TRUNG GIAN (ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA) + SLIDESHOW

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 30th, 2012. Posted in Lm. Trần Việt Hùng, Slideshows, Tâm linh, Đức Maria

(Ds 6, 22-27; Gal 4, 4-7; Lc 2, 16-21).

Ngày đầu năm, mọi dân nước rộn rã hân hoan đón chào một sự khởi đầu mới. Chúng ta cùng dâng lời tạ ơn Chúa cho một năm qua với nhiều ân sủng và những niềm vui, nỗi buồn. Nhìn lại năm cũ để tính toán sổ sách cuộc đời và hướng tới năm mới để dự phóng những chương trình và mơ ước cho tương lai. Ôn cố tri tân. Đối với con người đang lữ hành, thời gian là hồng ân có quá khứ, hiện tại và tương lai. Thêm một năm, mỗi người già thêm một tuổi. Khi nhìn lên bàn thờ tổ tiên trong các gia đình Việt Nam, tôi suy gẫm về những hình ảnh của cha ông. Có nhiều hình ảnh ông bà tổ, ông bà nội ngoại hay cha mẹ rất trẻ, có vị chỉ sống được 20 xuân xanh đã qua đời. Trên bàn thờ con cháu vẫn luôn nhang đèn và tôn kính mến yêu. Có những người con, người cháu già cả 70, 80 tuổi vẫn cúi đầu vái lậy. Qua đời khi còn trẻ hay già không quan trọng, kẻ bề trên vẫn luôn là những vị tiền bối. Tổ tiên, ông bà và cha mẹ luôn được tôn kính mến yêu.

Hôm nay Giáo Hội Công Giáo mừng kính lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Thánh Phaolô tuyên xưng một người đàn bà đã hạ sinh Con Chúa: Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật (Gal 4, 4). Người đàn bà chính là Đức Maria. Maria được Thiên Chúa tuyển chọn trong muôn vàn phụ nữ để cưu mang Con Chúa. Qua lời xin vâng, trinh nữ Maria đã thụ thai và sinh hạ Con Thiên Chúa. Dựa vào Kinh Thánh mạc khải, truyền thống, suy tư thần học và tâm tình con thảo, Giáo Hội đã tuyên tín: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa quá nhiệm mầu và cao cả. Đức Maria không tự mình nhận tước hiệu này, nhưng Maria chỉ nhận là nữ tỳ của Chúa và là tôi tớ xin vâng như lời thiên thần truyền. Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa được các Công Đồng, các thánh Giáo Phụ và toàn thể Giáo Hội cùng tin nhận. Vì Đức Mẹ là mẹ của Chúa Giêsu và là đầu nhiệm thể. Chúa Kitô là đầu và chúng ta là chi thể. Khi Maria đi thăm viếng người chị họ Isave, bà qúa vui mừng đã thốt lên lời ca ngợi rằng bởi đâu tôi được mẹ của Chúa tôi đến viếng thăm.

Là Mẹ của con Thiên Chúa nhưng Đức Maria sống rất khiêm tốn và âm thầm. Mẹ Maria đã sinh ra Chúa Giêsu con người toàn vẹn với hai bản tính Thiên Chúa và loài người. Con Chúa đã được dưỡng nuôi bằng chính máu thịt của mẹ. Đời Mẹ sống trong niềm tin yêu và hy vọng. Maria sống lặng lẽ trong cầu nguyện và chiêm ngắm những biến cố xảy ra trong đời. Thánh Luca viết vắn gọn: Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc 2, 19). Có Chúa ở cùng là một niềm vui hoan lạc. Mẹ có Chúa Giêsu hiện diện ngay bên để chia sẻ cuộc sống gia đình. Cuộc sống của Maria cũng giống như cuộc đời của các phụ nữ khác. Hằng ngày cũng lao động để lo miếng cơm manh áo nuôi sống gia đình. Mẹ an vui chu toàn bổn phận của người vợ và người mẹ trong gia đình.

Đức Maria cũng trải qua mọi ngày với những công việc bình thường như các bà mẹ trong gia đình. Mỗi việc làm với ý thức và tình yêu sẽ trở thành việc vĩ đại. Vĩ đại không phải vì to lớn nhưng vĩ đại vì tâm của con người vĩ đại. Mẹ làm tất cả vì con và cho con. Không có cung lòng nào có phúc hơn cung lòng của mẹ. Mẹ được diễm phúc ở bên cạnh Con Chúa cho tới khi Chúa hoàn tất sứ mệnh. Mẹ được chăm lo, săn sóc và yêu thương Con Chúa hết mình. Mẹ chung vui và xẻ buồn cùng Con trên mọi nẻo đường. Mẹ cũng lo buồn và sầu héo khi Con Chúa bị người đời khinh dể, xua đuổi, chối từ và tẩy chay. Mẹ luôn đồng hành với Con trong mọi bước đường, ngay cả khi Con bị bắt, bị vác thánh giá ngã gục trên đường lên núi sọ. Mẹ đứng dưới chân thập giá nhìn Con hấp hối và trút hơi thở cuối cùng. Có ai đứng đó để chia sẻ nỗi đớn đau và tan nát tâm can như mẹ. Mẹ xứng đáng lãnh nhận tất cả mọi tước hiệu ca khen của Giáo Hội.

Giáo Hội đã dâng kính Mẹ nhiều tước hiệu cao cả. Đức Mẹ là Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội. Mẹ là Hòm bia Thiên Chúa và là cửa thiên đàng. Mẹ là Nữ Vương các thiên thần và các thánh. Nữ Vương chẳng hề mắc tội tổ tông và được hồn xác lên trời. Đức Mẹ bầu chữa kẻ có tội và yên ủi kẻ âu lo. Có Mẹ, chúng ta sẽ tìm được sự bình yên và an lạc. Chúng ta dễ dàng đến với Mẹ để tâm sự và cầu nguyện. Đôi khi có những người thắc mắc rằng tại sao Giáo Hội đặt vị trí của Đức Maria cao quá vậy? Giáo Hội còn lưu giữ hình ảnh, bút tích, phép lạ và những việc lạ lùng Đức Maria đã thực hiện qua suốt sự thăng trầm của lịch sử. Đã nhiều lần Đức Mẹ hiện ra để an ủi, khuyên dạy và kêu gọi sám hối. Mẹ là trung gian chuyển cầu ơn Chúa cho chúng ta. Tất cả mọi sự đều được qui về Chúa Giêsu Kitô, Con của Mẹ.

Mẹ Maria không chỉ là hình ảnh cô thôn nữ trẻ trung hay bà mẹ sầu bi, mà là hình ảnh Mẹ hiển sáng. Mẹ Maria đã già hơn 2 ngàn tuổi. Mẹ đã hiện diện trước khi Giáo Hội được thành hình. Mẹ đã sinh ra Chúa Cứu Thế và Mẹ đồng công cùng Con Chúa trong sứ mệnh Cứu Độ. Chúa Giêsu lập Giáo Hội và đã chọn các tông đồ để tiếp tục sứ mệnh. Mẹ Maria đã hiện diện với các tông đồ trên mọi nẻo đường. Đức Maria can đảm đứng dưới chân thập giá đón nhận lời trăn trối sau cùng của Con. Mẹ đã ở lại an ủi các tông đồ trong những lúc cô đơn, sợ hãi và buồn sầu nhất. Cùng với Chúa Giêsu phục sinh, Mẹ đã qui tụ các tông đồ và cầu nguyện chờ đón ơn Chúa Thánh Thần. Vậy, Đức Maria xứng đáng lãnh nhận mọi tước hiệu của Giáo Hội dâng kính. Trải qua hơn hai ngàn năm từ dòng dõi này qua dòng dõi kia vẫn tiếp tục truyền bá niềm tin và lòng sùng kính mến yêu Mẹ. Giáo Hội vẫn đang trong cuộc lữ hành trên trần thế không thể vắng bóng Mẹ. Thiên Chúa đã chọn gọi Mẹ Maria như là máng chuyển ơn lành cho mọi chúng sinh.

Mẹ rợp bóng mát trên đàn con. Nơi đâu Mẹ xuất hiện, nơi đó qui tụ cả hằng triệu con tim. Những địa danh thánh được Mẹ thăm viếng đã trở thành những trung tâm hành hương của con cái mẹ. Một số nơi Mẹ đã hiện đến như ở Guadalupe (1531), Paris (1830), Rome (1842), la Salette (1846), Lourdes (1858), Fatima (1917), Bonneux (1933), Syracuse (1953) và nhiều nơi khác nữa. Mỗi miền dân tộc đã có những sự sùng kính danh thánh riêng của Mẹ như Đức Mẹ Lavang, Đức Mẹ Altargracia, Đức Mẹ Providencia, Đức Mẹ African, Đức Mẹ Perpetual Help (Hằng Cứu Giúp)…Những hình ảnh Mẹ gần gũi thân thương với dáng vẻ, khuôn mặt, mầu da và áo quần trang sức đã mời gọi các tín hữu đến gần bên Mẹ hơn.

Mỗi khi chúng ta đọc kinh Kính Mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn hơn mọi người nữ, chúng ta tôn vinh Mẹ vì ân sủng Chúa ban. Mẹ là ánh sao dẫn đường chúng ta đến với Chúa. Tất cả những ai chạy đến cầu xin cùng Mẹ sẽ không bị thất vọng. Lạy Chúa, chúng con có Chúa và có Mẹ. Chúng con có mái ấm gia đình là Giáo Hội. Đức Maria là Mẹ Giáo Hội. Giáo Hội sinh chúng ta ra làm con cái Thiên Chúa. Chúng con bước đi trong tự do của con cái Thiên Chúa. Thánh Phaolô dậy: Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa (Gal 4, 7).

 Xin cho chúng con cùng được chia phần gia nghiệp trong Nước Chúa. Chúng ta cùng nguyện rằng: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Lm Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York

——————-

Tải Slideshow: Kích chuột phải lên đường link, chon Save target as:

Me Thien Chua ABC  (powerpoint)

——————

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30