12.000 NGƯỜI ĐƯỢC RỬA TỘI VÀO LỄ PHỤC SINH, NIỀM HY VỌNG MỚI CHO GIÁO HỘI PHÁP
Đây là phép lạ nhỏ của Chúa Nhật Phục Sinh này. Có 12.000 người lớn được rửa tội trong đêm Vọng Phục sinh ở Pháp. Hội đồng Giám mục Pháp đã công bố hôm thứ Tư kết quả kỷ lục về số lượng tân tòng vào năm 2024. Không ngừng tăng lên, +30%, con số này chưa bao giờ cao đến thế từ hai mươi năm qua.
Hồ sơ của những người mới được rửa tội là những người trẻ, từ 20 đến 35 tuổi, thường đến từ các vùng nông thôn, thuộc tầng lớp bình dân và không có văn hóa Kitô giáo. Hiện tượng mới và bất ngờ này khiến các giáo phận ngạc nhiên và đánh dấu nhiệt huyết mới của đạo Công giáo Pháp: một nhóm thiểu số nhưng được tiếp thêm sinh lực và ít bị nhốt kín vào các thói quen.
Đức cha Olivier Leborgne, Giám mục giáo phận Arras và chủ tịch Hội đồng huấn giáo và dự tòng của Hội đồng Giám mục Pháp, bàn về nguyên nhân của sự gia tăng như vậy. Chẳng hạn, giáo phận phía bắc của Đức cha Leborgne chào đón 17 tân tòng trong năm nay so với chỉ một hoặc hai tân tòng trong những năm trước. Theo ngài, kết quả của việc tìm kiếm “cánh chung luận hiện sinh”, cho đến nay vẫn bị cản trở bởi những xác tín không thể lay chuyển về kỹ thuật và tiến bộ.
Delphine Allaire: Những lý do cấu trúc và hoàn cảnh nào giải thích cho sự hồi sinh đức tin này?
Đức cha Olivier Leborgne: Sự bấp bênh của thế giới đóng một vai trò lớn. Hòa bình không ở trước mắt chúng ta, kỹ thuật không chiếm ưu thế nhiều và người ta cảm thấy một sự bấp bênh và bất an ngày càng tăng. Tôi nghĩ đến phát biểu của Đức Bênêđíctô XVI tại Trường des Bernardins ở Paris, về những người trẻ này, vào thời Trung cổ, đã đến tu viện này. Đức Bênêđíctô XVI đã nói: “Họ thực hiện cánh chung luận hiện sinh”, nghĩa là họ tìm kiếm cái bền vững trong cái không ổn định. Có sự tìm kiếm về cánh chung luận hiện sinh này giữa những người đương thời với chúng ta. Kỹ thuật sẽ không giải quyết được mọi thứ. Hòa bình không được thủ đắc. Điều gì đứng vững trong một thế giới bị tan vỡ như vậy? Thế hệ không biết đến Giáo hội này đang đặt lại những vấn đề cơ bản mà người ta đã còn đặt ra nữa. Giống như thế hệ của tôi, nó không có vấn đề nào phải giải quyết với Giáo hội, đơn giản là vì nó không biết Giáo hội.
Điểm thứ hai, đó là càng được trút bỏ, các cộng đồng của chúng ta sẵn sàng ứng trực hơn nhiều. Họ đã từng chắc chắn về bản thân mình, giờ đây họ không còn như vậy nữa. Có nhiều không gian hơn cho người đến, người khác biệt. Chúng ta có nên đồng hóa họ bằng cách làm cho họ trở nên giống như chúng ta ngày hôm qua hay chúng ta nghe lời Chúa truyền cho chúng ta qua họ?
Tôi tin rằng ngày nay, trong sự mong manh của Giáo hội Pháp với cuộc khủng hoảng lạm dụng và tục hóa phi mã, có nhiều sự sẵn sàng ứng trực hơn cho những người đến và những người khác biệt.
Delphine Allaire: Người ta cũng nhận thấy một sự chuyển biến cụ thể kể từ thời điểm then chốt của đại dịch, một cuộc tìm kiếm hay trở lại của ý nghĩa và sự siêu việt?
Đức cha Olivier Leborgne: Đại dịch là một sự thay đổi trong mô hình trí tuệ đã thống trị nước Pháp kể từ thời Khai Sáng. Kể từ thời Khai Sáng, người ta tin rằng lý trí, kỹ thuật, tiến bộ có thể giải quyết được mọi thứ. Người tôi thậm chí còn nói về khoa học triết học, chủ nghĩa Marx được trình bày như một khoa học của tương lai. Hegel, Marx có những tham vọng khoa học và tất cả những điều đó đã sụp đổ. Một con virus nhỏ được thêm vào cuộc khủng hoảng sinh thái đã đến để nói với chúng ta: “Bạn có chắc chắn rằng bạn thống trị mọi thứ không?” Chúng ta tưởng mình có thể thống trị mọi thứ, nhưng chúng ta không thống trị được mọi thứ. Đây là sự mở đầu cho những vấn đề mới.
Delphine Allaire: Mỗi hành trình đức tin là duy nhất, nhưng những yếu tố tâm linh nào đặc biệt thu hút những tín hữu mới này?
Đức cha Olivier Leborgne: Đọc các thư của các tân tòng, tôi nhận ra rằng cuộc sống của phần lớn họ bị tổn thương, sứt mẻ, bị ngược đãi. Trên lộ trình này, họ đã cảm nghiệm được rằng có ai đó đang giúp họ đứng dậy. Một số người đã có kinh nghiệm rõ ràng về Chúa Kitô, những người khác không thể gọi tên Chúa Giêsu chút nào, nhưng đã thoáng thấy tia hy vọng. Đó thực sự là một kinh nghiệm về ơn cứu độ, về ân sủng của Thiên Chúa ngay giữa mầu nhiệm bóng tối và tai tiếng của sự dữ.
Cũng đối với một số người, lòng đạo đức bình dân đã đóng một vai trò lớn. Phần lớn các tân tòng đều xuất thân từ tầng lớp bình dân, chưa từng cảm nghiệm về ơn cứu rỗi. Trong những môi trường hoàn toàn không được nuôi dưỡng theo Kitô giáo, đôi khi chính ông bà là người làm chứng; hoặc những người chưa được rửa tội thường xuyên dừng lại ở các thánh đường để thắp nến. Lòng đạo đức bình dân, mà Đức Thánh Cha cũng thường xuyên nói đến, là điều mở ra cho sự linh thánh. Một số người đến gặp chúng tôi mà không gọi tên Chúa Giêsu, không biết Người, nhưng cảm thấy rằng ở đó người ta có thể nói chuyện với ai đó vốn sẽ giúp đỡ họ trên hành trình của họ. Dần dần, họ khám phá ra Chúa Kitô và đón nhận Người là Đấng Cứu Độ của họ.
Delphine Allaire: Người ta ghi nhận sự gia tăng số người dự tòng ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, họ phải chịu đựng nhiều nhất vì thiếu linh mục. Làm thế nào để giải phương trình này?
Đức cha Olivier Leborgne: Bằng cách ngày càng trở thành Giáo hội của Chúa Kitô hơn, được hỗ trợ bởi các thừa tác vụ chức thánh. Nhưng nhân danh cái gì mà linh mục phải mang mọi thứ? Trong giáo phận của tôi, không phải các linh mục sẽ mang lại sự gần gũi với các lãnh thổ, mà là các huynh đoàn Kitô hữu. Tôi vừa công khai yêu cầu, trong Thánh lễ Dầu, tất cả các Kitô hữu không có ngoại lệ, hãy gia nhập các huynh đoàn nhỏ ở địa phương. Chính họ sẽ nói về tình huynh đệ của Chúa Kitô. Sau đó, họ sẽ được các linh mục hỗ trợ, khuyến khích, huấn luyện và tập hợp lại với nhau. Bởi vì trên thực tế, giáo phận của tôi có 1.470.000 dân với 70 linh mục đang hoạt động.
Chúng ta được mời gọi thay đổi mô hình vốn không làm mất hiệu lực, trái lại, lầm nổi bật thừa tác vụ của linh mục, nhưng không còn là người làm mọi việc, người mà mọi thứ được thực hiện, nhưng là người kích thích một cộng đồng biết giúp các Kitô hữu có mặt ở nơi họ cần hiện diện.
Tôi muốn nói thêm rằng các chủng sinh trong giáo phận của tôi đều có xuất thân giống như các tân tòng. Tôi có hai người sắp vào chủng viện vào đầu năm học. Họ hoàn toàn không xuất thân từ môi trường Công giáo, nhưng họ đã cảm nghiệm được Chúa Kitô. Họ đã được rửa tội khi trưởng thành và họ muốn phục vụ. Họ không biết truyền thống vĩ đại của Giáo hội, họ sẽ khám phá nó dần dần, nhưng điều đó hoàn toàn gây bối rối. Việc đào tạo linh mục phải tính đến điều này vì đây là một tiến triển lớn.
Nhưng trong một giáo phận như của tôi, Pas-de-Calais, được đánh dấu bởi tính nông thôn và sự sụp đổ của ngành khai thác mỏ, chúng tôi rất ngạc nhiên trước những nhân vật tuyệt vời đã đến, những người hoàn toàn không phải là những người mà chúng tôi đã biết cho đến đây. Như thể Giáo hội ở Pháp, nơi từng có rất nhiều tầng lớp trung lưu – giai cấp tư sản nhỏ, vừa và lớn – đã được giới bình dân tái đầu tư.
Delphine Allaire: Những thay đổi xã hội này trong thực hành của Giáo hội báo trước điều gì cho tương lai của đạo Công giáo ở Pháp?
Đức cha Olivier Leborgne: Tôi thấy một Giáo hội ít đông đảo hơn, điều đó là hiển nhiên, thậm chí còn ít hơn nhiều so với ngày nay, và đồng thời tiềm tàng là một Giáo hội ít khách quen lui tới hơn, một Giáo hội “cộng đồng nhỏ của hy vọng”. Giai đoạn đang đổi mới nhưng hết sức khích lệ. Thế giới khó khăn nhưng Chúa không bỏ rơi Giáo hội. Tôi nhận thấy một cuộc đổi mới của Giáo hội vốn không phải là sự trở lại với ánh huy hoàng của quá khứ – đó là một ngõ cụt, tuyệt đối không được mơ đến điều đó bởi vì Chúa không hoạt động từ quá khứ – mà là một lời kêu gọi hướng tới tương lai. Và trong tương lai này, Người ban cho chúng ta những món quà là những hứa hẹn thực sự dành cho Giáo hội.
Chúng ta sẽ ít hơn về số lượng, chúng ta sẽ không còn vị trí thể chế mà chúng ta nghĩ là mình đã có và có lẽ chúng ta đã không có nhiều đến thế – khi tôi thấy sự thiếu ảnh hưởng mà chúng ta có ngày nay trong các cuộc tranh luận công khai, đó là rất đáng chú ý -, nhưng cuối cùng , chúng ta sẽ đương đầu được với những gì chúng ta yêu thích, nghĩa là cũng hiện diện với hồng ân của Thiên Chúa và không bị nhốt kín trong những thói quen.
Delphine Allaire: Di sản tôn giáo được đề cập năm nay như một yếu tố loan báo Tin Mừng trong cuộc khảo sát. Đâu là tầm quan trọng của vẻ đẹp trong đức tin?
Đức cha Olivier Leborgne: Con người rất nhạy cảm với cái đẹp. Khi còn là cha sở trong thành phố, tôi đã thấy tín hữu ở những khu phố này khao khát biết bao những nhà thờ đẹp đẽ và những nghi thức phụng vụ đẹp đẽ. Họ có thiên hướng về sự im lặng mà những trí thức giả đánh mất chính mình trong những lời dài dòng vô tận không thể hiểu được. Có một hình thức giản dị và sâu sắc của vẻ đẹp. Có bao nhiêu người đã nói với tôi rằng họ dừng lại ở một nhà thờ vì phẩm chất của sự im lặng, điều mà họ không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác.
Và nếu như nhà thờ không bị bỏ bê, nhưng vẫn có một bà cụ Kitô hữu thường xuyên quét dọn, thì họ cảm nhận được một linh hồn sống động. Tôi đã nhìn thấy người ta đứng trước một bức tượng, trước một bức tranh, đột nhiên như bị xuyên thấu. Vẻ đẹp không phải là yếu tố duy nhất, nó cần một lời đằng sau nó. Nhưng vẻ đẹp là cánh cửa mở ra cho món quà của Thiên Chúa.
————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican news)
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÃNH NHẬN ƠN TOÀN XÁ TRONG NĂM THÁNH
- ÂN XÁ NĂM THÁNH, CƠN MƯA LÒNG THƯƠNG XÓT CHO MỌI NGƯỜI
- CỬA THÁNH ĐƯỢC MỞ TẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC BÀ CẢ
- ĐỨC PHANXICÔ: NĂM THÁNH LÀ CƠ HỘI KHAI MỞ CÔNG TRƯỜNG TÂM HỒN CỦA CHÚNG TA
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA : THÁNH GIA NADARÉT, MẪU GƯƠNG ĐỐI THOẠI VÀ LẮNG NGHE
- PHÓ CHÁNH ÁN TÒA ÂN GIẢI TỐI CAO: TÒA GIẢI TỘI, CỬA THÁNH CHO TÂM HỒN
- VĂN PHÒNG PHỦ GIÁO HOÀNG : THÔNG TIN ĐẶT VÉ THAM DỰ CÁC BUỔI TIẾP KIẾN CHUNG VÀ CÁC NGHI LỄ
- MỞ CỬA THÁNH ĐỀN THỜ LATÊRANÔ: “GIEO NIỀM HY VỌNG VÀ XÂY DỰNG TÌNH HUYNH ĐỆ”
- ĐỨC PHANXICÔ MỞ CỬA THÁNH TẠI NHÀ TÙ REBIBBIA: “HÃY BÁM LẤY NIỀM HY VỌNG”
- LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2024: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
- THÁNH GIOAN: “THÁNH TÔNG ĐỒ VÀ THÁNH SỬ KHÔNG PHẢI LÀ CÙNG MỘT NGƯỜI”
- CÁC NĂM THÁNH QUA DÒNG LỊCH SỬ
- NĂM THÁNH 2025: CHỈ BỐN CỬA THÁNH ĐƯỢC MỞ TẠI RÔMA
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU