EVANGELII GAUDIUM VÀ HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI

Written by xbvn on Tháng Một 3rd, 2014. Posted in Học thuyết xã hội, Thế Giới, Truyền giáo, Tý Linh

Dù Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Phúc Âm) không phải là « một văn kiện xã hội » – chính Đức Giáo Hoàng nói rõ như thế, ở số 184 – nhưng thật hay việc một trang web dành cho « Học thuyết xã hội của Giáo Hội » giới thiệu những trích đoạn rộng rãi của nó, những trích đoạn đề nghị những khai triển quan trọng về các vấn đề xã hội :

nửa đầu tiên của chương 2 : « Một số thách đố của thế giới hiện nay » (52-75)

toàn bộ chương 4 : « Chiều kích xã hội của việc Phúc Âm hóa » (177-258)

Những khai triển này được lồng vào trong một bản văn vốn cần nhắc lại bản chất của nó và cần nhấn mạnh tầm quan trọng của nó. Là văn kiện đầu tiên có tầm quan trọng to lớn được Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố, nó rất được chờ đợi. Để trình bày những định hướng về nhiều điểm, Đức Giáo Hoàng đã nắm bắt cơ hội mà một truyền thống được thiết lập từ Đức Phaolô VI dành cho ngài : chính ngài, sau mỗi Thượng Hội Đồng, có nhiệm vụ giới thiệu nét chính yếu về những gì ngài giữ lại từ các đề nghị của Thượng Hội Đồng. Vì thế, Evangelii Gaudium là một « Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng », vốn quy chiếu đến 30 đề nghị, trong số 58 đề nghị đã được Thượng Hội Đồng biên soạn về « Tân Phúc Âm hóa », diễn ra tại Rôma vào tháng Mười năm 2012.

Một số người có thể ngạc nhiên khi một Tông huấn về Phúc Âm hóa – từ ngữ được thích dùng ở đây hơn là thành ngữ « Tân Phúc Âm hóa » của Thượng Hội Đồng – bàn cách rộng rãi về các chủ đề xã hội.  Trái lại, đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, việc vắng mặt các chủ đề này mới là không thể chấp nhận được, vì có một « mối liên kết sâu xa giữa Phúc Âm hóa và việc thăng tiến con người ». Mối liên hệ này đã từng được khẳng định và khai triển bởi Đức Gioan-Phaolô II vào năm 1991 trong Thông điệp Bách Chu Niên (Centesimus annus, 54), lấy lại và kéo dài những gì Đức Phaolô VI đã từng viết vào năm 1975 trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi, vốn cũng là một « Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng » : « Không thể chấp nhận được rằng công cuộc Phúc Âm hóa có thể hay phải chểnh mảng những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, đang náo động như thế hôm nay, liên quan đến công bằng, giải phóng, sự phát triển và hòa bình trên thế giới » (EN, 31).

Chính trong thần học mà mối liên hệ chặt chẽ giữa Phúc Âm hóa và sự dấn thân xã hội được xây dựng. Nếu có một « chiều kích xã hội không thể tránh khỏi của việc loan báo Tin Mừng », thì đó là bởi vì « lời đề nghị của Tin Mừng không chỉ hệ tại nơi một mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa » và bởi vì « trong Chúa Kitô, Thiên Chúa không chỉ cứu chuộc cá nhân nhưng còn các mối tương quan xã hội giữa những con người ». Làm sao không gợi lên kiểu nói rất đẹp của Cha Henri de Lubac, đối với ngài « kiểu nói ‘đạo Công giáo xã hội’ phải chăng luôn là một từ thừa » ?

Phải chăng cần phải nói về « học thuyết xã hội của Giáo Hội » liên quan đến các trích đoạn này đối với tập các bản văn hiện nay ? Theo một nghĩa nào đó, điều này xem ra rõ ràng : những ai quen thuộc với học thuyết này sẽ nhanh chóng ghi nhận rằng Đức Giáo Hoàng dựa vào « những nguyên tắc » vốn cơ cấu hóa giáo huấn này : phẩm giá của mọi nhân vị, liên đới, bổ trợ, mục đích phổ quát của của cải, công ích.

Thế nhưng, một mặt chúng ta phải ghi nhận rằng văn kiện chỉ dùng cách hiếm hoi thành ngữ này (trên thực tế, chỉ khi nó trích dẫn Toát yếu học thuyết xã hội của Giáo Hội), mặt khác Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn tả một sự thận trọng tương tự với sự thận trọng của  Đức Phaolô VI vào năm 1971 ở đầu Tông thư Bát Thập Niên (Octogesima adveniens, 4), mà ngài trích dẫn : « Chẳng phải Giáo Hoàng, cũng chẳng phải Giáo Hội sở hữu độc quyền giải thích về thực tại xã hội hay việc đề nghị các giải pháp cho các vấn đề hiện đại. Ở đây, tôi có thể lặp lại những gì Đức Phaolô VI đã sáng suốt chỉ ra : « Đối diện với những hoàn cảnh đa dạng như thế, thật khó cho chúng tôi công bố một lời duy nhất, cũng như đề nghị một giải pháp vốn có một giá trị phổ quát. Đó không phải là tham vọng của chúng tôi, cũng không phải là sứ mạng của chúng tôi » ». Đó là lý do tại sao kiểu nói « học thuyết xã hội của Giáo Hội » đã trở thành lỗi thời  dưới thời Đức Phaolô VI, trước khi được phục hồi bởi Đức Gioan-Phaolô II (về sự tiến triển này, xem Jean-Yves Calvez, Les silences de la doctrine sociale catholique, L’Atelier, 1999, pp 10-14).

Đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, một lời quá chung chung của Giáo Hoàng sẽ ít thích ứng với sự đa dạng của các hoàn  cảnh địa phương. Vì thế, chính các Hội Đồng Giám Mục và các cộng đoàn Kitô hữu có bổn phận « phân tích cách khách quan hoàn cảnh riêng của đất nước mình ». Trong Tông huấn Evangelii Gaudium, ngài trích dẫn các vị tiền nhiệm của mình và Công đồng, nhưng còn nhiều văn kiện phát xuất từ các Hội Đồng Giám Mục (Châu Mỹ Latinh, Hoa Kỳ, Pháp, Braxin, Phi Luật Tân, Ấn Độ), thậm chí các nhóm khác như Công Giáo Tiến Hành Ý.

Giáo huấn xã hội của Giáo Hội thường là đối tượng của những phê phán theo hướng đối lập : khi thì người ta thấy nó vẫn quá trừu tượng, chỉ cung cấp những nguyên tắc rất chung để nhận định các hoàn cảnh và định hướng hành động, và người ta lấy làm tiếc khi Giáo Hội vẫn quá thường « ở bên trên cuộc tranh cãi » ; khi thì người ta cho rằng Giáo Hội vượt khỏi thẩm quyền của mình khi rút từ các nguyên tắc của mình những phán đoán về các hoàn cảnh cụ thể, và như thế có những lập trường có thể được xem như là « đảng phái » về những điểm đang gây tranh cãi, bao gồm giữa các Kitô hữu. Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến những lập trường về việc đón tiếp người di dân và việc bảo vệ quyền cư trú.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô rõ ràng nhạy bén nhiều với lời khiển trách thứ nhất hơn là với lời khiển trách thứ hai : « Chúng ta không thể tránh sống cụ thể – mà không có tham vọng đi vào chi tiết – để các nguyên tắc xã hội to lớn không chỉ là những chỉ dẫn chung chung không chất vấn ai ». Đối với ngài, như ngài đã từng nói trong nhiều dịp khác, tốt hơn là một Giáo Hội dấn thân – có nguy cơ lãnh đòn, ngay cả nhầm lẫn – hơn là một Giáo Hội « bệnh hoạn » do thiếu sức sống và can đảm.

Lướt qua các trích đoạn được trình bày ở đây cho phép ghi nhận bốn điểm có tính cách đổi mới một chút.

1. Tông huấn này không đề cập gì đến « luật bản nhiên » : các lập luận được đưa ra đều thuộc Thánh Kinh, Tin Mừng, thần học. Đức Gioan-Phaolô II và cả Đức Bênêđictô XVI đã từng nhấn mạnh đến đặc tính thần học của học thuyết xã hội của Giáo Hội ; nhưng các ngài cũng viện dẫn « luật bản nhiên » hay « lý trí », những khái niệm cho phép mọi người hiểu nhau, ngay cả xa lạ với giới Kitô hữu. Chúng ta có thể tự vấn về những lý do của sự im lặng này của Đức Giáo Hoàng về luật bản nhiên. Phải chăng đó là để xác tín tốt hơn – như ngài đã lặp đi lặp lại vào nhiều dịp – rằng không được dành  cùng tầm quan trọng cho mọi khía cạnh của đạo đức Kitô giáo, và nên ưu tiên những khía cạnh bén rễ trực tiếp hơn nơi Tin Mừng ? Phải chăng đó là vì ngài không cảm thấy thoải mái với khái niệm này, chính nó cũng gây tranh cãi, bao gồm giữa các nhà tư tưởng Kitô giáo ? Chắc chắn cần phải giải thích sự vắng mặt này, cách đơn giản hơn, bởi sự kiện rằng Tông huấn Evangelii Gaudium chỉ nói với các tín hữu  Công giáo (số 200), đang khi các thông điệp xã hội – ít ra từ Đức Gioan XXIII – nói với « tất cả những người thiện chí », những gì đòi hỏi được khai triển ở đó những lập luận có thể hiểu được bởi những người không Kitô.

2. Một vị trí quan trọng dành cho những vấn đề văn hóa. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh chiều kích tập thể của việc Phúc Âm hóa : sứ điệp Tin Mừng không chỉ dành cho con người, nhưng còn cho các nền văn hóa, các cộng đồng. Việc Phúc Âm hóa là sự hội nhập văn hóa, vốn nói lên tất cả hoa trái, tất cả sự phong phú của nó trong các khung cảnh hôm nay ; nó chất vấn các nếp sống, những giá trị được chia sẻ. Do đó Đức Giáo Hoàng kêu gọi tôn trọng những gì mà « lòng đạo đức bình dân » diễn tả, lối diễn tả đích thực đức tin của một dân tộc, chứ không được lẫn lộn với các lệch lạc của nó, những lệch lạc của một Kitô giáo khuyến khích « những việc sùng mộ » (hơn là lòng đạo đức đích thực) « mà không bận tâm đến việc thăng tiến xã hội và việc đào tạo các tín hữu » (70). Chúng ta cũng hãy lưu ý một sự khai triển độc đáo về « các thách đố của các nền văn hóa đô thị », nhất là với việc nhấn mạnh đến khía cạnh đa văn hóa của thành thị hôm nay, mà không được sợ hãi.

3. Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh đến những gì ngài gọi là « sự sáp nhập người nghèo vào xã hội » (186-216). Rõ ràng chủ đề này rất thân thiết đối với ngài. Chúng ta biết rằng, từ khoảng 40 năm nay, « việc chọn lựa ưu tiên cho người nghèo » đã có một chỗ đứng càng ngày càng trọng tâm trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Nhưng Đức Giáo Hoàng không bằng lòng với việc nhắc lại ở đây những gì Giáo Hội đã lặp đi lặp lại, tức là mối ưu tư cho người nghèo phải được thể hiện bằng những biện pháp xã hội và kinh tế (quyền lao động, đồng lương công bằng, đấu tranh chống lại những bất bình đẳng thái quá…). Ngài đi xa hơn, và mời gọi lắng nghe « tiếng kêu » của họ, như chính Thiên Chúa đã lắng nghe tiếng kêu của dân bị áp bức bên Ai Cập. Những người nghèo không chỉ cần được cứu giúp, nhưng còn được lắng nghe, vì « họ có nhiều điều dạy cho chúng ta », nhất là những gì liên quan đến lối diễn tả đức tin : « Đại đa số người nghèo đều mở ra cách đặc biệt cho đức tin » (200).

Do đó không có não trạng cha  chú, nhưng là một lời kêu gọi liên đới đích thực vốn làm cho chúng ta bình đẳng, vì nó hệ tại « trả cho người nghèo những gì thuộc về họ », phù hợp với nguyên tắc « mục đích phổ quát của của cải », mà học thuyết xã hội khẳng định « đi trước quyền tư hữu ».

Một nhấn mạnh khác của Đức Giáo Hoàng Phanxicô : « Tôi ao ước một Giáo Hội nghèo cho người nghèo ». Dân Thiên Chúa phải nhìn nhận cho người nghèo một « vị trí ưu tiên », vì « chọn lựa dành cho người nghèo là một phạm trù thần học trước khi là phạm trù văn hóa, xã hội học, chính trị hay triết học » (198). Thần học bởi vì, xuyên qua việc gặp gỡ với người nghèo, đó là một khuôn mặt của Thiên Chúa được tỏ hiện.

4. Thay đổi  các thể chế. Dành chỗ cho người nghèo trong xã hội chúng ta không chỉ đòi hỏi tâm hồn và hành xử của mỗi người hoán cải, nhưng còn cả việc thay đổi các thể chế. Quả thế, vì « các mối quan hệ xã hội đều được cơ cấu hóa bởi các thể chế », nên cần phải «  tấn công các nguyên nhân cơ cấu của sự chênh lệch xã hội », vốn là « cội rễ của những sự dữ trong xã hội ». Do đó người Kitô hữu phải « quan tâm đến sức khỏe của các thể chế của xã hội dân sự ». Đó là một nhiệm vụ chính trị, vốn cấp bách, vì « sự cần thiết giải quyết các nguyên nhân cơ cấu của nghèo đói không thể chậm trễ » (202).

Đức Giáo Hoàng không đòi lấy bất kỳ tài chuyên môn nào cho phép ngài vạch ra những chi tiết của những thay đổi này, nhưng ngài chỉ ra một vài đường hướng chủ đạo của chúng. Rất cổ điển, ngài nhắc lại giáo huấn truyền thống của Giáo Hội chống lại chủ nghĩa tự do kinh tế, ít ra thứ chủ nghĩa đòi một « quyền tự trị tuyệt đối của các thị trường ». Bên cạnh lời kêu gọi đấu tranh chống lại việc đầu cơ tài chính – một mối bận tâm gần đây hơn – , Đức Giáo Hoàng khai triển chủ đề này bằng những đường hướng rất mạnh mẽ – vốn đã làm cho ngài bàn về « mar-xít » nơi các giới tự do Hoa Kỳ : « Chúng ta không thể tin tưởng vào các sức mạnh mù quáng và đôi tay vô hình của thị trường nữa. Sự tăng trưởng trong công bình đòi hỏi điều gì đó hơn là sự gia tăng kinh tế, cho dù nó đòi hỏi điều đó ; nó đòi hỏi những quyết định, những chương trình, những cơ chế và những tiến trình cụ thể hướng đến một sự phân phối tốt hơn các thu nhập, việc tạo nên những cơ hội làm việc, một sự thăng tiến toàn diện người nghèo vốn vượt quá việc cứu tế mà thôi » (204).

Christian Mellon (CERAS ngày 30/12/2013)

Tý Linh chuyển ngữ

Nguồn : doctrine-sociale-catholique.fr

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30