TRUYỀN THÔNG, TỰ SẮC, TỪ NHIỆM, TÔNG DU, SỨC KHỎE, PHÁ THAI, DI DÂN, MA QUỶ…NHỮNG GÌ ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI RADIO COPE CỦA TÂY BAN NHA
Trong một buổi phỏng vấn dài, được phát sóng ngày 1/9/2021 trên radio Cope của Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về nhiều đề tài thời sự khác nhau.
Trong cuộc phỏng vấn kéo dài gần 90 phút này, Đức Thánh Cha đã bàn về nhiều vấn đề thời sự, từ tình trạng sức khỏe cá nhân, những tin đồ từ nhiệm…cho đến những vấn đề quốc tế.
Tình trạng sức khỏe
« Tôi vẫn sống. (…) một nam y tá đã cứu mạng tôi. Ông ấy đã nói với tôi « Đức Thánh Cha phải phẫu thuật ! » Đã có những ý kiến khác. « Không cần, uống thuốc kháng sinh thôi… », nhưng ông ấy đã giải thích cho tôi rất thuyết phục. (…) Đây là lần thứ hai trong đời tôi một nam y tá cứu mạng tôi. Lần thứ nhất là vào năm 1957. (…) Bây giờ, tôi có thể ăn được mọi thứ, điều mà tôi không thể làm được trước đó với túi thừa. Tôi có thể ăn được mọi thứ. Tôi vẫn phải điều trị hậu phẫu, bởi vì não bộ phải ghi nhớ rằng có ít hơn 33cm ruột (…). Nhưng cuộc sống thì bình thường, tôi đang sống một cuộc sống bình thường ».
Viktor Orban, Thủ tướng Hungary
« Tôi không biết liệu tôi sẽ gặp ông ấy không. Tôi biết rằng các nhà chức trách sẽ đến chào đón tôi. Tôi không đến trung tâm Budapest, nhưng đến chỗ Hội nghị (Thánh Thể), và sẽ có một căn phòng nơi tôi sẽ gặp gỡ các Giám mục và sẽ đón tiếp các nhà chức trách sẽ đến. Tôi không biết ai sẽ đến. (…) Một trong những điều mà tôi có, đó là tôi không làm việc theo một kịch bản. Khi tôi ở trước mặt một người, tôi nhìn vào ánh mắt người đó và tôi để mọi thứ phát ra. Tôi không nghĩ trước sẽ nói gì với người ấy khi ở bên người ấy ».
Những tin đồn từ nhiệm
« Khi nào một vị giáo hoàng đau ốm, thì luôn có một cơn gió nhẹ hay một trận cuồng phong về mật viện hồng y thổi qua. (…) Tôi không biết họ đã đi tìm kiếm ở đâu trong tuần qua việc tôi sẽ từ nhiệm ! (…) Và họ nói rằng điều đó đã gây giật gân, đang khi thậm chí nó còn chưa xuất hiện trong tâm trí tôi. »
Afghanistan
Đức Thánh Cha xác nhận là « hợp pháp » việc Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan, sau 20 năm chiếm đóng, ngay cả khi « dư âm vang vọng trong tôi là một điều gì đó khác », hay đúng hơn sự kiện « để dân tộc Afghanistan cho số phận của họ ».
« Đó là một hoàn cảnh phức tạp (…) Theo những gì mà người ta có thể thấy, dường như tất cả các tình huống bất trắc đã không được tính đến, ở đây – không muốn phán xét. Tôi không biết liệu sẽ có sự xem xét lại hay không, nhưng chắc chắn đã có nhiều lừa dối từ phía các nhà chức trách mới ».
Ma quỷ
« Ma quỷ chạy khắp nơi. Nhưng những con quỷ mà tôi sợ nhất, đó là những con quỷ ngoan ngoãn. Những con quỷ bấm chuông cửa nhà bạn, xin phép bạn, vào nhà bạn, trở thành bạn bè của bạn… »
Đức Phanxicô và phóng viên Carlos Herrera
Hành động với tư cách giáo hoàng
« (Việc bầu chọn tôi) đã làm cho tôi ngạc nhiên, vì tôi đã đến (Rôma) với một cái vali nhỏ. (…) Nhưng tôi đã không sáng chế ra gì cả. Những gì tôi đã làm từ ban đầu, đó là cố gắng đưa vào thực hành những gì các Hồng y đã nói trong các cuộc họp tiền mật tuyển viện, vốn đã được diễn ra trước khi bầu vị Giáo hoàng tương lai. Vị Giáo hoàng tương lai phải làm điều này, điều này, điều này, điều kia… Và đó là những gì mà tôi đã bắt đầu thực hiện. Tôi nghĩ rằng còn nhiều thứ phải làm, nhưng tôi không sáng chế ra gì cả. Tôi vâng theo những gì đã được ghi nhận vào thời điểm đó. (…) Và trong Tông huấn Evangelii Gaudium, chương trình làm việc của tôi, tôi đã cố gắng tóm kết lại những gì chúng tôi, các Hồng y, đã từng nói vào thời điểm đó. »
Các khuyến nghị cho Bộ Truyền thông
Trong cuộc phỏng vấn này, Đức Thánh Cha cũng trở lại với chuyến viếng thăm ngày 24/5 ở Bộ Truyền thông và những lời nói với các nhân viên của truyền thông Vatican. « Đó có phải là một lời khiển trách ? », phóng viên hỏi. Đức Thánh Cha giải thích : « Phản ứng đã làm cho tôi vui cười ». « Tôi đã nói hai điều. Trước tiên, một câu hỏi : có bao nhiêu người đọc Osservatore Romano ? Tôi đã không nói liệu người ta đọc nó nhiều hay ít. Một câu hỏi. Tôi nghĩ rằng hỏi như thế là chính đáng, phải không ? Và câu hỏi thứ hai, thuộc chủ đề hơn, (tôi đã đặt câu hỏi đó) khi, sau khi đã nhìn thấy tất cả công việc mới của công đoàn, biểu đồ tổ chức mới, mang lại cho thực tế một giá trị chức năng hơn là hiện thực. Và tôi nói : với tất cả chức năng này, để hoạt động tốt, không được rơi vào chủ nghĩa chức năng. Chủ nghĩa chức năng là việc tôn thờ các biểu đồ tổ chức mà không quan tâm đến thực tại. Dường như ai đó đã không hiểu hai điều mà tôi đã nói này, hay có lẽ có ai đó đã không thích tôi, hay tôi không biết gì, và đã giải thích nó như là một lời trách cứ. Đó là một điều bình thường, đó là một câu hỏi và một lời cảnh báo. Vâng…Có lẽ một số người đã được nghe nói d diều gì đó, và…Tôi nghĩ rằng Bộ là rất hứa hẹn, chính Bộ có ngân sách lớn nhất của Giáo triều vào lúc này, và nó đang được điều hành bởi một giáo dân – tôi hy vọng rằng sẽ sớm có những Bộ khác được điều hành bởi một giáo dân nam hay một giáo dân nữ – và nó sẽ thành công với những cải cách mới mẻ. Nhật báo Osservatore Romano, mà tôi gọi là « nhật báo của đảng », đã có nhiều tiến bộ và nỗ lực văn hóa mà nó đang thực hiện là thật tuyệt vời. »
Cải cách Giáo triều
« Tông hiến « Praedicate Evangelium » đang được biên soạn, và giai đoạn cuối cùng là những gì tôi đang đọc. Tôi phải đọc nó bởi vì tội phải ký và phải đọc từng từ một. Nó sẽ không mang lại điều gì mới mẻ so với những gì chúng ta đang thấy hiện nay. Có lẽ một vài chi tiết, một vài thay đổi ở các Bộ đang còn lẫn lộn, thêm hai hay ba Bộ nữa, nhưng điều đó đã được thông báo rồi : chẳng hạn, Bộ Giáo dục sẽ kết hợp với Văn hóa. Propaganda Fide (Bộ Truyền bá đức tin) sẽ kếp hợp với Bộ Tân Phúc Âm hóa. Điều đó đã được thông báo. »
Vụ việc ĐHY Becciu
« Mọi chuyện đã bắt đầu từ hai đơn khiếu nại của những người làm việc ở Vatican và đã thấy một sự bất thường trong khuôn khổ chức năng của họ. Họ đã đệ đơn khiếu nại và đã xin tôi làm gì đó. Tôi đã nói với họ : nếu bạn muốn tiến triển, bạn phải đệ đơn lên công tố viên. Có chút khó khăn, nhưng đó là hai người tốt, họ hơi rụt rè e sợ và để khích lệ họ tôi đã đặt chữ ký của tôi dưới chữ ký của họ. Như muốn nói : Chính như thế, tôi không sợ sự minh bạch hay sự thật. Đôi khi, nó làm cho đau, rất đau, nhưng sự thật là những gì giải thoát chúng ta. (…) (ĐHY Becciu) được xét xử theo luật lệ của Vatican. (…) Tôi ước mong hết lòng là ngài vô tội. Vả lại, ngài là một trong những cộng tác viên của tôi và đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Đó là một người mà tôi dành một sự kính trọng nào đó với tư cách là một nhân vị (…). Từ nay, chính tào án sẽ quyết định. »
Tự sắc « Traditionis Custodes »
« Tôi không phải thuộc loại người đập bàn đập ghế, điều đó không giống tôi. Đúng hơn tôi rụt rè. Câu chuyền về “Traditionis Custodes” thì dài. Trước tiên, khi thánh Gioan-Phaolô II, rồi Đức Bênêđíctô XVI, với tự sắc “Summorum Pontificum”, đã mở ra khả năng mà ta có thể cử hành thánh lễ với sách lễ của Đức Gioan XXIII (trước sách lễ của Đức Phaolô VI, hậu công đồng) cho những người mà họ không cảm thấy thoải mái trong phụng vụ hiện nay, hay đã có một hoài niệm nào đó…Và điều đó, đối với tôi, là một trong những điều mục vụ đẹp đẽ và nhân bản nhất của Đức Bênêđíctô XVI, vốn là một người nhân bản sâu xa. Và mọi sự đã khởi đầu như thế. Ba năm sau, ngài đã nói rằng cần phải có một lượng giá. Một sự lượng giá đã được thực hiện và dường như mọi sự tốt đẹp. Và nó đã tốt đẹp. Từ đó, mười năm đã trôi qua (tức là 13 năm kể từ khi ban hành) và năm vừa rồi, chúng tôi, cùng với các vị hữu trách của Bộ Phụng tự và Bộ Giáo lý Đức tin, đã cho rằng nên có một cuộc lượng giá khác của tất cả các Giám mục trên thế giới. Điều đó đã được thực hiện, và đã mất cả năm. Tiếp đến, điều đã được nghiên cứu và những gì nổi bật nhất là những gì đã được áp dụng để giúp đỡ về mặt mục vụ cho những người đã trải qua một kinh nghiệm trước đó lại đang biến thành một ý thức hệ. (…) Vì thế, cần phải phản ứng với những quy tắc rõ ràng. Những quy tắc rõ ràng áp đặt những giới hạn cho những người đã chưa trải qua kinh nghiệm này.”
Các chuyến tông du
“Trên nguyên tắc, lịch trình của tôi là đến Glasgow. Tất cả đều tùy thuộc và tôi cảm thấy mình như thế nào vào lúc đó. Nhưng, trên thực tế, diễn văn của tôi đang được chuẩn bị và cả chương trình nữa. (…) Cho đến nay, sự chọn lựa của tôi liên quan đến Châu Âu đã là tông du nơi các nước nhỏ. Trước tiên là Albania, rồi các nước nhỏ khác. Bây giờ, Slôvakia nằm ở lịch trình, rồi sẽ có đảo Síp, Hy Lạp và Malta. Tôi đã muốn thực hiện sự chọn lựa này: trước tiên các nước nhỏ nhất. Tôi đã đến Strasbourg nhưng tôi đã không đến Pháp. Tôi đã đến Strasbourg vì Liên hiệp Châu Âu”.
Trung quốc
Trung quốc không phải là (một chủ đề) dễ dàng, nhưng tôi tin rằng không được bỏ rơi việc đối thoại. Ta có thể sai lầm, ta có thể có những hiểu lầm, … nhưng đó là con đường (phải theo). Việc đóng cửa không bao giờ là một con đường. Cho đến hiện nay, những gì đã được thực hiện ở Trung quốc, ít ra đó là đối thoại…điều cụ thể như việc bổ nhiệm Giám mục mới, chậm rãi… (…) Nhân vật quan trọng giúp và gợi hứng cho tôi là Đức Hồng y Casaroli. ĐHY Casaroli là một người được Đức Gioan XXIII giao trách vụ xây dựng những chiếc cầu với Trung Âu. Có một cuốn sách rất hay, “Le marteau de la patience” (Chiếc búa của sự kiên nhẫn), trong đó ngài kể một chút về kinh nghiệm của mình ở đó. (…) Và từng bước nhỏ xây dựng những chiếc cầu. (…) Ngày nay, cách này hay cách khác, chúng ta phải theo đuổi những con đường đối thoại này từng bước một trong những hoàn cảnh xung đột nhất.”
Việc hợp pháp hóa an tử
“Chúng ta đang sống một nền văn hóa vứt bỏ. Những gì vô ích thì bị vứt bỏ. Những người già bị coi như vật liệu dùng xong thì bỏ: họ gây khó chịu. Không phải tất cả mọi người, nhưng trong sự vô thức tập thể của nền văn hóa vứt bỏ, người già…các bệnh nhân giai đoạn cuối đời cũng thế…”
Phá thai
“Trong tất cả các sách giáo khoa về phôi học mà người ta cho sinh viên y khoa, có viết rằng tuần thứ ba sau khi thụ thai, thậm chí đôi khi trước khi người mẹ nhận ra [rằng mình mang thai], tất cả các cơ quan của phôi thai đã được bắt đầu rồi, ngay cả AND. Đó là một sự sống. Một sự sống nhân linh. Một số người nói : « Đó không phải là một con người ». Nhưng đó là một sự sống nhân linh ! Như thế, đối diện với sự sống nhân linh, tôi đặt hai câu hỏi : có hợp pháp để loại bỏ một sự sống nhân linh để giải quyết một vấn đề không, và có đúng đắn/công bằng để loại bỏ một sự sống nhân linh để giải quyết một vấn đề không ? Câu hỏi thứ hai : Có đúng đắn/công bằng khi thuê một kẻ giết mướn để giải quyết một vấn đề không ? »
Di dân
« Có bốn thái độ đối với người di cư : đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập. Tôi đi đến cùng : nếu ta đón tiếp họ nhưng ta bỏ rơi họ, không hội nhập họ, họ là một mối nguy, vì họ cảm thấy mình xa lạ. (…) Ta phải làm thế nào để người di cư được hội nhập và vì thế, cần thiết phải đón tiếp họ, nhưng bảo vệ họ và thăng tiến họ, giáo dục họ…. Thứ hai (…) : các nước phải rất trung thực với chính mình và xem bao nhiêu người di cư và đến con số nào họ có thể chập nhận. Vì thế, việc đối thoại giữa các quốc gia là quan trọng. Vào thời đại chúng ta, vấn đề di cư không được giải quyết chỉ bởi một nước. (…) Và rồi cũng có một thực tại khác cần phải lưu tâm, liên quan đến di dân. Tôi đã từng ám chỉ điều đó nhưng tôi lặp lại lần nữa: đó là thực tại về mùa đông dân số. Ý có những ngôi làng hầu như trống không. »
Cuộc sống ở Vatican
« Người đã lén ra ngoài để trượt tuyết là thánh Gioan-Phaolô II. Cách (Rôma) khoảng một giờ, có một đường trượt tuyết (…). Nhưng một ngày nọ, khi ngài xếp hàng để trở lại (đỉnh đường trượt tuyết), một cậu bé nói với ngài: “Đức Giáo hoàng!” Tôi không biết làm thế nào cậu bé đã khám phá ra ngài. Và ngài đã lập tức quay lại, và cố gắng đề phòng hết sức có thể. (…) Tôi rất thích đi bộ trên đường phố, tôi rất thích, nhưng tôi phải nhịn, vì tôi không thể đi bộ mười mét.”
Hội nghị ở Đức : « Tôi sẽ không quá nghiêm trọng »
Phóng viên người Tây Ban Nha hỏi Đức Thánh Cha liệu ngài có mất ngủ khi nghĩ đến Hội nghị ở Đức không. Đức Thánh Cha trả lời rằng ngài đã gởi một lá thư – mà ngài đã mất một tháng để viết – trong đó ngài diễn tả tất cả những gì ngài cảm nhận về tiến trình hội nghị này. « Tất cả đều ở đó », ngài nói. Trước sự nài nỉ của phóng viên về làn gió nổi loạn ở Đức, Đức Thánh Cha đã trấn an. « Vâng, nhưng tôi cũng không quá nghiêm trọng. Không hề có ý xấu nơi nhiều Giám mục mà tôi đã nói chuyện. Đó là một ước muốn mục vụ, nhưng có lẽ không tính đến một số điều mà tôi giải thích trong lá thư và phải được lưu tâm ».
Tý Linh
(theo nhật báo La Croix và Aleteia , vatican news)
Xem thêm phỏng vấn ở đây.
Tags: Di dân, Phá thai, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO