PHỎNG VẤN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ: “GIÁO HỘI LÀ MỘT BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN”

Written by xbvn on Tháng Chín 21st, 2013. Posted in Thế Giới, Xuân Tịnh

Giám đốc tờ tạp chí bằng tiếng Ý Civiltà Cattolica của Dòng Tên và những tạp chí thuộc Dòng Tên khác từ khắp thế giới phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô: “Chúng ta không thể chỉ tập trung vào những vấn đề liên quan đến phá thai, hôn nhân đồng tính và ngừa thai”

“Tôi có thể nhìn thấy rõ ràng rằng những gì Giáo Hội cần hôm nay là khả năng hàn gắn những vết thương và sưởi ấm tâm hồn của người tín hữu, cần thiết phải ở bên cạnh họ. Tôi thấy Giáo Hội như một bệnh viện dã chiến sau chiến trận. Thật vô nghĩa khi hỏi một bệnh nhân bị thương trầm trọng rằng mỡ hay đường trong máu anh ta có cao hay không! Chính những vết thương của anh ta cần được chữa trị. Cái gì còn lại chúng ta có thể nói đến sau. Bây giờ chúng ta phải nghĩ đến chuyện chữa trị những vết thương đó. Và chúng ta cần phải bắt đầu từ ngọn nguồn”.

Đây là điểm then chốt của cuộc phỏng vấn dài 29 trang của Đức Phanxicô với giám đốc tạp chí bằng tiếng Ý Civiltà Cattolica, Cha Antonio Sparado. Cuộc phỏng vấn đã dàn trải trong ba ngày (19,23 và 29 Tháng tám) và kéo dài trong 6 tiếng đồng hồ. Đức Jorge Mario Bergoglio đã vẽ một chân dung tự họa chưa từng thấy về chính mình, phân tích vai trò của Giáo Hội hôm nay và đưa ra những ưu tiên trong hoạt động mục vụ.

Những giá trị không thể thương lượng không phải là điểm tập trung duy nhất của Giáo Hội

“Chúng ta không thể chỉ chấn mạnh vào những vấn đề liên quan đến phá thai, hôn nhân đồng tính và sự sử dụng những phương pháp ngừa thai’ Điều nầy là không thể. Tôi đã không nói nhiều về những điều nầy, và tôi bị trách cứ về chuyện đó. Nhưng khi chúng ta nói về những vấn đề nầy, chúng ta phải trình bày chúng trong một bối cảnh. Giáo huấn của Giáo Hội, cho vấn đề đó, thì rõ ràng và tôi là một người con của Giáo Hội, nhưng không phải là cần thiết để dành tất cả thời gian nói về những vấn đề nầy. Rao giảng trong phong cách truyền giáo nhắm vào các yếu tố bản chất, vào những điều cần thiết: đây cũng là điều gì mê hoặc và thu hút hơn, điều làm cho trái tim bùng cháy, như nó đã làm cho các môn đệ trên đường E-mau”. “Nhiều khi Giáo Hội tự khóa chặt mình trong những điều nhỏ nhặt, trong những luật lệ hẹp hòi. Điều quan trọng nhất là việc rao giảng trước hết: Chúa Giêsu Kitô đã cứu các bạn. Và các thừa tác viên của Giáo Hội trên tất cả phải là những thừa tác của lòng thương xót.” “Nhưng việc công bố tình yêu cứu độ của Thiên Chúa đến trước những mệnh lệnh đạo đức và tôn giáo. Ngày nay có vẻ như là cái thứ tự ngược lại đang thắng thế.”

Một lời về đồng tính

Đức Thánh Cha nói “Chúng ta phải loan báo Tin Mừng trên mọi góc đường phố, rao giảng tin vui của Nước Trời và chữa lành mọi thứ bệnh tật và thương tích ngay cả với lời rao giảng của chúng ta. Ở Buenos Aires tôi đã từng nhận được một bức thư của những người đồng tính, họ bị ‘tổn thương về mặt xã hội’ bởi vì họ nói với tôi rằng họ cảm thấy có vẻ như Giáo Hội đã luôn lên án họ. Nhưng Giáo Hội không muốn làm điều nầy. Trong chuyến bay trở về Rio de Janeiro tôi đã nói rằng nếu một người đồng tính có thiện chí và đang tìm kiếm Thiên Chúa thì tôi không phải là người để phán xét họ. Với cách nói nầy, tôi đã nói điều mà giáo lý trình bày. Tôn giáo có quyền bày tỏ ý kiến của mình trong việc phục vụ người dân, nhưng Thiên Chúa trong sự sáng tạo đã để chúng ta tự do: không thể can thiệp bằng tinh thần vào đời sống của một con người”.

“Tôi chắc chắn về một điều: rằng Thiên Chúa ở trong cuộc sống của mọi con người”

“Những người mà ngày nay luôn tìm kiếm các giải pháp kỷ luật, những người mong mỏi một ‘sự an toàn’ của học thuyết phóng đại, những người cách bướng bĩnh cố gắng phục hồi một quá khứ không còn tồn tại nữa -họ có một cái nhìn tĩnh và được hướng dẫn từ bên trong về sự vật. Theo cách nầy, đức tin trở thành một hệ tư tưởng giữa các hệ tư tưởng khác. Tôi có một sự chắc chắn về mặt tín lý: Thiên Chúa ở trong đời sống của mọi con người. Thiên Chúa ở trong cuộc sống của mọi người. Ngay cả khi cuộc sống của một người đã là một thảm họa, ngay cả khi nó bị hủy hoại bởi các thói xấu, ma túy hay bất cứ điều gì khác- Thiên Chúa cũng ở trong cuộc sống của con người nầy. Bạn có thể, bạn cần phải cố gắng tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi cuộc sống của con người. Mặc dù đời sống của một người là một mảnh đất đầy gai góc và cỏ dại, luôn có một không gian trong đó hạt giống tốt có thể mọc lên. Bạn phải tin tưởng vào Thiên Chúa.”

Thiên Chúa thì lớn hơn tội lỗi

“Chúng ta đối xử với dân của Chúa thế nào? Tôi mơ về một Giáo Hội là một người mẹ và là người chăn cừu. Những thừa tác viên của Giáo Hội phải nhân từ, có trách nhiệm với người dân và cùng đồng hành với họ như người Samaria tốt lành, ông rửa ráy, lau sạch và nâng đỡ người bên cạnh mình. Đây là Tin Mừng tinh tuyền. Thiên Chúa thì lớn hơn tội lỗi. Những cải cách về cơ cấu và tổ chức là thứ yếu -nghĩa là chúng sẽ đến sau. Sự cải cách đầu tiên phải là thái độ. Các thừa tác viên của Tin Mừng phải là những người có thể sưởi ấm cõi lòng của người dân, họ đi qua đêm đen với dân, họ biết cách để đối thoại và để hạ mình vào đêm tối của dân mình, vào bóng tối, nhưng không bị lạc lối. Dân của Chúa muốn các vị mục tử, không phải là giáo sĩ hành động như các thư lại hoặc viên chức chính phủ. Đặc biệt, các giám mục phải có khả năng hỗ trợ các hoạt động của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài với lòng kiên nhẫn, để không một ai bị bỏ lại đàng sau. Nhưng họ cũng cần phải có khả năng để đồng hành cùng với đoàn chiên và có một sự tinh tế để tìm ra những đường hướng mới.”

Giáo hội là dân Thiên Chúa

“Người dân tự họ tạo thành một chủ thể. Và Giáo Hội là dân Thiên Chúa đang trên hành trình qua lịch sử, với những niềm vui và những nỗi buồn. Do đó, suy nghĩ cùng với Giáo Hội là cách của tôi để trở nên một phần của dân nầy. Và tất cả các tín hữu, xét như là một toàn thể, thì không thể sai lầm trong các vấn đề đức tin, và dân Chúa biểu lộ infallibilitas in credendo, đức tin bất khả ngộ này, qua một cảm thức siêu nhiên của đức tin của tất cả mọi người cùng đi với nhau… Giáo Hội nầy mà chúng ta cần suy nghĩ với nó là nhà của tất cả, không phải là một nhà nguyện nhỏ chỉ chứa đựng một nhóm nhỏ của những người được lựa chọn. Chúng ta không thể giản lược tấm lòng của Giáo Hội phổ quát thành một tổ chim để bảo vệ những điều tầm thường của chúng ta”.

“Tôi là một tội nhân”

“Tôi là một tội nhân mà Chúa đã đoái nhìn. Đây là điều mà tôi đã nói khi họ hỏi tôi rằng tôi có chấp nhận được bầu chọn làm giáo hoàng không”.

Cải cách cần thời gian

“Nhiều người nghĩ rằng những thay đổi và cải cách có thể diễn ra trong một thời gian ngắn. Tôi nghĩ rằng chúng ta luôn cần thời gian để đặt nền tảng cho sự thay đổi thực tế và hữu hiệu. Và đây là thời gian để biện phân. Đôi khi sự biện phân thay vì thúc đẩy chúng ta làm chính xác điều mà bạn đã nghĩ đến trước, bạn lại có thể làm sau. Và đó là những gì đã xảy ra với tôi trong những tháng gần đây.”

Tại sao tôi rảo quanh trong một chiếc xe bình thường

“Sự biện phân luôn được thực hiện trong sự hiện diện của Chúa, khi nhìn vào các dấu chỉ, lắng nghe những chuyện xảy ra, cảm xúc của người dân, đặc biệt là người nghèo. Những lựa chọn của tôi, gồm cả những gì liên quan đến các lãnh vực thường ngày của đời sống, như việc sử dụng một chiếc xe khiêm tốn, thì liên quan đến một sự biện phân thần khí đáp ứng cho một nhu cầu phát sinh từ việc nhìn vào sự vật, vào con người và từ việc đọc các dấu chỉ của thời đại. Biện phân trong Chúa hướng dẫn tôi trong cách thức tôi quản trị”.

Tôi không có kỷ luật. Tôi được sinh ra theo cách đó

Đây là điều Đức Phanxicô đã nói về Dòng Tên: “Ba điều đặc biệt gây ấn tượng với tôi về Hội Dòng: tinh thần truyền giáo, cộng đoàn và kỷ luật. Và điều này thật lạ lùng, bởi vì tôi thực sự, thực sự là một người vô kỷ luật. Nhưng kỷ luật của họ, cách thức họ quản lý thời gian của mình -những điều nầy gây ấn tượng cho tôi rất nhiều.”

Một người thực hiện quyết định không ở cánh hữu

“Trong kinh nghiệm của tôi là bề trên của Dòng, thành thực mà nói, tôi đã không luôn cư xử theo cách đó –nghĩa là, tôi đã không luôn có sự tham vấn cần thiết. Và đây không phải là một điều tốt. Phong cách quản trị của tôi như một tu sĩ Dòng Tên lúc ban đầu đã có nhiều khiếm khuyết… Bởi vì điều nầy tôi thấy mình được làm bề trên Tỉnh Dòng khi còn rất trẻ. Khi tôi mới 36 tuổi. Điều đó thật điên khùng. Tôi đã phải đối phó với những tình huống khó khăn, và tôi đã thực hiện các quyết định của mình cách đột ngột và tự ý… Cách thức thực hiện các quyết định độc đoán và nhanh chóng của tôi dẫn tôi đến những vấn đề trầm trọng và bị cáo buộc là bảo thủ cực đoan. Tôi đã sống một thời gian khủng hoảng nội tâm lớn lao khi ở Cordova. Thực ra, tôi chưa bao giờ giống như Chân phước Imelda [một người luôn gắng tỏ ra đạo đức], nhưng tôi chưa bao giờ là cầu thủ chạy cánh phải.”

Tôi muốn sự tham vấn thực sự, không mang tính lễ nghi

Nhưng bây giờ tôi nghe một số người nói với tôi: ‘Đừng tham vấn quá nhiều, và hãy tự quyết định’. Thay vào đó, tôi tin rằng sự tham khảo ý kiến là rất quan trọng. Ví dụ, các mật nghị [của các Hồng y], các Thượng Hội đồng [của các Giám mục], là những nơi quan trọng để thực hiện sự tham vấn thực sự và tích cực nầy. Nhóm cố vấn tám vị Hồng y, nhóm ‘người bên ngoài’ để tư vấn nầy, không chỉ là quyết định của tôi, nhưng đó là kết quả ý muốn của các Hồng y, như nó được bày tỏ trong những buổi họp khoáng đại trước mật nghị bầu giáo hoàng. Và tôi muốn thấy rằng đó là một sự tham vấn thực sự, không có tính nghi thức.”

Tôi thấy giáo triều thế nào

“Các bộ phận của giáo triều là để phục vụ Đức Thánh Cha và các Giám mục”, ngài nói. “Chúng phải giúp cả những giáo hội riêng biệt và các Hội đồng Giám mục. Chúng là công cụ để giúp đỡ. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, khi chúng không hoạt động tốt, chúng có nguy cơ trở thành các cơ quan kiểm duyệt. Thật ngạc nhiên khi thấy các tố cáo vì thiếu chính thống đến với Roma. Tôi nghĩ các trường hợp cần được điều tra bởi các Hội đồng Giám mục địa phương, chúng có thể nhận được sự hỗ trợ giá trị từ Roma. Thực ra các trường hợp nầy được xử lý tốt hơn ở địa phương. Những bộ phận ở Roma là trung gian; chúng không phải là trọng tài hay người quản lý”.

Phụ nữ trong Giáo Hội

“Tôi cảnh giác với một giải pháp có thể được giản lược đến một thứ ‘uy quyền nữ giới’, bởi vì một người phụ nữ có một bản chất khác biệt so với đàn ông. Nhưng những gì tôi nghe về vai trò của nữ giới thì thường được gợi hứng bởi ý thức hệ về uy quyền. Những người phụ nữ đang đặt những câu hỏi sâu sắc cần phải được giải đáp. Giáo Hội không thể là chính mình nếu không có người phụ nữ và vai trò của cô ấy. Người phụ nữ thì cần thiết cho Giáo Hội. Mẹ Maria, một phụ nữ, thì quan trọng hơn các giám mục. Tôi nói điều nầy bởi vì chúng ta không được lẫn lộn giữa chức năng và phẩm giá. Do đó chúng ta phải xem  xét sâu xa hơn về vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội. Chúng ta phải làm việc tích cực hơn để phát triển một nền thần học sâu sắc về người phụ nữ. Chỉ bằng cách thực hiện bước nầy mới có thể suy nghĩ về chức năng của họ ở trong Giáo Hội. Thiên tư của người phụ nữ thì cần thiết ở bất cứ nơi đâu mà chúng ta thực hiện những quyết định quan trọng.”

Công Đồng và Thánh lễ cũ

Đức Thánh Cha nói: “Vatican II là một sự đọc lại Tin Mừng trong ánh sáng của nền văn hóa đương đại. Vatican II đã tạo ra một phong trào đổi mới mà cách đơn giản đến từ cùng một Tin Mừng. Hoa trái của nó thật lớn lao. Chỉ cần nhớ lại nền phụng vụ. Công việc cải cách phụng vụ đã là một sự phục vụ cho người dân như một việc đọc lại Tin Mừng từ một hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Vâng, có sự chú giải về sự liên tục và không liên tục, nhưng một điều rõ ràng: tính năng động của việc đọc Tin Mừng, khi hiện thực hóa sứ điệp của nó cho ngày hôm nay –đó là điển hình của Vatican II- là hoàn toàn không thể đảo ngược. Sau đó có những vấn đề đặc biệt, như phụng vụ theo Vetus Ordo (việc sử dụng các hình thức bất thường). Tôi nghĩ quyết định của Đức Thánh Cha Bênêđictô [quyết định của ngài ngày 7-7-2007, cho phép sử dụng rộng rãi hơn Thánh lễ Tridentinô] là khôn ngoan và được thúc đẩy bởi lòng mong muốn giúp những người có sự nhạy cảm nầy. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nguy cơ có thể chuyển thành ý thức hệ của Vetus Ordo, sự khai thác của nó.

Khi ai đó nói họ có câu trả lời cho mọi sự, Thiên Chúa không ở với họ

“Nếu một người nói rằng anh ta đã gặp được Thiên Chúa với sự chắc chắn hoàn toàn và không hề bị động chạm bởi một mảy may nghi ngờ, như thế điều nầy không tốt. Với tôi, đây là một chìa khóa quan trọng. Nếu một người có câu trả lời cho tất cả mọi vấn đề -đó là bằng chứng Thiên Chúa không ở cùng anh ta. Nó có nghĩa rằng anh ta là một tiên tri giả đang sử dụng tôn giáo cho lợi ích bản thân. Những vị lãnh đạo vĩ đại của dân Chúa, như ông Môisen, đã luôn luôn dành chỗ cho sự nghi ngờ. Bạn phải dành chỗ cho Thiên Chúa, không phải cho sự chắc chắn của chúng ta; chúng ta cần phải khiêm tốn. Sự không chắc chắn thì ở trong mọi sự biện phân đúng đắn, đó là mở ra để tìm được sự xác định trong niềm an ủi thiêng liêng”.

Học thuyết không phải là một khối đá cần được bảo vệ

“Có những luật lệ và giáo huấn của Giáo Hội đã từng có hiệu lực, nhưng nay chúng đã bị mất giá trị và ý nghĩa. Quan điểm về giáo huấn của Giáo Hội như một khối đá cần bảo vệ mà không có sắc thái và những sự hiểu biết khác là sai lầm. Ngay cả những hình thức để diễn tả sự thật cũng có thể là đa dạng, và quả thật điều nầy là cần thiết cho việc chuyển tải Tin Mừng trong ý nghĩa vượt thời gian của nó.”

Sự nguy hiểm của một đức tin của phòng thí nghiệm

“Luôn có mối nguy hiểm đang rình rập của việc sống trong một phòng thí nghiệm. Đức tin của chúng ta không phải là một ‘đức tin của phòng thí nghiệm’, nhưng là một ‘đức tin lữ hành’, một đức tin trong lịch sử. Thiên Chúa đã mạc khải chính mình như là lịch sử, không như một bản tóm tắt các chân lý trừu tượng. Tôi sợ các phòng thí nghiệm bởi vì trong phòng thí nghiệm bạn nắm lấy vấn đề và rồi bạn đem về nhà để thuần phục chúng, để mô tả chúng, ở bên ngoài bối cảnh của chúng. Bạn không thể đem về nhà cái thực tế mà bạn chưa từng trải nghiệm, nhưng bạn phải sống trên thực tế đó và phải táo bạo… Khi  đến với những vấn đề xã hội, có một cuộc họp để nghiên cứu vấn đề ma túy trong một khu ổ chuột là một chuyện; đi đến đó, sống ở đó và hiểu vấn đề ấy từ bên trong và nghiên cứu nó lại là một chuyện hoàn toàn khác”.

XT (theo Vatican Insider)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31