CÁC NHÂN ĐỨC, MỘT NGHỆ THUẬT SỐNG…

Written by xbvn on Tháng Một 18th, 2013. Posted in Các nhân đức một nghệ thuật sống, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản

Nguyên tác Anh ngữ : « Virtues for Ordinary Christians » (« Các nhân đức cho các Kitô hữu giữa đời thường »), của cha James F. Keenan, s.j; bản dịch Pháp ngữ « Les Vertus, un Art de Vivre » (2002) của Claire Ferras-Douxami, lời tựa của cha Philippe Bordeyne, khoa trưởng Phân khoa Thần học của Học viện Công giáo Paris (hiện tại là Đức Ông và là Hiệu trưởng của Học viện danh tiếng này). Bản dịch Việt ngữ của Lm. Võ Xuân Tiến.

Lời tựa

Đôi khi được xem như là lỗi thời trong suy tư Kitô giáo hiện đại, gần đây, các nhân đức đã khiến người ta nói đến chúng trong các tác phẩm dựa vào một nền luân lý hoàn toàn nhân bản. Trong ký ức Công giáo, dù thật khá lờ mờ nơi những người trẻ nhất, nhưng các nhân đức cũng giữ một chỗ thực sự. Quả thế, không ngày này thì ngày khác, có ai đã không nghe nói về các nhân đức ? Có thể đó đã là bộ ba các nhân đức được gọi là đối thần, vì chúng liên quan đến tương quan của chúng ta với Thiên Chúa : đức tin, đức cậy và đức mến. Chắc chắn nó cũng hệ tại danh sách dài các nhân đức luân lý, dấn thân tương quan của chúng ta với những người khác và với chính bản thân chúng ta, bắt đầu bằng các nhân đức bản lề (các bản đức) : công bằng, can đảm, tiết độ và khôn ngoan. Phải chăng Thiên Chúa không có phần của mình nữa ở phía này ? Dĩ nhiên, Ngài đồng hành với mỗi người trong những nỗ lực hướng đến sự thiện của họ. Nhưng các nhân đức luân lý nhấn mạnh đến trách nhiệm của con người trong thế giới hơn.

Cách chung, qua từ ngữ « nhân đức », người ta chỉ một phẩm chất được thủ đắc cách cá nhân và bền vững bằng việc thực hành liên lỉ điều thiện. Mặt khác, tòa nhà phức tạp của các nhân đức coi như mô tả, cách tỉ mỉ, sự trang bị luân lý mà con người cần đến để hành động tốt và để được hạnh phúc. Từ đó tổng số lớn các phẩm chất được các nhà luân lý bàn luận lâu đời, mà cần phải ước mong khi ta nhắm đến đời sống tốt : lịch sự, đơn giản, hiền từ, kiên nhẫn, lòng hào hiệp, sự đoan trang, tính rộng rãi, sự gan dạ, etc.

Người ta nhấn mạnh đến những giới hạn gắn liền với lối tiếp cận này về luân lý, trong triết học cũng như trong thần học : một quan niệm quá trừu tượng và quá sách vở về con người, xa với những biến cố lịch sử đang chất vấn những người đương thời với chúng ta ; một sự chênh lệch với những vấn đề xã hội, đang bó buộc chúng ta làm sáng tỏ những luật lệ nền tảng của việc sống chung ; sự tập trung vào việc học tập các phong tục xã hội, mà thiệt hại cho sự sáng tạo luân lý trong một thế giới đang biến chuyển. Vậy phải chăng nền luân lý các nhân đức đã trở nên lỗi thời đến nỗi cần phải từ bỏ nó ?

Một số người đã nghĩ thế hay vẫn còn đang nghĩ thế, bằng cách dựa vào ý tưởng rằng đời sống luân lý bắt đầu từ khi người ta được giải thoát khỏi những tập quán và những cách nhìn mà xã hội chuyển tải. Quả thế, sống luân lý, đó chẳng phải là tạo nên những luật lệ của cuộc sống của riêng mình, phán đoán chúng trong lý trí và trong lương tâm, và vì thế thoát được mọi thành kiến, mọi giám hộ sao?

Ngược lại, một số người cho rằng cần phải chú tâm xem xét lại các nhân đức. Lập luận đầu tiên của họ là rằng phán đoán đúng để là luân lý mà thôi thì chưa đủ : còn cần phải vận dụng những gì người ta đã xác định như là điều thiện. Thế mà, một số đam mê nổi lên và ngăn cản chúng ta cụ thể hóa những chọn lựa của chúng ta ; thậm chí chúng có thể làm cho lý trí mù quáng và ảnh hưởng đến sự phán đoán cách sâu xa. Nhắm đến sự điều chỉnh tốt hơn tính nhạy cảm, các nhân đức bởi thế sẽ là những thói quen tốt mà, dần dần được thủ đắc trong việc thực hành các luyện tập thích đáng, sẽ mang lại sự dễ dàng hơn trong đời sống luân lý. Lập luận thứ hai là triệt để hơn : nó hệ tại suy nghĩ đến sự kiện rằng chúng ta hình thành nên những quyết định của chúng ta từ những yếu tố mà chúng ta đã không hoàn toàn chọn lựa. Dĩ nhiên, có những nét tính khí đặc sắc của chúng ta, nhưng còn có những thói quen đức hạnh mà chúng ta thừa kế từ những cộng đoàn đã dạy cho chúng ta sống. Ai bước vào đời sống luân lý thì đã lãnh nhận còn hơn mình ngờ.

Bởi đó, những người chủ trương một nền luân lý các nhân đức mời gọi chúng ta tái khám phá « những bà đầm già » này như là một sự trợ giúp quý báu, trong chừng mực chúng ta tìm kiếm một nghệ thuật sống đích thực. Nghệ thuật sống này đã được truyền đạt cho chúng ta bằng những thái độ nền tảng, trong đó chúng ta đã được tạc đẽo mà không luôn ý thức đến. Nhưng nghệ thuật sống này vẫn còn cần được tỏ rõ, nơi những lối ứng xử mà lần này tùy thuộc trực tiếp chúng ta, và có thể gia tăng những khả năng luân lý của chúng ta còn hơn chúng ta tưởng nhiều. Nhiều tác phẩm triết học gần đây đã nhấn mạnh hơn đến những khía cạnh này, khi cho thấy một sự quan tâm trở lại đối với các tác giả thời Cổ đại Trung Quốc hay Hy Lạp, như Khổng Tử hay Aristote. Chẳng hạn, Aristote đã có một quan niệm rất thời sự về đức tính can đảm, mà ông thấy như là sự trung dung giữa tính nhút nhát và sự liều mạng.

Những gì còn thiếu đối với chúng ta hơn, đó là làm sáng tỏ vai trò của đức tin Kitô giáo trong việc tái khám phá cá nhân và tập thể này. Khi ta nỗ lực tiếp nhận Tin Mừng trong đời thường, thì phải chăng nó cũng chứa đựng một lô những tập luyện của nó cho đời sống luân lý ? Phải chăng nó đề nghị những nhân đức chung cho mọi người, hay nó đã phát triển những nhân đức của riêng mình ? Những thực hành được đức tin Kitô giáo khơi lên, hôm qua và hôm nay, phải chăng chúng có tương quan nào đó với những gì được diễn ra trong sức lôi cuốn nơi những người đương thời của chúng ta đối với các nhân đức ? Phải chăng lịch sử thần học luân lý giúp chúng ta xác định những phương tiện thuận lợi mà Kitô giáo có được để đáp lại những thách đố hành động trong thế giới hiện nay ?

Bộ sưu tập « Tout simplement » hân hạnh tiếp đón, lần đầu tiên, bản dịch một bản văn tiếng nước ngoài. Bản văn này rõ ràng nỗ lực trả lời cho những câu hỏi như thế. Tác giả của nó, linh mục dòng Tên, cha James F. Keenan, người Mỹ, là một chuyên viên về luân lý thần học các nhân đức. Tác phẩm Virtues for Ordinary Christians, mà các độc giả nói tiếng Pháp [1] sắp có thể khám phá ở đây, đặt những kết quả của một nghiên cứu khoa học vào tầm của một công chúng rất rộng lớn, trong một văn phong riêng và hình tượng, mà sự hài hước trở thành đường lối sư phạm.

Nhiều bản văn đóng khung và chú thích đã được thêm vào để giúp định vị tốt hơn một số tham chiếu. Có thêm vào một số đoạn, được in bằng nét chữ nhỏ và nghiêng, trích từ một bài viết về các bản đức, được xuất bản vào năm 1995 [2]. Nó tạo điều kiện dễ dàng cho việc hiểu các luận đề chính yếu của James F. Keenan, một trong những thần học gia đã đóng góp nhiều nhất cho việc suy nghĩ lại các nhân đức, như chúng được đề nghị sống trong thời đại chúng ta đang sống. Đoan chắc rằng cái nhìn tích cực mà tác giả bàn về đời thường, với những thăng trầm của nó, nhưng nhất là những tiềm năng phi thường của nó, có gì đó đổi mới lối quan niệm của chúng ta về luân lý.

Philippe Bordeyne

 Dẫn nhập

Một ngày nọ, tôi đã nhận được một cú điện thoại của Ủy ban giáo lý của Hội đồng Quốc gia các Giám mục Công giáo. Người gọi tôi là Michaël Walsh. Theo lời khuyên của những người bạn ở New York, ông đã muốn tham khảo tôi về một danh sách ngắn các thần học gia luân lý mà người ta dự định giao phó cho họ một bài viết định kỳ về luân lý trong tạp chí Church (Giáo Hội). Danh sách bao gồm nhiều nhân vật có tiếng tăm. Tôi đang chuẩn bị gát máy, thì tôi đột nhiên nói : « Mike, nếu mà hết thảy họ đều từ chối, thì tôi sẵn lòng đảm nhận nó ; tôi rất muốn viết một loạt bài định kỳ về các nhân đức. » Một vài tuần sau, tôi đã được chọn.

Tôi mong ước loạt bài định kỳ này bởi vì tôi đang tìm kiếm một không gian để xây dựng các ý tưởng của tôi về các nhân đức trong đời thường. Tôi muốn nói không phải cho các Kitô hữu ham muốn kiến thức, nhưng cho những ai sẵn sàng suy nghĩ. Tôi không nhắm đến những người mẫn cảm quan tâm đến một chủ đề theo « mốt », gây ra những ý kiến khác nhau trong Giáo Hội, nhưng đúng hơn là nhắm đến những người tự hỏi về những gì có thể là xây dựng nền móng cho đời sống gia đình hay cộng đoàn của chúng ta. Tôi muốn tìm ra một mảnh đất chung. Mặt khác, thay vì suy nghĩ đến những nguyên tắc và những chuẩn mực chi phối một số hành vi đặc thù và phức tạp, tôi muốn tập trung chú ý đến đời sống mọi ngày. Chính vì thế mà tôi đã hướng đến các nhân đức.

Trong thần học hiện đại, các nhân đức thường xuyên bị phê bình : chúng hẳn là màu mè, không chính xác và quá xa rời với hiện thực. Trái lại, sẵn sàng nhận thách đố, tôi muốn trình bày chúng như là cụ thể, thực tiễn, hữu ích và cần thiết. Ngừng xem chúng như là những ý tưởng, tôi coi chúng như là thực hành. Vì thế, tôi đẵ bắt đầu tìm kiếm những câu chuyện quen thuộc, mà tôi đã nỗ lực thêu dệt với một vài sợi chỉ của truyền thống của chúng ta.

Trong suốt những năm qua, nhiều người khác nhau đã cho tôi biết rằng họ đã đọc các bài viết định kỳ của tôi : họ làm việc, họ suy nghĩ, họ sẵn có ý thức thực tiễn. Chính vì họ mà tôi đã viết những tiểu luận này. Chính cho các bạn, thưa các độc giả thân mến, mà tôi đã tập hợp chúng bằng cách nối kết với chúng tám bài viết khác. Đối với tôi, chúng tổng hợp những gì cho phép lớn lên trong đời sống kitô hữu thường ngày. Ước gì những trang này có thể nói với các bạn !

Phần Một

DẪN VÀO NHÂN ĐỨC

Chương 1

CÁC THÓI QUEN HIỆN HỮU

Tôi ngừng hút thuốc cách nay đã chín năm rồi. Trong vòng mười tám tháng, mọi sự tiến triển tốt đẹp, nhưng khi đang nghiên cứu tiến sĩ ở Rôma, thì quyết tâm tốt đẹp của tôi đã giảm đi. Và tôi đã nhanh chóng bắt đầu hút thuốc lại, lần này có kèm  theo cả nhiều người Rôma nữa, vì ở Rôma, người ta không xem thói quen này là đáng ghét như ở Boston.

Cách đây 5 năm, tôi trở lại Rôma, cương quyết ngưng thuốc lá. Tôi đã tự tổ chức khá chu đáo. Tôi chờ đợi tăng năm kilô, điều mà ít nhiều là không thể tránh khỏi, và tôi đã sẵn sàng chấp nhận điều đó. (Tôi nghĩ là sẽ giảm cân sau.) Tôi quyết định nói với tất cả những ai mà tôi quen biết là tôi đã ngừng hút thuốc. (Trong trường hợp mà tôi bị cám dỗ hút lại, dù sức khỏe của tôi không phải là một lý lẽ đủ mạnh, thì tôi tự nhủ về sự hổ thẹn và sự ngượng ngùng.) Và sau cùng, vì tôi không thể nhịn hút thuốc khi tôi viết, nên tôi đã quyết định không viết gì nữa trong suốt tháng đầu tiên.

Tôi đã ngưng hút thuốc ngày thứ Tư Lễ Tro [3]. Tôi đã mang tất cả áo quần của tôi đến cho thợ nhuộm… Thông gió phòng ngủ… Vứt bỏ các gạt tàn thuốc lá. Trong tuần đầu tiên, tôi đã tự nhồi nhét mình bằng phim ảnh và kem. Tôi đã từ bỏ những cuộc đi ra ngoài. Tôi đã chạy bộ rất nhiều. Và tôi tránh xa một vài người bạn đáng ngờ mà tin rằng tôi sẽ không thành công bỏ thuốc. Đôi khi tôi còn nằm mơ rằng tôi đang hút thuốc, nhưng trong đời sống hiện thực, tôi không còn hút nữa. Và  tôi không biết làm gì với năm kilô mà tôi đã tăng lên.

Vì đời sống luân lý liên quan đến đời sống thường ngày, nên luân lý không thể được dành riêng cho một số hành động ngoại lệ. Mọi hành vi nhân lình  đều liên quan đến luân lý. Cách thức mà chúng ta nói đến, thời gian mà chúng ta trải qua, những dự phóng mà chúng ta hình thành, những tương quan mà chúng ta xây dựng, tất cả đó tạo nên đời sống luân lý. Suy tư luân lý không nhắm trước tiên đến những trường hợp nghiêm trọng, nhưng nó tìm cách nghiên cứu tất cả cuộc sống. Và để làm nghề nam hay nữ thì cũng phức tạp như là để tìm ra thời điểm tốt để ngưng hút thuốc.

NHỮNG THỰC HÀNH THÀNH NẾP

Đời sống thường ngày là phức tạp bởi vì các mối tương quan, những nhiệm vụ và những nhân cách đa dạng cấu thành nhân tính của chúng ta đan xen nhau. Để đối diện với tính phức tạp này, chúng ta dùng đến những « thực hành ». Trong cuốn Après la Vertu [4] của mình, Alasdair McIntyre giải thích rằng một « thực hành » là một hoạt động đều đặn khuôn đúc chúng ta đến nỗi chúng ta thủ đắc một khả năng hành động theo cách này hay cách kia. Thực hành sinh ra thói quen. Như thế, chẳng hạn, để đương đầu với sự căng thẳng phải viết lách hay gặp gỡ người ta, tôi đã bắt đầu hút thuốc. Chẳng may là những gì hệ tại ở việc hút thuốc tại bàn làm việc của tôi và vào những dịp tôi ra ngoài đã biến thành thói quen hút thuốc khắp nơi. Các thực hành khuôn đúc chúng ta.

Ta chấp nhận theo một số thực hành để đối diện với những đòi hỏi của cuộc sống. Lấy ví dụ lái xe ôtô. Ta phản ứng trước sự hiện diện của những xe khác trên đường bằng những cách thức khác nhau. Một số tài xế có thói quen bám sát vào đuôi của xe trước mặt. Số khác thì vẫn điềm tĩnh với sáu mươi cây số giờ ở hàng thứ hai. Những người khác nữa thì tập luyện nghệ thuật tăng  tốc, đang khi một số người thì tìm xe lý tưởng mà họ sẽ có thể theo sau ở một khoảng cách nào đó. Thêm vào những thực hành lái xe ôtô này, mỗi người chúng ta đều có làn yêu thích riêng của mình. Và một ý tưởng nào đó về tốc độ mà mình muốn giữ : giới hạn luật pháp, hay nhanh hơn, hay chậm hơn. Những thực hành như thế trở nên những thói quen. Đôi khi những thực hành mà chúng ta chấp nhận theo trên đường lại trở nên những thói quen trong đời sống xã hội : vì không có đâu hơn trên đường mà chúng ta gặp những người qua mặt, theo sau, bám sát và cản không cho qua mặt.

Ta không ngừng đưa vào những thực hành để đối diện với những hoạt động tầm thường như thức dậy, ăn sáng, tắm rửa, đi làm, viết thư, điện thoại, chào bạn bè, chơi thể thao, giải trí, lái xe, giặt giũ, chuẩn bị bữa ăn, lấy nốt, sử dụng vi tính, mặc áo quần, ăn tối, đi ngủ, đọc sách, gặp gỡ những người mới, mua sắm, tương quan với cha mẹ và con cái của mình, nghe, xem tivi và đánh răng. Những thực hành đều đặn này trở nên những thói quen, mà, đến lượt chúng, bén rễ sâu và đánh dấu cách cụ thể cuộc sống của chúng ta.

Những thói quen này biến chúng ta thành những gì chúng ta là. Nhưng như MacIntyre có xu hướng tin, một số thói quen dấn thân chúng ta sâu xa hơn những thói quen khác. Hai trong số đó liên quan đến địa vị xã hội và đời sống nghề nghiệp.

ĐỊA VỊ XÃ HỘI VÀ ĐỜI SỐNG NGHỀ NGHIỆP

Liên quan đến địa vị xã hội, chẳng hạn, tôi thuộc về một cộng đoàn tu trì và tôi sống ở đó. Cho dù có sự loại suy nào đó với đời sống gia đình (trong cộng đoàn của tôi, chúng tôi làm bếp, đi mua hàng, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ ; chúng tôi xem tivi với nhau, chúng tôi tổ chức những bữa ăn ngoài trời và chúng tôi tiếp khách mời của các đồng nghiệp của chúng tôi như thể đó là khách mời của chúng tôi), nhưng có những khác biệt căn bản giữa hai bên. Về mặt mềm dẻo, những nhượng bộ lẫn nhau, những xung đột được vượt qua, về việc đánh gía những nhân cách khác nhau và về việc quản lý những cấp bách, thì, sau mười lăm năm hôn phối với hai đứa con nhanh nhẹn và có năng khiếu, chị và anh rể của tôi có khả năng hơn tôi nhiều sau hai mươi năm trong đời sống tu trì. Sự cô tĩnh và tự trị mà đời sống tu trì hay giáo sĩ đòi hỏi là xa lạ với những trách nhiệm gia đình. Những thực hành gắn liền với địa vị xã hội này rèn nắn nên những thói quen ăn sâu nhất trong mỗi người chúng ta.

Công việc của chúng ta cũng sinh ra những thực hành khuôn đúc chúng ta. Cha của tôi là một sĩ quan cảnh sát của thánh phố New York trong vòng hai mươi năm, trước khi trở thành thanh tra viên. « Thực hành » này có ngôn ngữ riêng của nó (khi tôi còn nhỏ, tôi tin rằng mọi người đều kể những câu chuyện về « những kẻ gian ») và phẩm trật giá trị của nó (cha tôi tin vào trách nhiệm, các chuẩn mực, trừng phạt, sự ứng trực sẵn sàng và lòng can đảm). Cảnh sát có những câu chuyện riêng của mình và họ kể chúng như họ đã sống chúng, với những chi tiết hùng hồn. Khi là thành viên của đội hình sự Manhattan Sud, cha tôi đã thường gặp những người bóc lột người khác. Ông khinh thường những người buôn bán ma túy và những tên ma cô, nhưng ông lại có một sự tôn trọng sâu xa đối với những người nghiện ma túy và những cô gái điếm ; ông thường nhận thấy rằng, bất chấp sự chiến đấu của họ, thường thất bại, vì phẩm giá và sự sống còn, họ tìm thấy phương tiện nghĩ đến người đồng loại của họ và bảo vệ người đó. Đến độ cha của tôi giữ mình tránh xa những kẻ giả hình và tất cả những ai phóng đại về hoàn cảnh của họ. Ông yêu thích sự liêm khiết và ghét những kẻ dối trá. Cũng thế, thực hành cảnh sát của cha tôi mà hệ tại việc thẩm vấn nhiều nghi can trước khi rút ra những kết luận điều tra đã biến ông thành một người chậm rãi trong việc đưa ra một phán đoán. Nhưng một khi ông đã quyết định, thì ông không dễ dàng thay đổi ý kiến. Ông không phải là giáo sư, bác sĩ, y tá, linh mục hay người hốt rác : ông là cảnh sát và đã trở nên cảnh sát sau hai mươi năm thực hành nghề nghiệp.

CẦN CÓ THỜI GIAN ĐỂ THAY ĐỔI CÁC THÓI QUEN CỦA MÌNH CÁCH BỀN VỮNG

Khi ta nghĩ đến đời sống luân lý, đôi khi ta quên là các thói quen đã bén rễ sâu dường nào và bao lâu nó đã bắt đầu hình thành. Ta phát biểu những ý tưởng đơn giản hóa quá mức theo đó hành động luân lý và sự thay đổi chỉ là công  việc của ý hướng và ý chí. Chẳng hạn, ta tin rằng sau khi đã duy trì việc thực hành chửi tục trong vòng hai mươi năm, thì thình lình ta sẽ có thể bỏ nó vào ngày thứ Tư lễ Tro. Lúc đó, ta sẽ ngạc nhiên về sự thiếu quyết tâm của mình, khi bất ngờ, hai ngày sau, đột nhiên ta tuôn ra một lời chửi rủa. Hay là, trong vòng mười năm, ta đã có thói  quen có một ý kiến tồi về một người nào đó. Ta thích thú với những tư tưởng này và thỉnh thoảng, ta xen chúng vào trong cuộc nói chuyện. Thế rồi, ta quyết định cách mạnh mẽ không bao giờ nghĩ xấu về người ấy nữa. Nhưng khi có gì không xuôi, ta biết ngay là phải gán lỗi lầm đó cho ai…

Bao lâu chúng ta không ý thức về tầm quan trọng của các thực hành và về cách thức mà chúng tác động đến các thói quen của chúng ta, thì chúng ta sẽ tiếp tục cách vô ích thử đưa ra những quyết tâm phi thực tế. Những ý định này sẽ không gì khác hơn là những điều mong ước đạo đức, cho đến ngày chúng ta sẽ mở đầu những thực hành mới ; những thực hành này sẽ có thể sửa đổi không chỉ những cách suy nghĩ của chúng ta, nhưng còn cả những cách nhận thức hiện thực và đối diện với nó. Như trong trường hợp người hút thuốc quyết tâm ngừng hút thuốc, chúng ta phải vận dụng những thực hành hữu ích mà sẽ cho phép chinh phục những thói quen xấu, được bén rễ sâu từ lâu đời.

BỐN ĐỊNH HƯỚNG CHO ĐỜI SỐNG LUÂN LÝ

–  Quyết định thay đổi một khía cạnh của đời sống luôn được diễn ra trong một bối cảnh nào đó. Người nào có thể thức dậy và quyết định, mà không suy nghĩ trước về điều đó : « Tôi đã hút thuốc hai mươi năm rồi, (bây giờ) tôi ngưng » và thực thi quyết tâm của mình. Nhưng đa số thời gian, ta không thay đổi nhanh như thế và ta bất khả về điều đó. Nói chung, quyết định thay đổi không phải là một ý tưởng nổi lên vào một ngày đẹp trời nào đó. Tất cả những ai tham gia hội Alcooliques Anonymes (Những người nghiện rượu vô danh) hay Boulimiques Anonymes (Những người nghiện ăn vô danh), tất cả những ai tìm kiếm sự trợ giúp về vấn đề ngược đãi vợ chồng hay về sự xung động tính dục, tất cả những ai xin sự nâng đỡ điều trị liên quan đến một hình ảnh xấu về chính mình hay liên quan đến chứng loạn thần kinh mặc cảm tội lỗi, đều biết con đường là lâu dài dường nào trước khi thực hiện bước đầu tiên hướng đến sự thay đổi. Như hạt giống ta gieo trên đất cạn và đầy đá, những quyết định mà không được bén rễ sâu vững bền thì chắc chắn không kéo dài lâu được.

– Một số người này có thể ngừng hút thuốc cách dễ dàng hơn người những người kia và không có hai người nào giống nhau trong lãnh vực này. Cần phải công nhận rằng con đường phải được thích nghi cho mỗi người để sự thay đổi được hiện thực. Nếu chúng ta thực sự tin rằng Thiên Chúa đã muốn sự tồn tại độc nhất của mỗi người trong chúng ta, thì chúng ta phải thừa nhận rằng điều này kêu gọi chúng ta phân định những thực hành nào là tốt cho chúng ta và những  thực hành nào là không. Một sự hiểu biết đúng đắn về chính mình là thiết yếu cho sự tăng trưởng luân lý.

– Ta phải liên lỉ chống lại ý tưởng rằng không cần trở nên tốt hơn. Chúng ta cần phải giữ mắt và tai rộng mở khi xảy ra là những người thân của chúng ta thúc giục chúng ta lớn lên hơn. Nếu không có ý muốn chăm chú đến người khác, thì sự hiểu biết chính mình sẽ dẫn đến chỗ sống như những người mà tin là đã đạt đến sự hoàn thiện. Vậy mà chúng ta quá nhiều người ứng xử như những bạo chúa, như những kẻ bán rong lắm chuyện, như những kẻ thao túng hay như những kẻ trầm uất nhằm thực hiện ảo tưởng này.

– Như tất cả những người thuộc về các hội Alcooliques Anonymes hay Boulimiques Anonymes làm, ta phải biết rằng mỗi lần ta chuyển từ một thói quen xấu sang một thói quen tốt, ta không nên như thế chỉ với những thực hành cá nhân hay với sự nâng đỡ của bạn bè, nhưng hơn nữa là với ân sủng của Thiên Chúa : chính sự quý mến mà Ngài cưu mang chúng ta luôn thúc giục chúng ta tiến lên phía trước.

Chương 2

ĐỜI SỐNG LUÂN LÝ THƯỜNG NGÀY

Nếu tôi xin bạn lấy một mảnh giấy và ghi xuống ba vấn đề luân lý, ba câu hỏi mấu chốt mà bạn sẽ chọn theo tầm quan trọng của chúng, tầm ảnh hưởng của chúng và sự cấp bách của chúng, thì bạn sẽ viết những gì ? Có lẽ danh sách của bạn hẳn sẽ bao gồm việc phá thai, giết chết êm dịu, chiến tranh hay ly dị mà cũng được xem như là những vấn đề luân lý lớn của thời đại chúng ta. Và chúng là quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn và cấp bách.

Rồi tôi xin bạn trở ngược tờ giấy và viết xuống ba điều mà bạn nghĩ đến khi thức dậy sáng nay. Bạn hãy chọn những điều mà bạn đã tự nhủ : « Tôi thực sự phải làm việc ở đó. » Tuần vừa qua, bao nhiêu lần bạn đã thực sự nghĩ đến những vấn nạn này ? Những gì bạn viết có liên quan đến nhân cách của bạn không ? công việc của bạn ? những tương quan của bạn ? Có lẽ mỗi trong lãnh vực này ? Dù sao, phải chăng chúng không hệ tại những điều quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn và cấp bách sao ? Tất cả những câu hỏi này hình thành nên chất thể của đời thường của chúng ta, chính chúng làm cho chúng ta bận tâm hơn tất cả.

Bây giờ, bạn hãy tự hỏi mặt nào của tờ giấy là những câu hỏi luân lý thực sự. Tôi nghĩ rằng những câu hỏi mà bạn tự nhủ về chúng : « Tôi thực sự phải lưu tâm đến chúng » không phải là những câu hỏi mà bạn xem như là bản chất hay là trung tâm của luân lý.

Nhưng phải chăng chẳng đúng hơn khi nói rằng những vấn đề đặc thù huy động sự chú ý của chúng ta trong đời thường cũng thuộc về đời sống luân lý sao ? Làm thế nào để không chiếm quyền nơi người phối ngẫu của mình, để nói chân thành với ông chủ của mình hay là để đề cập một chủ đề như thế với con gái của mình ? Đó chẳng phải là những vấn đề luân lý thực sự đang yêu cầu một giải pháp đó sao ? Chuẩn bị bài giảng, những nhu cầu thiết yếu của ê-kíp giáo  xứ, sự khó khăn tương giao với linh mục trẻ nọ, chúng chẳng phải là những vấn đề luân lý sao? Cũng thế bệnh nghiện ăn, những cơn nóng giận, tính rụt rè hay là những nghi ngờ đối với bản thân sao? Đó chắc chắn là những vấn đề mà chúng ta gặp phải thường ngày và đó cũng là những nhiệm vụ luân lý. Dù sao, chính với thể loại câu hỏi này mà chúng ta chiến đấu khi chúng ta tự hỏi : « Hôm nay, tôi phải làm gì cho Chúa Kitô ? »

CUỘC SỐNG ĐỜI THƯỜNG THUỘC VỀ LUÂN LÝ

Danh sách đầu tiên các câu hỏi luân lý mà bạn đã thảo ra có thể liên quan đến những vấn đề nghiêm trọng. Thế nhưng, tôi dám khẳng định rằng quả là cần thiết khi hình dung lại luân lý như cũng chạm đến những điều đời thường nhất. Bởi thế, cần phải suy nghĩ đến tất cả những câu hỏi rất nghiêm chỉnh này, mà hằng ngày khêu gợi sự chú tâm của chúng ta, tâm hồn và tâm trí của chúng ta.

Đối với người phải chịu một sự thiệt thòi về thể lý, trí tuệ, cảm xúc hay tâm lý, thì bổn phận luân lý hệ tại chăm lo đến sự thiệt thòi của người ấy bằng cách tìm kiếm sự hội nhập xã hội. Cũng thế, những năm tháng mà biết bao nhiêu bậc cha mẹ (nhất là những người nữ) trải qua để chăm lo cho con cái, và những năm tháng mà biết bao nhiêu người trưởng thành (nhất là những người nữ) trải qua để chăm lo cho các bậc cha mẹ của họ, có liên quan nhiều đến đời sống luân lý.

Chúng ta tự hỏi hai điều. Trước tiên, tại sao chúng ta khó khăn nghĩ rằng những vấn đề rất đời thường nhưng dù sao lại quan trọng, có ảnh hưởng to lớn, cấp bách có thể là những vấn đề luân lý ? Và tiếp đến, chúng ta phải làm gì để giải quyết tốt hơn những vấn đề đời thường này ?

Để trả lời cho câu hỏi đầu tiên, dường như việc chúng ta dễ dàng đồng hóa luân lý với những vấn đề như phá thai, gây chết êm dịu, chiến tranh hay ly dị phản ánh xác tín rằng đời sống luân lý chủ yếu hệ tại tránh tội. Nhà luân lý dòng Tên John Mahoney, trong cuốn sách [5] của mình, cho rằng, từ thế kỷ thứ VI, các kitô hữu đã liên kết thần học luân lý với tội lỗi. Vào thời kỳ này, các vị hữu trách của Giáo Hội giải thích rằng biết tội lỗi của mình là một trong những phương cách kiểm điểm đời sống luân lý của người đó. Trong vòng 5 thế kỷ tiếp theo, các tu viện trưởng trong các đan viện đã thiết lập cho các cha giải tội những danh sách các tội kèm theo những việc đền tội thích hợp. Người ta bắt đầu phán đoán về luân lý tính của mình theo những danh sách này. Phương pháp được sử dụng ít khác với phương pháp về sau khi người ta đưa ra những cuốn thủ bản, các chỉ nam giải tội và những danh sách các tội khác.

TỰ ĐỊNH NHỮNG MỤC TIÊU TÍCH CỰC

Đối lại, John Mahoney nhận xét rằng, ngày nay, các kitô hữu cần một cái nhìn tích cực về đời sống luân lý. Không phải chỉ tránh tội ; cũng cần phải tự định những mục tiêu và tự hỏi có thể làm gì cho Chúa Kitô, cho Giáo Hội, cho chính bản thân và cho tha nhân của mình. John Mahoney không phải là người duy nhất nói điều đó. Chính Đức Giáo Hoàng cũng liên lỉ khuyến khích người Công giáo xem mình như là những người mà, trong hành động của mình, được kêu gọi lớn lên trong sự tự do trước mặt Chúa Kitô. Để đạt đến đó, cần phải hiểu rằng đời sống luân lý không chỉ hệ tại việc tránh điều dữ, nhưng còn làm điều thiện nữa.

Thực ra, nếu bạn xem hai danh sách mà bạn đã thiết lập trước đây, thì có lẽ bạn sẽ công nhận rằng có một sự khác biệt chính yếu giữa chúng : danh sách đầu tiên liên quan đến những tội lỗi phải tránh (chết êm dịu, phá thai, ly dị), danh sách thứ hai liên quan đến những gì bạn có thể làm để cải thiện hoàn cảnh bạn đang sống. Nếu bạn phải nói với một người nào đó, làm việc với đề tài gì, quan tâm đến vấn đề nào khác, thì đó không phải để « tránh tội » nhưng để làm cho thực sự tốt đẹp hơn những gì đang tồn tại : bạn muốn có những tương quan tốt đẹp hơn với con cái của bạn, cha mẹ của bạn, người phối ngẫu của bạn, những thành viên trong nhóm của bạn, cha sở của bạn hay là những người bạn đồng nghiệp trong cộng đoàn của bạn. Những vấn đề xâm chiếm tâm trí bạn khi bạn thức dậy sáng nay là thuộc phần những ưu tiên của cuộc sống của bạn, nhờ đó bạn hy vọng làm phong phú cuộc sống của mình và cuộc sống của những người thân yêu của bạn.

Những mục tiêu tích cực như những mục tiêu mà chúng ta vừa mô tả mở rộng phạm vi của đời sống luân lý. Thánh Tôma Aquinô đã bắt tay vào nhiệm vụ như thế. Vào thế kỷ thứ VII, đa số các tu sĩ dòng Đa Minh đã nghiên cứu một danh sách các hành động, chủ yếu là các tội lỗi [6] như là điểm xuất phát của việc giảng thuyết luân lý. Thánh Tôm đã canh tân bằng cách viết cuốn Tổng Luận Thần Học, trong đó, thay vì bàn luận về các hành động xấu, ngài đã đặc biệt tìm cách nói Thiên Chúa là ai, Chúa Kitô là ai và ai mà chúng ta phải trở thành. Về điểm cuối cùng này, ngài đã đưa vào một thần học các nhân đức, bằng cách khẳng định rằng nhiệm vụ ưu tiên của chúng ta trên bình diện luân lý không hệ tại việc tránh tội hay những hành vi xấu, hơn là thủ đắc những thói quen lành mạnh. (Tuy nhiên, một điều tra được thực hiện vào thời của thánh Tôma về việc bán sách cho thấy rằng phần của tác phẩm của ngài bản về các hành vi phải tránh đã được bán nhiều hơn là những phần khác của cuốn Tổng Luận !). Bởi thế, có thể nói rằng chương trình của thánh Tôma ít khác với chương trình mà chúng ta có khi thức dậy vào buổi sáng : đối với ngài, nó hệ tại vun trồng những thói quen và ưu tiên những hành động hẳn sẽ làm cho cuộc sống phong phú hơn.

CÁC HÀNH VI NHÂN LINH THUỘC VỀ ĐỜI SỐNG LUÂN LÝ

Để trả lời cho câu hỏi thứ hai, thánh Tôma đề nghị ba hướng đặc biệt thú vị. Để đề cập đời sống luân lý cách tích cực và toàn thể hơn, trước tiên, ngài viết rằng mọi hành vi nhân linh đều là luân lý. Đối với thần học luân lý, không có khẳng định nào quan trọng hơn khẳng định đó. Nó có nghĩa rằng mọi cách cư xử hay mọi cách thức hành động, từ khi mà chúng ta thực sự muốn chúng, đều thuộc về đời sống luân lý. Những cách thức mà chúng ta giảng dạy, rao giảng, nói năng, hướng dẫn, gặp gỡ người khác, bàn luận, lau chùi, etc. đều thuộc về cách cư xử luân lý. Chẳng hạn, chúng ta ý thức rằng theo cách thức mà chúng ta nói với con cái chúng ta, với những người già, với nhân viên, với hàng xóm hay với người phối ngẫu của chúng ta, chúng ta có thể nắm bắt những cơ hội làm cho đời sống luân lý của chúng ta tốt hơn (hay xấu hơn). Chúng ta cũng biết rằng những cơ hội này có nhiều và đó là lý do tại sao chúng ta nghĩ đến chúng lúc thức dậy.

Hướng thứ hai mà thánh Tôma đề nghị là lôi cuốn sự chú ý đến sự kiện rằng tất cả những gì chúng ta làm hay hầu như tác động đến chúng ta cách đặc biệt. Nếu nhà điêu khắc, họa sĩ, thợ mộc hay thi sĩ thực hiện những công trình nghệ thuật, thì đa số những hoạt động thường ngày của chúng ta lại có liên quan đến những điều phải làm hơn là những công trình phải sáng tạo. Những gì chúng ta làm đều tác động đến chúng ta : nếu làm tốt, thì điều đó nâng chúng ta lên ; nếu làm tồi, thì điều đó nhấn chìm chúng ta. Như thế,  một cuộc chạy đua khỏe sẽ giúp cho người chạy đua chạy giỏi hơn ; một vở múa ba-lê mang dấu duyên dáng sẽ đóng góp vào việc cải tiến người khiêu vũ ; và một quyết định đúng đắn cho phép các bậc cha mẹ giáo dục con cái tốt hơn. Đang khi một cuộc chạy đua mệt lử, một buổi trình diễn cẩu thả hay một phán đoán sai lầm sẽ nhấn chìm chúng ta. Những hoạt động này, những hoạt động của đời sống luân lý thường ngày, là « tự tại » (immanentes), như thánh Tôma nói : những hiệu quả của chúng dội sang tác giả của chúng. Nó hệ tại một ý tưởng mạnh mẽ và tuyệt vời, được tóm kết trong câu này : « Chúng ta trở thành những gì chúng ta làm.» Điều đó xem ra đúng đắn.

Nếu chúng ta hành xử như là những kẻ điên để đi làm việc, thì có biết bao cơ may chúng ta trở thành điều đó. Nếu chúng ta đối xử các bệnh nhân của chúng ta cách cao ngạo, thì chúng ta cũng có nguy cơ đối xử như thế đối với người bạn đời của chúng ta, các đồng nghiệp và bạn bè của chúng ta. Nếu sự kiện sống với một số bạn bè ngăn trở chúng ta giữ bí mật, thì chúng ta cũng sẽ không thể giữ bí mật với những người khác. Tắt một lời, chúng ta không thể nghĩ rằng cách thức mà chúng ta hành động bây giờ sẽ không sớm hay muộn có một số hiệu quả trên chúng ta : chúng ta trở thành những gì chúng ta làm.

Chung cuộc, nếu chúng ta muốn trở nên tốt hơn và tự do hơn, thì chúng ta phải nhận ra nhiều cơ hội mà đời sống luân lý đề tặng cho chúng ta và tận dụng chúng. Vì mục đích ấy, thánh Tôma đã đề nghị nhờ đến một số luyện tập : vì mọi hành vi đều tác động đến đời sống luân lý, nên chúng ta phải hướng dẫn các hành động của chúng ta đến độ chúng ta có thể trở nên những con người mà chúng ta muốn trở thành vì Chúa Kitô. Luyện tập là con tim của đời sống luân lý. Nếu chúng ta cần trở nên kín đáo hơn, thì chúng ta phải tập luyện kín đáo. Nếu chúng ta cần trở nên can đảm hơn, thì chúng ta phải luyện tập can đảm. Nếu chúng ta cần lớn lên trong sự trung tín, thì chúng ta phải nhờ đến những luyện tập thích hợp. Những luyện tập này giúp chúng ta trở nên chính những con người đó mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta trở nên.

Những hướng mà thánh Tôma mở ra như thế giúp chúng ta hiểu rằng đời sống luân lý là một tổng thể và giúp phân định những gì chúng ta có thể làm để cải thiện nó. Nhưng nhất là chúng giúp hiểu rằng đời sống luân lý vượt xa những vấn đề chủ chốt và cấp bách liên quan đến sự sống và sự chết. Đó là những gì mà thánh Tôma nghĩ. Thế nhưng, chúng ta không cần đến uy tín của ngài để được thuyết phục về điều đó, vì ngay cả trong màn sương dày đặc ban mai, chúng ta đã biết điều đó rồi.

 Chương 3

PHÂN ĐỊNH TRONG MỘT THẾ GIỚI PHỨC TẠP

Chúng ta hãy tưởng tượng cảnh tượng này : một cử tọa  gồm những vị hữu trách mục vụ tham dự vào một cuộc tranh luận mâu thuẫn về việc đồng hành luân lý trong thế giới hôm nay. Một trong những vị chủ chốt là linh mục và là thần học gia, và người kia là một bà mẹ gia đình, bà có ba người con và bà đang bảo vệ luận án tiến sĩ thần học.

Vị linh mục thần học gia bắt đầu bằng duyệt lại kỹ càng những xáo trộn, những tính đôi ngả và những nố lương tâm mà các giáo dân đương đầu trong đời sống thường ngày. Ông khẳng định tầm quan trọng đối với các vị hữu trách mục vụ là có một sự hiểu biết rõ ràng và vững chắc về những vấn đề đa dạng, để khuyên người khác bằng cách dựa vào chính những khái niệm và những nguyên tắc rõ ràng và chắc chắn.

Bà sinh viên đáp lại rằng những mục tử giỏi nhất là những người không quá bận tâm mang lại những câu trả lời rõ ràng. Đúng hơn, họ lo đến việc hiểu và cân nhắc những thế đôi ngả của cuộc sống thường ngày. Bà nhận xét rằng một sự đồng hành chất lượng phụ thuộc vào khả năng nắm bắt tính phức tạp. Những vấn đề phức tạp cần thiết có một sự lắng nghe chăm chú và một lời nói thích hợp : những vấn đề tế nhị đòi hỏi những câu trả lời khôn khéo. Đối với bà, những người xin trợ giúp cần người ta soi sáng cho họ về các nhân đức chứ không phải trình bày cho họ những nguyên tắc hay đề nghị cho họ những giải pháp chế sẵn. Chắc chắn những nguyên tắc có giá trị rõ ràng và chính xác. Nhưng vì chính những lý do này, chúng thiếu đi ý nghĩa của những sắc thái, tính linh hoạt và sự mềm dẻo mà những vấn đề của đời thường đòi hỏi.

CẦN PHẢI ĐỀ NGHỊ CÁC NHÂN ĐỨC HAY NHỮNG NGUYÊN TẮC ?

Tôi nghĩ những nhận xét của người phụ nữ này phản ánh rõ ràng kinh nghiệm mà chúng ta có với tư cách là những người hữu trách mục vụ. Chẳng hạn, người bạn đời bị mất việc sẽ ít giải quyết các vấn đề nảy sinh từ đó (chẳng hạn việc giảm giá hình ảnh chính mình, căng thẳng giữa vợ chồng và những khó khăn tài chính) bằng việc chỉ nghe trình bày những nguyên tắc rõ ràng. Ngược lại, một cuộc đối thoại xung quanh những đức tính tình bạn, lòng chung thủy, sự can đảm, sẽ mở ra một phạm vi hiểu biết rộng lớn hơn ; nó sẽ cho phép việc chia sẻ những kinh nghiệm và chắc chắn sẽ tỏ ra rất là bổ ích. Cũng thế, người bị bạn đồng nghiệp quấy rối hay bị người bạn đời bạc đãi sẽ có thể được trợ giúp bằng một sự trao đổi về sự can đảm và công bằng, thích hợp cho việc gắn lại những tình cảm xung đột đang thúc đẩy nạn nhân. Người chồng (hay người vợ) mà người yêu của họ đang được hồi sinh nhưng không có hy vọng chữa lành mấy, có thể tìm kiếm sự trợ giúp nơi sự tiếp đón của giáo xứ, nhưng không vì thế mà yêu cầu một lời khuyên đặc biệt để quyết định. Đúng hơn, nó hệ tại cung cấp một khung cảnh mà từ đó người chồng hay người vợ sẽ có thể kiểm tra những chọn lựa có thể xem xét khác nhau để tiếp tục việc chữa trị hay để cắt đứt nó. Một lối tiếp cận bằng các nhân đức cho phép thiết lập một cuộc đối thoại giữa người mang lại sự trợ giúp mục vụ và người yêu cầu sự trợ giúp đó.

Những ví dụ này trong số những ví dụ khác là phần vụ thường ngày của việc đồng hành luân lý ở giáo xứ hay nơi tiếp đón mục vụ. Điều đó có thể gây ngạc nhiên, vì chúng ta quen đọc những đầu đề lớn của các tờ báo của chúng ta nói về phá thai, ly dị, đồng tính luyến ái hay thậm chí ngừa thai. Những đầu đề lớn này chắc chắn liên quan đến nhiều giáo dân giáo xứ nhưng đa số thời gian, khi có người xin gặp một thành viên của nhóm mục vụ, hoặc là họ đang tìm kiếm một sự đồng hành thiêng liêng hoặc là họ đến xưng tội, thì lời khuyên mà họ tìm kiếm lại phức tạp nhiều hơn chỉ là vấn đề biết « liệu họ phải ly dị hay không », « liệu họ phải phá thai hay không ». Những vấn đề hiếm khi được đặt ra cách đơn giản như thế. Nói chung, chúng  được trình bày cách lờ mờ và bình thường, theo hình ảnh của cuộc sống.

Khác với những cuộc tranh luận nằm ở trang nhất của các tờ nhật báo của chúng ta, những trao đổi này cho phép một cuộc gặp gỡ đích thực giữa hai con người đang thử phân định cách thức hành động đúng đắn. Nói tóm lại, đó là, tôi tin như thế, những cuộc đối thoại khôn ngoan. Chúng ta có đằng sau chúng ta một lịch sử dài mà những cuộc đối thoại như thế có chỗ của chúng.

LỊCH SỬ VẮN TẮT VỀ SỰ ĐỒNG HÀNH LUÂN LÝ

Trong suốt các thế kỷ, những người chịu phép rửa đã tìm kiếm nơi các vị hữu trách mục vụ những lời khuyên thực hành để hướng dẫn cuộc sống của mình. Chẳng hạn, từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ X, những người Châu Âu khi tìm kiếm việc linh hướng đã xin ơn tha thứ cho tội lỗi của họ. Vì mong muốn hiểu tính nghiêm trọng của tội lỗi và nội dung của những việc đền tội mà họ phải thực hiện, nên họ đã hướng đến các đan sĩ. Cũng thế, từ thế kỷ thứ XI đến thế kỷ thứ XV, những thành viên của Giáo Hội đã nhờ đến các nhà giảng thuyết chuyên về các nhân đức và các tật xấu để hiểu mình tốt hơn và cũng để hiểu tốt hơn con đường cứu độ. Về sau, người ta nhờ đến các chuyên viên giải nghi học để biết những gì được phép hay bị cấm làm như là công nhân, tha nhân và tín hữu. Sau cùng, trong vòng hai thế kỷ trước Công đồng Vatican II, những ví dụ được rút ra từ hiện thực đã được tập hợp lại và được hệ thống hóa dưới hình thức các thủ bản, bằng những chương khác nhau, bàn về tầm quan trọng luân lý của sinh hoạt đời thường của con người.

Trong suốt mỗi giai đoạn này, các thần học gia luân lý đã dùng các sách chỉ nam cho các nhà đồng hành địa phương. Họ đã viết các « Cáo giải chỉ nam », tức là những thủ bản cung cấp cho các đan sĩ những loại tội lỗi chi tiết với việc đền tội tương xứng. Thánh Tôma Aquinô và biết bao người khác đã viết những cuốn « Tổng Luận » mô tả những nhân đức cần thiết cho đời sống ngay thẳng. Đến lượt mình, các chuyên viên giải nghi học nghiên cứu các trường hợp mà các mục tử đưa cho họ và chính những mục tử này cũng nắm giữ về các công nhân và các giáo dân giáo xứ. Sau hết, những thủ bản này, vì có tính cách vụ luật, nên đã ít liên quan tới chất liệu do vị mục tử cung cấp nhờ lắng nghe các tín hữu của mình hơn là tới chất liệu của nhà trí thức đang nỗ lực suy tư. Thần học luân lý đã thực sự bắt đầu phục vụ Giáo Hội.

Tuy nhiên, việc đồng hành lúc đó là rất khác với những gì mà người ta hiểu về nó hôm nay. Các cáo giải chỉ nam, các tổng luận, và các thủ bản khác đã khéo léo thử giải quyết những vấn đề chính yếu mà các mục tử gặp phải. Mỗi thứ đã cố gắng tưởng tượng ra các trường hợp khác nhau mà các kitô hữu có thể đặt ra cho các vị hướng dẫn lương tâm và cũng là cố vấn thiêng liêng của họ. Đôi khi vị hướng dẫn lương tâm này chỉ phải tham khảo các bản văn để tìm ra hành vi liên quan và sự lượng giá luân lý hành vi đó. Chưa bao giờ đơn giản như thế, tất nhiên là thế, nhưng điều đó đã cố gắng như thế.

SỰ KHÔN NGOAN, HƠN LÀ NHỮNG PHÁN ĐOÁN CHẾ SẴN

Sự trợ giúp được mang lại là hữu ích và kêu gọi đến sự khôn ngoan. Như thế, các vị mục tử đã hưởng được một sự trợ giúp cho phán đoán khôn ngoan và trong chừng mực các lời khuyên là đúng đắn, thì chúng được tỏa lan rộng rãi. Ngay lúc đó, các mục tử đã có được những câu trả lời chính xác, với những danh sách các hành động được phép hay bị cấm. Nhưng sau những thay đổi đã diễn ra trong suốt những thập niên vừa qua, những thực hành như thế không còn thích hợp nữa. Người ta hiếm đến gặp các vị hữu trách mục vụ để xin họ một ý kiến đặc thù nào hay để đóng khuôn dấu của họ trên một quyết định đã được quyết rồi. Người ta chờ đợi họ chia sẻ sự khôn ngoan (prudence) của họ. Qua thuật ngữ này, tôi không ám chỉ cái thói quen xấu là làm cho lợi ích cá nhân thắng thế : chính như thế mà người ta có khuynh hướng sai lầm xem sự khôn ngoan thời gian gần đây. Trái lại, đức khôn ngoan là nghệ thuật đưa ra những quyết định có trách nhiệm. Chính nhờ nhân đức này mà người ta có thể dự định và thậm chí tự định những mục tiêu hợp lý và có thể đạt tới, thích hợp làm cho vươn tới cuộc sống mà người ta muốn sống, bằng cách tìm ra những phương thế hành động đặc thù sẽ cho phép đạt tới những mục tiêu như thế. Đức khôn ngoan giúp chúng ta đảm nhiệm cuộc sống của chúng ta.

Khi tìm kiếm một người đồng hành luân lý, người giáo dân bình thường xin được nâng đỡ để đạt tới kết quả là đưa ra những quyết định cá nhân và, tuy nhiên, khách quan. Họ ao ước một cuộc đối thoại làm cho phong phú mà không cung cấp cho họ những chuẩn mực khôn ngoan nhưng làm cho họ lớn lên trong đức khôn ngoan. Những gì họ muốn, đó là đạt tới một quyết định có trách nhiệm hơn. Họ tin chắc rằng nhân đức khôn ngoan (tức là khả năng đưa ra những quyết định có trách nhiệm) được thủ đắc và được hoàn thiện trong chừng mực người ta suy nghĩ cách trung thực đến đời thường với một người được nhìn nhận vì sự khôn ngoan của người ấy.

Bởi thế, sự đồng hành luân lý đã biết đến một sự thay đổi tận căn : trước Công đồng Vatican II, người ta xin các mục tử đưa ra những phán đoán khôn ngoan ; ngày nay, người ta xin họ khai dẫn chính những người khác phân định cách khôn ngoan.

TẠI SAO CÓ MỘT SỰ THAY ĐỔI NHƯ THẾ ?

– Có một đời sống luân lý ngay thẳng đã trở nên một nhiệm vụ có tính phức tạp không tưởng được. Thử lấy gia đình làm ví dụ và cách thức mà những biến chuyển nhân khẩu đã tác động đến nó, làm cho phức tạp cuộc sống của nó dưới biết bao phương diện : những doanh nghiệp gia đình đã nhường chỗ cho những doanh nghiệp đa quốc gia với sự tăng trưởng nhanh chóng ; đời sống gia đình chịu ảnh hường bởi truyền hình và những phương tiện truyền thông khác, tiếp cận việc ngừa thai, những phong trào đòi quyền nữ giới, etc. Những vấn đề chạm đến giáo dục con cái, việc làm, giáo dục và sự thỏa thuận vợ chồng bo buộc, như chưa bao giờ có trước đây, lưu tâm đến một loạt những thông số.

– Ngày này, các tín hữu lãnh nhận một nền giáo dục chuyên sâu hơn nhiều so với trước đây. Gần đây, tờ New York Times đã tường thuật rằng những người Công giáo ở Hoa Kỳ, dù là da trắng hay đen, đều đã có khả năng hơn những người khác được cấp bằng trung học và đại học. Từ đó, hẳn sẽ sai lầm khi nghĩ rằng người nào đến xin lời khuyên đều bằng lòng với một danh sách các giới răn hay lệnh cấm. Trình độ học thức và kinh nghiệm của các tín hữu không cho phép những chỉ thị hời hợt. Những gì mà họ tìm kiếm, đó là một sự hiểu biết sâu xa hơn về đời sống luân lý.

– Sự tiến bộ về nhân quyền và về sự bất phân biệt kỳ thị, những nền dân chủ mới và sự lật đổ các cơ cấu áp bức đã dẫn đến ý thức rằng những người trưởng thành có khả năng dẫn dắt cuộc đời của họ. Tuy nhiên, những ý tưởng này không phải là của riêng của thế giới thế tục. Vào thế kỷ XIII, thánh Tôma Aquinô đã viết rằng không vâng theo lương tâm của mình luôn là một tội, và việc không vâng theo lương tâm thì nghiêm trọng hơn là bị tuyệt thông. Vào thế kỷ XX, thần học gia John Courtney Murray [7] đã bảo vệ lương tâm trong các bài viết của mình và Vatican II đã tuyên bố tự do tôn giáo. Gần đây hơn, các giám mục Công giáo Hoa Kỳ [8] đã khuyến khích các tin hữu nghe theo lương tâm của họ. Bởi thế, những phong trào dân sự và tôn giáo cùng nhau đóng góp vào việc thức tỉnh các người đương thời của chúng ta trước bổn phận của mỗi người huấn luyện và nghe theo lương tâm của mình. Vậy mà nhiệm vụ này giả thiết rằng người ta lớn lên trong nhân đức khôn ngoan.

Vì cuốn sách này muốn nên hữu ích cho những người nào đồng hành với những người chịu phép rửa khác trong cuộc sống luân lý, nên nó cần phải giải quyết vấn đề mà Giáo Hội đang đương đầu hôm nay : làm thế nào dân Thiên Chúa, mà chúng ta hình thành nên, có thể lớn lên trong đức khôn ngoan ?

Chương 4

LỜI MỜI GỌI LỚN LÊN CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

Chẳng phải biết bao nhiêu lần, nơi một đôi vợ chồng, người vợ hoặc chồng đã không khám phá ra rằng những vấn đề lớn lao nhất trong hôn nhân là do sự thiếu trưởng thành ? Chẳng phải có biết bao nhiêu mục tử không biết rằng những khó khăn phải chịu đựng nhất, những khó khăn hút nhiều thời gian nhất và kéo dài lâu nhất, đều gắn liền với tính trẻ con của một người trong nhóm của mình ? Chẳng phải có biết bao nhiêu cộng đoàn tu trì bị gò bó bởi những đòi hỏi của một trong những thành viên của mình xử sự như là đứa con cưng ? Chẳng phải là có biết bao nhiêu tình bạn đã trở nên khó chịu nổi bởi những thái độ chẳng đừng được mà một người đã không chịu thay đổi từ thời niên thiếu tự cho phép mình ? Chẳng phải là bao nhiêu người trong chúng ta không biết rằng những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc sống của chúng ta đến từ một số nét của tuổi trẻ mà chúng ta đã vẫn còn chưa muốn đương đầu ?

Lời mời gọi trở nên kitô hữu là một lời mời gọi lớn lên. Châm ngôn của lương tri này, nhưng mà bổ ích, lại xuất hiện rất ít trong lịch sử dài của thần học luân lý. Người ta hiếm tìm thấy ở đó những câu hỏi được trình bày dưới hình thức thách đố phải đáp lại : « Bạn trở nên trưởng thành hơn không ? » hay « Bạn có trở nên tốt hơn trong Chúa Kitô vì lợi ích của Giáo Hội của bạn không ? » hay còn nữa : « Bạn làm chán chê rồi chưa ? » hay « Bạn có lớn lên không ? »

Hoàn toàn trái lại, có những câu hỏi được đặt ra ngăn cản chúng ta hành động : « Có phải bạn đã phạm tội khi hành động như thế không ? Bạn có hiểu rằng khi làm điều này theo cách đó, bạn có nguy cơ phạm tội không ? » Thần học gia John Mahoney phân định những gì ông gọi là « sự ám ảnh tội lỗi của chúng ta ». Ông nhận xét : « Việc thần học luân lý yêu thích đặc biệt một linh đạo bệnh lý đã dẫn nó đến chỗ hầu như hoàn toàn để mặc việc xem xét điều thiện trong con người cho các môn thần học khác, đặc biệt cho những gì mà người ta gọi là thần học linh đạo [9]. »

Từ đó, khi người ta định nghĩa đức khôn ngoan, chẳng hạn, như là sự kiện có nhiều đề phòng hay do dự, thì người ta vẫn còn ưu đãi tội lỗi đến độ thiệt hại cho sự lớn lên. Về phần mình, Aristote và Tôma Aquinô đã mô tả đức khôn ngoan như là khả năng tự định những mục tiêu dài hạn hay ngắn hạn. Khả năng mà cách cổ điển được xem như là nhân đức của sự lớn lên do đó đã lãnh nhận một ý nghĩa mới mẻ.

CHUYỂN ĐỘNG CỦA TIN MỪNG

Trước khi theo đuổi lịch sử thần học luân lý này, chúng ta hãy dừng lại ở những thẩm quyền được cho là hàng đầu trong đời sống kitô hữu, tức là Kinh Thánh và truyền thống thần học. Trong Kinh Thánh, tiếng gọi bước theo Chúa đã luôn được hiểu như là một lời mời gọi tiến tới. Thánh Phaolô viết : « Quên đi chặng đường đã qua và lao mình về phía trước, tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu» (Phil 3, 13-14). Luôn luôn đang chuyển động, thánh Phaolô cho là thích đáng hình ảnh về sự vươn tới thúc đẩy tiến lên trên con đường của Chúa. Ngài than trách khi những người Galát bị vấp váp và ngài nói với họ : « Anh em đang chạy ngon trớn như thế » (Gal 5, 7).

Nếu Phaolô nại đến hình ảnh cuộc hành trình, thì đó là vì nó có nguồn gốc nơi kinh nghiệm riêng của ngài về Chúa Kitô : Chúa Kitô đã đột nhập vào trong đời sống của ngài đang khi ngài trên đường đến Damas để bắt bớ các kitô hữu. Phaolô là một lữ khách vĩ đại, trước cũng như sau khi ngài trở lại. Khi ngài gặp Chúa phục sinh, ngài đã được sai đi trên con đường ngay lành, nhưng bất chấp tất cả, ngài biết rằng những quãng đường dài đòi hỏi sự bền chí. Những chuyến hành trình do Phaolô thực hiện, được kể lại trong sách Công Vụ Tông Đồ của Luca, làm vang dội lại những chuyến hành trình của Chúa Giêsu mà, trong Tin Mừng, đã tiến bước lên Giêrusalem. Bước theo những bước chân của Chúa Gieessu trở thành ơn gọi của người môn đệ : vị lữ khách đầu tiên là chính Chúa đã mời gọi mỗi người hành hương theo đuổi con đường của ngài.

Lịch sử Tin Mừng tràn đầy những con người đang chuyển động : các mục đồng vội vã đến máng cỏ cũng như các Đạo sĩ đi theo ngôi sao ; Giakêu trèo lên một cái cây và Lêvi rời bỏ bàn thu thuế ; người phụ nữ bị bệnh băng huyết mở lối giữa đám đông và người bại liệt gặp Chúa bằng lối vào mái nhà ; người con hoang đàng và người cha của anh ta chạy đến gặp nhau ; ông Giairô và Nicôđêmô vượt qua rào chắn xã hội để gặp Chúa Giêsu ; Cornêliô đến thăm Phêrô. Các Tin Mừng đầy những câu chuyện mà các nhân vật tiến bước với những đám đông tới Chúa.

Nếu muốn hiểu hệ tại điều gì mà luân lý các nhân đức đề nghị một kim chỉ nam cho cuộc sống, thì nên tham khảo tác phẩm của MacIntyre « Après la Vertu », trong đó ông gợi ý rằng vấn đề của luân lý xoay xung quanh ba câu hỏi : Tôi là ai ? Tôi phải trở nên ai ? Tôi phải đạt tới đó như thế nào ? Câu trả lời cho mỗi câu hỏi này có liên quan đến các nhân đức. Nếu người ta dựa vào danh sách cổ điển các nhân đức bản lề, thì câu hỏi đầu tiên không còn đơn giản là : « Tôi là ai ? » nữa, nhưng nó trở thành : « Tôi có sống công bằng, tiết độ, can đảm và khôn ngoan không ? » Câu hỏi thứ hai dẫn về câu hỏi thứ nhất : nếu người ta tự hỏi : « Tôi phải trở nên ai ? », thì người ta có thể giả thiết rằng câu trả lời sẽ là : « Người nào đó công bằng hơn, tiết độ hơn, can đảm hơn và khôn ngoan hơn. » Câu hỏi thứ ba có thể được diễn tả như sau : « Nơi những thực hành đức hạnh nào mà tôi phải chú tâm vào để đạt tới mục tiêu này ? » Paul Waddell tóm tắt câu trả lời cho ba câu hỏi này như sau : « Dự phóng của đời sống luân lý là trở thành một người nào đó. » Chính con người đó là đức hạnh.

Bởi thế, nhiệm vụ của nhân đức phải được định nghĩa như là sự thủ đắc và việc vận dụng những thực hành mà hoàn thiện tác nhân với tư cách là nhân vị luân lý bằng việc làm cho nó hành động tốt về mặt luân lý. Nhờ những thực hành hay nhân đức này, tính cách và các hành vi trở nên tốt hơn [10].

TIẾN TỚI : MỘT TIẾNG GỌI VÀ MỘT TRUYỀN THỐNG

Các trình thuật của các Tin Mừng đã không bị quên lãng trong truyền thống của Giáo Hội. Chúng trở thành nền tảng cho một mệnh lệnh luân lý mới : tiến tới. Đức Grêgôriô Cả viết : «  Không bao giờ được phép ở lại mãi cùng một chỗ vì nếu ta không nỗ lực vươn lên đỉnh cao, thì ta sẽ trượt xuống vực sâu. » Thánh Bênađô nói tương tự : « Trên con đường của cuộc sống, không tiến, tức là lùi. » Tôma Aquinô dựa vào đức Grêgôriô Cả cũng như thánh Bênađô và tóm tắt hai viễn ảnh của các ngài như sau : « Đứng yên bất động trên con đường của Chúa, đó là thụt lùi. »

Tiếng gọi luân lý lớn lên và trở nên tốt hơn này không có tham vọng biến chúng ta thành những vị thần. Đó là tham muốn của những ai ăn trái cây của vường Địa Đàng, của những ai xây dựng tháp Babel, hay của những ai đã nghĩ, như giám mục Pélage, rằng người ta có thể đạt tới sự hoàn thiện bằng sức lực của riêng mình.

Thánh Phaolô một lần nữa cho chúng ta một giải thích rõ ràng : «Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới để chiếm lấy tất cả điều đó, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Ki-tô Giê-su chiếm đoạt. » (Phil 3, 12). Tiếng gọi tiến tới, lớn lên, không phải thuộc trật tự chọn lựa. Chính Chúa Kitô đã kêu gọi chúng ta. Ngài ban cho chúng ta ân sủng khiến chúng ta đáp trả. Vì Thiên Chúa, chúng ta phải tiến tới.

CÁI NHÌN THOÁNG QUA VỀ THẦN HỌC LUÂN LÝ

Công đồng Vatican II tin là cần thiết phải khuyến khích thần học luân lý « được nuôi dưỡng sâu xa hơn bởi giáo huấn của Kinh Thánh [11]. » Trong phần lớn lịch sử của mình, thần học luân lý đã gán tầm quan trọng cho các tội lỗi hơn là sự lớn lên của các môn đệ. Từ thế kỷ V đến thế kỷ X, các tập chỉ nam giải tội nổi tiếng đã cung cấp cho các cha giải tội những danh sách các tội, để cho phép họ xác định sự nghiêm trọng của các tội và, do đó, những việc đền tội thích hợp. Giá trị luân lý của một người đã không được đánh giá theo những tiến bộ, nhưng theo những tội lỗi của người đó. Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV, các thần học gia kinh viện đã viết các cuốn Tổng Luận của họ, chúng đề cập đến những vấn đề luân lý xuyên qua một lời bình chú những hành vi riêng biệt hơn là nói trực tiếp với những con người. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII đã xuất hiện các chuyên viên giải nghi học, được gọi như thế vì họ đã nghiên cứu luân lý từ những « nố » lương tâm. Trong suốt thế kỷ XIX và thế kỷ XX, các thần học gia luân lý đã bình chú các vị tiền bối của họ : trong các « thủ bản », họ đã kể lại trong chừng mực nào có sự hòa hợp giữa các chuyên viên giải nghi học và các nhà kinh viện về những vấn đề như thủ dâm, điều hòa sinh sản, trộm cắp, nói dối, ngoại tình hay ly dị.

Cả trong hai mươi năm vừa qua, các cuộc tranh luận chủ yếu đã tập trung vào một số cách hành động, để biết liệu tự bản thân chúng có luôn xấu hay không, nói cách khác là xấu tự nội (intrinsèquement mauvaises). Nếu đọc các chỉ nam cáo giải, các nhà kinh viện, các chuyên viên giải nghi học và các nhà soạn thảo thủ bản, thì người ta nhận thấy hàng triệu từ liên quan đến các hành động xấu và chỉ một vài từ liên quan đến những con người hành động tốt. Người ta nhận thấy hàng ngàn câu hỏi liên quan đến tội lỗi, nhưng rất ít câu liên quan đến những mục đích phải theo đuổi, những nỗ lực dấn thân hay những tiến bộ phải tìm kiếm.

[…] Một số người, như William Frankena và Bruno Schüler, đã cho rằng luân lý các nhân đức tự nó không thể tạo nên một phương pháp biện luận trong luân lý. Theo họ, các nhân đức bị hạn chế vào việc bổ sung một phương pháp đang tồn tại rồi ; chúng không cung cấp những chuẩn mực đặc thù cho phép xác định cách hành xử đúng đắn. Frankena và Schüler cho rằng những nguyên tắc và những quy luật là ngăn trở, trong khi đó các nhân đức lại bằng lòng làm cho có thể việc thực hiện những gì mà các nguyên tắc đòi buộc. Đối với họ, các nhân đức có một đặc tính phụ trợ và phái sinh ; cần phải khuyên chúng với tư cách là những thực thi thích đáng và cần thiết cho việc thể hiện mục tiêu mà các nguyên tắc hay các quy luật đặc thù đòi hỏi. Ngược lại, Martha Nussbaum khẳng định rằng những người Hy lạp đã thực sự dùng các nhân đức để đánh giá những cách hành xử luân lý : chúng có thể cung cấp thước đo cho một hành vi luân lý ngay thẳng. Do đó, hẳn là chính những nhân đức, chứ không phải là các nguyên tắc, mới nằm ở nguồn gốc của việc khám phá các hành xử chuẩn mực. Trên thực tế, những nguyên tắc và các quy luật phát sinh từ các nhân đức : những chỉ thị tìm thấy nội dung của chúng trong hành động đức hạnh mà nhân loại đòi hỏi. Trong viễn tượng này, các nhân đức hướng dẫn chúng ta cách thích đáng trong cuộc sống, trái với chức năng phụ trợ mà những người khác gán cho chúng [12].

CÁC NHÀ GIẢNG THUYẾT THỜI XA XƯA

một vài luật trừ. Trong suốt năm thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội, các vị hữu trách kitô đã khuyến khích bước theo Chúa Kitô bằng cách làm cho cộng đoàn tiến bộ và làm chứng cho tình yêu đối với tha nhân ở đây và bây giờ. Họ tự hỏi làm thế nào bước theo con đường của Chúa đang khi hoàn toàn sống trong thế gian. Những vị đặc trách cộng đoàn này – thánh Inhaxiô Antiôkia, Gioan Kim Khẩu, Ambrôsiô, Augustinô và Grêgôriô Cả – nói chung đã đưa ra việc giảng dạy luân lý của mình trong việc rao giảng. Các ngài đã thúc đẩy các kitô hữu tiến tới bằng cách đặt nền tảng suy tư của mình trên các Tin Mừng và trên tiếng gọi của Chúa Kitô. Tuy nhiên, một vài thế kỷ sau, các vị kế nhiệm của các ngài đã đề phòng chống lại những sai lạc. Các vị tiền nhiệm muốn người ta tiến về phía trước ; còn những vị kế nhiệm thì yêu cầu người ta hãy ở yên.

Các nhà giảng thuyết của những thế kỷ đầu tiên chăm lo thúc đẩy chúng ta trên con đường tốt lành. Vì mục đích ấy, họ kêu gọi đến các nhân đức. Khi tập trung vào các nhân đức hay vào việc huấn luyện tính tình, trước tiên, họ không tập trung chú ý vào những cái bẫy và những chướng ngại. Họ quan tâm đến những thực hành mà có thể làm cho người lữ hành tốt hơn. Chức năng chính yếu của các nhân đức là mài sắc sức mạnh, cho dầu chúng cũng giúp người lữ hành kiểm soát những yếu đuối và vượt quá những thiệt thòi của mình. Nét nhấn tích cực và rất cá nhân này, mà riêng biệt cho các nhân đức và người ta nhận thấy nó nơi những bài giảng ban đầu về Tin Mừng, tương phản mạnh mẽ với sự ám ảnh tội lỗi mà người ta gặp thấy về sau.

Tương quan giữa việc loan báo Tin Mừng và việc gợi lên các nhân đức còn xuất hiện nơi thánh Đa Minh, thánh Phanxicô và thánh Clara. Các ngài đã kêu gọi rất khéo léo và cách rất động viên bước đi trên con đường của Chúa. Khác với cuộc sống đan tu của các vị tiền bối của mình, các vị dẫn đường có uy tín cao này của thế kỷ XIII đã thâm nhập vào các thành phố và các đại học mới mọc lên, rao giảng Tin Mừng ở đó và tạo nên những cộng đoàn tu trì để thực hiện chính nhiệm vụ này. Khi kể cho chúng ta lịch sử của việc Thiên Chúa đến với con người, các ngài đã thúc giục chúng ta tiến bước tới Thiên Chúa.

BA CHUYỂN ĐỘNG THEO THÁNH TÔMA

Năm mươi năm sau, thánh Tôma Aquinô đã dùng việc giảng thuyết của mình như là cấu trúc của cuốn Tổng Luận Thần Học đồ sộ của mình, được phân chia thành ba phần: chuyển động của Thiên Chúa đến với con người; chuyển động đáp trả của chúng ta đến với Ngài; và cuộc gặp gỡ của hai chuyển động này trong con người của Chúa Giêsu, là Thiên Chúa và là người. Vì thế, trong mối quan tâm của ngài đối với Tin Mừng và đối với sự tiến bộ của tín hữu, không ngạc nhiên việc thánh Tôma mở đầu phần thứ hai của mình bằng ý tưởng mạnh mẽ này: “Chúng ta có thể tóm tắt toàn đời sống luân lý bằng cách xem xét các nhân đức.” Thánh Tôma, cũng như thánh Augustinô, nhìn thấy nơi các nhân đức phương tiện tuyệt vời để huấn luyện những ai đọc Tin Mừng.

Nhiều lần trong suốt thế kỷ trôi qua, các thần học gia luân lý khác nhau đã thúc giục các đồng nghiệp của mình trở về với Tin Mừng. Sự nhấn mạnh của họ cuối cùng đã dẫn đến lời khuyến khích của Công đồng Vatican II và gần đây hơn đã dẫn đến một sự quan tâm mới mẻ đối với các nhân đức. Do đó, theo ý tôi, các thần học gia luân lý ngày nay có khả năng hơn giúp đỡ các vị giảng thuyết. Khi rao giảng và dạy các nhân đức, các vị hữu trách mục vụ và các thần học gia luân lý có thể cho phép tiếng gọi can đảm của Tin Mừng một lần nữa được lắng nghe.

Tin Mừng chỉ có thể được lắng nghe bởi những ai mà, như người Samaritanô nhân hậu, mong ước bước đi trên con đường của Tin Mừng. Khác với vị linh mục và giáo sư luân lý của dụ ngôn tránh sang bên kia đường, cho rằng chắc ăn hơn là tránh con người bị đánh dở sống dở chết kia, người Samaritanô đã đến gần và đưa người bị thương theo mình. Chính Chúa Giêsu đã trả lời cho câu hỏi được đặt ra: “Làm thế nào tôi có thể có sự sống đời đời?” Nó hệ tại tiến tới trên chính con đường như Ngài.

 Chương 5

MƯỜI HAI CÂU HỎI VỀ LƯƠNG TÂM

Lương tâm là gì?

Lương tâm là tiếng nói Thiên Chúa nơi mình, khiến yêu mến Thiên Chúa, yêu mến chính mình và yêu mến tha nhân. Chính nhờ lương tâm mà chúng ta được mời gọi phán đoán lối hành xử đã qua của chúng ta là tốt hay xâu và quyết định những hành động tương lai của chúng ta.

Phải chăng lương tâm cũng là một thứ như siêu ngã (le surmoi)?

Hoàn toàn không. John Glaser đã cho thấy sự khác biệt giữa hai bên, cách đây hai mươi năm [13]. Siêu ngã là thuật ngữ mà các nhà tâm lý học dựa vào để chỉ tiếng nói bên trong, đến với chúng ta từ thời thơ ấu và những năm đầu tiên của cuộc đời.

Vậy, siêu ngã là gì?

Trong suốt những năm đầu đời của chúng ta, những người chăm sóc chúng ta đã dạy cho chúng ta biết sự an toàn và vệ sinh. Cha mẹ của chúng ta, khi canh chừng chúng ta liên lỉ, đã ngăn cản không để chúng ta chạy phía trước những chiếc xe hơi, bỏ tay vào ổ điện, chơi dao và để bánh trên bậc thềm. Các ngài cũng dạy chúng ta ăn mặc gọn gàng, rửa tay, ăn uống và sử dụng nhà vệ sinh. Những chỉ dạy này đã thường được đưa ra với một quyền uy trổi vượt hơn với quyền uy của chúng ta, được bày tỏ cách ưu tư và thường, hiển nhiên, là bằng những giọng căng thẳng và bực tức.

Khi ta làm điều gì đó sai trái, thì ta bị phạt, thường là bị nhốt vào phòng. Thời gian càng trôi qua, thì ta càng cảm thấy một cảm giác cô độc và ta muốn được phép trở lại nơi gia đình sum họp. Ta thương lượng với cha mẹ, hứa rằng sẽ không làm điều đó nữa và khẳng định rằng ta hối tiếc về điều đó. Dĩ nhiên, sự đau đớn không phát xuất từ sai trái phạm phải cho bằng sự cô độc mà cần phải cắt đứt.

Những kinh nghiệm này tiếp tục sống trong con người trưởng thành của chúng ta, nhờ có siêu ngã. Thỉnh thoảng, lương tâm thúc đẩy chúng ta thay đổi để tiếp tục lớn lên. Đối với một số người, điều đó có thể hệ tại một tiếng gọi tự khẳng định mình hơn, đối với người khác là chấp nhận tốt hơn sự tổn thương. Nhưng cùng với tiếng gọi này, người ta có thể nghe thấy một tiếng nói khác rằng : « Thà ngươi đừng làm điều đó thì hơn, nếu người không muốn cảm thấy tội lỗi. » Tiếng nói này nói thông thường là tiếng nói của siêu ngã. Những tiếng gọi lớn lên từ lương tâm thường vấp phải những đe dọa do siêu ngã thốt ra. Và khi ta quyết định bất chấp tất cả để nỗ lực trong một số lãnh vực nào đó, thì siêu ngã lại xoay xở để tạo nên một mặc cảm tội lỗi gây nên một cảm giác cô độc đáng sợ. Thậm chí đôi khi ta đi đến chỗ nhốt mình trong phòng, điều này tái diễn chính xác sự trừng phạt của cha mẹ.

Vậy cha nghĩ rằng một ý thức cảm thấy « có tội » thì thuộc về lãnh vực siêu ngã hơn là thuộc về lãnh vực lương tâm thực sự ?

Điều đó còn tùy thuộc. Khi ta nói : « Tôi cảm thấy có tội », thì cần phải tự hỏi liệu ta đã làm điều gì sai trái không. Nếu câu trả lời là khẳng định, thì lương tâm hẳn là đang đưa ra phán đoán của mình. Nhưng nếu câu trả lời là phủ định, thì đó hẳn là siêu ngã đang đưa ra những chê trách. Thử lấy ví dụ một người cư xử sai trái đối với tôi từ lâu. Các bạn của tôi gợi ý cho tôi đến nói với người ấy để anh ta ngưng lợi dụng tôi. Tôi tin tưởng vào các bạn của tôi và tôi nhận thấy rằng họ phân tích tốt tình huống, nhưng siêu ngã của tôi lập đi lập lại với tôi : « Ngươi nên tử tế. » Cuối cùng, tôi quyết định đi nói với người đó. Nhưng tiếp đến, có thể là « tôi cảm thấy có tội ». Chắc chắn, cảm giác này có cội rễ của nó nơi siêu ngã : tôi đã vi phạm lệnh truyền nên tử tế của nó và nó đã trừng phạt tôi.

Cũng như việc ta nhận ra sự tồn tại của siêu ngã, thì ta hẳn cũng phải nhận ra sự tồn tại của lương tâm. Cái cảm giác rằng các bạn tôi có lý, tôi phải lớn lên và tôi cần phải đương đầu với con người khó chịu này đến từ lương tâm. Ta càng lớn lên, thì tiếng nói của siêu ngã và tiếng nói của lương tâm thường càng gặp nhau, thỉnh thoàng hòa hợp, thỉnh thoảng lại bất hòa.

Phải chăng siêu ngã là xấu ?

Hoàn toàn không. Dù sao cũng nhờ nó mà ta không chạy phía trước xe hơi, không giỡn chơi với các ổ cắm điện, ta sử dụng nhà vệ sinh và rửa tay. Nhưng khi ta trở nên trưởng thành, ta phải lắng nghe một tiếng nói trỗi vượt hơn, tức là lương tâm, nó xác định điều gì tốt hay xấu.

Nhưng tại sao lương tâm lại quan trọng như thế ?

Nó quan trọng bởi vì chính nhờ nó mà ta đáp lại tiếng gọi của Chúa để trở nên một nhân vị. Chúng ta cần phải trở nên con người mà Thiên Chúa đã làm cho tồn tại và cách duy nhất để hiểu chúng ta được kêu gọi trở nên ai, đó là lắng nghe lương tâm mà cho phép các kinh nghiệm, các quy tắc và cho suy tư hình thành nên sự hiểu biết của chúng ta về hiện thực. Vào cuối cuộc đời, chúng ta sẽ được phán xét liên quan đến lương tâm của chúng ta, tùy theo việc chúng ta đã huấn luyện nó tốt hay xấu, chúng ta đã nghe theo nó hay không.

Phải chăng cha đang nói rằng chúng ta được tự do tin tất cả những gì chúng ta muốn?

Không phải. Lương tâm đòi hỏi yêu mến Thiên Chúa, yêu mến bản thân và yêu mến tha nhân. Lương tâm không phải là một từ ngữ mà nhờ nó ta tự cho phép làm tất cả những gì ta muốn. Đối khi dường như ta sử dụng lương tâm cách không đúng, như thể nó cho cảm giác làm bất cứ điều gì. Nhưng ta chỉ có quyền theo lương tâm của mình bởi vì ta có bổn phận giáo dục nó.

Làm thế nào giáo dục lương tâm của mình?

Những gì cần phải biết, đó là giáo dục lương tâm kéo dài suốt cuộc đời. Ta thực hiện điều đó bằng cách dựa vào các quy tắc luân lý được cha mẹ, người già và các giáo sư dạy bảo. Ta cũng chú tâm đến các giáo huấn và các trình thuật của Giáo Hội và của Kinh Thánh. Ta còn học biết xuyên qua các cách nhìn mà một nền văn hóa truyền đi. Chính kinh nghiệm cũng dạy dỗ nhiều. Cuối cùng, ta học hỏi từ sự khôn ngoan của các bạn bè và của các bậc thầy của ta.

Chuyện gì xảy ra nếu lương tâm của tôi nói một điều và Giáo Hội lại nói một điều khác?

Biểu lộ sự bất đồng của mình với ý kiến của Pierre Lombard danh tiếng, thánh Tôma Aquinô đã tuyên bố rằng đi ngược với lương tâm của mình thì nghiêm trọng hơn là đi ngược với một giáo huấn của Giáo Hội. Thậm chí ngài còn đi đến chỗ nói rằng ta nên chấp nhận bị tuyệt thông, nếu đó là sự trừng phạt do việc đã nghe theo lương tâm của mình. Dĩ nhiên, có ít giáo huấn luân lý của Giáo Hội mà cần phải theo nếu không thì bị tuyệt thông. Tuy nhiên, chúng ta buộc phải vâng theo những giáo huấn của Giáo Hội. Nếu Giáo Hội dạy một điều và chúng ta tin một điều khác, thì chúng ta có nghĩa vụ làm rõ chính xác nhất có thể những gì Giáo Hội dạy và chứng thực liệu luôn luôn có lý do để bất đồng không. Rồi chúng ta phải hạn chế phạm vi cách chính xác sự bất đồng và đâu là tầm quan trọng của nó. Cuối cùng, chính chúng ta phải nói lên những lập luận làm cơ sở cho xác tín rằng cách hành động của chúng ta là phù hợp với tình yêu Thiên Chúa và tha nhân hơn là những gì Giáo Hội dạy. Dù sao đi nữa, chúng ta phải giữ sự kính trọng sâu xa đối với giáo huấn của Giáo Hội và tránh trở nên đối tượng gương xấu cho những người khác.

Tôi có được tự do đi ngược với lương tâm của tôi không?

Không bao giờ. Thánh Tôma Aquinô còn nói rằng nếu ta đi ngược với lương tâm của mình, thì tất nhiên ta ở trong tình trạng tội lỗi, bởi vì ta đi ngược với tiếng nói của Thiên Chúa. Để biết điều đó, chỉ cần nhớ rằng đi ngược với lương tâm của mình, điều đó không gì khác hơn là đi ngược với những gì lương tâm chỉ thị làm hay không làm trong đời sống cụ thể.

Nhưng nghe theo lương tâm mình dĩ nhiên không có nghĩa là có lý, chẳng phải thế sao?

Không bó buộc là thế. Thực ra, nếu suy nghĩ thế, thì ta dễ dàng bị nhầm lẫn. Để sống trong sự thật, cần phải hiểu khung cảnh và những hoàn cảnh, tìm ra những phương tiện hành động thích đáng và lường trước những hậu quả. Nếu ta quên một hoàn cảnh hay một yếu tố của khung cảnh, nếu ta nhầm lẫn chỉ một trong những hoàn cảnh hay ta chọn lựa phương tiện xấu, thì ta ở trong sự sai lầm. Chẳng hạn, các bậc cha mẹ biết thường xuyên biết bao rằng những chọn lựa giáo dục mà họ thực hiện cho con cái của họ đều thiếu mục đích. Nhưng chúng ta chỉ có lương tâm để hướng dẫn chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta phải liên lỉ rút ra những bài học kinh nghiệm, từ những sai lầm và từ những thành công của chúng ta. Cần phải cả một cuộc đời để giáo dục lương tâm của mình.

Nếu ta nghe theo lương tâm nhưng mà ta ở trong sai lầm, thì đõ có phải là ta đang phạm tội không?

Không. Ta phạm tội khi ta ngừng cố gắng hành động tốt. Mỗi lần, vì yêu thương, ta nỗ lực hành động tốt, thì ta hành động theo lương tâm của mình. Khi ta không làm như thế, thì ta phạm tội, như vị tư tế và thầy Lêvi trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu (Lc 10, 25-37). Như Chúa Giêsu dạy, tội lỗi là một sự thiếu vắng tình yêu. Và tình yêu nỗ lực tìm ra điều thiện. Nhưng nỗ lực tìm ra điều thiện không bảo đảm là ta có lý.

Nếu tội lỗi được định nghĩa như là sự thiếu vắng nỗ lực để đáp lại cách cụ thể tiếng gọi của Thiên Chúa hay ân sủng, thì do đó, cần phải phân biệt rõ giữa phạm tội và nhầm lẫn. Một mặt, ta phạm tội khi ta không nỗ lực đáp lại những người khác, hay ta không lớn lên hay ta không cố gắng chiến đấu với một khuynh hướng xấu. Mặt khác, có biết bao lần mà ta cố gắng làm tốt, tránh một điều xấu và thế nhưng ta thất bại. Ta hối tiếc những hành động xấu này, những lỗi lầm này, nhưng đó không phải là tội, đó là những sai lầm.

Nếu Adolf  Hitler  nghe theo lương tâm của mình, thì như thế ông đã không phạm tội ? [14]

Thật nực cười. Lương tâm là tiếng nói của Thiên Chúa. Xét như thế, đó là tiếng nói nội tâm đòi hỏi chúng ta học hỏi hơn, hiểu tốt hơn những nhu cầu riêng của chúng ta và những nhu cầu của tha nhân của chúng ta, và tìm kiếm những phương tiện làm cho cuộc sống của mọi người nên tốt hơn, bao gồm cả cuộc sống của chúng ta. Phải chăng người ta có thể tin cách lương thiện rằng Hitler đã nỗ lực hay đã tìm kiếm trong chiều hướng này ?

Lương tâm đòi buộc ước muốn mở ra cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Khi ta không có sự mở ra này, thì đó là một dấu rõ ràng là ta không lưu tâm đến lương tâm mình và ta không cố gắng yêu thương.

Phần Hai

CÁC NHÂN ĐỨC ĐỐI  THẦN

Chương 6

ĐỨC TIN

Giữa năm 1982 và 1987, tôi là sinh viên ở Đại Học Grêgôriô của Rôma. Trong thời gian hè, tôi đi nghiên cứu bán tời gian và làm việc tại giáo xứ bán thời gian, hoặc tại Đức, hoặc tại Áo. Một mùa hè nọ, đang khi tôi ở Munich, tôi đã quyết đi Dachau. Tôi muốn đi đến đó vào một ngày thứ Hai, vì tôi biết rằng viện bảo tàng trại tập trung sẽ đóng cửa vì đa số các viện bảo tàng ở Châu đều như thế. Tôi muốn đến Dachau để chỉ cầu nguyện và trước đó tôi đã nghe rằng điều đó là có thể trong ngôi nhà nguyện của một tu viện các nữ tu, ngay bên cạnh trại. Ở cộng đoàn dòng Tên nơi tôi cư trú ở Munich, một trong những đồng sự của tôi là tuyên úy cho các nữ tu và chính ngài đã từng nói  với tôi rằng người ta có thể đến cầu nguyện ở đó, ngay cả ngày thứ Hai khi trại đóng cửa. Và chính như thế mà vào một ngày đầy mây, tôi đã lên đường đi cầu nguyện ở Dachau.

HÀNH TRÌNH ĐẾN DACHAU

Từ chối đón xe bus có thể đưa tôi thẳng đến ga, tôi đã đi bộ chặng đường năm đến sáu cây số. Càng đi tới, tôi càng tức giận. Tất cả những gì tôi gặp, đó là những ngôi nhà tỉnh nhỏ xinh đẹp với những bãi cỏ không chê vào đâu được. Không còn dấu vết của tấn thảm kịch. Tôi bắt đầu tự hỏi : « Làm sao người ta có thể ở trong một thành phố có tên Dachau sau năm 1945 ? Những người này là ai mà ít xúc động vì đẫ lấy nơi bách hại này làm địa chỉ ? » Tôi tự nhủ rằng nếu những bóng ma tồn tại, thì chúng phải ám ảnh thành phố này. Vừa bước đi, tôi vừa nhìn sang khu trại bằng gạch ximăng và tự hỏi làm sao mà một số người muốn hoàn toàn không biết đến những cuộc tàn sát đã diễn ra ở đây. Tôi lại gần, bầu trời tối đen và phía bên kia con đường chính dẫn đến trại, tôi thấy một ngôi nhà thờ màu trắng, hoàn toàn mới, có vẻ thoát thẳng ra khỏi những vùng núi An-pơ. Nhưng tôi tự  nhủ vậy những kẻ này là ai mà có thể đòi hỏi sự hiện diện của Thiên Chúa ở chính nơi mà họ đã từng tổ chức sự biến mất cách hệ thống biết bao người Do thái, người Tây Ban Nha du cư, người đồng tính luyến ái và những người khác ?

Tôi đến khu trại và đã ngạc nhiên bởi chiều dài của nó. Tôi bước đi dọc khu gạch ximăng để đi đến tận phía sau và kéo chuông của tu viện. Tôi nghe một giọng nói với tôi bằng tiếng Đức rằng tu viện đóng cửa. Tôi đáp lại rằng tôi không phải là khách du lịch và tôi chỉ đến để cầu nguyện. « Đóng cửa », chị nữ tu người Đức lập lại. « Nhưng tôi là linh mục dòng Tên và cha tuyên úy của chị nói rằng tôi có thể đến đây cầu nguyện. » « Đóng cửa rồi. » « Vậy tôi không thể cầu nguyện sao ? » « Hôm nay là thứ Hai, chúng tôi đóng cửa. »

Thế đó, tôi đến Dachau để cầu nguyện và người ta lại ngăn cản tôi. Tôi quay trở về còn tức giận hơn cả lúc đến. Bầu trời tiếp tục tối đen và tâm trạng bực bội của tôi cũng thế. Lúc quay về, một lần nữa tôi lại gặp ngôi nhà thờ màu trắng. Tôi nghĩ tôi không đến đây để cầu nguyện nơi ngôi nhà thờ của những bạo chúa, tôi đến để cầu nguyện ở nơi mà những người bị bách hại bị giết chết. Tôi sẽ không cầu nguyện trong ngôi nhà thờ màu trắng này.

Nhưng, tôi nghĩ, dầu sao tôi đến Dachau để cầu nguyện. Và ở đây tôi đang có khả năng đó. Phải chăng tôi sắp từ bỏ mục đích của chuyến đi của tôi ? Tôi băng sang đường và bước vào trong ngôi nhà thờ trắng. Tôi nhìn lên bàn thờ và ở đó tôi thấy Ngài. Được treo ở trên bàn thờ, một hình thể rất lớn của Chúa Kitô đau khổ chịu đóng đinh không phải trên gỗ giá, nhưng trên những dây thép gai mà ngày xưa cư dân của thành phố này đã làm ra. Đó chính là Chúa Kitô đang chịu đau khổ, là Người Do Thái, và Thập giá của Ngài đã được làm bởi những người Công giáo của thành phố. Họ đã biết tội lỗi của họ. Cũng như khi đột nhiên nhìn thấy những dây thép gai, tôi đã biết tội lỗi của tôi.

Tôi đã đến cầu nguyện cho những người đã khuất với tư cách là người vô tội ; và trong ngôi nhà thờ, tôi đã hiểu rằng tôi cũng có tội.

Tôi ngồi xuống, sửng sờ. Trong vòng một giờ đồng hồ, tôi vẫn bị đè nặng bởi tình trạng tội lỗi của tôi, sự độc ác của tôi, tội lỗi của tôi. Chúng đè nặng tôi. Nhưng mà tôi không cảm thấy bị suy sụp tinh thần. Trái lại, tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Cách nào đó, tôi có cảm tưởng rằng Chúa Kitô muốn tôi biết mình tốt hơn, muốn tôi biết tính ti tiện của tôi, tính ích kỷ của tôi, những xét đoán dưới sự chi phối của sự giận dữ của tôi, nhưng Ngài không muốn điều đó  làm cho tôi sụp đổ. Tôi bị quật ngã bởi sự dữ đang chiếm ngự tôi và bất chấp tất cả, sức mạnh, ánh sáng và tình yêu của Chúa Kitô không muốn tôi hư mất. Tôi cảm thấy tự tin kỳ lạ. Vô cùng tổn thương nhưng tự tin, không phải vào chính tôi nhưng là vào Chúa Kitô.

Khoảng một giờ sau, tôi bắt đầu cầu nguyện cho tất cả những ai tôi đã từng làm tổn thương do tính ích kỷ của tôi. Tôi xin họ tha thứ và tạ ơn Chúa đã cho tôi thấy chính mình và nhận ra sự âu yếm của Ngài. Tôi rời ngôi nhà thờ. Khi đi ra, tôi ngắm nhìn bầu trời, một màu xanh tuyệt đẹp, với những cuộn mây bám lấy nhau ở chân trời. Lúc ấy, một cậu bé đi ngang trên chiếc xe đạp ba bánh của mình, nhìn thấy tôi và đã thốt ra lời chào tuyệt vời này của xứ Ba-vi-e : « Grüss Gott ! », cậu bé nói với tôi : « Thiên Chúa chào đón ông ! » Tôi ngồi xuống vỉa hè và tôi đã khóc. Quả thực, vào ngày hôm đó, lời cầu nguyện của tôi đã được chúc lành.

GẶP GỠ THIÊN CHÚA

Trước tiên, lời cầu nguyện của tôi đã được chúc lành bởi vì tôi đã thực hiện nó trong chân lý, như tôi thực sự là. Tôi đã không cầu nguyện bằng những mỹ ngôn, bằng những hành động bác ái, những lời khấn đạo đức. Tôi đã cầu nguyện với cơn giận dữ của tôi, với sự tự tin của tôi và những gì tôi tin là sự vô tội bất khả bác bỏ của tôi. Tôi đã không cầu nguyện như tôi rất thường xuyên cầu nguyện, tức là như tôi muốn là hay như tôi tin là. Trên thực tế, tôi thường cầu nguyện tùy theo ý tưởng riêng của tôi về những gì mà Thiên Chúa muốn tôi là. Tôi đến với Ngài bằng một sự hóa trang, một sự ngụy trang, một chiếc mặt nạ. Thế mà Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của tôi, đến nỗi Ngài không lột bỏ mặt nạ của tôi. Ngài đến gặp tôi như tôi trình diện với Ngài. Nhưng nếu tôi không chân thực với bản thân, thì làm sao tôi có thể thực sự hiểu những gì Thiên Chúa đề nghị cho tôi khi tối đến với Ngài ?

Thiên Chúa chỉ thực sự chạm đến chúng ta khi chúng ta là chính chúng ta. Dĩ nhiên, Ngài có thể tự mở một lối đi xuyên qua sự bướng bỉnh và những mưu mẹo của chúng ta, nhưng Ngài đã luôn luôn tôn trọng sự tự do, như việc đóng đinh cho thấy : Ngài đã không can thiệp để cứu Đức Kitô, hay để ngăn chặn con người. Chính trong sự tự do và sự mỏng giòn thương tổn của chúng ta mà Thiên Chúa chạm đến chúng ta.

Thông thường, chúng ta nghĩ rằng đức tin là niềm tin vào Thiên Chúa và nó chắc chắn là thế. Nhưng đức tin Kitô giáo bao hàm một chiều kích rất cá nhân, mà chúng ta phải dám khẳng định. Đức tin không chỉ là một biểu thức, đó còn là một niềm tin được bén rễ sâu xa trong chúng ta. Đức tin Kitô giáo đòi hỏi chúng ta tin vào Thiên Chúa như chúng ta thực sự là, với tất cả hữu thể của chúng ta. Hành vi đức tin hệ tại ao ước gặp gỡ Thiên Chúa diện đối diện. Tôi không thể đi tới cuộc gặp gỡ này nếu có quá nhiều chướng ngại vật về phía tôi. Bởi thế, đức tin chân thật đỏi hỏi rằng chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa hằng sống, bỏ hết đi mọi sự giả tạo.

Trong cuốn sách tuyệt vời có tựa đề « Till We Have Faces”, C. S. Lewis đã kể lại câu chuyện về một nàng công chúa rất xấu xí được người cha để lại vương quốc cho cai trị sau khi ông qua đời. Em gái của cô là Psyché biến mất với một chàng thanh niên tên là Cupidon. Để bắt những người quý tộc phải tôn trọng, nàng đã trở nên một tay kiếm điêu luyện, sau khi đã có nhiều nỗ lực và kỷ luật. Nhưng để không gây bối rối cho các thuộc hạ của mình, nàng đã che giấu khuôn mặt xấu xí của mình dưới một cái mặt nạ.

Sau biết bao năm tháng chiến đấu và chiến thắng, nàng công chúa, giờ đây cảm thấy mệt mỏi, vô danh và cô đơn, biết rằng trong vùng lân cận có một ngôi đền của một vị thần mà nàng chưa bao giờ nghe nói đến. Nàng đi vào ngôi đền và khám phá ra trên bức tường những bức tranh kể lại câu chuyện về cuộc sống và sự hạnh phúc của cô em gái của mình với Cupidon. Việc là một mình mang một nhiệm vụ nặng nề như thế đã làm cho nàng nổi giận gay gắt và nàng đã gào thét lên hỏi vị thần này : « Tại sao ngài đã cho phép một điều như thế ? Tại sao chỉ một mình tôi ? Tại sao tôi xấu xí ? Tại sao tôi phải tài giỏi như thế ? Tại sao cuộc sống của tôi khốn khổ như thế ? » Nàng không nghe thấy tiếng đáp lại và trong cơn tức giận, nàng bắt đầu gào lên. Nàng giật chiếc mặt nạ khỏi mặt và một lần nữa đòi hỏi câu trả lời. Lúc nàng lấy nó ra, thì nàng hiểu rằng trong số những gánh nặng của nàng, đã chưa bao giờ có gánh nặng mang mặt nạ trước vị thần. Làm sao nàng có thể gặp được khuôn mặt của vị thần này, nếu nàng không cho ngài thấy khuôn mặt của nàng ? Câu chuyện này tìm cách làm cho chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa là Đấng duy nhất mà nàng công chúa có thể cho thấy khuôn mặt của nàng. Đức tin hẳn đã phải cho phép nàng làm điều đó.

Quá thường, chúng ta cũng thế, chúng ta phải mang những chiếc mặt nạ. Một phần vì những lý do xác đáng, chúng ta xóa bỏ một phần của chính chúng ta theo cách đó, khi nghĩ đến con cái, các sinh viên, các giáo dân giáo xứ của chúng ta. Một phần vì những lý do xấu xa, chúng ta làm tổn hại thanh danh mình bởi mối bận tâm nhận được lời khen thưởng, tình bằng hữu, lòng tôn trọng, tình yêu. Nhưng với Đấng Tạo Thành chúng ta, với Đấng đã dựng nên cho chúng ta những gì chúng ta là, thì chúng ta tin rằng có thể tỏ mình ra như Ngài đã tạo dựng chúng ta. Chính ở đó mà chúng ta có thể sống đức tin của chúng ta như chúng ta là, như Ngài đã tạo dựng chúng ta. Đức tin là đích thực khi chúng ta cũng là đích thực.

Thật lý thú, chính khi những khuôn mặt của chúng ta cần hóa trang nhất mà chúng ta để rơi rớt đi cái mặt nạ và đi đến gặp gỡ Thiên Chúa diện đối diện. Như trong sự giận dữ của tôi hay trong sự giận dữ của nàng công chúa, chúng ta tạm thời cởi bỏ những chiếc mặt nạ của chúng ta, chính bởi vì chúng ta không được đẹp để nhìn. Khi sự buồn chán, sự trầm uất, sự phiền muộn hay sự cô đơn làm hại chúng ta, thì chúng ta quay về với Thiên Chúa, bị đè nặng chứ không còn hiếu thắng nữa ; bị tổn thương chứ không còn hóa trang nữa.

Đức tin là cung thánh mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta, trong đó chúng ta có thể đi như Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta và chúng ta có thể mong ước gặp gỡ Ngài như Ngài là. Đó là cung thánh mà chúng ta có thể bày tỏ ước muốn thân mật sâu xa của chúng ta với Đấng Tạo Thành chúng ta, Đấng Cứu Độ chúng ta và là Đấng Cứu Thoát chúng ta. Nhưng cung thánh này, khi chúng ta khám phá nó, không có gì là một ngôi nhà nguyện riêng tư. Như trong cuộc viếng thăm của nàng công chúa ở đền thờ hay chuyến viếng thăm của tôi ở ngôi nhà thờ, đó là một cung thánh đầy những câu chuyện về những ai đã tìm kiếm cùng một Thiên Chúa với cùng một sự chân thành và lòng khiêm tốn.

Chương 7

ĐỨC CẬY

Nếu bạn hỏi một linh mục trẻ sau hai năm thực thi thừa tác vụ liệu ngài thích cử hành lễ rửa tội, hôn phối hay là an táng hơn, thì tôi chắc chắn rằng ngài sẽ trả lời là lễ an táng. Trong các lễ hôn phối, sự chú ý của các tín hữu bị phân tán : có cô dâu, áo cưới, chú rễ, các cha mẹ, etc. Trong lễ rửa tội, có em bé, cha mẹ, vú bọ đỡ đầu được hỏi những gì phải làm, etc. Trong cả hai trường hợp, thì sự kích thích đến độ người ta khó tập trung.

Đối với lễ an táng thì hoàn toàn khác. Sự chú ý của những người tham dự bị sự phiền muộn thu hút. Việc cử hành lễ và nghĩa trang là kết quả của một sự liên tiếp những ngày dài trong đó những người đang ở đó đã chịu đau buồn. Cử tọa thì mệt lử. Vào ở giữa thì có chiếc hòm, dấu rõ ràng của sự đau buồn của mọi người. Có một nhu cầu thúc bách và hiển nhiên về sự nâng đỡ và an ủi. Nhưng những người để tang chỉ sẽ nhạy cảm như thế trong chừng mực vị linh mục chú ý đến tình cảm mất mác mà họ nghiệm thấy.

Khi tôi là học sinh trung học, tôi nhớ rằng có một người láng giềng độ ba mươi mấy tuổi đã tự vẫn. Bà quả phụ và con cái đến nhà chúng tôi đêm hôm đó và một linh mục trong giáo xứ đã có mặt để an ủi gia đình. Ngài thực sự đã mong muốn bảy tỏ sự nâng đỡ của mình ; ngài đã đến ngay lập tức sau khi cảnh sát gọi cho ngài. Nhưng ngài đã tỏ ra vui vẻ. Ngài đã quá vui vẻ. Ngài mỉm cười, cười, vui đùa. Ngài muốn mang đến niềm hy vọng, nhưng chỉ đi đến kết quả là bị từ chối.

HÃY ĐỂ CHỖ CHO SỰ PHIỀN MUỘN

Nhiều nhà phụng vụ đã hành động thiếu cân nhắc như nhau đối với các nhu cầu của những người có tang khi họ đã sửa đổi nghi thức thánh lễ an táng. Nói chung, họ đi từ thái cực này đến thái cực khác. Trước Công đồng, Giáo Hội tham dự bằng lời cầu nguyện vào thánh lễ cho người qua đời. Sau Công đồng, người ta bắt đầu cử hành thánh lễ phục sinh. Người ta đã hoàn toàn chuyển từ phiền muộn sang niềm vui, từ màu đen sang màu trắng. Các nhà phụng vụ có lý khi muốn đưa vào màu sắc của sự phục sinh, nhưng lẽ ra họ nên làm như thế mà vẫn lưu tâm đến kinh nghiệm của cử tọa vừa mất đi một người thân yêu. Lúc lễ an táng, cử tọa đang ở trong sự đau buồn sâu xa. Yêu cầu họ vui mừng về sự phục sinh không chỉ là phi thực tế, đó đúng là phi nhân.

Phụng vụ lễ an táng được tập trung vào niềm hy vọng, đó không phải là một cử hành niềm vui. Không phải ở cái chết của Chúa Giêsu mà Đức Maria và các môn đệ đã cảm thấy niềm vui, nhưng ở sự phục sinh của Ngài. Niềm vui, đó là những gì mà các bậc cha mẹ nghiệm thấy lúc con mình chao đời. Niềm vui, đó là những gì chúng ta cảm thấy khi chúng ta thực sự có điều gì đó. Niềm hy vọng là những gì mà chúng ta nghiệm thấy khi chúng ta không còn sở hữu gì nữa. Vào lúc diễn ra nghi thức an táng, theo cách tốt nhất là có niềm hy vọng.

Ở những lễ an táng, nhiều tín hữu trải qua một thời điểm khó khăn. Đối với những ai có đức tin cũng như đối với những ai không có, thì sự phiền muộn bao trùm. Nhưng những tín hữu có thể cảm thấy một cảm giác bối rối. Họ hẳn muốn biết tại sao họ không cảm thấy sự xác tín về sự phục sinh hơn. Họ ngạc nhiên rằng đức tin của họ yếu kém đến độ họ có thể cảm thấy mình bất hạnh như những người không tin.

Thường xảy ra là những người tin, bị đảo lộn bởi cái chết của người thân yêu, cảm nghiệm rằng đức tin của họ không nâng đỡ họ nhưng đúng hơn là đè nặng họ, khi họ dự một nghi thức an táng. Chính khi người ta tự vấn về sự yếu kém của đức tin của mình mà niềm hy vọng mang lấy tất cả ý nghĩa của nó. Vì đức cậy là sự sẵn lòng không từ bỏ đức tin vào lúc mà, có thể nói như thế, người ta không còn rút ra được bất kỳ sự an ủi nào từ đó nữa.

VÀ CÁI CHẾT ĐỐI VỚI MỘT TÍN HỮU ?

Bây giờ cần phải xem xét lời khẳng định nực cười này, theo đó, cái chết sẽ dễ dàng được chấp nhận bởi các tín hữu hơn là bởi những người vô thần và những người theo thuyết bất khả tri. Cái chết cướp đi mạng sống của một người thân yêu theo cùng một cách thức đối với mọi người, với cùng một sự hiển nhiên, thể lý và tinh thần. Đối với người vô thần và những người theo thuyết bất khả tri, cái chết là điểm sau cùng : cánh cửa sự sống khép lại. Ý nghĩa của cái chết là vô phương vãn hồi. Các tín hữu cũng cảm thấy cái chết như là kết thúc ; họ không cảm nghiệm về cái chết cách ít thảm thương hơn. Tuy nhiên, họ không sẵn sàng nuôi dưỡng cùng một xác tín như những người không tin về vấn đề sự chết. Bất chấp sự mất mác, bất chấp sự yếu kém của đức tin của mình, họ chọn để cho cánh cửa sự chết mở ra. Rất thường, đối với những ai khóc lóc, thì đức tin không phải là một sự an ủi, đúng hơn nó làm cho chưng hửng. Niềm hy vọng đích thực, đó là giữ gìn đức tin. Đối diện với cái chết, với tư cách là người tin, chúng ta quyết định đứng vững trước lời hứa phục sinh, cho dầu đầu gối của chúng ta run rẩy. Nơi đâu không có mối nghi ngờ nào, sự thiếu xác tín nào, sự bối rối nào, ước muốn nếm thử hơn ân ban đức tin nào, thì ít cần nhu cầu hy vọng ở đó. Nhưng chúng ta vẫn sống trong niềm hy vọng, niềm hy vọng về những gì mà chúng ta không sở hữu – tức là kinh nghiệm chắc chắn về sự phục sinh.

Mỏ neo được xem như là một hình ảnh về niềm hy vọng. Khi chúng ta cảm thấy bị lắc lư bởi những làn sóng, chúng ta đi lạc hướng, chúng ta bị mất phương hướng, thì chúng ta tìm thấy nơi đức cậy, cái mỏ neo mà cho phép chúng ta kiên vững trong đức tin. Chính khi chúng ta bị lay động bởi những cơn gió mà niềm hy vọng có thể giúp chúng ta. Như đức can đảm, đức cậy là nhân đức của sự kiên trì, của sự bền bỉ.

Quan niệm về niềm hy vọng này đã được khai triển trong Chrétiens, demain : Le visiteur [15], một cuốn tiểu thuyết hay được Brian Moore viết cách đây một thời gian. Vào một thời kỳ tương lai sau Công đồng Vatican III, có một sự bất bình nào đó dường như xảy ra trong một cộng đoàn đan tu. Vatican gởi một vị kinh lược đến điều tra. Trên đường đi, người ta biết rằng cha viện trưởng, con người tốt lành và lương thiện, không còn cầu nguyện được nữa từ nhiều năm nay. Khi ngài cố gắng, không có gì diễn ra. Sự gay go của những chiến đấu của ngài, mà ngài giải thích cho vị kinh lược, là rõ ràng trong suốt câu chuyện. Và ở đoạn kết, trong phiên bản quay phim, người ta thấy viện phụ đang kinh sợ, quỳ gối một mình trong đêm tối, thử phát âm những từ của Kinh Lạy Cha.

Cuốn tiểu thuyết này dẫn đến những lời nói của thánh Phaolô trong Thư gởi tín hữu Rôma của ngài. Ở chương VIII, một trong những đoạn về niềm hy vọng, ngài nhận xét rằng chúng ta hy vọng những gì chúng ta vẫn còn chưa thấy : nếu ta có thể thấy, thì đó sẽ không còn là hy vọng nữa. Ngài viết, niềm hy vọng giúp chúng ta chính khi chúng ta yếu đuối. Ngài nói thêm rằng sự yếu đuối của chúng ta có thể đến độ thấm chí đôi khi chúng ta không còn biết cầu nguyện như thế nào. Nhưng, ngài nói, chính vào lúc mà chúng ta muốn có thể cầu nguyện (hãy lưu ý kỹ : không phải là khi chúng ta cầu nguyện, nhưng là khi chúng ta muốn có thể cầu nguyện) mà Thánh Thần nói với Chúa Cha xuyên qua những tiếng rên siết của chúng ta. Trong sự bất khả cầu nguyện của chúng ta, chính Thánh Thần cầu nguyện cho chúng ta, nhưng bằng cách thông qua chúng ta.

Trong những tiếng rên siết của chúng ta, chúng ta hy vọng. Vì rên siết tự nó là một ước muốn, một niềm hy vọng. Tiếp tục cuộc đối thoại ngay cả khi chúng ta đối diện với những sợ hãi dữ dội nhất của chúng ta là một hành vi hy vọng. Đức cậy hệ tại ở chỗ vẫn tiếp tục đối thoại, ngay cả khi chúng ta không nói được lời nào nhưng ước muốn phát âm chúng vẫn hãy còn. Như viện phụ quý gối, bị đè nặng bởi nổi kinh sợ, chúng ta cũng hy vọng khi không còn gì khác phải làm hơn là bày tỏ ước muốn tin của chúng ta. Chính ước muốn này rất thường cư ngụ nơi tâm hồn của những ai khóc than một người thân yêu.

ĐỨC CẬY NHƯ LÀ ÂN BAN

Chính ở đây mà chúng ta phải xem đức cậy như là một ân ban của Thiên Chúa. Vì nếu chúng ta nghĩ rằng những người có tang mà bám lấy lời cầu nguyện trong một lễ an táng, hay cha tu viện trưởng của Brian Moore, hay những độc giả của Thư gởi tín hữu Rôma, chỉ hy vọng vào những sức lực riêng  của mình, thì chúng ta bị nhầm lẫn về những gì là đức cậy. Như đức tin và đức ái, hai nhân đức đối thần khác, đức cậy không phải là điều gì đó mà ta có thể thủ đặc hay làm cho lớn lên bằng chính bản thân của ta. Đức cậy, cũng như đức tin và đức ái là những ân ban, những ân ban thuần túy, là chính biểu lộ của ân sủng.

Đức cậy, đó là Thánh Thần mà, khi trở về trong con người mệt mỏi, kiệt sức, sợ hãi của chúng ta, đang ban cho chúng ta phương tiện tiếp tục cuộc đối thoại, đứng vững trước nhan Thiên Chúa hằng sống. Tất cả những gì cho phép chúng ta tiếp tục tin tưởng trước cái chết, sự nghi ngờ, sự thiếu xác tín hay sự sợ hãi đều thuộc về đức cậy. Khả năng đứng vững không nao núng, mỏ neo mà củng cố chúng ta khi chúng ta bị đánh bởi những cơn gió, làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta.

Nếu chúng ta xem đức cậy như là một ân ban, thì chúng ta thấy nó như là một biểu hiện cụ thể của mối quan tâm mà Thiên Chúa mang đến cho chúng ta. Nhưng chính ở chỗ trống rỗng cực độ của sự yếu đuối của chúng ta mà mối quan tâm này trở nên có thể nhận thấy được. Khi chúng ta là những người dễ bị tổn thương nhất, thì Thiên Chúa ban cho chúng ta Thánh Thần hy vọng. Đức cậy thực sự là ân ban của Thiên Chúa cho sự tổn thương của chúng ta. Chính khi chúng ta bị kiệt sức, câm lặng, bất lực, nói cách khác là đối diện với sự tổn thương của chúng ta, trong bóng tối của cuộc đời chúng ta, mà Thiên Chúa đến trong chúng ta để ban lại cho chúng ta sức mạnh.

Nhưng sự hiện diện của niềm hy vọng không phải là căng thẳng, tàn nhẫn, cũng không ầm ĩ. Nó không đột nhiên biến bóng tối thành ánh sáng, thinh lặng thành hùng hồn. Đức cậy nhẹ nhàng như cơn gió nhẹ. Nó tôn trọng sự tự do của chúng ta, trí tuệ của chúng ta, các cảm xúc của chúng ta. Đức cậy không tước mất chúng ta khỏi óc phê bình, khỏi những kinh nghiệm sa mạc của chúng ta, khỏi những sợ hãi sâu xa của chúng ta. Nó thâm nhập nhẹ nhàng, bảo đảm cho chúng ta sự hiện diện của Thánh Thần ngay giữa lòng đau buồn. Sự hiện diện êm dịu này lại đầy sức mạnh, không phải bằng cường độ nhưng bằng chiều sâu. Chính hơi thở của Chúa Thánh Thần đang đến khi chúng ta rên siết, đảm bảo cho chúng ta rằng khi chúng ta biết đến những giây phút yếu đuối lớn lao nhất, khi chúng ta kiệt sức, thì Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta.

Chương 8

ĐỨC ÁI, MẸ CỦA CÁC NHÂN ĐỨC

Dịp cuối tuần vừa qua, người bạn tốt nhất của tôi đã được thụ phong linh mục. Nói chung, phong chức là một biến cố vui mừng. Nhưng nó bao gồm một thời khắc mà tôi nhận thấy là thử thách. Suốt buổi phủ phục, đang khi bạn tôi nằm dài ở cung thánh, tôi đã nghĩ đến nhiều cuộc chiến đấu mà anh đã từng trải qua để đạt tới đó. Khi nhìn cử chỉ phủ phục này, tôi đã nghĩ rằng cuộc sống làm cho khiêm tốn nhiều và tôi đã cầu nguyện để khi đứng lên khỏi nền nhà đá cẩm thạch mát lạnh này, anh là một con người mới, được củng cố bởi ân sủng của Thiên Chúa và bởi đức ái.

Ngạc nhiên bởi những tư tưởng sâu kín này, lúc đó tôi nhớ đến lễ phong chức của tôi, cách đây mười hai năm. Nằm duỗi ra cùng một chỗ đó, tôi đã nghe những tiếng tuyệt vời cầu nguyện hát kinh cầu các thánh cho tôi. Tuy nhiên, tôi đã cảm thấy cực kỳ căng thẳng. Tôi không được bình an. Tôi đã sốt ruột chờ đợi lễ phong chức, tôi đã luôn ước ao điều đó, nhưng một phần của chính bản thân tôi là « đang lâm chiến với bản thân tôi », như thánh Phaolô nói thế. Cái phần đó không nghĩ rằng tôi phải tiếp tục trên con đường mà tôi đã ao ước hơn tất cả mà ; nó đang nổi giận chống lại Giáo Hội ; nó nhận thấy rằng tôi không có quyền trở thành linh mục ; nó còn khóc than cho người em của tôi qua đời hai năm về trước.

Bất chấp tất cả, tôi biết những gì tôi muốn, tôi tin rằng đó là ước muốn của Thiên Chúa và điều đó hơn tất cả những sức mạnh bên trong khác, đến nỗi tôi đã cảm thấy được thúc đẩy đến việc phong chức. Khi bài thánh ca ngừng, tôi đã hạnh phúc và nhẹ nhõm tiến đến đức giám mục để thể hiện ước muốn yêu quý nhất của tôi. Mười hai năm sau, khi cầu nguyện cho một người khác vào ngày phong chức của người ấy, tôi tự nhủ : « Lạy Chúa, điều đó không phải là dễ. »

Để nắm bắt những gì đang diễn ra khi ta đưa ra những quyết định phức tạp như thế, trước tiên cần phải hiểu những động cơ của chúng ta thường nước đôi biết bao và tiếp đến làm thế nào đức ái cho phép chúng ta theo đuổi những động cơ cao cả nhất.

NHỮNG ĐỘNG CƠ NƯỚC ĐÔI

Trong cuộc sống, nhiều người trong chúng ta biết đến những khoảnh khắc hay những thời gian trong đó diễn ra điều gì đó dấn thân tất cả các phương diện của hữu thể chúng ta. Không phải cuộc sống trở nên hoàn toàn thống nhất hay rõ ràng, nhưng những gì quan trọng đối với chúng ta dường như được tập hợp lại trong nháy mắt. Chẳng hạn, những đôi vợ chồng vào ngày hôn phối của họ có thể cảm thấy đột nhiên bị giằng co giữa ý thức về một sự cam kết dứt khoát và một thứ « cuộc chiến nội tâm » làm cho cảm thấy những đòi hỏi mới mẻ và mạnh mẽ. Họ có thể rời nhà thờ vào lúc đó, nhưng đa số không làm như thế. Các tu sĩ cũng có thể có kinh nghiệm này, trước hay đang khi diễn ra nghi thức trong đó họ nói lên lời khấn hứa của mình, khi họ thể hiện tính chất vừa trọng tâm vừa xung đột của sự cam kết mà họ đang thực hiện.

Những kinh nghiệm này được diễn ra khi ta thấy rõ rằng ta định hướng dứt khoát trong một con đường nào đó và, nếu ta tiếp tục, ta sẽ được thay đổi mãi mãi. Trong ánh sáng rực rỡ của những khoảnh khắc như thế, ta khám phá những động cơ của mình thực phức tạp biết bao. Vì những động cơ, cũng như những chọn lựa, nói chung đều là nước đôi. Ta hiếm khi hành động bằng cách để mình được hướng dẫn bởi một động cơ duy nhất, dù đó là những điều quan trọng hay rất tầm thường.

Đôi lúc chính khi một người chọn lựa từ bỏ quyết định nói lên lời khấn hứa của mình, chọn được phong chức hay kết hôn, mà người ta đánh giá được quyết định này là phức tạpxung đột biết bao. Người ta nghe những giải thích rất lãng mạng về sự cam kết, « sự xác tín tình tứ » của các vợ chồng, của các tu sĩ hay của các linh mục. Người ta hiếm kể hơn câu chuyện xây dựng của những người mà, bất chấp sự nghi ngại và xung đột nội tâm, đã chọn lựa một hình thức sống nào đó và gắn bó vào đó. Chọn lựa một nếp sống dấn thân toàn thể tương lai là một nhiệm vụ ráng sức nặng nề, nhiều người liều mình ở đó mỗi ngày và tiếp đến vẫn trung thành với quyết định của họ.

HUYỀN THOẠI VỀ ĐỘNG CƠ THUẦN TÚY

Một tối nọ, tôi thảo luận với các sinh viên của Viện Công nghệ Massachusetts [16]. Tôi nói với họ rằng những hữu thể nhân linh chúng ta không có những động cơ thuần túy, và người ta sẽ ảo tưởng khi nghĩ ngược lại. Một số sinh viên đã phản ứng. Họ nghĩ rằng nếu những nhà kinh doanh có thể có những động cơ nước đôi, thì về phần mình, các nhà khoa học đích thực chỉ được đánh động bởi « ước muốn hiểu biết thuần túy ». Cái nhìn của các sinh viên về các nhà kinh doanh hơi chán chường một chút, nhưng liên quan đến lãnh vực riêng của họ, thì nó ngây thơ đang tha thứ. Tôi đã khuyên họ đọc cái gì đó về Einstein và Fermi, hai nhà bác học vĩ đại mà đã không bao giờ đòi sự thuần khiết của những động cơ nghiên cứu của họ. Để kết thúc, chúng tôi đã ký kết một cuộc đình chiến.

Chắc chắn, chúng ta nhắm đến sự thuần khiết, nhưng cũng như chúng ta thiếu sự duy nhất nội tâm hết sức, thì chúng ta cũng thiếu sự thuần khiết trong những động cơ của chúng ta. Để đạt tới sự hài hòa, thì đức ái phải tác động đến những chốn sâu thẳm của hữu thể.

ĐỨC ÁI

Lối quan niệm này về đức ái có thể có vẻ lạ thường, vì người ta thường đồng hóa đức ái với việc cho tiền khi có những cuộc quyên góp chung hay với nhân đức thúc đẩy trợ giúp những người nghèo túng nhất. Trên thực tế, đức ái là nhân đức kết hợp chúng ta với Thiên Chúa. Nó không phải được dự định « trước tiên cho những người khác », nhưng nó dấn thân mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, ở ngay trung tâm của hữu thể của chúng ta.

Đức ái là nhân đức nền tảng nhất trong các nhân đức. Thánh Tôma Aquinô gọi nó là « mẹ » của mọi nhân đức, vì tất cả các nhân đức khác phát sinh từ đó. Vì là nền tảng, nên nó nói với cuộc sống nội tâm hơn là với những hành vi bên ngoài, với tâm hồn hơn là với hành động. Nó làm việc ở hậu trường. Khác với các nhân đức được thủ đắc bằng luyện tập, đức ái là ân ban nhưng không của Thiên Chúa, cho phép khám phá những gì quan trọng hơn đối với chúng ta. Nó giúp chúng ta thống nhất các động cơ khác nhau đang ngự trị nơi chúng ta, bằng cách chạm đến chúng ta ở chốn sâu thẳm nhất của con người chúng ta.

Chẳng hạn, kiểm tra bảng các động cơ của tôi ngày tôi chịu chức đã cho phép tôi hé thấy những năng động phức tạp tác động đến tôi mỗi ngày từ bên trong. Chính đức ái đã giúp tôi tiến hành một sự phân định và tập trung vào lời mời gọi tiến chức. Và nó đã làm như thế trong tất cả những năm dẫn đưa tối đến đó.

ĐỨC ÁI, ĐÓ LÀ TÌNH YÊU

Đức ái cũng giúp trở nên thương người hơn. Nó kìm nén áp lực của tính duy ngã trung tâm, ngăn cản lòng thương cảm bản thân thái quá, thúc đẩy tôn trọng những khát vọng công bằng và lòng trung thành, giúp tránh cả sự liều mạng lẫn sự nhút nhát. Đức ái giống với một người mẹ hướng dẫn chúng ta cách âu yếm, nhưng cũng cách cương nghị để chúng ta có thể hiến thân cho những gì chúng ta yêu mến.

Đức ái, đó là tình yêu, là chính sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống chúng ta. Xét như thế, nó sàng lọc những động cơ của chúng ta, thúc đẩy chúng ta vượt lên trên những gì mà chúng ta đã cố định. Như tình yêu của một người mẹ, đức ái hoàn toàn hướng đến người khác. Nó không nói với chúng ta những gì phải làm cách cụ thể : đó là vai trò của đức khôn ngoan. Nhưng nó thúc giục chúng ta trở nên trung tín và công bằng hơn, tôn trọng bản thân hơn, tiết độ hơn, can đảm hơn. Đức ái làm việc trong bóng tối.

Thánh Tôma Aquinô đã viết rằng đức ái gia tăng dưới phương thức cường độ. Ngài đã gắng giải thích rằng nó nằm ở chiều sâu của tâm hồn, thúc đẩy chúng ta thấy Đấng mà chúng ta yêu mến. Vì đức ái có liên quan với tình yêu, với tình cảm mãnh liệt của tình yêu mà chúng ta dành cho Thiên Chúa, cho bản thân chúng ta, cho tha nhân của chúng ta.

Chúng ta lớn lên trong đức ái nếu chúng ta đáp lại tiếng gọi của Ngài. Những lệnh truyền thường ngày của đức ái khuyến khích chúng ta tử tế hơn đối với một nhân viên, ưu tư hơn đến gia đình chúng ta, và đối diện cách trọn vẹn với những trách nhiệm của chúng ta. Đức ái thúc giục chúng ta trở nên tốt hơn bằng cách tiếp tục tiến bộ trong việc thực hành các nhân đức. Bởi thế, nó nhắm đến việc theo đuổi điều cốt lõi. Nó biết những động cơ của chúng ta khác nhau đến mức nào : nó gỡ những sợi chỉ rối của chúng, để tiếp đến dệt nên một số của chúng với những sợi khác. Chung quy lại, đức ái giúp chúng ta đạt tới những gì mà chúng ta thực sự mong ước. Nhờ nó, ta có thể, không phải là không có căng thẳng hay xung đột, nhưng trên hết cách xác tín, nói lên những lời « xin vâng » hay « tôi sẵn sàng và tôi ao ước điều đó » trong những thời điểm quyết định của cuộc sống.

Phần thứ Ba

CÁC BẢN ĐỨC

Dẫn nhập

Trong nhiều thế kỷ, người ta đã cho rằng có bốn bản đức : khôn ngoan, công bằng, tiết độ và can đảm (courage). Cách nào đó, đã chỉ thực sự có hai bản đức mà thôi, vì đức tiết độ và đức can đảm dùng phụ trợ cho đức công bằng. Người ta đã phải là tiết độ và can đảm nếu người ta đã muốn công bằng. Về đức khôn ngoan, nó chỉ dùng để xác định trong cái cụ thể, ở đây và bây giờ, cách sống công bằng, quyết định tiết độ và hành động can đảm.

Để nghiên cứu danh sách cổ điển các bản đức, chúng ta có thể quay về với thánh Tôma Aquinô, mà đối với ngài, các nhân đức đáp ứng cho hai tiêu chí chung : chúng là dấu của một đời sống rất có trật tự ; chúng có thể đạt tới được cho bất cứ ai sẵn sàng thủ đắc chúng. Trong câu hỏi bàn về các bản đức trong Phần Thứ Hai của bộ Tổng Luận Thần Học, thánh Tôma đã trích dẫn thánh Ambrôsiô, Grêgôriô, Cixêron và thánh Augustinô và dựa vào uy tín của họ để chỉ rõ về danh xưng « bản lề » bốn nhân đức sau : khôn ngoan, công bằng, can đảm (force) và tiết độ. Những nhân đức này được gọi là « bản lề » bởi vì chúng là « chủ yếu », tức là chúng không thể thiếu đối với những ai khát khao « sự ngay thẳng của ước muốn », phù hợp với đời sống đức hạnh. Sự ngay thẳng này là trọng tâm, trong chừng mực « nhân đức không chỉ ban cho khả năng hành động tốt, nhưng nó còn khiến cho hành động tốt được thực hiện » (1-2, q. 61, a. 1 corp). Nó hệ tại việc xếp đặt các khả năng ước muốn và trí tuệ, mà nhờ chúng chúng ta hành động. Đức khôn ngoan hướng dẫn lý trí thực hành ; đức công bằng hướng dẫn ý muốn hay trí dục ; đức tiết độ và can đảm hoàn thiện những đam mê được phân chia thành những sức mạnh dâm dục hay thèm muốn, và thành những sức mạnh nóng giận hay hiếu chiến. Bốn nhân đức này là bản lề bởi vì chúng xếp đặt đủ mọi lãnh vực của cuộc sống có liên quan đến bởi lối hành xử luân lý. Vả lại, vì là chủ yếu, nên chúng cung cấp những nền tảng của mọi hành vi nhân linh được xếp đặt cách đúng đắn. Chúng là những điều kiện cần và đủ cho phép xem một tác nhân hay một hành động như là đức hạnh.

[…] Nguyên tắc tổ chức của thánh Tôma là theo phẩm trật : việc nhắm cách chung đến các bản đức là để cho lý trí thực hành có thể định hướng chủ thể một cách cụ thể đến đức công bằng. Thế mà, một nhân đức là càng trỗi vượt nếu nó làm cho sự thiện lý trí chiếu tỏa hơn. Bởi thế, đức công bằng là siêu vượt theo hai cách thức : thứ nhất, bởi vì ở trong tâm dục (appétit rationel), nên nó gần gũi với lý trí nhiều hơn ; thứ hai, bởi vì duy chỉ nó là có khả năng điều khiển chủ thể luân lý vừa ở nơi chính chủ thể và vừa xét như là chủ thể này được gắn liền với những người khác. Vì lý do này mà, theo thánh Tôma, đức công bằng là nhân đức luân lý chính yếu [17].

Theo tôi, đức công bằng không phải là nhân đức duy nhất có liên can. Lập trường mà tôi muốn chủ trương ở đây cũng như tôi đã nói ở nơi khác [18], hệ tại nói rằng chính đức khôn ngoan phải dẫn dắt chúng ta trong các lãnh vực công bằng, trung tín và chăm lo bản thân.

[…] Như trong cuộc sống, khi có lúc các bản đức xung đột với nhau, thì phạm vi cho nhân đức khôn ngoan phải được mở rộng ra cách đặc biệt. Trong danh sách cổ điển các nhân đức, nơi mà sự hài hòa có chỗ hơn nơi những người đương thời của chúng ta, thì nhiệm vụ ưu tiên của đức khôn ngoan hệ tại chỉ rõ đức công bằng khi đó đã là những hành vi phải ứng xử, đức tiết độ khi đó đã là những ước muốn phải hướng dẫn và đức can đảm khi đó đã là những cuộc chiến đấu phải điều khiển. Nhưng trong khuôn mẫu mà tôi đề nghị, đức khôn ngoan không phải chỉ chỉ định đòi hỏi tương ứng với mỗi nhân đức : nó cũng phải vạch rõ mức độ ưu tiên cần gán cho mỗi đòi hỏi trong trường hợp có xung đột giữa chúng [19].

Đức công bằng hệ tại đối xử với mỗi người cách bình đẳng. Đó là nhân đức công bình không cho phép bất kỳ đối xử riêng tư hay ưu đãi hơn. Đức trung tín rõ ràng là trái lại : nó dạy tôi đối xử cách đặc biệt mỗi người mà tôi đặc biệt gắn bó hơn, người phối ngẫu của tôi, con cái của tôi, cha mẹ của tôi, bạn bè của tôi, các thành viên của gia đình, người thân của tôi, những người thuộc về cộng đoàn của tôi, etc. Như thế, đang khi đức công bằng hệ tại đối xử người ta nói chung cách công bình, thì đức trung tín hệ tại đối xử các mối tương quan ưu tiên cách ưu đãi. Sự căng thẳng của đời sống luân lý hệ tại những gì chúng ta phải chọn lựa, nhờ đức khôn ngoan, giữa sự ưu tiên của đức trung tín so với đức công bằng hay sự ưu tiên của đức công bằng so với đức trung tín. Những câu chuyện hay – và những câu chuyện ít hay hơn – đề cập liên lỉ đến chủ đề này, vì giây phút hồi họp đến từ sự chọn lựa mà nhân vật chính phải thực hiện giữa công bằng và lòng trung tín, điều này tạo nên những thế đôi ngã to lớn. Chẳng hạn, thử lấy cuốn phim Kẻ hủy diệt II : Arnold Schwarzenegger phải tìm ra chàng trai có sứ mệnh cứu toàn thế giới. Nhưng thay vì theo Arnold, chàng trai quyết định tìm kiếm mẹ mình, do Linda Hamilton đóng, và cứu bà ta. Anh ta đã hoãn số phận của toàn thể nhân loại (đó là đức công bằng) để cứu mẹ mình (đó là đức trung tín).

Nhưng cũng theo cách thức mà chúng ta có những trách nhiệm thuộc trật tự chung đối với mỗi người (đức công bằng), và những trách nhiệm đặc thù đối với một số người (đức trung tín), thì chúng ta cũng có một trách nhiệm độc nhất đối với chính chúng ta. Trong những tác phẩm đầu tiên của tôi, tôi đã gọi nhân đức này là lòng tự trọng (l’estime de soi). Bây giờ tôi gọi nó là chăm lo bản thân (le souci de soi), vì phạm vi mà từ ngữ này bao phủ là rộng lớn hơn.

Đôi khi cần phải chọn lựa giữa sự công bằng, lòng trung tín và việc chăm lo bản thân. Đó là những gì làm cho các câu chuyện còn trở nên lý thú hơn. Thử lấy ví dụ về bi kịch của người Hy lạp. Ở phần đầu câu chuyện Antigone, thành phố Thèbes đã hầu như hoàn toàn bị phá hủy bởi một cuộc chiến tranh dân sự được khơi lên do lòng hận thù giữa hai anh em. Cả hai đều chết và một trong hai nằm ở bên ngoài thành lũy của thành phố mà không có mộ phần. Vị thủ lĩnh mới đã tận dụng điều đó để thống nhất thành phố dưới quyền lực của mình và ông đã hống hách truyền lệnh rằng không có ai được tham gia vào bất kỳ hoạt động chiến tranh nào nữa, bao gồm cả hoạt động chôn cất những thủ lĩnh nổi loạn. Bất kỳ ai vi phạm luật này thì sẽ phải chết. Vấn đề của Antigone, đó là cô ta phải chọn giữa sự vâng phục quy luật công lý có  giá trị cho hết mọi người và việc chôn cất cho anh trai của mình, mà sẽ có thể dẫn cô ta đến chỗ mất mạng. Cả ba trách nhiệm đều được gắn liền ở đây.

Người ta cũng nhận thấy cùng một căng thẳng tam diện ở một thời điểm của cuốn phim The Scent of a Woman. Hiệu trưởng của một trường trung học là nạn nhân của một trò đùa đáng sợ. Nhiều học sinh đã phá hoại xe của ông ta, nhưng chúng bị nhìn thấy bởi một trong những người bạn cùng lớp của chúng. Đó là một sinh viên tài giỏi, người mà vị hiệu trưởng đã đề nghị viết một thư giới thiệu cho đại học Havard. Ông hiệu trưởng biết rằng chàng thanh niên biết những kẻ gian và đòi anh ta thông tin cho trường biết. Nhưng anh ta, dù nhận thấy rằng yêu cầu của ông hiệu trưởng là chính đáng, cũng cảm thấy lòng gắn bó trung tín với các bạn bè của mình (mà không cư xử phù hợp với công bằng). Sự xung đột nội tâm càng ngày càng trở nên mãnh liệt khi anh ta biết được từ vị hiệu trưởng rằng nếu anh ta không hành động theo đức công bằng, thì ông hiệu trưởng sẽ gởi một bức thư từ chối cho Havard, điều đó sẽ hủy hoại tương lai của anh ta. Do đó, chàng trai phải chọn lựa giữa sự công bằng, lòng trung tín và việc chăm lo bản thân. Chính đức khôn ngoan sẽ dạy cho anh ta quyết định tốt.

Trong sơ đồ của tôi, bởi thế, đức tiết độ và đức can đảm vẫn là những gì chúng đã là trước đây, tức là những nhân đức phụ trợ. Tuy nhiên, chúng không chỉ cho phép chúng ta khôn ngoan và công bằng, nhưng còn trung tín và chăm lo cho bản thân nữa.

 Chương 9

NHÂN ĐỨC TRUNG TÍN

Nơi mọi gia đình có hơn một người con, người ta dự khá đều đặn vào một cuộc lời qua tiếng lại mà có thể được diễn tiến như sau. Trước tiên, sau nhiều tiếng gào, những tiếng kêu la hay những tiếng rên siết, thì người ta nghe tiếng khó chịu của một trong các bậc cha mẹ : « Tại sao con vẫn còn chưa hòa thuận được với chị của con ? » Bên kia tiếng ồn ào, cũng được bày tỏ, cách mệt mỏi và thất vọng, ước muốn rằng con cái sống chung hòa thuận hơn. Nhưng đứa con, không bao giờ chịu khuất phục, lại tiếp tục kháng cự, biện hộ cho sự vô tội và tranh cãi : mọi vấn đề đều đến từ chị của nó ! Vang vọng lại Ađam trong vườn Êđen, nó đáp lại : « Đó là lỗi của chị » Cuối cùng, người cha hay người mẹ, bằng một sự logíc hoàn hảo, lẩm nhẩm câu cuối cùng : « Ba/mẹ cóc cần biết những gì chị con đã làm ; ba/mẹ chỉ muốn rằng các con ngưng cãi nhau như thế. »

Giới tính có thể thay đổi, nhưng kịch bản thì không. Nó thể hiện một ước muốn căn bản của các bậc cha mẹ đối với con cái của họ : chúng hãy học biết quý mến lẫn nhau. Vì thế, họ tìm cách làm cho chúng yêu thích đoàn nhóm bằng nhiều sinh hoạt. Họ chơi với chúng, đưa chúng đi nghỉ hay đi dạo, làm cho chúng hiểu đâu là sự đóng góp của mỗi người trong gia đình, thúc giục chúng tham gia vào các nhiệm vụ nội trợ và gánh lấy trách nhiệm, giúp chúng thương lượng những khác biệt của chúng, ghi khắc vào tâm trí chúng tầm quan trọng của những nhượng bộ. Nhờ những luyện tập, những thực hành này, các bậc cha mẹ khai mở cho con cái của họ vào hạnh phúc sống chung. Làm như thế, họ đi ngược với bản năng ban đầu thúc đẩy những đứa con đòi những gì chúng nghĩ là thuộc về chúng ; trái lại ; họ muốn cho chúng thấy rằng đời sống là thỏa mãn hơn, phong phú hơn khi người ta là hai hay ba người cùng nhau. Khi thấy tất cả các nỗ lực này, người ta hiểu rõ hơn sự bực tức của các bậc cha mẹ khi họ kêu lên : « Tại sao các con vẫn còn chưa hòa thuận được với nhau ? »

GIÁO DỤC LÒNG TRUNG TÍN

Các bậc cha mẹ, là những giáo sư luân lý đầu tiên, giáo dục nhân đức trung tín cho con cái của mình. Nó sẽ là rất quan trọng đối với chúng. Chính nhờ nó mà những mối liên hệ tình cảm, được chứa đựng trong mọi quan hệ, ngày càng tăng trưởng và đẹp lên, dù đó là với người phối ngẫu, các bạn bè, các thành viên trong gia đình hay của cộng đoàn, các đồng nghiệp hay các đồng hương.

Cho đến một thời kỳ gần đây, nhân đức trung tín đã ít khơi lên mối quan tâm nơi các giáo sư luân lý khác, bất chấp nỗ lực của các bậc cha mẹ. Chắc chắn người ta đã biết rằng “những bất trung” là xấu về mặt luân lý: trên thực tế, người ta đã dạy cho chúng ta rằng không được dấn thân trong những thực hành như thế. Nhưng khi nào thì người ta đã dạy cho chúng ta cách tích cực thực hiện những hành vi củng cố đức trung tín? Khi nào người ta đã thúc giục chúng ta vận dụng những sinh hoạt rất luân lý này: đi ăn tối với một bạn gái, gọi điện cho người yêu, chia sẻ một thời khắc hạnh phúc hay bất hạnh với một người bạn, đi dạo với một đồng nghiệp, ăn trưa với một nhân viên, thảo luận một vấn đề với một người bà con? Khi nào chúng ta đã nghĩ rằng đi đến một lễ sinh nhật, xem phim, trong một công viên hay du lịch là đã thuộc về đời sống luân lý? Chúng ta nhìn nhận rằng những sinh hoạt này là dễ chịu và thuộc về lãnh vực xã hội, nhưng chúng ta ít coi chúng như thuộc về phạm vi luân lý. Vì đủ mọi lý do, bao lâu một sinh hoạt không liên quan đến vấn đề công lý, công bằng, quyền và nghĩa vụ, thì xem ra nó không thuộc phạm vi luân lý. Tuy nhiên, cách nhìn như thế làm cho chúng ta mất đi (hay có thể quên đi) tác động của những tập luyện luân lý đầu tiên mà cha mẹ của chúng ta đã dạy dỗ chúng ta.

Tôi coi đức trung tín như là bản đức đầu tiên của các bản đức, mà mọi kitô hữu đều được kêu gọi rèn luyện. Những nhân đức khác sẽ được lần lượt nghiên cứu về sau. Nhưng sau khi đã bàn về các nhân đức nói chung, bây giờ đã đến lúc xem xét chúng cách chuyên biệt.

TRỞ NÊN VỪA CÔNG BẰNG VỪA TRUNG TÍN

Cách đây hai mươi năm, giáo sư Lawrence Kohlberg đã đề nghị cho các nhà giáo dục một khuôn mẫu phát triển luân lý trong sáu giai đoạn, nhằm lượng giá những thành quả của một người trên bình diện luân lý [20]. Ở giai đoạn cuối, người này coi như là xác định các đòi hỏi của công bằng một cách độc lập với những chuẩn mực được thiết lập bởi một xã hội hay một cá nhân. Cách khá thuyết phục, Kohlberg đã cho thấy rằng mục đích của đời sống luân lý hệ tại việc đạt tới quyền tự trị bằng cách biết nhìn nhận những gì phải là. Một số nhân vật nổi danh, mà uy tín luân lý của họ đã trở nên huyền thoại, dường như đã đạt đến mục đích này: trước hết là Chúa Giêsu, nhưng còn Socrate, Thomas More [21], Gandhi hay Martin Luther King, trong số nhiều người khác.

Các phụ nữ đại học đã chống đối lại khuôn mẫu của Kohlberg. Vả lại, đó là một trong những đồng nghiệp của ông, Carol Gilligan, người đã bày tỏ, cách đây mười năm, lời phê phán triệt để nhất trong cuốn sách của mình In a Different Voice. Gilligan nhận xét rằng những cuộc nghiên cứu về tri giác mà những người nam và người nữ có được về căn tính của họ làm nổi bật lên một khuynh hướng chung: những người nam chú tâm đến những gì họ làm và những gì họ thể hiện, đang khi mà những người nữ, phần lớn thời gian, tự miêu tả theo những mối quan hệ mà họ thực hiện; những người này cũng như những người kia chán ghét làm cách khác. Phân biệt giữa người nam và người nữ từ những phạm trù rộng lớn như thế không phải là không đặt ra vấn đề, nhưng, bất chấp tất cả, Carol Gilligan đã làm nổi bật một điểm quan trọng. Cách mặc nhiên, bà gợi ý rằng mỗi người phải có hai bận tâm lớn trong cuộc sống: một mặt, sống công bằng và trở nên tự trị đủ để xác định lãnh vực luân lý; mặt khác, sống trung tín trong các mối quan hệ để không tự cô lập và để nhìn nhận người khác như là một người bạn chứ không như một bổn phận phải thực hiện. Bởi thế, mọi người đều có hai mục tiêu chủ yếu trong đời sống luân lý: công bằng và trung tín.

TÌNH BẰNG HỮU, CHÌA KHÓA CỦA ĐỜI SỐNG LUÂN LÝ

Trong số các tác phẩm gần đây của các thần học gia luân lý về nhân đức trung tín, có hai tác phẩm đáng cho chúng ta chú ý. Trong tác phẩm Friendship and the Moral Life, Paul Waddell khám phá lại giáo huấn của Aristote, của thánh Augustinô và của thánh Tôma Aquinô về tình bằng hữu, mà, cách thuyết phục, ông cho thấy rằng các luân lý gia thời xưa đã hiểu thấu tầm quan trọng của nó. Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng cư xử có luân lý thật là khó. Có lẽ đó là lý do mà chúng ta tưởng rằng tình bằng hữu không thuộc về lãnh vực luân lý. Nhưng khi ta nhận thấy rằng các nhà đại tư tưởng này đã xem tình bằng hữu như là chìa khóa lối vào đời sống luân lý, thì ta có thể coi đời sống luân lý như là nhân bản hơn nhiều, lôi cuốn và sống động hơn nhiều. Nói tóm lại, ta hiểu rằng luân lý liên quan đến đời thường.

Vả lại, những nghiên cứu của Waddell nhấn mạnh một khía cạnh thường không được người ta chú ý đến trong đời sống của Chúa Giêsu. Ngài không bằng lòng với việc dạy dỗ và chữa trị những ai bước theo Ngài mà thôi. Ngài làm cho họ trở thành những người bạn của Ngài, tập hợp họ, giải trí, vui cười và ăn uống với họ. Giá trị mà Ngài dành cho những cuộc gặp gỡ với các bạn hữu của Ngài là rõ ràng đến độ các bậc thầy của Lề Luật đã cảm thấy đó là gương xấu. Tuy nhiên, đó hệ tại là những sinh hoạt luân lý. Cũng như cuộc đời của Chúa Giêsu đã thiết lập một chuẩn mực mới – chẳng hạn, nên công chính như Ngài là công chính – , cũng thế, chúng ta được kêu gọi bước theo Ngài trong lãnh vực này, tức là sống tình bằng hữu theo cách của Ngài.

Margaret Farley nghiên cứu những khía cạnh khác nhau của đức trung tín trong tác phẩm Personal Commitments: Beginning, Keeping, Changing. Bằng lối hư cấu, bà đã mô tả cuộc sống của mười nhân vật khác nhau và quan tâm đến toàn bộ công việc mà mỗi người đầu tư vào nghệ thuật tương quan. Bà cho thấy rằng đức trung tín đòi hỏi phải có những thực hành cụ thể để phát triển. Cha mẹ của chúng ta đã dạy chúng ta đánh giá cao sự gần gũi với người khác bằng nhiều sinh hoạt, và chúng ta phải làm như thế nếu chúng ta muốn tiến bộ trong lãnh vực tương quan. Trên thực tế, ngay cả khi nó chỉ hệ tại thực hiện một mối tương quan mà thôi, thì chúng ta phải vận dụng mọi loại phương tiện để giao tiếp, chia sẻ, sống chung, cho đi và lãnh nhận. Và như các bậc cha mẹ kinh nghiệm điều đó với con cái của mình, thì chúng ta biết rằng những lối ứng xử như thế không đương nhiên, cũng không dễ dàng.

TẬP LUYỆN ĐỨC TRUNG TÍN

Những nhận xét này trở lại với những cuộc trao đổi thông thường và thường xuyên giữa cha mẹ và con cái, mà dường như rất gây bực bội, như chúng ta đã gợi lên trên đây. Khi các bậc cha mẹ yêu cầu con cái của mình sống hòa thuận với các anh chị em của chúng, thì họ vấp phải lời kêu ca của người nào đó cho rằng mình bị đối xử bất công. Trong trường hợp được trích dẫn trên đây, các bậc cha mẹ muốn đứa con của mình cư xử thiện cảm với chị/em của nó, nhưng nó lại muốn rằng các quyền của nó cần được bảo vệ. Sự lôi cuốn vì sự công bằng này không được đánh giá thấp. Triết gia John Rawls [22] đã chú ý đến những gì mà mọi bậc cha mẹ đã nhận thấy, rằng câu nói luân lý đầu tiên mà một đứa con thốt lên là: “Không công bằng”. Thật lý thú, lời diễn tả đầu tiên thuộc bản chất luân lý không hệ tại việc nhận ra những gì là công bằng, vì một đứa trẻ rõ ràng vẫn còn chưa có khả năng xác định điều đó. Trái lại, nó có thể nhận thấy những bất bình đẳng hay những khác nhau và thế là kêu lên: “Tại sao nó lại có hơn con?” Câu trả lời không quan trọng, nó sẽ nói thêm ngay lập tức: “Không công bằng.” Muốn dạy đức trung tín trong những điều kiện này không phải là điều dễ dàng.

Học hỏi đức trung tín cũng không phải dễ. Chúng ta thường nhận thấy rằng việc dấn thân là khó khăn. Như những
đứa con, những bất bình đẳng làm cho chúng ta phiền lòng; chúng ta dè chừng những thỏa hiệp; chúng ta muốn có sự kiểm soát; chúng ta tính toán những gì chúng ta cho đi để chắc chắn lãnh nhận được ít ra là điều tương tự; chúng ta thích làm mọi thứ cùng nhau trong chừng mực đó là những gì chúng ta yêu thích; rất thường, vì miễn cưỡng, có thể nói thế, mà chúng ta chia sẻ cuộc sống của chúng ta với bạn bè của chúng ta.

Do đó, đặt đức trung tín ở trung tâm của đời sống luân lý sẽ mời gọi chúng ta mở đầu những thực hành và thực hiện những luyện tập cụ thể cho phép hiểu tốt hơn và sống tốt hơn những gì mà Chúa Giêsu và các bậc cha mẹ của chúng ta đã dạy cho chúng ta: cùng nhau lớn lên. Bởi thế, có lẽ sẽ phải gọi điện thoại thường xuyên hơn, viết thư hơn, làm bếp thường xuyên hơn, sẵn lòng đi dạo hơn, ngồi lại lâu hơn với một người bạn. Có lẽ cũng sẽ phải vứt bỏ thói quen tính toán và đo lường những gì mà “người khác” làm hay không làm. Sẽ phải làm cho sự kêu ca “nó luôn có nhiều hơn con” im tiếng trong chúng ta. Trái lại, sẽ phải lắng nghe tiếng nói trưởng thành đang đòi hỏi chúng ta “sống hòa thuận tốt hơn”.

ĐỨC TRUNG TÍN TRONG GIÁO XỨ

Có vẻ không có gì, nhưng người ta đã quan tâm đến tiếng nói nội tâm này bằng nhiều cách thức. Thử lấy giáo xứ làm ví dụ: nhân viên luôn đúng giờ, ông từ mà người ta có thể trông nhờ để đảm nhận nhiệm vụ thường ngày của mình, chàng trai đến giúp lễ ban sang khi trời lạnh, thừa tác viên Thánh Thể mang Mình Thánh Chúa cho một bệnh nhân, tình nguyện viên canh chừng một người hấp hối, cha mẹ tham gia vào việc thức tỉnh đức tin, thành viên của hội Alcooliques Anonymes chuẩn bị cuộc họp mặt, gia đình cung cấp thức ăn dự trữ cho nhà bếp, giảng viên giáo lý giảng dạy đức tin mà mình tin, tất cả những người đó đang thực hành đức trung tín.

Trong khu vườn của giáo xứ của tôi, mỗi năm vào tháng Năm, cha sở cho dựng một căn lều để che cho ba cuộc hội họp liên hoan. Vào tối đầu tiên, ngài đãi một bữa ăn để cám ơn sáu trăm thiện nguyện viên và cộng thêm giáo xứ. Trong buổi tối thứ hai, ngài tụ tập tất cả các linh mục của giáo phận để nướng thịt ăn uống ngoài trời. Và vào tối cuối cùng, ngài đã mời tất cả giáo xứ đến dùng bữa cơm ngoài trời. Nhờ kinh nghiệm, cha sở này biết rằng thói quen quây quần bên nhau là nguồn mạch của một niềm hạnh phúc đích thực.

 Chương 10

ĐỨC CÔNG BẰNG (LA JUSTICE)

Bạn hãy tưởng tưởng một thế giới trong đó tất cả những gì bạn làm đều bị kiểm soát. Dù bạn đi đâu, luôn có một người theo sát để ngăn cản bạn. Dù bạn làm gì, luôn có ai đó nói với bạn “Đừng!”. Và dù những tình cảm của bạn có thể là thế nào, thì đều có người ở đó để truyền lệnh cho bạn cười, ngưng khóc, đi ngủ hay vui chơi cách tử tế. Không ai có thể tiếp tục sống lâu dài trong một thế giới độc tài như thế, thế nhưng đó là những gì mà đa số trong chúng ta đã làm trong vòng 5 năm đầu tiên của cuộc đời chúng ta.

Trong những năm mà chính những người khác thiết lập các quy luật, thì chúng ta là những người bất lực. Cuối cùng chúng ta đã học biết nghệ thuật thương lượng với những kẻ độc tài. Chúng ta đã bắt đầu bằng cách đặt ra câu hỏi: “Tại sao?”. Ngoài những từ “ba” và “mẹ” ra, thì không có từ nào đã được in dấu sâu đậm như thế. Khi dùng từ: “Tại sao?”, chúng ta đã ngưng tiếp nhận các quy luật một cách thụ động. Chúng ta biến việc giải thích thành điều kiện vâng phục của chúng ta. Từ “tại sao” tàn phá này có lẽ là từ ngữ mà các bậc cha mẹ mệt mỏi muốn loại bỏ nhất khỏi từ vựng của con cái của mình. Thế nhưng, những đứa con mà là chính chúng ta lúc đó, khi sử dụng nó, đã học biết rằng những lối giải thích xoàng xĩnh tạo nên những quy tắc phi lý. Điều đó đã cho phép chúng ta hiểu rằng những quy luật không phải luôn luôn đúng.

Khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta cũng đã tập ban bố những quy luật giữa các trẻ em với nhau. Nói chung, sự xâm nhập vào nghệ thuật thương lượng với các anh chị em, với các anh em họ hay với bạn bè chỉ là chốc lát. Thường thường có một mối bất hòa nổi lên và một người trong nhóm đã quyết định ngưng các phí tổn, nhưng đồng thời người ấy đã học biết mách lại. “Tao sẽ đi mách mẹ” là những lời đầy đe dọa, được thốt ra, đang khi, chỉ còn lại một mình, chúng ta lại quyết định rằng, chung cuộc, điều đó đã diễn ra tốt đẹp dưới quyền của những người lớn hơn là với những người ngang hàng với chúng ta.

THUYẾT PHỤC VÀ THƯƠNG LƯỢNG

Đôi khi chúng ta học thương lượng với những người lớn tuổi, như những người trông trẻ trong gia đình chúng ta. Chẳng hạn với bà: khi chính bà trông nom chúng ta, thì chúng ta làm cho bà nghẹt hơi bằng những nụ hôn của chúng ta. Đồng thời, chúng ta thuyết phục bà là tín thác vào sự mềm dẻo của những phán xét của bà. Cha mẹ chúng ta đã cố sức để lại “những lời khuyên bảo nghiêm túc” kiểu mẫu, nhưng chúng ta biết rằng vì ích lợi của mọi người mà bà để cho lòng khoan dung của bà ngự trị suốt đêm. Sự thâm nhập đầu tiên của chúng ta vào thế giới độc tài của những người lớn dạy cho chúng ta sức mạnh của sự thuyết phục trong nghệ thuật thương lượng.

Ít lâu sau, khi chúng ta muốn thức đêm và cha mẹ của chúng ta không chịu, thì chúng ta lại quay về cha mẹ để sử dụng kỹ thuật mặc cả mới của chúng ta: “Nhưng bà đã để cho chúng ta xem chương trình này tháng vừa rồi.” Thật cực kỳ hiệu quả khi nói với cha mẹ chúng ta rằng trên thực tế, bà tốt bụng hơn cha mẹ. Dĩ nhiên, chúng ta biết rằng cần phải chọn lựa thời điểm thích hợp.

Nhưng đã có những người trông trẻ khác với bà. Trong một số trường hợp, đặc biệt khi đó không phải là một thành viên của gia đình và anh hay chị trông trẻ dưới hai mươi tuổi, thì giới hạn thủ đoạn về mặt thuyết phục và thương lượng đã trở nên vô cùng phức tạp. Chúng ta đã biết rằng ngay cả trước khi cô trông trẻ vượt qua ngưỡng cửa của căn nhà, thì cô đã phải đương đầu với ba nghĩa vụ. Trước tiên, nếu chúng ta không bằng lòng với cô, thì cô sẽ không trở lại, điều này không phải là trường hợp của bà. Tiếp đến, cô trông trẻ để kiếm tiền, và cô phải thỏa mãn khách hàng, có thể nói như thế, vì có sự cạnh tranh. Sau cùng, cô không phải hoàn toàn là một người lớn. Chúng ta đã biết rằng những người trẻ thì ít buồn chán hơn là những người già hơn mà lề thói của họ đã được xác lập, và, như chúng ta, họ đã có sự ưu tiên và sự dị ứng của họ. Trước mắt chúng ta, điều đó sẽ mở ra những khả năng thú vị.

Vì vậy, điện thoại, nước đá, tủ lạnh, các bạn trai và bạn gái, các chương trình truyền hình, tất cả đều đã không tránh khỏi những cuộc thảo luận. Khi tìm kiếm lợi ích của cô trông trẻ, chúng ta không chỉ tìm cách treo hoãn quy luật, nhưng chúng ta còn muốn chính cô ta ban bố những quy luật để có thể bước vào trong tiến trình bằng cách tạo nên những quy luật mới, chẳng hạn bằng cách quyết định ai có quyền chọn lựa chương trình truyền hình, ai xác định những quy luật của cuộc chơi, ai sẽ đi ngủ trước tiên và ai được tuyên bố là giỏi nhất. Đó là lần đầu tiên mà chúng ta đã thiết lập những quy luật như là những người lớn.

Nếu cô trông trẻ tỏ ra cương nghị và bằng lòng với những lời khuyên bảo nghiêm túc, thì chúng ta không vì thế mà mất đi niềm hy vọng.

Chúng ta lắng nghe trong phòng ngủ của chúng ta, chờ đợi thời điểm mà cô ta dùng điện thoại, lấy trộm đồ tủ lạnh hay có sáng kiến nào đó thuộc loại này. Lúc đó, chúng ta sẽ đi xuống và thốt lên những lời có toàn quyền: “Tôi sẽ không mách điều đó với ba mẹ.” Sau nhiều năm kinh nghiệm, chúng ta có đủ tin tưởng vào bản thân để hiểu rằng, trái với những gì đã diễn ra trước đây, thà thương lượng còn hơn là mách lại. Chúng ta chỉ mách lại nếu cô trông trẻ thiếu lương tri.

Năm tháng càng trôi qua, chúng ta càng tiến bộ trong nghệ thuật xây dựng những quy luật và nghệ thuật thương lượng. Là gái hay là trai, thực hành của chúng ta đã trở nên tinh tế hơn. Khi chúng ta không trao đổi những tấm thiệp có hình của các cầu thủ bóng đá, thì đó là những chiếc áo. Chúng ta thích thổ lộ những điều cực kỳ kín mật, chúng ta quyết định người nào đi đến buổi tiệc khiêu vũ nào, và chúng ta chọn lựa phe nhóm của chúng ta. Khi tìm cách thương lượng các mối giao hảo của chúng ta, chúng ta thường gieo rắc mối bất hòa. Chúng ta đã thất vọng, chúng ta cãi nhau và đôi khi chúng ta bỏ cuộc. Nhưng chúng ta không chịu khuất phục và chúng ta lại bắt đầu thương lượng, với một đối tác khác tùy tình hình.

Ý THỨC VỀ SỰ CÔNG BÌNH (équité) [23]

Khi tập thương lượng hay xây dựng các quy luật, chúng ta đã học biết rằng, trong mối quan hệ, không phải chỉ chọn lựa thời điểm thích hợp, chứng tỏ sự khéo léo, sự thuyết phục và lẽ phải nhưng ý thức về sự công bình cũng cần thiết. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, sự công bình đã xuất hiện cho chúng ta như là một quy luật ngầm nhưng nền tảng. Trên thực tế, đó đã là như thể chúng ta biết nó theo bản năng. Chúng ta đã nói ở trên, biểu lộ đầu tiên về ý thức luân lý được diễn ra nơi một đứa trẻ khi, đối diện với một hoàn cảnh đặc thù, nó tuyên bố: “Điều đó bất công”. Khi chỉ rõ bất công, chúng ta học biết xác định những giới hạn của điều không thể chấp nhận được. Cho dầu điều đó vẫn còn mơ hồ vào thời đó, nhưng chúng ta vẫn biết nhận thấy rõ sự bất công khi bà cho phép người bà cưng được thức đêm muộn hơn, hay người trông trẻ đã không phản ứng trước những tiếng kêu ồn ào của đứa em trai hay của đứa em gái, hay khi một người bạn đã tiết lộ bí mật.

Vả lại, đối với đa số, mười giới răn là những luật cấm liên quan đến những hành động bất công hay xấu xa. Ta không được thờ ngẫu tượng, thiếu lòng kính trọng; ta không được giết người, trộm cắp, nói dối, muốn chiếm hữu những gì thuộc về người khác. Tất cả các hành vi này đều là bất công. Nếu ta quan tâm đến các nhân vật luân lý trứ danh của thế kỷ XX, thì ta công nhận rằng họ cũng bắt đầu bằng việc nhận ra và tố giác bất công, trước khi trình bày quan niệm riêng của họ về sự công bằng. Martin Luther King đã nhận thấy rằng sự phân biệt là bất công trước khi nói lên giấc mơ nơi ông đối với nhân loại. Ở Ấn Độ, thánh Gandhi đã đối lập với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trước khi thực hành chay tịnh để đạt được sự thống nhất. Dorothy Day [24] đã không tiếc lời thóa mạ chống lại những ai đang làm cho bao trùm mối đe dọa chiến tranh trước khi đề nghị cái nhìn của mình về hòa bình. Trong toàn bộ, chúng ta có khả năng nhận ra sự bất công hơn là thăng tiến sự công bằng.

Khi nói về đức công bình, thì nó hệ tại điều gì? Phải chăng nó hệ tại việc bảo đảm việc làm cho hết mọi người? hay là  An sinh xã hội? hay là sự bình đẳng giữa các cơ hội? Phải chăng nó hệ tại việc chia sẻ của cải với các nước ít được ưu đãi hơn? Hệ tại việc bảo vệ dân chúng trong một cuộc chiến dân sự? Nếu ta bằng lòng trả lời là phải hay không phải cho những câu hỏi như thế, thì ta sẽ không giải quyết được chúng. Nhưng kinh nghiệm được thủ đắc bằng cách thương lượng và xây dựng các quy luật, bằng cách học biết chọn lựa thời điểm thích hợp, chứng tỏ sự khéo léo, thuyết phục và hợp lý, tất cả điều đó sẽ giúp chúng ta bàn đến những vấn đề công bằng cách đúng thực chất. Tuy nhiên, chúng ta chỉ sẽ có thể thực sự được như thế khi dựa vào một ý thức về sự công bằng mà chính nó đã được bén rễ sâu trong cuộc sống của chúng ta, nhờ thói quen được thủ đắc khi chúng hành động theo đức công bằng.

PHÂN ĐỊNH CÔNG ÍCH

Tất cả điều đó trở nên dễ hiểu dưới ánh sáng của những gì chúng ta đã học biết trong suốt thời thơ ấu. Trước tiên, chúng ta hãy nhớ rằng, khi chúng ta muốn hình thành một nhóm hay sáng lập một câu lạc bộ, thì chúng ta đặt ra những luật gia nhập cũng như những bó buộc mà mỗi thành viên mới sẽ phải tuân theo. Đôi khi chúng ta ý thức rằng chúng ta đã để qua một bên một số bạn bè. Những vấn đề này, chúng ta đã bàn luận chúng giữa những đứa trẻ. Một người trong nhóm, ít ra tôi hy vọng thế, đã nhận xét rằng việc loại trừ một ai đó là không tốt. Hoặc nữa, khi chúng ta tổ chức những cuộc sinh nhật hay những buổi dạ hội, đôi khi chúng ta đã phải đưa một đứa trẻ bị bỏ rơi hơn những đứa khác vào trong danh sách các khách mời của chúng ta. Chính khi lớn lên mà chúng ta đã học biết thêm một chút nghệ thuật chấp nhận người khác: việc gạt bỏ thực sự không phải là một kinh nghiệm dễ chịu, đối với người loại bỏ cũng như đối với người bị loại bỏ.

Thứ hai, chúng ta hãy nhớ rằng, dù đôi khi tin rằng điều đó hẳn sẽ diễn ra tốt hơn nếu chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân chúng ta – và điều đó vẫn còn xảy ra hôm nay -, thì ở nhà, chúng ta đã học biết rằng niềm tin này đã đi ngược lại những lợi ích của chúng ta. Chúng ta đã hiểu rằng sự hợp tác thì có giá trị hơn là sự cô lập, những nhượng bộ thì tốt hơn tính ích kỷ của mỗi người đối với bản thân và ích lợi chung của gia đình thì tốt hơn là lợi ích cá nhân. Khi mà vào một số buổi chiều, chúng ta đi đến kết quả là thương lượng được với cô trông trẻ, thì đó là bởi vì chúng ta thừa nhận nguyên tắc rằng hạnh phúc của chúng ta cũng quan trọng như hạnh phúc của anh chị em của chúng ta và hạnh phúc của cô trông trẻ. Và những gì được nhắm đến trong các bài học mà cha mẹ chúng ta đã dạy dỗ cho chúng ta suốt cả ngày, ở bàn ăn, trong vườn, ở phòng khách hay trên xe, đó là công ích. Đó là những gì mà John Donne ám chỉ đến khi ông viết: “Không ai là một hòn đảo đối với chính mình [25]”.

HỌC XÂY DỰNG CÁC QUY LUẬT

Hai bài học này – chấp nhận người khác và thăng tiến công ích – dẫn đến một bài học khác. Những phát biểu của chúng ta đã đi từ tiếng “ba” đầy cảm động đến tiếng “Tại sao?” đầy tra vấn và từ “Tao sẽ đi mách mẹ” đến “Chúng tôi sẽ không mách ba mẹ”. Những quyết định của chúng ta đã trưởng thành hơn bởi vì chúng ta đã cố gắng có quyền ăn nói. Chúng ta muốn tham dự vào việc xây dựng các quy luật. Khi làm như thế, chúng ta đã thực sự giúp đỡ cha mẹ chúng ta nghĩ ra những quy luật tốt hơn. Sự đóng góp của chúng ta có tầm quan trọng của nó. Có thể lúc đầu những nhận xét của chúng ta đã không đặc biệt bổ ích, nhưng về sau chúng đã trở nên có ích. Cho nên, khi chúng ta hành động theo những gì mà mỗi người tham gia vào và khi chúng ta làm việc vì công ích, thì chúng ta cho thấy rằng thế giới chúng ta cần được mở ra cho mọi người để trở nên công bằng hơn. Tham gia mà không thể phát biểu ý kiến rốt cuộc là đóng vai trò của một con rối: điều đó buộc những người sống bên lề xã hội phải chịu sự bất lực của những trẻ con và những người tin là bày tỏ ý kiến nhân danh mọi người thành một thứ bệnh điếc đáng sợ.

Dần dà, chúng ta học biết rằng ăn ở bất công không có tương quan nào với việc bị trừng phạt. Khi còn nhỏ, chúng ta đã nghĩ rằng bị trừng phạt có nghĩa rằng chúng ta đã làm điều gì đó sai trái: ngược lại, nếu chúng ta không bị trừng phạt, thì đó là vì chúng ta đã không làm gì sai trái. Nhưng khi trở nên có khả năng xây dựng các quy luật, tức là khi phát triển ý thức luân lý của mình, thì chúng ta đã học biết rằng sự công bằng hay sự bất công không phụ thuộc vào những giới lệnh của cha mẹ chúng ta, cũng không lệ thuộc vào bất kỳ người nào khác. Trái lại, chúng ta hiểu rằng sự bất công hệ tại việc gạt bỏ ai cách vô lý hay buộc người ấy phải im lặng, hay làm hại đến công ích. Nếu chúng ta không làm ngày công đầy đủ của chúng ta, nếu chúng ta không trả tiền lương công bằng, nếu chúng ta không để lại tiền “boa” thích hợp, nếu chúng ta không đóng thuế, thì chúng ta đang hành động cách bất công, cho dù chúng ta bị trừng phạt hay không.

Bởi thế, đức công bằng không lệ thuộc vào luật lệ. Việc một xã hội không cấm một hành động không có nghĩa rằng hành động này là công bằng. Luật đã cho phép và đang còn cho phép nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và những hình thức loại trừ khác nơi nhiều xã hội.

Vì sự bất công không bị giới hạn vào những hình phạt, cho nên nó cũng không được giảm thiểu thành những vi phạm luật lệ. Chính khi tự giáo dục chính mình mà chúng ta học biết phân biệt công bằng và bất công. Chúng ta càng hành động vì công ích, chấp nhận sự tham gia của người khác và để cho người khác nói cho chính họ, thì chúng ta càng học biết là những gì chúng ta phải trở nên. Như những đứa trẻ, những người lớn học biết qua thực hành. Chìa khóa đích thực để đạt tới đức công bằng là thế này: trong chừng mực mà chúng ta vẫn còn những năm tháng cuộc đời trước mắt chúng ta, thì chúng ta vẫn còn phải tiến tới trong việc học biết nhân đức công bằng.

Chương 11

ĐỨC TỰ TRỌNG

Trong giờ học tôn giáo với một lớp trung học, cách đây khoảng mười lăm năm rồi, tôi đã hỏi các học sinh khoảng độ tuổi mười bốn rằng khiêm tốn có nghĩa là gì. Sau khi đã nghe một vài câu trả lời vụng về, tôi đã đề nghị một trường hợp rất đơn giản : « Bạn vừa ghi một bàn thắng tuyệt vời. Người láng giềng của bạn đến nói với bạn : « Anh đã ghi một bàn thắng tuyệt vời. »  Đâu là câu trả lời khiêm tốn ? Những bàn tay giơ lên. Tôi chỉ một học sinh, em trả lời : « Ồ ! Hôm nay tôi chỉ gặp may thôi ; tôi không giỏi lắm đâu. » Những bàn tay hạ xuống. Các học sinh biết rằng nó đã trả lời hay. Nhưng tôi đáp lại : « Đó là nói dối, không phải là khiêm tốn. » Điều đó thực sự làm chúng phật lòng. Một học sinh đã dám đưa ra một câu trả lời khác : « Em sẽ nói với người láng giềng của em rằng chính cả đội giỏi. » « Tại sao ? », tôi hỏi, với cung giọng của giáo sư mà có nghĩa rằng thậm chí thà đừng thử trả lời cho câu hỏi thì hơn. Nó đánh liều : « Bởi vì em hẳn sẽ không khiêm tốn nếu em tự gán công trạng cho mình. » Tôi đã không đập lại câu trả lời này. Nhiều câu trả lời khác được thử đưa ra tiếp. Cuối cùng, tôi nói : « Câu trả lời khiêm tốn, đó là nói : cám ơn. » Với câu trả lời này, các học sinh đã hiểu tại sao cha mẹ của chúng đôi khi hài hước về những giờ học tôn giáo mà một linh mục dòng tên giảng dạy.

CHO PHÉP SỰ KHIÊM TỐN

Đức khiêm tốn nhìn nhận những gì là thực về mình. Không phải nói dối, cũng không phải phủ nhận thực tại nhưng đúng hơn biết nhận ra liệu những gì mà những người khác nói về mình là thực hay không. Như mọi nhân đức, đức khiêm tốn là mức độ chính xác giữa hai tật xấu. Nó nằm giữa tính kiêu ngạo, tự cho mình lớn hơn thực tại, và sự thương hại chính mình, coi mình tồi tệ hơn.

Tôi đã có thói quen nghĩ rằng lòng tự trọng là từ tương đương hiện đại với lòng khiêm tốn, từ ngữ được quan niệm cách tiêu cực đến nỗi nó dường như bất khả thu hồi. Một nghiên cứu về đức khiêm tốn sẽ không bao giờ được đọc, trong khi một cuốn sách về đức tự trọng sẽ được in lại. Tuy nhiên, tôi đã từ bỏ ý tưởng này.

Từ nay, tôi cho rằng đức tự trọng không phải là đức khiêm tốn, nhưng đúng hơn là nhân đức cho phép đức khiêm tốn tồn tại. Đang khi đức khiêm tốn có liên quan đến sự tương tác giữa mình và người khác, thì đức tự trọng liên quan đến cách sống với chính mình. Đang khi đức khiêm tốn hoàn thiện lối hành xử của chúng ta đối với những người khác, thì đức tự trọng hoàn thiện cái nhìn mà chúng ta có về bản thân. Trong khi đức khiêm tốn có liên quan đến việc nói chuyện bên ngoài, thì đức tự trọng liên quan đến cuộc đối thoại nội tâm.

Trong một bài báo có tựa đề « Lòng tự trọng », Joan Didion đã cho thấy những cuộc đối thoại này giống với điều gì. Bà viết,  không có lòng tự trọng, thì ta trở thành « khán giả bất đắc dĩ của một cuốn phim tài liệu không cùng, kiểm kê cách chi tiết các sai lầm, vừa hiện thực vừa tưởng tượng, mà người ta phạm phải và đưa vào những cảnh mới cứ mỗi lần chiếu. Này, đây là cái ly anh đã làm vỡ dưới ảnh hưởng của cơn giận, đây là vết thương trên khuôn mặt của X ; bây giờ hãy xem cảnh này, đó là buổi chiều mà Y đã quay về từ Houston, hãy xem anh đã làm hỏng việc như thế nào ». Không có lòng tự trọng, chúng ta vừa là kẻ gây hấn vừa là nạn nhân. Không có nó, thì không thể có lòng khiêm tốn lẫn niềm tự hào. Không có ý thức về giá trị riêng của mình, thì không thể biết mình.

Trước đây, tôi đã nghĩ rằng các bản đức của thời đại chúng ta có tất cả là ba : công bằng, khôn ngoan và trung tín. Năm vừa rồi, tôi đã hỏi các sinh viên thần học của tôi liệu chẳng phải thêm vào một bản đức thứ tư là đức tự trọng hay không. Những bàn tay đưa lên. Các sinh viên, nam hoặc nữ, tu sĩ hoặc giáo dân, tuổi từ hai mươi lăm đến sáu mươi lăm, đều đã trả lời « có » cách hầu như nhất trí. Người này đến người khác, họ đã cho thấy đạo đức sẽ bị đè bẹp đến mức nào khi những tham chiếu của nó chỉ là về mặt xã hội mà thôi, như đó là trường hợp của đức công bằng và trung tín. « Chiều tối, có bao nhiêu người đang làm việc vì đức công bằng và trung tín chuyền cho nhau xem cuốn phim của Joan Didion ? », họ hỏi. Tôi trả lời : « Có nhiều người ». Họ đã đồng ý với tôi.

BỐN BẢN ĐỨC ?

Tại sao xếp đức tự trọng ngang hàng với các bản đức ? Để trả lời câu hỏi này, cần phải nhớ rằng một bản đức có ba chức năng. Thứ nhất, nó diễn tả các nhiệm vụ luân lý nền tảng của chúng ta. Khi gọi bốn nhân đức này là « bản lề », người ta muốn nói rằng hành xử với tư cách là hữu thể luân lý giả thiết rằng ta phải khôn ngoan, công bằng, trung tín và tự trọng. Có một, hai hay thậm chí là ba cũng không đủ ; tất cả những ai yêu thương đều tìm cách thủ đắc bốn nhân đức này. Thứ hai, bốn nhân đức này là đủ. Như từ ngữ cardo để cho hiểu, tất cả những đòi hỏi luân lý khác đều tuỳ thuộc vào đó. Với người nào muốn biết trở nên luân lý nghĩa là gì, người ta có thể nói : « Đó là người yêu thương, nghĩa là người tìm kiếm đức khôn ngoan, công bằng, trung tín và lòng tự trọng. » Tất cả những đòi hỏi luân lý khác tìm thấy nguồn mạch của chúng nơi một trong những nhân đức này. Thứ ba, mỗi bản đức được nhắm đến vì chính nó. Điểm cuối cùng này chứng thực rằng việc chỉ rõ lòng tự trọng như là một bản đức là điều quan trọng. Nếu chúng ta nghiên cứu các nhân đức khác vì nhiều lý do, thì chúng ta tìm hiểu các bản đức vì chính chúng. Chính vì thường quên điều đó mà chúng ta khó khăn thủ đắc được lòng tự trọng.

Hãy suy nghĩ. Rất thường, chúng ta không muốn mất uy tín chỉ vì chúng ta sợ bị gạt bỏ bởi người bạn tốt nhất hay bởi người phối ngẫu của chúng ta. Rất thường, chúng ta bị bối rối bởi một hình ảnh gièm pha về bản thân mà chúng ta có khuynh hướng thêm vào kho tư liệu của chúng ta lời đe dọa này : « Nếu chúng ta không hành động tốt hơn, thì chúng ta sẽ không còn người bạn nào nữa cả ! » Rất thường, chúng ta chỉ chăm lo đến chính mình để cho người khác thấy rằng chúng ta có khả năng như thế. Khi chúng ta trau dồi đức tự trọng theo cách đó để cho người ta tôn trọng mình, thì, trên thực tế, chúng ta nại đến một sự mặc cả ấu trĩ, như thể giá trị của bản thân chúng ta trước hết tùy thuộc vào sự tôn trọng mà những người khác mang đến cho chúng ta. Người ta không thể đạt tới đức tự trọng nếu người ta tìm kiếm nó ở chỗ nào khác hơn là nơi bản thân.

Đôi khi chúng ta đặt ra những điều kiện vô ích, thậm chí có hại cho đức tự trọng : chúng ta nghĩ rằng đức tự trọng chỉ là chính đáng nếu sự sung túc của cộng đoàn, môi trường của nơi làm việc hay hạnh phúc của gia đình không bị ảnh hưởng đến ; hoặc là lòng quý trọng bản thân chúng ta phải là thấp hơn so với lòng quý trọng mà chúng ta phải có đối với cộng đoàn hay đối với gia đình chúng ta. Dù hạnh phúc của gia đình hay sự sung túc của cộng đoàn bị khuấy động cách nào đó, và thế là chúng ta không còn cho mình quyền tôn trọng bản thân. Để chung thuỷ, có bao nhiêu người vợ đã chấp nhận những sự nhục nhã hay những cú đánh từ phía người chồng vũ phu hay bạo lực về thể lý ? Vì lợi ích của xí nghiệp của họ, có bao nhiêu nhân viên đã chịu đựng những trận nổi khùng của các ông chủ đầy vẻ tự tôn và/ hoặc thiếu trưởng thành ? Vì lợi ích của gia đình, có bao nhiêu bạn trẻ nội tâm hoá những gì họ nghĩ là « quyền » của các bậc cha mẹ thương đứa con này hơn đứa khác ? Nếu đức tự trọng không bày tỏ những yêu sách hạnh phúc của riêng mình – không phải tuỳ thuộc vào đức công bình hay đức trung tín nhưng, như mọi nhân đức, bởi vì nó phải được tìm kiếm vì chính nó -, thì nó chỉ sẽ có dịp triển nở « nếu thời điểm xảy đến ».

Đức công bằng đòi hỏi chúng ta xem mỗi người là như nhau ; đức trung tín đòi hỏi chúng ta coi các bạn bè và gia đình của chúng ta cách ưu biệt ; đức tự trọng đòi hỏi chúng ta tự coi mình là độc nhất. Những đòi hỏi của ba nhân đức này có thể được thực hiện cách đồng thời và dẫn đến nhân đức thứ tư : chính đức khôn ngoan phân chia các nhấn mạnh cách thích hợp.

GIÁO DỤC CON CÁI CHÚNG TA

Tất cả các nhân đức được thủ đắc nhờ việc thực hành. Chính nhờ bước đầu rèn luyện của giáo dục mà chúng ta dạy cho con cái chúng ta sống công bằng, đối xử với người khác như chúng muốn người ta đối xử chúng, đón tiếp hơn là loại trừ, dành thời gian để duy trì tình bạn và nâng đỡ những người mà chúng thương mến. Chính khi thực thi đức công bằng mà chúng ta dạy cho chúng giá trị của mọi nhân vị. Chính khi thực thi đức trung tín mà chúng ta dạy cho chúng giá trị của mọi tương quan. Chính khi bày tỏ đức tự trọng mà chúng ta dạy cho con cái giá trị riêng của chúng. Nhờ sự hiện diện yêu thương của các bậc cha mẹ chúng ta,  con cái chúng ta nhận thấy tràn ngập tình thương, những viễn ảnh, những khả năng.

Như thế, chúng ta giúp con cái chúng ta thực hiện nhiều khám phá :

–          Tất cả những tìm cảm mà chúng cảm nghiệm đều đến từ chính chúng và thế giới nội tâm của chúng cũng rộng lớn như công viên Central Park hay như thung lũng Grand Canyon.

–          Chúng dồi dào những cơ chế xúc cảm lấp đầy chúng những hy vọng, những giấc mơ, hạnh phúc khi chúng biết mình được đón nhận, nhưng, trái lại, lại làm cho chúng khó gần, cảnh giác và lo lắng tự vệ khi chúng cảm thấy bị đe dọa.

–          Nếu có một thế giới nội tâm, thì cũng có một thế giới ngoại tại. Con cái học biết, ít ra chúng ta hy vọng thế, rằng tự sâu thẳm bản thân chúng, chúng có thể tìm thấy cái để thương lượng sự tham gia của chúng vào thế giới rộng lớn đang mời mọc chúng theo cách mới mẻ và độc nhất.

–          Cũng như cần có thời gian để hiểu anh em hay chị em của mình, bạn bè hay đồng sự của mình, nên cũng cần phải có thời gian để biết mình.

Thỉnh thoảng, con cái nghĩ đến chúng ta, đến bạn bè hay các anh chị em của chúng và chúng ta khuyến khích chúng cũng nên có thói quen nghĩ đến bản thân. Khi chúng ta mong ước chúng có những giấc mơ ngọt ngào về mẹ hay ba, thì chúng ta cũng có thể mời gọi chúng có những giấc mơ ngọt ngào về chính bản thân chúng.

Những dạy dỗ như thế cũng quan trọng như những dạy dỗ liên quan đến đức công bằng và trung tín. Tuy nhiên, nếu giáo dục con cái dẫn đến chỗ dạy dỗ chúng cả ba nhân đức, thì Giáo Hội lại vô cùng ít chú tâm đến đức tự trọng so với đức công bằng và trung tín.

GIÁO HỘI VÀ ĐỨC TỰ TRỌNG

Trong số các tài liệu quan trọng nhất được viết bởi các vị hữu trách của Giáo Hội Công giáo trong suốt thế kỷ XX, có lẽ tám trên mười tài liệu này liên quan đến đức công bằng. Các bài giảng về đức trung tín – nhất là nếu nó liên quan đến gia đình, hôn nhân, ly dị – là điều thường thấy. Khi người ta nghĩ đến sự kiên trì của Chúa Kitô, đến sự hiện diện vĩnh hằng của Thiên Chúa, đến giao ước, đến sự dấn thân của Giáo Hội, thì người ta hiểu được tại sao đức trung tín là nhân đức được viện dẫn thường xuyên nhất trong các bài giảng lễ Chúa Nhật. Nhưng có thông điệp nào đã khuyên xem bản thân mình cách khoan dung, chăm lo bản thân hay đón nhận cách biết ơn giá trị riêng của mình ? Có bài giảng nào mang lại những lời khuyên để thủ đắc hay giữ gìn đức tự trọng ? Đâu là những nỗ lực được thực hiện để làm nổi bật trong Tin Mừng những lời an ủi mà Chúa Kitô đã không ngừng nói với những ai đến nghe Ngài giảng ? Các nhóm gọi là « mười hai giai đoạn [26] » có lẽ là nơi duy nhất mà một người Công giáo có thể thường xuyên nghe nói lòng tự trọng quan trọng dường nào !

Phải suy nghĩ hơn nữa về đức tự trọng và phải nhớ rằng đó là một bản đức ; luân lý đòi hỏi người ta ngưng chê ghét bản thân cách mạnh mẽ như người ta nỗ lực đấu tranh chống bất công. Lời mời gọi làm cho đức tự trọng lớn lên của luân lý cũng cấp bách như lời mời gọi sống công bằng và trung tín.

Chương 12

VIỆC GIÁO DỤC VÀ NHÂN ĐỨC KHÔN NGOAN

Khi tôi còn nhỏ, cha mẹ tôi đã tổ chức các buổi họp mặt tuyệt vời tại nhà vào những dịp lễ lớn. Ngay cả bên ngoài những dịp này, những người hàng xóm, gia đình và các bạn bè thường đến nhà tôi để tham gia vào một bữa nấu ăn ngoài trời, đánh bài hay đơn giản là viếng thăm chúng tôi. Em trai tôi Bob và chính tôi đã lớn lên và đến lượt các bạn bè của chúng tôi đến nhà. Rồi các chị em của tôi và đứa em trai nhỏ tuổi nhất của tôi cũng đã bắt đầu mời bạn bè của họ. Luôn luôn trong ngày, nhà Keenan đã đón tiếp khách. Chúng tôi không giàu cũng không nghèo, nhưng chúng tôi thực sự muốn có nhiều khách đến nhà.

Những kỷ niệm thân thương nhất của tôi liên quan đến những sinh nhật mà cha mẹ của tôi đã tổ chức cho Bob và tôi. Vì Bob sinh sau tôi ba trăm sáu mươi ngày, nên chúng tôi đã được mừng như là “những trẻ sinh đôi” và chúng tôi mừng sinh nhật cùng nhau. Những buổi mừng sinh nhật này là khó tin. Cha mẹ tôi đã chọn những đề tài khác nhau: rạp xiếc, Far West, etc.; đề tài thích nhất của tôi là hòn đảo châu báu. Mẹ đã làm một cái hộp đầy những miếng sôcôla. Những người hàng xóm, bạn bè và anh em họ đến giả trang thành những tên cướp biển và bác của tôi hóa trang thành Thuyền trưởng Crochet. Tôi nhớ rất rõ về ông, dải bịt mắt, khập khiểng một chân. Điều đó đáng cho việc di chuyển!

Khi còn trẻ, tôi không đánh giá được những kho tàng tưởng tượng mà cha mẹ tôi đã bày ra để thực hiện những kế hoạch như thế. Tôi đã tin rằng mọi người đều có những kỷ niệm sinh nhật như chúng tôi, cho dầu thực ra tôi đã chưa bao giờ thấy như thế. Nhưng những chuẩn bị của cha mẹ tôi – trí tưởng tượng cũng như sự chú ý đến những chi tiết mà họ chứng tỏ – là không chỉ một dấu tình yêu hiển nhiên và là một dịp vui mừng tuyệt vời, nhưng còn là một mẫu gương khôn ngoan lớn lao.

VIỆC TỔ CHỨC CHO TƯƠNG LAI ĐÒI HỎI SỰ KHÔN NGOAN

Nếu bạn thấy lạ việc tôi chọn sự chuẩn bị cho một lễ mừng sinh nhật làm thí dụ để minh họa cho đức khôn ngoan, thì xin cho phép tôi hướng bạn về với kinh nghiệm của bạn. Trong số các độc giả như các bạn, có thể nhiều người đang tổ chức một điều gì đó: một buổi liên hoan gia đình, một nghi lễ phụng vụ cho một lễ sinh nhật, một buổi dạ hội với các bạn bè xưa, một cuộc tập hợp giáo xứ. Trong trường hợp này, bạn điều chỉnh chương trình và bạn cố gắng đạt được sự đồng thuận; bạn bắt đầu tổ chức một ê-kíp và chọn những người thích hợp; bạn chuẩn bị dọn nhà hay bạn lên kế hoạch một cuộc hẹn.

Về mặt tổ chức, việc nghĩ đến những chi tiết mà thôi thì không đủ; cũng cần phải dự kiến và tưởng tượng. Để ý tưởng được thực hiện, cần phải nhìn đến tương lai và hình dung nhiều tình huống. Cho dầu, đối với chúng ta, những người mà giả trang thành những tên cướp biển hay đi khập khiểng như Thuyền trưởng Crochet xuất hiện cả nghìn nơi trong những kế hoạch của chúng ta, thì những gì chung, đó là trí tưởng tưởng của chúng ta cũng phải tỏ ra có tính sáng tạo để xác định ai sẽ được cần đến, ở đâu, khi nào, tại sao và như thế nào.

Trước khi đạt đến kế hoạch chung cuộc, cần phải tưởng tượng ra những giả thiết khác nhau, trong số đó chúng ta sẽ chọn giả thiết nào sẽ đáp ứng tốt nhất cho tập điều kiện đấu thầu mà chúng ta đã tự hoạch định. Khi trí tưởng tượng của chúng ta đổ ra nơi cái cụ thể và chúng ta tổ chức tương lai, thì chúng ta đưa ra một phán đoán khôn ngoan. Không có nhân đức nào hướng đến tương lai hơn đức khôn ngoan. Dường như điều đó có thể lạ lùng, vì ý tưởng đề phòng đến với tâm trí cách dễ dàng hơn khi ta nghĩ đến đức khôn ngoan [27] . Nhưng sự đề phòng chỉ hữu ích cho đức khôn ngoan trong chừng mực mà, đối diện với tương lai, chúng ta vẫn thiếu kinh nghiệm mà tương lai sẽ mang lại.

Các thần học gia đã nói nhiều về phẩm chất viễn kiến (visionnaire) được gắn liền với đức khôn ngoan. Chẳng hạn, thánh Tôma Aquinô đã viết rằng đức khôn ngoan luôn xác định những phương thế thích hợp nhất với mục đích mà chúng ta nhắm đến. Như thế, ngài đã muốn báo động cho chúng ta về sự kiện rằng đức khôn ngoan làm cho những khả năng của tương lai trở nên cụ thể. Đó là nhân đức làm cho chúng ta tiến tới.

Một thần học gia luân lý người Đức, cha Klaus Demmer [28], nói điều đó cách rất đơn giản: “Trong đời sống luân lý, vấn đề không phải là phản ứng (réactif), nhưng là chủ động (actif). Cần phải nhìn hoàn cảnh xảy đến không phải như điều gì đó áp đặt cho chúng ta, nhưng như là một cơ hội tự đào tạo.” Ngài muốn làm cho chúng ta hiểu rằng đời sống luân lý không cam lòng trả lời cho ngày mai: nó làm cho ngày mai xảy đến.

CHƯƠNG TRÌNH CỦA ĐỜI SỐNG LUÂN LÝ

Đâu là chương trình của đời sống luân lý? Tôi đã gợi ý trong ba chương cuối rằng đời sống luân lý liên quan đến đức trung tín, đức công bằng và đức tự trọng; còn về đức khôn ngoan, nó ghi khắc ba nhân đức này theo chương trình. Đời sống luân lý liên lỉ thách thức chúng ta làm cho chúng lớn lên trong chúng ta. Chẳng hạn như đức công bằng dạy chúng ta luôn đối xử mọi người bình đẳng hơn. Chúng ta hiểu tốt hơn làm thế nào những thái độ của chúng ta, những ý hướng của chúng ta và những hành động của chúng ta phải trở nên công bằng hơn và niềm nở hơn đối với những người khác. Vì đủ thứ lý do không thể chấp nhận được, chúng ta biết rằng chúng ta cảm thấy có những thành kiến đối với một số người trong một số lãnh vực.

Chẳng hạn, là những người nam, chúng ta không ngừng ý thức rằng thái độ phân biệt giới tính của chúng ta là được ăn sâu và thường thấy, và chúng ta cần phải có thói quen thừa nhận người nữ bình đẳng với chúng ta và đối xử họ như thế. Để thay đổi, chúng ta cần đến đức khôn ngoan giúp ta nhận thấy trước những hoàn cảnh theo cách mới mẻ, nhờ công việc của trí tưởng tượng. Để tránh những hoàn cảnh trong đó chúng ta thốt ra những lời nói kỳ thị giới tính, đức khôn ngoan làm cho chúng ta hiểu rằng chúng ta có khuynh hướng đặc biệt này và chúng ta cần phải kiểm soát nó cách tốt nhất. Đức khôn ngoan cũng làm cho chúng ta nhạy cảm trước sự kiện rằng, vì chúng ta nói những gì nảy ra trong tâm trí chúng ta, nên cần phải thay đổi không chỉ lời nói, nhưng còn, và đây là quan trọng hơn, tư tưởng nữa. Đức khôn ngoan dạy chúng ta chế ngự những phản ứng xấu xa mà chúng ta thường có thói quen. Nó giúp chúng ta  thủ đắc thói quen tốt xem các nữ đồng nghiệp của chúng ta như là bình đẳng với chúng ta và hành xử như thế. Nó dẫn chúng ta đến suy nghĩ nguyên nhân của một cách nhìn bất công như thế và chấp nhận theo một cách nhìn khác, cởi mở hơn, trong tư tưởng và lời nói. Trong chừng mực nó chiếu vào tương lai, do đó, đức khôn ngoan cố đạt tới sự biến đổi nội tâm của chúng ta.

Nó hình dung những hoàn cảnh có thể thay đổi chúng ta. Khi hướng về tương lai để cải tân chủ thể là chính chúng ta, đức khôn ngoan hiểu rằng vấn đề không phải là vì thế giới thiếu đức công bằng và đức trung tín, nhưng là vì chính chúng ta bất công và bất trung. Nếu tôi trở nên khôn ngoan, thì tôi sẽ khuyến khích các hoàn cảnh có thể rèn luyện trong tôi thói quen hành động theo đức công bằng và đức trung tín hơn nữa.

ĐỨC KHÔN NGOAN TRONG GIÁO DỤC

Đức khôn ngoan khéo léo tìm cách tạo nên những hoàn cảnh cho phép từ bỏ những thói quen xấu hiểm và thủ đắc những thói quen tốt. Theo ý tôi, việc giáo dục các trẻ em là minh họa tốt nhất cho điều đó. Điều này có thể gây ngạc nhiên vì, nói chung, chúng ta liên tưởng hình ảnh đức khôn ngoan với những người mà chúng ta phó thác những quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta: các giáo sư, các linh mục hay những nhân vật khác có khả năng khuyên nhủ chúng ta. Đành rằng trong một số dịp, chúng ta cần có thể tin như thế. Tuy nhiên, đức khôn ngoan không chỉ được áp dụng cho việc đưa ra quyết định. Cách rộng rãi hơn, nó nhắm đến việc tìm kiếmtạo nên những điều kiện thích hợp cho việc triển nở tròn đầy. Đó chính là những gì các bậc cha mẹ đang làm. Họ luôn đang suy nghĩ đến tương lai của đứa con Julie hay Grégoire bé nhỏ của họ.

Các bậc cha mẹ tự đặt ra những câu hỏi nghiêm chỉnh như, chẳng hạn: đâu là khu phố tốt nhất đối với con cái của chúng ta? Đâu là những trường học sẽ giúp chúng triển nở tốt nhất? Nhưng họ cũng đặt ra những câu hỏi đời thường hơn: con của chúng ta có cảm thấy dễ chịu không? Nó cư xử với những người khác thế nào? Nó có tính hướng ngoại hay e dè? Nó đương đầu với những khó khăn ra sao? Làm thế nào nó có thể tránh va vào tường hay vào bàn ghế? Làm thế nào nó có thể học trở nên ít rụt rè hơn mà không trở nên quá tự tin? Chính khi tự đặt ra thể loại những câu hỏi này mà các bậc cha mẹ khám phá ra rằng con cái của họ là độc nhất dường nào. Họ hiểu rằng con trẻ chỉ sẽ lớn lên trong những hoàn cảnh mà sẽ cho nó thấy nó thực sự là ai. Và thường thường, những hoàn cảnh như thế sẽ không được lập trình tí nào, đối với những hoàn cảnh tốt đẹp nhất hay xấu nhất!

Các bậc cha mẹ còn biết rằng họ không thể ép buộc đứa con của mình học hành. Bởi thế, họ cố gắng tạo ra những dịp sẽ cho phép nó học hành theo nhịp độ riêng của nó. Các bậc cha mẹ tin vào ước muốn lớn lên của con cái mình, và họ cũng biết rằng họ đóng góp vào việc gợi lên ước muốn này, bằng cách làm sao cho hoàn cảnh không quá khó cũng không quá dễ dãi, mới mẻ mà không hoàn toàn xa lạ. Con cái tiến bộ từng bước một. Bởi thế, đức khôn ngoan đòi hỏi không chỉ biết đứa con của mình để những kinh nghiệm mới được thích nghi tốt cho nó, nhưng còn tìm thấy “sự trung dung giữa những thái quá.” Các bậc cha mẹ học biết điều đó bằng kinh nghiệm.

Chẳng hạn, họ học biết luôn chăm sóc con cái mình mà không bảo vệ nó thái quá; chứng tỏ nhiều tình thương cho nó mà không hoàn toàn để lộ điều đó để không nuôi dưỡng nơi nó một sự lệ thuộc quá lớn; tuy nhiên, phải đảm bảo rằng đứa con của họ được nâng đỡ bởi tình thương này. Đâu là giới hạn đúng mức của tình cảm? Chính khi tiến bộ trong nhân đức khôn ngoan mà ta khám phá thấy điều đó.

Trong thời gian con mình lớn lên, người cha phải học biết cương nghị để ngăn không cho nó chơi với cánh cửa, với những ổ cắm điện, các cây viết mực và viết chì, không quá nghiêm khắc cũng không quá khoan dung. Ông phải chú ý đến những que diêm, chất tẩy, những đồ mỹ nghệ có giá trị, đến tất cả các đồ vật mà đứa con của mình có nguy cơ chiếm lấy; nhưng sự cương nghị có nghĩa là gì và làm thế nào định vị giữa sự nghiêm khắc và lòng khoan dung?

Điều đó thuộc phần nhiều câu hỏi làm cho các bậc cha mẹ băn khoăn. Họ sẽ trả lời đúng và khôn ngoan khi họ tìm ra con đường trung dung hay “sự trung dung giữa những thái quá.” Không có công thức pha chế sẵn để tìm ra sự trung dung giữa sự nghiêm khắc thái quá và sự khoan dung thái quá, giữa tình yêu thái quá và việc thiếu tình thương. Sự học biết của các bậc cha mẹ được thực hiện ở mái trường gay go của kinh nghiệmviệc suy tư.

TỰ GIÁO DỤC CHÍNH MÌNH

Các bậc cha mẹ học biết con cái của mình, tạo ra những hoàn cảnh thuận lợi cho sự lớn lên của nó và tìm ra sự trung dung giữa những thái quá để nó đạt đến sự triển nở tròn đầy. Đó là ba điểm then chốt đối với các bậc cha mẹ; chúng cũng có tính quyết định đối với đời sống luân lý.

Nếu chúng ta muốn đạt tới đức công bằng, đức trung tín và đức tự trọng, thì, trước tiên, chúng ta phải biết chúng ta là ai và đâu là sức mạnh và giới hạn của chúng ta. Như các bậc cha mẹ học biết con cái của mình bằng tình thương, thì chúng ta học biết chính mình tốt hơn bằng tình yêu. Tình yêu luôn muốn hơn nữa cho người mình yêu và chúng ta phải tìm kiếm các nhân đức để biết chúng ta cần tiến bộ ở đâu.

Khi nại đến cùng chính trí tưởng tượng như trí tưởng tưởng của các bậc cha mẹ khi họ thúc giục con cái nỗ lực điều gì đó mới mẻ, thì chúng ta cần phải tổ chức những hoàn cảnh trong đó các khả năng lớn lên hằng ngày của chúng ta là thực sự hiện thực. Việc đạt được công bằng hơn, trung tín hơn và lòng tự trọng hơn là một nhiệm vụ lâu dài và mỗi người chúng ta phải học biết lớn lên với một tốc độ có thể chấp nhận được. Một số người trong chúng ta có thể đã trải qua những năm tháng ưu tư đến công ích, nhưng kinh nghiệm của họ về mặt tương quan đã bị tổn thất vì điều đó. Nếu phải đạt được nhân đức trung tín lúc về già, thì điều đó sẽ là một nhiệm vụ chậm chạp kinh khủng. Những người khác tuyệt vọng rằng đức tự trọng tỏ ra rất khó đối với họ, đang khi mà mặt khác họ lại thực hành đức công bằng và lòng trung tín.

Để tiến tới, bởi thế cần phải hướng dẫn chính mình như các bậc cha mẹ hướng dẫn con cái của họ: bằng  cách coi mình như là một hữu thể độc nhất, nhìn thấy trước bước tiếp theo và bước đi với lòng kiên nhẫn và kiên trì, không mỏi mệt vì chuyến hành trình hầu như không chấm dứt mà cần phải quyết định tốt để đạt được các nhân đức. Trên đường hành trình, trí tưởng tượng sẽ là phương tiện quan trọng để thành công quan của chúng ta, vì nó dẫn vào đức khôn ngoan lên kế hoạch cho chuyến hành trình và bảo đảm cho tiến trình tốt đẹp của nó.

Chương 13

ĐỨC CAN ĐẢM

Các bản đức của thời đại chúng ta là: công bằng, trung tín, tự trọng và khôn ngoan. Tôi đã nghiên cứu chúng cách riêng rẽ trong các chương trước. Ba bản đức đầu tiên mời gọi chúng ta đối xử với mỗi người cách công bình; chúng thúc giục chúng ta thắt chặt các mối quan hệ và gìn giữ chúng đồng thời vẫn có lòng tự trọng. Còn về đức khôn ngoan, nó giúp chúng ta khám phá những gì mà đức công bằng, đức trung tín và đức tự trọng có thể tương xứng trong hoàn cảnh cụ thể. Nhưng hai nhân đức khác, can đảm và tiết độ, cũng được đòi hỏi nếu chúng ta muốn hành động cách đức hạnh. Đó là những nhân đức dụng cụ, tức là chúng hữu dụng cho việc chúng ta trở nên công bằng, trung tín, tự trọng và khôn ngoan.

MỘT SỰ CAN ĐẢM ĐƯỢC BÉN RỄ SÂU TRÊN NHỮNG XÁC TÍN

Một tối nọ khi cha tôi, sĩ quan cảnh sát, đang đi làm việc thì mẹ tôi đã đánh thức tôi dậy để nói với tôi rằng bà tin là đã nghe thấy có ai đó trong hầm rượu. Bà còn nói thêm là bà nghĩ rằng đúng là có một tiếng rắc trong nhà. Nhưng, để biết rõ ràng đích xác, bà đã hỏi tôi liệu tôi có vui lòng đi xuống với bà để xem mọi thứ đều tốt đẹp hay không. Tôi đáp: “Dĩ nhiên”, nhưng lúc đó tôi sợ. khi từ hầm rượu trở về, bà đã cám ơn tôi và nói với tôi rằng tôi can đảm. Nhận xét đó đối với tôi có vẻ kỳ lạ vì tôi đã sợ: nếu tôi can đảm, thì làm sao mà tôi có thể sợ được? Khi tôi cho bà biết những thắc mắc của tôi, thì bà đã trả lời tôi rằng can đảm không muốn nói là “không sợ”, nhưng đúng hơn là “tiếp tục làm những gì mà ta phải làm, bất chấp sự sợ hãi”.

Trong thời gian thơ ấu của tôi ở Brooklyn, tôi đã liên kết “can đảm” và “chịu đựng giỏi”. Đối với tôi lúc đó, can đảm hệ tại việc không cho thấy sự sợ hãi của mình, nói cách khác không phải là một kẻ nhút nhát. Tôi nghĩ, người ta thường lẫn lộn sự vắng mặt sợ hãi và lòng can đảm; người ta nghĩ đến G. Gordon Liddy [29] đặt tay trên một ngọn lửa. Nhưng suy nghĩ của mẹ tôi đã lôi kéo sự chú ý của tôi đến một khía cạnh hoàn toàn khác.

Về sau, tôi đã bắt đầu nhận xét rằng một số người đã làm những gì họ phải làm ngay cả khi họ sợ hãi. Vào thời đó, có những nữ tu biểu tình ở Selma. Dù lúc đó thật khó hiểu tại sao họ không đến lớp dạy học thì hơn, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng họ can đảm. Vì người ta lăng nhục họ, người ta chửi bới họ. Tôi đã tự nhủ rằng ở Brooklyn, người ta hẳn đã không dám. Khi các nữ tu đi đến Selma [30], họ hoàn toàn ý thức rằng họ sẽ có những vấn đề. Tuy nhiên, tôi đã cảm thấy rằng họ làm những gì mà họ phải làm, bởi vì, trên những tấm biển và trên các khuôn mặt của họ, người ta có thể đoán thấy rằng họ có những xác tín.

Khi tôi xem phóng sự trên truyền hình, với những vòi rồng chữa cháy và những con chó lao vào những Người Da Đen đang diễu hành vì các quyền dân sự, thì tôi đã hiểu sự can đảm của họ. Họ đã biết rằng rằng người ta sắp làm hại họ, thế mà họ vẫn đi đến đó. Những người này bắt đầu chinh phục tôi về tầm quan trọng của lối hành xử của họ.

CAN ĐẢM KHÔNG NAO NÚNG

Nhiều năm về sau, tôi xem một cảnh tương tự trong phim “Gandhi”: người ta bước đi trước mặt cảnh sát dù biết rằng họ có thể bị đánh bể đầu; không ai trong họ tìm cách gây gỗ và mọi người đều sợ, tôi chắc như vậy; tuy nhiên, họ không nao núng chống lại những người mạnh hơn họ.

Những xác tín dùng làm điểm neo cho người nào muốn hiểu đức can đảm. Những người can đảm vẫn trung tín với những xác tín của mình, thậm chí trước mối đe doạ hay thất bại. Những xác tín không chỉ là việc của các anh hùng của đức công bằng. Người miền núi hay nhà thám hiểm hay người đi biển là can đảm không phải vì họ chiến đấu chống lại sự sợ hãi của mình và chế ngự nó, nhưng bởi vì, đối diện với nghịch cảnh, họ theo đuổi con đường của mình; họ tiếp tục với niềm xác tín không hề lay chuyển rằng họ phải kết thúc hành trình của mình. Họ kiên quyết. Sự kiện tha thiết với những xác tín của mình xem ra như là điều kiện của sự can đảm.

Không nao núng chắc chắn là một lối ẩn dụ đẹp của sự từ chối đầu hàng. Rosa Parks [31] đã không nao núng khi bà chiếm chỗ ở phần trước xe buýt. Thomas More [32] đã không nao núng khi, đang ở trong tù, ông đã từ chối trung thành với vua. Người này và người kia đã bén rễ sâu trong những xác tín của họ và họ đã kháng cự hơn là nhượng bộ cho một sự sợ hãi rất tự nhiên.

CAN ĐẢM XÊ DỊCH

Một lối ẩn dụ khác là lối ẩn dụ về một người xông vào một tòa nhà hỏa hoạn để giải cứu một nạn nhân, hay bảo vệ một người chống lại kẻ tấn công, hay bay đến cứu người khác. Ở đây, đức can đảm không hệ tại việc không nao núng, nhưng đúng hơn là xê dịch để đối mặt với sự cấp bách.

Chúng ta đừng đánh giá thấp tầm quan trọng của một chuyển động như thế. Aristote nhắc nhở chúng ta rằng luân lý tính của một nhân vị được biểu lộ nơi những phản ứng tự phát của người đó. Khi có cấp bách, ta có thể thấy tốt hơn ai can đảm và ai hèn nhát: khi ta hành động mà không có thời gian suy nghĩ, thì các bản năng xuất hiện hèn hạ hay tốt hơn dưới ngày thường của chúng. Cho dầu sự cấp bách là ngoại lệ, nhưng nó phơi bày một khung cảnh mà ta có thể gọi là thích đáng để hiểu sự can đảm luân lý là gì. Trong hai trường hợp, tinh hoa của đức can đảm là cứu giúp người khác đang lâm nguy.

Nếu ta suy nghĩ đến điều đó, thì có nhiều sự giống nhau giữa việc không nao núng và bay đến cứu người khác:

–          Trong hai trường hợp, nghịch cảnh trở nên đe dọa – dù đó là sự áp bức chủng tộc, vũ lực hung tợn, một cơn bão hay một cuộc hỏa hoạn.

–          Trong sự khó khăn, người nam hay người nữ can đảm đấu tranh để ngăn chặn hoàn cảnh xấu đi, dù đó là đang theo đuổi diễn biến hành động của họ hay đang xê dịch nhanh chóng.

–          Trong hai trường hợp, người can đảm xác tín rằng bản thân người ấy có thể ngăn chặn hoàn cảnh xấu đi; nếu không, người ấy hẳn sẽ thiếu khôn ngoan. Chẳng hạn, nếu những người đình công đã phải chịu những cú đánh vào đầu hay những cuộc tấn công của vòi rồng chữa cháy mà không có hy vọng nào lôi kéo sự chú ý đến sự bất công của những kẻ áp bức họ, thì những hành vi của họ có thể được coi là vô trách nhiệm. Cũng thế, nếu đã có một khả năng xảy ra rất lớn là người cứu nạn vẫn yếu kém (handicapé) tiếp theo sau mưu tính cứu nạn của mình, thì, trên thực tế, người ấy hẳn sẽ chỉ làm cho hoàn cảnh xấu đi mà thôi.

–          Trong tất cả các trường hợp cứu nạn (và cũng thường khi nó hệ tại việc không nao núng), người can đảm liên đới với người dễ bị tổn thương, dù người này bị kẹt cứng trong một tòa nhà hỏa hoạn hay phải bị phục tùng cho một chế độ đàn áp. Trong hai trường hợp, nó hệ tại việc cân nhắc nguy cơ mà ta tự chuốc lấy, đối diện với những gì sẽ xảy đến nếu ta tránh hành động.

Hai thái độ này, không nao núng hay cứu giúp, theo tôi, là hai khía cạnh bổ túc của cùng một thực tại: người can đảm không chịu coi thường một cá nhân hay một nguyên tắc đang lâm nguy. Đức can đảm là nhân đức của người không chịu từ bỏ khi đối mặt với mối đe dọa.

SỰ CAN ĐẢM Ở ĐỒI CAN-VÊ

Dưới ánh sáng của định nghĩa này, ta khám phá ra rằng đó là vấn đề can đảm trong Thánh Kinh. Sự can đảm của Chúa Kitô trong vườn Ôliu không chỉ xuất hiện trong sự sẵn lòng chấp nhận Thập giá của Ngài nhưng còn trong sự kiện rằng Ngài chấp nhận nó chính là để không bỏ kế hoạch của Cha Ngài là cứu độ chúng ta. Trong cuộc Nhập thể của Ngài, cuộc Thương khó và cái chết của Ngài, Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ cuối cùng. Sự can đảm của Ngài được phản ánh nơi sự can đảm của Đức Maria Mẹ của Ngài, trong sự can đảm của môn đệ Gioan, của Maria Mađalêna và của những phụ nữ khác không nao núng, đứng thẳng dưới chân thập giá, và không bỏ rơi Chúa Giêsu như các môn đệ khác. Sự can đảm được biểu lộ ở đồi Can-vê là một tột đỉnh trong lịch sử nhân loại.

Bởi thế, thật chẳng ngạc nhiên việc các binh lính khám phá ra khuôn mặt can đảm nơi thập giá của Chúa Giêsu, như câu nói này của Gioan diễn tả: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu này…” Khuôn mặt can đảm không được khám phá trong sự sợ hãi được chế ngự, nhưng là trong nhân tính được đảm nhận cho đến cùng, ngay cả khi nó bị đe dọa. Người lính ra đi chiến đấu để bảo vệ đất nước của mình: sự can đảm của anh ta hệ tại không chịu bỏ mặc đất nước của mình trong trong cơn hoạn nạn. Nhưng trong vòng cuộc chiến, đang khi người ta yêu cầu anh không nao núng và bảo vệ quê hương của mình dối diện với nghịch cảnh, thì cũng đôi khi anh được mời gọi cứu những mạng sống con người. Người lính can đảm trở nên một vị anh hùng khi anh cứu giúp một thường dân hay một người lính khác bị mắc lại đằng sau. Đức anh dũng trong thời chiến, đó là câu chuyện những người phòng thủ can đảm bị bắt trong các chiến dịch giải cứu. Sự can đảm trong cuộc chiến không phải là chống lại sự sợ hãi, đó là giải cứu các mạng sống.

TRỞ NÊN CAN ĐẢM HƠN

Làm thế nào trở nên can đảm hơn? Để trả lời cho câu hỏi này, cần phải nghĩ đến những cuộc tập luyện của các binh lính mà, như các cảnh sát, đòi hỏi sự can đảm, phẩm chất chủ yếu của một ơn gọi gìn giữ hòa bình, ở nước ngoài hay trên lãnh thổ quốc gia. Hai thái độ của đức can đảm được kết hợp ở đây: không nao núng, đảm bảo sự phòng vệ và ra đi chiến đấu nếu cần.

Ý muốn đứng ở hàng đầu để bảo vệ quốc gia rõ ràng biểu lộ sự can đảm của người lính. Nhưng điều này không thúc đẩy anh ta tìm kiếm sự liều mạng, đối đầu hay nguy hiểm. Người lính can đảm không phải là kẻ xúi giục xung đột, anh ta phản ứng lại trước một đe dọa. Đức can đảm luôn luôn là một thái độ đáp trả mà không đón trước những phiền phức, nhưng muốn bảo vệ, che chở hay giải cứu khi ai đó hay điều gì đó đang đe dọa.

Ý hướng bảo vệ trở thành nhân đức khi đức khôn ngoanđức liên đới đến trợ giúp và hoàn thiện nó. Các binh lính can đảm được luyện tập đức khôn ngoan, được chuẩn bị và thức tỉnh để đương đầu với những khó khăn và đe dọa. Người ta phát triển trí tuệ thực tiễn của họ để họ có thể lượng giá các nguy hiểm, những hậu quả cũng như khả năng xảy ra của chúng. Nhân đức can đảm phải đi đôi với một ý thức về sự viễn kiến và việc làm chủ các nhân tố nguy hiểm.

Trong khi tập luyện, người lính cũng được huấn luyện đức liên đới. Nhân đức này dạy cho người lính không coi mình là trung tâm của các chiến dịch:  dù muốn hay không, anh ta luôn thuộc về một đội quân, một đại đội, một tiểu đoàn. Người lính không chế ngự sự đe dọa một mình: chính những đội quân gánh vác điều đó, trong chừng mực chúng hình thành nên cùng một thực thể. Các quân nhân nuôi dưỡng một tinh thần nhóm lớn lao và họ nhấn mạnh đến tính nghiêm trọng khi trốn tránh điều đó. Họ ghi khắc vào tâm trí người lính sự xác tín rằng chính khi cùng nhau mà người ta thành đạt.

Sự sẵn sàng đương đầu với sự đe dọa trở thành nhân đức với điều kiện là đức khôn ngoan và đức liên đới đến hoàn thiện nó. Đó là lý do vì sao các quân nhân dè chừng người lính nào phô trương một sự gan dạ thái quá. Vì tính kiêu căng, cũng như sự không an toàn, là thiếu khôn ngoan và nguy hiểm như sự nhút nhát. Trong một cuộc xung đột, sự gan dạ của người lính được biến thành anh hùng khi cán cân nghiêng về sự liên đới hơn là sự khôn ngoan và người lính cứu giúp một đồng đội hay một thường dân bị bỏ mặc nguy hiểm lại đằng sau. Đức anh hùng vào thời chiến tranh, đó là khi những người bảo vệ can đảm cứu giúp đang khi mà những cơ may không ở về phía họ. Tuy nhiên, đức anh hùng và sự thiếu khôn ngoan khác biệt chính bởi sự kiện rằng người anh hùng nói chung là người đã đạt được cách sâu xa ý thức về sự khôn ngoan. Nơi người lính can đảm, đức khôn ngoan và đức liên đới thông thường đi đôi với nhau.

CÓ TƯ THẾ SẴN SÀNG

Không kể những trò chơi chiến tranh giả, thì thật khó mà tưởng tượng ra những hoàn cảnh có thể củng cố đức can đảm. Nhân đức này không thủ đắc được nhờ những tập luyện đã được lập trình trước; và khác với các nhân đức như trung tín, công bằng hay tiết độ, không có những thủ tục đồng nhất để đạt được đức can đảm. Theo thánh Tôma, nó là một nhân đức phản ứng, vì nó chỉ hành động khi đối mặt với sự đe dọa.

Những gì chúng ta có thể làm, đó là vun trồng nghệ thuật có tư thế sẵn sàng. Vì lục đích này, chúng ta có thể học tập lẫn nhau để kháng cự. Như đối với các quân nhân, những tập tuyện như thế nhắm tăng cường sự liên đới gắn bó chúng ta với nhau. Trong mục đích này, đức công bằngđức trung tín là những nhân đức dệt nên đức liên đới. Một mặt, chúng cho phép chúng ta phát triển ý thức về sự bình đẳng đối với tất cả mọi người, mặt khác đào sâu các mối quan hệ của chúng ta với gia đình chúng ta, bạn bè chúng ta và những người thân của chúng ta. Chúng giúp chúng ta không nao núng và giúp đỡ chúng ta trong những lúc mà cám dỗ hèn nhát nổi lên khi đối diện với nguy hiểm.

Nhưng đôi khi chúng ta phải làm cho gia tăng ý thức về giá trị riêng của chúng ta để ý thức tự vệ chống lại một số đe dọa. Ý thức đó được bén rễ sâu trong đức tự trọng. Người nào đã gặp hiểm nguy, nạn nhân của những hăm dọa hay bị làm nhục bởi những kẻ tàn nhẫn, sẽ tìm lại được sức mạnh đòi hỏi phẩm giá của mình nhờ sự nâng đỡ của các bạn bè đích thực của mình, những người sẽ giúp người ấy không ngồi yên nếu những đối xử tồi tệ lại tái diễn. Người nào đấu tranh chống lại chứng nghiện rượu hay chống lại một số hành xử cưỡng bức, nếu người ấy đã có kinh nghiệm nhiều lần về việc để cho phẩm giá của mình thoái hóa hay đầu hàng trước sự sợ hãi, thì người ấy phải chiếm lấy chính mình lại, bằng cách không nao núng và không chịu buông thả.

Can đảm là một từ mà nguồn gốc của nó đến từ tiếng Latinh “cor”, có nghĩa là quả tim. Như tên của nó chỉ rõ, nó tăng lên khi nhân loại bén rễ sâu xa hơn trong sự công bằng, lòng trung tín và lòng tự trọng. Nó hoạt động mỗi lần người nào vững vàng không nao núng, mỗi lần người nào ra tay cứu giúp và mỗi lần, vì giữ gìn giấc ngủ của những ai đang ngủ, người nào đó rình rập những tiếng động đáng ngờ và yên lặng đi xuống cầu thang để đảm bảo rằng mọi sự tốt đẹp. Dù nó được thực hành bởi một người lính đảm bảo sự phòng vệ cho đất nước của mình, bởi một người mẹ bảo vệ cho con cái hay bởi một nữ tu đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thì nó đều cho thấy khuôn mặt của nó từ khi người nào đó yêu mến nhân loại đủ để bảo vệ nhân loại đó.

Chương 14

ĐỨC TIẾT ĐỘ

Khi tôi dạy thần học luân lý cho các sinh viên cử nhân của đại học Fordham, chúng tôi đã tìm hiểu các nhân đức. Khi tôi trình bày nhân đức đầu tiên, đức tiết độ, tôi đã đề nghị trường hợp sau: “ Giả sử rằng người bạn cùng phòng của bạn có thói quen luôn vui chơi với hai người bạn. Nếu bạn nói với anh ta rằng anh ta quá thường vui chơi, thì theo ý kiến của bạn, anh ta sẽ làm gì?” Tất cả họ đều đồng thanh đáp: “có thể anh ta sẽ hỏi hai người bạn của mình họ nghĩ gì về điều đó”. Câu trả lời này là đặc biệt sáng suốt. Thường thường, khi có ai đó đặt lại vấn đề lối hành xử của chúng ta (liên quan đến thức ăn, nước uống, sự thái quá hay bất cập của công việc), thì chúng ta cũng thế, chúng ta có khuynh hướng tìm kiếm ý kiến của chính những người chia sẻ lối hành xử này. Vì ý kiến của họ làm cho chúng ta an lòng.

NHỮNG THÓI QUEN (HABITUDES) VÀ NHỮNG THƯỜNG TÍNH (HABITUS)

Các sinh viên của đại học Fordham có khuynh hướng thực hành kiểm điểm lương tâm. Họ hai mươi tuổi hay hơn một chút và vừa bắt đầu học biết tầm quan trọng của đức tiết độ. Cho dầu trong toàn bộ họ đã chấp nhận theo một thái độ tốt hơn là thái độ của tôi vào cùng lứa tuổi khi đối diện với thức ăn, nước uống, công việc và giấc ngủ, nhưng họ cần có một vài tiến bộ. Tóm lại, một số trong họ đã có một tương quan rất lạ lùng với giấc ngủ, những người khác chờ đợi phút chót để làm bài tập, những người khác nữa thực hiện những chế độ ăn uống thái quá và một số đã uống quá. Đa số họ đều ý thức rằng họ phải từ bỏ những thói quen xấu của mình nếu họ muốn thủ đắc những thói quen tốt.

Tuy nhiên, họ không bằng lòng với việc tích lũy các thói quen trên bình diện cá nhân. Họ khám phá nghệ thuật tham gia vào những cuộc họp, những buổi dạ hội, bằng cách học uống, có những tương quan và trở nên có trách nhiệm hơn. Khi làm như thế, họ đã giúp nhau. Thật không may, những ai mà đã không đạt tới đó, như các sinh viên vui chơi quá độ, đều thường rối tung lên với phạm vi các bạn bè mà hẳn đã thực sự có thể giúp họ. Một số người thủ đắc được những thói quen tốt mới, còn những người khác thì không. Sau một thời gian nào đó, các sinh viên thường năng lui tới với hai loại dạ hội: những buổi dạ hội mà chỉ có một số lượng ít người uống quá độ và những buổi mà mọi người đều uống như thế.

Những người thiếu sự tiết độ trong một số lãnh vực thường tự cô lập với những người có tiết độ. Nếu chúng ta có vấn đề với thức ăn, thì chúng ta sẽ chiều theo nó khi không có ai ở xung quanh. Nếu chúng ta uống quá độ, thì chúng ta làm như thế hoặc với những người cảm thấy có cùng khuynh hướng, hoặc, và điều này là tồi tệ hơn, khi không có ai biết. Nếu chúng ta bị sự cưỡng xung tính dục, thì chúng ta chịu thua nó cách lén lút. Vì điều sâu kín vây quanh sự vô độ, nên sự vô độsự cô lập hình thành nên một đôi bạn thân mật.

GIAI ĐOẠN MỘT: THỪA NHẬN RẰNG CÓ MỘT VẤN ĐỀ

Như chàng sinh viên vui chơi quá độ, người lớn thiếu tiết độ sẽ bám lấy điều sâu kín của sự cô lập, mà, thế nhưng, người ấy sẽ phải từ bỏ để rời bỏ dần dần những thói quen xấu của mình. Khi ta xem xét các giai đoạn cần thiết cho việc thủ đắc đức tiết độ, điều ưu tiên hàng đầu trước hết, đó là đơn giản thừa nhận rằng có một vấn đề. Vì quả thực, chấp nhận vấn đề, đó là vượt lên sự kháng cự của riêng mình để nhìn trực diện những khuyết điểm của mình. Vả lại, bước đầu tiên này có nghĩa rằng ta cố gắng tỏ lộ điều sâu kín, gắng ra khỏi lãnh vực riêng tư của mình, gắng cắt đứt sự cô lập. Chấp nhận có một vấn đề, đó đã là giải thoát mình khỏi một thế giới tối tăm, lừa gạt và đơn độc đáng sợ. Khi chúng ta nhìn trực diện vấn đề, cho ta đang bước vào trong thế giới thực.

GIAI ĐOẠN HAI: TÌM RA NGƯỜI THÍCH HỢP

Ta thường cảm thấy rất dễ bị tổn thương khi ta thú nhận như thế, như người nào đó mà ta hẳn đã che giấu hay bỏ rơi. Vì thế, giai đoạn thứ hai trong việc thủ đắc nhân đức tiết độ là cũng có tầm quan trọng như thế: nó hệ tại tìm ra người thích hợp (la bonne personne) để nói với người ấy. Quả thế, cần phải có những người đối thoại thích hợp nếu ta muốn tống khứ một tật xấu và đạt tới nhân đức tiết độ. Nhưng chúng ta thường không biết những người thích hợp, tức là những người sẽ có khả năng cho chúng ta những lời khuyên bởi vì những khó khăn mà chúng ta gặp phải là khá quen thuộc đối với họ.

Tìm kiếm người thích hợp (hay những người thích hợp) để nói với, đó có thể là một kinh nghiệm rất nản lòng. Chẳng hạn, các sinh viên của tôi nhận xét rằng nếu anh chàng thường vui chơi quá độ cuối cùng quyết định nói với ai đó, thì rất chắc chắn rằng anh ta sẽ đi tìm ra một người hoàn toàn khác biệt, nghĩa là trong trường hợp của anh ta, một người mà không bao giờ thường xuyên lui tới các buổi dạ hội. Khi tôi hỏi: “tại sao?”, thì họ trả lời: “Bởi vì anh ta tìm kiếm một người mà anh ta có thể trông cậy để mở lòng ra cho người ấy.” “Nhưng tại sao anh ta không hiểu rằng người này sẽ không phải là một sự trợ giúp lớn cho anh ta?” “Bởi vì, như các bạn bè của anh ta không có khả năng tận dụng một buổi dạ hội cách điều độ, thì ít ra cũng chắc chắn rằng con người đó không có thói quen uống say.”

Theo cách của sinh viên này, có thể chúng ta hướng về người nào đó mà không phạm cùng những sai lầm như chúng ta, nhưng trái lại không có chút kinh nghiệm nào về vấn đề đang nói đến. Điều quan trọng cần phải biết là người thích hợp nằm đâu đó giữa hai loại người này.

Bất kỳ ai biết đến chương trình mười hai giai đoạn để nhịn uống, nhịn ăn, tránh chiều theo những lối hành xử cưỡng bức trong lãnh vực công việc hay tính dục, đều biết thật quan trọng dường nào để nói với người thích hợp, chẳng khác nào như những người tham gia vào một nhóm hỗ trợ. Trên thực tế, mọi người đều cần học biết tìm ra người sẽ đưa ra những lời khuyên khôn ngoan, bởi vì thật khó để đạt được nhân đức tiết độ.

GIAI ĐOẠN BA: TÌM RA NHỮNG TẬP LUYỆN THÍCH HỢP

Thật không may, khi chúng ta nghĩ đến đức tiết độ, chúng ta đặc biệt có khuynh hướng lẫn lộn nó với sự kiêng nhịn. Dĩ nhiên, đức tiết độ thường đòi hỏi chúng ta sự kiêng nhịn trong hai hay ba lãnh vực đặc thù. Chẳng hạn, có thể chúng ta phải nhịn uống, nếu sự kiện uống cách tiết độ gây nên nơi chúng ta “nhu cầu một ly nữa”. Tuy nhiên, đức tiết độ liên quan đến nhiều lãnh vực khác với việc uống. Còn hơn sự kiêng nhịn hoàn toàn, nói chung nó đòi hỏi chúng ta tìm thấy sự quân bình giữa thái quá và bất cập.

Như tất cả các nhân đức khác, đức tiết độ dùng để làm cho chúng ta tốt hơn. Để đạt đến đó, chúng ta cần có những tập luyện. Từ ngữ “tập luyện” là chính từ ngữ thích hợp. Triết gia người Ảrập Avicène có thói quen dùng nó để nói về các nhân đức. Về sau, đến lượt mình, thánh Tôma Aquinô đã lấy lại nó. Các sinh viên cần học biết ngủ đúng, ăn đúng, uống đúng: họ cần phải thực hiện những công trình thực nghiệm để thủ đắc những thói quen lành mạnh. Chúng ta cũng thế, chúng ta phải tìm ra những tập luyện thích đáng mà sẽ cho phép chúng ta làm lớn lên trong chúng ta đức tiết độ. Chúng tôi đề nghị bốn hướng nghiên cứu.

KHÁM PHÁ ĐIỂM CO GIÃN

Hãy lấy hình ảnh thể dục thể hình (body building). Chúng ta chỉ có thể bắt đầu tiến bộ nếu chúng ta biết chúng ta có khả năng nhấc lên trọng lượng nào. Những người mới học thường bắt đầu với những trọng lượng quá lớn và cuối cùng phải bị tổn thương cơ bắp, điều này không cho phép họ tập luyện cơ bắp trong vòng một khoảng thời gian nào đó. Cũng thế, người ta có thể phạm một lỗi phán đoán bằng việc thực hành quá mức đức tiết độ. Những người tập thể dục thể hình phải biết không chỉ trọng lượng quá nặng đối với họ, nhưng còn cả những trọng lượng quá nhẹ. Người nào nâng một trọng lượng cách quá dễ dàng đều biết rằng điều đó sẽ không mang lại cho anh ta bao nhiêu, vì các cơ bắp chỉ nở ra dưới hiệu lực của sức co giãn. Chìa khóa của môn thể dục thể hình, đó là xác định điểm co giãn giữa việc “hầu như thái quá” và “hầu như bất cập”.

ĐẠT TỚI SỰ QUÂN BÌNH

Điểm co giãn không chỉ liên quan đến số trọng lượng mà chúng ta nhấc lên nhưng còn cả cách thức mà chúng ta làm nó nữa. Những người mới học thường thích một phía, một cánh tay hay một chân này hơn cánh tay hay chân kia, đến nỗi họ nhấc lên trọng lượng cách không đồng đều. Đôi khi họ cần phải mất một đêm để đạt tới sự quân bình đúng đắn.

Ta cũng cần đến cùng một sự phối hợp như thế giữa sự co giãnsự quân bình để làm cho đức tiết độ lớn lên. Nếu ta không tự đưa ra thách đố nào cho mình, thì có ít cơ hội cho ta lớn lên. Khi chúng ta còn trẻ hơn, chúng ta nghĩ rằng sẽ dễ dàng để giữ thân mình mảnh khảnh hay lại trở nên như thế. Chúng ta đã tin là có thể đi ngủ muộn nhất có thể mà không làm hại hiệu năng của chúng ta tí nào! Chúng ta nghĩ rằng những tình cảm của chúng ta có thể được tỏ bày ra mà không có vấn đề. Chúng ta đã hoàn toàn chắc chắn có thể chinh phục những bất an nội tâm của chúng ta khi coi thường chúng. Nhưng những nét tính khí của chúng ta, như thân xác chúng ta, có khuynh hướng giữ y nguyên nếu chúng ta không thực hành những tập luyện chuyên cần. Nếu chúng ta coi thường những thuần luyện hằng ngày, thì bản chất của chúng ta có mọi cơ may vẫn y nguyên như thế.

* Biết sáp nhập tất cả

Khi thủ đắc nhân đức tiết độ, chúng ta có lẽ sẽ khám phá rằng chúng ta có những điểm mạnh, nhưng cũng có những điểm yếu. Đôi khi, vì thích những điểm mạnh của mình hơn, chúng ta không biết đến những điểm yếu của chúng ta. Nhưng điều đó ngăn trở chúng ta làm gia tăng đức tiết độ, nhân đức này liên quan đến toàn thể con người, như môn thể dục thể hình. Trên thực tế, đức tiết độ trở thành nhân đức thực sự khi nó biết sáp nhập tất cả.

* Duy trì tính kiên trì và lòng bền chí

Lợi ích của thể dục thể hình không chỉ tùy thuộc vào sự quân bình và sự co giãn, nhưng còn sự kiên trì và lòng bền chí. Sự tiến bộ trong việc thủ đắc các nhân đức thì chậm, như nơi người tập thể dục thể hình cần đến một năm để tìm thấy điểm quân bình ở việc nhấc tạ hay trong động tác kéo co. Sự kiên trì dấn thân là cần thiết. Vả lại, nếu ta bỏ tập luyện, thì những cơ bắp sẽ mất đi tính đàn hồi của chúng và cuối cùng bị teo đi. Những nét tính khí của chúng ta là bền vững đến nỗi những tập luyện ngẫu nhiên, cho dầu cường độ của chúng thế nào, chỉ sẽ có những hiệu quả nhất thời. Những tập luyện đều đặn, mà sẽ cho phép thủ đắc lối ứng xử tiết độ, là một nhiệm vụ lâu dài.

Đức tiết độ, như thể dục thể hình, không phải là một cứu cánh tự tại nhưng là một trợ giúp để đạt tới những mục đích khác. Đức tiết độ cho chúng ta sức mạnh mà chúng ta cần để thực hiện nhiều nhiệm vụ. Đó là một nhân đức trợ giúp mang lại cho chúng ta sự dễ dàng hơn để đưa vào thực hành bốn bản đức: khôn ngoan, công bằng, trung tín và tự trọng. Không có đức tiết độ, bốn nhân đức này hẳn vẫn sẽ là những ước nguyện đạo đức hơn, tựa như một chân trời bất khả đạt tới.

GIAI ĐOẠN BỐN: THƯỞNG THỨC CÁC TẬP LUYỆN

Xét như là nhân đức, như Aristote nói, đức tiết độ có phần thưởng của riêng nó. Nó hệ tại thưởng thức cuộc sống. Trong khả năng của chúng ta, nó hệ tại tập cho quen hết sức có thể với những nét tính khí của chúng ta. Aristote đã nhấn mạnh rằng đức tiết độ liên quan đến tính nhạy cảm, vì nó tìm kiếm sự quân bình nội tâm sẽ cho phép tất cả các giác quan của chúng ta triển nở. Ông có lý khi tin rằng sự quân bình, đó là hạnh phúc. Lối tiếp cận của ông về sự quân bình là có tính sáng tạo, vì nó không coi thường sự nhạy cảm.

Chúng ta có tiết độ nếu chúng ta tìm thấy nhịp độ của chúng ta. Đức tiết độ, đó là sống bằng cách thực hành cách kiên trì những tập luyện mà duy trì tất cả các giác quan của chúng ta, những tình cảm của chúng ta, những khuynh hướng của chúng ta, những ước ao của chúng ta và những thèm muốn của chúng ta trong sự hòa hợp và hài hòa.

Sự tăng trưởng của người tiết độ, như sự tăng trưởng của người tập thể dục thể hình, dành chỗ cho những xúc động và những cảm xúc. Cách sâu xa, đức tiết độ liên quan đến sự tiến bộ của chúng ta xét như là chúng ta được phú cho tính nhạy cảm. Thay vì sợ điều đó, người Công giáo có đủ lý do để quan tâm đến khía cạnh đó của bản thân chúng ta. Quả thế, đức tin của chúng ta đặc biệt hướng đến thể xác. Chẳng hạn, chúng ta tin rằng Ngôi Hai của Ba Ngôi đã hóa thành nhục thể, chúng ta ăn thịt của Chúa Kitô và uống máu Ngài, sự sống đời đời là sự phục sinh thân xác và Giáo Hội chúng ta mang tước hiệu thân thể Chúa Kitô. Dù chúng ta nói về Nhập Thể hay Thánh Thể, Phục Sinh hay Giáo Hội, thì ngôn ngữ của đức tin vẫn là rất xác thể. (Chúng ta cũng hãy nghĩ đến sự kiện rằng hành vi chính trị trọng tâm nhất của đời sống giáo hội của chúng ta, tức là việc bầu Giáo Hoàng, diễn ra trong một căn phòng nổi tiếng với những bức tranh khỏa thân của nó!)

Dĩ nhiên, người ta thường nghĩ rằng đức tiết độ là nhân đức tránh cho chúng ta trở nên xấu xa hơn: nó ngăn cản chúng ta say sưa, béo phì hay mê ngủ. Tuy nhiên, ý nghĩa đích thực của đức tiết độ ít nằm ở nơi những gì mà nó ngăn trở hơn là nơi những gì mà nó làm cho có thể. Nó mang lại một hưởng nếm trước sự sống đời đời, trong đó chúng ta tìm thấy hạnh phúc tiến bước theo nhịp độ của chúng ta.

Tất nhiên, hạnh phúc này không phải là mục đích tối hậu của chúng ta. Mục đích tối hậu của chúng ta là Chúa Kitô. Nhưng nhờ đức tiết độ, chúng ta học biết thưởng nếm là người nam hay người nữ có nghĩa là gì, theo hình ảnh Chúa Kitô có nghĩa là gì. Khi chúng ta để những nét tính khí của chúng ta đương đầu với các thách đố của riêng chúng và chúng ta tìm kiếm cho chúng một sự quân bình tốt nhất, một sự mềm dẻo tạo điều kiện dễ dàng cho sự triển nở các bản đức, thì chúng ta thưởng nếm từ trong tâm hồn một hưởng nếm trước lời hứa đang chờ đợi chúng ta. Đó là những gì mà thánh Augustin đã diễn tả khi ngài nói rằng vinh quang của Thiên Chúa, đó là con người “sống tròn đầy”.

(còn nữa)


[1] Và, dĩ nhiên, cả các độc giả tiếng Việt nữa (ctnd).

[2] James F. Keenan, « Proposing Cardinal Virtues”, Theological Studies, 56 (1995), p. 709-729.

[3] Ngày thứ Tư lễ Tro là Ngày đầu tiên của Mùa Chay. Tro biểu trưng cho sự hoán cải, ước muốn chết đi cho tội lỗi và dấn thân mở rộng cho tha nhân. Trong vòng bốn mươi ngày, Mùa Chay – thời gian cầu nguyện, ăn chay, nỗ lực ưng thuận tự do và chia sẻ – chuẩn bị cho các kitô hữu tưởng nhớ đến cuộc Thương Khó và cái chết của Chúa Kitô, rồi cử hành sự Sống lại của Ngài vào ngày lễ Phục Sinh. Xem mục đóng khung ở cuối chương (chú thích của người dịch).

[4] A. C. MacIntyre, Après la Vertu, étude de théorie morale. Bản  dịch từ tiếng Anh bởi L. Bury, Paris, PUF, 1997.

[5] J. Mahoney, The Making of Moral Theology: A Study of the Roman Catholic Tradition, Oxford, Clarendon Press, 1987.

[6] Cf. Raymond de Penafort, Summa de Poenitentia et Matrimonio, tức là Tổng luận về Sám Hối và Hôn Nhân.

[7] John Courtney Murray là một thần học gia người Mỹ, người gợi hứng cho Tuyên ngôn Tự do tôn giáo của Công đồng Vatican II. Xem Dominique Gonnet, s.j., La Liberté religieuse à Vatican II : La Contribution de John Courtney Murray, s.j., Paris, Le Cerf, 1994, 410 trang.

[8] X. Các thư mục vụ của các giám mục Hoa Kỳ về kinh tế (Justice économique pour tous, 1986), về việc vũ trang (Le défi de la paix, 1983) trong La Documentation Catholique.

[9] J. Mahoney, op.cit.

[10] James F. Keenan, s.j., “Proposing Cardinal Virtues”, Theological Studies, 56.4, 1995, tr.711.

[11] Xem Optatam Totius, 16.

[12] James F. Keenan, ibid.

[13] J. Glaser, « Consicence and Superego », Theological Studies 32, 1971, p. 30-47.

[14] Đó là câu hỏi thứ mười ba…Tóm lại, đó là mười ba câu cho giá trị của mười hai câu.

(Tập tục vẫn còn tồn tại là mua 13 đồ vật (trứng, con hàu…) chỉ trả tiền 12 cái. Ctcnd)

[15] Brian Moore, Chrétiens, demain : Le visiteur, roman, Villeneuve d’Ascq, Université de Lille III, 1997, 85 p. Một cuốn phim đã được rút ra từ cuốn tiểu thuyết này.

[16] Viện Công Nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology (viết tắt là MIT)) là một đại học danh tiếng thế giới của Hoa Kỳ, chuyên về nghiên cứu khoa học và kỹ thuật. Nó nằm ở Cambridge, bang Massachusetts. (Chú thích của người dịch bản Pháp ngữ).

[17] James F. Keenan, ibid., p. 717-719.

[18] Ibid., p. 709-719.

[19] Ibid., p. 722

[20] Một thần học gia người Québec (đã từ trần) đã trình bày và lượng giá sáu giai đoạn phát triển luân lý theo Lawrence Kohlberg. Xem André Guindon, Le développement moral, Paris/Ottawa, Desclée/Novalis, 1989.

[21] X. chú thích ở chương 13.

[22] Sinh năm 1921, John Rawls đã đóng góp rất nhiều cho việc canh tân triết học luân lý và chính trị. Trong hai cuốn sách của mình, Théorie de la justice (xuất bản năm 1971 ở Hòa Kỳ) và Le Libéralisme politique (1993), ông đã nghiên cứu bản chất của công bằng và đã tìm cách làm cho dễ dàng việc mở rộng các giá trị của nền dân chủ tự do, nhất là sự bình đẳng và sự công bằng, bằng việc ca ngợi sự tôn trọng giữa mọi công dân. (Chú thích của người dịch bản Pháp ngữ).

[23] Ở đây, tác giả dùng hai thuật ngữ để nói về đức công bằng. Một là « justice », chỉ nguyên tắc luân lý của đời sống xã hội dựa trên sự nhìn nhận và tôn trọng quyền của người khác ; thuật ngữ kia là « équité », chỉ một ý thức công bằng tự nhiên và tự phát, dựa trên việc nhìn nhận các quyền của mỗi người mà không nhất thiết được gợi hứng bởi các luật lệ hiện hành. (Ctcnd).

[24] Dorothy Day (1897-1980) đã là sáng lập viên và là người thúc đẩy phong trào vô chính phủ của các thợ thuyền Công giáo ở Hoa Kỳ, được thành lập trong cuộc suy sụt trầm trọng vào năm 1933 và được đặt nền tảng trên bốn nguyên tắc : nghèo khó tự nguyện, theo đuổi công bằng xã hội bằng đường hướng bất bạo động, chủ nghĩa hòa bình và sau cùng là triết thuyết nhân vị. Là người trở lại đạo, mẹ độc thân, người phụ nữ thuộc cánh tả, D. Day đã ghi dấu thời đại của mình bằng sự phản đối triệt để một số quyết định chính trị ở Hoa Kỳ, và bằng lập trường của bà ủng hộ công bằng xã hội và hòa bình, nhất là trong cuộc chiến dân sự Tây Ban Nha, cuộc Đệ Nhị Thế Chiến, cuộc chiến Triều Tiên và cuộc
chiến Việt Nam. Cho đến khi chết, bà vẫn là tổng biên tập của tạp chí Catholic Worker, được phát hành 100.000 bản và được xem như là một trong những tạp chí tư tưởng quan trọng nhất ở Hoa Kỳ. (Chú thích của người dịch bản Pháp ngữ).

[25] John Donne : nhà thơ và là nhà giảng thuyết người Anh, có nguồn gốc Galoa và là Công giáo (1573-1631). (Chú thích của người dịch bản tiếng Pháp.)

[26] The twelve steps meetings, những cuộc gặp gỡ mười hai giai đoạn, đã được điều chỉnh lại bởi Hội Alcooliques Anonymes vào năm 1939. Nó hệ tại một lối tiếp cận tâm linh, nhưng không nhất thiết là tôn giáo, dành cho những người có lối ứng xử cưỡng bức: chứng nghiện rượu, chứng ăn uống vô độ… Các nhóm ủng hộ giúp đỡ các thành viên của họ được tái hội nhập vào xã hội bằng cách sử dụng những quy tắc mười hai gian đoạn. Lối tiếp cận này được sử dụng ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Chẳng hạn, đây là những gì được nói ở giai đoạn đầu tiên: “Chúng tôi đã thừa nhận rằng chúng tôi bất lực trước rượu và chúng tôi đã đánh mất sự làm chủ cuộc sống của mình.” Và giai đoạn thứ tư: “Chúng tôi đã can đảm xúc tiến một sự kiểm kê luân lý tỉ mỉ về chính mình.” (Chú thích của người dịch bản Pháp ngữ).

[27] Prudence : đức khôn ngoan ; nó cũng có nghĩa là sự thận trọng. (Ctcnd).

[28] Cha Klaus Demmer, sinh năm 1931, tại Münster, là linh mục thừa sai của Tu hội Thánh Tâm. Cha là giáo sư thần học luân lý ở Đại học Grêgôriô ở Rôma. Tác phẩm Introduction à la théologie morale của cha, được xuất bản bằng tiếng Ý, năm 1993 (Piemme, Casale Monferrato), cũng đã được dịch sang tiếng Anh với tựa đề : Shaping the Moral Life. An approach to Moral Theology, Washington D.C., Georgetown University, 2000. Nó bao gồm thư mục của tác giả ở phần phụ lục.

[29] G. Gordon Liddy  là viên cảnh sát xuất sắc của FBI. Ông đã trở thành trợ tá của tổng thống Nixon. (Chú thích của người dịch bản tiếng Pháp).

[30] Nằm ở Alabama, thành phố Selma đã là nơi xảy ra nhiều cuộc biểu tình của Phong Trào Quyền Dân Sự (Civil Rights Movement) ở Hoa Kỳ phản đối chính sách tách biệt chủng tộc trong suốt những năm 1960; phong trào Freedom Ride vào năm 1961 hay phong trào March against Fear: chẳng hạn, nó hệ tại việc bất tuân quy định của các Bang phía Nam ngăn cản những người Mỹ Da Đen đi cùng những chuyến xe buýt hay tàu hỏa như những Người Da Trắng. (Chú thích của người dịch bản tiếng Pháp).

[31] Rosa Parks, mệt mỏi bởi một ngày làm việc dài, đã từ chối nhường chỗ cho một Người Da Trắng trên xe buýt, ngày 1/12/1955. Do vụ việc này, bà đã bị bắt và bị xét xử. Điều này đã dẫn đến việc tẩy chay toàn bộ các chuyến xe buýt ở Montgomery trong vòng 381 ngày. Vào tháng Mười Một năm 1956, Tòa Án Tối Cao đã tuyên bố rằng việc tách biệt chủng tộc nơi các phương tiện giao thông là trái với Hiến Pháp. Rosa Parks là một hình ảnh lớn của cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ. (Chú thích của người dịch bản tiếng Pháp).

[32] Là chính trị gia người Anh và là người theo khuynh hướng nhân bản thuyết (1478-1535), Thomas More đã không tán thành cuộc ly dị của vua Henri VIII; ông đã bị bỏ tù và bị hành quyết. Ông cũng được biết đến như là tác giả của cuốn L’Utopie (Không Tưởng). (Chú thích của người dịch bản tiếng Pháp).

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Ba 2024
H B T N S B C
« Th2    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31