TÌM HIỂU HUẤN QUYỀN CỦA GIÁO HỘI

Written by xbvn on Tháng Năm 27th, 2024. Posted in Thế Giới, Tín lý, Tý Linh

Vài trò của huấn quyền trước tiên là để giải thích Lời Chúa, nhưng cũng để bảo vệ đức tin và nội dung đức tin chống lại những lối giải thích sai lạc. Huấn quyền có thể diễn đạt dưới những hình thức khác nhau, mà các cấp độ long trọng của nó thay đổi tùy theo đó. Điều này có nghĩa là tất cả những gì do hàng giáo phẩm phát biểu đều không có cùng một giá trị, cùng một cấp độ thẩm quyền.

Huấn quyền là gì ?

Trước tiên, cần phân biệt rõ những gì là huấn quyền và những gì không phải huấn quyền. Huấn quyền là một quyền bính giảng dạy về mặt giáo thuyết. « Hãy đi giảng dạy cho muôn dân » : đó là nhiệm vụ được Chúa Kitô giao phó cho các Tông đồ. Và chính nhân danh Ngài mà Giáo hội ngày nay nhìn nhận chính quyền bính này cho các Giám mục và Đức Giáo hoàng, cũng như cho những người mà Đức Giáo hoàng và các Giám mục ủy quyền : linh mục, thần học gia, giáo lý viên…Nó hệ tại một chức năng được thiết lập nhân danh Giáo hội.

Huấn quyền này trước hết hệ tại giải thích Lời Chúa, trong một viễn ảnh truyền giáo. Tiếp đến là bảo vệ đức tin và nội dung của đức tin chống lại những lệch lạc và những lối giải thích sai lầm. Đó là một vai trò giáo thuyết. Tại sao giáo  huấn này là cần thiết ? Tại sao không dừng lại ở các Tin Mừng ? Đó là vì chính những Tin Mừng này được trao cho chúng ta qua sự trung gian của Giáo hội, chúng không phải « từ trời rơi xuống ». Giữa lòng Giáo hội tìm cách hiểu Lời Chúa này, đó là lý do hiện hữu của huấn quyền của Đức Giáo hoàng và của các Giám mục : duy trì Giáo hội trong đức tin tinh tuyền do các Tông đồ truyền lại.

Đâu là những văn kiện của huấn quyền ?

Hầu như có thể nói : tất cả những văn kiện nào không liên quan đến một biện pháp cá nhân. Do đó lãnh vực là rất rộng. Nhưng những văn kiện này không có cùng uy quyền, cùng sự long trọng : không có gì có thể so sánh giữa một vài câu do Đức Giáo hoàng tuyên bố lúc đọc Kinh Truyền Tin và một thông điệp hay một thông cáo của Bộ Giáo lý Đức tin. Những câu này không phải là không thuộc huấn quyền và chúng thường lấy lại những yếu tố nền tảng của đức tin. Đức Bênêđictô XVI luôn thực thi trách nhiệm hàng đầu này, sự phục vụ giáo huấn mà ngài yêu thích. Nhưng ngài phải thực thi điều đó với tư cách là Giáo hoàng : do đó, cuốn sách mà Đức Hồng y Ratzinger viết về Chúa Giêsu không thuộc về huấn quyền của Giám mục Rôma. Huấn quyền long trọng bao gồm việc công bố một văn kiện long trọng, một học thuyết phải giữ về mặt đức tin hay luân lý, cách dứt khoát,  bởi Đức Giáo hoàng hay bởi công đồng. Chẳng hạn việc công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vào năm 1854, hay tính bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng vào năm 1870. Đức Giáo hoàng phải tuyên bố từ ngai tòa của mình (ex cathedra), nghĩa là từ ngai tòa của đấng kế vị thánh Phêrô.

Truyền thống phân biệt huấn quyền long trọng và thông thường. Trong trường hợp này Đức Giáo hoàng và công đồng được hưởng ơn vô ngộ. Ơn này được dành riêng cho một vài trường hợp hiếm hoi và hạn chế. Huấn quyền thông thường bao gồm phần còn lại :  các văn kiện thông thường của Đức Giáo hoàng, nhưng cũng của các Giám mục nữa tập hợp trong công đồng hay các Giám mục nơi giáo phận của các ngài. Huấn quyền thông thường này có thể cũng tỏ ra rất quan trọng.

Đối với Đức Giáo hoàng, các bản văn này có những hình thức đa dạng : thông thường, ngài thực thi huấn quyền qua những diễn văn, thư, bài giảng, hay các buổi tiếp kiến. Hoặc theo cách long trọng hơn, qua những bản văn có tầm quan trọng chung như các thông điệp hay tông huấn. Đôi khi Đức Giáo hoàng tham khảo các Giám mục về một số điểm : đó là trường hợp các tông huấn lấy lại những kết luận của Thượng Hội đồng Giám mục. Trái lại, hai thông điệp gần đây của Đức Bênêđictô XVI là rất cá nhân, cho dầu phần thứ hai của thông điệp Deus caritas est gợi hứng từ một suy tư về hoạt động bác ái do Hội đồng Tòa Thánh « Đồng Tâm » (Cor Unum) soạn thảo.

Có thể phản đối huấn quyền không ?

Không, trong chừng mực nó là « đích thực », tức là nó phát xuất và được thực thi nhân danh Chúa Giêsu-Kitô, « vị Thầy (huấn quyền) đích thực ». Điều này khác với Tin Lành : trong Giáo hội, lý thuyết về huấn quyền đã được xây dựng tại công đồng Trentô, nhằm phản ứng lại Tin Lành Cải Cách. Về phía Tin Lành, chỉ bản văn Tin Mừng (Sola Scriptura : Duy Kinh Thánh) và lương tâm mới đáng kể. Về phía Công giáo, Huấn quyền thực thi một sự trung gian đức tin giữa Thiên Chúa và các tín hữu.

Nhưng người tín hữu không phải vâng phục hay gắn bó như là một người lính bé nhỏ với tất cả giáo huấn của huấn quyền này cùng một cách thế. Giáo luật đã thiết lập một loạt các phân biệt về điểm này (các khoản 750 và tiếp theo). Và sự gắn bó này không phải là gắn bó với một người, nhưng với nội dung giáo thuyết. Không nói về sự nhìn nhận « tòa trong » của mỗi tín hữu, một lãnh vực vốn dấn thân trách nhiệm của mỗi người trong lương tâm trước nhan Thiên Chúa và chỉ liên quan đến tín hữu, trong sự đối thoại duy nhất với cha giải tội của mình.

Tý Linh

(theo Isabelle de Gaulmyn, nhật báo La Croix, ngày 28/2/2009 )

—————————————————————————————————————————–

Xem thêm bài:

+ “Người Công giáo có buộc phải áp dụng Fiducia supplicans không?” ở đây.

+ “Tuyên ngôn, sắc chỉ, thông điệp…tìm liệu phẩm trật của các tài liệu do Vatican công bố” ở đây.

+ “Quyền tối thượng của Phêrô và tính hiệp hành…” ở đây.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Sáu 2024
H B T N S B C
« Th5    
  1 2
3 4 5 6 7 8 9
10 11 12 13 14 15 16
17 18 19 20 21 22 23
24 25 26 27 28 29 30