NHÂN DỊP ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II ĐƯỢC TUYÊN THÁNH

Written by lcd on Tháng Tư 26th, 2014. Posted in Giáo Hội Hiệp Thông, Lm Lê Công Đức, Thế Giới

Lời giới thiệu (viết năm 2001) cho bản Việt ngữ “Hãy Nâng Tâm Hồn Lên” (Lift up your heart, của THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II)

Người ta thường nói về những cái nhất của ‘ông già huyền thoại’ Gioan Phaolô II: vị giáo hoàng có triều đại ‘dài hơi’ nhất, đi lại và gặp gỡ nhiều nhất, viết nhiều thông điệp, tông huấn, tông thư … nhất, phong thánh nhiều nhất, bổ nhiệm nhiều hồng y, giám mục nhất, triệu tập nhiều thượng hội đồng nhất, được các phương tiện truyền thông quan tâm nhất…

 Có lẽ ngài là vị giáo hoàng được yêu mến nhất bởi nhiều người và bị phiền trách nhất bởi nhiều người khác.

 Tuy nhiên, xem ra ‘ông già huyền thoại’ chẳng hề cố ý đạt một kỷ lục nào. Ông cụ chỉ cố gắng hết sức để làm công việc của một … giáo hoàng. Thế thôi. Một giáo hoàng của Giáo Hội Công Giáo thời hậu Công Đồng Vatican II, của nhân loại và thế giới cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI với bao đổi thay và biến động, với những triển vọng chưa từng có lẫn những hiểm họa không thể lường! Nhận thức được trách nhiệm cao quí và nặng nề của kẻ kế vị Thánh Phê-rô trong một bối cảnh Giáo Hội và thế giới ngổn ngang những vấn đề, ông cụ cần mẫn làm việc từng ngày từng ngày. Và người ta ngạc nhiên. Người ta đo lường, thống kê, so sánh … Rồi người ta ghi nhận những kỷ lục. Thế thôi.

     Quả thật, Gioan Phao-lô II là một vị giáo hoàng có sức hoạt động ‘lì’ phi thường. Những kỷ lục gần đây nhất: Hôm 4-5-2001, ngài chống gậy bước qua ngưỡng cửa Tòa Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp  tại Athènes, với những bước đi nghiêng nghiêng chậm chạp của một ông lão 81 tuổi. Ở đó, ngài thay mặt Giáo Hội Công Giáo lên lời xin lỗi anh chị em Chính Thống Hi lạp, và thắm thiết ôm hôn Đức Giáo Chủ Christodoulos. Báo chí Athènes đã mô tả những bước chân ấy của ngài là những bước chân ‘vượt qua hố sâu nghìn năm’. Hai ngày sau, ông cụ có mặt tại Syri và, vẫn với những bước chân xiêu xiêu ấy, ông cụ trở thành vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử bước vào một ngôi thánh đường Hồi giáo: đền thờ Omeyyades, mảnh đất tích tụ các truyền thống tôn giáo hơn 3000 năm. Biến cố này là bước ngoặt mở ra một giai đoạn mới đầy hứa hẹn cho công cuộc đối thoại liên tôn, cách riêng cuộc đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo. Mới đây hơn, những ngày từ 23 –27 tháng 6-2001, ngài đã đến viếng thăm Ucraina, một chuyến viếng thăm vô cùng khó khăn nhưng thật đầy ý nghĩa. Rồi tháng 9, cuộc công du hải ngoại thứ 95 của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sẽ hướng về Acmênia và Kazắctan…!

     Đàng sau và động lực cho những hoạt động không mệt mỏi ấy của Đức Gioan Phaolô II là cả một TÂM HỒN, một TẤM LÒNG! Đã hẳn rằng muôn thuở, chẳng ai đo được lòng ai, nhưng dường như ngay cả trong phương diện không thể đo lường được ấy, phương diện tấm lòng, chúng ta vẫn cảm nhận một cái gì đó như là ‘kỷ lục’ nơi ‘ông già huyền thoại’ này. Cách đây vài năm, một quyển sách khá đồ sộ viết về cuộc đời Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với những ‘lịch sử bị che đậy’ được dư luận đánh giá rất cao về mặt tư liệu. Không phải là sách ‘đạo’; đó là một quyển sách ‘đời’ một trăm phần trăm, thậm chí có thể nói đó là một tư liệu thời sự chính trị. Tác giả của quyển sách là hai nhà báo, dịch giả bản Việt ngữ là một người ngoài Kitô giáo. Thế nhưng, đọc xong quyển sách (xấp xỉ 500 trang bản tiếng Anh, trên 700 trang bản tiếng Việt), người đọc dễ có cảm tưởng rằng đó là một hạnh thánh, bởi qua từng trang sách, khuôn mặt Đức Gioan Phao-lô II luôn hiện ra trong bầu khí thấm đẫm tinh thần cầu nguyện. Dù ngài ở đâu, gặp ai, thảo luận đề tài gì, làm việc trong lãnh vực nào, ngài vẫn toát ra một mối hiệp thông thâm sâu với Chúa, với Giáo Hội, với nhân loại và thế giới. Con người này quả là một mẫu gương tuyệt vời của chiêm niệm trong hoạt động.

     Quyển Hãy Nâng Tâm Hồn Lên mà bạn đang cầm trong tay là một cánh cửa tuy không đồ sộ nhưng rộng thênh thang để bạn tiếp cận tâm hồn chiêm niệm của vị giáo hoàng đáng kính. Chúng tôi rất cân nhắc khi nói ‘rộng thênh thang’, vì bước qua cánh cửa này, bạn đã tự cho phép mình hội nhập vào thế giới ưu tư mục vụ mênh mông bát ngát của vị cha chung. Dưới ánh sáng của Lời Chúa, Giáo Phụ và Công Đồng, ngài sẽ chia sẻ cho bạn những suy tư về các mầu nhiệm Chúa Kitô, về Giáo Hội trong nhiệm cục cứu độ, về đời sống bí tích, về ơn gọi. Ngài sẽ nói về vai trò của Công Đồng Vatican II, về tầm quan trọng của đại kết và hiệp nhất. Ngài đề cập đến phẩm giá của nhân vị, đến nhân quyền, nhất là quyền sống. Ngài gợi cho bạn những tia sáng để hóa giải các vấn nạn về quan phòng và tự do, về tiền định, về thực tại sự dữ và đau khổ. Ngài nói về cộng đoàn giáo xứ, về gia đình, phụ nữ, lao động, môi trường, về hoạt động văn hóa nghệ thuật và truyền thông xã hội. Thậm chí ngài dành suy tư riêng về những lãnh vực rất đặc thù như thể dục thể thao, việc nhận trẻ em làm con nuôi… Rõ ràng trên tay bạn cũng là một quyển sách huấn giáo rất phong phú nữa đấy!

     Nào, xin mời bạn đồng hành với Đức Gioan Phaolô II trong 366 ngày suy tư – cho năm nay, và cho bất cứ năm nào…

     Cuối cùng, xin chân thành cám ơn các bạn Q.Q. Bình, N.Đ. Công và nhóm anh em, H.Q. Phúc, T.V. Thơm … đã nhiệt tình cộng tác trong bản Việt ngữ này.

                                                                 Tháng 7. 2001

                                                   Lê Công Đức

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30