CHRISTUS VIVIT – CHUONG V

Written by lcd on Tháng Tư 13th, 2019. Posted in Thế Giới

Lm Le Cong Duc, PSS, dich

CHƯƠNG NĂM

 

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

 

 

  1. Đâu là ý nghĩa của việc sống những năm tháng tuổi trẻ của chúng ta trong ánh sáng đầy sức biến đổi của Tin Mừng? Chúng ta cần nêu dấu hỏi này vì tuổi trẻ không chỉ là một nguồn tự hào mà là một quà tặng của Thiên Chúa: “Tuổi trẻ là một ơn lành, một phúc hạnh”. [71] Nó là một quà tặng mà chúng ta có thể phung phí cách lãng xẹt, hoặc đón nhận với lòng biết ơn và sống tận lực.
  2. Thiên Chúa là Đấng trao ban tuổi trẻ, và Ngài hoạt động trong đời sống của mỗi người trẻ. Tuổi trẻ là một thời gian phúc hạnh cho người trẻ, và là một ân ban cho Giáo hội và cho thế giới. Nó là niềm vui, là một bài ca hy vọng và một sự chúc phúc. Việc sống hết mình những năm tuổi trẻ của chúng ta đòi phải biết nhìn thời gian này của cuộc đời như giá trị nơi chính nó, chứ không chỉ đơn thuần là một bước chuyển tiếp ngắn dẫn tới tuổi trưởng thành.

 

Thời của những giấc mơ và những quyết định

  1. Trong thời của Đức Giêsu, sự chuyển tiếp từ tuổi ấu thời là một bước quan trọng trong đời sống, người ta hân hoan ăn mừng. Khi Đức Giêsu cứu sống đứa con gái của người kia, Người nói về em là một “đứa trẻ” (Mc 5,39), nhưng rồi Người trực tiếp gọi em là “thiếu nữ” (Mc 5,41). “Hỡi thiếu nữ, hãy chỗi dậy (talitha cum)”, qua cách gọi này Người đặt cho em trách nhiệm nhiều hơn đối với đời sống, mở ra trước em cánh cửa của tuổi trẻ.
  2. “Tuổi trẻ, xét như một giai đoạn phát triển nhân cách, được đánh dấu bằng những ước mơ có sức tạo đà vận động, bằng những mối tương quan đạt được tính nhất quán và sự quân bình ngày càng hơn, bằng những thử nghiệm, và bằng những chọn lựa dần dần hình thành nên một kế hoạch đời sống. Tại giai đoạn này trong đời, người trẻ được mời gọi tiến tới mà không cắt đứt khỏi các gốc rễ của mình, được mời gọi tạo lập sự tự trị mà không rơi vào tình trạng cô lập”. [72]
  3. Tình yêu của Thiên Chúa và mối tương quan của chúng ta với Đức Kitô hằng sống không hề ngăn cản chúng ta ước mơ; chúng không đòi ta thu hẹp các chân trời của mình. Trái lại, tình yêu ấy nâng chúng ta lên, khích lệ và truyền cảm hứng cho chúng ta để sống một đời sống tốt đẹp hơn. Phần lớn khát vọng trong trái tim người trẻ có thể được đúc kết lại trong từ “khắc khoải”. Như Thánh Phaolô VI nói: “Trong chính cảm giác không hài lòng mà các con thường kinh nghiệm…, có tồn tại một tia sáng”. [73] Tình trạng không hài lòng đầy khắc khoải ấy, kết hợp với sự nôn nao trước những chân trời mới mở ra, tạo nên một sự dũng cảm giúp các con đứng lên và nhận trách nhiệm về một sứ mạng. Sự khắc khoải lành mạnh đặc trưng của tuổi trẻ này tiếp tục ở lại trong mọi tâm hồn vẫn còn trẻ trung, cởi mở và quảng đại. Niềm an bình nội tâm đích thực cùng tồn tại với cảm giác không hài lòng sâu xa ấy. Như Thánh Augustinô nói: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con còn khắc khoải cho tới khi nào tìm được an nghỉ trong Chúa”. [74]
  4. Cách đây ít lâu, một người bạn hỏi tôi nhìn thấy gì nơi một người trẻ. Câu trả lời của tôi là: “Tôi thấy một người đang tìm lối bước riêng của mình, một người muốn bay trên hai bàn chân, một người đối diện với thế giới và hướng nhìn chân trời với đôi mắt đong đầy tương lai, đầy hy vọng và cả ảo tưởng nữa. Một người trẻ đứng trên hai bàn chân cũng như người trưởng thành, nhưng khác với người trưởng thành, hai bàn chân người trẻ không đặt song song, mà một chân luôn luôn ở phía trước, sẵn sàng lao tới. Họ luôn luôn lao về phía trước. Nói về người trẻ là nói về triển vọng và nói về niềm vui. Người trẻ có nhiều nghị lực; họ có thể nhìn về phía trước với niềm hy vọng. Một người trẻ là một triển vọng của đời sống, hàm chứa một mức kiên định nào đó. Họ có đủ điên rồ để đánh lừa chính mình, và có đủ năng lực phục hồi để vượt qua sự đánh lừa ấy”. [75]
  5. Một số người trẻ có thể không thích giai đoạn này trong đời sống, vì họ muốn tiếp tục làm trẻ con hay muốn kéo dài vô tận tuổi thiếu niên của mình, thoái thác việc phải đưa ra những quyết định. “Nỗi sợ tính dứt khoát, như thế, sẽ làm phát sinh một loại tê liệt khiến người ta không thể quyết định. Nhưng tuổi trẻ không thể bị đình hoãn. Nó là giai đoạn của những chọn lựa, và ở đây có hàm chứa sự thú vị cũng như trách nhiệm lớn nhất của nó. Người trẻ đưa ra các quyết định trong nghề nghiệp, trong các lãnh vực chính trị và xã hội, và trong những mặt căn bản khác nữa vốn định hình cuộc đời của họ”. [76] Họ cũng đưa ra các quyết định về tình yêu, về việc chọn bạn đời và thành lập một gia đình. Chúng ta sẽ xem xét những vấn đề này kỹ hơn trong các chương cuối, khi đề cập đến các ơn gọi cá nhân và việc phân định chúng.
  6. Nhưng đối lập với những niềm hy vọng và những ước mơ thôi thúc các quyết định này, luôn luôn có mối cám dỗ phàn nàn và bỏ cuộc. “Chúng ta muốn nói đến những người tôn thờ ‘nữ thần than thở’… Đó là một nữ thần dối trá, dẫn dụ các con vào con đường sai lầm. Khi mọi sự dường như khựng lại và tê liệt, khi các vấn đề cá nhân làm phiền chúng ta, và khi các vấn đề xã hội tỏ ra bế tắc, thì việc bỏ cuộc vẫn không tốt đâu. Đức Giêsu là con đường: hãy đón Người vào ‘thuyền’ của các con và ra khơi! Người là Chúa! Người biến đổi cách chúng ta nhìn cuộc sống. Niềm tin vào Đức Giêsu dẫn tới niềm hy vọng to lớn hơn, cho ta một sự chắc chắn không tựa trên các phẩm chất và năng khiếu của mình, nhưng tựa trên lời Thiên Chúa, trên lời mời gọi đến từ Ngài. Đừng quá tính toán theo lối nhân loại, và đừng lo lắng về những gì thách đố sự an toàn của các con, hãy ra khơi đến chỗ nước sâu. Các con hãy ra khỏi chính mình”. [77]
  7. Hãy tiếp tục theo đuổi những niềm hy vọng và những ước mơ của các con. Nhưng hãy cẩn thận về một cám dỗ có thể kéo chúng ta lại. Đó là sự lo âu. Lo âu có thể chống lại chúng ta bằng cách làm chúng ta bỏ cuộc bất cứ khi nào không nhìn thấy những kết quả ngay lập tức. Người ta chỉ đạt được những ước mơ đẹp nhất xuyên qua hy vọng, kiên nhẫn và dấn thân, chứ không phải sự nóng vội. Đồng thời, chúng ta không nên lưỡng lự, sợ phiêu lưu hay phạm sai lầm. Hãy tránh tình trạng tê liệt của những người sống mà như chết, những người không thực sự sống vì họ sợ mạo hiểm, sợ mắc sai lầm hay sợ kiên tâm trong những cam kết của mình. Ngay cả dù các con phạm sai lầm, các con luôn luôn có thể đứng dậy và bắt đầu lại, vì không ai có quyền cướp đi khỏi các con niềm hy vọng.
  8. Các bạn trẻ thân mến, các con hãy sống hữu hiệu nhất những năm tuổi trẻ của mình. Đừng nhìn đời từ một ban công. Đừng lẫn lộn hạnh phúc với chiếc ghế bành, hay sống đời sống các con sau một bức màn. Làm gì thì làm, đừng trở thành thê thảm như một chiếc ô tô phế thải nghĩa địa! Cũng đừng như những chiếc xe đậu trong bãi, nhưng hãy ước mơ thỏa chí và hãy đưa ra các quyết định tốt. Hãy mạo hiểm, ngay cả dù điều đó có nghĩa là phạm sai lầm. Đừng đi qua đời sống một cách vô cảm giác, hay tiếp cận thế giới như những khách du lịch. Hãy sôi nổi lên! Hãy xua tan nỗi sợ vốn làm tê liệt các con, để các con không trở thành những xác ướp trẻ. Hãy sống! Hãy dấn thân cho những gì tốt nhất trong đời sống! Hãy mở cửa lồng, thoát ra và bay lên! Xin các con đừng về hưu sớm.

 

Một khát vọng sống và kinh nghiệm

  1. Trong khi tiến về phía tương lai và các triển vọng của nó, người trẻ cũng có một khao khát mãnh liệt muốn kinh nghiệm khoảnh khắc hiện tại, muốn tận dụng tối đa các cơ hội mà đời sống trao cho. Thế giới của chúng ta ngập tràn vẻ đẹp! Làm sao chúng ta có thể xem thường vô số tặng phẩm của Thiên Chúa?
  2. Trái ngược với điều mà nhiều người tưởng nghĩ, Chúa không muốn trấn áp những khao khát về một đời sống dồi dào phong phú. Chúng ta hẳn nhớ những lời của một hiền nhân trong Cựu Ước: “Con ơi, nếu có của, hãy làm cho đời con được tốt đẹp, và tiến dâng lễ vật lên Đức Chúa sao cho xứng. Đừng từ chối không hưởng một ngày vui, hoài bão của con, đừng để cho phần nào trôi đi mất” (Hc 14,11.14). Vị Thiên Chúa đích thực là Đấng yêu thương các con, Ngài muốn các con hạnh phúc. Vì thế, Thánh Kinh cũng chứa lời khuyên này cho người trẻ: “Này bạn thanh niên, cứ vui hưởng tuổi xuân của bạn, và làm cho tâm hồn được hạnh phúc trong những ngày còn trẻ… Hãy đẩy lui sầu não khỏi tâm hồn” (Gv 11,9-10). Vì Thiên Chúa “cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng” (1Tm 6,17).
  3. Làm sao Thiên Chúa có thể vui thích khi ai đó không có khả năng thuởng thức những phúc ân nho nhỏ mỗi ngày, khi mắt ai đó bị che khuất và không nhìn thấy những niềm vui thú đơn sơ ở khắp xung quanh ta? “Không ai tệ hơn kẻ làm khổ chính mình” (Hc 14,6). Hoàn toàn khác với việc vồ vập những thú vui mới, là điều ngăn cản ta tận hưởng khoảnh khắc hiện tại, chúng ta được mời gọi mở mắt nhìn và dành một chốc lát để cảm nhận trọn vẹn mọi món quà bé nhỏ của đời sống với lòng biết ơn.
  4. Thật rõ, lời Chúa mời gọi các con thuởng thức cái hiện tại, chứ không duy chỉ chuẩn bị cho tương lai: “Đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34). Nhưng điều này không giống như việc dấn mình một cách vô trách nhiệm vào một cuộc sống phóng đãng, vốn chỉ đưa tới sự trống rỗng và bất mãn dai dẳng. Đúng hơn, đó là sống trọn vẹn cái hiện tại, dùng các năng lực của mình vào những điều tốt lành, vun xới tình huynh đệ, học theo Đức Giêsu và tận dụng những niềm vui bé nhỏ của đời sống, vì đó là những quà tặng của tình yêu Thiên Chúa.
  5. Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, khi bị cầm tù trong một trại tập trung, đã từ chối việc thúc thủ để chỉ ngồi chờ ngày được phóng thích. Ngài đã chọn “sống mỗi giây phút hiện tại, lấp đầy nó với tình yêu”. Ngài quyết định: “Tôi sẽ tận dụng các cơ hội có được mỗi ngày; tôi sẽ chu toàn các việc bình thường một cách phi thường”. [78] Khi các con làm việc để đạt được điều mình ước mơ, hãy tận dụng mỗi ngày và sống hết mình, để mỗi khoảnh khắc đều đầy tràn yêu thương. Ngày hôm nay của tuổi trẻ các con rất có thể là ngày cuối cùng, vì thế rất đáng để nỗ lực sống nó một cách nồng nhiệt và trọn vẹn nhất.
  6. Điều này cũng có thể áp dụng cho những lúc khó khăn, những hoàn cảnh mà ta phải kinh nghiệm đầy đủ thì mới học được thông điệp mà chúng có thể dạy mình. Như các Giám mục Thụy Sĩ diễn tả: “Thiên Chúa ở đó, nơi mà chúng ta nghĩ rằng Ngài bỏ chúng ta và chẳng còn hy vọng gì hơn về ơn cứu độ. Thật là nghịch lý, nhưng đối với nhiều Kitô hữu, đau khổ và bóng tối đã trở thành… những nơi gặp gỡ Thiên Chúa”. [79] Khát vọng sống hết mình và kinh nghiệm những điều mới mẻ cũng được cảm nhận bởi nhiều người trẻ trong hoàn cảnh khiếm khuyết về thể lý, tâm thần và giác quan. Dù có thể họ không luôn luôn có được cùng những kinh nghiệm như những người khác, họ sở hữu những nguồn lực và những khả năng kỳ diệu thường vượt xa trên mức bình thường. Chúa Giêsu ban cho họ những quà tặng khác, mà cộng đoàn được mời gọi nhìn nhận và trân trọng, để họ có thể khám phá kế hoạch yêu thương của Người cho mỗi người trong họ.

 

Trong tình bạn với Đức Kitô

  1. Dù các con sống kinh nghiệm những năm tuổi trẻ của mình đến mức nào, các con cũng sẽ không bao giờ hiểu được ý nghĩa sâu xa và đầy đủ nhất của nó, nếu các con không gặp gỡ mỗi ngày với người bạn tốt nhất của mình, đó là Đức Giêsu.
  2. Tình bạn là một trong những quà tặng của cuộc sống và là một ân sủng của Thiên Chúa. Qua các bạn hữu của chúng ta, Chúa tinh luyện chúng ta và dẫn chúng ta tới trưởng thành. Những người bạn trung thành, những người đứng bên ta trong những thời khắc khó khăn, đó cũng là một phản ảnh tình yêu của Chúa, phản ảnh sự hiện diện ân cần và khích lệ của Người trong đời sống chúng ta. Kinh nghiệm tình bạn dạy chúng ta mở ra, hiểu và quan tâm đến người khác, đi ra khỏi tình trạng cô lập ru ngủ của mình, và chia sẻ đời sống mình với người khác. Chính vì vậy, “không có gì quí hơn một người bạn trung thành” (Hc 6,15).
  3. Tình bạn không phải là một tương quan hời hợt tạm bợ, nhưng là tương quan ổn định, vững chắc, trung thành và nó chín muồi với thời gian. Đó là một mối tương quan tâm cảm nối kết chúng ta lại với nhau, và một tình yêu thương quảng đại thúc đẩy chúng ta tìm kiếm điều tốt lành cho bạn mình. Bạn hữu có thể rất khác nhau, nhưng luôn luôn có những điểm chung kéo họ lại gần nhau trong cởi mở và tin tưởng. [80]
  4. Tình bạn thật quan trọng đến nỗi Đức Giêsu gọi chính Người là một người bạn: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,15). Nhờ ân ban của Người, chúng ta được nâng lên để trở thành thật sự là bạn hữu của Người. Với cùng tình yêu mà Đức Kitô đổ tràn trên chúng ta, chúng ta có thể yêu mến Người để đáp lại, và chia sẻ tình yêu của Người với những người khác, với hy vọng rằng họ cũng sẽ tham dự vào cộng đoàn thân hữu mà Người đã thiết lập. Và cũng như Người đang sống sự sống Phục Sinh trong trọn vẹn vinh phúc, thì chúng ta, về phần mình, có thể làm việc cách quảng đại để giúp xây dựng vương quốc của Người trên thế giới này, bằng cách mang sứ điệp của Người, ánh sáng của Người, và trên hết là tình yêu của Người cho người khác (x. Ga 15,16). Các môn đệ đã nghe Đức Giêsu gọi họ là bạn hữu của Người. Đó là một lời mời gọi không hề áp chế họ, nhưng nhẹ nhàng gọi mời sự tự do của họ. “Hãy đến mà xem”, Đức Giêsu nói với họ như thế; vì thế “họ đến và xem nơi Người ở, và họ ở lại với Người hôm ấy” (Ga 1,39). Sau cuộc gặp gỡ bất ngờ và cảm động ấy, họ đã bỏ mọi sự và đi theo Người.
  5. Tình bạn với Đức Giêsu không thể bị gãy đổ. Người không bao giờ rời bỏ chúng ta, ngay cả dù có những lúc dường như Người giữ thinh lặng. Khi chúng ta cần Người, Người tỏ mình ra cho chúng ta (x. Gr 29,14); Người vẫn ở bên ta dù ta đi tới đâu (x. Gs 1,9). Người không bao giờ phá vỡ giao ước của Người. Người chỉ yêu cầu rằng chúng ta không bỏ Người: “Hãy ở lại trong Thầy” (Ga 15,4). Nhưng cho dù chúng ta đi lạc khỏi Người, “Người vẫn trung thành, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2Tm 2,13).
  6. Với một người bạn, chúng ta có thể nói và chia sẻ những bí mật sâu xa nhất. Với Đức Giêsu cũng vậy, chúng ta luôn luôn có thể trò chuyện. Cầu nguyện vừa là một thách đố vừa là một cuộc phiêu lưu. Và cuộc phiêu lưu ấy thú vị biết bao! Dần dần, Đức Giêsu giúp ta trân trọng sự cao cả của Người và kéo ta lại gần Người hơn. Việc cầu nguyện cho phép ta chia sẻ với Người mọi khía cạnh trong đời sống mình, và an tâm nghỉ ngơi trong vòng tay của Người. Đồng thời, cầu nguyện giúp ta tham dự vào chính sự sống và tình yêu của Người. Khi chúng ta cầu nguyện, “chúng ta cởi mở mọi điều ta làm” cho Người, và chúng ta dành chỗ cho Người “để Người có thể hành động, có thể đi vào, và có thể chiến thắng”. [81]
  7. Bằng việc cầu nguyện, chúng ta có thể thường xuyên kinh nghiệm sự gần gũi với Người, nhiều hơn bất cứ gì mà chúng ta có thể kinh nghiệm với một người khác: “Không còn là tôi sống, nhưng chính là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Đừng tước mất khỏi tuổi trẻ các con tình bạn này. Các con có thể cảm nghiệm Người ở bên mình không chỉ khi các con cầu nguyện, nhưng là mọi nơi mọi lúc. Hãy thử kiếm Người, và các con sẽ có cái kinh nghiệm tuyệt vời là nhận ra rằng Người luôn luôn ở bên các con. Đây là điều mà các môn đệ trên đường Emmau đã kinh nghiệm, khi họ đang buồn bã lê bước trên đường, Đức Giêsu “đã đến gần và cùng bước đi với họ” (Lc 24,25). Một vị thánh đã nhận định: “Kitô giáo không phải là một bộ sưu tập các chân lý để tin, các qui tắc để tuân theo, hay các cấm đoán. Nhìn theo cách ấy, nó làm ta nản lòng. Nhưng Kitô giáo là một Đấng yêu thương tôi vô hạn, Người kêu gọi tình yêu của tôi. Kitô giáo là Đức Kitô”. [82]
  8. Đức Giêsu có thể đem lại cho tất cả mọi người trẻ trong Giáo hội một giấc mơ, “một giấc mơ vĩ đại, một giấc mơ có chỗ cho mọi người. Vì giấc mơ ấy mà Đức Giêsu đã hiến mạng sống mình trên thập giá, vì giấc mơ ấy mà Thánh Thần được đổ tràn trong ngày lễ Ngũ Tuần và mang lửa đến cho trái tim của mọi người nam và nữ, cho trái tim các con và trái tim của cha. Ngài mang lửa ấy đến cho trái tim các con, trong hy vọng tìm được chỗ để nó lớn lên và lan tỏa. Giấc mơ ấy tên là Giêsu, được Chúa Cha gieo trồng trong niềm tin rằng nó sẽ lớn lên và sống trong mọi con tim. Giấc mơ cụ thể ấy là một Đấng, đang tràn ngập trong huyết quản chúng ta, làm cho trái tim ta rộn rã nhảy mừng”. [83]

 

Lớn lên và trưởng thành

 

  1. Nhiều bạn trẻ quan tâm đến thân thể mình, cố gắng tăng cường sức mạnh thể lý hay cải thiện ngoại hình. Nhiều bạn trẻ khác cố gắng phát triển các tài năng và tri thức của mình, để cảm thấy tự tin về mình hơn. Một số nhắm mục tiêu cao hơn nữa, cố gắng để dấn thân hơn và lớn lên về mặt tâm linh. Thánh Gioan nói: “Ta viết cho các con, những người trẻ, vì các con mạnh mẽ và lời Thiên Chúa ở lại trong các con” (1Ga 2,14). Tìm kiếm Chúa, giữ lời Người, tín thác đời mình cho Người và lớn lên trong các nhân đức: tất cả những điều này làm cho trái tim các con nên mạnh mẽ. Đó là lý do các con cần giữ sự nối kết với Đức Giêsu, giữ liên lạc “online” với Người, vì nếu chỉ với nỗ lực và trí tuệ của riêng mình, các con sẽ không lớn lên trong hạnh phúc và thánh thiện được đâu. Giống như các con cố gắng để không mất nối kết internet, hãy bảo đảm rằng các con luôn nối kết với Chúa. Điều này có nghĩa là đừng ngắt cuộc đối thoại, nhưng lắng nghe Người, chia sẻ đời sống các con với Người, và bất cứ khi nào các con không rõ mình nên làm gì, thì hãy hỏi Người: “Chúa Giêsu ơi, Chúa sẽ làm gì trong trường hợp của con?”. [84]
  2. Cha hy vọng rằng các con sẽ đủ nghiêm túc với chính mình để cố gắng lớn lên về tâm linh. Bên cạnh tất cả những điều thú vị của tuổi trẻ, cũng có vẻ đẹp của việc tìm kiếm “sự công chính, đức tin, tình yêu và an bình” (2Tm 2,22). Điều này không đòi phải đánh mất gì trong tính cách phóng khoáng, sự dũng cảm, nồng nhiệt và dịu dàng của các con. Trở nên một người trưởng thành không có nghĩa là các con phải bỏ những gì tốt nhất của giai đoạn này trong đời sống các con. Vì nếu vậy, sẽ đến ngày Chúa khiển trách các con: “Ta nhớ lại lòng trung nghĩa của ngươi lúc ngươi còn trẻ, tình yêu của ngươi khi ngươi mới thành hôn, lúc ngươi theo Ta trong sa mạc” (Gr 2,2).
  3. Những người trưởng thành cũng phải chín chắn hơn mà không đánh mất các giá trị của tuổi trẻ. Mỗi giai đoạn của đời sống là một ơn phúc thường hằng, với giá trị vững bền của nó. Kinh nghiệm về một tuổi trẻ được sống tốt luôn luôn còn đó trong tâm hồn chúng ta. Nó tiếp tục lớn lên và sinh hoa trái ở tuổi trưởng thành. Người trẻ thường được lôi cuốn bởi một chân trời vô hạn mở ra trước mắt họ. [85] Đời sống của người trưởng thành, với những sự an toàn và tiện nghi của nó, có thể có nguy cơ kéo lùi chân trời này, và đánh mất niềm phấn khích của tuổi trẻ. Rất nên xảy ra điều ngược lại: khi chúng ta trưởng thành, trở nên già hơn và ‘cứng nếp’ hơn trong đời sống, chúng ta đừng bao giờ đánh mất sự nồng nhiệt và cởi mở đối với một thực tại bao giờ cũng rộng lớn hơn. Tại mỗi phút giây trong đời sống, chúng ta có thể làm mới lại nét tươi trẻ của mình. Khi tôi bắt đầu sứ vụ sứ vụ giáo hoàng, Chúa đã mở rộng các chân trời của tôi và ban cho tôi một nét trẻ trung mới. Điều tương tự có thể xảy ra với một đôi vợ chồng đã cưới nhau nhiều năm, hay với một đan sĩ trong đan viện của mình. Có những thứ mà chúng ta cần buông bỏ theo thời gian, nhưng tiến trình trưởng thành có thể cùng vận hành với một ngọn lửa không ngừng được thắp lại, với một trái tim mãi trẻ trung.
  4. Già đi hơn có nghĩa là gìn giữ và nâng niu những gì quí nhất của tuổi trẻ chúng ta, nhưng nó cũng đòi phải thanh luyện những gì không tốt và đón nhận những ân ban mới mẻ của Thiên Chúa, để ta có thể phát triển những gì thực sự quan trọng. Có những lúc, một mặc cảm tự ti nào đó có thể làm cho các con không lưu tâm đến những yếu nhược của mình, điều này có thể cản trở tiến trình trưởng thành của các con. Thay vào đó, hãy cho phép mình đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, vì Ngài yêu các con như sự thật của các con. Ngài quí trọng các con, nhưng Ngài cũng không ngừng trao ban thêm cho các con: thêm tình bạn, thêm sốt sắng trong cầu nguyện, thêm khao khát lời Ngài, thêm ước ao đón nhận Chúa Kitô trong Thánh Thể, thêm khát vọng sống Tin Mừng của Người, thêm sức mạnh bên trong, thêm bình an và niềm vui thiêng liêng.
  5. Nhưng cha cũng muốn nhắc các con rằng các con sẽ không nên thánh và tìm thấy sự viên mãn bằng cách sao chép những người khác. Bắt chước các thánh không có nghĩa là sao chép lối sống của các ngài và cách các ngài sống thánh thiện: “có một số chứng từ được thấy là hữu ích và truyền cảm hứng, nhưng chúng ta không được kỳ vọng sao chép, vì như vậy ta có thể đi trệch khỏi nẻo đường thánh thiện riêng mà Chúa nhắm cho chúng ta”. [86] Các con phải khám phá mình là ai và khai triển nẻo đường nên thánh của riêng mình, dù cho những người khác nói hay nghĩ gì đi nữa. Nên thánh có nghĩa là trở nên chính mình đầy đủ hơn, trở nên điều mà Chúa đã mong muốn ước mơ và sáng tạo, chứ không phải một bản sao. Đời sống các con phải là một sự khơi động có tính ngôn sứ cho người khác, và ghi dấu trên thế giới này, dấu vết độc đáo mà chỉ các con mới để lại được. Đàng khác, nếu các con chỉ đơn giản sao chép người khác, các con sẽ tước mất khỏi cõi thế này – và tước mất của cả thiên đàng nữa – một cái gì đó mà không ai khác có thể trao hiến. Cha nghĩ đến thánh Gioan Thánh Giá, ngài đã viết trong Khúc Linh Ca rằng mọi người nên rút ra từ lời khuyên linh đạo của ngài “theo cách riêng của mình”, [87] vì vị Thiên Chúa duy nhất muốn biểu lộ ân sủng của Ngài “cho người ta mỗi người mỗi cách”. [88]

 


 

Các nẻo đường huynh đệ

  1. Sự trưởng thành tâm linh của các con được diễn tả trước hết qua sự trưởng thành trong tình yêu xót thương, quảng đại và huynh đệ. Thánh Phaolô cầu nguyện: “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết” (1Tx 3,12). Kỳ diệu biết bao cái kinh nghiệm “xuất thần ngây ngất” này khi đi ra khỏi chính mình và tìm kiếm điều thiện hảo cho người khác, ngay cả dù phải hiến mạng sống mình.
  2. Khi một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa được gọi là “xuất thần”, đó là vì nó rứt chúng ta ra khỏi mình, nâng chúng ta lên và làm tràn ngập chúng ta với tình yêu và vẻ đẹp của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta cũng có thể kinh nghiệm xuất thần khi nhận ra nơi người khác vẻ đẹp giấu ẩn của họ, phẩm giá và sự cao cả của họ trong tư cách là những hình ảnh của Thiên Chúa và là con cái của Cha trên trời. Chúa Thánh Thần muốn thúc đẩy ta ra khỏi chính mình, đón nhận người khác trong yêu thương, và tìm kiếm thiện ích cho họ. Vì thế, điều luôn luôn tốt hơn, đó là sống đức tin cùng với nhau, diễn tả tình yêu thương của chúng ta bằng việc sống trong cộng đoàn và chia sẻ với các bạn trẻ khác tình cảm của mình, thời giờ, đức tin và những lo lắng của mình. Giáo hội cung ứng nhiều khả năng để sống đức tin trong cộng đoàn, vì mọi sự sẽ dễ hơn khi chúng ta cùng làm với nhau.
  3. Những tổn thương mà các con kinh nghiệm có thể cám dỗ các con rút lui khỏi người khác, quay lại nơi chính mình và nuôi dưỡng những cảm xúc oán giận, nhưng đừng bao giờ ngưng lắng nghe tiếng Chúa kêu gọi tha thứ. Các giám mục ở Rwanda diễn tả rất hay: “Để hòa giải với một người, trước hết bạn phải nhìn thấy điều tốt lành nơi người ấy, điều tốt lành mà Thiên Chúa nhắm khi tạo nên người ấy… Điều này đòi phải cố gắng để phân biệt giữa điều xúc phạm và người xúc phạm; nghĩa là các con ghét sự xúc phạm mà người đó đã gây ra, nhưng các con yêu thương người đó bất chấp sự yếu đuối của họ, vì nơi người đó các con thấy hình ảnh của Thiên Chúa”. [89]
  4. Có những lúc tất cả các năng lực tuổi trẻ chúng ta, những ước mơ và lòng hăng hái có thể tàn lụi vì chúng ta bị cám dỗ chựng lại nơi chính mình, nơi các vấn đề của mình, nơi các cảm giác tổn thương và những dằn vặt của mình. Đừng để điều này xảy ra với các con! Các con sẽ già đi trước tuổi đấy. Mỗi lứa tuổi có nét đẹp của nó, và những năm tháng tuổi trẻ chúng ta cần phải được đánh dấu bằng những lý tưởng cùng nhau chia sẻ, những hy vọng và những ước mơ, những chân trời thênh thang mà chúng ta có thể cùng nhau chiêm nghiệm.
  5. Thiên Chúa yêu quí niềm vui của người trẻ. Ngài đặc biệt muốn họ tham dự trong niềm vui hiệp thông huynh đệ, niềm vui lớn lao được cảm nhận bởi những ai biết chia sẻ cho người khác, vì “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). “Thiên Chúa yêu thương những ai vui vẻ dâng hiến” (2Cr 9,7). Tình huynh đệ sẽ gia tăng gấp bội khả năng của chúng ta trong kinh nghiệm niềm vui, vì nó làm cho chúng ta hoan hỉ với điều tốt lành của người khác: “Hãy vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15). Ước gì tính cách hồn nhiên trẻ trung của các con ngày càng thể hiện nơi tình yêu thương huynh đệ và nơi thái độ luôn sẵn sàng để tha thứ, để sống quảng đại và xây dựng cộng đoàn. Như một ngạn ngữ Phi châu nói: “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình; còn nếu muốn đi xa, bạn hãy đi với người khác”. Chúng ta đừng để mình bị đánh cắp tình huynh đệ.

 

Trẻ trung và dấn thân

  1. Có những lúc, nhìn thấy một thế giới đầy bạo lực và ích kỷ, người trẻ có thể bị cám dỗ rút lui vào trong những nhóm nhỏ, tránh xa những thách đố và những vấn đề mà đời sống đặt ra trong xã hội và trong cả thế giới. Họ có thể cảm thấy rằng họ đang kinh nghiệm tình huynh đệ và yêu thương, nhưng cái nhóm nhỏ của họ thực ra không gì hơn là một sự nới rộng chính cái tôi của họ. Càng nghiêm trọng hơn nữa nếu họ nghĩ về ơn gọi của giáo dân duy chỉ như một hình thức phục vụ bên trong Giáo hội: phục vụ trong tư cách là người đọc sách, lễ sinh, giảng viên giáo lý, vân vân… Họ quên rằng ơn gọi giáo dân trước hết được định hướng về đức ái trong gia đình và đức ái trong khung cảnh chính trị và xã hội. Đó là một cam kết cụ thể và dựa trên đức tin, nhằm xây dựng một xã hội mới. Nó đòi người ta sống giữa lòng xã hội và thế giới để mang Tin Mừng cho khắp nơi, để góp phần thăng tiến hòa bình, ổn định, công lý, nhân quyền và lòng nhân ái, và qua đó mở rộng Nước Thiên Chúa trên thế giới này.
  2. Cha kêu gọi các bạn trẻ vượt quá những nhóm nhỏ của mình để xây dựng “tình huynh đệ trong xã hội, trong đó mọi người đều phục vụ thiện ích chung. Đàng khác, sự hiềm khích sẽ tàn phá. Các gia đình bị tàn phá bởi hiềm khích. Các quốc gia bị tàn phá bởi hiềm khích. Thế giới bị tàn phá bởi hiềm khích. Và sự hiềm khích lớn nhất chính là chiến tranh. Ngày nay chúng ta thấy thế giới đang tự tàn phá mình bằng chiến tranh… Vì thế, hãy tìm cách xây dựng tình huynh đệ trong xã hội”. [90] Quả thật không dễ dàng, nó luôn có nghĩa rằng phải từ bỏ điều gì đó và biết thương lượng, nhưng nếu ta làm thế để giúp ích, thì ta sẽ có kinh nghiệm tuyệt vời về việc gạt qua những khác biệt để cùng nhau theo đuổi điều cao quí hơn. Nếu nhờ những cố gắng dù nhỏ hay lớn của mình mà chúng ta có thể tìm thấy những điểm đồng thuận ở giữa sự xung khắc, có thể xây dựng những nhịp cầu và đem lại sự bình an cho mọi người, thì chúng ta sẽ kinh nghiệm cái phép lạ của nền văn hóa gặp gỡ. Đây là một điều mà các bạn trẻ có thể mạnh dạn và hăng say theo đuổi.
  3. Thượng hội đồng nhìn nhận rằng “dù bằng một cách khác với những thế hệ đi trước, sự dấn thân xã hội là một nét đặc biệt của giới trẻ ngày nay. Trong khi một số bạn trẻ thờ ơ, thì nhiều bạn trẻ khác sẵn sàng dấn thân vào những sáng kiến làm việc thiện nguyện, tích cực trong tư cách công dân và tinh thần liên đới xã hội. Họ cần được đồng hành và khích lệ để sử dụng các tài năng của mình cách sáng tạo, và được khích lệ để đảm nhận các trách nhiệm của mình. Việc dấn thân xã hội và trực tiếp đến với người nghèo vẫn là những cách nền tảng để tìm thấy hay đào sâu đức tin cũng như phân định ơn gọi của mình… Cũng ghi nhận rằng người trẻ được chuẩn bị để đi vào đời sống chính trị nhằm xây dựng công ích”. [91]
  4. Ngày nay, tạ ơn Chúa, nhiều bạn trẻ trong các giáo xứ, các trường học, các phong trào và các nhóm ở đại học thường đi ra, dành thời giờ gặp gỡ những người già yếu, hoặc thăm viếng các khu xóm nghèo, hay đáp ứng các nhu cầu của người ta xuyên qua những “buổi tối từ thiện”. Rất thường, họ nhận ra rằng ở đó họ nhận nhiều hơn là cho. Chúng ta lớn lên trong khôn ngoan và trưởng thành khi chúng ta dành thời giờ để tiếp xúc trực tiếp với nỗi đau khổ của người khác. Người nghèo có một sự khôn ngoan giấu ẩn, và chỉ bằng vài lời nói, họ có thể giúp chúng ta khám phá những giá trị thật bất ngờ.
  5. Nhiều người trẻ tham gia các chương trình xã hội xây dựng nhà cho người vô gia cư, hay cải tạo các khu vực bị ô nhiễm, hoặc cung ứng những loại trợ giúp khác nhau cho những người cần trợ giúp. Sẽ rất có ích nếu sự góp sức này có thể được tổ chức và vận hành một cách ổn định hơn và với những mục tiêu rõ ràng, để càng có hiệu quả hơn nữa. Các sinh viên đại học có thể áp dụng kiến thức của mình một cách liên ngành, cùng với các bạn trẻ của các Giáo hội hay các tôn giáo khác, để đề ra những giải pháp cho các vấn đề xã hội.
  6. Như trong phép lạ của Chúa Giêsu, bánh và cá được cung cấp bởi người trẻ sẽ có thể hóa thành nhiều (x. Ga 6,4-13). Như trong dụ ngôn, những hạt giống bé nhỏ được gieo bởi người trẻ sẽ có thể đem lại một vụ mùa to lớn (x. Mt 13,23.31-32). Tất cả những điều này nhận nguồn mạch sống động nơi Thánh Thể, trong đó bánh và rượu của chúng ta được chuyển hóa để ban cho ta sự sống vĩnh cửu. Người trẻ đối mặt với những thách đố to lớn và gay go. Với niềm tin vào Chúa Phục Sinh, họ có thể đương đầu với các thách đố ấy trong sáng tạo và trong hy vọng, luôn luôn sẵn sàng phục vụ, như những gia nhân tại đám cưới kia, là những người cộng tác trong phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu mà chính họ cũng không ngờ. Họ đã chẳng làm gì ngoài việc vâng theo lời của Đức Mẹ: “Người bảo gì, hãy làm theo như vậy” (Ga 2,5). Nhân hậu, sáng tạo và hy vọng sẽ làm cho đời sống triển nở.
  7. Cha muốn khích lệ tất cả các con trong nỗ lực này, vì cha biết rằng “trái tim trẻ trung của các con muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Cha vẫn theo dõi những tường thuật tin tức về nhiều bạn trẻ trên khắp thế giới xuống đường để bày tỏ khát vọng về một xã hội công bằng và huynh đệ hơn. Người trẻ xuống đường! Người trẻ muốn trở thành những tác nhân chính đem lại sự thay đổi. Xin các con đừng đùn đẩy cho ai khác vai trò tác nhân của thay đổi. Các con là những người nắm giữ tương lai! Xuyên qua các con, tương lai đi vào trong thế giới. Cha cũng mời gọi các con trở thành những tác nhân của cuộc chuyển hóa này. Các con nắm giữ chìa khóa tương lai! Hãy tiếp tục chiến đấu chống lại sự thờ ơ, và đưa ra câu trả lời của Kitô giáo cho các hỗn loạn chính trị và xã hội đang nổi lên tại nhiều vùng trên thế giới. Cha kêu gọi các con xây dựng tương lai, phụng sự cho một thế giới tốt đẹp hơn. Các bạn trẻ thân mến, cha xin các con đừng làm những khách bàng quan trong cuộc sống. Các con hãy dấn thân! Đức Giêsu đã không hề là một kẻ bàng quan. Người đã dấn thân. Các con đừng chỉ đứng xa xa, nhưng hãy lặn ngụp vào trong thực tế của cuộc sống, như Đức Giêsu đã từng”. [92] Trên hết, bằng cách này hay cách khác, các con hãy chiến đấu cho thiện ích chung, hãy phục vụ người nghèo, hãy là những tác nhân chính của cuộc cách mạng yêu thương và phục vụ, có khả năng đề kháng các căn bệnh của chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân thiển cận.

 

Những nhà thừa sai can đảm

  1. Được đổ đầy tình yêu của Đức Kitô, người trẻ được mời gọi làm chứng nhân Tin Mừng bất cứ nơi đâu mà họ có mặt, bằng chính cách sống của mình. Thánh Alberto Hurtado có lần nói rằng “trở thành một tông đồ không có nghĩa là đính một huy hiệu trên ve áo; nó không phải là thuyết lý về sự thật nhưng là sống nó, là hiện thân của nó, là được biến đổi trong Đức Kitô. Trở thành một tông đồ không có nghĩa là cầm một bó đuốc trên tay, không sở hữu ánh sáng, nhưng chính là ánh sáng… Tin Mừng không chỉ là một bài học, mà là một mẫu gương. Một thông điệp trở thành một đời sống được sống hết mình”. ]93]
  2. Tầm quan trọng của chứng tá không hề muốn nói rằng chúng ta phải thinh lặng và không lên tiếng. Chúng ta cũng cần nói về Đức Giêsu chứ, chúng ta cũng cần kể cho người khác rằng Người đã trao cho chúng ta sức mạnh trong cuộc sống, rằng chúng ta thích thú trò chuyện với Người, rằng chúng ta được di dưỡng nhờ suy niệm lời của Người… Các bạn trẻ đừng để thế giới lôi kéo các con vào toàn những thứ sai lầm và hời hợt. Hãy học lội ngược dòng, hãy học biết chia sẻ Đức Giêsu và đức tin mà Người ban cho các con. Ước gì các con được đánh động bởi cùng sự thúc đẩy bất khả kháng làm cho Thánh Phaolô đã thốt lên: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16)!
  3. “Đức Giêsu sai chúng ta đi đâu?” Không có vành đai, không có giới hạn: Người sai chúng ta đi khắp mọi nơi. Tin Mừng dành cho mọi người, không phải chỉ cho một số người. Tin Mừng không chỉ dành cho những người có vẻ gần gũi chúng ta, những người có vẻ dễ sẵn sàng đón nhận hơn. Tin Mừng là cho mọi người. Các con đừng sợ ra đi đem Đức Kitô đến với mọi cảnh vực của đời sống, đến những vùng ven của xã hội, thậm chí đến với những ai dường như xa xăm nhất và dửng dưng nhất. Chúa tìm kiếm mọi người; Người muốn mọi người cảm nhận hơi ấm lòng thương xót và tình yêu của Người”. [94] Người mời gọi chúng ta trở thành những nhà thừa sai không biết sợ hãi ở bất cứ nơi nào chúng ta có mặt và trong bất cứ khung cảnh nào mà mình thuộc về: ở khu xóm của chúng ta, ở trường học hay trong lãnh vực thể thao hay trong đời sống xã hội, trong các công cuộc thiện nguyện hay tại nơi làm việc. Bất cứ ở đâu, chúng ta cũng luôn có cơ hội để chia sẻ niềm vui của Tin Mừng. Chúa cũng đi ra gặp mọi người theo cách đó. Người yêu thương các con, vì các con là phương tiện nhờ đó Người có thể làm lan tỏa ánh sáng và hy vọng của Người. Người tin tưởng vào sự can đảm, vào lòng dũng cảm và hăng hái của các con.
  4. Các con đừng nghĩ rằng sứ mạng này thì nhẹ cân và dễ dàng. Một số người trẻ đã hiến dâng cuộc đời mình cho công cuộc sứ mạng thừa sai. Như các giám mục Hàn quốc nói: “Chúng ta hy vọng rằng chúng ta có thể là những hạt lúa mì và những khí cụ cho ơn cứu độ của nhân loại, theo gương của các vị tuẫn đạo. Dù đức tin của chúng ta chỉ nhỏ bé như một hạt cải, Thiên Chúa sẽ cho nó lớn lên và dùng nó như một khí cụ cho công cuộc cứu độ của Ngài”. [95] Các bạn trẻ thân mến, các con đừng đợi cho đến ngày mai mới đóng góp năng lực, sự gan dạ và sự sáng tạo của các con cho việc thay đổi thế giới này. Tuổi trẻ của các con không phải là một “thời gian chuyển tiếp”. Các con là hiện tại của Thiên Chúa, và Ngài muốn các con sinh hoa quả. [96] Vì “chính khi cho là chúng ta đang nhận”. [97] Cách tốt nhất để chuẩn bị cho một tương lai rạng rỡ, đó là kinh nghiệm cái hiện tại này hết sức có thể, với tinh thần dấn thân và quảng đại.

 


 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30