NỀN THẦN HỌC GIẢI PHÓNG ĐÍCH THỰC

Written by xbvn on Tháng Năm 23rd, 2013. Posted in Học thuyết xã hội, Thế Giới, Tý Linh

« Không có bất kỳ sự đoạn tuyệt nào giữa ĐHY Ratzinger/Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô liên quan đến thần học giải phóng », Đức cha Müller khẳng định như thế.

Nơi một số giới, việc bổ nhiệm Đức cha Gerhard Ludwig Müller  làm Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin và việc bầu chon Tổng giám mục Buenos Aires làm Giáo Hoàng đã được coi như là một sự trả thù của thần học giải phóng, một nền thần học đã bị Đức Gioan-Phaolô II và ĐHY Ratzinger phê phán.

Để thấy rõ hơn những phỏng đoán này, Włodzimierz Rędzioch  đã gặp Đức cha Müller. Cuộc trao đổi đã được tuần báo Niedziela phổ biến bằng tiếng Ba Lan, và bằng tiếng Anh trên trang Inside the Vatican.

Từ 2.7.2012, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã có tân Tổng Trưởng : lần thứ hai trong lịch sử gần đây của Giáo Hội, một thần học gia người Đức đã được chọn, đó là Đức cha Gerhard Ludwig Müller. Ngài cũng là bạn thân của Đức Bênêđictô XVI.

Việc chọn lựa này không vì lý do cá nhân riêng tư nào, nhưng bởi vì Đức cha Gerhard Ludwig Müller là một trong những thần học gia nổi bật của Giáo Hội.

Đức Cha sinh ngày 31.12.1947 ở Mainz-Finthen trong một gia đình công nhân. Ngài đã nghiên cứu triết học và thần học ở Mayence, Munich và Fribourg. Vào năm 1977,  ngài đạt được bằng tiến sĩ thần học và một năm sau được ĐHY Herman Volk phong linh mục. Vào năm 1986, ngài được bổ nhiệm giáo sư thần học tín lý ở Đại Học Ludwig Maximilian ở Munich : lúc đó ngài mới 38 tuổi và là một trong những giáo sư trẻ nhất của Đại Học.

Ngài đã dạy học tại các đại học ở Pêru, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Ấn Độ, ý và Braxin. Ngài là tác giả của hơn 400 xuất bản khoa học, trong đó nổi tiếng nhất là công trình để đời « Tín Lý Công Giáo ».

Đức Gioan-Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm Giám mục Ratisbonne vào năm 2002 và khẩu hiệu Giám mục của ngài là « Dominus Iesus » (« Đức Giêsu là Chúa »). Tại Vatican, Đức Cha cũng đã được biết đến : trong những năm 1998-2003, ngài là thành viên của Ủy ban thần học quốc tế, và đã làm việc ở Hội Đồng Hiệp Nhất Kitô Hữu như là chuyên viên đại kết. vào năm 2008, Đức Thánh Cha đã yêu cầu ngài thiết lập Viện Giáo Hoàng Bênêđictô XVI mà mục đích chính của nó là phổ biến các công trình toàn tập của J. Ratzinger.

Nơi một số giới Công giáo, việc bổ nhiệm Giám mục của Ratisbonne làm Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin đã khơi lên sự lo lắng, vì người ta cáo buộc ngài liên hệ với thần học giải phóng, nhất là bạn với cha Gustavo Gutierrez, cả hai đã cùng nhau viết cuốn sách « Du côté des pauvres. Théologie de la Libération » .

Và thần học giải phóng đã bị Đức Gioan-Phaolô II cũng như ĐHY Ratzinger phê phán. Vấn đề này là chủ đề chính yếu của cuộc nói chuyện của chúng tôi…

Với tư cách là linh mục và giám mục, Đức Cha đã luôn luôn rất nhạy bén với những giá trị công bằng, liên đới và nhân phẩm. Tại sao có mối quan tâm này đối với những vấn đề xã hội ?

Đức cha Müller: Tôi đến từ Mayence. Vào đầu thế kỷ XX, vị giám mục của thành phố này là yếu nhân Wilhelm Emmanuel von Ketteler đã là một vị đại giám mục, một vị tiền phong của học thuyết xã hội của Giáo Hội. Lúc còn nhỏ, tôi đã sống trong môi trường dấn thân xã hội này. Và chúng ta đừng quên rằng nếu ở Châu Âu, sau chiến tranh thế giới thứ hai và sau các chế độ độc tài, chúng ta đã thành công xây dựng một xã hội dân chủ, chính học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo mà chúng ta phải mang ơn. Nhờ Kitô giáo, những giá trị như công bằng, liên đới và nhân phẩm đã được đưa vào trong các hiến pháp của các nước của chúng ta.

Nhìn đến hành trình của Đức Cha, người ta nhận thấy rằng Đức Cha đã có nhiều tiếp xúc với Châu Mỹ Latinh. Mối liên hệ với Giáo Hội Châu Mỹ Latinh đã được nảy sinh như thế nào ?

Trong 15 năm tôi đã đến Châu Mỹ Latinh, Pêru, nhưng cả những nước khác nữa. Tôi đã luôn trải qua ở đó khoảng hai hay ba tháng mỗi năm, sống giữa các dân cư, tức là trong những điều kiện rất khiêm tốn. Lúc đầu, đối với một người Châu Âu, điều đó thật khó, nhưng khi  ta học biết người khác cách cá nhân và ta nhận thấy họ sống thế nào, thì khi đó ta có thể chấp nhận điều đó. Một Kitô hữu là ở nơi nhà mình khắp nơi ; ở đâu có một bàn thờ, thì ở đó có Chúa Kitô hiện diện ; khắp nơi, bạn thuộc về đại gia đình của Thiên Chúa.

Năm vừa qua, khi Đức Cha được bổ nhiệm làm Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, có những tiếng nói cất lên cáo buộc Đức Cha duy trì mối liên hệ chặt chẽ với cha Gustavo Gutiérrez, vị sáng lập nền thần học giải phóng. Về việc này Đức Cha có thể nói với chúng con điều gì ?

Đúng vậy, tôi biết rõ cha Gustavo Gutiérrez. Vào năm 1988, tôi đã được mời tham dự một cuộc hội thảo với ngài. Tôi đã đến đó với sự e dè nào đó vì tôi đã biết rõ hai tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin về thần học giải phóng vào năm 1984 và 1986.

Nhưng tôi đã có thể công nhận rằng cần phải phân biệt giữa một nền thần học giải phóng xấu và một nền thần học giải phóng tốt. Tôi cho rằng mọi nền thần học tốt đều phát xuất từ Thiên Chúa và từ tình yêu của Ngài và có gì đó với sự tự do và vinh quang của các con cái Thiên Chúa.

Như thế, ta không thể pha trộn thần học Kitô giáo, vốn nói về ơn cứu độ do Thiên Chúa ban, với ý thức hệ Marxít vốn nói về sự tự cứu độ của con người. Nền nhân chủng học Marxít hoàn toàn khác với nền nhân chủng học Kitô giáo bởi vì nó bàn về con người như thiếu đi tự do và phẩm giá. Chủ nghĩa cộng sản nói về sự độc tài của giai cấp vô sản, đang khi mà một nền thần học giải phóng tốt nói về tự do và tình yêu.

Chủ nghĩa cộng sản, nhưng cả chủ nghĩa tư bản tân tự do, khước từ chiều kích siêu việt của cuộc sống và tự hạn chế vào chân trời vật chất của cuộc sống. Chủ nghĩa  tư bản và chủ nghĩa cộng sản là hai khuôn mặt của cùng một đồng  tiền, một đồng tiền sai lệch. Đang khi để xây dựng vương quốc Thiên Chúa, nền thần học giải phóng đích thực về tự do múc lấy ở Thánh Kinh, ở các Giáo Phụ, ở giáo huận của Công đồng Vatican II.

Nơi một số giới, việc bổ nhiệm Đức Cha đứng đầu Bộ Giáo Lý Đức Tin và việc bầu Tổng Giám mục giáo phận Buenos Aires đứng đầu giáo phận Rôma đã được xem như là một sự trả thù thực sự của thần học giải phóng đã từng bị Đức Gioan-Phaolô II và ĐHY Joseph Ratzinger phê phán. Đức Cha trả lời gì cho điều đó ?

Trước tiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng không có sự đoạn tuyệt nào giữa ĐHY Ratzinger/Đức Bênêđictô XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô liên quan đến thần học giải phóng. Những văn kiến của Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin thời đó có thể giúp làm sáng tỏ những gì cần phải tránh để biến thần học giải phóng thành một nền thần học đích thực của Giáo Hội. Việc bổ nhiệm tôi không có nghĩa là mở ra một chương mới trong các mối tương quan với nền thần học này, nó là một dấu của tính liên tục.

Khi tiếp kiến hôm 7/12/2009 một nhóm các Giám mục Braxin đang viếng thăm ad limina, Đức Bênêđictô XVI đã nói « thật thích đáng để nhắc lại rằng vào tháng Tám vừa qua, Huấn thị Libertatis nuntius, của Bộ Giáo Lý Đức Tin, về một số khía cạnh của thần học giải phóng, đã kỷ niệm 25 năm của mình. Khi nói về nền thần học này, ngài đã nói thêm : « Những hệ quả ít nhiều thấy rõ của nó được hình thành do sự nổi loạn, chia rẽ, bất đồng, xúc phạm, hỗn loạn, vẫn còn được cảm thấy, tạo ra nơi các cộng đoàn giáo phận của quý Đức Cha những đau khổ to lớn và việc nghiêm trọng mất đi những năng lực sống động ». Đức Cha có đồng ý với sự phân tích này của Đức Giáo Hoàng liên quan đến các hệ quả của thần học giải phóng không ?

Những khía cạnh tiêu cực mà Đức Bênêđictô XVI nói đến là kết quả của một sự hiểu sai, một sự áp dụng sai, thần học giải phóng. Hẳn đã không có những hiện tượng tiêu cực này nếu thần học đích thực đã được áp dụng. Những khác biệt ý thức hệ tạo ra những chia rẽ giữa lòng Giáo Hội. Nhưng điều đó cũng xảy ra ở Châu Âu giữa người Công giáo cấp tiến và bảo thủ. Điều này nhắc nhớ hoàn cảnh của Côrintô nơi đã có những người dựa vào Phêrô, và những người khác dựa vào Chúa Kitô. Nhưng hết thảy chúng ta phải hiệp nhất trong Chúa Giêsu-Kitô, vì Thiên Chúa thì hiệp nhất, còn sự dữ thì chia rẽ. Nền thần học tạo ra những chia rẽ đúng hơn là một ý thức hệ. Nền thần học đích thực phải hướng về Thiên Chúa và do đó sẽ không có chia rẽ.

Thưa Đức Cha, vào năm 2008 khi nhận được bằng tiến sĩ « danh dự » ở Đại Học Giáo Hoàng Công Giáo Pêru, Đức Cha đã kết án trong bài tham luận của Đức Cha « sự sỉ nhục của thời đại chúng ta : chủ nghĩa tư bản tân tự do ». Chủ nghĩa tư bản tân tự do phải chăng là một cấu trúc tội lỗi ?

Thật khó để so sánh giữa một cấu trúc tội lỗi và một tội cá nhân, vì mọi tội lỗi đều có một chiều kích xã hội, trong chừng mực nó lồng vào một cấu trúc : gia đình, nơi làm việc, xã hội, quốc gia. Chủ nghĩa tư  bản tân tự do là một trong những cấu trúc tội lỗi này của thế kỷ 19 và 20, vốn muốn loại bỏ những giá trị của Kitô giáo. Nhưng tôi lặp lại, đằng sau mỗi cấu trúc đều có những con người chấp nhận những nguyên tắc của nó, do đó đằng sau mỗi cấu trúc tội lỗi đều có những tội cá nhân.

Tý Linh chuyển ngữ

Theo ZENIT

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30