NHỮNG CHỮ THƯỜNG DÙNG NHẤT CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ:”GIÊSU”, “TẤT CẢ MỌI THỨ / TẤT CẢ MỌI NGƯỜI”

Written by xbvn on Tháng Mười Một 1st, 2013. Posted in Thế Giới, Xuân Tịnh

Tờ báo Ý “Vita. Tạp chí phi lợi nhuận” sắp sửa phổ biến một nghiên cứu về những từ ngữ thường sử dụng nhất của Đức Thánh Cha. “Vatican Insider” tiết lộ về nội dung nầy.

Một nghiên cứu về những từ ngữ thường được sử dụng nhất của Đức Thánh Cha sẽ có mặt trên các quầy báo ở Ý trong một tuần nữa (Thứ tư 6-11). Tờ tuần báo Ý phi lợi nhuận Vita đã thực hiện một nghiên cứu về những từ ngữ Đức Phanxicô đã dùng thường ngày kể từ khi ngài được bầu chọn, cho tới tận ngày 10 tháng mười.

Giám đốc tuần báo Vita, ông Giuseppe Frangi viết: “Những lời nói của Đức Thánh Cha được hóa thân nơi ngài. Chúng nói lên rất nhiều, hầu như mọi thứ, về ngài. Chúng khắc họa hình ảnh của ngài trước con mắt của thế giới, không chỉ trước mắt của những người tín hữu. Chúng tôi có những con số để chứng minh điều nầy: chúng tôi thu thập tất cả những bài phát biểu của Đức Thánh Cha đã thực hiện cho đến ngày 10 tháng mười, phân chia chúng theo từng loại -những cuộc tiếp kiến, cầu nguyện lúc đọc kinh Truyền Tin, bài giảng và diễn văn trong các cuộc viếng thăm- và chúng tôi cho máy tính làm việc. Các kết quả cho thấy trước sau như một rằng Đức Thánh Cha là điều mà ngài nói. Ngoài chữ “Giêsu” ra, hạn từ thường được lặp lại nhất là “tất cả mọi người / tất cả mọi thứ”.

Cuộc nghiên cứu phát hiện 936 lần lặp lại (“tất cả mọi thứ / tất cả mọi người”) trong 106 ngàn từ đã được Đức Thánh Cha nói ra cho đến tận 10 tháng mười. Việc nầy không bao gồm các sứ điệp được viết đã phổ biến và Thông điệp ngài cùng viết với Đức Bênêđictô XVI. Điều đó có nghĩa rằng có một từ ấy thường được lặp lại trong mỗi 110 chữ được nói ra. Còn hơn cả một tầm nhìn của sự việc, những chữ “tất cả mọi thứ / tất cả mọi người” làm điều kiện cho tất cả các từ khác và Đức Thánh Cha dùng chìa khóa nầy để phá vỡ các rào cản và mở toang các cánh cửa.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng dùng “tất cả mọi thứ / tất cả mọi người” thường xuyên trong các bài giảng của ngài: những chữ nầy được lặp lại nhiều đến 316 lần.

Một khía cạnh quan trọng khác đã được thấy từ cuộc nghiên cứu nầy là Đức Thánh Cha thường xuyên sử dụng các dấu hỏi vốn cũng chứa đầy ý nghĩa và tầm quan trọng như bất cứ từ ngữ nào. Đức Phanxicô sử dụng các câu hỏi trong mọi lúc. Tạp chí Vita viết: “Ngài đặt câu hỏi cho chính mình và cho người nghe… 614 dấu hỏi được tìm thấy và đó là không tính đến các bài giảng ở Nhà Thánh Matta.”

“Bước đi” và “đi” là những từ rất thường được sử dụng khác (217 và 215 tương ứng) và chủ yếu có mặt trong các bài phát biểu lúc tiếp kiến của Đức Thánh Cha, trong các bài giáo lý của ngài. Giám đốc tờ Vita nói: “Đây là những động từ đã trở thành chìa khóa để đọc các văn bản kinh thánh. Kitô giáo của Đức Thánh Cha Phanxicô cốt yếu là về việc bước đi và đi. Chúng là những giới từ chỉ nơi chốn và hướng đi.” Sau đó có những động từ khác như “đi ra” và “bước theo” vốn là hậu quả hợp lý của hai động từ trước. Đức Thánh Cha Phanxicô không có ý định dùng chữ “đi” theo nghĩa một con đường bên trong mà là một chữ “đi” vật lý ra ngoài biên lề của xã hội, đặc biệt đến “những vùng ngoại vi của đời sống”. “Những vùng ngoại vi của đời sống” và “vật loại thải” là những từ khác được dùng với sự sắc sảo đến nổi chúng là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về xác thân của người nếm trải chúng.”

Với Đức Phanxicô, có rất nhiều từ “thấy”, “nhìn”, “lắng nghe” và “nghe”. Cuộc nghiên cứu của tờ Vita sẽ bao gồm một số các bảng ghi lại tất cả những từ ngữ thường dùng và số liệu liên quan với chúng. Mẫu nghiên cứu cũng phân tích chữ “không” của Đức Phanxicô, nghĩa là những chữ ngài dùng như lời cảnh báo. “Tán nhảm” và “than phiền” có đến 42 và 37 lần tương ứng.

Một trong những phát hiện quan trọng nhất của cuộc nghiên cứu là khuynh hướng của Đức Thánh Cha với việc sử dụng từ mới. Trong cuộc phỏng vấn của ngài với cha Sparado, được phổ biến trên nhật báo tiếng Ý của Dòng Tên Civiltà Cattolica, Đức Phanxicô đã nói: “Cầu nguyện đối với tôi luôn luôn là một sự cầu nguyện đầy ký ức, hồi tưởng”. Ông Frangi viết, “Cách dùng từ mới nầy là một sự giải thích hoàn hảo về chất liệu của cầu nguyện: đó là ký ức của một lịch sử, của những điều nhận được, nhưng trên tất cả thực tế là ‘Tôi có thể quên lãng về Chúa nhưng tôi biết rằng Ngài không bao giờ lãng quên tôi. Trên tất cả, tôi biết tôi ở trong trí nhớ của Chúa’.”

Khi nói chuyện với một nhóm bác sĩ phụ khoa Công Giáo vào ngày 20-9 vừa qua, Đức Thánh Cha đã không tạo nên một từ mới như thế nhưng đã dùng một hạn từ lạ vốn không còn được sử dụng. “Đã có một thời người phụ nữ giúp đỡ việc sinh nở được gọi là “comade” (“mẹ đỡ đầu” [đồng làm mẹ, cô đỡ]): giống như một người mẹ với người mẹ khác, với người mẹ thật. Các bạn cũng thế, là những người “đồng làm mẹ” và “đồng làm cha”, Đức Phanxicô đã nói trong bài phát biểu của ngài với họ. Sau đó cũng có chữ “primerear” tiếng Tây Ban Nha được dùng để nhấn mạnh rằng Chúa đến trước và Ngài có thể thấy trước mọi hành động của con người. Việc sử dụng từ mới là một dấu hiệu nói lên hai điều, ông Frangi kết luận: “Thứ nhất, đối với ngài sự sáng tạo là một phần vô cùng thú vị của hoạt động truyền giáo và mục vụ, và thứ hai là nhiều khi Thiên Chúa hiện diện trong thế giới theo những cách thức không thể diễn tả tương xứng bằng những từ ngữ. Nó giống như một cơn chấn động gởi đi những gợn sóng lăn tăn qua đời sống và do đó thông qua ngôn ngữ.”

XT (theo Vatican Insider)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31