GIỚI THIỆU 3 QUYỂN SÁCH MỚI XUẤT BẢN

Written by lcd on Tháng Một 26th, 2019. Posted in Lm Lê Công Đức, Ơn gọi, Sách - livres, Tân Ước, Thánh Kinh, Thiên Phong, Truyền giáo

SÁCH “SỨC MẠNH CỦA ƠN GỌI”

Đức thánh cha Phanxicô là một tu sĩ! Hẳn nhiều người, nhất là các tu sĩ, muốn nghe ngài trò chuyện thân mật về đời sống thánh hiến từ chính kinh nghiệm bản thân của ngài. Đành rằng kể từ khi trở thành giáo hoàng, ngài đã có các giáo huấn chính thức dành cho những người thánh hiến trong Giáo hội, nhưng đó là tiếng nói từ vai trò kế vị Thánh Phêrô!

Điều thú vị là cuộc trò chuyện thân mật nói trên cũng đã thực sự xảy ra hồi tháng 8.2018, dưới hình thức những câu hỏi tại chỗ và những câu trả lời ứng khẩu trực tiếp. Cuối cùng, hôm 3 tháng 12 vừa qua, nội dung cuộc trò chuyện ấy đã được xuất bản thành quyển sách mang tựa đề “Sức mạnh của Ơn gọi”, kèm với phụ đề “Đời sống Thánh hiến hôm nay”.

Người phỏng vấn là Cha Fernando Prado, CMF, một giáo sư Thần học Đời sống Thánh hiến tại Đại học Giáo hoàng Salamanca, Tây Ban Nha. Bạn biết đó, hiện nay các Học viện Đời sống Thánh hiến nổi tiếng nhất đang được điều khiển bởi chính các thừa sai Claret (CMF)! Ngoài ra, do công việc trong ngành xuất bản, Cha Prado còn có cái duyên thân quen riêng với Đức Phanxicô. Cuộc trò chuyện, vì thế, càng dễ hồn nhiên và cởi mở.

Đức thánh cha chia sẻ câu chuyện ngài trở thành một tu sĩ Dòng Tên. Ngài cảnh giác thứ men ý thức hệ thấm nhiễm vào và làm lệch hướng cuộc đổi mới đời sống thánh hiến. Ngài chỉ ra cái cách mà tinh thần giáo sĩ trị có thể biểu lộ cả nơi các tu sĩ. Ngài đặc biệt nhấn mạnh sự nghèo khó như nền tảng và cột trụ của các cộng đoàn tu trì hôm nay… Sau tất cả, ở đây Đức Phanxicô một lần nữa xác nhận rằng một khi biết nhìn về quá khứ với lòng tri ân, biết sống hiện tại với tất cả say mê, thì đời tu hoàn toàn có thể bước tới tương lai với niềm hy vọng…

 

SÁCH “THÁNH PHAOLÔ VÀ TÂN PHÚC ÂM HÓA”

Thượng Hội đồng Giám mục về “Tân Phúc âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo” hồi năm 2012 là một sự kiện khá hẩm hiu. Nó có vẻ bị lãng quên nhanh quá, do bởi những biến cố thời sự Giáo hội tiếp theo sau đó dường như thu hút tất cả sự quan tâm của người ta: Đức Biển Đức XVI đột ngột tuyên bố từ chức; những đồn đoán sôi nổi về ai sẽ là tân giáo hoàng; rồi mật nghị Hồng y; cuối cùng là Tân giáo hoàng Phanxicô xuất hiện, trở thành tiêu điểm thống lĩnh truyền thông… Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium, tháng 11/2013) của Đức Phanxicô được coi là đúc kết Thượng Hội đồng về Tân Phúc âm hóa nói trên, nhưng không với danh nghĩa chính thức của một tông huấn ‘hậu Thượng Hội đồng’!

Trong bối cảnh ấy, vô hình trung quyển sách của Cha Ronald D. Witherup, Thánh Phaolô và Tân Phúc âm hóa, trở thành một trong số ít những ấn bản khảo sát ‘hồ sơ’ của Thượng Hội đồng Giám mục năm 2012 còn được tiếp tục nằm trong tầm tay của bạn đọc. Thượng Hội đồng ấy đã qua rồi. Nhưng chính công cuộc Tân Phúc âm hóa thì chẳng bao giờ ‘qua rồi’ cả! Thậm chí người ta có thể lo rằng ở đó ở đây trong Giáo hội phải chăng nó vẫn còn… chưa tới! Đó cũng là lý do của bản dịch Việt ngữ này.

Là một học giả Thánh Kinh có thẩm quyền cách riêng về Thánh Phaolô, tác giả đã khảo sát các tầm nhìn của Thượng Hội đồng Giám mục 2012 về công cuộc Tân Phúc âm hóa bằng cách đối chiếu với những nét lớn trong bức chân dung thừa sai của vị Tông đồ Dân ngoại. Nói cách khác, tác giả nhận diện chính Thánh Phaolô là nguồn cảm hứng quan trọng của công cuộc Tân Phúc âm hóa được Giáo hội đảm nhận trong thế giới vào đầu thế kỷ 21 này.

 

SÁCH “THỰC HÀNH CHIÊM NIỆM THEO GIOAN THÁNH GIÁ”

Giải thích kinh nghiệm của Thánh Gioan Thánh Giá về cầu nguyện, luận đề của quyển sách này có thể tóm tắt như sau: (1) Cầu nguyện cá nhân là một tiến trình; (2) Tiến trình ấy đi từ suy niệm đến chiêm niệm; (3) Sự chuyển tiếp từ suy niệm đến chiêm niệm có những dấu hiệu khá tinh tế và dễ hiểu nhầm, do đó cần được hiểu đúng để có thể đáp ứng đúng, nhờ đó người ta bước qua được bước quyết định này trong đời sống cầu nguyện của mình, cũng là bước quyết định trong đời sống tâm linh.

Quyển sách này của Cha James W. Kinn mổ xẻ kinh nghiệm của Thánh Gioan Thánh Giá về sự chuyển tiếp đó. Câu chuyện ở đây được ví như việc học tiếng Anh. Một khi đã học những qui tắc căn bản về chấm câu và ngữ pháp, người ta sẽ tập trung vào những vấn đề nâng cao hơn, như tính thống nhất, sự mạch lạc và văn phong. Một cái gì đó tương tự cũng diễn ra với chúng ta trong việc học cầu nguyện. Sau khi đã bỏ ra nhiều năm để suy niệm bằng cách hình dung, lý luận, bày tỏ cảm xúc…, chúng ta có thể sẵn sàng cho loại cầu nguyện nâng cao hơn, đó là chỉ hiện diện với Thiên Chúa bằng một đức tin đơn sơ. Đây là đường dẫn tới một cách nhận biết Chúa hoàn toàn mới mẻ, gọi là chiêm niệm thiên phú…

Ngoài ra, quyển sách này còn có thể được coi như một cách nhập môn học thuyết tâm linh của Thánh Gioan Thánh Giá, theo nghĩa rằng tác giả đã công phu định vị rõ sự chuyển tiếp nói trên trong toàn thể lộ trình tâm linh mà Thánh Gioan Thánh Giá phác họa qua các tác phẩm của ngài. Lộ trình ấy bao gồm một loạt các Đêm Tối nối tiếp nhau. Nhưng những Đêm Tối ấy không phải là một sự thất bại hay trục trặc đáng tiếc trong đời sống thiêng liêng, mà đó là một phần thiết yếu trong toàn tiến trình đời sống cầu nguyện.

 

Lm. Le Cong Duc

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30