CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM B: NHIỆT TÂM LO VIỆC NHÀ CHÚA

Written by xbvn on Tháng Ba 6th, 2015. Posted in Năm B, Nguyễn Văn Nội

[Xh 20,1-17; 1 Cr 1,22-25; Ga 2,13-25]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ       

Người Mỹ có một câu châm ngôn rất đáng chúng ta suy nghĩ. Câu châm ngôn đó là:  “sự thất bại nặng nề nhất của con người là đánh mất lòng nhiệt thành.” Với Thánh Phao-lô, Tông đồ dân ngoại, thì lòng nhiệt thành là điểm nổi bật nhất trong đời sống tâm linh và rao giảng Tin Mừng của ngài. Với Đức Giê-su Na-da-rét thì còn hơn thế nữa: vì nhiệt thành bảo vệ sự tinh tuyền của Đền Thánh Giê-ru-sa-lem là nhà của Thiên Chúa mà Đức Giê-su không ngại đương đầu với những người lãnh đạo Đền thờ và hưởng lợi từ những hoạt động lễ tế trong Đền thờ ấy, khiến họ thù ghét Người và tìm cách ám hại Người (bài Tin Mừng).

Mùa Chay là mùa hoán cải nên chúng ta cũng cần nhìn lại xem tình yêu và lòng nhiệt thành của chúng ta đối với Đạo Chúa và đối với những gì có liên quan tới con người (vì những gì thực sự liên quan tới con người thì cũng liên quan tới Thiên Chúa) có còn sống động nữa không?

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Trong bài đọc 1 (Xh  20,1-17): Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê.

(1) Ngày ấy trên núi Xi-nai, Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây: (2) “Ta là Đức  Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.  (3) Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. (4) Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. (5) Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. (6) Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. (7) Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng. (8) Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. (9) Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. (10) Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. (11) Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh. (12) Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. (13) Ngươi không được giết người. (14) Ngươi không được ngoại tình. (15) Ngươi không được trộm cắp. (16) Ngươi không được làm chứng gian hại người. (17) Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.”

2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr 1,22-25): Chúng tôi rao giảng Đấng bị đóng đinh, điều mà người ta coi là ô nhục, nhưng đối với những ai được kêu gọi, thì đó là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

(22) Thưa anh em, trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, (23) thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. (24) Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. (25) Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.

(3) Trong bài Tin Mừng (Ga 2,13-25): Cứ phá hủy đền thờ này đi; nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại.

 (13) Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. (14) Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. (15) Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật ngược bàn ghế của họ. (16) Người nói với những kẻ bán bồ câu: “đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” (17) Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

(18) Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” (19) Đức Giê-su đáp: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” (20) Người Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?” (21) Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. (22) Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói  điều đó, họ tin và Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

(23) Trong lúc Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. (24) Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết thảy, (25) và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người.

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG & SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Chân dung của Thiên Chúa:

(1°) Nếu chúng ta chỉ đọc cách hời hợt bài đọc 1 (Xh 20,1-17), chúng ta sẽ chỉ thấy mười giới răn khô khẳng khó nuốt; Còn nếu chúng ta đọc nó với cả tấm lòng, chúng ta sẽ khám phá ra tấm lòng đầy tình thương của Thiên Chúa. Thật vậy nền tảng và động lực của mười điều răn là Giao Ước. Nguyên do của Giao Ước là Tình Thương của Thiên Chúa. Vì yêu thương dân Ít-ra-en và nhân loại, nên Thiên Chúa muốn cho họ được hạnh phúc. Để giúp dân Ít-ra-en và mọi người tìm được hạnh phúc, Thiên Chúa ban mười điều răn như những nẻo đường, những phương thế thích hợp. Chúng ta thấy Thiên Chúa hết lòng với Ít-ra-en và mong Ít-ra-en toàn tâm toàn ý với Thiên Chúa. Tình Yêu chỉ được đáp lại bằng Tình Yêu! Tấm lòng cần được đón nhận và hồi đáp bằng tấm lòng!

(2°) Thánh Phao-lô Tông đồ, trong bài đọc 2 (1 Cr 1,22-25), cho thấy ngài sốt sáng nhiệt thành như thế nào trong việc rao giảng Chúa Ki-tô bị đóng đinh thập giá. Đó là điều mà con người – dù văn minh và khôn ngoan như người Hy-lạp hay đạo đức thánh thiện (được chọn là dân riêng, được các ngôn sứ dạy dỗ qua các thời đại) như người Do-thái – chẳng sao hiểu nổi, bởi vì câu chuyện thập giá là câu chuyện tình của Thiên Chúa toàn trí, toàn năng và chí ái. Deus Caritas est! Thiên Chúa là Tình Yêu! Người phàm làm sao hiểu được Thiên Chúa, hiểu được Tình Yêu của Người!

3°) Thánh Gio-an, trong bài Tin Mừng (Ga 2, 13-25), tường thuật lại một sự kiện nổi bật trong những ngày cuối cùng của Chúa Giê-su ở trần thế: tẩy uế Đền Thờ. Sự việc này chẳng khác gì “đổ dầu vào lửa” trong bối cảnh có nhiều người Do-thái đang tìm cách loại trừ Chúa Giê-su. Phải nhìn nhận rằng đây là lần đầu tiên trong Phúc âm chúng ta thấy Chúa Giê-su nổi giận, trước cảnh “trái tai gai mắt” đang diễn ra trong khu vực xung quanh Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Thánh Gio-an miêu tả Chúa Giê-su như một ngôn sứ đang bốc lửa xông vào cuộc chiến để bảo vệ quyền lợi của Thiên Chúa và sự tinh tuyền của nơi thờ thờ Người. Lửa bốc trong lòng, lửa tràn ra lời nói và hành động của Chúa Giê-su! Vì nhiệt tâm với Nhà Chúa (Cha) mà Chúa Giê-su sẽ bị bắt, bị đánh đập tàn bạo, bị kết án dã man và bị giết chết tàn bạo trên thập giá. Nhưng ngọn lửa Tình Yêu ấy đã biến Người thành Của Lễ Toàn Thiêu đẹp lòng Thiên Chúa Cha và đem lại Ơn Cứu Rỗi cho muôn người.

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa:

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là tấm lòng, là tình yêu cháy bỏng của Thiên Chúa, nhất là của Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thể đối với Thiên Chúa Cha và đối với loài người.

Vậy chúng ta hãy tin và đón nhận tình yêu ấy cũng như hãy để cho tình yêu ấy đốt cháy chúng ta.

Nói cách khác hãy đáp lại tình yêu ấy bằng một tình yêu cháy bỏng!

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY

4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng đã chọn ký kết giao ước Xi-nai và ban mười giới răn cho dân Ít-ra-en để họ sống theo đường lối của Người. Người cũng là Đấng Thiên Chúa đã sai Con Một là Đức Giê-su Ki-tô xuống trần gian để tỏ lòng yêu thương con người và cứu chuộc con người bằng cái chết trên cây gỗ.

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay là chúng ta là nuôi dưỡng một tâm hồn sốt mến, một lòng nhiệt thành, một tình yêu cháy bỏng đối với Thiên Chúa là Tình Yêu và với công cuộc cứu độ của Người.

Kiểm chứng:

* Tâm hồn tôi có “rạo rực” mỗi khi nghĩ/nghe/nói về Chúa không?

* Tâm tư tôi có “thao thức” trước nỗi thống khổ của con người, nhất là của những người thấp cổ bé miệng, bị khinh khi miệt thị và loại trừ không?

* Lương tâm tôi có “day dứt” trước cảnh đói nghèo, bất công, tham nhũng, quan liêu và trước các tệ nạn xã hội không?

* Chọn lựa của tôi có là “dũng cảm” bênh vực công lý và lẽ phải, – bằng lời nói và việc làm – dù bị thiệt thòi cách này cách khác, hay là “im lặng đồng lõa và thỏa hiệp” để được yên thân? yên chỗ?

V. CẦU NGUYỆN CHO HỘI THÁNH VÀ THẾ GIỚI

[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý:  ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]

5.1 «Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.» Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa hãy vì giao ước Người đã ký kết với loài người mà thương yêu tha thứ cho loài người, nhất là cho những người thành tâm thiện chí, sống theo giới răn của Chúa hay lương tâm của mình.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.2 «Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi sẽ phải thiệt thân.»  Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu, nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để mọi thành phần Dân Chúa, sống hết lòng hết sức với Đạo Chúa và đồng loại là anh chị em của mình.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.3 «Thưa anh em, trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ» Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, càng ngày càng thấu hiểu cung cách hành động của Thiên Chúa mà yêu mến và ngưỡng mộ.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.4 «Người nói với những kẻ bán bồ câu: «đem tất cả những th này ra khỏi đây, đng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người phục vụ các cơ sở tôn giáo và các lễ nghi phụng tự, để họ gìn giữ sự tinh tuyền thánh thiện của các nơi thánh và của các việc thờ phượng ấy.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội. 

 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30