ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: BUỔI CHIA SẺ CỦA CHA MATTHÊU NGUYỄN KHẮC HY

Written by xbvn on Tháng Năm 16th, 2019. Posted in Lm Nguyễn Khắc Hy, Đại Chủng Viện Huế

          Hôm 14/5/2019, vào lúc 5g00 chiều, Cha Giám đốc Đại Chủng viện Huế, Giuse Hồ Thứ,  giới thiệu cho các thầy về Cha Matthêu Nguyễn Khắc Hy, giáo sư Đại học Công giáo Washington, phó giám đốc Đại chủng viện của Tổng Giáo phận Washington và là thành viên trong Ban cố vấn tỉnh hội Xuân Bích – Hoa Kỳ. Ngài được mời để chia sẻ những kinh nghiệm trong việc đào tạo các chủng sinh trong bối cảnh thời đại mới.

            Mở đầu buổi chia sẻ, Cha Matthêu Nguyễn Khắc Hy đọc đoạn Tin mừng Luca (Lc 6,12-16) về việc Chúa Giêsu chọn các tông đồ. Theo đó, Chúa Giêsu có hai lần thao thức suốt đêm cho hai công việc hệ trọng: khi Ngài chọn các tông đồ và khi Ngài cầu nguyện trong vườn cây dầu. Trong đó, việc chọn mười hai tông đồ mang tính then chốt trong sứ vụ của Chúa Giêsu, Ngài đã qui tụ một cộng đoàn hết sức kỳ lạ, đó là những con người đa dạng về tính cách, học thức, quan điểm nhưng họ chịu ở với nhau chỉ vì có Chúa Giêsu ở giữa họ. Liên hệ các chủng sinh, cha Matthêu đưa ra một số nhận xét như: Sự việc các thầy có mặt trong chủng viện này không phải là điều ngẫu nhiên, nhưng là điều hết sức quan trọng nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa, nơi tầm nhìn của Giáo hội, và cả ưu tư của Ban giám đốc. Vì lẽ, các thầy sẽ trở nên những “thợ lành nghề” được sai đi phục vụ trong các “cánh đồng truyền giáo”. Tuy nhiên, “các thầy không làm linh mục cho chính mình nhưng là cho người sai mình đi, tức là Giáo hội, cụ thể nơi các Đức Giám mục giáo phận”.

            Sau đó, cha Matthêu chia sẻ về vấn đề trưởng thành nhân bản. Ngài nêu lên bốn điều mà một người trường thành phải có (theo tài liệu Program of  Priestly Formation của USCCB), đó là: 1/ Người chủng sinh cần có cuộc sống cân đối, hài hòa các khía cạnh trong mọi vấn đề; 2/ Tương quan gần gũi, chừng mực với những người khác; 3/ Trưởng thành về đời sống tình cảm: Vấn đề vô cùng quan trọng, hệ tại ở việc trung thực với cha linh hướng; 4/ Tạo cho mình một lương tâm trong sáng và một thái độ tự kỷ luật.

Cha Matthêu đề cập đến bộ tứ tác động đời sống người chủng sinh, đó là: Chủ nghĩa cá nhân; Truyền thông; Tiền bạc; và Tính dục.

         Trước hết, chủ nghĩa cá nhân khiến người chủng sinh sống khép kín, không chịu để người khác xen vào cuộc sống của mình, thành ra mức độ trưởng thành bị tiêu giảm. Vì vậy, các thầy cần tập nhân đức khiêm nhường để thắng vượt chủ nghĩa này. Về vấn đề truyền thông, nó gây nên tình trạng hoang mang nơi giới trẻ nói chung và các chủng sinh nói riêng, bởi nó có những điều lí thú nhưng hệ quả phát sinh phụ tùy nơi người sử dụng chúng. Vấn đề tiền bạc, nó dễ khiến ta sinh đam mê và làm lệch hướng đi của người chủng sinh, bởi lẽ tiền bạc là người nô bộc tốt nhưng lại là ông chủ xấu. Về vấn đề tính dục, đây là quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho những người sống trong bậc sống gia đình, nhưng là thánh giá đối với những người sống trong bậc tu trì. Cha khuyên các thầy cần nhìn nhận vấn đề này một cách trưởng thành, cần cởi mở với cha linh hướng, vì ở Hoa Kỳ, các thầy ở tuổi lớn hơn, từng trải nhiều hơn và khi bước vào chủng viện, họ có cam kết vững chắc sống trưởng thành hơn. Nhưng bối cảnh ở Việt Nam có nhiều khác biệt nên các thầy cần phải nỗ lực nhiều hơn. Vậy làm thế nào để trưởng thành về đời sống tính dục? Cha chỉ ra rằng mỗi người chủng sinh cần có mối tương giao tình bạn trong sáng, chân thành để nâng đỡ nhau trong đời sống tu trì. Tiếp đến, sự cởi mở giữa người chủng sinh với cha linh hướng và ban đào tạo là bước đi quyết định giúp con người mình có khả năng đi ra chứ không chôn lấp đi chính mình. Sau nữa, người chủng sinh cần một đời sống cầu nguyện có tính kỷ luật và tự giác cao để có một lương tâm trong sáng, nếu không người chủng sinh đó sẽ sống trong sợ hãi, che đậy và ngày càng ấu trĩ.

            Kết thúc bài chia sẻ, cha Matthêu Nguyễn Khắc Hy đã nêu lên những thao thức của bản thân về vấn đề trưởng thành về nhân bản của các chủng sinh sẽ giúp cho Giáo hội có thêm những linh mục thánh thiện, nếu không sẽ khiến Giáo hội chịu tổn thương nặng nề vì những ý hướng và hành vi thiếu tự trọng của người chủng sinh.

            Sau đó, Cha dành thời gian cho các thầy nêu lên những thắc mắc. Câu hỏi đầu tiên đề cập đến khả năng phân định: Làm sao để nhận định một sự việc đúng – sai trong một thế giới tràn đầy chân lý giả hiệu? Cha Matthêu đã chỉ ra cho các thầy rằng chúng ta nên dựa trên Phúc Âm, giáo huấn Giáo hội và chương trình đào tạo. Qua đó, chúng ta không chỉ xét vấn đề chỉ ở phạm trù đúng – sai, nhưng cần lưu tâm phạm trù tốt – xấu và những tương quan giữa hai cặp phạm trù này. Nhờ đó, chúng ta sẽ nhận ra đâu là lằn ranh cần dừng lại hay cần phải vượt qua. Câu hỏi thứ hai mang tính thực tiễn hơn, khi đề cập vấn đề người chủng sinh xem phim ảnh đồi trụy và thủ dâm? Và liệu hai việc này có tệ hại như vấn đề ấu dâm và quan hệ đồng tính chăng? Cha Matthêu cho rằng tiêu chuẩn của những người dấn thân theo Chúa đã được Chúa Giêsu vạch ra ngay từ ban đầu: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em ở trên trời là Đấng hoàn thiện”, Chúa Giêsu đã không hạ tiêu chí ấy xuống vừa tầm của loài người, dù Ngài hiểu con người mỏng dòn yếu đuối. Cha Matthêu đã nêu lên giải pháp luôn hữu hiệu cho các thầy khi đến gõ cửa và cởi mở với cha linh hướng, để hai bên cùng xem xét trường hợp của đương sự là triệu chứng bệnh hoạn cần được chữa trị hay chỉ là những cám dỗ thoáng qua. Cha Matthêu nhận định hai cặp vấn nạn: thủ dâm/ xem phim sex và ấu dâm/ quan hệ đồng tính đều là tội, nhưng một bên có tầm mức hệ lụy chỉ ảnh hưởng trên cá nhân, một bên tầm mức ảnh hưởng trên toàn Giáo hội. Một bên cá nhân ấy chịu trách nhiệm trước Chúa, còn một bên đương sự phải đối mặt với nạn nhân mà mình làm tổn hại, cũng như với xã hội và Giáo hội của Chúa. Hai câu hỏi ấy vừa khép lại buổi chia sẻ của cha Matthêu Nguyễn Khắc Hy và cũng gợi mở nhiều ưu tư dành cho mỗi thầy hiện diện trong hội trường về ơn gọi và sứ vụ tương lai mà Chúa và Giáo Hội trao phó.

Tạ ơn Chúa về buổi chia sẻ bổ ích của cha Matthêu,

cầu chúc Cha mọi sự tốt lành và xin Chúa hằng ở cùng Cha!

BTT ĐCV Huế

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30