ĐỨC PHANXICÔ : HÃY QUAN TÂM ĐẾN « NHỮNG CHÚA KITÔ BỊ BỎ RƠI »

Written by xbvn on Tháng Tư 3rd, 2023. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong Lễ Lá, hôm Chúa Nhật 2/4/2023, Đức Phanxicô đã mời gọi các tín hữu hướng đến “những người bị bỏ rơi”. Ngài cảm ơn mọi người về lời cầu nguyện dành cho ngài trong thời gian nằm viện.

Trong thánh lễ trước khoảng 30000 tín hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy niệm về cuộc thương khó của Chúa Kitô. Ngài khẳng định rằng Thiên Chúa « muốn chúng ta quan tâm đến anh chị em giống như Người nhất, trong những hoàn cảnh đau đớn và cô đơn cùng cực ».

« Những chúa kitô bị bỏ rơi »

Đối với Đức Thánh Cha, « Chúa Giêsu bị bỏ rơi yêu cầu chúng ta có đôi mắt và trái tim dành cho những người bị bỏ rơi », và mỗi người phải có thể « nhận ra Chúa đang kêu khóc nơi họ ».

Ngài nhấn mạnh : sự bỏ rơi này có thể so sánh với sự bỏ rơi của Chúa Kitô trên thập giá, bị tước mất sự nâng đỡ của mọi người. Đức Thánh Cha cho thấy những đau khổ mà Chúa Giêsu phải chịu là « nhiều vô kể ». « Những đau khổ về thể xác » đến « những đau khổ trong tâm hồn », đặc biệt « sự đau khổ đau lòng nhất, đó là đau khổ trong tinh thần : vào giờ phút thê thảm nhất, Chúa Giêsu cảm nghiệm việc bị Thiên Chúa bỏ rơi ». Trên thập giá, Chúa Giêsu « thấy trời khép lại, Ngài cảm nghiệm biên giới cay đắng của cuộc đời, con tàu đắm của cuộc sống, sự sụp đổ của mọi niềm xác tín ».

Và tại sao xảy ra những nỗi đau khổ đó ? Đức Thánh Cha trả lời : « Vì chúng ta, không có câu trả lời nào khác. Vì chúng ta. Thưa anh chị em, hôm nay không phải là một cuộc biểu diễn. Khi lắng nghe việc Chúa Giêsu bị bỏ rơi, mỗi người chúng ta hãy tự nhủ : vì tôi. Sự bỏ rơi này là cái giá mà Ngài đã trả cho tôi. Ngài đã liên đới với mỗi người chúng ta cho đến cùng, để ở cùng  chúng ta cho đến cùng. » Và chính ở đó mà Ngài « mở ra niềm hy vọng ». Quả thế, « trên thập giá, khi cảm thấy sự bỏ rơi tột cùng, Ngài không để mình tuyệt vọng, nhưng Ngài cầu nguyện và tín thác ». Từ đó, « vực thẳm của nhiều điều xấu xa của chúng ta được nhận chìm vào một tình yêu lớn hơn, đến nỗi mọi sự phân cách được biến thành sự hiệp thông » Tình yêu của Chúa Giêsu như thế để « biến đổi trái tim chai đá của chúng ta thành trái  tim bằng thịt. Đó là một tình yêu thương xót, dịu dàng, trắc ẩn ».

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng « Chúa Kitô bị bỏ rơi thúc giục chúng ta tìm kiếm và yêu mến Ngài nơi những người bị bỏ rơi. Bởi vì nơi họ không chỉ có những người túng thiếu, mà còn có Ngài, Chúa Giêsu bị bỏ rơi, Đấng đã cứu chúng ta bằng cách đi xuống tận đáy sâu thân phận con người của chúng ta ». Vì thế, Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người quan tâm đến « những Chúa Kitô bị bỏ rơi » đang ngày càng nhiều trong các xã hội hôm nay. Ngài trích dẫn : « Tất cả các dân tộc bị bóc lột và bị bỏ mặc cho chính họ ; những người nghèo mà chúng ta không đủ can đảm để đối diện đang sống trên các nẻo đường của chúng ta ; có những người di cư không còn là những khuôn mặt nữa nhưng là những con số ; có những tù nhân bị ruồng bỏ, những người bị xếp loại là một vấn đề. Nhưng cũng có rất nhiều Chúa Kitô vô hình, ẩn mình, bị bỏ rơi đã bị từ chối với đôi găng tay trắng : các đứa trẻ chưa chào đời, những người cao tuổi bị bỏ mặc một mình – đó có thể là cha của bạn, mẹ của bạn, là ông, là bà, bị bỏ rơi trong các viện lão bệnh -, những bệnh nhân không được thăm viếng, những người tàn tật bị phớt lờ, những người trẻ cảm thấy nội tâm trống rỗng mà không có ai thực sự lắng nghe tiếng kêu đau khổ của họ. Và họ không tìm được con đường nào khác ngoài việc tự sát. Những người bị bỏ rơi ngày nay. Những Chúa Kitô ngày nay ».

« Rất nhiều người cần đến sự gần gũi của chúng ta, rất nhiều người bị bỏ rơi. Tôi cũng thế, tôi cần được Chúa Giêsu ôm ấp », Đức Thánh Cha ứng khẩu thêm và đồng thời « cảm ơn lời cầu nguyện của anh chị em trong những ngày vừa qua ».

Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta « hãy cầu xin ơn này hôm nay : biết yêu mến Chúa Giêsu bị bỏ rơi và biết yêu mến Chúa Giêsu nơi mọi người bị bỏ rơi. Chúng ta hãy xin ơn biết nhìn, biết nhận ra Chúa vâng đang còn kêu khóc nơi họ ».

Không giảm nhẹ chương trình

Đức Thánh Cha có vẻ hơi mệt trong thánh lễ mà ngài hiện diện từ đầu đến cuối, nhưng vẫn giảng lễ với giọng mạnh mẽ. Không sử dụng xe lăn, ngài di chuyển trên quảng trường bằng chiếc xe riêng, và chống gậy để đi đến chiếc ghế trắng được đặt sẵn cho ngài trước bàn thờ.

Ngài để cho ĐHY Leonardo Sandri, phó niên trưởng Hồng y đoàn, cử hành Thánh Thể, trong phần thứ hai của buổi cử hành.

Nhưng Đức Thánh Cha mong muốn hiện diện và không giảm nhẹ chương trình, ngay cả di chuyển trên xe một vòng quanh quảng trường trong vòng 15 phút. Như thói quen hơn một năm qua, sau khi mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho hòa bình ở Ucraina, ngài đã nhấn mạnh, vào ngày này, « những nhành lá ôliu » trong thánh lễ là « biểu tượng hòa bình của Chúa Kitô ».

Tý Linh

(theo La CroixVatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31