LỄ KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ

Written by xbvn on Tháng Hai 1st, 2014. Posted in Lm. Trần Minh Huy, Việt Nam

 Mồng Hai Tết tại Giáo xứ Kim Long 1/2/2014. (xem hình ảnh ở đây)

 VÀO LỄ:

Kính thưa Cha Sở và cộng đoàn Phụng Vụ,

Trong ngày mồng hai Tết dành riêng kính nhớ Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ hôm nay, chúng ta hãy nghĩ đến trước hết là Thiên Chúa, Đấng là nguồn cội ban cho chúng ta có tổ tiên ông bà cha mẹ, nhờ đó mới có chúng ta. Tiếp đến chúng ta nhớ, không những tổ tiên, ông bà, cha mẹ sinh thành dưỡng dục chúng ta nên người về phần xác, mà còn các Đấng Bậc sinh dưỡng chúng ta về đức tin và đời sống Đạo làm con Chúa, không những các đấng đã qua đời, nhưng nhất là các đấng đang còn sống. Tất cả các ngài đã dày công sinh thành dưỡng dục, hy sinh vất vả để đào luyện, nâng đỡ, dìu dắt chúng ta bằng cuộc sống đầy gương sáng và lời cầu nguyện không ngừng của các ngài. Chúng ta hãy tri ân các ngài, cầu nguyện và nâng đỡ các ngài, ngõ hầu trong những ngày cuối đời, chờ đợi giờ Chúa gọi về nhà Cha, các ngài cảm nhận được đền đáp, an ủi, yêu thương, bình an và hạnh phúc. Trong các tất cả các bổn phận thảo hiếu ấy, chúng ta không thể không có những lỗi lầm thiếu sót. Giờ đây chúng ta được mời gọi xin lỗi Chúa, xin lỗi ông bà cha mẹ, và xin lỗi nhau vì đã chưa làm gương sáng cho nhau, để lời cầu nguyện của chúng ta đáng được Chúa đoái thương chấp nhận.

    BÀI GIẢNG

Trọng kính Cha Sở,

Kính thưa HĐGX, Quý Tu Sĩ Nam Nữ, Quý Cụ Quý Mẹ, Quý Ông Bà Anh Chị Em, các cháu Thanh Thiếu Niên Nam Nữ và Nhi Đồng,

Hôm nay tôi xin chia sẻ 4 tâm tình này: Cám ơn, Xin Lỗi, Cầu mong và Cầu nguyện.

            1. CÁM ƠN

            Trước hết chúng ta cám ơn Chúa, Đấng là nguồn cội ban cho chúng ta có tổ tiên ông bà cha mẹ, nhờ đó mới có chúng ta: “cây có cội, nước có nguồn”, kẻ nào quên đi nguồn cội này sẽ không lớn lên nổi thành người. Việc đáp đền công ơn của tổ tiên ông bà cha mẹ là một bổn phận không thể lãng quên đối với tất cả mọi người, vì nó xuất phát từ giới luật của Đấng Tạo Hóa được khắc ghi sâu đậm không thể phai nhòa trong lương tri của mỗi người và đã được chính Đức Giêsu long trọng khẳng định trong đoạn Tin Mừng hôm nay, qua việc Ngài nghiêm nghị khiển trách các người pharisiêu và kinh sư đã dựa vào truyền thống của họ mà bỏ qua giới răn của Thiên Chúa, khi họ bảo rằng ai nói với cha mẹ rằng những gì tôi có thể giúp cha mẹ đều đã được dâng cho Chúa rồi người đó không phải thờ cha kính mẹ nữa.

Chúng ta hãy lắng nghe điều cha mẹ già nói với con, xin con nâng đỡ trong tuổi già, cũng là lời nhắc nhở công ơn của cha mẹ: Con yêu dấu… Ngày nào con thấy cha mẹ quá già, thì con cố nhẫn nại và thông cảm cho cha mẹ, nghe con. Nếu cha mẹ tay chân run rẩy, ăn uống đổ lên đổ xuống… Hãy thông cảm và nhớ lại ngày con còn bé cha mẹ nhẫn nại bón cơm cho con ăn như thế nào!  Nếu cha mẹ mặc đồ khó khăn… xin con hãy nhẫn nại! Hãy nhớ lại số thì giờ mà cha mẹ đã bỏ ra để dạy cho con biết bao điều khi con còn thơ. Nếu cha mẹ cứ nói đi nói lại mãi một điều. Hãy cố lắng nghe! Khi con còn bé, con vẫn muốn cha mẹ kể đi kể lại mãi một chuyện, từ đêm này sang đêm kia, cho đến khi con thiếp ngủ. Và cha mẹ đã chiều con…

Nếu cha mẹ không còn siêng năng tắm rửa như trước, thì đừng la rầy cha mẹ và nói rằng như vậy là điều nhục nhã. Hãy nhớ lại cha mẹ phải tìm ra bao nhiêu sáng kiến để cho con chịu tắm lúc con còn bé thơ. Nếu thấy cha mẹ không biết gì về những công nghệ mới, thì đừng chế nhạo cha mẹ, mà hãy để từ từ cho cha mẹ hiểu ra. Nếu thỉnh thoảng cha mẹ quên đi điều gì hay không theo kịp điều con nói… thì con hãy để cho cha mẹ đủ thì giờ mà nhớ lại… và nếu cha mẹ không nhớ ra, thì đừng cau có cằn nhằn nghe con… bởi vì điều quan trọng nhất đối với cha mẹ là muốn được ở cạnh con và nói chuyện với con thôi.

Khi cha mẹ không muốn ăn thì đừng có ép nữa! Cha mẹ biết khi nào mình đói và khi nào thì không. Khi chân cha mẹ khoâng còn sức để bước đi, con hãy đi chậm lại, đừng hối thúc và lôi kéo mạnh tay nghe con… hãy giúp cha mẹ như xưa kia cha mẹ đã từng giúp con chập chững đi những bước đầu đời…  Rồi đến ngày kia, khi cha mẹ nói rằng mình không còn muốn sống nữa… con chớ nổi giận lên… vì sẽ đến lúc, tới lượt mình, con sẽ hiểu vì sao. Hãy cố hiểu rằng đến một tuổi nào đó, người ta không còn thực sự sống nữa, nhưng chỉ tồn tại đó như đời sống thực vật mà thôi.

Một ngày kia, con sẽ hiểu rằng, mặc cho bao nhiêu sai lầm, cha mẹ lúc nào cũng muốn điều tốt đẹp nhất cho con và đã chuẩn bị tương lai để con sống cuộc sống trưởng thành. Con đừng buồn khổ hay bối rối trước tuổi già và thể trạng của cha mẹ. Con cứ ở cạnh cha mẹ, gắng hiểu lối sống của cha mẹ, và cố gắng hết sức mình như cha mẹ đã từng cố gắng hiểu con từ khi con mới ra đời cho đến ngày con khôn lớn hôm nay. Hãy giúp cha mẹ bước đi… giúp cha mẹ hoàn tất cuộc đời với tâm tình yêu thương và nhẫn nại. Điều duy nhất để cha mẹ còn có thể cám ơn con, ấy là nở với con một nụ cuời kèm với cả yêu thương. Cha mẹ yêu con lắm, con ơi.

            2. XIN LỖI

Chúng ta thành tâm xin lỗi Chúa vì đã không ân cần vâng nghe thực hành giới răn thảo hiếu Chúa đã truyền dạy. Tiếp đến chúng ta xin lỗi ông bà cha mẹ vì đã để những bận rộn cuộc sống, hay theo thói đời vô ơn bạc nghĩa mà quên đi bổn phận thảo hiếu đối với Ông bà cha mẹ, khi còn sống không lo phụng dưỡng sớm viếng tối thăm, khi qua đời không nhớ cầu hồn xin lễ, để khi biết hối hận thì mọi sự đã quá muộn màng, mà còn bị thiên hạ chê cười: “còn cha gót đỏ như son, một mai cha thác gót con đen sì; trèo non mới biết non cao, nuôi con mới biết công lao mẫu từ; một mẹ nuôi nổi 10 con, 10 con không nuôi nổi một mẹ; hay thậm tệ hơn ‘sống thời con chẳng cho ăn, chết làm văn tế ruồi”.

Trong tâm tình đạo hiếu ấy, có những tác giả đã trải qua kinh nghiệm bản thân hối hận ăn năn mà nhắc nhở chúng ta:

Có lúc ta quên màu tóc Mẹ.      Đã một thời giãi nắng dầm mưa.

Có lúc ta quên nhìn trán Mẹ.   Còn bao nhiêu hy sinh dù ta lớn khôn rồi.

Có lúc ta quên nhìn mắt Mẹ.   Còn chờ ta mỏi ngóng đêm thâu.

Có lúc ta quên nhìn dáng Mẹ.  Chợt quạnh hiu ngày ta bước vào đời.

Có lúc ta quên thời gian qua.   Đường ta càng xa, vòng tay Mẹ ngắn lại.

Có lúc ta nghe từng nhịp đời.   Mẹ thật gần, sao ta quá xa.

Có lúc ta quên nhìn áo Mẹ.     Chợt mỏng manh quang gánh chiều đông.

Hát khúc hát ai quên mình có Mẹ.   Một ngày kia lặng lẽ bên cuộc đời.

Cánh cò, cọng nắng, cọng mưa.     Mẹ tôi cong cả, bốn mùa gió sương[1].

 Hỡi những ai còn mẹ, kéo chăn đắp cho Người.

Xin đừng ai như tôi để mẹ lạnh bên trời!!!

Hỡi những ai còn mẹ, hãy ngồi bên nói cười.

Xin đừng ai như tôi, mẹ già không ngày vui!

Hỡi những ai còn mẹ, đơm chén cơm dâng Người.

Xin đừng ai như tôi, chén cơm chưa kịp mời!

Hỡi những ai còn mẹ, cầm tay gọi mẹ ơi !!!

Xin đừng ai như tôi, cô đơn bóng mẹ ngồi!

Mừng cho ai còn mẹ, cài bông hồng thắm tươi.

Dù là bao nhiêu tuổi, vẫn dại trong tim Người.

Hỡi những ai còn mẹ, hãy ôm chặt mẹ, ôm hoài.

Đừng ai như tôi, tay yếu giữ không được mẹ  rồi, mẹ ơi!!!

Hỡi những ai  còn mẹ, hãy ôm chặt mẹ, ôm hoài.

Đừng ai như tôi, tay yếu giữ không được mẹ rồi, mẹ ơi!!!

Mẹ còn – không lo được, mẹ mất – con quê người !!!

Xin đừng ai như tôi, xin đừng ai như tôi !!!

Khi chim chiều khép cánh, lá hoa tiếc mặt trời!

Có mẹ chỉ một thời, ngắn lắm trái tim ơi!!![2]

             3. CẦU MONG

“Đêm đêm ngước mắt lên trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con”. Cầu cho cha mẹ sống đời với con, đó là tâm nguyện của tất cả những người con dành cho cha mẹ. Bởi lẽ không có một tình con người nào sâu đậm, gắn bó, chân thành bằng tình cha mẹ yêu con, và càng không có một tình yêu nào trên trái đất này có thể thay thể được tình cha mẹ yêu con: Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, không ai khổ bằng cha; “bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn; miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương.”

Sách Huấn Ca dạy: Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan như sương muối biến tan lúc đẹp trời. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa [3].

 Và mới đây trong cuộc tiếp kiến hàng tuần, ĐTC Phanxicô nái: “Trong dịp Tết Nguyên Đán, tôi cầu chúc tất cả mọi người được một cuộc sống vui tươi và hy vọng. Ước gì niềm khát khao tình huynh đệ không thể dập tắt được trong tâm hồn họ, tìm được trong gia đình ấm cúng như một nơi ưu tiên trong đó tình huynh đệ có thể được khám phá, được giáo dục và thực thi. Đây sẽ là một đóng góp quí giá cho việc xây dựng một thế giới nhân bản hơn, trong đó an bình được hiển trị[4].

            4. CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, chúng con kính dâng lên Ngài ông bà cha mẹ của chúng con, xin cho chúng con biết sống hiếu thảo trọn tình làm con cháu khi ông bà cha mẹ còn sống, biết siêng năng cầu nguyện cho ông bà cha mẹ khi các ngài đã qua đời. Nhưng “Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên”, xin Chúa ban cho chúng con, là những con người yếu đuối chíng quên lời hứa, sự quyết tâm hết lòng thảo hiếu hơn từ đây đối với ông bà cha mẹ, và đưa quyết tâm ấy ra thực hành mọi ngày trong cuộc sống, như Sách Châm Ngôn dạy: “Con ơi giữ lấy lời cha, chớ quên lời mẹ nhớ mà ghi tâm. Đèn soi trong chốn tối tăm, ấy là chính những lời răn, lệnh truyền. Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, khắc ghi công đức một niềm tri ân[5]. Amen.

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss



[1] Nhạc và lời: MINH ĐỨC.

[2] Thơ Nguyễn Phúc Sông Hương.

 [3] Hc 3,12-16.

[4] Trích bài nói chuyện ngày ngày 26/1/2014.

[5] Cn 6, 19-23.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30