ĐỨC CHA MICAE HOÀNG ĐỨC OANH NÓI CHUYỆN VỚI CÁC CHỦNG SINH ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ

Written by xbvn on Tháng Tư 7th, 2014. Posted in Huế, Việt Nam, Đại Chủng Viện Huế

Sáng thứ Tư ngày 2/4/2014, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám Mục giáo phận Kontum, và cha Tôma Nguyễn Văn Thượng, đặc trách chủng sinh Giáo phận Kontum, đến thăm Đại Chủng Viện Huế.

Vào lúc 17 giờ 10 phút cùng ngày, theo lời mời từ trước của cha Giuse Hồ Thứ, Giám Đốc Đại Chủng Viện Huế, Đức Cha Micae đã huấn đức mùa Chay cho các thầy đại chủng sinh. Để chuẩn bị cho buổi huấn đức này, từ nhiều ngày trước đó, Đức Cha Micae đã đề nghị các thầy trình bày ý kiến với những câu hỏi gợi ý như sau:

1. Đâu là mẫu linh mục mà bạn mong ước trở thành?

2. Bạn muốn Giám Mục nói chuyện với bạn về đề tài gì?

3. Đâu là những trăn trở của bạn về đời sống Giáo Hội?

Mở đầu bài chia sẻ, Đức Cha Micae cám ơn những ý kiến phản hồi của các thầy mà ngài rất trân trọng. Với câu hỏi thứ nhất, Đức Cha mời gọi các chủng sinh đang hiện diện hãy chuẩn bị để trở nên một mục tử như chính Đức Giêsu Kitô, vị linh mục gương mẫu tuyệt diệu của mọi linh mục; hãy tận dụng mọi phương cách có thể để tạo mối liên hệ mật thiết với Thầy Giêsu, Thầy trên hết mọi thầy. Chúng ta vẫn thường ưu tiên gặp gỡ, lắng nghe các bậc thầy thế gian, nhưng không dành đủ thời gian và tâm hồn để học hỏi với Thầy Giêsu Chí Thánh. Nhưng chúng ta cần tìm gặp Thầy Giêsu ở đâu? Đức Cha Micae nói rằng chính trong Lời Chúa mà ta có thể lắng nghe những lời chỉ dạy của Chúa Giêsu, Đấng là Ngôi Lời đã xuất phát từ Chúa Cha, đã đến với con người để trao ban Lời Hằng Sống.

Về câu hỏi thứ hai, Đức Cha trả lời một trong số các đề tài được nhiều chủng sinh đề nghị nhất: nghệ thuật tiếp cận và rao giảng Phúc Âm cho người chưa biết Chúa. Lấy lại bài đọc Tin Mừng Chúa nhật III mùa Chay (Ga 4, 5-42), Đức Cha Micae đề nghị các chủng sinh học hỏi cách thức Chúa Giêsu gặp gỡ và nói Lời Chúa cho người phụ nữ Samaria, một người ngoại. Bắt đầu với việc xin nước uống, Đức Giêsu đã tìm cách bắt chuyện và tỏ cho người ấy biết Ngài là Đấng Mêsia; để rồi chỉ ít phút sau đó, người đối thoại với Ngài đã trở thành một người phục vụ Lời khi bà chạy đi và loan báo với đồng bào mình: “Đến mà xem! Có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?” (Ga 4, 29). Người ta kéo đến gặp Đức Giêsu và sau cùng họ cũng tin. Bấy giờ họ mới nói với người phụ nữ kia: “Không còn phải lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”

Tương tự như thế, cũng trong Tin Mừng Gioan (1,35-51), các môn đệ đầu tiên cũng loan báo về Ngài cho anh em bạn bè mình và mời gọi họ đến gặp Chúa, thế là họ tin. Chẳng hạn như ông Anrê đã làm điều đó với em mình là Simon, hay ông Philiphê đã gặp Nathanaen và nói: “Cứ đến mà xem!” Ông này đã đến, xem, thấy và tin.

Liên quan đến câu hỏi thứ ba, Đức Cha Micae cho rằng nhìn chung các thầy ưu tư về vai trò và vị trí của đức tin trong thế giới hôm nay. Quả thật, đức tin là một thách đố cho cả những người chưa biết Chúa cũng như những ai nghĩ rằng mình đang tin. Chắc hẳn Chúa Giêsu đã trăn trở rất nhiều trước khi Ngài nói: Khi Con Người trở lại, liệu có còn niềm tin trên mặt đất nữa chăng (xem Lc 18,8). Chúng ta – Đức Cha Micae nói – là giám mục, linh mục, chủng sinh, chúng ta tin và sống đức tin của mình như thế nào? Hãy cẩn thận vì Chúa Giêsu đã cảnh báo: Muôn dân từ đông tây nam bác, bọn thu thế và phường đĩ điếm sẽ vào Nước Trời trước chúng ta.

Thái độ của một người tin đích thực là không ngừng loan truyền đức tin cho người khác. Một Kitô hữu thực sự đồng thời cũng là một nhà truyền giáo vì bản chất của Giáo Hội là được sai đi. Đức Cha Micae chia sẻ thêm, vào ngày 17/12/2012, trong buổi gặp chúc mừng lễ Giáng Sinh và năm mới dương lịch với Giám Mục giáo phận Kontum, ông Nguyễn Văn Trung, Phó chủ tịch Uỷ Ban Tôn Giáo Trung Ương đã cho rằng: người Công giáo Việt Nam xây dựng rất giỏi, tổ chức lễ hội rất tài tình, nhưng người Công giáo Việt Nam không có lửa truyền giáo! Vậy đó, chúng ta quá chú trọng đến các thủ tục hành chính và lễ nghi nhưng không dành đủ tâm huyết cho lệnh truyền của Chúa: hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho muôn dân (xem Mc 16,15). Đức Cha Micae khuyên các chủng sinh hãy đọc và nghiền ngẫm tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” của Đức Thánh Cha Phanxicô. Hãy đọc cho đến khi nào thấu hiểu câu nói của thánh Phaolô: “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).

Trước khi kết thúc giờ huấn đức, Đức Cha Micae bày tỏ mơ ước tâm huyết của ngài rằng từ nay chúng ta để ý tới Lời Chúa nhiều hơn. Hãy để tâm đọc và suy niệm, chia sẻ và phổ biến Lời Chúa hằng ngày cho được thấm nhuần Lời Chúa, để thấy Lời Chúa trong cuốn sách cuộc đời và trong cả vũ trụ bao la này.

Trong chuyến thăm Đại Chủng Viện Huế lần này, Đức Cha Micae và cha Tôma cũng đã dành nhiều thời gian gặp gỡ và trao đổi với các đại chủng sinh thuộc giáo phận Kontum đang theo học tại đây.

Sáng thứ Năm 3/4/2014, Đức Cha Micae và cha Tôma đã rời Đại Chủng Viện.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30