MUỐI CHO ĐỜI VÀ ÁNH SÁNG CHO TRẦN GIAN

Written by xbvn on Tháng Hai 8th, 2014. Posted in Năm A

Lm. Munachi E. Ezeogu, CSSP

Tại đất nước chúng ta, chướng ngại nào là lớn nhất cho Kitô giáo? Đây là câu hỏi mà chắc chắn sẽ có rất nhiều câu trả lời khác nhau, tùy vào đối tượng chúng ta hỏi. Câu trả lời có thể là: truyền thông đại chúng, văn hóa toàn cầu, chủ nghĩa vật chất, chính sách nhà nước tồi bại, những tôn giáo khác… Nhân dịp gặp cố lãnh tụ vĩ đại Mahatma Gandi, một nhà truyền giáo đã đặt câu hỏi: “Chướng ngại lớn nhất cho Kitô giáo tại Ấn Độ là gì vậy, thưa ngài?” Nhanh nhẩu và dứt khoát, vị lãnh tụ đáp: “là những Kitô hữu.”

Người ta cho rằng, thế giới ngày hôm nay sẽ là nơi đượm chất Kitô giáo hơn nhiều nếu Kitô giáo không chỉ dành riêng cho các Kitô hữu. Như vậy, tự các Kitô hữu đang tạo nên chướng ngại cho chính tôn giáo mà mình đang theo, vì thế đây là những tín hữu không đúng nghĩa và không biết dấn thân. Dĩ nhiên, họ có mang danh Kitô hữu đó, thế mà qua cung cách nói chuyện hay thái độ hành xử nơi họ, ai ai cũng thấy rõ một điều, rằng họ chẳng có dính dáng gì với con người Đức Kitô cả.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ mình: “Anh em là ánh sáng thế gian” (Mt 5,14). Nhưng ở đoạn khác trong Ga 8,12, Chúa Giêsu lại nói về chính mình, “Thầy là ánh sáng thế gian.” Vậy thì, ai là ánh sáng thế gian? Chúa Giêsu hay các môn đệ? Thật là mâu thuẫn! nhưng mâu thuẫn này sẽ được giải đáp trong Ga 9,5, Chúa Giêsu đã tuyên bố nhẹ hơn về chính mình, đó là: ” Bao lâu Thầy còn ở trong thế gian, Thầy là ánh sáng của thế gian.” Câu này cho thấy Chúa Giêsu đang nói về ánh sáng được cụ thể hóa qua thịt và máu Ngài. Bao lâu Ngài còn tồn tại về mặt thể lý trong thế gian, thì bấy lâu Ngài là ánh sáng của thế gian, thế nhưng khi Ngài không hiện hữu về mặt thể lý nữa, thì chính là lúc mà các môn đệ theo Ngài sẽ gánh vác vai trò làm ánh sáng cho thế gian.

Vai trò của Kitô hữu trong thế gian này sẽ được định nghĩa qua hai từ mà Tin Mừng hôm nay đã đề cập: muối và ánh sáng (salt and light). Thế thì ngày hôm nay, hai từ này sẽ mang nghĩa gì? Bạn có biết rằng “đường” (sugar) không bao giờ thấy xuất hiện trong Kinh Thánh không? Vào thời cổ đại, muối chính là gia vị duy nhất quyết định cho thức ăn thêm đậm đà. Không muối, có nghĩa là thức ăn sẽ ra nhạt nhẽo. Chúa Giêsu đã nói muối (hoặc đường nếu bạn muốn) dùng để ướp thức ăn, vì vậy, Kitô hữu cũng phải là tác nhân làm đậm đà thế gian. Kitô hữu hiện diện trong thế gian để làm cho thế gian trở thành chốn thêm dịu ngọt hơn. Vậy thì chúng ta sẽ làm thế nào để cho thế gian này thêm dịu ngọt? Chúng ta sẽ tìm thấy câu giải đáp trong đoạn Tin Mừng tương tự theo Mác-cô: ” Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em và sống hoà thuận với nhau.

Cũng như muối, chúng ta đều được mời gọi trở thành những môn đệ ngọt ngào, thân thiện và tử tế, sống thuận hòa với mọi người. Cũng như ánh sáng, chúng ta được mời gọi để chỉ đường. Không có ánh sáng, chúng ta sẽ đâm vào nhau và té nhào xuống hố. Nhưng ánh sáng sẽ bảo cho biết: “Con đường đi đây này, hãy đi đi; Còn kia là con đường nguy đấy, hãy tránh ra.” Không ánh sáng, không muối, hình dáng thế gian này sẽ rất ghê tởm, nó sẽ trở thành nơi thật nhàm chán và chẳng ai có thể sống được. Thế nhưng, có ánh sáng, có muối, thế gian này sẽ trở thành một nơi an toàn hơn và đẹp hơn. Đây chính là bổn phận của Kitô hữu chúng ta, là làm cho thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn.

Nhưng làm bằng cách nào? Cũng như muối và ánh sáng, chúng  đã làm bổn phận của mình.

Trước hết, muối phải là chất khác hẳn với thức ăn trước khi nó được mang vào sử dụng. Một khi muối đã mất vị mặn của nó, nó trở nên nhạt, vì thế nó chẳng còn thực hiện sự khác biệt gì nữa. Ánh sáng phải khác biệt với bóng tối thì ánh sáng mới hữu ích. Một đèn pin mà hết pin thì đèn pin ấy cũng là vô ích vì nó chẳng soi gì được cho người đang ở trong bóng tối. Vì thế, trở nên muối và ánh sáng của thế gian nghĩa là phải trở nên khác với thế gian. Một khi người-tin chẳng khác gì với kẻ không-tin, cũng giống như muối đã mất vị mặn nơi chính nó, nên nó cũng chẳng làm nên cái khác biệt nào cả. Vậy, điều để làm chúng ta khác với người không-tin (hay chưa-tin) chẳng phải nơi lời ăn tiếng nói, nơi những huy hiệu, hoặc những đèn pin mà chúng ta đang mang, nhưng chính là cuộc sống mà chúng ta sống. Như Chúa Giêsu nói trong đoạn Ga 13,35, “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.” Lòng yêu thương chính là dấu đặc biệt mà qua đó bạn có thể biết được đâu là Kitô hữu thật và đâu là Kitô hữu giả.

 Thứ hai, cả muối và ánh sáng đều hoạt động bằng cách kết hợp vào cái mà chúng muốn thay đổi. Muối chẳng thể nào làm đậm đà thức ăn nếu mà nó không thẩm thấu và làm thay đổi tận bên trong thức ăn. Ánh sáng chẳng thể nào chỉ ra con đường đi nếu ánh sáng ấy không tiếp cận với chính đêm tối. Đôi khi một số Kitô hữu nghĩ rằng, con đường mình đi phải là con đường tránh khỏi mọi dính dáng đến xã hội và văn hóa toàn cầu. Nhưng một khi chúng ta xa lánh mọi thực tại của xã hội và thế gian, có nghĩa là chúng ta đang thực sự lấy hũ đậy lên đèn của mình. Để thực hiện sự khác biệt, chúng ta cần đứng lên và dấn thân vào cuộc đời.

Đoạn Tin Mừng hôm nay làm chúng ta hoảng. Vâng! qua đoạn Tin Mừng, cho biết rằng, nếu trong thế giới ngày nay đang còn quá nhiều đêm tối và đắng cay, đó là do những Kitô hữu chúng ta đã thất bại trong công việc của mình, là không trở nên muối và ánh sáng trong thế gian. Nhưng không sao, từ bây giờ, chúng ta có thể quyết định để thực hiện sự khác biệt. Chúng ta có thể quyết định thắp lên một ngọn nến, còn hơn là ngồi mà cứ mãi nguyền rủa bóng đêm. Hãy cứ thắp, cho dù với một cây nến nhỏ bé nhất, vẫn là hữu ích, trong một thế giới đang ngập tràn tăm tối.

  (Thanh Tuyền OP, chuyển ngữ từ http://www.munachi.com)

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30