THÁNH TÊRÊSA BÊNÊĐÍCTA THÁNH GIÁ (EDITH STEIN) LÀ AI ?

Written by xbvn on Tháng Tám 9th, 2021. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Thế Giới, Tu sĩ, Tý Linh

Vào ngày 12/10/1891, khi Edith Stein được sinh ra ở Wroclaw (thời đó là Breslau), người con cuối cùng của 11 người con, thì gia đình của Thánh Nữ đang mừng lễ Yom Kippour (lễ Xá Tội), ngày đại lễ của người Do Thái. Ngày sinh này đối với Thánh Nữ hầu như là một lời tiên báo.

Cha của Thánh Nữ, một thương gia buôn gỗ, đã qua đời khi Thánh Nữ chưa tròn ba tuổi. Mẹ của Thánh Nữ, một người phụ nữ rất sùng đạo và rất đáng ngưỡng mộ, vẫn sống một mình và chăm sóc gia đình cũng như điều hành công việc kinh doanh ; thế nhưng bà không thành công trong việc duy trì nơi các con cái mình một đức tin sống động. Edith đã đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa : « Trong sự ý thức hoàn toàn và bằng một chọn lựa tự do, tôi đã ngừng cầu nguyện ».

Thánh Nữ tốt nghiệp trung học cách xuất sắc vào năm 1911 và bắt đầu học tiếng Đức và lịch sử tại Đại học Wroclaw, vì mục tiêu kiếm sống trong tương lai hơn là đam mê. Trên thực tế, triết học là mối quan tâm thực sự của Thánh Nữ. Thánh Nữ cũng quan tâm đến nhiều vấn đề liên quan đến nữ giới. Thánh Nữ gia nhập tổ chức « Hiệp hội Phổ về Quyền bầu cử của phụ nữ ». Về sau, Thánh Nữ viết : « Khi còn sinh viên trẻ, tôi từng là một nhà nữ quyền cấp tiến. Rồi vấn đề này đã mất đi sự quan tâm của tôi. Bây giờ tôi tìm kiếm những giải pháp hoàn toàn khách quan ».

Vào năm 1913, cô sinh viên Edith Stein đến Gôttingen để tham dự các lớp học của Edmund Husserl ở đại học ; cô trở thành đệ tử và trợ lý của ông và cũng hoàn thành luận án của mình với ông. Vào thời đó, Husserl đã thu hút công chúng với khái niệm chân lý mới mẻ của công : thế giới được nhận thức không chỉ tồn tại theo cách thức nhận thức chủ quan của Kant. Các đệ tử của ông đã hiểu triết học của ông như là một sự trở lại với cái  cụ thể. « Trở lại với khách quan luận ». Hiện tượng học đã đưa nhiều đệ tử của ông đến với đức tin Kitô giáo, mà ông không có ý định. Ở Gôttingen, Edith Stein đã gặp triết gia Max Scheler. Cuộc gặp gỡ này đã lôi kéo sự chú ý của cô đến đạo Công giáo. Thế nhưng cô không quên việc học vốn sẽ cung cấp lương thực cho cô trong tương lai. Vào tháng 1/1915, cô đã vượt qua kỳ thì cấp tiểu bang cách xuất sắc. Thế nhưng, cô đã không bắt đầu thời gian đào tạo chuyên nghiệp của mình.

Khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, Thánh Nữ đã viết: “ Bây giờ tôi không có cuộc sống của riêng mình”. Cô tham dự một khóa học y tá và làm việc trong một bệnh viện quân đội của Áo. Đối với cô, đó là khoảng thời gian khó khăn. Cô chăm sóc các bênh nhân ở khoa truyền nhiễm, làm việc trong phòng phẫu thuật, chứng kiến nhiều người chết khi còn tuổi thanh xuân. Khi bệnh viện quân đội đóng cửa vào năm 1916, cô theo Husserl đến Fribourg-en-Brisgau, ở đó vào năm 1917 cô lấy được luận án tiến sĩ “sum cum laudae” với tựa đề “Về vấn đề đồng cảm”.

Một ngày nọ xảy ra là cô có thể nhận thấy làm  thế nào một phụ nữ bình dân, với giỏ hàng  của mình, bước vào nhà thờ chánh tòa Francfort và dừng lại để cầu nguyện đôi chút. “Đối với tôi, đó đã là điều gì đó hoàn toàn mới mẻ. Trong các Hội đường Do Thái và ở các nhà thờ Tin Lành mà tôi thường lui tới, các tín hữu đi lễ. Thế nhưng trong hoàn cảnh này, một người đi vào một nhà thờ vắng vẻ, như thể đến một buổi hội thảo thân mật. Tôi đã không bao giờ quên những gì đã diễn ra”. Trong các trang cuối cùng của luận án của mình, Thánh Nữ viết: “Đã có những cá nhân mà, sau một sự thay đổi bất ngờ về tính cách của họ, đã tin là gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa”. Làm thế nào cô đã đi đến khẳng định này?

Edith Stein được liên kết bằng những mối liên hệ tình bạn sâu xa với trợ lý của Husserl ở Gôttingen, là ông Adolph Reinach, và với vợ của ông. Adoph Reinach qua đời ở Flandres vào tháng 11/1917. Edith đã đến Gôttingen. Vợ chồng Reinach đã trở lại với Tin Lành Luther.  Edith miễn cưỡng gặp góa phụ trẻ này. Với rất nhiều kinh ngạc, cô đã gặp một tín hữu.  « Đó là cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với thập giá và sức mạnh thần linh mà thập giá truyền cho những người vác nó […] Đó là khoảnh khắc mà sự vô đạo của tôi đã sụp đổ và Chúa Kitô đã tỏa sáng ». Về sau Thánh Nữ đã viết : « Những gì không nằm trong kế hoạch của tôi đều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Trong tôi có một niềm xác tín sâu xa rằng – nhìn từ phía Chúa – sự ngẫu nhiên không tồn tại ; tất cả cuộc đời của tôi, ngay cả trong những chi tiết nhỏ nhất, đã được vạch ra theo kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa và, đứng trước cái nhìn hoàn toàn rõ ràng của Thiên Chúa, nó biểu lộ một sự hiệp nhất trọn vẹn ».Vào mùa Thu năm 1918, Edith Stein không còn là trợ lý của Husserl, bởi vì cô muốn làm việc cách độc lập. Lần đầu tiên từ khi trở lại, Edith Stein đã đến thăm Husserl vào năm 1930. Cô đã thảo luận với ông về đức tin mới của mình. Rồi cô viết cách đáng ngạc nhiên : « Sau mỗi lần gặp gỡ khiến tôi cảm thấy không thể ảnh hưởng trực tiếp đến ông ấy, đặc tính cấp bách của hy lễ toàn thiêu của chính tôi trở nên sống động trong tôi ».

Edith Stein ao ước lấy được bằng cấp tư cách giảng dạy. Vào thời đó, đây là điều bất khả đối với một phụ nữ.  Husserl đã tuyên bố vào lúc cô nộp đơn : « Nếu sự nghiệp đại học có thể được tiếp cận bởi phụ nữ, thì tôi có thể nhiệt tình tiến cử cô ấy hơn bất kỳ người nào khác để được chấp nhận vào kỳ kiểm tra tư cách giảng dạy ». Về sau, người ta cấm cô tư cách này do nguồn gốc Do Thái của cô.

Edith Stein trở về Wroclaw. Cô viết các bài báo về tâm lý học và các môn nhân văn khác. Tuy nhiên, cô đọc Tân Ước, Kierkegaard và sách linh thao của thánh Inhaxicô Loyola. Cô nhận thấy rằng người ta không thể chỉ đọc một tác phẩm như thế, cần phải thực hành nó nữa.

Vào mùa Hè năm 1921, cô đến vài tuần ở Bergzabern (Palatinat), trong tài sản của Bà Hedwig Conrad-Martius, một đệ tử của Husserl. Cùng với chồng, Bà này đã trở lại với Giáo hội Tin Lành Phúc Âm. Một chiều nọ, Edith tìm thấy trong thư viện cuốn Tự thuật của thánh Têrêsa Avial. Cô đã đọc nó suốt đêm. “Khi tôi gấp sách lại, tôi tự nhủ: đây là chân lý”. Nhìn lại cuộc đời của mình, về sau cô sẽ viết: “Việc tìm kiếm chân lý của tôi là lời cầu nguyện duy nhất của tôi”.

Ngày 1/1/1922, Edith Stein được rửa tội. Cô đứng trước giếng rửa tội, mặc áo choàng trắng của bà Hedwig, mẹ đỡ đầu của cô. “Tôi đã ngừng thực hành Do Thái giáo và một lần nữa tôi cảm thấy mình là người Do Thái chỉ sau khi tôi trở về với Chúa”. Bây giờ cô sẽ luôn ý thức , không chỉ về  mặt trí tuệ nhưng còn cách cụ thể, thuộc về dòng dõi của Chúa Kitô. Vào ngày lễ Nến, cô đã lãnh nhận bí tích Thêm Sức từ Giám mục giáo phận Spire trong nhà nguyện riêng của ngài.

Sau khi trở lại, trước tiên có trở về Wroclaw. “Thưa mẹ, con là người Công giáo”. Cả hai bắt đầu khóc. Hedwig Conrad-Martius viết : « Tôi thấy hai người Israel và không ai thiếu chân thành” (x. Ga 1, 47).

Ngay sau khi trở lại, Edith ao ước vào dòng Cát Minh, nhưng những người đồng hành thiêng liêng với cô, Cha Tổng đại diện giáo phận Spire và Cha Erich Przywara, S.J., đã ngăn cản cô làm bước này. Cho đến lễ Phục sinh năm 1931, cô dạy tiếng Đức và lịch sử tại trường trung học và chủng viện cho các giáo viên của tu viện dòng Đa Minh ở Madeleine de Spire. Theo yêu cầu của cha Raphael Walzer, cô thực hiện các chuyến đi dài ngày để thuyết trình, nhất là về đề tài liên quan phụ nữ. “Trong khoảng thời gian ngay trước đó và cả thời gian dài sau khi tôi trở lại […] tôi đã nghĩ rằng sống một cuộc sống tu trì có nghĩa là từ bỏ mọi sự trần gian và chỉ sống theo  tư tưởng của Thiên Chúa. Thế nhưng, dần dần tôi ý thức rằng thế giới này đòi hỏi điều gì khác hơn từ chúng ta […]; tôi thậm chí tin rằng càng được Thiên Chúa lôi cuốn, thì càng phải ‘ra khỏi chính mình’, theo nghĩa hướng về thế giới để mang lại cho nó một lý do thần linh để sống”.

Vào năm 1931, cô kết thúc hoạt động ở Spire. Cô cố gắng một lần nữa lấy được tư cách giảng dạy để dạy tự do ở Wroclaw và Fribourg. Vô hiệu. Từ đó, cô viết một tác phẩm về các khái niệm chính yếu của thánh Tôma Aquinô : « Quyềng năng và hành động ». Về sau, cô sẽ biến khảo luận này thành tác phẩm chính của mình bằng cách soạn thảo nó dưới tựa đề « Hữu thể hữu hạn và Hữu thể vĩnh hằng », điều này được thực hiện trong tu viện Cát Minh ở Cologne. Điều luật về hậu duệ của Đức quốc xã khiến cô không thể tiếp tục hoạt động giảng dạy. « Nếu ở đây tôi không thể tiếp tục, thì ở Đức không còn khả năng nào cho tôi nữa ». « Tôi đã trở thành kẻ xa lạ trên thế giới ».

Vào năm 1933, bóng tối phủ xuống nước Đức. « Tôi đã nghe nói về những biện pháp khắc khe chống lại người Do Thái : nhưng bây giờ tôi chợt hiểu rằng Thiên Chúa một lần nữa đặt nặng tay trên dân tộc của Ngài  và số phận của dân tộc này cũng là số phận của tôi ».

Viện phụ Walzer de Beuron không còn ngăn cản cô vào dòng Cát Minh nữa. Năm 1933 cô trình diện Mẹ Bề trên của đan viện Cát Minh ở Cologne. « Không phải hoạt động của con người có thể giúp đỡ chúng ta, nhưng chỉ cuộc thương khó của Chúa Kitô. Tôi khao khát được tham dự vào cuộc thương khó này ».

Một lần nữa Edith Stein trở về Wroclaw để từ giã mẹ và gia đình. Ngày cuối cùng cô trải qua nơi nhà mình là ngày 12/10, ngày sinh nhật của cô và đồng thời là ngày Lễ Lều của người Do Thái. Edith cùng mẹ đến Hội đường. Đối với hai người phụ nữ này, đây không phải là một ngày dễ dàng. Mẹ của cô khóc và nói: « Tại sao con đã biết Ngài (Chúa Giêsu Kitô) ? Mẹ không muốn nói gì chống lại Ngài. Ngài là một người tốt lành. Nhưng tại sao Ngài tự cho mình là Thiên Chúa ? »

Sáng hôm sau, Thánh Nữ đã đón xe lửa đến Cologne. Thánh Nữ viết : « Tôi đã không thể vào dòng với một niềm vui sâu xa. Những gì tôi đã để lại đằng sau tôi là quá kinh khủng. Nhưng tôi rất bình tâm – trong sự mật thiết với ý muốn của Thiên Chúa ».

Ngày 14/10, Edith Stein vào đan viện Cát Minh ở Cologne. Vào năm 1934, ngày 14/4, đó là ngày Thánh Nữ mặc áo dòng. Viện Phụ de Beuron cử hành thánh lễ. Từ giây phút này, Edith Stein sẽ mang tên nữ tu Têrêsa Bênêđícta Thánh Giá.Năm 1938, Thánh Nữ viết : « Dưới Thập giá, tôi đã hiểu số phận của dân Thiên Chúa mà lúc đó (1933) đã bắt đầu được loan báo. Tôi đã nghĩ rằng dân tộc này hiểu rằng đó là Thập giá của Chúa Kitô, mà họ phải chấp nhận nhận nhân danh tất cả các dân tộc khác. Chắc chắn rằng ngày nay tôi hiểu hơn về những điều này, làm hiền thê của Chúa dưới dấu chỉ Thập giá nghĩa là gì. Thế nhưng, họ sẽ không bao giờ có thể hiểu tất cả điều đó, bởi vì đó là một huyền nhiệm ».

Vào ngày 21/4/1935, Thánh Nữ khấn tạm. Ngày 14/9/1936, vào lúc Thánh Nữ khấn lại, mẹ của Thánh Nữ đã qua đời ở Wroclaw. Thánh Nữ viết : « Cho đến cuối đời, mẹ tôi vẫn trung tín với tôn giáo của mình. Nhưng vì đức tin và sự tin của người vào Thiên Chúa […] là điều tối hậu trong cơn hấp hối của  người, nên tôi tin rằng mẹ đã tìm được một vị thẩm phán rất khoan dung và bây giờ mẹ là người trợ giúp trung thành nhất của tôi, để tôi cũng có thể đạt được mục đích ».

Trên tấm hình ngày tuyên khấn trọn đời của Thánh Nữ 21/4/1938, Thánh Nữ đã cho in những lời của thánh Gioan Thánh Giá, một vị thánh mà Thánh Nữ sẽ viết tác phẩm cuối cùng của mình : « Từ nay nhiệm vụ duy nhất của tôi sẽ là tình yêu ».

Việc Edith Stein vào dòng Cát Minh không phải là một cuộc chạy trốn. Thánh Nữ đã viết : « Ai vào dòng Cát Minh không bị mất đi đối với người thân của mình, nhưng họ còn gần gũi hơn nữa ; nó là như thế bởi vì đó là nhiệm vụ của chúng tôi là phải giãi bày cho Thiên Chúa về tất cả mọi người ». Đặc biệt Thánh Nữ đã giãi bày cho Thiên Chúa về dân tộc của mình. « Tôi phải tiếp tục nghĩ đến hoàng hậu Esther, người đã bị cất đi khỏi dân tộc của mình để giãi bày về điều đó trước mặt đức vua. Tôi là một Esther nhỏ bé và yếu đuối nhưng Đức Vua, Đấng đã kêu gọi tôi thì vô cùng lớn lao và giàu lòng thương xót. Đó là sự an ủi lớn lao nhất của tôi » (31/10/1938).

Ngày 9/11/1938, sự hận thù của Đức quốc xã đối với người Do Thái đã được phơi bày cho toàn thế giới. Các Hội đường Do Thái bị đốt. Sự kinh hoàng lan rộng nơi người Do Thái. Mẹ Bề trên dòng Cát Minh ở Cologne đã tìm mọi cách để đưa Thánh Nữ ra nước ngoài. Trong đêm 1/1/1939, Thánh Nữ đã vượt qua biên giới Hà Lan và được đưa đến đan viện Cát Minh ở Echt. Và ở nơi này Thánh Nữ đã viết di chúc vào ngày 9/6/1939 : « Bây giờ tôi đã vui mừng chấp nhận, trong sự phục tùng hoàn toàn và theo thánh ý của Ngài, cái chết mà Thiên Chúa đã định cho tôi. Tôi cầu xin Chúa chập nhận sự sống và sự chết của tôi […] để Chúa được nhận ra bởi những người thân thuộc và triều đại Ngài được biểu lộ bằng tất cả sự cao cả của mình vì phần rỗi của nước Đức và hòa bình trên thế giới ».

Ngày 2/8/1942, Gestapo đã đến. Edith Stein đang ở trong nhà nguyện, cùng với các nữ tu khác. Trong vòng chưa đầy 5 phút, Thánh Nữ đã phải trình diện, cùng với chị Rose của mình, người cũng đã được rửa tội trong Giáo hội Công giáo và làm việc nơi các nữ tu Cát Minh ở Echt. Những lời cuối cùng của Edith Stein mà người ta đã nghe ở Echt được nói với chị mình : « Nào, chúng ta ra đi vì dân tộc của chúng ta ».

Cùng với nhiều người Do Thái khác trở lại Kitô giáo, hai chị em đã được đưa đến trại tập trung Westerbork. Đây là một sự trả thù đối với sứ điệp phản đối của các Giám mục Hà Lan chống lại chương trình và đày đi giam người Do Thái. « Việc con người có thể trở nên như thế, tôi đã không bao giờ hiểu được điều đó và các chị em tôi và anh em tôi phải chịu đau khổ nhiều, điều đó tôi cũng thực sự chưa bao giờ hiểu được […] ; mỗi giờ tôi cầu nguyện cho họ. Thiên Chúa có lắng nghe lời nguyện cầu của tôi không ? Thế nhưng cách xác tín, Ngài lắng nghe những tiếng kêu khóc của họ ». Về sau, giáo sư Jan Nota, người có liên hệ với Thánh Nữ, đã viết : « Đối với tôi, trong một thế giới chối bỏ Thiên Chúa, Thánh Nữ là một chứng nhân về sự hiện diện của Thiên Chúa ».

Vào rạng sáng ngày 7/8/1942, một đoàn xe chở 987 người Do Thái khởi hành trực chỉ Auschwitz. Vào ngày 9/8/1942, Edith Stein, cùng với chị Rose của mình và nhiều người Do Thái khác, đã chết trong các phòng hơi ngạt của  trại Auschwitz.

Với việc phong chân phước cho Thánh Nữ trong nhà thờ Chánh tòa Cologne, ngày 1/5/1987, Giáo hội đã tôn kính, như Đức Gioan-Phaolô II đã nói, « một nữ tử của Israel, mà trong suốt thời gian bách hại của Đức quốc xã vẫn kết hiệp trong đức tin và tình yêu với Chúa chịu đóng đinh, Đức Giêsu Kitô, như một người Công giáo, và với dân tộc của Thánh Nữ như một người Do Thái ».

Thánh Têrêsa Bênêđícta Thánh Giá là một trong sáu vị thánh bổn mạng của Châu Âu. Ngày lễ kính nhớ Thánh Nữ là ngày 9/8 hằng năm.

Tý Linh

(theo vatican.va , hình ảnh: internet)

 

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31