi làm thế nào để “ở lại và nghỉ ngơi” trong Người? Tôi có những giây phút im lặng ở trong sự hiện diện của Người, hoặc để cho Người nhìn tôi không? Tôi có để cho lửa của Người sưởi ấm tâm hồn tôi không? Nếu trong tâm hồn chúng ta không có hơi ấm của Thiên Chúa, không có tình yêu và sự dịu dàng của Ngài, làm sao chúng ta, là những tội nhân nghèo hèn, lại có thể sưởi ấm tâm hồn những người khác được? Hãy suy nghĩ về điều này![8]

 Về cái nhìn dịu dàng nhưng có sức mạnh biến đổi của Chúa Giêsu, ĐTC Phanxicô nói: cái nhìn của Chúa Giêsu làm biến đổi cuộc đời của ông thu thuế Lêvi, và của chúng ta nữa, nếu chúng ta chịu để cho Ngài nhìn chúng ta và được tự do làm công việc của Ngài… Khi Chúa Giêsu nhìn Matthêu, cái nhìn đó đã chiếm lấy ông hoàn toàn và đã thay đổi cuộc sống của ông. Cái nhìn của Chúa Giêsu luôn luôn làm cho ta trở nên xứng đáng, trao ban cho ta phẩm giá. Đó là một cái nhìn rộng lượng”. ĐTC giải thích rằng cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu cho ta lòng can đảm để theo Ngài. Cái nhìn của Chúa Giêsu luôn nâng dậy, không bao giờ để ta lại tại chỗ của mình… Nó mời gọi ta đứng dậy, làm ta lớn lên, tiến về phía trước, một cái nhìn khích lệ ta. Cái nhìn của Chúa Giêsu làm cho ta cảm thấy Ngài yêu ta. Đó là tình yêu Thiên Chúa mà “những người thu thuế và tội lỗi” như Matthêu đã trải nghiệm. “Họ cảm thấy rằng Chúa Giêsu đã nhìn họ và cái nhìn của Chúa Giêsu trên họ giống như một hơi thở trên than hồng, và họ cảm thấy như có lửa trong bụng, làm cho họ đứng lên, trả lại cho họ phẩm giá. Mặc dù một số kẻ chế nhạo Ngài ăn uống với những người bị xã hội chối bỏ, Chúa Giêsu biết rõ lòng họ: Bên dưới bùn đất đó có than hồng khao khát Thiên Chúa, than hồng của hình ảnh Thiên Chúa muốn một ai đó giúp họ được cháy nóng trở lại. Đó là những gì cái nhìn của Chúa Giêsu thực hiện. Chúng ta tiến lên phía trước trong cuộc sống, trong niềm xác tín rằng Ngài nhìn chúng ta. Tuy nhiên, Ngài cũng chờ đợi chúng ta, để nhìn chúng ta cách dứt khoát – và cái nhìn cuối cùng của Chúa Giêsu trên cuộc đời chúng ta sẽ là mãi mãi, là đời đời[9]. Chớ gì tất cả chúng ta đều được cái nhìn của Chúa Giêsu biến đổi.

 Trong thời khắc trầm lắng này, Chúa Giêsu Thánh Thể dường như thì thầm bên tai mỗi người chúng ta: “Con đừng để cho quá khứ làm mờ mịt hiện tại. Hãy đứng dậy, nhắm phía trước mà cất bước, tiến tới, không nuối tiếc, không rầu rĩ… Hãy nối gót theo sát Ta, vì Ta là Chúa của tương lai… Hãy cất bước, hãy dám liều, hãy ra chỗ nước sâu, Ta sẽ dẫn con vượt xa những mong chờ của con! Sau những gì đã xảy đến trong thời gian qua, con có còn hứng thú để đứng dậy, để bắt đầu lại tất cả và để đi xa hơn những giấc mơ của con nữa không? Có còn hứng thú để Thánh Thần hướng dẫn nữa không? Có còn hứng thú để tiếp tục lộ trình theo tiếng gọi  đã nghe thấy từ nhiều năm qua, tiếng gọi được lặp lại trong từng biến cố mỗi ngày nữa không? Có còn hứng thú để chết đi cho những dự phóng của con, cho chính con, cho những mối tình và toan tính của con, để sinh lại xinh đẹp hơn cho những dự phóng của Ta, những dự phóng của Giáo hội nữa không? Con có còn hứng thú để chết đi cho sự đơn điệu nhàm chán, cho thói quen, cho sự thờ ơ, cho tất cả những gì làm phân tán lòng con để rồi càng theo Ta quyết liệt hơn nữa không?”

 Chúng ta đừng quá bận tâm đến thời gian. Hãy hỏi Chúa và lắng nghe Chúa, nhưng kỳ thực cũng là hỏi và trả lời cho chính mình, vì không phải lúc nào Chúa cũng nói điều chúng ta muốn nghe, mà là điều thực sự thiết yếu: “Lạy Chúa, con có yêu Chúa thật lòng không? Con không thể dành cho Chúa được một giờ sao? Chúa nghĩ gì về con và Chúa có bằng lòng về cách con chăn dắt đoàn chiên Chúa không? Chúa muốn con phải biến đổi và điều chỉnh những gì cho cuộc đời và sứ vụ linh mục của con trong định hướng Tân Phúc Âm Hóa?

 Làm được như thế, một giờ sẽ trôi qua rất nhanh. Chúng ta cùng ký thác cho lòng nhân hậu của Thánh Tâm Chúa Giêsu, ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, và sự trợ lực hiền mẫu của Mẹ Maria, để tiếp tục lên đường, dấn bước theo sát Đấng đã kêu gọi, trao ban sứ vụ linh mục và hằng ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Amen.


[1] x. Bài diễn văn ngày 14 tháng Mười của Đức Phanxicô với Hội Nghị Toàn Thể của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa –http://baoconggiao.com/vi/news/Giao-Hoi-Hoan-Vu/Duc-Phanxico-va-phuong-thuc-tan-phuc-am-hoa-2306/

[2] Phát biểu tại Hội nghị thường niên của Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam http://www.hdgmvietnam.org/duong-huong-muc-vu-cua-giao-hoi-chua-kito-tai-viet-nam/5540.63.8.aspx

[4] 1 Cr 9,27: Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại.

[5] Trích bài đọc 2 Kinh Sách lễ thánh Carolô Borômêô.

[6] x. Mc 14, 32-41.

[7] Trích Diễn văn của ĐTC Phanxicô với các Giám Mục Hòa Lan, ngày 3/12/2013 – http://www.vietcatholic.net/News/Html/119481.htm

[8] Trích huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ sáu ngày 27 tháng 9 năm 2013 tại Sảnh Đường Phaolô VI trong buổi tiếp kiến các các giáo lý viên hành hương về Rôma vào dịp Năm Đức Tin và tham dự Đại Hội Quốc Tế về Dạy Giáo Lý.

[9] Bài giảng của ĐTC Phanxicô ngày 21/9/2013 tại Nhà Martha, CNA / EWTN News.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30