ĐỨC THÁNH CHA: GIÁO HỘI SẼ THAY ĐỔI THẾ NÀO

Written by xbvn on Tháng Mười 5th, 2013. Posted in Thế Giới, Xuân Tịnh

Đức Thánh Cha “là một con người có đức tin lớn lao, được ơn thánh tác động, được sinh động bởi ước muốn làm sống lại một Giáo Hội mục vụ và truyền giáo, nó được canh tân và không có tính tạm thời.” Và “Nếu Giáo Hội trở nên giống ngài và trở nên điều mà ngài muốn nó phải là, sẽ có một sự thay đổi mang tính lịch sử.”

Đó là lời của ông Scalfari -người sáng lập tờ La Repubblica, cũng là người mà, cách đây ít lâu, Đức Thánh Cha đã gởi thư trả lời những câu hỏi- vào cuối cuộc trao đổi với Đức Thánh Cha được phổ biến hôm 1-10-2013 trên cùng tờ báo.

Trong cuộc phỏng vấn, -do chính ông Scalfari thực hiện- Đức Thánh Cha đã đề cập đến nhiều vấn đề thời sự có tính đạo đức nhân bản cũng như chia sẻ những suy nghĩ riêng tư, nhưng quan trọng hơn là nói về vai trò của Giáo Hội trong xã hội hiện đại. Ngài mơ về một Giáo Hội nghèo với người nghèo và là một Giáo Hội dấn thân: “Tôi tin tưởng tôi đã nói rằng mục đích của chúng tôi không phải là để kết nạp tín hữu nhưng là lắng nghe những nhu cầu, những mong muốn và chán nản, thất vọng và hy vọng. Chúng tôi phải phục hồi hy vọng cho người trẻ, giúp đỡ người già, mở ra cho tương lai, loan truyền tình yêu. Nghèo khó giữa những người nghèo khó. Chúng tôi cần bao gồm cả những người bị loại trừ và rao giảng hòa bình.”

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo vắn hôm Thứ tư 2-10 vừa qua về cuộc họp của Đức Thánh Cha với Hội Đồng Hồng Y, khi các phóng viên đề cập đến cuộc trao đổi nầy, Cha Lombardi SJ, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, đã nói rằng: cuộc phỏng vấn nầy (trên tờ La Repubblica) cũng như cuộc phỏng vấn gần đây đăng trên tờ La Civiltà Cattolica và tạp chí America (của Dòng Tên) chỉ trình bày một hình thức giao tiếp có tính “chuyện trò” (conversional) và “dung tục” (colloquial). Ngài giải thích “nó không phải là một văn kiện thuộc huấn quyền (a magisterial document).”

Sau đây là toàn bộ bài phỏng vấn đăng trên tờ La Repubblica hôm 1-10-2013.

————————–

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với tôi: “Những cái ác trầm trọng nhất làm đau khổ thế giới những ngày nầy là nạn thất nghiệp của người trẻ và sự cô đơn của người già. Người già cần chăm sóc và tình bạn hữu; người trẻ cần công việc và hy vọng nhưng không có công việc cũng không có hy vọng, và vấn đề là thậm chí họ không tìm kiếm chúng nữa. Họ đã bị suy nhược bởi hiện tại. Ông nói cho tôi nghe nào: ông có thể sống mà bị hạ thấp địa vị dưới sức nặng của hiện tại không? Mà không có một ký ức cho quá khứ và không có ước muốn để nhìn về tương lai phía trước bằng cách xây dựng một cái gì đó, một tương lai, một gia đình? Ông có thể đi tiếp như vậy không? Với tôi, đây là vấn đề khẩn thiết nhất mà Giáo Hội đang đối mặt.”

Thưa Đức Thánh Cha, tôi cho rằng đây, cách rộng lớn, là một vấn đề chính trị và kinh tế cho các quốc gia, các chính phủ, đảng phái chính trị, hiệp hội thương mại.

“Vâng, ông nói đúng, nhưng nó cũng liên quan đến Giáo Hội, thực vậy, cách đặc biệt với Giáo Hội bởi vì tình trạng nầy không chỉ làm tổn thương thể xác mà cả tâm hồn nữa. Giáo Hội phải cảm thấy có trách nhiệm đối với cả tâm hồn và thể xác.”

Thưa Đức Thánh Cha, ngài nói rằng Giáo Hội cần phải cảm thấy có trách nhiệm, vậy tôi có nên kết luận rằng Giáo Hội không nhận thức về vấn đề này và ngài sẽ lèo lái nó theo hướng nầy?

“Trên phạm vi rộng thì có sự nhận thức đó, nhưng chưa đủ. Tôi muốn nó hơn thế nữa. đó không chỉ là vấn đề mà chúng ta phải đối mặt, nhưng nó còn là vấn đề cấp thiết nhất và bi thảm nhất.”

Cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha đã diễn ra hôm Thứ ba vừa qua tại nhà của ngài ở Santa Marta, trong một căn phòng nhỏ trống trải với một cái bàn và năm hay sáu chiếc ghế và một bức tranh treo trên tường. Nó đã được sắp đặt trước bằng một cú điện thoại mà tôi sẽ không bao giờ quên bao lâu tôi còn sống.

Khoảng 2 giờ 30 chiều. Điện thoại của tôi reo lên và bằng một giọng hơi run viên thư ký của tôi bảo tôi: “Đức Thánh Cha đang ở đầu dây. Tôi sẽ nối đường dây ngay.”

Tôi vẫn còn kinh ngạc khi tôi nghe giọng nói của Đức Thánh Cha ở đầu dây bên kia nói rằng, “Xin chào, đây là Đức Thánh Cha Phanxicô.” “Chào Đức Thánh Cha”, tôi nói và tiếp, “Tôi bị sốc, tôi không ngờ ngài gọi cho tôi.” “Tại sao ngạc nhiên đến vậy? Ông đã viết thư cho tôi xin được gặp tôi đích thân. Tôi cũng có cùng một mong muốn như thế, nên tôi gọi để xác định cuộc hẹn. Để tôi xem lịch của tôi: Tôi không thể gặp vào Thứ tư, Thứ hai cũng không được, vậy Thứ ba có phù hợp với ông không?” Tôi trả lời, tốt lắm.

“Thì giờ hơi lúng túng một chút, 3 giờ chiều có được không? Bằng không thì chọn một ngày khác.” Thưa Đức Thánh Cha, giờ đó cũng được. “Vậy chúng ta đồng ý: 3 giờ chiều ngày Thứ ba 24. Tại Nhà Thánh Matta. Ông phải đến ở phía cửa Sant’ Uffizio.”

Tôi không biết làm sao để chấm dứt cuộc gọi nầy và buông xuôi, tôi nói: “Tôi có thể ôm ngài qua điện thoại không?” “Tất nhiên, tôi cũng có một cái choàng tay. Rồi chúng ta sẽ đích thân làm điều đó, chào tạm biệt.”

Và tôi đang ở đây. Đức Thánh Cha bước vào và bắt tay tôi, và chúng tôi ngồi xuống. Đức Thánh Cha mỉm cười và nói: “Vài người bạn đồng sự của tôi mà ông biết đã bảo tôi rằng ông sẽ cố để biến cải tôi.”

Đó là một chuyện đùa, tôi nói với ngài. Những bạn bè của tôi nghĩ rằng chính ngài muốn làm tôi cải đạo.

Ngài lại mỉm cười và trả lời: “Kết nạp tín hữu là chuyện vô nghĩa cách nghiêm túc, nó không làm nên ý nghĩa gì. Chúng ta phải biết nhau, lắng nghe nhau và mở mang kiến thức của chúng ta về thế giới chung quanh mình. Đôi khi sau một cuộc gặp gỡ tôi lại muốn sắp đặt một dịp khác bởi vì những ý tưởng mới nảy sinh và tôi khám phá ra những nhu cầu mới. Điều nầy rất quan trọng: làm quen với người ta, lắng nghe, mở rộng phạm vi tư tưởng. Thế giới được đan chéo bằng những con đường, chúng đến gần nhau hơn và hoạt động riêng rẽ, nhưng điều quan trọng là chúng dẫn đến điều Thiện Hảo.”

Thưa Đức Thánh Cha, có phải chỉ có một cái nhìn về điều Thiện Hảo? Và ai quyết định nó là cái gì?

“Mỗi người chúng ta đều có cái nhìn về điều thiện và điều ác. Chúng ta phải khuyến khích người ta tiến về cái mà họ nghĩ là điều Thiện Hảo”.

Thưa Đức Thánh Cha, ngài đã viết điều đó trong thư của ngài gửi cho tôi. Ngài nói rằng ý thức thì độc lập và mọi người phải vâng theo ý thức của mình. Tôi nghĩ đó là một trong những bước can đảm nhất được thực hiện bởi một vị Giáo Hoàng.

“Và tôi lặp lại điều đó ở đây. Mõi người có ý tưởng tốt lành và xấu xa của riêng mình và phải chọn để theo điều tốt và chống lại điều xấu như anh ta nhận thức chúng. Điều đó cũng có thể đủ để làm cho thế giới thành một nơi tốt hơn.”

Giáo Hội có đang làm điều đó không?

“Vâng, đó là mục đích của nhiệm vụ của chúng tôi: để nhận ra những nhu cầu vật chất và phi vật chất của người ta và cố gắng để gặp gỡ họ như chúng tôi có thể. Ông có biết agapé là gì không?”

Có, tôi biết.

“Đó là yêu thương người khác, như Chúa chúng tôi rao giảng. Nó không phải là làm cho nhập đạo, nó là tình yêu. Yêu người thân cận của mình, chất men đó nó phục vụ cho ích lợi chung.”

Yêu người thân cận như chính mình.

“Chính xác là như vậy.”

Đức Giêsu trong sự rao giảng của Ngài nói rằng agapé, thương yêu người khác, là con đường duy nhất để yêu mến Chúa. Xin hãy chỉnh sửa nếu tôi nói sai.

“Ông không sai. Con Thiên Chúa nhập thể trong tâm hồn con người để truyền dẫn tình cảm huynh đệ. Tất cả là anh chị em và tất cả là con cái Thiên Chúa. Abba, như Ngài gọi Chúa Cha. Tôi sẽ chỉ cho ông cách thức, ngài nói. Hãy theo tôi và ông sẽ tìm được Cha và ông sẽ là con cái của Ngài và Ngài sẽ vui thích về ông. Agapé, tình yêu của mỗi người chúng ta dành cho người khác, từ người gần nhất đến người xa nhất, thực sự là cách thức duy nhất mà Đức Giêsu trao ban cho chúng ta để tìm ra con đường cứu rỗi và con đường Bát phúc.”

Tuy nhiên, như chúng ta đã nói, Đức Giêsu bảo chúng ta rằng hãy yêu người thân cận mình giống như yêu chính chúng ta. Vậy cái mà nhiều người cho là tự yêu mình thì được công nhận là có giá trị, tích cực, cùng một mức độ như yêu thương người khác. Chúng ta đã nói chuyện nhiều về khía cạnh nầy.

Đức Thánh Cha nói: “Tôi không thích chữ tự yêu mình, nó cho thấy một tình yêu quá mức dành cho bản thân và điều nầy không tốt, nó có thể tạo ra thiệt hại nghiêm trọng không chỉ cho tâm hồn những người bị mắc phải mà còn trong mối quan hệ với những người khác, với xã hội trong đó người ta sống. Điều lo lắng thực sự là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi điều nầy -nó thật sự là một loại rối loạn tâm thần- là những kẻ có nhiều quyền lực. Thường những ông chủ là những người tự yêu mình thái quá”.

Nhiều vị lãnh đạo Giáo Hội đã như thế.

“Ông biết tôi nghĩ gì về điều nầy không? Lãnh đạo của Giáo Hội đã thường tự chăm chút bản thân thái quá, được tâng bốc và rộn lên bởi các cận thần của họ. Quần thần là phung hủi của triều giáo hoàng.”

Phung hủi của triều giáo hoàng, đó là những chữ chính xác của nó. Nhưng triều đình là gì? Có lẽ nó ám chỉ đến giáo triều?

“Không, đôi khi có những nịnh thần trong Giáo triều, nhưng Giáo triều trong một toàn thể lại là một chuyện khác. Nó là cái trong một đội quân được gọi là cơ quan quân nhu, nó quản lý các dịch vụ phục vụ cho Tòa Thánh. Nhưng nó có một khuyết điểm: nó lấy Vatican làm trung tâm. Nó xem xét và chăm sóc những lợi ích của Vatican, mà chúng vẫn còn là, đối với hầu hết, những lợi ích tạm thời. Quan điểm lấy Vatican làm trung tâm nầy có thể làm lãng quên thế giới chúng quanh chúng ta. Tôi không chia sẻ quan điểm nầy và tôi sẽ làm mọi sự có thể để thay đổi nó. Giáo Hội là hoặc nên trở lại là một cộng đoàn Dân Chúa, và các linh mục, mục tử và giám mục có sự chăm sóc các linh hồn, là để phục vụ Dân Chúa. Giáo Hội là điều nầy, một công việc không khác cách đáng ngạc nhiên với Tòa Thánh, nó có chức năng riêng của mình, quan trọng nhưng là để phục vụ Giáo Hội. Tôi đã không thể có đức tin hoàn toàn vào Thiên Chúa và Con của Ngài nếu tôi không được đào tạo trong Giáo Hội, và nếu tôi đã không có cái may mắn tốt lành được ở Argentina, ở trong một công đoàn mà không có nó tôi đã không nhận thức được chính bản thân và niềm tin của tôi.”

Ngài đã ơn gọi của mình lúc tuổi còn trẻ à?

“Không, không quá trẻ. Gia đình tôi muốn tôi có một nghề nghiệp khác, để làm việc, kiếm một số tiền. Tôi đã đi đại học. Tôi cũng đã có một giáo sư mà tôi rất kính trọng và đã phát triển tình bạn hữu và bà là một người cộng sản nhiệt thành. Bà ta thường đọc những bản văn của đảng cộng sản cho tôi nghe và đưa cho tôi để đọc. Vì thế tôi cũng được biết chính cái quan niệm duy vật đó. Tôi còn nhớ bà ấy cũng đã đưa cho tôi bản tuyên bố của Đảng cộng sản Mỹ trong việc bảo vệ cho ông Rosenbergs, người bị kết án tử hình. Người đàn bà mà tôi đang nói tới sau đó bị bắt, bị hành hạ và bị giết bởi chế độ độc tài hồi đó cai trị Argentina.”

Ngài bị quyến rũ bởi chủ nghĩa cộng sản ở chổ nào?

“Cái chủ nghĩa duy vật của bà ấy đã không lưu lại trong tôi. Nhưng học biết về nó qua một con người can đảm và trung thực thì có ích lợi. Tôi đã nhận ra được ít điều, một khía cạnh về xã hội, mà sau đó tôi đã tìm thấy trong học thuyết xã hội của Giáo Hội.”

Thần học Giải phóng, mà Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã ra vạ tuyệt thông, đã lan rộng ở Châu Mỹ La-tinh.

“Vâng, rất nhiều thành viên của nó ở Argentina.”

Ngài có nghĩ rằng Đức Thánh Cha chống lại họ là đúng?

“Nó chắc chắn đem đến một khía cạnh chính trị cho nền thần học của họ, nhưng nhiều người trong số họ là tín hữu và có một quan niệm cao về nhân đạo.”

Thưa Đức Thánh Cha, tôi có thể nói với ngài ít điều về bối cảnh văn hóa của tôi không? Tôi được nuôi dạy bởi một bà mẹ là người công giáo nghiêm nhặt. Vào tuổi 12 tôi thắng một cuộc thi giáo lý được tổ chức bởi tất cả các giáo xứ ở Roma và được Tòa Tổng Đại diện trao giải. Tôi đã rước lễ vào các Thứ sáu đầu tháng, nói cách khác, tôi đã là một Kitô hữu thực hành và là một tín hữu thực sự. Nhưng tất cả những chuyện đó đã thay đổi khi tôi vào trung học. Tôi đã đọc, giữa những văn bản triết lý khác mà tôi đã học, cuốn “Phương pháp luận” của Descartes và tôi đã bị ấn tượng bởi câu nói, mà nay đã thành một hình tượng, “Tôi suy nghĩ, vậy tôi hiện hữu”. Như thế, cá thể trở thành nền tảng của sự sống con người, trung tâm của tư tưởng tự do.

“Tuy nhiên, Descartes đã không bao giờ phủ nhận niềm tin vào một Thiên Chúa siêu việt”.

Đúng vậy, nhưng ông đã đặt nền tảng cho một cái nhìn rất khác và tôi đã tình cờ theo con đường đó, mà sau nầy, được củng cố bởi những điều khác tôi đã đọc, dẫn tôi đến một nơi rất khác biệt.

“Tuy thế, từ những gì tôi hiểu, ông là một người-không-tin nhưng không chống giáo sĩ. Đó là hai chuyện rất khác nhau.”

Đúng vậy, tôi không chống giáo sĩ, nhưng tôi đã trở thành như thế khi tôi gặp một người theo thuyết giáo quyền.

Ngài mỉm cười và nói: “Nó cũng xảy đến với tôi như thế khi tôi gặp một người theo thuyết giáo quyền. Tôi bổng trở nên chống giáo sĩ. Thuyết giáo quyền không nên có bất cứ điều gì dính dáng đến Kitô giáo. Thánh Phaolô, là người đầu tiên nói với dân ngoại, người tà giáo, với các tín hữu của các tôn giáo khác, là người đầu tiên dạy chúng ta điều đó.”

Thưa Đức Thánh Cha, tôi có thể hỏi ngài, những vị thánh nào ngài cảm thấy gần gũi nhất trong tâm hồn mình, những vị đã định hình nên kinh nghiệm tôn giáo của ngài?

“Thánh Phaolô là người đã đặt viên đá góc tường của tôn giáo và tín điều của chúng tôi. Ông không thể là một Kitô hữu có ý thức mà không có Thánh Phaolô. Ngài đã chuyển dịch giáo huấn của Đức Kitô thành một cấu trúc học thuyết mà, còn với sự cọng thêm một số rất đông các nhà tư tưởng, các nhà thần học, các mục tử, đã đứng vững và vẫn còn tồn tại sau hai ngàn năm. Rồi có thánh Augustinô, Bênêđictô, Tôma và Inhatiô. Dĩ nhiên có thánh Phanxicô. Tôi có cần giải thích vì sao không?”

Đức Phanxicô –Tôi tự cho phép gọi ngài như vậy bởi vì chính Đức Thánh Cha gợi ý như thế qua cách ngài nói năng, cách ngài mỉm cười, với những tiếng kêu lên kinh ngạc và hiểu ra của ngài- nhìn vào tôi như thể để khuyến khích tôi hỏi những câu hỏi thậm chí gây tai tiếng và làm bối rối hơn cho những người hướng dẫn Giáo Hội. Thế nên tôi hỏi ngài: ngài đã giải thích sự quan trọng của thánh Phaolô và vai trò của ông, nhưng tôi muốn biết vị nào trong những người ngài nêu tên mà ngài cảm thấy gần gũi tâm hồn ngài hơn?

“Ông đang đòi tôi xếp hạng, nhưng xếp loại thì dành cho thể thao hay những việc tương tự như thế. Tôi có thể kể cho ông tên của những cầu thủ hay nhất ở Argentina. Nhưng các vị thánh…”

Họ nói đùa với phường xỏ lá, ngài biết câu tục ngữ đó chứ?

“Đúng thế. Nhưng tôi không cố lãng tránh câu hỏi của ông đâu, vì ông không yêu cầu tôi xếp hạng tầm quan trọng về văn hóa và tôn giáo của họ, nhưng người mà gần gũi tâm hồn tôi nhất. Vậy tôi có thể nói: thánh Augustinô và thánh Phanxicô.”

Không phải là thánh Inhaxiô, từ Dòng tu của ngài?

“Inhaxiô, vì những lý do có thể hiểu được, là vị thánh tôi biết nhiều hơn cả so với các vị khác. Ngài đã sáng lập Dòng chúng tôi. Tôi muốn nhắc ông răng Carlo Maria cũng đến từ dòng tu đó, người mà rất thân thiết với tôi và cả với ông. Tu sĩ Dòng Tên đã và vẫn còn là chất men –không là duy nhất nhưng có lẽ là hiệu quả nhất- của học thuyết Kitô giáo: văn hóa, giáo huấn, việc truyền giáo, sự trung thành với Đức Thánh Cha. Nhưng Inhaxiô, người sáng lập Hội Dòng, cũng là một nhà cải cách và nhà thần bí. Đặc biệt là một nhà thần bí.”

Và ngài nghĩ rằng những nhà thần bí là quan trọng cho Giáo Hội?

“Họ đã là nền tảng. Một tôn giáo không có các nhà thần bí là một triết thuyết.”

Ngài có ơn gọi thần nhiệm không?

“Ông nghĩ sao?”

Tôi có thể nghĩ như vậy.

“Có lẽ ông đúng. Tôi yêu các nhà thần bí. Thánh Phanxicô cũng thần nhiệm trong nhiều khía cạnh của đời sống ngài, nhưng tôi không nghĩ mình có ơn gọi đó và rồi chúng ta phải hiểu ý nghĩa sâu xa của chữ đó. Nhà thần bí cố lột bỏ khỏi mình hành động, sự kiện, mục tiêu và ngay cả nhiệm vụ mục vụ và nâng lên cho đến khi đạt được mối quan hệ với các Mối Phúc Thật. Những quãng thời gian ngắn nhưng chúng tràn đầy cả một đời sống.”

Chuyện đó đã có bao giờ xảy đến với ngài chưa?

“Rất hiếm. Ví dụ, khi mật nghị chọn tôi làm Giáo Hoàng. Trước khi tôi chấp nhận, tôi xin vài phút ở trong căn phòng gần với căn phòng có cái bao lơn nhìn về quảng trường. Đầu của tôi hoàn toàn trống rỗng và tôi bị một nỗi âu lo lớn lao chiếm đoạt. Để làm cho nó tan biến đi và thư thái, tôi nhắm mắt lại và làm cho mọi suy nghĩ biến mất, ngay cả cái ý nghĩ từ chối để chấp nhận chức vụ, như tiến trình nghi lễ cho phép. Tôi nhắm mắt lại và tôi không còn bất cứ nỗi lo lắng và cảm xúc nào. Đến một lúc nào đó tôi được tràn đầy với một thứ ánh sáng tuyệt vời. Nó kéo dài một lúc, nhưng dường như rất dài đối với tôi. Thế rồi ánh sáng mờ dần, tôi bổng đứng lên và đi vào phòng mà các hồng y đang chờ đợi và đến chiếc bàn có bản chứng thư chấp nhận. Tôi ký vào đó, Đức Hồng Y Camerlengo đồng ký tên và sau đó trên bao lơn có lời ‘Habemus Papam’ (chúng ta đã có Giáo Hoàng)”.

Chúng tôi thinh lặng trong chốc lát, rồi tôi nói: chúng ta đang nói về các vị thánh mà ngài cảm thấy gần gũi nhất với tâm hồn mình và chúng ta đã dừng lại với thánh Augustinô. Xin vui lòng cho tôi biết tại sao ngài cảm thấy rất gần gũi với vị thánh nầy?

“Ngay cả đối với Vị tiền nhiệm của tôi thánh Augustinô là một điểm tham khảo. Vị thánh ấy đã đi qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời của ngài và đã thay đổi quan điểm học thuyết của mình một vài lần. Ngài cũng có những lời khó nghe dành cho người Do Thái mà tôi không bao giờ chia sẻ. Ngài viết nhiều cuốn sách và những gì mà tôi nghĩ là bộc lộ nhiều nhất về sự riêng tư trí thức và tâm hồn của ngài là cuốn ‘Tự Thú’, nó cũng chứa đựng vài sự biểu thị của thuyết thần bí, nhưng ngài không là, như nhiều người đã chứng tỏ, một sự nối tiếp của thánh Phaolô. Thật vậy, ngài nhìn Giáo Hội và đức tin theo một cách rất khác với thánh Phaolô, có lẽ bốn thế kỷ đã trôi qua giữa người nầy và người kia.”

Thưa Đức Thánh Cha, sự khác biệt là gì?

“Đối với tôi nó nằm ở hai khía cạnh chủ yếu. Augustinô cảm thấy bất lực khi đối diện với sự bao la của Thiên Chúa và nhiệm vụ mà một Kitô hữu và một giám mục phải hoàn thành. Thật ra, ngài chẳng bất lực chút nào, nhưng ngài cảm thấy rằng tâm hồn mình luôn  kém hơn ngài mong muốn và cần nó phải là. Và sau đó ơn thánh được Chúa ban phát như là một yếu tố căn bản của đức tin. Của đời sống. Của cái ý nghĩa của đời sống. Người nào mà không được ơn thánh chạm đến có thể là một người không vết nhơ và không sợ hãi, như họ nói, nhưng anh ta sẽ không bao giờ giống như một người được ơn thánh tác động. Đây là sự sâu sắc của thánh Augustinô.”

Ngài có cảm thấy được ơn thánh tác động không?

“Không ai có thể biết được điều đó. Ơn thánh không là thành phần của ý thức, nó là số lượng ánh sáng trong tâm hồn chúng ta, không kiến thức cũng không lý trí. Ngay cả ông, dù không biết nó, cũng có thể được ơn thánh tác động.”

Mà không có đức tin? Một người không niềm tin?

“Ơn thánh liên quan tới linh hồn.”

Tôi không tin vào linh hồn.

“Ông không tin nhưng ông có một linh hồn.”

Thưa Đức Thánh Cha, ngài đã bảo rằng ngài không có ý định cố làm tôi cải đạo và tôi không nghĩ rằng ngài có thể thành công.

“Chúng ta không thể biết được điều đó, nhưng tôi không hề có ý như vậy.”

Và thánh Phanxi cô?

“Ngài vĩ đại vì ngài là mọi sự. Ngài là một người muốn làm các công việc, ngài muốn xây dựng, ngài đã sáng lập một Dòng tu và luật lệ của nó, ngài là một người lang thang và một nhà truyền giáo, một nhà thơ và một tiên tri, ngài thuộc phái thần nhiệm. Ngài đã tìm thấy tội lỗi trong chính mình và nhổ nó tận gốc rễ. Ngài yêu thiên nhiên, thú vật, từng ngọn cỏ trên thảm xanh và những con chim bay trên bầu trời. Nhưng trên tất cả, ngài yêu con người, trẻ nhỏ, người già, phụ nữ. Ngài là tấm gương sáng ngời của cái agapé đó mà chúng ta đã nói trên kia.”

Đức Thánh Cha nói đúng, sự diễn tả của ngài thì hoàn hảo. Nhưng tại sao không ai trong các Vị tiền nhiệm của ngài đã từng chọn cái tên đó? Và tôi tin rằng sau ngài cũng sẽ không có ai khác chọn nó.

“Chúng ta không biết về điều đó, hãy đừng suy đoán về tương lai. Đúng thế, không ai chọn nó trước tôi. Ở đây chúng ta đối diện với vấn đề của các vấn đề. Ông có muốn uống gì đó không?”

Cám ơn ngài, xin cho một ly nước.

Ngài đứng dậy, mở cửa và bảo ai đó trong lối đi mang đến hai ly nước. Ngài hỏi tôi có muốn dùng cà-phê không, tôi nói không. Nước được mang đến. Vào cuối buổi nói chuyện, ly nước của tôi đã hết, nhưng ly của ngài thì còn đầy. Ngài hắng giọng và bắt đầu.

“Thánh Phanxicô muốn một Dòng hành khất và là một Dòng lang thang. Những nhà truyền giáo muốn gặp gỡ, lắng nghe, chuyện trò, giúp đỡ, để loan truyền đức tin và tình yêu. Đặc biệt là tình yêu. Và ngài mơ về một Giáo Hội nghèo có thể săn sóc những người khác, nhận giúp đỡ vật chất và dùng nó để nâng đỡ tha nhân, mà không quan tâm đến chính mình. 800 năm đã đi qua kể từ đó và thời gian đã thay đổi, nhưng cái lý tưởng về một Giáo Hội truyền giáo và nghèo khó vẫn còn giá trị hơn. Đây vẫn còn là Giáo Hội mà Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài rao giảng về.”

Các Kitô hữu các ngài hiện nay là một thiểu số. Ngay cả ở Ý, nơi được xem là vườn sau của Đức Thánh Cha. Theo các cuộc thăm dò, những Kitô hữu sống đạo thì ở khoảng giữa 8 và 15 phần trăm. Những người nói họ là Kitô hữu nhưng thật ra không đúng lắm thì khoảng 20%. Trên thế giới, có một tỷ người Công giáo hay hơn một tí, và cùng với những Giáo Hội Kitô khác thì có trên một tỷ rưỡi, nhưng dân số trên hành tinh là 6 hoạc 7 tỷ người. Chắc chắn có nhiều người của các ngài, đặc biệt ở Châu Phi và Châu Mỹ La-tinh, nhưng các ngài là thiểu số.

“Chúng tôi đã luôn là như thế nhưng vấn đề hôm nay thì không phải chuyện đó. Với tư cách cá nhân tôi nghĩ rằng là một thiểu số thì thật ra là một sức mạnh. Chúng tôi phải là một chất men của đời sống và tình yêu, và men thì mãi mãi nhỏ hơn cái khối trái trăn, bông hoa và cây cối được sinh ra từ nó.”

“Tôi tin tưởng tôi đã nói rằng mục đích của chúng tôi không phải là để kết nạp tín hữu nhưng là lắng nghe những nhu cầu, những mong muốn và chán nản, thất vọng và hy vọng. Chúng tôi phải phục hồi hy vọng cho người trẻ, giúp đỡ người già, mở ra cho tương lai, loan truyền tình yêu. Nghèo khó giữa những người nghèo khó. Chúng tôi cần bao gồm cả những người bị loại trừ và rao giảng hòa bình. Vatican II, được Đức Thánh Cha Phallô VI và Gioan gợi hứng, đã quyết định nhìn về tương lai với một tinh thần mới và mở ra với nền văn hóa hiện đại. Các Nghị phụ Công Đồng biết rằng để mở ra với nền văn hóa hiện đại, cần xúc tiến phong trào đại kết tôn giáo và đối thoại với người không có niềm tin. Nhưng sau đó rất ít đã được thực hiện theo hướng đó. Tôi có sự khiêm nhường và tham vọng muốn làm cái gì đó.”

Cũng là bởi vì, tôi xin được nói thêm, xã hội hiện đại trên khắp thế giới đang trải qua một thời kỳ khủng hoảng sâu xa, không chỉ về kinh tế mà còn về xã hội và tinh thần nữa. Lúc bắt đầu cuộc gặp gỡ, ngài đã mô tả một thế hệ bị sức nặng của hiện tại nghiền nát. Ngay cả chúng tôi những người không niềm tin cũng cảm thấy sức nặng hầu như nhân loại học nầy. Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn đối thoại với các tín hữu và những người đại diện cho họ hơn cả.

“Tôi không biết liệu tôi có phải là người có vai trò hơn cả trong số những người đại diện cho họ không, nhưng Đấng quan phòng đã đặt tôi đứng đầu của Giáo Hội và Giáo phận của Thánh Phêrô. Tôi sẽ làm những gì tôi có thể để chu toàn sự ủy thác đã được giao phó cho tôi.”

Như ngài đã chỉ ra, Đức Giêsu nói: Ngươi phải yêu người thân cận của ngươi như chính mình ngươi. Ngài có nghĩ là điều nầy đã xảy ra?

“Thật không may, không. Sự ích kỷ đã gia tăng và tình yêu suy giảm.”

Như vậy đây là mục tiêu mà chúng ta có chung: ít nhất là để cân bằng cường độ của hai loại tình yêu nầy. Giáo Hội của ngài có sẵn sàng và được trang bị để thực hiện nhiệm vụ nầy chưa?

“Ông nghĩ gì?”

Tôi nghĩ tình yêu dành cho quyền lực tạm bợ vẫn còn rất mạnh trong các bức tường của Vatican và trong cơ cấu định chế của toàn thể Giáo Hội. Tôi nghĩ rằng định chế thống trị người nghèo, Giáo Hội truyền giáo mà ngài ưa thích.

“Thực ra, đó là cách nó đang là, và trong lãnh vực nầy ông không thể thực hiện những phép lạ. Hãy để tôi nhắc ông rằng ngay cả Phanxicô trong thời của ngài đã có những cuộc đàm phán lâu dài với hàng giáo phẩm Roma và Đức Thánh Cha để có được sự công nhận các luật Dòng của ngài. Cuối cùng ngài cũng được chấp thuận nhưng với những sự thay đổi sâu xa và các thỏa hiệp.”

Ngài sẽ phải theo cùng con đường đó không?

“Tôi không phải là thánh Phanxicô thành Assisi và tôi không có sức mạnh và sự thánh thiện của ngài. Nhưng tôi là Giám mục Roma và là Giáo Hoàng của đạo Công Giáo thế giới. Việc đầu tiên mà tôi quyết định là chỉ định nhóm tám Hồng y làm cố vấn của tôi. Không là cận thần nhưng những người khôn ngoan chia sẻ tâm tư của tôi. Đây là sự khởi đầu của một Giáo Hội với một tổ chức không chỉ trên-dưới mà còn có chiều ngang. Khi Hồng y Martini nói về việc tập trung vào các hội đồng và thượng hội đồng ngài biết phải mất bao lâu và khó khăn thế nào để đi theo hướng đó. Nhẹ nhàng, nhưng cương quyết và kiên trì.”

Và chính trị?

“Vì sao ông hỏi thế? Tôi đã nói là Giáo Hội không liên quan với chính trị.”

Nhưng chỉ cách đây mấy ngày thôi, ngài đã kêu gọi người Công giáo hãy tham gia vào đời sống dân sự và chính trị.

“Tôi không chỉ nói với người Công giáo mà thôi nhưng với tất cả những người thiện chí. Tôi nói rằng chính trị là việc quan trọng nhất của các hoạt động dân sự và có lãnh vực hành động riêng của nó, không phải là lãnh vực của tôn giáo. Các cơ chế chính trị có tính thế tục do định nghĩa và hoạt động trong những phạm vi độc lập. Tất cả các Vị tiền nhiệm của tôi đã nói cùng một điều như thế. Ít nhất là trong nhiều năm, mặc dù với những lời lẽ khác nhau. Tôi tin rằng người Công giáo tham dự vào chính trị sẽ mang theo những giá trị của tôn giáo mình vào trong đó, nhưng có ý thức trưởng thành và chuyên môn để thực hiện chúng. Giáo Hội không bao giờ đi quá nhiệm vụ của mình để biểu lộ và gieo rắc các giá trị của nó, ít nhất là trong bao lâu tôi còn ở đây.”

Nhưng điều đó không luôn là cách thức của Giáo Hội.

“Hầu như chưa bao giờ được như thế. Thường thì Giáo Hội như là một cơ chế đã bị chủ nghĩa thế tục thống trị và nhiều thành viên và các nhà lãnh đạo Công giáo cấp trên vẫn còn cảm nhận theo cách nầy.

Nhưng bây giờ hãy để tôi hỏi ông một câu: ông, một người thế tục không tin vào Chúa, vậy ông tin vào điều gì? Ông là một người viết văn, một con người của tư tưởng. Ông tin vào cái gì đó, ông phải có một giá trị chi phối. Xin đừng trả lời tôi với những chữ như lòng trung thực, sự tìm kiếm, tầm nhìn cho công ích, tất cả nguyên tắc và giá trị quan trọng nhưng đó không phải là cái tôi muốn hỏi. Tôi đang hỏi rằng ông nghĩ cái gì là bản chất của thế giới, thật ra là vũ trụ. Dĩ nhiên, ông phải tự hỏi, như tất cả những người khác, chúng ta là ai, chúng ta từ đâu đến, chúng ta đang đi về đâu. Ngay cả trẻ em cũng tự hỏi những câu nầy. Còn ông?”

Tôi rất biết ơn về câu hỏi nầy. Câu trả lời là thế nầy: Tôi tin vào Hữu Thể, cái ở trong các mô(tissue) từ đó hình thức, thân thể phát sinh.

“Và tôi tin vào Thiên Chúa, không là một Thiên Chúa Công giáo, không có Thiên Chúa Công giáo, có Thiên Chúa và tôi tin Đức Giêsu Kitô, việc nhập thể của Ngài. Đức Giêsu là thầy và mục tử của tôi, nhưng Thiên Chúa, là Cha, Abba, là ánh sáng và là Đấng Sáng Tạo. Đây là Hữu Thể của tôi. Ông có nghĩ là chúng ta cách xa nhau quá không?”

Chúng ta cách xa trong lối suy nghĩ, nhưng giống nhau như những con người, cách vô ý thức được bản năng của chúng ta làm sinh động, nó trở thành những xung động, tình cảm và ý chí, tư tưởng và lý trí. Trong việc nầy nầy chúng ta giống nhau.

“Nhưng ông có thể định nghĩa cái mà ông gọi là Hữu Thể không?

Hữu thể là một cơ cấu năng lượng. Năng lượng hỗn loạn nhưng không thể phá hủy và sự hỗn mang vĩnh cửu. Những hình thể nổi lên từ năng lượng đó khi nó đạt đến mức độ nổ tung. Các hình thể có định luật riêng của chúng, phạm vi từ trường của chúng, nguyên tố hóa học của chúng, chúng kết hợp cách tình cờ, tiến hóa và cuối cùng bị lụi tàn nhưng năng lượng của chúng thì không bị phá hủy. Có lẽ con người là con vật duy nhất được ban tặng tư tưởng, ít nhất là trong hành tinh và thái dương hệ của chúng ta. Tôi đã nói rằng con người được bản năng và ước muốn hướng dẫn nhưng tôi có thể thêm rằng nó cũng chứa đựng bên trong mình một âm vang, một tiếng dội, một tiếng gọi của hổn mang.

“Được rồi. Tôi không muốn ông cho tôi một bản tóm tắt triết lý của ông và những gì ông đã nói là đủ cho tôi. Từ quan điểm của tôi, Thiên Chúa là ánh sáng chiếu sáng sự tối tăm, ngay cả nếu nó không xua tan bóng tối, và một tia sáng thần linh vẫn ở bên trong mỗi chúng ta.Trong bức thư tôi viết cho ông, ông sẽ nhớ lại tôi đã nói rằng giống loài của chúng ta sẽ chấm dứt nhưng ánh sáng của Thiên Chúa sẽ không chấm dứt và tới lúc đó nó sẽ xâm chiếm tất cả các linh hồn và nó sẽ là tất cả trong mọi người.”

Vâng, tôi nhớ nó rất rõ. Ngài nói, “Tất cả ánh sáng sẽ ở trong mọi linh hồn”, nó –nếu tôi có thể nói- đưa ra một hình ảnh nội tại hơn là siêu việt.

“Tính siêu việt vẫn có bởi vì ánh sáng đó, tất cả trong mọi sự, trổi vượt trên vũ trụ và các giống loài mà nó trú ngụ ở giai đoạn đó. Nhưng xin trở lại với hiện tại. Chúng ta đã thực hiện một bước tiến trong cuộc đối thoại của chúng ta. Chúng ta đã nhận xét rằng trong xã hội và thế giới mà chúng ta đang sống sự ích kỷ đã gia tăng hơn tình yêu thương dành cho người khác, và rằng những người thiện chí sẽ phải làm việc, mỗi người với sức mạnh và chuyên môn riêng của mình, để bảo đảm rằng tình yêu dành cho người khác được gia tăng đến khi nó được cân bằng và vượt qua tình yêu dành cho bản thân.”

Thêm một lần nữa, chính trị lại đến trong bức tranh.

“Chắc chắn. Cách cá nhân tôi nghĩ cái gọi là chủ nghĩa tự do không kiềm chế chỉ làm cho kẻ mạnh thì mạnh thêm và người yếu thì yếu hơn và loại trừ người bị loại trừ hơn cả. Chúng ta cần sự tự do cao quý, không phân biệt, không mị dân và có nhiều tình yêu. Chúng ta cần những luật lệ ứng xử và, nếu cần thiết, cũng cần sự can thiệp từ nhà nước để chỉnh sửa những sự bất bình đẳng quá quắt nhất.”

Thưa Đức Thánh Cha, chắc chắn ngài là một con người có đức tin lớn lao, được ơn thánh tác động, được sinh động bởi ước muốn làm sống lại một Giáo Hội mục vụ và truyền giáo, nó được canh tân và không có tính tạm thời. Nhưng theo cách ngài nói và từ những gì tôi hiểu, ngài là một vị Giáo Hoàng cách mạng. Một nửa là tu sĩ Dòng Tên, một nửa là một người của thánh Phanxicô, một sự kết hợp có lẽ chưa từng từng thấy trước đây. Và rồi, ngài thích cuốn “The Betrothed” của Manzoni, Holderlin, Leopardi và đặc biệt là Dostoevski, phim “La Strada” và “Prova d’orchestra” của Fellini, “Open city” của Rossenllini và còn cuốn phim của Aldo Fabrizi nữa.

“Tôi thích chúng bởi vì tôi đã xem cùng với cha mẹ tôi khi tôi còn là một đứa bé.”

Ra là vậy. Tôi có được phép đề nghị hai cuốn phim vừa mới được tung ra không? “Viva la libertà” và cuốn phim về Fellini của Ettore Scola. Tôi chắc chắn ngài sẽ thích chúng.

Về khả năng, tôi nói, ngài có biết rằng khi tôi 20 tuổi tôi đã trải qua một tháng rưỡi trong một cuộc tĩnh tâm với các tu sĩ Dòng Tên? Bọn Quốc xã đang ở Roma và tôi đã trốn quân dịch. Việc đó có thể bị phạt với án tử hình. Các tu sĩ Dòng Tên che dấu chúng tôi với điều kiện chúng tôi phải linh thao suốt thời gian họ cho chúng tôi ẩn nấp.

“Nhưng không thể chịu đựng một tháng rưỡi linh thao phải không?” Ngài hỏi, kinh ngạc và thích thú. Tôi sẽ nói với ngài thêm vào lần tới.

Chúng tôi ôm choàng nhau và leo lên một cầu thang ngắn để đi đến cửa. Tôi nói với Đức Thánh Cha không cần phải cùng đi với tôi nhưng ngài vẫy chuyện đó sang một bên bằng một cử chỉ. “Chúng ta cũng sẽ thảo luận về vai trò của người phụ nữ trong Giáo Hội. Hãy nhớ rằng Giáo Hội (la chiesa) là giống cái.”

“Và nếu ông muốn chúng ta cũng nói về Pascal nữa. Tôi muốn biết ông nghĩ gì về tâm hồn lớn lao nầy”.

“Gởi đến tất cả gia đình ông phép lành của tôi và xin họ cầu nguyện cho tôi nữa. Hãy nghĩ đến tôi, nghĩ đến tôi luôn.”

Chúng tôi bắt tay nhau và ngài đứng với hai ngón tay đưa lên ban phép lành. Tôi vẫy chào ngài từ cửa sổ. Đây là Đức Thánh Cha Phanxicô. Nếu Giáo Hội trở nên giống ngài và trở nên điều mà ngài muốn nó phải là, sẽ có một sự thay đổi mang tính lịch sử.

XT (theo La Repubblica)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31