ĐỨC BÊNÊĐÍCTÔ XVI, THẦN HỌC GIA VỀ HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 31st, 2022. Posted in Học thuyết xã hội, Thế Giới, Tý Linh

Đức Bênêđictô XVI sẽ không để lại hình ảnh về một Giáo Hoàng xã hội. Tuy nhiên, ta sẽ giữ lại những lập trường của ngài về môi trường sinh thái hay tài chính thế giới. Và, nhất là, Thông điệp « Caritas in veritate », qua đó ngài để lại dấu ấn thần học cho tư tưởng xã hội của Giáo Hội.

Nói về Đức Bênêđictô XVI, nhiều người thích nhấn mạnh con người văn hóa cao cả của ngài và việc ngài yêu thích bàn về những vấn đề liên quan đến Giáo Hội Công Giáo, nội dung các tín điều của Giáo Hội và vị thế hiện nay của Giáo Hội  giữa các Giáo Hội khác. Bởi vì, trước khi lên ngôi giáo hoàng, ĐHY Ratziger đã từng là người đứng đầu Bộ Giáo Lý Đức Tin, nên người ta nhắc lại những lưu ý đề phòng của ngài chống lại những giải thích trái ngược với giáo lý chính thống « Rôma ». Người ta nhớ đến những tranh luận của ngài và những cảnh báo tái lập trật tự của ngài đối với những người chủ trương những nền thần học giải phóng khác nhau ở Châu Mỹ Latinh.

Nhưng hình ảnh này là chưa đủ. Nó bỏ qua sự đóng góp độc đáo của vị Giáo Hoàng này vào diễn từ xã hội của Giáo Hội. Sự quan tâm của lối tiếp cận của ngài là đặt nó vào trong một tầm nhìn toàn cầu và nhân vị mà có thể múc lấy cái cốt lõi từ các nguồn mạch của nó trong các kho tàng của thần học. Tư tưởng này có thể nuôi dưỡng người Công giáo, nhưng nó luôn có nguy cơ làm bối rối các tín hữu của các truyền thống khác và tất cả những ai tuyên bố đã thoát khỏi những niềm tin tôn giáo. Theo nghĩa này, Đức Bênêđictô XVI ghi dấu ấn lên học thuyết xã hội của Giáo Hội, đặc biệt qua việc công bố vào tháng 6/2009 Thông điệp Caritas in veritate. Trong Thông điệp này, ngài tỏ ra là một nhà phân tích thích đáng các vận hành của xã hội. Nhưng tính độc đáo của ngài còn tỏ ra hơn nữa trong mối quan tâm liên lỉ của ngài nhấn mạnh chiều kích nhân học và thần học của các vấn đề mà nhân loại đang đương đầu trong thời gian khủng hoảng này giữa một sự toàn cầu hóa nhanh chóng.

« BÁC ÁI TRONG CHÂN LÝ »

Thông điệp Deus caritas est, Thông điệp đầu tiên của ngài, đã nhấn mạnh đến mối tương quan giữa công bằng và bác ái, đến  các nhiệm vụ khác nhau của Giáo Hội và chính trị, đến vị trí và vai trò của các Kitô hữu giáo dân trong các tổ chức của xã hội dân sự. Trong bầu khí tục hóa hiện nay, các Kitô hữu giáo dân được mời gọi hòa giải các đòi hỏi vốn không luôn là như thế: khả năng nghề nghiệp, khước từ không chịu theo cái ách của ý thức hệ, can đảm tuyên xưng đức tin, từ bỏ mọi thứ chiêu dụ tín đồ (DV 30-37). Một thời gian sau, Đức Thánh Cha đã công bố Thông điệp Spe salvi, một văn kiện về niềm hy vọng.

Vào tháng 6/2009, Đức Bênêđíctô XVI đã cho ra đời Thông điệp thứ ba của ngài, Caritas in veritate, “Tình yêu trong chân lý”. Việc chuẩn bị văn kiện này là rất công phu. Nhiều dự thảo đã bị bỏ xó. Ngài đã phải điều chỉnh nội dung để cố gắng trả lời tốt nhất cho hoàn cảnh mới do cuộc khủng hoảng thế giới tạo ra. Nhưng văn kiện được vang vọng trên toàn thế giới lại là một cái nhìn triết học và nhất là thần học về những thiếu sót và sai lầm vốn dẫn đến những bế tắc, hơn là việc phân tích cuộc khủng hoảng. Đức Giáo Hoàng nói về cái “tại sao” hơn là cái “thế nào”. Ngài kêu gọi đến những đòi hỏi của lương tâm hơn là mang lại những công thức pha chế sẵn. Ngài nhấn mạnh rằng một phần của những hỗn độn hiện nay đến từ việc tài chính hóa cách nguy hiểm nền kinh tế và từ việc làm biến chất các công cụ tiền tệ, vốn đòi hỏi một chủ nghĩa can thiệp chính trị quá trớn. Thái độ can đảm cắt đứt với những những bài ca tụng trước đó được những người chủ trương một thứ siêu tự do chủ nghĩa ca tụng. Vì, khi ngài cảm thấy nhu cầu cần cắt đứt, Đức Bênêđíctô XVI đã không do dự chỉ ra những bất lực và những cấp bách trong hoàn cảnh thế giới: bằng chứng là giọng văn trong bức thư ngài gởi cho ông Gordon Brown, lúc đó là Thủ Tướng Anh, trước cuộc họp G20 ở Luân Đôn vào tháng 4/2009.

Theo bước chân của các vị tiền nhiệm của mình, từ Đức Gioan XXIII và Thông điệp Pacem in terris, ngài đã tái khẳng định trong Thông điệp Caritas in veritate sự cần thiết đưa vào một “thẩm quyền chính trị thế giới” (CV 67). Nhưng đường lối của Đức Bênêđíctô XVI trong lãnh vực này là hơi dừng lại ở mức tối thiểu (minimaliste). Quả thật, vẫn còn nhiều sự ngập ngừng. Văn kiện ca ngợi mô hình hợp tác giữa các chính phủ hơn là sự hội nhập giữa các quốc gia. Liên Hiệp Quốc, hơn là Liên Hiệp Châu Âu, là sự quy chiếu mặc nhiên. Nhưng những đặc điểm của thẩm quyền thế giới này, đối với Caritas in veritate, chứng tỏ những đòi hỏi to lớn: “Một thẩm quyền như thế sẽ phải được luật pháp cai trị, phù hợp với các nguyên tắc bổ trợ và liên đới, được tổ chức để thực thi công ích, dấn thân thăng tiến một sự phát triển con người toàn diện đích thực vốn tuân theo những giá trị của bác ái và chân lý” (CV 67).

TÌNH YÊU VÀ CHÂN LÝ GẶP NHAU

Sứ mạng mà Đức Bênêđíctô XVI đặt ra cho mình không phải tiên thiên giẫm chân lên sân riêng của các nhà hữu trách chính trị, của các chủ doanh nghiệp, các chủ nhà băng, nhưng là đánh thức các lương tâm trước những thách đố của thời cuộc vốn không thể dừng lại ở các bình diện thuần túy kỹ thuật. Chủ đích là một lối giải thích thần học hơn là một lối phân tích mô tả. Vì thế, Thông điệp này nói về tình yêu, chân lý, ý thức trách nhiệm, suốt cả một văn kiện dài và cô đọng (140 trang trong khổ nhỏ của các văn kiện của Rôma). Nói với những cơ cấu khác nhau của Giáo Hội Công Giáo, nhưng cả với “tất cả những người thiện chí”, Thông điệp mời gọi họ tập trung “vào sự phát triển con người toàn diện trong bác ái và chân lý”. Nó hệ tại chứng tỏ sự cởi mở và phân định. Từ nay, nhân loại phải ra khỏi những tầm nhìn quá hạn hẹp để đặt cơ sở cho một “tổng hợp nhân bản mới”. Đặt mình trong một viễn ảnh như thế,  đó là không loại bỏ ai một các tiên thiên và cần thiết mời gọi một cuộc đối thoại không biên giới. Như thế, người ta đã có thể nhắc lại trong phần kết luận của Thông điệp một công thức ngắn gọn: “Nền nhân bản thuyết loại bỏ Thiên Chúa là một nền nhân bản phi nhân.” Lời khẳng định này dường như cắt đứt với những trang đi trước, trên thực tế phủ nhận mọi tương quan với một sự siêu việt nơi những người không Kitô. Điều này vốn cần được chứng thực trong đời sống cụ thể và không tạo thuận lợi cho một cuộc đối thoại với họ.

Là thần học gia, lại có tầm cỡ đại học, Đức Giáo Hoàng bắt đầu chủ đích của mình bằng cách nâng cuộc tranh luận lên những chiều kích phần nào không được biết đến hay bị từ chối trong thế giới hiện nay, khi ngài nói đến một Thiên Chúa vĩnh cửu đang hiện diện trong thế giới chúng ta và trong tâm hồn mỗi người. Từ những dòng đầu tiên, Caritas in veritate nêu rõ cần hiểu mối liên kết giữa tình yêu và chân lý như thế nào: “Tình yêu – caritas – là một sức mạnh phi thường thúc đẩy con người can đảm dấn thân trong lãnh vực công lý và hòa bình. Đó là một sức mạnh vốn có nguồn gốc nơi Thiên Chúa. Tình yêu vĩnh cửu và chân lý tuyệt đối… (…) Bênh vực chân lý,  đề nghị nó cách khiêm tốn và xác tín và làm chứng cho nó trong đời sống do đó là những hình thức đòi hỏi và bất khả thay thế của bác ái” (CV 1).

“Bác ái là con đường chủ đạo của học thuyết xã hội của Giáo Hội.” Nó là cổng tiếp cận để hiểu biết Thiên Chúa, người khác và thế giới: “Nguyên tắc không chỉ các mối quan hệ vi mô: những tương quan tình bạn, gia đình, các nhóm nhỏ, nhưng còn cả những mối quan hệ vĩ mô: những tương quan xã hội, kinh tế, chính trị” (CV 2). Com-pa tình yêu được mở ra đến tối đa, nó mở rộng đến các chiều kích quốc tế. Với sự liên kết giữa vi mô và vĩ mô này, Đức Giáo hoàng đã bác bỏ những gì là khôn cằn mà sự khép kín của mỗi người trong lâu đài cá nhân của mình có thể có.

CẶP ĐÔI ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ

Theo một chủ đề rất yêu thích của Đức Bênêđíctô XVI (1), lý trí bị tước khỏi đức tin sẽ có nguy cơ co rúm lại. Nhưng, cách đối xứng, đức tin có thể biết đến những căn bệnh riêng nếu nó không được đi kèm với những trợ giúp của lý trí. « Tình yêu trở thành một cái vỏ rỗng có thể được lấp đầy cách tùy tiện. Đó là nguy cơ hủy hoại mà tình yêu đương đầu trong một nền văn hóa không có chân lý. Nó là miếng mồi của những cảm xúc và của ý kiến tùy hứng của con người ; nó trở thành một từ ngữ bị dùng sai và bóp méo, cho đến mang ý nghĩa trái nghịch. Chân lý giải thoát tình yêu khỏi những hẹp hòi của cảm tính vốn tước nó khỏi những nội dung tương quan và xã hội, và khỏi một óc duy tín vốn tước nó khỏi một làn gió nhân bản và phổ quát » (CV 3).

Vào cuối Thông điệp của mình, Đức Giáo Hoàng đã đóng chiếc đinh xuống : « Lý trí luôn cần được đức tin thanh tẩy, và điều này cũng có giá trị cho lý trí chính trị, nó không được coi mình là toàn năng. Đến lượt nó, tôn giáo luôn cần được lý trí thanh tẩy để khuôn mặt nhân loại đích thực của nó tỏ lộ. Sự cắt đứt cuộc đối thoại này phải trả một giá rất đắt cho sự phát triển của nhân loại » (CV 56). Trong diễn từ của mình ở Bundestag, ngày 22.9.2011, Đức Bênêđictô XVI đã mời gọi các nghị sĩ suy nghĩ về những cứu cánh của hoạt động chính trị và những hình thức hợp pháp cần thiết để xây dựng những luật lệ vào thời đa nguyên thuyết này (2).

NGUYÊN TẮC TRAO BAN VÀ SỰ LÔ-GÍC CỦA TÍNH NHƯNG KHÔNG

Để sự tin tưởng, đứa con của tình yêu, phục hồi, điều quan trọng là đừng xem nền kinh tế toàn cầu hóa như là một « định mệnh », miễn là nó phải ra khỏi sự tự kỷ và chấp nhận « lô-gíc của sự trao ban nhưng không » (CV 37). Còn căn bản hơn nữa, « trong các mối quan hệ buôn bán, nguyên tắc nhưng không và lô-gíc của sự trao ban, như là sự diễn tả tình huynh đệ, có thể và phải tìm thấy chỗ đứng của chúng trong hoạt động kinh tế bình thường. Đó là một đòi hỏi của con người thời nay, nhưng cũng là một đòi hỏi của chính lý trí kinh tế » (CV 36). Như Jérôme Vignon nhấn mạnh, « Đức Giáo Hoàng (…) đề nghị, không hơn không kém, từ bỏ những sự ngăn cách giữa các tổ chức phi chính phủ (buộc phải vô vị lợi), các doanh nghiệp (buộc phải hữu hiệu) và Nhà Nước (buộc phải tái phân phối), để tạo nên những sự hiệp lực mới, mà nền kinh tế liên đới của chúng là một ví dụ phong nhiêu (3) ». Trong mỗi người chúng ta cũng phải sống lại đòi hỏi của tình huynh đệ, vì « việc gia tăng các quyền dẫn đến sự quên đi các bổn phận » (CV 43). Bên kia sự vận hành tồi của các hệ thống, nó hệ tại xem xét các lối hành xử – ở đây Đức Giáo Hoàng nói đến « nguyên tội » (CV 34) : khước từ sự minh bạch, lòng tham lam tiền bạc, thói ham lợi vô đáy, sự vơ vét của cải, việc tuyệt đối hóa kỹ thuật (CV 77)…

Trong diễn từ của mình ở Bundestag, ngài đã nói đến luật bản nhiên này vốn nằm ở sâu thẳm tâm hồn của mỗi người, ghi khắc trong chúng ta luật đời đời của Thiên Chúa. Sự quy chiếu này có lợi cho Công giáo hơn là các giới khác. Tuy nhiên, cần phải tìm ra những nguồn mạch có khả năng xây dựng một nền luân lý xứng đáng với con người và có giá trị cho mọi người mà không phân biệt. Dựa vào nền sinh thái học để nỗ lực đưa ra những ý tưởng mới, Đức Giáo Hoàng yêu cầu mỗi người lắng nghe ngôn ngữ của thiên nhiên (nature) và đáp lại cách phù hợp : « Con người cũng thế, Đức Giáo Hoàng nói trong diễn từ này, có một bản tính (nature) mà nó phải tôn trọng và nó không thể thao túng tùy ý…Con người không tự tạo thành mình. Nó là tinh thần và ý chí nhưng nó cũng là bản nhiên (nature) ».

Để vượt quá những quan niệm hiện nay vốn có khuynh hướng trốn vào thời gian ngắn hạn (CV 32), học thuyết xã hội của Giáo Hội nhấn mạnh đến sự liên kết giữa tình yêu và chân lý, một nguyên tắc vốn mang một hình thức hoạt động nhờ các tiêu chí định hướng của hành động luân lý (CV 6). Nó bao hàm một chiều kích liên ngành (CV 31), một đòi hỏi phân định, một cái nhìn toàn diện, để vươn tới một bình diện khôn ngoan (CV 31).

Như thế, chính bằng những nguồn mạch triết học và thần học mà Đức Bênêđictô XVI trở thành nhà phân tích vũ trụ toàn cầu hóa của chúng ta. « Không có chân lý, người ta đạt tới một nhãn quan thực nghiệm và hoài nghi về cuộc sống, không có khả năng nâng mình lên trên hành động, vì không chú tâm nắm bắt các giá trị – và đôi khi thậm chí không nắm bắt được ý nghĩa của các sự vật – vốn cho phép phán đoán và định hướng cuộc sống » (CV 9). Bên kia các khoa học và kỹ thuật, một đời sống luân lý đích thực và một nền linh đạo nhập thể, hơn bao giờ hết, cần đến một giao ước bền vững giữa đức tin và lý trí. Lý trí không đức tin sẽ lầm lạc, như đức tin không lý trí sẽ suy yếu đi.

Henri Madelin

Tý Linh chuyển ngữ

—————————

(1) Chủ đề này đã chiếm một chỗ quan trọng trong Thông điệp Fides et ratio (Đức tin và lý trí), một văn kiện mà ĐHY Ratzinger chắc chắn đã mang lại chỗ dựa cho nó.

(2) X. Henri Madelin, « Le roi Salomon à la tribune du Bundestag », La Croix, 25/10/2011.

(3) « ‘Caritas in veritate’ – Một Thông điệp về tri thức xã hội », www.ssf-fr.org.

 

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30