CHỌN LỰA ƯU TIÊN CHO NGƯỜI NGHÈO
Alain Durand, O.P.
Nguồn gốc từ Châu Mỹ Latinh, nguyên tắc chọn lựa ưu tiên cho người nghèo được Đức Gioan Phaolô II chính thức đưa vào giáo huấn xã hội của Giáo hội.
Nguyên tắc này bén rễ sâu nơi chính trung tâm của niềm tin vào Chúa Kitô và liên quan đến mọi tín hữu. Nó không được thể hiện bằng sự độc quyền, nhưng là một sự ưu tiên dành cho người nghèo. Nó là sự diễn tả bất khả tách rời về công bằng và bác ái nơi các mối tương quan cá nhân và xã hội.
Đức Phanxicô mời khoảng 500 người nghèo (di dân, thất nghiệp, vô gia cư…) đến dùng bữa vào ngày Chúa Nhật 19/11/2017, tại Vatican.
————————
Kiểu nói « chọn lựa ưu tiên cho người nghèo » được sáp nhập cách trọn vẹn vào giáo huấn xã hội của Giáo hội bởi Đức Gioan Phaolô II. Nó đến từ Châu Mỹ Latinh, trước tiên từ trào lưu thần học giải phóng, cũng như từ những phát triển được các Giám mục thực hiện trong hai cuộc họp của CELAM (Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê). Ở cuộc họp của CELAM ở Medellin (1968), đó là vấn đề nhắm tới « một sự phân bổ các nhiệm vụ và nhân sự tông đồ, mang lại cách hữu hiệu sự ưu tiên cho các môi trường xã hội nghèo khổ và túng thiếu nhất » (1), nhưng chính ở Puebla (1979) mà thành ngữ « chọn lựa ưu tiên cho người nghèo » sẽ được dùng cách trực tiếp (2). Từ đó, ta có thể nói, nó sẽ được mở rộng ra toàn thể Giáo hội.
Trước đó, trước khi khai mạc công đồng Vatican II một chút, Đức Gioan XXIII đã tuyên bố vào ngày 11/9/1962 : « Giáo hội tự trình diện như mình là và như mình muốn : Giáo hội của mọi người và cách riêng Giáo hội của người nghèo ». Chính Công đồng sẽ ít nói về sự nghèo khổ, chỉ được đề cập trong Hiến chế Gaudium et spes (GS, số 3, 69, 88). Tuy nhiên, một nhóm làm việc không chính thức gồm khoảng 40 Nghị Phụ, do Dom Helder Câmara thúc đẩy, sẽ phổ biến vào cuối Công đồng một bản văn quan trọng, có sức mạnh to lớn về sự dấn thân của Giáo hội phục vụ người nghèo : Hiệp ước hang toại đạo (được gọi như thế do nơi gặp gỡ của nhóm) (3).
Thành ngữ « chọn lựa ưu tiên cho người nghèo » đã xuất hiện trên một lục địa được đánh dấu cách sâu sắc bởi sự hiện diện đông đảo của người nghèo nhưng nhất là sự xuất hiện có ý thức của họ trên trường lục địa. Đó là thời kỳ mà ở Châu Mỹ Latinh đang hoành hành nhiều chế độ độc tài sử dụng các phương pháp đàn áp đối với các phong trào nhân dân và là thời kỳ mà việc du nhập các công ty đa quốc gia với thái độ cướp bóc đang phát triển. Có những áp lực mạnh mẽ từ Bắc Mỹ : bản báo cáo nổi tiếng Rockefeller vào năm 1969 được theo sau bởi hai Văn kiện của Santa Fé (4) khuyến cáo chính phủ Bắc Mỹ đấu tranh chống lại trào lưu thần học giải phóng, được coi là nguy hại. Trong bối cảnh này, đối với một số thần học gia và mục sư, dường như không thể suy nghĩ đức tin Kitô giáo mà không liên kết nó với một thái độ, một thực hành xã hội và chính trị ủng hộ việc giải phóng người nghèo. Họ đi đến chỗ đọc lại Thánh Kinh từ hoàn cảnh của người nghèo, một thực hành trở nên thông lệ nơi « các cộng đồng cơ bản của Giáo hội ». Dần dần hình thành nên một diễn từ thần học dành chỗ trung tâm cho người nghèo trong việc hiểu đức tin, đồng thời hướng đến việc xây dựng một « Giáo hội của người nghèo » và một sự thay đổi các cơ cấu xã hội áp bức. Như thế, trào lưu « thần học giải phóng » đã biến « chọn lựa ưu tiên cho người nghèo » thành trục trung tâm của suy tư của mình.
Hai văn kiện của Bộ Giáo lý Đức tin, do Đức Hồng y Joseph Ratzinger đứng đầu, đã bàn về nền thần học này. Văn kiện đầu tiên : Một vài khía cạnh của nền thần học giải phóng, xuất bản vào tháng Chín năm 1984 có tính cách phê bình ; văn kiện thứ hai : Huấn thị về tự do Kitô giáo và sự giải phóng, xuất bản vào tháng Ba năm 1986, có tính cách xây dựng hơn. Một trong những chỉ trích quan trọng đối với thần học giải phóng và do đó cũng đối với quan niệm của nó về chọn lựa ưu tiên cho người nghèo là việc nó dựa vào chủ nghĩa marxít. Trái với các thần học gia giải phóng, văn kiện đầu tiên bác bỏ mọi ý tưởng theo đó có thể sử dụng các công cụ tư tưởng của chủ nghĩa marxít mà không phải chấp nhận ý thức hệ chung cũng như chủ nghĩa vô thần của nó. Chỉ trích quan trọng khác là giảm thiểu đức tin Kitô giáo thành một viễn cảnh giải phóng trần thế, xã hội và chính trị. Những cuộc tranh luận này rõ ràng sẽ được giải thích « về mặt chính trị » chứ không chỉ « về mặt thần học » : những người này buộc tội những người kia làm lợi cho những kẻ đàn áp người nghèo, hay ngược lại, là những kẻ xúi giục một cuộc cách mạng bạo lực và phe phái nguy hiểm đối với người nghèo cũng như đối với Giáo hội. Sau cùng – và có lẽ nhất là – các phương pháp thần học rất khó dung hòa : phương pháp rõ ràng quy nạp đối với thần học giải phóng (khởi từ thực tế lịch sử), phương pháp diễn dịch của truyền thống đối với Bộ Giáo lý Đức tin (khởi từ đức tin và dữ kiện tín lý).
Cuộc « tử vì đạo » của nhiều Kitô hữu nạn nhân của các chế độ độc tài, sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản nơi các nước Đông Âu, sự lên ngôi tại chỗ của các chế độ dân chủ, sự đứt hơi của các phong trào cách mạng và du kích, sự xuất hiện của các phân tích mới mẻ liên quan đến sự kém phát triển, một sự nhận thức tốt hơn về các hình thức khác nhau của sự nghèo khổ đã đóng góp vào việc sửa đổi tình hình ý thức hệ, đang khi mặc dù sự nghèo khổ đã và đang vẫn còn là một vấn đề trọng tâm ở Châu Mỹ Latinh. Chính sách của Vatican trong việc bổ nhiệm các Giám mục Châu Mỹ Latinh cũng đã đóng góp vào việc sửa đổi tình hình Giáo hội. Thần học giải phóng đã mất đi sức mạnh của mình, nhưng nó tiếp tục con đường của mình đang khi vẫn làm phức tạp thêm lối tiếp cận của nó về sự nghèo khổ.
Ngày nay, dường như có thể đồng thuận với nhau về tầm quan trọng của Tin Mừng về một « chọn lựa cho người nghèo », về sự cần thiết một sự chọn lựa như thế về phía tất cả các Kitô hữu. Chúng ta dễ dàng nhận ra rằng một chọn lựa như thể có thể được thể hiện theo cách đa dạng nơi các lối hành xử và làm cơ sở cho những chọn lựa khác nhau của xã hội. Tuy nhiên, chúng ta có thể tự hỏi : điều mà sự chọn lựa này đã đạt được về sự mở rộng và sự đồng thuận của Giáo hội phải chăng nó đã không đánh mất đi về cường độ và sức mạnh huy động của Tin Mừng ?
Người nghèo này là những ai ? Có nhiều bản văn của Huấn quyền nêu rõ rằng người nghèo là những người phải chịu những điều kiện phi nhân về lương thực, nhà ở, tiếp cận chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nghề nghiệp, những quyền tự do căn bản. Đó là một sự tước đoạt nghiêm trọng các thiện ích vật chất, xã hội, văn hóa, làm tổn hại đến phẩm giá của nhân vị. « ‘Người nghèo’, trong nhiều chiều kích của sự nghèo khổ, đó là những người bị áp bức, những người bị đẩy ra bên lề xã hội, người già, các bệnh nhân, trẻ em, tất cả những ai được coi và đối xử như là ‘những kẻ rốt hết’ trong xã hội » (Tông huấn Vita consecrata, số 82). Do đó, sự nghèo khổ không bị giới hạn ở nghèo khổ vật chất. Chiều kích xã hội của sự nghèo khổ là rất quan trọng : người nghèo là « người rốt hết ». Đức Bênêđíctô XVI sẽ nói về « tình trạng bị gạt ra bên lề xã hội, sự nghèo nàn tương quan, luân lý và tinh thần », về « những người rối loạn tâm hồn » (5), như thế, biểu lộ sự phức tạp của sự hiểu biết về sự nghèo khổ, vốn cũng là sự phức tạp của nhiều nhà nghiên cứu. Tùy theo hoàn cảnh cũng được nêu tên là các phụ nữ nạn nhân của sự phân biệt kỳ thị và bạo lực, trẻ em, người không có đất đai, người vô gia cư, người di cư, người tỵ nạn, người dân tộc thiểu số….
Huấn quyền nhấn mạnh, những biện hộ bênh vực cho chọn lựa ưu tiên cho người nghèo này nằm ở chính trung tâm của đức tin. Khi sống chọn lựa này, người Kitô hữu « bắt chước cuộc sống của Chúa Kitô » (Thông điệp Sollicitudo rei socialis, số 42). Nếu Giáo hội « cho thấy tình yêu ưu tiên của mình dành cho người nghèo và người không có tiếng nói, thì [đó là] bởi vì Chúa đã đồng hóa mình với họ một cách đặc biệt (Mt 25, 40) » (Tông huấn Ecclesia in Asia, số 34). Theo những phát biểu rõ ràng của Tin Mừng, « nơi con người của người nghèo có sự hiện diện đặc biệt của Con Thiên Chúa mà bó buộc Giáo hội có một chọn lựa ưu tiên cho họ » (Tông thư Novo Millennio Ineunte). Cũng theo Mt 25, chính Chúa đến chất vấn chúng ta trước những bi kịch của tình trạng bần cùng toàn diện (SRS, số 13). Vì Chúa Giêsu đã đến « loan báo Tin Mừng cho người nghèo khổ » (Mt 11, 5 ; Lc 7, 22), nên thật bình thường khi Giáo hội biến thành của mình « sự chọn lựa cho người nghèo và người bị loại trừ » này (Tông thư Tertio Millennio Adveniente, số 51). « Tất cả truyền thống của Giáo hội » làm chứng cho sự chọn lựa này (SRS, số 42). Chọn lựa cho người nghèo cắm rễ sâu trong đức tin vào một Thiên Chúa đã trở nên nghèo khó trong Chúa Kitô. Đức Bênêđíctô đã nhấn mạnh điều đó khi tuyên bố : « trong đức tin Kitô học, chọn lựa ưu tiên cho người nghèo là mặc nhiên nơi vị Thiên Chúa đã trở nên nghèo khó vì chúng ta này, để làm cho chúng ta trở nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Người (2Cr 8, 9) » (6). Đó là một chọn lựa vừa quy thần luận vừa Kitô học (6’).
Nếu chọn lựa này là « ưu tiên », thì không phải vì thế mà nó « loại trừ hay phân biệt kỳ thị đối với các nhóm khác » (Thông điệp Centesimus annus, số 57, Tông huấn Ecclesia in Asia, số 34). Nó không hàm ý một sự bác bỏ hay không quan tâm đến những ai không nghèo, nhưng nó nhấn mạnh cách rõ ràng rằng người nghèo có quyền được chỗ đầu tiên trong các bận tâm của người tín hữu.
Nó không được dành riêng cho một số người vì « nó liên quan đến cuộc sống của mỗi Kitô hữu » (SRS, số 42). Theo nghĩa này, nó không phải mà một chọn lựa tùy ý nhưng là một chọn lựa mà mọi tín hữu được mời gọi, một quyết định. Nó thuộc về ơn gọi Kitô hữu được mọi người chia sẻ, cho dầu mỗi người – cá nhân và nhóm – có thể đóng góp vào đó một cách khác nhau. « Giáo hội […] mời gọi những ai tin vào Chúa Kitô biểu lộ, cách cụ thể và ở mọi nơi, một tình yêu ưu tiên cho người nghèo » (7).
Sự chọn lựa này chỉ ra « một hình thức ưu tiên đặc biệt trong việc thực hành bác ái Kitô giáo » (SRS, số 42 ; CA, số 1), tức là thực hành giới răn quan trọng của Chúa. Việc sử dụng từ « bác ái » này đôi khi khó nghe đối với một số người vốn thích nói về công bằng hơn. Nhưng bác ái không phải là quên đi công bằng, vì theo đuổi công bằng, đối với người tín hữu, bén rễ sâu trong bác ái (Thông điệp Caritas in veritate, số 6). Trong khi Đức Gioan Phaolô II dễ dàng giữ lại các tữ ngữ công bằng và liên đới hơn, thì Đức Bênêđíctô phát biểu ngay về bác ái hơn, mà không vì thế coi thường chỗ đứng quan trọng của công bằng (Thông điệp Deus Caritas est, số 26-31 ; CV, số 6).
Chọn lựa cho người nghèo được mở rộng đến phạm vi « những trách nhiệm xã hội » của chúng ta : nó liên quan đến « những quyết định phù hợp của chúng ta về quyền tư hữu và việc sử dụng của cải » (SRS, số 42). Do đó, việc thực hiện chọn lựa này đòi hỏi quan tâm đến những điểm khác của giáo huấn xã hội của Giáo hội liên quan đến quyền tư hữu, việc sử dụng của cải và mục đích phổ quát của chúng. Nó cũng đòi hỏi phải làm việc để sửa đổi các cơ cấu kinh tế và xã hội tạo nên sự đói nghèo. Cho đi cái dư thừa của mình thì không đủ, đặc biệt cần phải thay đổi « các phong cách sống, các mô hình sản xuất và tiêu thụ, những cơ cấu quyền lực hiện hành đang hoành hành xã hội ngày nay » (8). Đó là chiều kích « chính trị » của chọn lựa ưu tiên cho người nghèo.
Gần đây hơn, giáo huấn của huấn quyền nhạy cảm với vấn đề sinh thái. Một mối liên hệ chung được thực hiện giữa việc bảo vệ môi trường, tương lai của nhân loại và sự phát triển (CV, số 48-52). Vấn đề có thể được xem xét trong tương lai dưới góc độ cụ thể hơn về một mối liên hệ trực tiếp và tức thời giữa việc bảo vệ hệ sinh thái và cuộc đấu tranh chống lại sự nghèo đói (9).
———-
(1). L’Église dans la transformation actuelle de l’Amérique latine. Conclusions de Medellin, Cerf, 1992, p.197.
(2). Documento de Puebla, IV, 1, n°1134-1165.
(3). Bản văn đầy đủ trong Informations catholiques internationales, 1er janv. 1966, p.26-27.
(4). Cf. Dial D479, D757 và D1369.
(5). Bênêđíctô XVI, Sứ điệp Ngày thế giới hòa bình, 1/1/ 2009.
(6). Disciples et missionnaires de Jésus-Christ pour que nos peuples aient la vie. Aparecida, Bayard-Fleurus-Cerf, 2008, p. 25.
(6’). Cũng một nhấn mạnh tương tự, Đức Phanxicô cho thấy, việc chọn lựa ưu tiên cho người nghèo là « một phạm trù chủ yếu thần học trước khi là một phạm trù xã hội học, chính trị hay triết học » (Tông huấn Evangelii gaudium, số.198) (ctcnd).
(7). Sứ điệp Ngày thế giới hòa bình, 1/1/ 2005, số 8.
(8). Sứ điệp Ngày thế giới hòa bình 2009, số 15, trích dẫn CA, số 58.
(9). Đây là điều mà Đức Phanxicô đã thực hiện rõ ràng và mạnh mẽ trong thông điệp Laudato si’ khi ngài cho thấy mối liên hệ bất khả tách rời giữa hệ sinh thái tự nhiên, xã hội và nhân bản (ctcnd).
——————–
Tý Linh chuyển ngữ (nguồn CERAS)
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO
- SỨ THẦN TÒA THÁNH TẠI PARIS NÓI VỀ LÝ DO TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KHÔNG ĐẾN PARIS
- JOHN TRAYNOR, NGƯỜI ĐƯỢC PHÉP LẠ THỨ 71 Ở LỘ ĐỨC
- ĐỨC PHANXICÔ CẦU CHÚC VIỆC MỞ LẠI NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS TRỞ THÀNH MỘT DẤU CHỈ NGÔN SỨ VỀ SỰ ĐỔI MỚI CỦA GIÁO HỘI PHÁP
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI CÁC TÂN HỒNG Y HÃY LÀ NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG SỰ HIỆP THÔNG VÀ HIỆP NHẤT
- BÀI GIẢNG MÙA VỌNG, MỞ LÒNG NGẠC NHIÊN THÁN PHỤC TRƯỚC SỰ MỚI MẺ CỦA THIÊN CHÚA
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 16. LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG CHÚA THÁNH THẦN. CHÚA THÁNH THẦN VÀ CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG
- LỜI KHUYÊN CỦA MỘT GIÁO PHỤ SA MẠC ĐỂ THÁO GỠ MỐI DAY OÁN HẬN